* Từ Bạch Đằng Giang Phú của Trương Hán Siêu đến Bạch Đằng Giang ca khúc của Lưu Hữu Phước...
Nguyễn Trọng.
Ký sự “Trở về quê cũ làng xưa” của tôi không phải là một nhật ký du lịch ghi chép từng ngày, từng tháng. Được may mắn có mặt tại chính địa danh Bạch Đằng sau 60 năm xa miền Bắc tôi thấy lòng mình nao nao khó tả, vừa sung sướng được trở về quê cũ trước tuổi chiều tà xế bóng, vừa hãnh diện được nghe vang vọng đâu đây bài phú Bạch Đằng Giang của Trương Hán Siêu cùng với bản hùng ca Bạch Đằng của Lưu Hữu Phước. Bài phú bất hủ và bài ca tuyệt vời này đã thấm sâu vào lịch sử dân tộc Việt, thấm sâu vào lòng người dân Việt và đặc biệt là thấm sâu vào tâm hồn và ý chí quật cường chống ngoại xâm của lớp thanh niên Việt trong những năm 1941 đến năm 1945. Vào thời gian vô cùng yêu nước trong lịch sử, tôi còn là một học sinh trung học, chuẩn bị thi Tú Tài theo chương trình Pháp. Thời gian trôi qua đã trên 60 năm mà nay ngồi viết lại chiến thắng Bạch Đằng, tôi vẫn thấy trong lòng nổi lên những tư tưởng và cảm xúc ái quốc dạt dào, sẵn sàng bỏ trường bỏ lớp khoác áo chiến binh ra chiến đấu ngoài mặt trận...
Những thanh niên thời đó còn sống ở tuổi tôi bây giờ, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Chính vì vậy tôi thấy mình vừa có vinh hạnh vừa có bổn phận phải viết những dòng chữ sau đây, không phải viết trên cát cho sóng biển ngoài khơi đổ vào xóa nhòa dấu vết, mà viết trên giấy trắng mực đen để mong còn lại với muôn đời, muôn kiếp...
Bạch Đằng Giang Phú
Chúng ta thường nói: Văn chương thơ phú. Định nghĩa của thơ hay thi thì mọi người đều biết. Nhưng định nghĩa của phú thì cần phải nói rõ. Vậy phú là một thể văn có vần mà không hạn định số câu, số chữ, bài phú có thể kéo dài nhiều câu và mỗi câu có thể kéo dài nhiều chữ. Trong lịch sử văn học Việt Nam, có rất nhiều bài phú, trong đó Bạch Đằng Giang Phú của Trương Hán Siêu có lẽ là bài phú nổi tiếng hơn hết, còn ghi lại dấu vết vàng son trong lịch sử và trong lòng người.
Còn Trương Hán Siêu, ông là ai?
Ông là lương thần triều Trần, tính chất cương nghị, vừa giỏi về chính trị vừa giỏi về văn chương thơ phú. Người ta không rõ năm sinh của ông nhưng biết ông mất vào năm 1354. Ông sinh ra ở lộ Trường Yên, nay thuộc tỉnh Ninh Bình và ông cũng đã được chôn ở chân núi Dục Thúy, một thắng cảnh của tỉnh này. Bài Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) để chuẩn bị tinh thần chống đối ngoại xâm của tướng và quân dưới đời nhà Trần, đem lại chiến thắng lẫy lừng vẻ vang Bạch Đằng Giang còn vang vọng trên dòng sông vắng sóng vỗ bạc đầu. Bài Hịch của Hưng Đạo Vương đã tạo nên chiến thắng này thì bài Phú của Trương Hán Siêu lại đã ca tụng chiến thắng đó.
Bài Phú của họ Trương được viết bằng chữ Hán, người đời sau dịch ra tiếng Việt. Về chiến thắng Bạch Đằng, người viết có đọc một số sử liệu cho bài thêm phần phong phú. Trong các sử liệu nay mỗi ngày một dồi dào xác thực, người viết xin được trích sử liệu của tác giả Tạ Ngọc Liên được coi như đầy đủ hơn cả.
Bạch Đằng Giang Phú, theo tác giả, là một kiệt tác trong văn chương cổ Việt Nam. Về mặt nghệ thuật, đây là tác phẩm thể hiện đỉnh cao của tài hoa viết phú. Về nội dung tư tưởng, Bạch Đằng Giang Phú là áng văn tràn đầy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong sự nghiệp đánh giặc, giữ nước.
Viết về chiến thắng Bạch Đằng, Nguyễn Trãi (1380-1442) có câu:
Quan hà bách nhị do thiên thiết
Hào kiệt công danh thử địa tằng.
(Cửa sông xung yếu do trời đặt ra, hai người chống được trăm người
Những bậc anh hùng từng lập công ở đất này).
Còn Bạch Đằng Giang Phú là tác phẩm có quy mô lớn nhất, khôi kỳ hùng vĩ nhất ca ngợi sông Bạch Đằng và những chiến công ở đây. Với bài phú này, Trương Hán Siêu đã mô tả được đầy đủ cảnh đẹp tráng lệ của sông Bạch Đằng cũng như đã làm sống dậy những trận đánh oai hùng của thời Ngô Quyền, thời Trần Nhân Tông:
“Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều,
Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều.
Bát ngát sông kình muôn dặm (kình là lớn)
Thướt tha dưới trĩ một mầu (trĩ là biệt lập một mình)
Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu
Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng (niên hiệu của vua Trần Nhân Tông)
Nhị Thanh (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông) bắt Ô Mã Nhi.
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chưa phá Hoàng Thao.
Khi ấy:
Thuyền tầu muôn đội, tinh kỳ phấp phới
Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói.
Khác nào khi xưa:
Trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay
Trận Hợp Phi giặc Bồ Kiên (nước Tấn, Trung Quốc) hoàn toàn chết trụi
Đến nay nước sông tuy chảy hoài
Mà nhục quân thù không rửa nổi!”
Các tác giả khác, Tạ Ngọc Liên viết tiếp, khi ca ngợi sông Bạch Đằng thường chỉ nhấn mạnh đến thế hiểm yếu của nó. Nhưng Trương Hán Siêu thì lại chú ý tới vai trò con người, cho rằng con người mới là nhân tố quyết định sự thành bại trong chiến tranh giữ nước. Trương Hán Siêu viết:
Quả là trời đất cho nơi hiểm yếu
Cũng nhờ nhân tài giữ cuộc diên an.
Cuối cùng, bài Bạch Đằng Giang Phú có hai câu thơ để đời:
Giặc tan muôn thuở thanh bình
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.
Trương Hán Siêu sống cách đây trên 600 năm nhưng tình cảm yêu nước, ý thức dân tộc của ông vẫn tỏa sáng trong chúng ta qua áng văn bất tử Bạch Đằng Giang Phú.”
Chỉ có một điều rất tiếc là các học sinh Việt Nam, dưới thời Pháp thuộc và sau này cả dưới thời VNCH cho tới năm 1975, chiến thắng Bạch Đằng Giang không được giảng dậy đầy đủ trong nhà trường mà cũng chẳng được sách vở báo chí tường thuật với đầy đủ chi tiết như nó đang được mô tả ngày nay. Nhà Nước Việt Nam đang chuẩn bị ăn mừng long trọng chiến thắng Bạch Đằng vào năm 2008, trên một ngàn năm sau khi Ngô Quyền đánh đuổi được quân Nam Hán ở chiến thắng Bạch Đằng Giang lần đầu tiên, và sau đó xưng vương, đóng đô ở thành Cổ Loa, gần thủ đô Hà Nội bây giờ. Năm đó là năm 939.
Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước
Có thể nói mà không sai lầm là tiếng sóng Bạch Đằng Giang và khí tiết bài Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương và bài Bạch Đằng Giang Phú của Trương Hán Siêu đều đã chìm vào im lặng của thời gian và không gian trong suốt mấy trăm năm, kể từ đầu thế kỷ 14 cho mãi tới năm 1941 là năm Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam ra đời ở Hà Nội sau khi quân đội Nhật Hoàng tấn công Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941. Ở quốc gia nào thì không cần biết chứ ở Việt Nam chúng ta, quân đội Nhật Hoàng với chiến thắng bất ngờ Trân Châu Cảng, đã khơi dậy lòng ái quốc của người dân Việt chống thực dân Pháp.
Chúng ta còn nhớ trong khi Đệ Nhị Thế Chiến mới bắt đầu năm 1939, thì quân đội Hoàng Gia Nhật, lúc đó đứng về phe Phát Xít, có nghĩa là độc tài, gồm có Đức và Ý cho nên đã có quyền kiểm soát Đông Dương thuộc Pháp, gồm có Việt Nam, Ai Lao và Cam Bốt. Quân đội Nhật không tống khứ quân đội Pháp về nước mà còn cho các sĩ quan người Pháp được ở lại Việt Nam mà không có thực quyền.
Các đảng cách mạng của ta đã không tiêu diệt được thực dân và quân đội Pháp mà quân đội Hoàng Gia Nhật, dựa vào thế quốc tế, đã làm được công việc này mà không cần khói lửa chiến tranh. Sự “nhục nhã” của quân đội thực dân Pháp bị quân đội Nhật kiềm chế đã khơi dậy lòng ái quốc của người dân Việt, đặc biệt là trong giới học sinh, sinh viên.
Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam ra đời ở Hà Nội trong lúc tinh thần ái quốc lên cao vùn vụt, như nước vỡ bờ, như thác đổ ghềnh và như “trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt, khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.”
Theo nhà văn Lâm Lễ Trinh cho biết thì trong phong trào sinh viên này, các phần tử tiên phong đều là người gốc miền Nam, như Lưu Hữu Phước, Huỳnh văn Tiếng, Mai văn Bộ...
Còn về phía chính trị, chúng ta thấy xuất hiện những lãnh tụ sinh viên trẻ mà tên tuổi còn lưu lại cho tới ngày nay. Đó là các ông: Trương Tử Anh, Nguyễn Tôn Hoàn, Lý Đông A, Hà Thúc Ký, Nguyễn Tường Bách...
Quý độc giả đã đọc qua lời dịch từ Hán văn Bạch Đằng Giang Phú của Trương Hán Siêu. Nay người viết xin được ghi nguyên văn lời ca bản nhạc Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước để chúng ta cùng đối chiếu tinh thần hào hùng và lời ca tuyệt vời của hai thế hệ, xa cách nhau hàng mấy trăm năm nhưng cùng nhau hãnh diện, tự cao, tự đại về chiến thắng bất hủ, có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Đây nguyên văn bài Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước:
Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống anh hùng Nam, Bắc, Trung. Trên trời xanh, muôn sắc đua chen bóng ô. Dưới đáy dòng nước, ánh sáng vởn vơ nhấp nhô. Hàng cây cao soi bóng, gió cuốn muôn ngàn lau. Hồn ai đang phảng phất trong gió cảm xiết bao!...
Mây nước thiêng liêng còn ghi nhớ, thời oanh liệt của bao người xưa trung chánh. Vì yêu nước Nam vui lòng hiến thân, liều mình ra tay tuốt gươm bao lần... Dòng nước vẫn sáng dưới trời quang đãng. Từ xưa nêu cao gương anh hùng. Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng. Bạch Đằng Giang vẫn sáng... để cho nòi giống soi chung.
Chúng ta có thể nói một cách hơi “thậm xưng” là nếu bài Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã thổi mạnh tinh thần ái quốc chống xâm lăng vào lòng tướng và quân đời nhà Trần để tạo thành chiến thắng Bạch Đằng chống Nguyên Mông thì lời ca hùng hồn và đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ quốc gia trong bài Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước đã thổi vào lòng giới học sinh sinh viên lòng căm thù đối với thực dân Pháp, khởi đầu cho thời gian kháng chiến lâu dài về sau...
Nguyễn Trọng
Bài sau: Trở về thăm Ninh Bình, tỉnh quê hương của người viết.
Tác giả: Nguyễn Trọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét