Võ Đình
Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, con người di chuyển liên tục và xa xôi như trong thời gian từ thế chiến thứ hai đến nay. Tự ý di chuyển cũng lắm, mà bị bắt buộc di chuyển, vì cớ này hay cớ khác, cũng nhiều. Ai là kẻ trong chúng ta sinh ra, lớn lên, suốt đời sống tại một nơi đến ngày tóc bạc, đến ngày về với cha ông?
Cách biệt thì nhớ thương, nhớ thương thì lý tưởng hoá cái mình nhớ thương; câu “chốn quê hương đẹp hơn cả”, chắc nhiều người chưa quên. Chúng ta nhớ về quê hương, nói về quê hương, viết về quê hương, mộng mị, ao ước về quê hương. Nhưng không phải ai cũng nghĩ về quê hương một cách như nhau. Thương nhớ có nhiều khuôn mặt, nhớ thương có độ nông sâu. Tuy vậy, tất cả cùng chia sẻ một cái đau chung: đó là ý thức, hoặc còn mịt mù, hoặc đã sáng tỏ, của một nỗi hoang vu khôn tả ẩn náu chui rúc trong hang cùng ngõ hẻm của tâm thần mọi người.
Không gian rạn nứt vụn vặt, thay vì đều đặn tròn đầy. Thời gian thiếu hụt vá víu thay vì uyển chuyển luân lưu. Chúng ta đau cái bệnh thời-không gian què quặt đó mà lắm lúc lại không ngờ, cứ tưỏng rằng đó chỉ là cái đau tình tự, cái nợ máu mủ.
Nếu không gian là thực tại bên ngoài thì thời gian là thực tại bên trong. Nhưng “trong” và “ngoài” chỉ là một cách nói, vì ai đâu biết thật có trong, có ngoài. Cũng như làm gì có bên kia, bên này, hay trước kia, bây giờ. Chỉ lúc nào chúng ta nhìn thấy sự thật đó, và hoàn toàn chấp nhận nó, khi ấy chúng ta mới hòng hết bệnh. Lúc đó, đau thương vẫn còn, vì chúng ta vẫn còn tình yêu và trách nhiệm. Nhưng đôi nạng gỗ của một thời-không gian đui điếc, chúng ta có can đảm vất bỏ chúng đi để đứng lên nhìn rõ mặt thực tại hiển hiện sáng lòa. Tôi càng thấm thía điều đó mỗi khi nghĩ đến ông Th., một ngưòi bạn.
***
Bạn tôi năm nay suýt soát bốn lăm, sinh trưởng ở Thừa Thiên. Mới mười mấy tuổi đầu, vì hoàn cảnh chung cũng như riêng, anh phải xa xứ sang Âu châu. Một thời gian, vừa đi học vừa đi làm. Có dạo, anh theo học kiến trúc. Rồi loay hoay thế nào anh lại lấy vợ sinh con; bỏ chuyện vẽ hoạ đồ, xoay ra dịch thuật lăng nhăng vì anh khá ngoại ngữ, Hoa, Anh, Pháp. Ngày tôi gặp anh lần đầu tiên, anh giữ chân đọc duyệt bản in cho một nhà xuất bản nhỏ ở Michigan. Ở Mỹ, một vợ, bốn con, mà làm proofreader, anh không đến nỗi đói lạnh nhưng thường túng thiếu. “Vong bần lạc đạo, anh!”, anh nói một cách vui vẻ tự nhiên như thể ta nói “Ta vào ăn cơm đi, anh!” Tôi bắt đầu thật mến anh từ cái câu nửa đùa nửa thật mà có ý tự trào đó.
Ngót một phần tư thế kỷ từ ngày Th. rời quê hương, đã vợ con một đoàn, đã “lê bước chân lưu lac”” nhiều nơi khắp thế giới, anh mới có cơ hội và phương tiện về thăm nhà. Nhưng chỉ được về thăm một thời gian ngắn, rồi lại phải ra đi. Một năm sau ngày Th. xuất ngoại lần thứ hai, miền Nam thay ngôi đổi chủ. Và hiện nay, như tôi, cũng như số lớn Việt kiều, anh đành cam phận ăn gửi nằm nhờ đất khách. Chỉ có điều là trường hợp anh Th. rất khác với nhiều người hiện nay: anh đã đi xa, đi lâu, thật lâu, và anh đã quay về, rồi anh đã đi lại. Tuy vậy, những chuyến đi của anh trong không gian quả chẳng có gì đáng kể lắm. Chính những chuyến đi của anh trong thời gian mới thật là hãn hữu.
Ở xa nhau hàng ngàn cây số, chúng tôi thường có thư từ đi lại. Lá thư nào của Th. cũng có điểm một vài tình tiết, nhận xét khác thường. Chúng khêu gợi, đùa giỡn với óc tò mò của tôi. Tôi biết đó là một mánh lới hữu hiệu của anh cốt để rủ rê tôi lên chơi thăm bạn và gia đình bạn. Cuối năm 1977, có việc lên miền Bắc, tôi lặn lội về một vùng ngoại ô thành phố Detroit. Lá vàng mùa thu đã rụng hết mà tuyết băng mùa Ðông chưa về, trời đất tiêu điều cằn cỗi, vô cùng lạnh lẽo.
Tay nâng niu chén trà bốc khói, Th. nói: ‘Nhớ những năm đầu thập niên sáu mươi, dừng chân ở San Francisco. Trong thời gian hơn hai năm trời lưu lại đó, tôi bị ám ảnh ngày đêm bởi một chiếc vòng! Như một chiếc vòng đàn bà đeo tay. Khổ nỗi, nó không tròn trịa, nó có một khe hở, một khoảng cách chưa được hàn lại, nối lại. Chiều chiều tôi ra đứng ở bờ biển, nhìn Thái bình dương, nhìn về quê nhà mịt mù bên kia khói sóng…
“Quê nhà xa lắc xa lơ đó,
Trông lại tha hồ mây trắng bay…”
“Anh còn nhớ mấy câu này của Nguyễn Bính không? Tôi nghĩ chỉ ngày nào tôi được về nước, về lại thành phố cũ, về lại vườn nhà cũ, chiếc vòng đó mới vẹn tròn, lành lặn. Một thực tại nào đó mới tròn đầy, no nê. Phải chăng vì tôi ra đi từ lối Ấn độ dương, qua Ðịa trung hải, sang Âu châu. Rồi từ đó nhẩn nha đi nhiều nơi khác, để rồi vượt Ðại tây dương, sang Hoa kỳ, rồi lần mò từ Nữu ước sang miền cực tây, California. Chiếc vòng ám ảnh tôi là hình ảnh rộng lớn, trấn áp của vòng tròn trái đất chăng? Và Thái bình dương là cái khoảng cách còn lại, chưa đươc hàn gắn? Cái khoảng cách vĩ đại đó, trong tâm thần tôi, đã thu nhỏ lại thành một khoảng cách tí ti, còn chia lìa chiếc vòng tròn; ngày đêm nó áp bức tôi, nó kèn cựa tôi, làm cho tôi vất vả, nóng ruột, nóng gan. Khi mơ cũng như khi tỉnh, có lúc tôi tưỏng mình có thể dang tay kéo hai điểm cách nhau đó lại gần, gần hơn, để chúng dính lại với nhau… Bao nhiêu sinh lực của tôi như cứ ứ đọng vào cái khe hở của chiếc vòng mà rỉ rả thấm ra ngoài. Chẳng khác gì một vết thương xoàng, không hề hấn gì, mà máu trắng cứ đều đặn ứa ra, chẳng có cách cầm lại được.”
“Không trừ khử được chiếc vòng ma quái đó, tôi đã phải rời bỏ miền Tây – vốn là nơi khí hậu ấm áp dễ chịu – về lại miền Ðông. Nhưng chiếc vòng nó đâu tha tôi một cách dễ dàng như vậy! Có phải cứ chạy trốn nó là nó quên mình đâu! Trong mười năm trời, nó tiếp tục theo đuổi, phá phách tôi, và tôi đã mệt mỏi vì nó không ít. Nhưng rồi cái việc phải xảy ra đã xảy ra: có cơ hội về nước, tôi thu xếp về ngay.”
“Tôi về! Tôi về từ giờ phút phi cơ sắp vào không phận Việt nam. Cúi đầu nhìn xuống dưới xa, tôi không khỏi lẩm bẩm cái câu trong Quốc văn Giáo khoa thư, “hình cong như chữ S… trên Bắc kỳ và dưới Nam kỳ thì phình rộng ra, ở giữa Trung kỳ thì thu hẹp lại…”. Tối 29 Tết, sau một phần tư thế kỷ, tôi lại ngủ tại Sài gon”, ở nhà anh bạn, một xóm lao động. Sau một thời gian đằng đẵng, tôi lại được nghe tiếng chó sủa giữa khuya –chó sủa ban đêm giữa một đô thị lớn nhất nước! -- tiếng gà gáy mờ sáng, tiếng cụ già hàng xóm húng hắng ho… Trời chưa sáng, tôi đã dậy đứng ở cửa sổ. Anh bạn cũng dậy theo, và hai chúng tôi im lặng đứng nhìn mấy lá dừa lắt lay bên kia bức tường nát. Có tiếng xích-lô máy nổ xa xa… Bỗng nhiên tôi khẽ cười: chiếc vòng ma quỉ đó, đâu có cần phải liền! Vì đâu có chuyện vòng với nhẫn, chia với lìa. Tôi nhíu mày nghĩ đến chiếc vòng, cố tưởng tượng ra nó, xem thử cái khoảng cách đó có còn hay không. Nhưng tôi không thấyơng2 nát, ngọn dừa lắt lay, tiếng khạc đờm lúc mờ sáng của cụ già chưa bao giờ gặp mặt… Bấy nhiêu thứ đó quả thật là quê hương, và ở quê hưong, chiếc vòng ma quái đã tan biến như sau một cơn ác mộng, ta tỉnh giấc, sờ chăn chiếu, thấy vẫn còn ấm áp trong tay. Tôi nghĩ rằng chiếc vòng sẽ không bao giờ trở lại phá phách tôi nữa.
Tôi đã lầm to. Ngây thơ quá!”
Th. vừa nói vừa xoa chân, xoa xoa rồi vỗ vỗ, đầu gối rung rung. Trời khá lạnh, nhưng chẳng những không đi giày trong nhà, anh cũng không mang bí tất. Anh ngồi để hai chân lên ghế, xếp bằng lối bán-kiết già, xoa xoa vỗ vỗ lòng bàn chân trái để ngửa ngay ngắn trên đùi phải. Tôi không khỏi mỉm cưòi nhớ đến lối ngồi của ông bác tôi trên tấm ngựa lim, ở nhà thờ trên làng. Tôi hỏi: “Anh nói anh lầm. Lầm thế nào?”
Th. nhìn tôi một lúc lâu, mắt hơi xa xôi, như thể không trông thấy tôi. Rồi anh khẽ lắc đầu, cười như tự chế nhạo, tia mắt gần gũi hơn:
“Ấy, lầm to, anh! Ðể tôi nói tiếp anh nghe. Sáng hôm sau, tôi bay ra Huế, nơi tôi sinh trưởng, nơi tôi nhớ thương suốt hai mươi mấy năm trường. Ðoàn tụ với đại gia đình, với hàng xóm láng giềng… Với cây mai trước sân, với bụi chanh sau nhà… Trời, đến nay đã bốn năm qua mà tôi còn bàng hoàng, đê mê sung sướng về những buổi đoàn tụ ấy. Tôi đã đi xa Huế, và tôi đã về với Huế. Hai mươi bốn năm sau, gần một phần tư thế kỷ! Tôi đã quay lại trong không gian cũ, nhưng tôi không ngờ một việc hết sức kỳ quặc lại xảy ra cùng một lúc: Tôi cũng đã quay lại trong thời gian. Ấy, xin anh để tôi. Nghe có vẻ “cải lương” quá nhỉ!”
Th. khoát tay: “Không phải như anh tưởng đâu! Chúng ta thưòng nói “ngược dòng thời gian”. Ðó chỉ là một cách nói. Chỉ có nghĩa là thả trí nhớ về quá khứ, mặc cho nó lang thang đi về đâu thì đi, hoặc chỉ thị cho nó phải về đúng một đoạn đường nào đó. Ðến lúc không muốn nhớ lại nữa thì gọi trí nhớ về, bắt nó về hiện tại. Không, tôi không nói chuyện đi ngược, đi xuôi đó. Tôi cũng không nói chuyện đi ngược thời gian kiểu “khoa học giả tưởng”, kiểu science-fiction! Chính tôi, chúa mê truyện, tôi cũng chẳng thích đọc những tiểu thuyết loại này, mặc dù có những nhà văn rất tài ba chuyên viết trong địa hạt đó. Sự thật là từ ngày tôi quay về chốn cũ, những sợi râu, sợi tóc đã bạc của tôi vẫn cứ bạc, chứ không xanh lại, hay biến mất. Lưu Nguyễn nhập và xuất Thiên Thai, cũng là một thứ science-fiction, anh đồng ý chứ? Không có chuyện ấy với tôi, không.”
“Thế là tôi về nhà cũ đúng 30 Tết anh ạ. Một sự trùng hợp ngộ nghĩnh! Hai mươi bốn năm về trứoc, tôi cũng đã về nhà sau một thời gian khá dài vắng mặt, đúng vào tối 30 Tết. Xin anh cho phép tôi gác qua một bên những lý do làm sao, năm ấy, tôi, một thiếu niên dưới 20, lại vắng nhà cho đến tối 30 Tết mới về. Những lý do ấy là thứ yếu. Ðiều quan trọng là tôi đã về nhà hai lần, cùng vào tối 30 Tết, hăm bốn năm trước, rồi hăm bốn năm sau. Thời gian, anh hiểu cho, thời gian đằng đẵng giữa hăm bốn năm đó, tôi đi xa, không những xa Huế, mà xa cả quê hương…”
“Tối đó, tối 30 Tết khi tôi về nhà lần thứ hai, tôi ra cúng ngoài trời với thầy mẹ tôi. Anh quê ở Thừa Thiên,hẳn anh còn nhớ rõ những đêm thiết bàn trải khăn, bày lư đèn hoa quả, cúng ngoài trời. Hương trầm ngào ngạt, bay từ vườn nhà này sang vườn nhà kia! Trong khung cảnh trang nghiêm u huyền, trời gần đất, đất gần người đó, tôi mặc chiếc áo dài đen sờn tay của thầy tôi, chỉnh tề đứng lạy trước bàn thờ lộ thiên. Bỗng nhiên, tôi oà ra khóc. Trời! Ước ao năm mười năm tôi lại được khóc một trận như thế. Khóc như mưa! Thời buổi này, một gã đàn ông trên bốn mươi, lưu lạc đã lâu, về tới nhà cũ, tìm lại được cha mẹ già, tìm lại được cây chanh cây mít trong vườn, được một diễm phúc to lớn, hiếm hoi như vậy, mà hắn ta khóc um lên! Không có gì diễn tả nổi trận khóc của tôi đêm đó bằng cái câu tầm thường đã bị lạm dụng quá nhiều:nước mắt tôi tuôn ra như suối! Tôi khóc đến nỗi ngã khuỵu xuống chiếu thờ. Thầy mẹ tôi lật đật dìu tôi dậy. Thầy tôi đã ngoài bảy mươi, tóc bạc như cước nhưng còn rất quắc thước, ôm lấy tôi, vỗ về không nói. Tôi khóc ướt đẫm cả vai áo người. Mẹ tôi cầm tay tôi. Tôi nghe tiếng mẹ nói như gió thoảng: “Chắc con hắn mấy chục năm ni có khi mô mà khóc được rứa! Ôn cứ để con hắn khóc cho thoả…Mấy khi…” Rốt cuộc, tôi hết khóc, cố mỉm cưòi mà nước mắt thì ràn rụa. Mẹ tôi nói tiếp : “Ðó ông thấy chưa, con hắn khóc no rồi đó, cái thằng ni thiệt là…” Rồi người quay về phía nhà dưới, gọi đứa cháu: “Bưng cậu chén nước, lẹ con!”
“Cái trận mưa nước mắt của tôi thật bất ngờ, làm cho buổi lễ có phần ngỡ ngàng. Thầy tôi thắp thêm hương, lẩm nhẩm khấn, cúi lưng vái dài, rồi cùng mẹ con tôi quay vào nhà. Khuya đó, đêm ba mươi, sau khi mọi người đã đi ngủ, tôi nằm, thao thức. Cả con người tôi bồn chồn, như nôn nóng, như chờ đợi. Tôi biết có sự bất thưòng sắp xảy ra, và tôi nghe ngóng từng giây phút bước đi rõ rệt của nó. Như khi một trận bão lớn sắp đến, ta lắng tai nghe tiếng gió rầm rộ ào ào từ xa, mỗi lúc mỗi lại gần. Tiếng chuông treo tường điểm ba giờ sáng (cũng cái chuông ấy tôi đã từng nghe ngày nghe đêm hai mươi bốn năm về trước), sự bất thường ấy đã xảy ra: bỗng nhiên tôi thấy ớn lạnh. Và tôi nhận thức rõ ràng, trong một khoảnh khắc, tôi đang vượt qua ranh giới của một thực tại nào đó: về lại đúng vị trí cũ trong không gian, tôi đang đi ngược chiều thời gian. Tôi thấy rõ ràng hai cái thực tại cũ, mới của tôi xích lại gần nhau, như khi chụp ảnh ta vặn cái nút điều chỉnh khoảng cách giữa đối tượng và ta, với kết quả là hai hình ảnh so le, mập mờ trong mắt kính từ từ nhập lại với nhau thành một hình ảnh độc nhất, rõ ràng, sắc sảo. Nỗi kinh hoàng tràn ngập trong tôi. Tôi ý thức rõ rệt là trận khóc như mưa ban tối, trước bàn thờ trời đất, đã xối rửa quét sạch tâm thần tôi, và bây giờ toàn diện con người tôi trống huếch trống hoác, như căn nhà vô chủ, chờ đợi một giòng thác lũ khác kéo đến làm tràn đầy mọi cứ điểm nhận thức.”
“Việc đó xảy ra trong giây phút: tôi là tôi, mà tôi không còn là tôi nữa. Râu tóc tôi đã có nhiều sợi bạc. Nhưng con ngưòi toàn diện của tôi khi đó lại là của một thời gian đáng lẽ đã qua rồi và không bao giờ trở lại. Sự kiện cha mẹ tôi bây giờ đã già yếu, tóc hai người đã bạc phơ chứ không đen xanh như ngày tôi ra đi; sự kiện em gái tôi, một nữ sinh tóc xoã ngang vai, nay đã trở thành một người đàn bà đứng tuổi với nét mặt lo buồn; sự kiện ngày tôi ra đi, cành mai nhỏ mới gầy trước sân, nay đã sum suê hoa lá một gốc mai già… Những sự kiện đó, tôi công nhận, hoàn toàn có một thực tại trong thực tại lúc đó. Nhưng chúng chỉ là những thực tại tách lìa, từng mảnh, không gây một trở ngại gì cho tôi cả trong nhận thức toàn diện của tôi. Nói cách khác, cái tôi của hăm bốn năm trước đã thấy cha mẹ, chị em, cây mai vàng, v.v… của hăm bốn năm sau. Và cái tôi của bây giờ lại đang thấy cha mẹ, chị em, cây mai vàng, v.v… của hăm bốn năm trước. Xin anh hiểu cho: tôi không nói tôi có cảm tưởng mình lại trở thành đứa thiếu niên của ngày tháng xa xưa. Tôi muốn nói rằng tôi lại trở thành đứa thiếu niên đó. Mặc dù râu tôi vẫn còn đó, với nhiều sợi đã bạc. Mặc dù tôi còn nhớ rõ rệt chuyến đi về, giờ phút tái ngộ, buổi lễ ngoài trời đầy hương trầm và nước mắt… Mặc dù tất cả, tôi đã lại trở thành đứa thiếu niên của hăm bốn năm trước. Như thể một phần tư thế kỷ đó không có, không bao giờ trôi qua.”
“Không phải là tôi mất hẳn quá khứ đó, như trường hợp đặc biệt của một số người, vì một xúc động quá lớn, hay sống sót sau một tai nạn quá kinh khủng, bỗng nhiên quên mất quá khứ, đến nỗi không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu, v.v… Không, không phải vậy. Tôi còn nhớ kỹ tất cả những gì thay đổi trong thời gian. Ðiều tôi quên đi chính là thời gian của những thay đổi ấy. Tôi có cảm tưỏng rõ rệt là cuộc đời của tôi có một khoảng trống lớn: đó là hai mươi bốn năm tôi đã sống ở hải ngoại. Hình ảnh một giòng sông đến ngay với tôi: phát xuất từ nguồn, giòng sông tuần tự chảy về đồng bằng, bỗng nhiên dừng lại! Hết sông! Thay vì cạn dần, rỉ rả trở thành suối, thành ao, thành hồ. Rồi hết. Ðằng này, không, nước sông đột ngột dừng lại, dựng đứng như một bức thành, phẳng lì từ trên xuống đáy. Nước đã quay lui. Nước đã trở về nguồn…!”
“Ðể tôi quay lại chuyện tối 30 Tết. Giường tôi kê ở nhà trên, chênh chếch bên chái hữu, cách bàn thờ chừng năm, sáu bước. Ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn bỏng trên án đủ cho tôi thấy lờ mờ cột nhà, và những đốm xà cừ lấp lánh của cặp liễn khảm mấy câu thơ Trương Kế, “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hoả đối sầu miên, v.v…” Một phần tư thế kỷ! Mà trong căn nhà cũ, không có gì thật đã xê dịch, đổi thay. Ngày tôi ra đi, mẹ tôi mới may, chính tay người kim chỉ may lấy, một cặp màn lớn màu vàng mơ, treo lên “rầm thượng”, rủ xuống tận nền nhà. Trên hai mươi năm trôi qua, hai chiếc màn ấy thế nào cũng đã cũ bạc, rách nát. Mới khi chiều, mẹ tôi nói mấy tháng trước mẹ dành dụm mua được hàng may hai chiếc màn mới để thay hai chiếc màn cũ đã tả tơi quá rồi. Nhưng thầy tôi bảo “thời buổi ni lùi xùi răng cũng được, bà thì cứ hay bày đặt!”, nên mẹ tôi treo màn cũ lên lại, nói để Tết nhất lễ lạc gì mới treo màn mới lên. Và khi nhận được điện tín của tôi báo sắp về đến nơi, màn mới lại được treo lên để đón con về. Màn mới, màn cũ đều cùng gần một thứ hàng, cùng một màu vàng mơ. Hăm bốn năm về trước, đêm cuối cùng ngủ ở nhà trước khi vào Sài gòn lên đường sang Âu châu, tôi cũng đã nằm chính ở chiếc giường đó, góc nhà đó, cạnh chiếc liễn “nguyệt lạc ô đề” đó. Trong những năm lưu lạc, tấm màn màu vàng mơ mới tinh khôi luôn luôn linh động, ám ảnh, tô phả cho cái nhìn của tôi. Và bây giờ, hăm bốn năm sau, tôi cũng lại nằm ở chiếc giường đó, nhìn thấy tấm màn màu vàng mới tinh đó. Trong ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn bỏng (đèn Hoa kỳ, đèn hột vịt) trên bàn thờ, những chấm xà cừ của mấy câu thơ hầu như ai cũng biết, cũng thuộc, lại lấp lánh như những vì sao xa…”
“Tim tôi đập mạnh như muốn phá vỡ lồng ngực. Vốn thích hoạt động chân tay, và thường tự hào là có tim phổi mạnh, tôi choáng váng ngạc nhiên tưởng mình sắp đứng tim. Trong giây khắc, thời gian tan biến hoàn toàn, tôi như không còn bấu víu vào đâu được, như rơi hun hút vào một cõi âm u. Tôi đưa tay lên sờ mặt, sờ tóc. Tôi véo má tôi, véo thật mạnh, thật đau, đau điếng. Tôi hoàn toàn tỉnh táo, không mơ mà cũng không điên! Lúc đó, tôi như người khách một xứ chậm tiến kỹ thuật, cả đời chưa bao giờ thấy cái thang máy, nay bước vào một tiệm lớn ở Âu Mỹ, lớ quớ thế nào lại bước nhầm thang. Muốn đi lên lầu, tất nhiên phải lấy thang lên, tôi lại bước vào thang xuống. Ðể giữ vững thăng bằng, tôi bước lên một bước thì thang lại kéo tôi xuống một bước. Rốt cuộc, thang máy cứ tuần tự chạy, mà tôi thì đứng yên ở một vị trí trong không gian!”
Nói ngang đây, Th. ngừng lại. Anh nhìn tôi thăm dò, lưỡng lự, có vẻ không quyết tiếp tục hay ngừng hẳn. Tôi vội vã kiếm cớ, nói liều: “Ờ, ờ, thế tại sao anh lại không nhảy ra, rồi bước sang cái thang kia, cái thang lên, chỉ vài bước thôi mà!” Th. chép miệng cười. Tôi nhận thấy trong cái cười của anh có một niềm chế diễu. Anh biết tôi nói đùa, nói ẩu. Nhưng anh vẫn trả lời: “Khổ nỗi, anh ơi, không có thang lên, chỉ có thang xuống! Nếu lúc đó tôi không cố bước lên đều đặn, bấu víu lấy thời gian, thì tôi sẽ đi thụt lùi mãi mãi trên chiếc thang vô tận đó, lùi dần, lùi dần vào quá khứ, quay lại những ngày còn thơ ấu, những ngày sơ sinh, những ngày chưa sinh, còn nằm trong bụng mẹ, những ngày của một tiền kiếp xa xôi mịt mù… Cơn kinh hoàng bỗng chốc đến rồi cũng bỗng chốc đi, như một trận gió dữ. Tim đập chậm lại, tứ chi ấm dần, tôi thiếp đi. Và tôi thức giấc trong mùi trầm hương ngào ngạt cùng tiếng tụng kinh thánh thót của mẹ tôi – người vẫn thường dậy sớm “công phu” sáng sáng. Tôi rửa mặt, thay áo, đến ngồi sau lưng mẹ cho đến khi một vài tia nắng tinh sương bắt đầu rụt rè len lỏi vào song cửa nhỏ.”
“Từ giờ phút đó trở đi, suốt cả thời gian tôi ở lại quê nhà, tôi sống trong cả hiện tại lẫn quá khứ, cùng một lúc. Như tôi đã nói, đây không phải là trường hợp của một người hiện hữu trong một bối cảnh hiện tại nhưng nặng màu sắc quá khứ, và một cách chủ quan, ngỡ rằng mình đang sống trong quá khứ. Không có chuyện “hương gây mùi nhớ”! Vì bốn năm đã trôi qua, tôi vẫn còn cứ nhận thức rõ rệt là con người tôi, cái “being” của tôi lúc đó, một mà là hai, hai mà là một; hiện tại không đứng đấy, nhìn lui về quá khứ, hiện tại là quá khứ, quá khứ là hiện tại, và cả hiện tại lẫn quá khứ cùng là một thực tại linh động, kỳ diệu, sáng loà…”
“Trong thời gian đó, thời gian ngay sau Tết năm đó, tôi tận hưởng cuộc đoàn tụ với đại gia đình, với hàng xóm, láng giềng. Tôi tìm lại được một số bạn bè của trên hai mươi năm về trước. Tôi lên núi thăm mộ những người đã khuất. Tôi về làng thắp hương trên bàn thờ tông gia. Nhưng tôi vẫn để ý nghe ngóng, dò xét, rắp tâm bắt cho được một dấu hiệu, một khe hở nào đó trong linh cảm, hầu giúp tôi thấy được cái lối đi nẻo về của tâm thức. Có hôm, đã khuya, tôi nằm không ngủ, mang mang nhớ lại quãng đời hăm bốn năm lưu lạc ở nước người. Cuộc sống đó mới chấm dứt, nói đúng hơn, mới đóng cái dấu ngoặc, chỉ mới tuần qua, nhưng trí nhớ đã rời bỏ tôi và hình ảnh mới thấy trong mắt rất gần đấy đã trở thành xa xưa, mịt mù, như trong một cơn mộng một nhớ mười quên. Tôi nghĩ đến vợ con còn ở nước ngoài, bồi hồi thương nhớ. Nhưng tôi không hình dung được ngôi nhà mà tiểu gia đình tôi đã nương náu gần mười năm qua và tôi mới xa rời chưa tới tuần lễ! Tôi tưởng tượng tôi thong thả đi bộ lên đồi, trên đường về ngôi nhà đó, nhưng chân bước vẫn nhịp nhàng mà mắt tôi thì mờ dần, loà dần, để rồi tất cả chỉ còn lại một vùng sương khói…”
“Một hôm tôi sang thăm trường đại học. Trò chuyện một lúc lâu với các bạn mới cũ hiện đang dạy ở đó. Bỗng có một người ngoại quốc, còn khá trẻ, bước đến. Nghe loáng thoáng, biết đó là một giáo sư Hoa kỳ. Anh em người Việt cười cười, nhìn tôi tỏ ý đây là lúc “Th. cho anh em nghe tiếng Mỹ đi!” Và tôi làm anh em vui lòng: tôi chào hỏi, “nói chuyện” với chàng đó. Trời! Tôi không thể nào ngờ một chuyện như vậy có thể xảy ra! Tôi không nói được tiếng Anh! Tôi, một người đã trú ngụ tại Mỹ trên mười năm trời, có vợ giòng giõi Anh cát lợi chính thống, một người đã viết báo, đã thuyết trình bằng tiếng Anh, đã dịch một số văn thơ Việt nam ra Anh văn…! Tôi cứng lưỡi, ú ớ, ngọng nghịu, nói không ra lời. Tôi quên mất những từ hết sức thông dụng. Tôi nói tiếng Anh như một học sinh trung học cực dốt Anh văn. Tôi nói tiếng Anh như tôi nói tiếng Anh hai mươi năm về trước. Chuyện xảy ra thật vô lý. Thật khôi hài. Và kinh hoàng. Tôi đứng đó, chịu trận. Không biết hôm ấy, vị giáo sư Mỹ trẻ tuổi đã nghĩ gì, nhưng tôi chắc một điều là các bạn bè Việt nam đều cho tôi là một gã hề, khôi hài kỳ cục! Trên đường về nhà, tôi giải thích qua loa cho Sơn và Cường, hai anh bạn cùng đi. Nhưng hai anh chỉ cười cười. Tôi nghĩ họ tin rằng tôi vẫn còn đùa, đùa giai.”
“Chúng tôi vượt cầu Trường tiền, qua đường Trần Hưng Ðạo (nay không còn hai hàng phượng vĩ nữa), về cửa Thượng tứ. Cửa thành đã mất thượng lầu trong vụ Mậu Thân, và người ta đã xây thế vào một thứ lô-cốt tròn, ngắn, một cái pháo đài thấp lè tè. Cửa thành cổ kính, rêu phong loang lổ, sừng sững trong nắng trưa như một người khổng lồ phong hủi đầy mình: đầu đã bị chặt cụt, chỉ còn cái cổ ngắn trên hai vai ngang. Xúc động, tôi vội cúi xuống. Và tôi đứng lặng người. Dưới cạnh chân tôi là một vũng nước nhỏ (sáng ấy có mưa), đường kính không quá hai ba gang tay. Mặt nước phản chiếu một tí trời, một tí mây. Nhưng vũng nước ấy cũng là vũng nước tôi đã nhìn xuống bao nhiêu lần trên hai mươi năm về trước mỗi khi đi học ngang qua đấy. Góc đường quen thuộc ấy, lề đường lở lói, gốc cây cằn cỗi ấy… Tôi đi xa một phần tư thế kỷ mới về, mà vũng nước nhỏ bé ấy vẫn còn nằm nguyên đó, không bốc hơi biến mất, không xê dịch, không lớn hơn hay nhỏ hơn. Lý trí đối với tôi lúc ấy hoàn toàn vô giá trị: vũng nước ấy chính là vũng nước của ngày tháng xa xưa, và tôi lại nhìn thấy nó! Nó không thay đổi mà tôi cũng không đổi thay. Tôi nhìn vũng nước nhỏ bên lề đường, rưng rưng nước mắt. Bao nhiêu vật đổi sao dời, mà hôm đó vũng nước vẩn bùn và tôi nhìn nhau như thể chưa bao giờ xa nhau, như trìu mến, như thân thương.”
“Từ hôm đó trở đi cho đến ngày tôi rời Huế, tôi bàng hoàng với một nỗi niềm dào dạt. Không những tâm linh tôi bao la hun hút, mà cả thân xác tôi cũng giao động khác thường. Trong chuyện cổ tích thường có những nhân vật nghe tiếng chim, tiếng súc mà hiểu được. Bấy giờ tôi mới biết rằng đó không phải là chuyện bịa đặt.
Một hôm, thầy tôi nắm vai tôi kéo ra vườn, khoe mấy cây cỏ mà người đã trồng những năm tháng con trai ở xa. Khi chúng tôi đứng lại ngắm bụi tre càng cua – một thứ trúc nhỏ, đặc biệt của xứ Huế, thân cây giống hệt chân cua-- , tôi giật mình “nghe” được âm thanh trò chuyện của từng cánh từng nhành. Cái tôi của em bé, của đứa thiếu niên, ắt đã từng nghe những âm thanh đó rồi, nhưng không ngờ, không biết, nghe mà cũng như không nghe, phải đợi đến ngày cái tôi của “hiện tại”, với hai màu tóc râu trở về hoà hợp, chung sức với nhau mà lắng tai nghe, lúc ấy mới “nghe” thấy, và biết là mình có nghe. Không dằn lòng được, tôi khẽ hỏi: “Thầy ơi, thầy có nghe chi không?” Thầy tôi giật mình, trợn mắt: “ Nghe cái chi? Cái chi rứa? À, tụi con nít hắn dỡn đó mà!” Quả thật, xa xa trong xóm, có tiếng trẻ đùa chơi la ó. Tôi mừng là cha già tai còn thính, mắt còn sáng. Tuy thầy tôi đã không nghe tiếng nói của bụi tre càng cua mà người yêu thương, vun tưới hết lòng.”
“Nói ra thật khó tin, nhưng anh biết không, thậm chí những đau nhức lặt vặt của thân xác, những đau nhức thường ai ai ngoài bốn mươi đều bắt đầu có ít nhiều, cũng bỗng nhiên tan biến đâu mất. Cả thân xác tôi như trở lại thành thân xác của một thiếu niên! Ăn không biết no, thiếu ngủ không biết mệt, đi bộ hàng giờ dưới nắng chang chang mà vẫn tươi tỉnh tự nhiên. Có hồi, ở ngoại quốc, tập võ Nhật, bị “rách” gân háng. Bác sĩ bảo chưa rách đến độ cần mổ, nhưng phải rất cẩn thận khi khuân vác gì quá nặng. Và phải kiên nhẫn chịu đựng cái đau ấy. Trong thời gian về nước, một hôm đang tắm, tôi đưa tay sờ gân háng, ngạc nhiên không biết cái đau đã đi về đâu. Tôi cúi xuống, tôi đứng lên, tôi ngờ vực cái đau còn đó nhưng tôi quên nó đi, tôi cố tình nhớ lại cái đau quen thuộc, tôi tưởng tượng như đang còn đau, nhưng thật tình nó đã biến mất: nơi đó da thịt gân cốt phẳng lì, cứng mạnh, mát mẻ, không đau, không một chút khó chịu…”
“Trước ngày tôi lên đường rời Huế, anh bạn hoạ sĩ, Ð.C., đến rủ tôi đi dạo chơi một vòng sau bữa cơm tối. Từ nhà, trong Thành nội, chúng tôi men theo đường kiệt sát chân tường hồ Tịnh Tâm, lên ngả Tàng Thơ cũ, rồi quay về hồ Mưng. Ban đêm ở Huế, đèn đuốc ít ỏi, những khu vắng vẻ trong Thành đường sá hoàn toàn tối om. Chúng tôi đứng lặng lúc lâu trên bờ hồ Mưng đặc sệt rau muống, nhìn cái miếu nhỏ với ánh đèn thờ leo lét chiếu xuống mặt nước đen ngòm. Và tôi nói cho Ð.C. biết: chỉ mươi phút trước, lúc ven theo hồ Tịnh Tâm, tôi đã “chạm” phải vô số người đi đêm. Ðã đành, từ khi bước chân ra khỏi nhà, cả hai chúng tôi không gặp một người nào trên đường cả, làm sao lại có chuyện va với chạm phải ai. Nhưng thật tình là tôi đã len lỏi rảo bộ giữa đám đông trong đêm tối mịt mùng. Những kẻ “vô hình”, những sự “có mặt” mà chỉ khi nào linh cảm tràn đầy, bén nhạy, đúng một mức nào đó, như một sợi giây đàn căng đúng độ, ta mới nhận ra, mới thấy được, và “chạm” phải. Hiện tại và quá khứ chập chùng lung linh trong tôi đã cho tôi cái đặc ân ấy chăng? Tôi không biết! Mà làm sao tôi biết được?!…”
Th. ngồi yên một lúc lâu, ống điếu cầm trong tay tắt ngấm. Tôi cũng yên lặng, chờ đợi. Một hồi sau, anh nói tiếp: “Ðêm đó, khi mọi người đã đi ngủ, tôi dậy, mặc áo, thắp hương trên bàn thờ, thấm thía biết ơn những người đã khuất, và cúi lạy giã từ các người. Sáng hôm sau, tôi lên đường. Không nói anh cũng biết, lần ra đi thứ hai đó đau đớn biết bao nhiêu. Như xé da, rứt thịt mà đi! Tôi không muốn dông dài. Ðiều tôi muốn nói với anh là cùng cái đau ấy, tôi ngạc nhiên nhận thấy trong mình có một sự bình tĩnh vô biên, một sức mạnh phi thường. Tôi đã về, tôi đã trở lại; qua chuyến viễn du trong thời gian, tôi đã tìm lại được xác thân và tâm thần của tôi hiển hiện toàn vẹn. Và tôi đã “thấy”. Và tôi tin, một khi ta đã “thấy” thì ta có đủ sức chịu đựng, chấp nhận tất cả, phong ba bão tố gì cũng không thể làm cho ta nao núng. Tôi tưởng tôi là một thanh kiếm đã từng ngang dọc vẫy vùng, ngày nay lại được đem về núi cũ, rửa sạch máu me, luyện lại trong lò rèn của chốn cao sơn…”
Th. nói ngang đây thì đứa con gái lớn ra thưa ba, mẹ nói ba mời bác vào xơi cơm. Cơm xong, cả nhà ngồi xỉa răng uống nước, nói chuyện trên trời dưới đất một lúc lâu đến khi chị Th. và các con xin lỗi lên gác đi nghỉ. Còn lại Th. và tôi bên cạnh chiếc lò sưởi, củi cháy tí tách. Thấy anh trầm ngâm quá lâu, tôi gợi chuyện: “Thế là thanh kiếm được đem về núi luyện lại nhỉ? Anh thật là người tốt số, mấy ai được cái diễm phúc ấy. Hạ sơn chuyến này chắc tráng sĩ còn coi ai trong thiên hạ này là tay đối thủ nữa!” Nhưng Th. vẫn yên lặng, và câu nói bỡn của tôi có một âm vang thật vô duyên. Càng vô duyên hơn khi tôi thấy ánh sáng lửa lò vàng rực chiếu lên, phất phơ trên gương mặt thoáng buồn của anh.
Th. với tay lấy bao thuốc, chậm rãi cho thuốc vào ống điếu, rồi quẹt lửa, châm hút. Anh mới phì phà mấy cái, căn phòng khách đã trắng xoá với khói thuốc thơm ngát. Th. nói: “Ha! Thanh kiếm hạ sơn! Vâng, tôi tưởng rằng tôi đã “thấy”, tôi sẵn sàng đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả. “Thấy” rồi mà! Sợ chi nữa! Lầm ghê gớm, lầm kinh khủng anh ạ. Chung qui cũng chỉ vì mình không bao giờ đoán trước được cái đường đi ngoắt ngoéo quanh co của tiềm thức, cái kiến trúc li ti hiểm trở của tâm thần. Vâng, tôi rời Huế sáng hôm sau, ở lại Sài gòn một thời gian ngắn, rồi đáp phi cơ bay về Hoa kỳ, qua ngả Thái bình dương. Tôi nôn nao về đến ngôi nhà cũ, nơi tiểu gia đình tôi đang chờ đợi, trong thương nhớ và lo âu. Thật lạ! Tôi xa Huế ngót một phần tư thế kỷ, vậy mà khi trở lại, tôi tưởng như đã không hề bước chân ra đi. Ðêm ba mươi Tết cúng ngoài trời, cơn khóc như mưa đổ, đêm nằm nhìn những đốm xà cừ lấp lánh trên cặp liễn “nguyệt lạc ô đề”… đã làm tiêu tan thời gian đằng đẵng đó, và đưa tôi vào một cõi kỳ diệu không có trước mà cũng chẳng có sau. Thế mà xa ngôi ngôi nhà ở Mỹ ba tháng, khi trở về lại tưởng như đã chết đi, và nay, ở kiếp này, đang đưa chân vào một thế giới lạ lùng cách biệt. Tôi ôm vợ con, nghẹn ngào. Tôi biết đó là vợ, là con, nhưng tôi tưởng như tôi thấy vợ và các con là những người tôi mới gặp lần đầu tiên trong đời. Anh biết không? Bây giờ, bốn năm đã trôi qua, nhớ lại tôi vẫn lạnh xương sống. Tôi đã đánh mất thời gian giữa ngày rời Huế lần thứ nhất cho đến ngày rời Huế lần thứ hai.
Nhận thức thế giới bên ngoài của tôi không phải của một người bình thường hiện hữu trong một khối không gian cố định, một chiều thời gian đều đặn, ngăn nắp. Tôi quay về với vợ con, công việc, với giấy bút, cỏ cây. Cuộc sống lại tiếp tục. Nhưng tôi biết là có chuyện không ổn.
Thì ra bấy giờ tôi nhận thức thế giới bên ngoài một cách hoàn toàn khác biệt với cách tôi nhận thức chỉ mới ba tháng trước khi hồi hương. Dòng nhận thức trong tôi hiện vẫn còn xuôi đúng mức như ngày tôi rời Huế lần thứ hai. Như thể, ngày tôi về Huế, một thứ nhiên liệu nào đó đã bốc cháy, thắp sáng trong tôi, và đến nay vẫn còn hừng hực. Có vài dấu hiệu bất thường khiến cho tôi linh cảm là sớm hay muộn sẽ có chuyện không ổn. Nhiên liệu đang sáng phần phật đó bỗng nhiên tàn lụi dần, chỉ còn âm ỉ cháy. Tôi vô cùng lo âu, vì biết chẳng bao lâu nữa nó sẽ phụt tắt ngấm, như một cây đèn hoàn toàn cạn dầu. Chưa đầy một tuần lễ sau ngày tôi trở về ngôi nhà cũ ở đất khách, thực tại bỗng bỏ rơi tôi một đêm nọ khi ra đứng ngoài vườn. Từ nhiều năm, tôi vẫn có thói quen, những đêm trăng sáng, nửa khuya, một giờ sáng, lững thững ra vườn nhìn cây cỏ một lúc. Cái cây mới vài ngày trước còn linh động như vậy, bỗng nhiên nó đi thụt lùi, nó xa tôi dần. Tôi nhìn quanh, thế giới thực tại, tất cả ra xa tôi dần, thụt lùi dần, mờ mịt lại, thu nhỏ lại, âm u, xa lắc, xa lơ. Một cơn kinh hoàng tê tái ôm trùm lấy tôi .
Tôi vụt chạy vào nhà, thắp một nén hương, ngồi yên cho đến khi bình tĩnh lại, cho đến khi từ từ, từ từ, thế giới bên ngoài quay trở lại. Chẳng khác gì cảnh trời đất cây cỏ hiển hiện dần dần, đường nét hình khối trở nên sắc sảo đậm đà hơn, khi mặt trời lên làm cho sương mù tan đi. Bắt đầu từ đêm ấy, tôi sống với nỗi kinh dị đó. Tuy cố gắng để cho cuộc sống hàng ngày được phần nào bình thường yên ổn, tôi phải liên tục đương đầu với sự ra đi quái gở của thực tại.
Anh thừa biết: một người mới đến đất khách, lẽ cố nhiên phải thấy thiếu thốn, lạnh lẽo, bỡ ngỡ, bàng hoàng. Ðó là một hiện tượng tự nhiên. Và cũng một cách tự nhiên, thời gian trôi qua, không gian chỉnh đốn lại, tất cả trở thành đều đặn, mạch lạc hơn, và người mới đến, sớm hay chầy, sẽ hoà mình vào khung cảnh mới đó, vào lối sống mới đó. Không, tôi không muốn nói đến cái gọi là “hội nhập” thông thường đó. Học một ngoại ngữ, tìm kế sinh nhai, chấp nhận một lối xã giao mới, v. v… Cần thiết, dĩ nhiên. Tôi muốn nói về tư thức con người, dựa vào một môi trường khác biệt, một không gian khác biệt, dù muốn dù không phải từ từ thay hình đổi dạng vì bản năng tự tồn, không những cho miếng ăn nhà ở, mà cho cả tâm thần, cho cả một phương thức hiện hữu vẹn tròn. Tôi biết rất rõ điều đó vì chính bản thân tôi đã sống qua giai đoạn đó. Sau hăm bốn năm, về lại quê nhà, đêm đầu tiên ấy, những đốm xà cừ lấp lánh trên cặp liễn, màu vàng mơ của chiếc màn treo cạnh bàn thờ, đã giúp tôi trút bỏ cái tướng mạo mà tôi tưởng là chính tôi trong suốt một phần tư thế kỷ. Và lúc quay lại đất khách, tiềm thức tôi đã chối từ thực tại, và thực tại đã chối từ tôi. Có lúc ngồi ở bàn viết, tôi nhìn lên vách trắng. Bỗng nhiên, bức tường mờ dần, thụt lùi dần, lùi ra xa, chuếnh choáng như mặt biển nhìn từ boong tàu. Có lúc đang bước trong nhà, thình lình sàn nhà hạ xuống, rút xuống, làm tôi hỏng chân, ngã chúi về phía trước. Nhìn lại thì sàn nhà vẫn còn đó, và chân tôi đặt vững vàng trên thảm len, nhưng cả người tôi nghiêng xuống như sắp rơi vào vực thẳm. Và tôi biết, nếu tôi rơi vào hố sâu đó, tôi sẽ không bao giờ trèo lên mà thoát ra được. Cái hố sâu sẽ nuốt chửng tôi như con cá đớp một hạt cơm.”
“Tôi vẫn cố gắng sống một cách bình thường, nhưng tôi cũng biết là tôi không thể để cho tình trạng này kéo dài lâu hơn nữa. Một lúc nào đó, con đường ngoằn ngoèo tranh tối tranh sáng mà tôi đang đi sẽ đưa tôi đến một nơi không có lối về. Một năm gần qua kể từ ngày tôi trở lại với tiểu gia đình nơi đất khách mà tâm thần tôi vẫn run rẩy, lệch lạc. Tôi cố hết sức bắt cho được hiện tại để nối liền với quá khứ, cái quá khứ còn rất gần gũi của ba tháng về quê, nhưng vô hiệu quả. Tôi trơ vơ chới với trong chốn âm u giữa một thực tại đã qua và một thực tại chưa đến. Tôi cố vặn cái nút điều chỉnh khoảng cách trong chiếc máy ảnh tưởng tượng tôi dùng quan sát hai cái thực tại, nhưng hai hình ảnh vẫn so le, lờ mờ, không hoà nhập với nhau, không đồng nhất. Người mới đến đất khách lần đầu tiên, còn rất bỡ ngỡ, nhìn thực tại với đôi mắt ngỡ ngàng, nhưng thực tại vẫn là thực tại, và thời gian là một chuỗi liên tục, có trước, có sau, có quá khứ dù là một quá khứ xa vời, có hiện tại dù là một hiện tại khác lạ. Còn tôi, trở về quê nhà, tôi vô tình cắt đứt sợi giây liên tục thời gian đó. Và khi quay lại đất khách, tôi không bỡ ngỡ bàng hoàng như những người mới đến, nhưng chuyến viễn du trong vô thức đã khiến tôi, nói nôm na, đi trượt đường rầy! Thay vì tuần tự chạy theo đường sắt đã có sẵn, toa xe lửa của tôi trệch sang một bên, đi thẳng vào một nơi chưa bao giờ có vết chân người. Tôi âm thầm với nỗi trơ vơ cô quạnh trong gần một năm trời. Rồi khi gần như tuyệt vọng, tôi tìm được lối thoát! Một giấc mơ anh ạ! Nhờ một giấc mơ!”
“Tôi mơ tôi thẩn thơ trên một bãi cát dài, không một bóng người. Ðang một mình thích thú, tôi bỗng dừng lại: cản đường tôi là một con vật kỳ dị, cá không ra cá, súc không phải súc. Con vật khá lớn, cỡ bằng con trâu. Nó nằm nghiêng một bên trên cát, vi vảy óng ánh. Tôi vô cùng kinh sợ khi nhận ra phía dưới bụng nó có những gì như thể chân tay, và lông mao màu hung hung, ướt mèm. Con vật há hốc mồm, thoi thóp thở. Ðúng là mồm cá, nhưng hai hàm răng lại vuông vắn, ngắn củn. Tôi rón rén lại gần, nhìn kỹ hơn, thì con vật cựa quạy, mắt nhìn sững lên tôi. Và trong con ngươi sâu thẳm của nó, tôi thấy phản chiếu hình ảnh của chính tôi…
Tôi bừng thức giấc, trống ngực đánh liên hồi! Tôi nằm nghe ngóng một lúc: bên cạnh, vợ tôi vẫn ngủ yên; ánh trăng thượng tuần lạnh lẽo chiếu qua cửa sổ. Tôi khẽ ra khỏi giường, mặc thêm áo, xuống nhà dưới. Tôi loay hoay làm vài công việc, cố tình tự trấn an: nhóm lại lò sưởi củi, pha một ấm trà, thắp một nén hương. Trong khung cảnh tịch mịch đó, tôi ngồi yên lặng cho đến khi bên ngoài trời mờ sáng. Mùi trầm hương như vỗ về, như xoa dịu nỗi bồn chồn kinh dị trong tôi. Có tiếng gà gáy xa xa, trên đồi. Tôi bỗng sực tỉnh. Thì ra con quái vật đó, nó có phải xa lạ gì. Nó có phải là ai đâu! Tôi quen biết với nó đã từ lâu!”
“Anh nghĩ xem, thật là một cuộc tiến hoá ngang ngược, tréo cẳng ngỗng! Con quái vật đó, vốn giòng thuỷ tộc, nhưng vì một nhu cầu nào đó không cưỡng được, nó đã lần mò lên bộ. Hàng triệu năm đằng đẵng, nó đã từ từ biến thành một giống có chân, có lông mao, có phổi, có máu nóng. Nó đi, nó chạy trên núi cao, thở khí trời, ăn hoa lá, uống nước mưa. Nhưng trong vô thức sâu thẳm của nó, giọt nước thiêng liêng vẫn lập loè kêu gọi nó trở về với sông hồ, biển cả. Một ngày nọ, nó đã trở về! Nhưng lạ lùng thay, nếu nó cần trải qua hàng triệu năm để trở thành một con vật của núi non thì nay nó chỉ nhảy ào xuống nước để lại đổi dạng lần nữa, trở nguyên hình con thuỷ vật của một tiền kiếp mịt mù. Nó không chết đuối! Trái lại, trong khoảnh khắc, máu nóng lại biến thành máu lạnh, bốn chân lại trở thành vi, thành đuôi, buồng phổi lại trở thành đôi mang, và lông mao nó biến thành vảy cá óng ánh ngũ sắc. Nó tung tăng bơi lội, lên xuống dọc ngang trong lòng nước; nó quên hết những đoạn thời gian và những chiều không gian của những tháng năm, những thế kỷ trên đất liền. Nhưng rồi một sự trục trặc quái gở nào đó của cuộc tiến hoá lại đem con thuỷ vật của tôi vất bỏ lên bộ! Có nhà thông thái, nhà khoa học nào biết tại làm sao? Tôi thì tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng thay vì cần đến hàng triệu năm để cuộc tiến hoá thành công, con thuỷ vật đã lên bộ lần thứ hai một cách vô cùng đột ngột, liều lĩnh. Và tôi đã gặp nó nằm chênh vênh trên bãi cát như một chiếc ghe mắc cạn. Ðể thở khí trời, nó vẫn còn đôi mang chưa kịp trở thành cặp phổi. Ðể di chuyển trên cạn, nó chỉ có vi, có vảy, vì tứ chi chưa đủ hình thù. Ðể giữ ấm, nó chưa có da, có lông, và những vảy ngũ sắc của nó đang khô nứt dần trong gió biển.”
“Không hiểu tại sao, tôi liên tưởng đến vũng nước mưa vẩn bùn ở chân thành cửa Thượng tứ. Vũng nước đã thuỷ chung không biến dạng, đã chờ đợi tôi suốt một phần tư thế kỷ, để hôm ấy, rất tình cờ, tôi dừng chân cúi xuống, và vũng nước nhỏ ngước lên chào đón một kẻ quy cố hương. Trời! Một sự thực đã kiểm chứng sáng rực trong tôi: nếu có thể vượt qua hàng triệu năm như trong giây khắc, thì một giây khắc cũng có thể cấu tạo và thành tựu như hàng triệu năm!”
“Sáng tinh mơ đó, trong căn nhà nhỏ quyện mùi trầm hương, tôi biết tôi có thể là con thuỷ vật đi trên bộ, lấy vi làm chân, lấy vảy làm lông, lấy mang mà thở khí trời, lấy máu lạnh mà ướp mùi nước biển. Thủy bộ như âm dương, cách biệt đôi đường. Nhưng anh nhớ không, cái đêm cùng Ð.C. đi theo ven hồ Tịnh Tâm, tôi vô tình bước sang được cõi âm, thì ngày nay há tôi lại ngại ngùng chuyện nước, chuyện cát sao?!…”
***
Th. ở miền Bắc Hoa kỳ, tôi ở miền Nam, xa nhau lắm, thăm được nhau thật là hiếm hoi. Từ ngày nghe chuyện anh kể, lắm lúc tôi băn khoăn, không biết thật tình hiện nay có chắc anh đã trở thành con vật kỳ quái đó không. Một hôm, tôi được thư anh:
“Này anh Võ! Hôm thăm nhau, thật chán, quên nói với anh cái này. Anh có nhớ tôi đã kể anh nghe về chiếc vòng đã ám ảnh, phá phách tôi trong những năm chưa được về nước đó không? Rồi khi tôi được về nước, chiếc vòng ấy bỗng nhiên tan biến mất, và tôi biết nó chỉ là một ảo ảnh, một con ma. Tôi yên tâm là nếu có ra nước người lại, tôi sẽ không bị nó theo đuổi nữa, vì tôi đã cao tay ấn trừ khử được nó rồi mà! Nhưng tôi có nói là tôi đã lầm to, lầm ghê gớm, tôi ngây thơ quá, anh nhớ không? Chẳng là sau cái sáng tinh sương ấy, tôi đã tìm lại được “đất liền”. Thực tại lại quay về với tôi. Không ngay cùng một lúc, nhưng từ từ, khi ít khi nhiều, khi nhanh khi chậm. Có cảm tưởng như đứng trên bờ biển, nhìn ra chân trời xa hút một buổi hoàng hôn, và thực tại quay về như nước thủy triều. Chiều càng nhá nhem thì mức nước càng dâng cao, ban đầu còn nhẩn nha chậm rãi, nhưng mỗi lúc mỗi đầy đặn rạt rào, huyên náo quanh mình.”
“Tôi mừng thoát nạn! Nhưng nếu tôi tìm lại được thực tại, thì tôi cũng vớ phải cái con ma vòng! Thì ra nó vẫn lẩn quất đâu đó, chờ dịp tốt, rồi nương theo thực tại mà đến với tôi như con rắn biển độc địa nương theo tôm cá mà trà trộn vào thuyền người dân chài. Ðuổi mấy cũng không đi. Ðành lì với nó, mặc kệ nó, làm bộ không chấp…”
“À, còn chuyện này nữa. Hôm nọ tình cờ thấy lại bài Hồi Hương Ngẫu Thư của Hạ Tri Chương, thích quá. Sợ anh không nhớ, tôi chép anh xem:
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn: “Khách tòng hà xứ lai?”
Tôi vốn dốt Hán văn nhưng cứ dịch chơi. Có gì không ổn, anh chỉ tôi nhé.
Tình Cờ Viết Chơi Khi Về Làng Cũ
Tuổi nhỏ xa nhà, già trở lại
Giọng quê còn đó, tóc mai phai
Trẻ em gặp mặt, nhưng không biết
Cười hỏi: “Ông từ mô tới đây?”
“Ông Hạ là một thi bá thời Sơ Ðường, sống trước chúng ta hơn mười hai thế kỷ. Chỉ loay hoay xuôi ngược trong mấy tỉnh nước Tàu, quá lắm là bị biếm ra nơi nào xa xa thành đô một chút. Thế mà khi về quê, đã có chuyện “ông từ mô tới đây”. Trước kia, tôi vẫn nghĩ cái tình tự của Hạ Tri Chương là thế, và chỉ có thế. Nhưng bây giờ tôi mới thấm thía, mới cảm nhận sâu sắc cái điều ông Hạ đã để lại cho đám hậu sinh. Bài thơ thật tài tình: câu hợp, câu cuối đó, là một câu hỏi, nhưng cũng không thật là một câu hỏi, vì nó đâu cần có một câu trả lời. Hạ Tri Chương đã đi, đã về, đã thấy, và gặp đứa bé cười hỏi ông một câu chơi, ông không nói gì vì đang còn ngơ ngác thấy giọng nói quê hương vẫn còn đó, không thay đổi, mà tóc mình thì đã pha sương. Ông Hạ là người sâu sắc, kín đáo. Còn một kẻ hồ đồ như tôi, thì nếu có thằng bé nào dám “tiếu vấn” như vậy, tôi sẽ trả lời ngay: “Hừ! Ông từ mô tới đây?! Em hỏi cái chi lạ rứa? Tui là em đây mà. Từ mô với từ tê chi em!”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét