Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Hiện tượng khóc lãnh tụ

Thế giới CS có điều khác biệt với thế giới tư bản là hiện tượng “toàn dân khóc lãnh tụ” thảm thiết. Khi xưa, ngày Joseph Staline qua đời, hàng triệu người dân Liên Xô đã tụ tập ở Công Trường Đỏ, để tiễn đưa lãnh tụ. Và cảnh tượng chen lấn nhau tới gần khán đài, đã khiến hàng trăm người chết và bị thương. Khi Mao Trach Đông qua đời năm 1976, đã có cả biển nước mắt tại Quảng trường Thiên An Môn, và ít năm sau đó, hàng trăm ngàn sinh viên TQ cũng tụ họp ở nơi này để đòi dân chủ hóa đất nước. Khi Hồ Chí Minh chết năm 1969, thì hiện tượng “toàn dân khóc bác Hồ” đã được đảng CS khuếch đại, làm vũ khí tuyên truyền. Cho tới năm 1975, các cán bộ CS, khi có dịp nhắc tới cái chết của HCM thì vẫn còn bày tỏ sự xúc đông bằng lời nói nghẹn ngào, run run. Màn kịch này người dân miền Nam rỉ tai nhau là…nước mắt cá sấu. Ngày Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) vừa chết, thì giới truyền thông Bắc Hàn đã mau mắn đưa lên những tấm hình dân chúng khóc lóc thảm thiết.
Những người khóc gồm cả nam, phu, lão ấu, đủ mọi tầng lớp trong xã hội, quân sự cũng như dân sự, không trừ một ai. Mọi người đều sầu thảm, khóc lóc thảm thiết như người ruột thịt vừa mới qua đời. Có người mặt chan hòa nước mắt, miệng mếu xệch, có người nhắm chặt hai mắt, che miệng bằng cái khăn tay. Có người vật vã đấm tay vào tường, có người đưa cả hai tay lên trời, ra điều thất vọng. Mỗi người biểu lộ đau thương môt cách khác nhau, nhưng tựu chung đều bày tỏ sự thương tiếc lãnh tụ Kim Chính Nhật.
Điểm đáng nói là những hình ảnh khóc lóc của dân chúng Bắc Hàn đựợc trình bày một cách tự nhiên và công khai trước ống kính của giới truyền thông. Điều đó làm cho người xem thắc mắc, là tại sao mọi người lại có thể khóc lóc tập thể một cách thảm thiết cho cái chết của một lãnh đạo không hề đem lại cơm no, áo ấm cho họ. Không biết họ khóc thật hay khóc giả đây?
Khóc, cười là những cách diễn tả tình cảm trong thất tình lục dục của con người. Khi vui thì cười, khi buồn thì khóc, là những phản ứng tự nhiên. Tuy nhiên, khóc cười có thể tự điều khiển được. Và đó là.. đóng kịch. Khi nghe một câu chuyện khôi hài vô duyên, mọi người đều cố cười vì lịch sự. Khi tham dự một đám tang, người ta cũng mặt mày ủ rũ, mặc dầu không hề quen biết người quá cố.
“Hiện tượng khóc lãnh đạo” được giải thích là do chính sách tôn sùng và đánh bóng lãnh đạo một cách tinh vi của hệ thống truyền thông và kỹ thuật tuyên truyền của các nước CS. Các lãnh tụ được tôn vinh ngang với những vị thánh thần, chỉ có ưu điểm mà không hề có khuyết điểm. Kim Chính Nhật có một đời sống cá nhân rất đế vương và xa hoa, nhưng dân chúng Bắc Hàn chỉ biết Kim Chính Nhật như một lãnh tụ tài ba, đạo đức, và hy sinh cho dân tộc Triều Tiên. Người đầu bếp Nhật Bản Kenji Fujimoto đã từng phục vụ cho Kim Chính Nhật, viết hồi ký, kể chuyện Kim Chính Nhật được phục vụ bằng các thực phẩm đặc sản quốc tế như thịt heo Đan Mạch, bia Tiệp Khắc, đồ biển Nhật,
chuối Thái Lan… Kim Chính Nhật có một hầm rượu rộng mênh mông với cả chục ngàn loại rượu vang qúy trên thế giới, có một phòng chiếu phim chứa mấy chục ngàn cuốn phim, có một bày chó quý, được nuôi dưỡng bằng những thức ăn vô cùng tốn kém. Trong khi đó, người dân Bắc Hàn chỉ có khẩu phần lương thực khiêm nhượng, đến nỗi . nhiều người đói quá, phải đào rễ cây, hay bóc vỏ cây để ăn thêm.
Cũng như ở VN, người dân Bắc Hàn đều phải treo hình lãnh tụ trong nhà để suy tôn và học tập. Hệ thống truyền thông thì ra rả gọi kim Chính Nhật là “Lãnh tụ kính yêu”, “cha già dân tộc”, “Đồng chí vĩ đại”, “Ngôi sao sáng của đỉnh Bạch đầu Sơn”. Những hoạt động của Kim Chính Nhật đều được khuếch đại và tâng bốc là một lòng phục vụ cho đất nước và hy sinh cho dân tộc Triều Tiên.
Người dân Bắc Hàn từ khi sinh ra, tới lúc trưởng thành, chỉ thấy hình ảnh và công ơn của lãnh tụ, không hề có cơ hội mở rộng tầm mắt để so sánh với thế giới bên ngoài, hay được nghe những lời phê bình, chỉ trích lãnh tụ. Đó là do kiểm duyệt và tuyên truyền bưng tai bịt mắt. Một gia đình họ Kim điều khiển guồng máy chính quyền theo kiểu “cha truyền con nối” cũng chẳng làm ai thắc mắc.
Ngày qua ngày, những tuyên truyền về công ơn lãnh tụ in sâu vào đầu óc của họ, không hề có đối kháng, khiến cho họ thấy hiển nhiên là một sự kiện có thực. Bởi vậy, hiện tượng khóc lãnh tụ qua đời, cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Tuy nhiên không phải 100% những người khóc đều vì thương tiếc lãnh tụ. Có nhiều người khóc vì hoàn cảnh của họ… cần phải khóc. Các cán bộ cấp cao, nếu không khóc, thì không biểu lộ được lòng thương tiếc lãnh tụ, và trung thành với chế độ. Và hậu quả là quyền lực và địa vị của họ sẽ bị lung lay. Họ cần khóc để bảo vệ quyền lợi cho họ.Cho nên, hiện tượng “khóc lãnh tụ” tại Bắc Hàn có nguyên nhân…muôn mặt.
Ở VN cũng không khác. Nhiều người đã nói nếu HCM qua đời vào thời điểm này, thì số người khóc lãnh tụ chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì bộ mặt thật của HCM đã bị phơi bày ra ánh sáng. Và những năm tiếp đây, khi Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng qua đời, thì không còn có màn “nhân dân khóc lãnh tụ “ nữa, mà được thay thế bằng những tiếng lốp bốp, mở champagne ăn mừng vì những kẻ bán nước đã vĩnh viễn ra đi.
Trương Vĩnh Khôi
12/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét