Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Hồi ký tưởng niệm cố Trung Tá Lê Văn Ngôn




LTS: Thiếu Tá Phi Công Vận Tải Lê Hồng Đức đã từ Mỹ qua sống tại Đức từ lâu,  anh Nguyễn Hữu Huấn, Phi Công Trực Thăng đã giới thiệu bổn báo Chủ Nhiệm  với TT Lê Hồng Đức, hôm nay Anh TT Đức gởi cho TCDV đoản văn hồi ký này để tưởng niệm cố Trung Tá Lê Văn Ngôn, TĐT và các chiến sĩ TĐ 92 BĐQ đã nằm xuống tại căn cứ Tống Lê Chân…
Hồi ký – Không vận tiếp tế Tống Lê Chân (TLC) 1971-1974
 (Ngoài chiến lược, những trận đánh vào TLC của CSBV và sự chiến đấu oai hùng của các chiến sĩ Biệt Động Quân Biên Phòng để bảo vệ tiền đồn TLC , tác giả tường thuật thêm tổng quát về vận tải cơ C130 thả dù & trực thăng tải thương. Tôi cũng xin được phép kể dưới đây để bổ túc thêm về sự đong góp không nhỏ của 3 phi đoàn vận tải C7 Caribou PĐ427, PĐ429 & PĐ431 đã thi hành không vận tiếp tế cho chiến trường TLC từ năm 1971 đến 1974.) 
Phi vụ hành quân cất cánh từ Đà Nẵng, chở lương thực đạn dược lấy từ phi trường quân sự Biên Hòa (BH) thuộc SĐ3KQ để tiếp tế cho Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng (TĐ92/BĐQ/BP) trấn đóng tiền đồn Tống Lê Chân (TLC) nằm trên đồi cao dưới quyền chỉ huy của Tiểu Đoàn Trưởng (TĐT) Th/tá Lê Văn *NGÔN (Tr/tá 1972-1975. Chết trong tù CS 1977) để bảo vệ vòng đai phía Tây Nam tỉnh lỵ An Lộc và phía Đông Bắc tỉnh Tây Ninh, nhất là đường xâm nhập của Cộng quân từ biên giới Miên trên con sông Sài Gòn chảy xuyên qua giữa 3 tỉnh Tây Ninh, phía Tây An Lộc sát biên giới Miên đến Lộc Ninh. Trong đồn TLC có 1 phi đạo vĩ sắt dài ca. 1100-1200! Feet (ca. 363-396m) cho phi cơ cánh quạt loại nhỏ như L19, đáp ngắn như vận tải cơ C-7 Caribou, phi cơ trực thăng UH-1 & Chinooks CH-47.
Trước khi chuyển giao phi cơ C7 Caribou cho KQVN, chúng tôi bay thực hành chuyển vận với pilot Mỹ tại Cam Ranh-, Phan Rang US AFB từ cuối tháng 09 &11.1971, đáp xuống hầu hết các phi trường dã chiến được xây nhanh bằng vĩ sắt trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật từ Đông Hà – Bến Hải tới An Thới – Phú Quốc và dọc theo biên giới Việt-Miên-Lào. Sau đó KQVN tự đảm trách phi vụ không vận với loại vận tải cơ C7A Caribou từ Căn Cứ 72 (CC72) Phù Cát được chuyền giao lại bởi Liên Đoàn 22 Không Quân Hoa Kỳ, dưới quyền chỉ huy của Đ/tá NH TUYỀN. Đến tháng 2 năm 1972 thì PĐ427 được thuyên chuyển ra KĐ41CT/SĐ1KQ Đà Nẵng, trong thời gian nầy thì VC chưa pháo kích hay tấn công vào tiền đồn, cho nên phi cơ C7 có thể đáp xuống phi đạo vĩ sắt TLC nằm trong vòng kiểm soát của TĐ92/BĐQ/BP. Thường thì 2 phi đoàn C7A Caribou PĐ429 & PĐ431 thuộc SĐ5KQ đồn trú tại Tân-Sơn-Nhất đảm nhận chuyên chở cho Quân Đoàn III (3) và IV (4), còn PĐ427 đảm nhận chuyên chở cho Quân Đoàn I (1) và II (2), nhưng cũng đôi khi được chỉ định từ Đà Nẵng bay về Quân Đoàn III (3) và IV (4) như bay về Biên Hòa để chở lương thực, vũ khí đạn dược từ nơi đây cho TĐ92/BĐQ/BP.
Nhưng khi VC tấn công tỉnh lỵ An-Lộc vào tháng 04.1972 thì tiền đồn TLC cũng bị pháo kích liên tiếp làm hư hại những vĩ sắt nhô lên trên phi đạo, nên phi cơ C7 chỉ có thể bay thấp trên phi đạo và thả những tấn Pallets lương thực gồm (gạo, đồ hộp, thuốc tây để trị bệnh, thuốc quân tiếp vụ để hút, v.v… & thư từ) xuống phi đạo, tuy có hư hại đôi chút nhưng tất cả khoảng 400 chiến sĩ TĐ92/BĐQ/BP vẫn có để dùng cho cả tháng.
Mất tiền đồn Tống Lệ Chân  là mất An Lộc!.
VC, với cả sư đoàn CSBV & MTGPMN đã thấy điều thất bại nặng nề nầy sau cả tháng trời bao vây & tấn công từ phía Tây, Tây Bắc, Bắc tỉnh lỵ An Lộc được tử thủ dưới quyền của Tư Lệnh chiến trường là Đ/tá Lê Văn *HƯNG (cố Th/Tướng 1975) & Tỉnh Trưởng An Lộc Đ/tá Trần Văn NHỰT (Ch/Tướng, 1975 tỵ nạn tại Camp Pendleton USA), do đó địch quân chuyển hướng dùng biển người tấn công TLC nhưng đều bị thất bại với sự chống trở oai hùng của các chiến sĩ mũ nâu BĐQ để bảo vệ đường tiến quân của địch từ TLC xuyên phía Tây Nam An Lộc. Địch quân lại bị bao vây bởi các đơn vị của SĐ9BB/QĐIII của ta trong nhiều tháng.
Vì 1 số chiến sĩ BĐQ bị thương quá nặng cần mang về hậu cứ để điều trị gấp, nên Tr/t NGÔN yêu cầu TTHQ/SĐ3KQ/QĐIII cho trực thăng đến chở thương bệnh binh đi. Cũng vì lý do tối thượng nầy mà 1 vài phi hành đoàn trực thăng PĐ 2xx đã can đảm liều chết đáp xuống TLC để cứu chiến hữu của mình, vì địch quân mỗi khi thấy bất cứ phi cơ nào (đang) đáp xuống TLC, ngày cũng như đêm, là chúng bắn và pháo kích xối xả vào TLC. Thật là kính thương & khâm phục những chiến hữu của TĐ92/BĐQ/BP & phi hành đoàn trực thăng PĐ2xx/SĐ3KQ đã hy sinh tại ải tuyến TLC hay những ai may mắn còn sống sót cho tới ngày hôm nay.
Do đó phương tiện tải thương & tiếp tế bằng phi cơ cho TLC càng rất nguy hiểm trong những tháng cuối cùng của năm 1972 cho đến sau ngày ký Hiệp Định Paris 27.01.1973, TLC vẫn còn bị địch quân bắn phá tuy rằng không có những cuộc tấn công nào của VC. Nhưng cuối năm 1973 khi mà quân đội Mỹ và đồng minh đã hoàn toàn rút ra khỏi miền Nam thì VC bất chấp sự ký kết HĐ Paris, bắt đầu gia tăng áp lực đánh phá khắp nơi nhất là các tiền đồn biên phòng BĐQ như Ba Tơ, Thượng Đức, Tiên Phước thuộc QĐI và Tống Lệ Chân / An Lộc thuộc QĐIII. Sau trận hãi chiến giữa hãi quân QLVNCH và Trung Cộng vào ngày 19.01.1974, CSBV thấy Hạm Đội 7 Mỹ không trợ giúp HQ/QLVNCH, liền sau đó mở những cuộc tấn công nhỏ để thăm dò phản ứng của Mỹ. Khi thấy Mỹ làm ngơ, CSBV bắt đầu tấn công mạnh vào các tiền đồn BĐQ/BP cố chiếm cho kỳ được để từ đó có thể chuyển quân ồ ạt tiến vào tỉnh lỵ.
Vì phi đạo TLC quá nhỏ để đáp, nên 2 phi đoàn C130 PĐ43!/SĐ5KQ sử dụng phi cơ C130 trên cao độ cao thả dù tiếp tế xuống TLC, nhưng chỉ có 50% thì vào bên trong TLC, con số còn lại thì rơi trên đầu địch quân VC được hưởng lợi. Vì lý do nầy mà 3 phi đoàn C7A Caribou PĐ427/429/431 phải tiếp tục đảm trách không vận cho TLC. Tuy phi cơ bị trúng đạn nhưng 2 phi đoàn bạn 429 & 431 đã gần hoàn tất thả những Pallets xuống phi đạo TLC. Duy chỉ có phi cơ của Đ/u Phạm T. NGHIỆP bị trúng đạn hư nặng 1 động cơ (bể máy), chỉ còn lại 1 động cơ hoạt động tốt. Bình tỉnh, anh và phi hành đoàn thay vì đáp khẩn cấp gần tỉnh lỵ Tây Ninh nhưng đã cố bay về TSN và đáp an toàn.
Bây giờ đến lượt phi đoàn 427 từ Đà Nẵng bay về Biên Hòa để thi hành những phi vụ hiểm nguy nầy vì TLC lại cần sự tiếp tế sau hằng nhiều ngày ngăn cản sự tấn công của Cộng quân, đạn dược thì có thừa nhưng lương thực thì cạn dần. Phi hành đoàn của tôi thi hành phi vụ bất thần nầy.
Đáp xuống phi trường Biên Hòa VNAFB khoảng 9-10 giờ sáng, trong khi anh em phi hành đoàn (p.h.đ) Th/u HƯƠNG, T/s TIẾN & TỴ lo công việc chất 2-3 tấn Pallets lương thực lên tàu, tôi vào TTHQ/SĐ3KQ để hỏi tình hình hiện tại ở TLC thì được thông báo rằng, VC vừa pháo kích vào TLC, làm hư hại vĩ sắt ở đầu phi đạo, không ai bị thương và các chiến sĩ của TĐ92/BĐQ/BP  đang trong tư thế chiến đấu dưới giao thông hào chung quanh tiền đồn. VC chỉ tấn công lên đồi TLC vào ban đêm, vì ban ngày địch quân chúng biết sẽ bị tiêu diệt bởi phi pháo (không quân & pháo binh) của ta & hõa lực của TĐ92/BĐQ/BP. Sau đó tôi nhờ TTHQ chuyển tin tới Tr/t NGÔN Tiểu Đoàn Trưởng rằng, tôi sẽ bay đến, nếu phi đạo an toàn thì tôi đáp, nếu không thì tôi sẽ bay sát trên phi đạo thả hàng xuống!.
Trở về tàu, tôi trình bày tình hình ở TLC cho anh em p.h.đ và đi đến quyết định bay thật thấp và thả Pallets trên phi đạo vì chúng tôi đã biết những phi cơ bạn trực thăng UH1 & Chinooks CH-47 trước đó bị bắn, bị trúng đạn pháo của VC khi đáp vào TLC. Sau đó chúng tôi bắt đầu quay máy, xin chỉ thị BH-Tower và cất cánh trực chỉ TCL-An Lộc, nhưng tôi không quên bảo TỴ kiểm soát cửa “cargo door & floor”, buột nịch thật kiên cố 2-3 Pallets trước khi thả. Sau hơn 10 phút bay lên cao độ 7000-8000 feet về hướng Bắc thì tôi đã thấy xa xa dưới lớp mây lưa thưa tiền đồn TLC và tỉnh lỵ An Lộc đang chìm trong chiến tranh với những cụm khói trắng đen bốc lên cao từ phía Tây, Tây Bắc An Lộc. Vì từ BH đến TLC & An Lộc rất gần khoảng hơn 100km theo không hành, tôi bắt đầu cúp hết ga (Power Off – Êm không có tiếng động cơ nổ, bay xuống như chiếc lá cây rơi, đây cũng là kỹ thuật sáng chế đặc biệt chỉ có loại C7A Caribou), đồng thời tôi dùng phương pháp trược cánh liều lĩnh bay xuống Kamikaze cho nhanh với tốc độ cao trên >200 Knots (warning – yellow speed limit range) để kịp thời vào đúng Downwind phía Bắc song song với phi đạo TLC (phi cơ của Đ/u NGHIỆP bị VC bắn ở phía Nam! TLC) cách 500-600m/cao độ 500-600feet về phía An Lộc, Th/u HƯƠNG bấm chuông để báo TỴ được lệnh mở cửa “cargo door & floor” theo tư thế thả dù. Vẫn còn PowerOff vì tránh VC nghe tiếng động cơ, tôi quẹo thật gắt bên trái cận tiến bay thẳng với trên >100 Knots xuống sát trên phi đạo 090-270o (!?) dưới 200feet (ca. 66m) về hướng Đông 90o thì thấy vĩ sắt nhô lên phía dưới mũi phi cơ. Lệnh “Thả” vừa dứt (cả p.h.đ đều nghe), tôi vừa tống ga từ từ nhanh lên maximum vừa kéo phi cơ lên, cùng lúc Th/u HƯƠNG bấm chuông để báo TỴ thả (release locking). Tất cả hành động “Thả” chớp nhoáng hoàn thành trong vòng 3-4 giây, TỴ nói “OK” và đóng “cargo door” lại. Tôi vừa quẹo trái bay lên cao về phía Đông Bắc TLC, vừa nhìn xuống phía dưới phi đạo; từ các giao thông hào gần đó, vô số chiến sĩ Biệt Động Quân tuôn chạy đến những Pallets lương thực mà các anh em đã bao nhiêu ngày chờ đợi đang nằm trên phi đạo, thật là cảm động và rất thương mến các chiến sĩ TĐ92/BĐQ/BP dưới quyền chỉ huy của vị Tiểu Đoàn Trưởng trẻ tuổi, tài ba Tr/tá Lê Văn *NGÔN.
Tôi mang tàu lên cao thật nhanh ra khỏi tầm bắn của VC và sau đó để Th/u HƯƠNG bay về BH. Anh em p.h.đ chúng tôi thở phào và cảm thấy nhẹ nhỏm ra vì đã hoàn thành nhiệm vụ không vận tối cần cho TLC và bay trở về an toàn. Nhưng trong lòng tôi vẫn còn mang nỗi lo âu cho các chiến hữu của TĐ92/BĐQ/BP, ngày cũng như đêm, từng giây từng phút sẵn sàng chống trả bất cứ những đợt tấn công “tiền pháo hậu xung” nào của địch quân.
Nhưng cuối cùng, một vết đau thương cho tới ngày hôm nay, không phải chỉ có một TLC thất thủ mà là cả đất nước miền Nam Việt Nam Cộng Hòa thất thủ chỉ vì quốc hội Mỹ không viện quân sự nữa cho QLVNCH kể từ sau năm 1973. Họ chuyển giao nhiều chiến cụ cho QLVNCH trước khi rút quân, nhưng không tiếp tục viện trợ đạn dược, xăng nhớt, … thì làm sao chống đở với ai đây, trong khi Nga (UDSSR) và Trung cộng liên tục viện trợ tối đa cho CSBV để tiến chiếm miền Nam. Điều nầy người Mỹ đã biết, trước khi hãi quân QLVNCH  hãi chiến với Tàu cộng tại Hoàng Sa ngày 19.01.1974. Thật là đau đớn thay cho QLVNCH và tức giận bởi người Mỹ & đồng minh chỉ đứng nhìn xem miền Nam VNCH đi đến ngày sụp đổ 30.04.1975.
Ngày 16.05.2011 tại Berlin/Germany, cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã trao giải “Henry Kissinger Award” cho cựu Thủ Tướng Đức Helmut Kohl về thành tích lảnh đạo để thống nhất nước Đức (Đông & Tây Đức) và sau đó Âu Châu, nhân dịp sinh nhật 80 tuổi của ông. Không biết ông cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger gốc Đức có ân hận lắm chăng trước khi nằm xuống vì đã đi đêm bán đứng miền Nam VN cho Nga Tàu.
KQ TỴ hiện nay ở New York, KQ TIẾN ở San Jose CA, KQ ĐỨC ở Munich. Duy chỉ có KQ HƯƠNG còn kẹt lại VN sau khi ra tù nhưng cho đến bây giờ thì vẫn chưa liên lạc được với anh, hy vọng anh và gia đình vẫn bình an!.
Tôi viết lên hồi ký nầy, không ngoài mục đích để tưởng nhớ đến những chiến hữu Biệt Động Quân của Tiểu Đoàn 92 Biên Phòng và các phi hành đoàn bạn trực thăng UH1 & CH-47 thuộc PĐ2xx! / SĐ3KQ đã hy sinh hay may mắn còn sống sót cho tới ngày hôm nay dù ở bất cứ nơi đâu, những người trai trẻ nầy sinh ra trong thập niên 40-50, vào quân đội, xem cái chết, tợ như lông hồng để bảo vệ quê hương khỏi ách cai trị độc tài độc ác của đảng cộng sản Việt Nam…
Mùa Hè Munich 2011
KQ Lê Hồng Đức

3 nhận xét:

  1. TUYỆT VỜI NGƯỜI LÍNH CỘNG HÒA

    Trả lờiXóa
  2. TUYỆT VỜI NGƯỜI LÍNH CỘNG HÒA

    Trả lờiXóa
  3. ông nội con là người lính của TD 92 BĐQ tên Trương Văn Lý hy sinh ngày 21/4/74 tại chiến trường Tống Lê Chân,con xin ngàn lần cảm ơn vì sự anh dũng của mấy bác đem xác ông của con về nên mới dc chôn ở nghĩa trang quân đội biên hòa. Các Bác có biết gì về ông của con ko kể cho con nghe với.truongminhhien.8286@gmail.com.Thanks

    Trả lờiXóa