Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

CSVN công nhận VNCH?

Mấy tuần qua, sau khi nghe bài nói chuyện của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trước quốc hội, khi đi vào các quán cà phê, nghe đài phát thanh, xem truyền hình hay đọc báo Việt ngữ ở hải ngoại, chúng ta thấy nhiều  “bình luận gia ta” đã tỏ ra rất hỉ hả: “Bây giờ Nguyễn Tấn Dũng đã phải nhìn nhận Việt Nam Cộng Hoà!” Nghĩ và nói như thế là “bé cái lầm”!

Người Việt chống cộng thường nhắc đi nhắc lại câu nói của Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Công sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm". Điều đáng tiếc là ông Thiệu tuy nói như vậy, nhưng ông  không hề nhìn kỹ những gì Cộng sản làm nên đã làm mất miền Nam một cách nhanh chóng. Đa số người Việt chống cộng ở hải ngoại, một số còn tự xưng là “đi guốc trong bụng cộng sản”, nhưng cũng biết rất ít những gì cộng sản làm. Suy nghĩ và nói như trên, một lần nữa đã chứng minh điều đó. Họ thường bắt chước Tổng Thống Thiệu, cứ suy nghĩ và hành động theo cảm tính, không cần biết dịch và “đồng minh” đang làm gì, nên trong 36 năm qua, đánh ít thua ít, đánh nhiều thua nhiều, càng đánh càng thua!

Đọc lại kỹ những lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta sẽ thấy những lời tuyên bố đó mang những ý nghĩa hoàn toàn khác. Phải đọc toàn bộ bài trả lời của Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta mới thấy rõ vấn đề. Tách một câu hay một đoạn ngắn ra khỏi văn mạch của toàn bài để “bình luận”, rất dễ có những nhận xét sai lạc.

XÁC ĐỊNH CỦA NGUYỄN TẤN DŨNG

Chúng tôi đã đọc nguyên văn đoạn Nguyễn Tấn Dũng nói liên hệ đến chủ quyền Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được đăng lại trong website chinhphu.vn, tức một cơ quan thông tin chính thức của nhà cấm quyền Hà Nội, chúng tôi xin ghi lại những điểm chính mà một số độc giả đang bàn luận để thấy rõ đâu là sự thật.

Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XIII ngày 25.11.2011, khi các đại biểu hỏi về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày ba vấn đề cần được lưu ý: Vấn đề thứ nhất là chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa, vấn đề thứ hai là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và vấn đề thứ ba là giải pháp mà Việt Nam muốn.

1.- Vấn đề Chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa

Trước tiên, Nguyễn Tấn Dũng nói một cách tổng quát: “Việt Nam đã làm chủ thực sự ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việt Nam thực sự làm chủ khi 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào. Việt Nam chúng ta đã làm chủ trên thực tế, liên tục và hòa bình.”

Sau đó, Nguyễn Tấn Dũng trình bày vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa.

Về Hoàng Sa, Nguyễn Tấn Dũng nói:

“Nhưng đối với quần đảo Hoàng Sa, năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974 Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự đang quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn - chính quyền Việt Nam cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn - chính quyền Việt Nam cộng hòa lúc đó đã lên án hành động xâm chiếm này và đã đề nghị Liên hiệp quốc can thiệp...”

Đây là đoạn thứ nhất Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến “chính quyền Sài Gòn – chính quyền Việt Nam Cộng Hoà”.

Về chủ quyền Trường Sa, Nguyễn Tấn Dũng nói tiếp:

“Năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam chúng ta đã tiếp quản 5 đảo nổi tại quần đảo Trường Sa, đó là đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết và Sơn Ca. Năm đảo này do quân đội của chính quyền Sài Gòn - chính quyền Việt Nam cộng hòa đang quản lý. Chúng ta tiếp quản.”

Đây là đoạn thứ hai Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến “chính quyền Sài Gòn – chính quyền Việt Nam Cộng Hoà”.

Nguyễn Tấn Dũng nói thêm:

“Tiếp sau đó, với chủ quyền của Việt Nam, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo (có 9 đảo nổi và 12 đảo chìm), với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra chúng ta đã xây dựng 15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền của Việt Nam chúng ta ở vùng biển này - vùng biển trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi đó ở quần đảo Trường Sa này, Trung Quốc cũng đã dùng vũ lực chiếm 7 bãi đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo nổi, Phi-líp-pin chiếm 9 đảo, Ma-lai-xia chiếm 5 đảo, còn Bru-nây có đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển này nhưng không có chiếm giữ đảo nào.

“Như vậy trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam chúng ta đã làm chủ trên thực tế, liên tục và hòa bình...”

2.- Về chủ quyền khu đặc quyền kinh tế

Nguyễn Tấn Dũng xác định:

“Vấn đề thứ tư, chúng ta chủ trương giải quyết và khẳng định chủ quyền trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.”

Ở đoạn trên, Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng “chúng ta đã xây dựng 15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền của Việt Nam chúng ta ở vùng biển này - vùng biển trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.”

Như vậy Nguyễn Tấn Dũng không phải chỉ đòi vùng đặc quyền kinh tế cho vùng tiếp giáp với nội địa của Việt Nam mà còn đòi vùng đặc quyền kinh tế của các hải đảo đã chiếm được.

3.- Về giải pháp cho Biển Đông.

Nguyễn Tấn Dũng đã tóm lược giải pháp cho Biển Đông mà Việt Nam chủ trương như sau:

“Thứ nhất phải nghiêm túc thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận mà Việt Nam và Trung Quốc vừa ký kết.”

4.- Một vài nhận xét tổng quát

Trước khi phân tích từng vấn đề, chúng tôi có nhận xét tổng quát qua lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng như sau: Nhà cầm quyền Hà Nội không còn theo đuổi việc chứng minh “quyền sở hữu chấp hữu” (possessory title) các hải đảo trên Biển Đông theo quan niệm quốc tế công pháp cũ nữa, mà theo quan niệm của quốc tế công pháp mới. Điều này chứng tỏ các chuyên viên của Hà Nội đã theo dõi kỹ các cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông và đã hướng dẫn chính phủ đi theo quan niệm mới. Nguyễn Tấn Dũng đã viện đến “chính quyền Sài Gòn – chính quyền Việt Nam Cộng Hoà” là để chứng minh sự chấp hữu liên tục của Việt Nam chứ không có ý chấp nhận VNCH.

Vấn đề vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và vấn đề giải pháp cho Biển Đông, chúng tôi sẽ bàn sau.

VẤN ĐỀ CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN TRÊN CÁC HẢI ĐẢO

Đa số các nguyên tắc quốc tế công pháp về luật biển thường dựa trên Dân Luật. Trên thế giới hiện nay có hai hệ thống luật pháp chính, đó là hệ thống Roman Law đã có từ lâu đời, được hầu hết các nước trên thế giới dựa theo, và hệ thống Common Law được một số nước thuộc khối Anh – Mỹ theo.

Nguyên tắc về chủ quyền đối với các hải đảo nổi lên trên biển cũng dựa vào Roman Law.

1.- Quyền chấp hữu các hải đảo trên biển theo quan niệm cũ.

Nhưng chúng tôi đã nói, luật “Corpus Juris Civilis” của La Mã được ban hành giữa năm 527 và 565 đã quy định rằng một hải đảo nổi lên ở biển là vật vô chủ, nó trở thành tài sản của người chiếm hữu đầu tiên.

Điều luật này đã gây ra những tranh chấp không giải quyết được vì quốc gia nào cũng đưa ra những tài liệu nội bộ chứng minh họ đã chiếm đầu tiên và bác bỏ tài liệu của phe đối kháng. Rất khó xác định được tài liệu nào có giá trị quyết định.

Việt Nam đưa ra nhiều tài liệu chứng minh Việt Nam đã chiếm Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVII, Trung Quốc lại đưa ra các tài liệu khác chứng minh Trung Quốc đã có chủ quyền về lịch sử không chối cãi đối với Biển Đông từ 2000 năm về trước!

Nguyễn Tấn Dũng cho biết hiện nay ngoài Trung Quốc, Đài Loan đã chiếm 1 đảo nổi, Phi-líp-pin chiếm 9 đảo, Ma-lai-xia chiếm 5 đảo, còn Bru-nây có đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển này nhưng không có chiếm giữ đảo nào. Nếu các nước này đều đưa ra tài liệu nội bộ chứng minh họ đã chiếm các đảo trên đầu tiên, rất khó để xác định chủ quyền.

2.- Quyền chấp hữu các hải đảo trên biển theo quan niệm mới.

Ngày nay, học lý, tục lệ và án lệ quốc tế chỉ công nhận quyền sở hữu chấp hữu của một quốc gia về một đảo vô chủ trên biển khi sự chấp hữu hội đủ những điều điều kiện sau đây:

(1) Sự chấp hữu phải công khai và minh bạch (publique, non équivoque).

(2) Sự chấp hữu phải hoà bình (paisible), tức không có sự đối kháng của người khác.

(3) Sự chấp hữu phải liên tục và không gián đoạn (continue et non interrompue).

(4) Sự chấp hữu phải với tư cách là sở hữu chủ (à titre de propriétaire). Nếu chỉ chấp hữu để làm một đài quan sát hay một nơi tạm trú, chứ không muốn làm chủ thì không được chấp nhận.

Điều kiện (1) và (4) rất dễ chứng minh, nhưng điều kiện (2) và (3) rất khó chứng minh. Muốn bảo vệ chủ quyền của mình, Trung Quốc và Việt Nam phải chứng minh hội đủ hai điều kiện (2) và (3).

NỖ LỰC CHỨNG MINH CỦA VIỆT NAM

Để chứng minh Việt Nam có quyền sở hữu chấp hữu (possessionary title) các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam phải chứng minh Việt Nam đã chấp hữu hai quần đảo này liên tục và hoà bình.

Liên tục có nghĩa là đã chấp hữu trong một thời gian dài, trước đây đòi hỏi phải 100 năm, nay chỉ còn trên 30 năm.

Hoà bình có nghĩa là không có ai khiếu nại hay tranh chấp gì cả.

Như chúng ta đã biết, các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là đảo đá (rocks), đảo đá ngầm (reefs), hay các bãi đá hay bãi cát, trên đó không có sự sống tự nhiên, nên rất khó chứng minh sự chấp hữu là liên tục.

Qủa thật Việt Nam đã có mặt ở Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Chúa Nguyễn  (1558-1775). Phủ Biên Tạp Lục của Lê Qúy Đôn có nói rằng đảo Đại Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Ngãi. Trên đảo Hoàng Sa có rất nhiều hải vật và hóa vật của Tàu, Việt Nam đã lập Đội Hoàng Sa để đi lấy, phải đi ba ngày mới tới. Có lẽ đây là những phẩm vật do các tàu bị chìm trôi dạt vào Hoàng Sa.

Để dẫn chứng sự chấp hữu liên tục của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nguyễn Tấn Dũng chỉ dẫn chứng sự chấp hữu của “chính quyền Sài Gòn – chính quyền Việt Nam Cộng Hoà.” Lẽ ra ông phải dẫn chứng thêm sự chấp hữu của Việt Nam dưới thời Pháp thuộc từ 1884 đến 1945 và dưới thời Bảo Đại, được gọi là chính phủ Quốc Gia Việt Nam, từ 1.7.1949 đến 26.10.1955.

Năm 1887, khi bàn về hiệp ước Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đòi bàn luôn về Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng Pháp đã bác bỏ và nói hai quần đảo này là của Việt Nam, không cần bàn (xem biên bản các cuộc họp về Vịnh Bắc Bộ).

Dưới thời Pháp thuộc, Nghị Định số 156-SC ngày 15.6.1932 của Toàn Quyền Đông Dương đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc đơn vị hành chánh sát nhập vào tỉnh Thừa Thiên. Sau đó, Nghị Định số 3282 ngày 5.5.1939 sửa đổi Nghị Định trên và chia địa hạt này thành ra hai nhóm: Nhóm Croissant (Nguyệt Thiềm) và nhóm Amphitrite (Tuyên Đức). Hai vị đại lý đóng tại các đảo Pastle (Hoàng Sa) và Boisé (Phú Lâm).

Dưới thời Bảo Đại, Thủ tướng Trần Văn Hữu trưởng phái đoàn của Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam, đã tuyên bố tại Hội nghị San Francisco ngày 7.9.1951 như sau:

“Chúng tôi cũng sẽ trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu Hội nghị ghi nhận. Và cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Lúc đó, Trung Quốc không được phép tham dự hội nghị nên không có tiếng nói.

Ngày 20.2.1957, Bộ Ngoại Giao VNCH ra tuyên cáo xác nhận các quần đảo Tây Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam và vẫn được chính phủ kiểm soát.

Trên thực tế, VNCH vẫn thường xuyên đóng quân, cai trị Hoàng Sa dựa theo các Nghị Định số 4762/CP ngày 21.2.1957 và Sắc Lệnh số 143/NV ngày 20.10.1957. Hải Quân Việt Nam vẫn thường xuyên tuần tiểu bảo đảm an ninh lảnh hải.

Nói một cách tổng quá, tính từ thời Pháp chiếm Việt Nam (1884) đến năm 1974, năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Việt Nam đã chấp hữu Hoàng Sa và Trường Sa liên tục trong 90 năm.

Vấn để Việt Nam có chấp hữu Hoàng Sa và Trường Sa trong hoà bình, tức không có ai tranh chấp, hay không, còn phải được nghiên cứu kỹ hơn.

Tuy Việt Nam đã cố gắng đưa ra các bằng chứng về của quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng khi ra tranh luận trước các hội nghị quốc tế hay Toà Án Quốc Tế, chưa chắc Việt Nam đã thắng. Trong cuộc hội thảo về Biển Đông tại Washington, phóng viên Việt Hà của đài RFA đã hỏi Đại diện Việt Nam là Luật sư Nguyễn Duy Chiến, cộng tác viên của Học viện quốc tế, về vấn đề này, ông đã trả lời:

“Đấy là cái đánh giá của mình, mình có nhiều chứng cứ như vậy, nhưng còn cái ra tòa án thế nào thì còn tùy thuộc vào các thẩm phán họ quyết định”.

Vì thế, nhiều chuyên gia đã đề nghị quốc tế hoá Biển Đông, không tranh luận về chủ quyền nữa mà cùng nhau chia vùng khai thác. Dĩ nhiên là Trung Quốc không đồng ý.

ANH HAI VÀ CHÚ BA ĐỀU NGỒI TRÊN LUẬT BIỂN

Có hai vấn đề liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế cần được nêu lên, vấn đề thứ nhất là nguyên tắc căn bản về vùng đặc quyền kinh tế, và vấn đề thứ hai là quan niệm của Anh Hai và Chú Ba.

1.- Nguyên tắc căn bản về vùng đặc quyền kinh tế

Công Ước LHQ về Luật Biển 1982 quy định mỗi quốc gia đều có vùng đặc quyền về kinh tế (exclusive economic zone) 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Nhưng theo điều 121, các đảo đá (rocks) không thích hợp cho người ở hay đời sống kinh tế riêng (cannot sustain human habitation or economic life of their own), chỉ được có vùng lãnh hải 12 hải lý, chứ không được phép có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Vậy khi Trung Quốc và Việt Nam tự ý biến các đảo đá trên Biển Đông thành khu có đời sống nhân tạo, sẽ không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hay thềm lục địa như Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói.

2.- Thái độ của Anh Hai và Chú Ba

Hiện nay, có hai cường quốc đã phủ nhận chủ quyền về vùng đặc quyền kinh tế luật định, đó là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã ký Công Ước LHQ về Luật Biển 1982 ngày 10.12.1982 và phê chuẩn ngày 7.6.1996, nhưng khi vạch đường lưỡi bò để quy định vùng nước lịch sử của Trung Quốc, Trung Quốc đã vẽ cách bờ của các quốc gia trong vùng chỉ cách đường cơ sở có 12 hải lý. Nói cách khác, Trung Quốc chỉ công nhận lãnh hải của mỗi quốc gia trong vùng là 12 hải lý, chứ không công nhận vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Do đó, khi Việt Nam thăm dò dầu khí trên vùng bờ bể Việt Nam quá 12 hải lý là Trung Quốc ngăn chận.

Hoa Kỳ mặc dầu luôn kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia khác tôn trọng Công Ước LHQ về Luật Biển 1982, nhưng Hoa Kỳ đã không chịu phê chuẩn Công Ước này, viện lý do Công Ước đó “có thể phương hại nền an ninh và chủ quyền của nước Mỹ”. Như vậy, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục coi lãnh hải của mỗi quốc gia là 3 hải lý như luật cũ và không công nhận vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Với quan niệm này, ngày 5.3.2009, tàu thăm dò Inpeccable của Hải Quân Hoa Kỳ đã đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của đảo Hải Nam đến 80 hải lý, tức chỉ cách đảo này 120 hải lý. Năm con tàu của Trung Quốc áp sát tàu này và vẫy quốc kỳ Trung Quốc yêu cầu Mỹ rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Tàu Mỹ đành phải ra đi, nhưng ông Bryan Whitman, phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, nói rằng Trung Quốc đã “vi phạm sự an toàn của các tàu khác đi lại trên biển cả.”

Nói tóm lại, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều chỉ tôn trọng và đòi hỏi các quốc gia khác phải tôn trọng những điều khoản nào trong Công Ước LHQ về Luật Biển 1982 có lợi cho họ, còn chống lại các điều khoản không có lợi cho họ.

GIẢI PHÁP CHO BIỂN ĐÔNG?

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đòi phải nghiêm túc thực hiện Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, Tuyên Bố Ưùng Xử (Declaration of Conduct - DOC) của các bên liên quan ở biển Đông và các nguyên tắc thỏa thuận mà Việt Nam và Trung Quốc vừa ký kết. Nhưng sự đòi hỏi này khó được chấp nhận. Trung Quốc muốn tách rời Việt Nam khỏi khối ASEAN và nói chuyện song phương với Việt Nam với mục đích ép Việt Nam chính thức công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc như công hàm của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, sau đó Trung Quốc sẽ “bố thí” cho Việt Nam những vùng được quyền khai thác.

Hà Nội đã thương thuyết riêng với Bắc Kinh để câu giờ, chờ Mỹ và các nước ASAEN có giải pháp. Nhưng Hoa Kỳ đã khẳng định rằng “Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở biển Đông”. Nhiều người tin rằng Mỹ sẽ không dùng vũ lực khi Trung Quốc dùng vũ lực đối với Việt Nam, vì Mỹ còn quá nhiều quyền lợi tại Trung Quốc.

Trong 10 nước ASEAN, có 3 nước đã đi theo Trung Quốc là Lào, Cambodia và Miến Điện, hai nước không muốn đụng độ với Trung Quốc vì sợ mất quyền lợi là Singapore và Indonesia. Chỉ có Philippines là đứng về phía Mỹ. Trong tình thế như vậy, Việt Nam chỉ còn một cách là “tiêu lòn” để tồn tại. Mọi cuộc tranh luận về luật, về lý hay đem “Hịch Tướng Sĩ” ra đọc cũng khó có thể thắng được kẻ mạnh. Bài trả lời của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ có giá trị trấn an mà thôi.

Ngày 6.12.2011.

Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét