Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Việc sử dụng triện son - Kỳ 3

(Kỳ 3)
(3). Kích thước.
Kích thước nói đây là kích thước của mặt phẳng Ấn, tức phần được in lên giấy.
Nói chung, nếu là Tư ấn, tức ấn của tư nhân, kích thước mặt phẳng Ấn không nhất định, mà vốn tùy ý người khắc Ấn. Mặt kia, về mặt Quan ấn, tức Ấn của quan chức, thì kích thước mặt phẳng được qui định rõ ràng, tùy Chức vụ, rồi tùy triều đại, mà kích thước qui định có khác đi. Sở dĩ có sự sai biệt này là do hệ thống đo lường đã thay đổi từ triều đại này qua triều đại khác.
Chẳng hạn ở thời Chiến Quốc, kích thước thông thường của Quan Ấn dạng vuông là vào khoảng từ 2.5 đến 3 cm, và biệt lệ thì có cái đến 6 cm x 5.5 cm.
Tư ấn tương đối nhỏ hơn, mặt Ấn vào khoảng từ 1 tới 2cm, nhưng, cũng có đôi lúc có cái chỉ nhỏ bằng hột đậu vàng.
Tiếp đến, Ấn thời Tần (221 - 206 tr. Cn.) có kích thước 2.3 cm x 2.4 cm, không vuông vức.
Kích thước mặt Ấn vào đời Tây Hán (206 tr. Cn. - 08) sau đó đại khái như Tần triều, chỉ lớn hơn chút ít, vuông vức là 2.5 cm.
Khi Vương Mãng (45 tr. Cn. - 23 Cn.; tại vị: 08 - 23) cướp ngôi của triều Tây Hán, và khai sáng Tân triều (08 - 23), kích thước của Ấn chương nhỏ lại chút nữa, vuông vức mỗi Cạnh 2.3 cm, tức trở lại với qui cách của Tần triều.
Nhưng, đến năm 25, Lưu Tú (06 tr. Cn. - 57; tại vị: 25 - 57) trung hưng Hán triều, sáng lập triều Đông Hán (25 - 220) kích thước mặt Ấn trở lại với kích thước cũ thời Tây Hán. Về Ấn tròn thì có cái đường kính đo được 3 cm.
Các triều Ngụy (220 - 265), Tấn (265 - 420) tiếp đó cũng đã theo qui định của Hán triều, nhưng tới thời kì Nam Bắc triều (420 - 589) trở đi thì kích thước mặt Ấn đã bắt đầu lớn hơn dần, hơn từ  2 đến 4 - 5 lần Ấn các triều Tần, Hán. Từ thời kì này về sau 1 cái Ấn vuông vức thông thường có kích thước từ 5 đến 10 cm. Lấy vài thí dụ:
+ Ấn 'Vĩnh Hưng Quận Ấn' triều Nam Tề (479 - 502) có kích thước 5 cm x 5 cm.
+ Ấn 'Quảng Nạp Phủ Ấn' triều Tùy (589 - 618) có kích thước 5.6 cm x 5.6 cm.    
+ Ấn 'Kê Lâm Đạo Kinh Lược Sứ Chi Ấn' đời Đường, vuông vức 5.3 cm x 5.3 cm.
+ Ấn 'Cao Tổ Thần Linh Thánh Văn Hiếu Đức Minh Huệ Hoàng Đế Thụy Bảó cạnh không đều 10.2 cm x 11.5 cm, Ấn của Vương Kiến (847 - 918; tại vị: 903 - 918) triều Tiền Thục (903 - 925) đầu thời Ngũ đại (907 - 960).
+ Ấn 'Tân Phố Huyện Tân Chú Ấn' thời Bắc Tống (960 - 1127) vuông vức 5.5 cm x 5.5 cm.
+ Ấn 'Quân Châu Phòng Ngự Sứ Ấn' thời Nam Tống (1127 - 1279) 5.6 cm x 5.6 cm.
Tuy nhiên, cái Ấn lớn nhất trong lịch sử Ấn chương Trung Quốc còn lưu truyền đến ngày nay là 1 cái Ấn đồng đời Hán.
Ấn này vuông, mỗi cạnh đo 23.5 cm (23.5 cm x 23.5 cm), khắc 4 chữ 'Hữu Chủ Diêm Quan'.
Trên cùng mặt Ấn khắc hình 2 con thú trong tư thế nằm đối nhau, mà coi dạng thì từa tựa như là 1 con beo và 1 con heo rừng. Ấn này dùng vào việc gì thì cho đến nay vẫn không rõ.
Ấn này đào được ở đầu phố Tây, phía Tây Thị xã Lai Châu, tỉnh Sơn Đông vào năm 1981.
                                                                           *
Hiện nay, kích thước Ấn thì vô định chế, nhất là trong phạm vi Tư Ấn, người nào muốn khắc Ấn cỡ nào cũng được, tùy ý. La Phúc Di (1905 - 1982), triện khắc gia thời cận, hiện đại nổi tiếng có khắc 2 cái Ấn vuông, Chu văn, Ấn văn khắc:
+ 'Tề Văn Tâm', mỗi cạnh 0.9 cm (0.9 cm x 0.9 cm), Lề ấn 1 mm. Còn lại: 0.7 cm x 0.7 cm.
+ 'Hoằng Chương', mỗi cạnh 0.9 cm (0.9 cm x 0.9 cm), Lề ấn 0.5 mm. Còn lại: 0.8 cm x 0.8 cm.
(Tham khảo La Phúc Di Ấn Tuyển, Kỷ Hoằng Chương biên).
Còn về mặt Ấn thì 2 loại Ấn vuông và Ấn tròn vẫn là thịnh hành hơn hết, nhất là Ấn vuông.
                                                                           &
[III]. Bố cục trên mặt Ấn.
(1). Số chữ trên mặt Ấn.
Ấn không chỉ để khắc Danh Tự mà 1 câu châm ngôn, cách ngôn, 1 thành ngữ, 1 cát ngữ, hoặc là 1 câu thơ thích ý nào đó..... cũng có thể khắc lên Ấn.
Danh Tự, có tên 2 chữ, có tên 3 chữ, lại có những tên 4 chữ; và câu cũng có câu dài và câu ngắn trước khi khắc cần đối chiếu số chữ với diện tích mặt Ấn để định cỡ chữ thích đáng! Cũng vì vậy việc định cỡ chữ bao gồm sự tính toán khoảng cách giữa các chữ với nhau - sao cho các khoảng cách này nhất quán, sát thì sát cả, lơi thì lơi đều.
Tiếp đến là vị trí của chữ.
Như đã biết, theo truyền thống, người Trung Hoa viết chữ theo hàng dọc, từ phải qua trái, vì vậy sự sắp xếp của các chữ trên mặt Ấn cũng theo thứ tự này.
Tuy nhiên, điểm đáng nêu ở đây là theo qui định, số chữ dầu chẵn, dầu lẻ cũng phải làm thế nào  trám toàn mặt Ấn - nói cho rõ hơn, vì nhu cầu mỹ thuật không một khoảng trống nào được chừa trên mặt Ấn. 
Mặt Ấn vuông, như có thể thấy ngay, thích hợp số chữ chẵn, do đó, những nhóm 4 chữ hay 6 chữ rất dễ bố trí, trong khi những nhóm 3 chữ, 5 chữ thì không thể phân đều trên mặt Ấn được.
Chẳng hạn, Ấn khắc tên 3 chữ: Trần Hưng Đạo.
Chữ 'Trần' nằm mé bên phải, 2 chữ 'Hưng Đạó nằm bên trái, và để theo đúng qui định nói trên chữ Trần sẽ được khắc dài xuống trám hết phần bên phải mặt Ấn.
Nhưng, cũng cần chú ý là trong những tên chữ lẻ không phải lúc nào chữ đầu tiên bên phải cũng được kéo dài trám mặt Ấn.
Thí dụ, Ấn khắc 5 chữ: 'Đỗ Tung Chi Tín Ấn'.
Mặt Ấn chia 3 cột đều nhau, từ phải qua trái:
Cột 1 là 2 chữ 'Đỗ Tung'.
Cột 2 là 2 chữ 'Chi Tín'.
Cột 3 chỉ 1 chữ 'Ấn', chữ 'Ấn' này sẽ được kéo dài để trám hết Cột thứ 3 này.
Về việc phân chia khoảng cách trên mặt Ấn thì vào thời Tần đa số trên mặt những Ấn vuông vức người ta chạm khắc 2 đường thẳng đi từ trung điểm của 2 cạnh kề, giao nhau tại trung điểm của mặt Ấn, chia mặt Ấn thành 4 khoảng đều nhau, thuật ngữ trong Triện khắc gọi sự phân chia này là 'Giới cách' - và do 2 đường thẳng giao nhau phân chia mặt Ấn vuông hoàn toàn có dạng của chữ 'Điền' (ruộng) cho nên người ta cũng gọi là giới cách này là 'Điền tự cách', điều hiển nhiên mẫu 'phân cách chữ Điền' này chỉ áp dụng trong trường hợp Ấn văn 4 chữ.
Còn về Ấn chữ nhật mà số chữ khắc chỉ gồm 2 chữ thì mặt Ấn được chia ra làm 2 phần đều nhau tạo thành dạng chữ 'Nhật' (Mặt trời, ngày), và đây là dạng gọi là 'Nhật tự cách'.
Thời cổ, các bậc Đế, Vương rất tin thuyết Ngũ Hành sinh, khắc tương ứng sự nối tiếp và sụp đổ của các triều đại, chẳng hạn Hán Cao tô? Lưu Bang (256 - 195 tr. Cn.; tại vị: 202 - 195), lúc vừa nổi dậy chống Tần triều, chém chết 1 con rắn lớn, có người nói rắn này là con của Bạch đế, sắc Trắng  là Sắc của hành Kim, luận Ngũ Hành sinh, khắc thì Hỏa khắc Kim, cho nên sau này lúc lên ngôi Lưu Bang đã lấy hành Hỏa biểu thị cái Đức của Hán triều. 
Sau đó không lâu dưới đời của Hán Văn đế (202 - 157 tr. Cn.; tại vị: 180 - 157), năm thứ 14, tức năm 167 trước Tây lịch, theo kiến nghị của Công Tôn Thần (? - ?), đã bỏ hành Hỏa, thay vào đó bằng hành Thổ. (Ngũ Hành tương sinh: Hỏa sinh Thổ).
Tới đời Hán Vũ đế (156 - 87 tr. Cn.; tại vị: 141 - 87) thì căn cứ hành Thổ mà sửa lại định chế về Ấn chương. Số tương ứng hành Thổ là số 5, bởi vậy Ấn của các quan phải gồm 5 chữ, chẳng hạn Ấn của Thừa tướng khắc 'Thừa Tướng chi Ấn chương'. Ấn của các quan chức khác mà không đủ 5 chữ thì thêm chữ 'Chí cho đủ. 'Giới cách', vốn ám hợp số Chẵn, tới đây rồi hết đắc dụng. 
Trên đây chỉ là 1 cái nhìn tổng quát, chi tiết hơn, liên quan phương thức bố cục trên mặt ấn, còn nhiều vấn đề khác nữa, tự thuật khái quát như sau:
1). Đối Xứng.
Đối xứng là 1 trong những nét cơ bản của nghệ thuật Triện khắc.
Đối xứng của Triện khắc có thể chia 2 phương diện: Trên dưới đối xứng (thượng hạ đối xứng) và trái, phải đối xứng (tả, hữu đối xứng); áp dụng trên thực tế thì, hoặc dựa theo 1 đường nét cụ thể  hoặc 1 đường tưởng tượng làm trung điểm để từ đó ấn định đối xứng.
Ngoài ra, trong Triện khắc còn có đối xứng Toàn thể, đối xứng Cục bộ - và đối xứng Triện khắc    nhằm đạt tới là 1 đối xứng tương đối, 1 đối xứng tuyệt đối thường dễ đưa tới sự cứng ngắc.
Tóm lại, 'trong đối xứng có phi đối xứng', và 'trong phi đối xứng có đối xứng', đây mới chính là cảnh giới Triện khắc gia nhằm đạt tới, tức Âm trung hữu Dương, Dương trung hữu Âm.
2). Đối Tỉ.
Thủ pháp Đối Tỉ nhằm tăng cường vẻ mĩ thuật của Ấn chương. Thủ pháp này có thể phân một số phương diện như sau:
+ Đối Tỉ trong chương pháp (tức bố cục).
Gồm 2 thủ pháp:
(a). Sơ mật đối tỉ.
Thủ pháp ở đây là phân bố các chữ chỗ thưa, chỗ khít 1 cách thích đáng.
(b). Khinh trọng đối tỉ.
Thủ pháp ở đây là cân nhắc chỗ nào cần khắc sâu, chỗ nào cần khắc cạn.
+ Đối tỉ trong Tự pháp.
Gồm 2 thủ pháp:
(a). Kỳ Chính đối tỉ.
Tức phối hợp những Cổ văn đặc dị (Kỳ tự) trên các khí dụng thời Tam đại (Hạ, Thương, Chu) và những chữ thông thường (Chính tự).
(b). Đại tiểu đối tỉ.
Phối hợp dạng chữ, chữ lớn và chữ nhỏ sao cho hài hòa.
+ Đối tỉ trong đường nét.
Có 2 thủ pháp:
(a). Thô tế đối tỉ.
Phối hợp các chữ có nét lớn (Thô), nét nhỏ (Tế) 1 cách hài hòa.
(b). Trường đoản đối tỉ.
Chữ nào cần kéo dài, chữ nào cần thu ngắn lại, đây là chủ đích của thủ pháp này.
+ Đối tỉ trong đao pháp.
Có 2 thủ pháp:
(a). Sinh thục đối tỉ.
Sinh nói ở đây có nghĩa là 'non nớt', thiếu kinh nghiệm, Thục có nghĩa 'lão luyện'! Chữ nào cần vẻ non nớt, chữ nào cần vẻ lão luyện thì đao pháp (đường khắc) đều phải xác thực, sinh động.
(b). Tật sập đối tỉ.
Tật nghĩa là 'nhanh chóng', tức hàm ý trôi chảy không ngưng trệ, Sập có nghĩa 'trì trế, thiếu vẻ trôi chảy. Đao pháp chỗ cần trôi chảy thì cho trôi chảy, chỗ phải khựng lại thì khựng lại, và dầu trôi chảy hay ngưng trệ đao pháp vẫn có vẻ tự nhiên.
Tất cả những Thủ pháp nói trên đây nhằm tạo 1 tác dụng nghệ thuật, qua sự kích thích mạnh mẽ thị giác.
Thư pháp gia, Họa gia, kiêm Triện khắc gia tiếng tăm ở cận đại Tề Bạch Thạch (1864 - 1957) là người đã vận dụng được thủ pháp Đối Tỉ đến cảnh giới cực cao.
3). Tá biên.
Nghĩa là 'mượn lế, tức mượn phần mép lề của mặt Ấn để làm 1 nét của chữ được khắc, nói rõ là nét chữ và mép lề chỉ là một.  Có thể mượn cả 4 mép lề hoặc chỉ mượn 1, 2 lề.
Thủ pháp 'Mượn lế làm cho hình thái của Ấn văn có một vẻ tự nhiên, vì vậy, vấn đề làm thế nào đừng lưu vết tích, có như vậy mới là thượng thừa.
Thủ pháp 'mượn lế hồ hết được vận dụng trong những loại Ấn đường nét thô sơ, phóng túng, có tính cách 'tả ỵ
4). Tính biên.
Trong Ấn văn những nét chữ nào song song và cận sát lề Ấn thì nhập lại làm một, khiến lề Ấn và nét chữ hợp thành 1 đường thô dày. Tính ở đây có nghĩa là sáp nhập, nhập vào.
Tính biên, nói chung, là 1 nhu cầu thẩm mĩ của Triện khắc gia, được vận dụng trong trường hợp đường nét của Ấn văn quá chi chít, khít khao, chữ này ép sát vào chữ kia. Nếu mà khéo vận dụng thủ pháp 'Tính biên' có thể tạo cho khí thế toàn thể của Ấn một vẻ thư túng, làm mất đi vẻ gò bó câu thúc. Có điều là khi vận dụng thủ pháp này cần chú í đến phong cách cũng như phép Bố cục của Ấn mà định, lại còn phải làm thế nào để người ta có thể đọc được Ấn văn.
Vào thời cận đại, Thư, Họa, Triện khắc gia Ngô Xương Thạc (1844 - 1927) và Tề Bạch Thạch là 2 người rất thường sử dụng thủ pháp 'Tính biên' này.
5). Niêm biên.
Còn gọi là Liên Biên. Niêm nghĩa là 'dán', Liên nghĩa là 'liền'.
Trong Ấn văn có những chữ mà phần trên hoặc phần dưới dính (niêm) liền với Lề Ấn - điều cực phổ biến trong loại Ấn chu văn có dạng tròn hoặc bầu dục, chỗ lề Ấn tiếp xúc với đường nét chữ phải nhập vào nhau một cách tự nhiên, như nhất thể.
6). Điệp biên.
Tức chỉ chữ khắc trên Ấn và đường kẻ lề Ấn nhập vào nhau (điệp).
Nếu như thủ pháp 'điệp biên' được vận dụng một cách thích đáng thì rồi trong nhiều trường hợp Ấn văn và đường kẻ lề Ấn chen chúc, biến hóa, chỗ thưa, chỗ sát đầy ý vị.
Ngô Xương Thạc là người vận dụng thủ pháp này rất khéo.
7). Bức biên.
Bức biên nghĩa là 'Cận lế, đây tức chỉ các nét chữ của Ấn văn nằm sát cận lề Ấn. Thủ pháp này chỉ thích dụng cho Bạch văn Ấn, không thích dụng cho Chu văn Ấn, vì lẽ trong loại Bạch văn Ấn bó buộc chữ phải khắc sát lề ấn không được chừa ra một khoảng trống nào, còn khoảng trống là không có vẻ cổ kính. Trong khi đó Chu văn Ấn thì chữ không thể nằm cận lề Ấn, để lề Ấn và chữ 2 bên dựa vào nhau mà mất đi ý vị. Để tránh điều này nên lợi dụng khoảng trống vừa phải trong lòng chữ để cách với lề Ấn.
(Về Bạch văn Ấn và Chu văn Ấn, sẽ nói rõ ở phần tiếp sau phần này).   
Về Bức biên có 2 trường hợp:
+ 'Nhất diện bức biên, tam diện lưu không.' ('Một mặt cận lề, ba bề để trống').
+ 'Tam diện bức biên, nhất diện lưu không.' ('Ba mặt cận lề, một bề để trống').
Nhưng, trường hợp nào cũng thế, mé dưới mặt Ấn phải chừa 1 khoảng trống nào đó - nếu không bố cục sẽ rơi vào tình trạng 'trên nặng, dưới nhẹ, lắc lư muốn đố.
Vì thế, gọi 'cận lế là ý chỉ khoảng trống chừa ra giữa chữ và lề Ấn tương đối ít, không cân xứng với bố cục Ấn văn, chứ không thực sự chỉ nói Ấn văn ở kề cận lề.
Những thủ pháp tự thuật ở trên cũng như 1 vài thủ pháp khác sẽ nói đến tiếp sau phần này thuần thuộc phạm vi chế tác, nói rõ hơn là, nằm trong chức năng của Triện khắc gia. Có điều, nếu như  không có một sự hiểu biết tối thiểu về các điều này thì việc thưởng thức nghệ thuật Triện khắc sẽ mất đi ít nhiều ý vị. 
Ngoài ra, cũng vì nhu cầu Chương pháp, Triện khắc còn sử dụng 1 số thủ pháp khác nữa, nêu ra  
1 vài điều nữa như sau:                              
1). Tăng Giảm Pháp.
Còn gọi là 'Tăng Tổn pháp'. Ấn văn nếu có chữ quá nhiều nét thì giảm thiểu đi cho giản dị, còn  chữ ít nét quá thì tăng thêm nét cho tròn đầy, tất cả là để đạt sự hoàn mĩ về mặt chương pháp.
Tuy nhiên, chẳng phải muốn tăng sao thì tăng, mà giảm sao thì giảm! Dầu tăng hoặc giảm cũng phải căn cứ Triện pháp, nếu cần thì kê khảo các 'Tự thứ để tránh sự tăng, giảm không theo như thể lê. Thư pháp. Nói như vậy có nghĩa là Triện khắc gia phải có một trình độ tối thiểu nào đó về Cổ văn tự học.
Tăng Tổn pháp rất thường thấy trong Ấn tín thời Chiến Quốc, để đến các triều Tần, Hán sau đó thì càng phổ biến hơn. Thể Mâu triện thời Hán là 1 thí du. Tăng Tổn pháp đưa vào Triện khắc.
Trong thể Mâu triện, một Chữ có thể có nhiều kiểu viết, có khi đến năm bẩy chục kiểu so với chữ chính thức đương thời, chẳng hạn chữ 'An' (yên) có 76 kiểu viết khác nhau.
1 vài thí dụ về Tăng Tổn pháp:
(a). Tăng pháp.
+ Ấn khắc 2 chữ 'Chu Tượng'.
Chữ 'Tượng'(con voi) thêm chữ 'Công' (việc).
+ Ấn khắc: 'Thường Sơn Tất Viên Tư Má.
Chữ 'Viên' (cái vườn) thêm vào bộ 'Thảó đầu.
+ Chữ 'An' (yên) thêm 2 chấm nhỏ giữa lòng chữ.
(b). Tổn pháp.
+ Ấn khắc: 'Tư Mã Thuấn Ấn'.
Chữ 'Thuấn' (1 loại cỏ. Tên của vua Thuấn) trên mặt Ấn nét khắc của Bộ 'Suyển' mé dưới giảm 2 nét 'Số (tức nét dọc) để chỉ còn cái khung.
+ Ấn khắc: 'Bộ Khúc Đốc Ấn'.
Chữ 'Đốc' (Thị sát. Đốc thúc.....), Bộ 'Mục' (mắt) ở phía dưới trong thể Mâu triện được viết như chữ 'Viết' (nói), đã bị lược bỏ nét ngang bên trong.
2). Đại pháp.
Đại có nghĩa là thay thế, như nói 'đại diện', 'đại lỵ....
Dùng 1 chữ để thay thế 1 bộ phận của 1 chữ khắc trong Ấn văn, chẳng hạn:
+ Ấn khắc: 'Quảng Vũ Tướng Quân Chương'.
Bộ 'Chí (ngừng lại) trong chữ 'Vú (Võ) đã được thay thế bằng chữ 'Sơn' (núi).
Cần chú ý là sự thay thế ở đây vốn có sở cứ:
(a). Trong thể Thảo thư 2 chữ Chỉ và Sơn tương tự.
(b). Về ý nghĩa, 2 chữ này cũng tương tự! Chỉ có nghĩa 'ngừng', ngừng là đứng yên tại chỗ, cũng  giống như Núi vốn bất động 1 chỗ. Do đó, có thể lấy chữ Sơn thay thế chữ Chỉ.
Dịch Kinh nói: 'Cấn, chỉ dá. (Thoán từ Quẻ Cấn và Thuyết Quái. VII), nghĩa là:
- 'Cấn nghĩa là ngừng lạí.
Và chương XI của thiên 'Thuyết Quáí nói: - 'Cấn vi Sơn', nghĩa là 'Cấn là (tượng của) Núí.
Từ những gì dẫn trên đây có thể thấy rằng mỗi 1 sự thay đổi rồi có nguyên tắc của nó, không thể tùy tiện thay đổi theo chủ quan cá nhân.
3). Hợp văn pháp.
Trong Ấn văn có những chữ ít nét, coi rất rời rạc, vì vậy mà Triện khắc gia đã nhập (Hợp) 2 chữ làm một, để 2 chữ rồi chỉ chiếm chỗ của 1 chữ. Thủ pháp này được gọi là 'Hợp văn pháp'.
Mục đích của thủ pháp này là tạo sự cân xứng về phương diện 'khinh, trọng' và 'hư, thực' trong bố cục của Ấn văn.
4). Điệp pháp.
Còn gọi là 'Điệp tứ. Điệp nghĩa là 'trùng, lặp lạí.
Trong Ấn văn nếu có 2 chữ tương đồng (điệp) thì như trong nguyên tắc thời cổ chữ thứ 2 sẽ được thay thế bằng 2 nét ngang nhỏ, giống như chữ 'Nhí (số 2), đặt dưới chữ thứ nhất.
Nguyên tắc này là 1 trong những nguyên tắc các học giả căn cứ để giám định sự chân, ngụy của các tấm Bia, các tờ Thiếp cổ. Thí dụ trong các tấm Bia, tờ Thiếp cổ nếu 2 chữ 'điệp' mà viết vẫn đủ cả 2 chữ thì đây là đồ giả.
Ngoài ra, 2 chữ từa tựa nhau thì chữ thứ 2 cũng được thay thế bằng 2 nét ngang như đã nói. Như  thời Tần, 2 chữ 'Đại Phú khi khắc Ấn chữ 'Phú cũng được thay thế bằng 2 nét ngang nhỏ.
5). Trùng tự pháp.
Phương thức xử trí 2 chữ tương đồng trong Ấn văn.
Trong Triện thể thời cổ 1 Chữ thường có nhiều cách viết khác nhau, bởi vậy, khi gặp trường hợp 2 chữ tương đồng Triện khắc gia có thể viết 2 chữ tương đồng này theo 2 cách khác nhau.
Mục đích của phương thức này là nhằm tránh sự nhàm chán thị giác khi phải nhìn cùng một chữ đến 2 lần.
6). Tính bút.
Trong Ấn văn, chữ nào quá nhiều nét, các nét chen chúc nhau..., Triện khắc gia cho nhập (Tính) các nét song song lại với nhau, hoặc chỉ chừa lại một khoảng cực nhỏ - như có, như không, giữa những nét song song này.
Thủ pháp 'Tính Bút' đa số được sử dụng trong loại Bạch văn Ấn, nhằm giảm đi sự trùng lặp của các đường song song, hoặc nhằm tạo cho sự tương phản giữa các Nét lớn và Nét nhỏ càng thêm sắc nét! Phương thức này vận dụng trong loại Chu văn Ấn thì hiệu quả trên đây chẳng được cao cho lắm. 
Triện Khắc gia Uông Quan (? - ?) đời Minh là người rất khéo về thủ pháp 'Tính bút' này. 
7). Na di pháp.
Trong khi trù tính bố cục Ấn văn Triện khắc gia rồi theo sự suy tính này mà, hoặc thu nhỏ, hoặc di chuyển vị trí của 1 hay vài chữ. Na di có nghĩa là di chuyển.
Na di pháp đã thấy trong những Ấn chương cổ thời Hán.
Nhìn chung, Ấn văn đời Hán các chữ phần lớn có nét đều đặn ngay ngắn, nếu như có chữ nào có nét lệch thì tìm thế tránh. Gặp chữ nào có khoảng trống trải không còn cách nào trám đầy, hoặc 1 chữ có 1 hoặc 1 đôi nét không đều, không thể làm cho đều đặn, ngay ngắn lại.... rồi ngoài việc kéo dài ra, hoặc thu ngắn những Nét này lại, còn kiếm cách thu hẹp khoảng cách phía trên hoặc phía dưới, hoặc bên trái hoặc bên phải của những chữ này, để tái lập thế hài hòa.
Như vậy gọi là 'Na di pháp', hay còn gọi là 'Na nhượng pháp', 'nhượng' có nghĩa 'nhường'.
8). Phản pháp.
Nhằm điều hòa sự 'khinh, trọng', 'hư, thực' của Ấn văn, Triện khắc gia rồi cố ý khắc đảo ngược 1 vài chữ. Khắc ngược đây tức như chữ dán ở 1 tấm kiếng được nhìn từ phía bên kia.
Thẩm Dã (? - ?) đời Minh đã ghi lại trong cuốn 'Ấn Đàm' 3 trường hợp về 'Phản pháp':
- Ấn khắc: 'Cố Thành Bình Hầu Tư Ấn', 3 chữ 'Cố Thành Hầú khắc ngược.
- Ấn khắc: 'Thù Toại Chi Ấn', 2 chữ 'Thù Toạí khắc ngược.
- Ấn khắc: 'La Tán Ấn Tín', 2 chữ 'La Tán' khắc ngược.
(Dẫn trong: 'Trung Quốc Triện Khắc Đại Từ Điển').
Chữ khắc ngược trong Ấn chương thời cổ vốn xuất từ việc Ấn công khắc chữ lầm mà ra! Sau này đôi lúc có người vận dụng phương thức này để tạo nên 1 nét hài hòa trong bố cục của mặt Ấn và thường đã làm nảy sinh những ý vị bất ngờ trong việc thưởng lãm.
                                                                           *
(2). Kỹ thuật. Phân bố của Ấn văn.
Kỹ thuật nói đây giới hạn trong kỹ thuật khắc chữ và hiệu quả của nó khi in trên mặt giấy.
Căn cứ kỹ thuật khắc Ấn, và tác dụng của nó khi đóng dấu, người ta phân Ấn làm 2 loại:
Bạch văn Ấn, hay còn gọi Âm văn Ấn, Chu văn Ấn, hay còn gọi Dương văn Ấn.
Thời cổ, trước khi phát minh ra giấy Ấn chương được đóng trên những mẩu đất Sét - những mẩu đất sét này được gọi là 'Phong Nế hay Nê phong. Ấn đóng trên đất sét, chữ trên mặt Ấn rồi lõm xuống mặt mẩu đất sét.
Khi đã có giấy, vì nét khắc trên Ấn nổi lên, vì vậy đóng trên giấy thì chữ cũng nổi lên mặt, do đó gọi là Dương văn, và vì chữ nổi trên giấy có sắc đỏ cho nên gọi là Chu văn (Chu là sắc đỏ).
Ngược lại, nếu chữ được khắc lõm xuống mặt Ấn thì khi đóng dấu nền của mặt ấn sẽ toàn sắc đỏ trong khi phần chữ lại toàn một sắc trắng, do đó mà gọi là Bạch văn! Ngược lại, với Ấn Chu văn thì trên giấy nền của mặt Ấn toàn sắc trắng trong khi phần chữ lại toàn sắc đỏ.
Tóm lại, Chu văn Ấn thì chữ được chạm nổi, trong khi Bạch văn Ấn thì chữ được khắc chìm.
Có thể nói Bạch văn Ấn đã bắt nguồn từ những dấu Ấn trên những mẩu Phong nê thời cổ. 
Ấn tín các triều Tần, Hán đa số là Bạch văn, Ấn Chu văn rất hiếm thấy trong các thời kỳ này.
Bạch văn hay Chu văn mỗi loại có nét mỹ thuật riêng! Và có một số người đã cho khắc phối hợp cả Bạch văn lẫn Chu văn trên mặt Ấn tín, như Họ thì khắc Bạch văn, Tên lại chạm Chu văn, hay ngược lại. Vấn đề này, chi tiết hơn thì như sau:
+ Ấn 2 chữ trong đó 1 chữ Chu văn, 1 chữ Bạch văn.
Thể thức này được gọi là 'Nhất Chu Nhất Bạch', hoặc 'Bán Chu Bán Bạch'.
+ Ấn 3 chữ thì có các loại 'Nhất Chu Nhị Bạch', hoặc 'Nhị Chu Nhất Bạch'.
Loại Ấn này đa số là loại Tính Danh Ấn, tức Ấn khắc Họ và Tên.
Loại Ấn 2 chữ và Ấn 3 chữ đều khởi đi từ thời Chiến Quốc, và riêng loại Ấn 3 chữ rất thịnh hành dưới Hán triều.
+ Ấn 4 chữ thì có 'Nhất Chu Tam Bạch', 'Nhị Chu Nhị Bạch', 'Tam Chu Nhất Bạch'......
Nhìn chung, trong sự phối hợp 'Chu, Bạch' trên đây, chữ nhiều nét thường khắc 'Bạch văn', chữ ít nét thì chạm 'Chu văn'.
(b). Qui cách phân bố.
Về qui cách trình bày, có các thể thức 'Giao Thác Ấn', 'Hồi Văn Ấn'......
+ Giao Thác Ấn.
Ấn này thường là loại Ấn 4 chữ. Cách trình bày như sau:
Chữ thứ nhất ở mé trên bên phải.
Chữ thứ 2 ở phía dưới bên trái.
Chữ thứ 3 ở phía trên bên trái.
Chữ thứ 4 ở phía dưới bên phải.
Về thể thức này hiện nay còn lưu truyền 1 cái Ấn khắc 4 chữ: 'Chu Ngô Hữu Úý.
Trên mặt Ấn:
Chữ Chu vị trí ở trên cùng bên phải mặt Ấn, tiếp đến, chữ Ngô ở mé dưới bên trái, chữ Hữu ở mé trên bên trái, và sau cùng, chữ Úy ở mé dưới bên phải.
Đây là 1cái Ấn đời Hán. Thể thức này thời Hán cực hiếm.
+ Hồi Văn Ấn.
Loại Ấn này hầu hết là loại Ấn 4 chữ.
Chẳng hạn, tên là 'Cao Minh Viễn' nếu trình bày theo thể thức 'Hồi Văn' thì sẽ như sau:
chữ Cao vị trí ở trên cùng mặt Phải, tiếp đến, phía dưới là chữ Ấn, tiếp đến chữ Minh nằm ở trên mé Trái, và sau cùng, dưới chữ Minh là chữ Viễn. Ấn văn đọc: 'Cao ấn Minh Viễn'.
Thể thức 'Hồi Văn Ấn' này người thời sau bắt chước rất nhiều.
+ Hoành Độc Ấn.
Danh xưng có nghĩa là 'Ấn Đọc Ngang'. Ấn văn loại Ấn này được trình bày theo thứ tự ngang từ phải qua trái, nói rõ là chữ đọc theo thứ tự hàng ngang. 1 cái Ấn cổ khắc 'Tư Khấu Chi Tí:
Chữ thứ nhất (Tư) ở phía trên bên phải, chữ thứ 2 (Khấu) ở phía trên bên trái, chữ thứ 3 (Chi) ở mé dưới bên mặt, chữ thứ tư (Tỉ) ở mé dưới bên trái.
+ Vạn tư. Ấn.
Ấn văn được phân bố trong cái khung chữ Vạn của Phật giáo.
Chữ Vạn phân thành 4 ô đều nhau, như phân giới 'Điền tự cách' - Ấn văn ở đây, vì vậy, cũng là 4 chữ. Thứ tự của chữ được phân bố theo chiều xoay của chữ Vạn, tức từ phải qua trái.
Vương Tấn Khanh (? - ?) có 1 cái Ấn nhỏ, giới cách của mặt Ấn là 1 khung chữ Vạn khắc 4 chữ  là 'Tấn Khanh Trân Ngoạn'.
Theo khảo chứng của Trần Chấn Liêm, người thời nay, 4 chữ trên đây được phân bố như sau:
Chữ Tấn ở phía trên bên phải.
Chữ Khanh ở phía trên bên trái.
Chữ Trân ở phía dưới bên trái.
Chữ Ngoạn ở phía dưới bên phải. 
+ Sách văn.
Sách văn nghĩa là 'chẻ chứ.
Phân khai Bộ Thủ của một chữ để phân bố chữ này ở 2 khoảng giới cách riêng. Lệ này vốn thấy trong Ấn tỉ thời cổ, có điều là rất hiếm. Thời Tần còn lưu lại 1 cái Ấn khắc 2 chữ 'Sự Tứ:
Đây là một cái Ấn vuông chia Điền tự cách, cả 2 chữ 'Sự Tứ đều bị chẻ thành 2 phần, mỗi phần nằm trong 1 khoảng giới cách.
Chẻ chữ như vậy dễ đưa đến sự đọc sai, cho nên khi vận dụng 'Sách văn' cần cẩn thận hết sức.
                                                                           *
Ấn văn khắc xong xuôi, tiếp đến là phần khắc Ấn khoản, là phần khắc hoặc thi văn, hoặc những câu châm ngôn, cũng như ngày tháng chế tác Ấn.....
Ấn khoản được khắc nơi những khoảng trống trên thân Ấn, chóp Ấn...... tóm lại là ngoài mặt Ấn tất cả những khoảng trống đều có thể sử dụng để khắc Ấn khoản. 
Thông lệ khắc Ấn khoản đã bắt nguồn từ Quan ấn Đường triều (618 - 907), có điều, thời bấy giờ nội dung Ấn khoản chủ yếu ghi lại Năm, Tháng, chế tác Ấn, hoặc là giải thích rõ hơn Ấn văn, và nhìn chung phần khắc này đã không mấy chú trọng mặt nghệ thuật của đường nét! Phải chờ cho tới 2 triều Minh (1368 - 1644), Thanh (1644 - 1911) Triện khắc gia mới dần dần nhận định rằng Ấn khoản cũng là khoản chẳng những để thể hiện nghệ thuật Thư pháp, như ở Ấn văn, mà còn là chỗ trình bày nghệ thuật Thi văn, Hội họa và Điêu khắc! Từ đó Ấn khoản đã trở thành một phần không thể thiếu của Ấn.
Vị trí của Ấn khoản, theo qui định là ở mặt bên Trái của Ấn văn - nếu chỉ khắc 1 mặt. Nếu khắc 2 cho đến 4 mặt thì khởi đi từ phía Trái vòng qua Phải, tức theo chiều Kim đồng hồ. Trường hợp 4 bên thân Ấn đã khắc đầy mà chưa hết thì khắc tiếp đến chóp Ấn.
Nếu như phần chóp Ấn, để dựa ngón tay khi đóng dấu, là phần thân bên của một con thú nào đó thì lúc khắc Ấn để đầu con thú hướng về mặt trái của Ấn, còn nếu bộ phận này là chính diện của con thú thì lúc khắc Ấn để đầu của nó theo cùng một hướng với Ấn văn, còn Ấn khoản thì khắc ở mặt có phần đuôi con thú.
Ấn văn đi từ Phải qua Trái, Ấn khoản lại khởi từ Trái qua Phải, đây là 1 sự phối hợp Âm/Dương làm người ta liên tưởng đến sự vận hành nghịch chiều của Bát Quái trên Đồ hình Tiên thiên.
Ấn khoản còn có 1 số danh xưng nữa như: Ấn bạt, Biên bạt, Bàng khoản, Biên khoản, Cụ khoản, Lạc khoản, Thự khoản, Khoản đề.
Trường hợp chóp Ấn là một mặt bằng như mặt (khắc) Ấn văn và được sử dụng để khắc Ấn khoản thì Ấn khoản ở đây được gọi là 'Đỉnh khoản'! Phương hướng của Đỉnh khoản với phương hướng của Ấn văn chỉ là một. Thường thì Đỉnh khoản chỉ giản dị khắc tính danh người chế tác Ấn cùng với năm tháng chế tác.
Ngoài ra, còn có 'Bối khoản'. Bối nghĩa là cái lưng, và lưng đây là Lưng của Ấn. Lưng Ấn ở đây chỉ phần bên phải của Ấn văn.
Bối khoản khởi đầu từ Quan Ấn đời Tùy (589 - 618). Quan ấn đương thời có đôi lúc ở Bối khoản khắc ngày tháng chế tác Ấn. - Từ các triều Tống, Nguyên trở về sau thì trong số những Quan Ấn khắc văn tự của các dân tộc thiểu số có một số phụ khắc phần Hán văn để giải thích ý nghĩa của  Ấn văn.
Còn có Ấn khoản gọi là Đơn khoản chỉ khắc Họ và Tên của người chế tác Ấn mà không khắc tên cũng như Tự, Hiệu, hoặc tên thư phòng..... của người đặt làm Ấn. Hoặc là cũng có khi khắc thêm năm tháng chế tác Ấn.
Tương truyền thể thức này khởi từ Thư, Họa gia Triệu Mạnh Phủ (1254 - 1322), Nguyên triều.   
Ở mặt bên một cái Ấn của ông - khắc 3 chữ 'Tùng Tuyết Traí, có khắc 2 chữ 'Tử Ngang', là tên Tự của ông - và 'Tùng Tuyết Đạo Nhân', tên Hiệu của ông.
Cho đến hiện nay thì đây là cái Ấn có Đơn khoản thấy sớm nhất. Như Ấn văn cho thấy rõ, đây là loại Ấn gọi là Trai Quán ấn, hay Hiên Trai ấn, hay Trai Đường Quán Các ấn, khắc tên Thư viện hay Thư phòng.... của 1 người, đã nói ở một đoạn trước đây. Loại Ấn này luôn luôn có một trong những chữ Hiên, Trai, Quán, Đường cho nên có những danh xưng nói trên. Loại Ấn này thời cổ không có, theo truyền thuyết bắt đầu từ Tể tướng Lý Bí (722 - 789) đời Đường. Lý Bí có 1 cái Ấn bạch ngọc khắc 3 chữ Âm văn 'Đoan Cư Đường'. Đến thời Triệu Tống thì loại Hiên Trai Ấn này cực thịnh hành. 

Minh Di

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét