Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Thế chiến thứ 3 nổ ra ở châu Á – Thái Bình Dương?

Giới phân tích phương Tây quan ngại đối đầu Trung - Mỹ.
Lo sợ quân đội Trung Quốc phát triển vượt bậc mỗi ngày, Mỹ tìm mọi cách kìm chế mà việc tăng cường hợp tác quân sự với Australia là động thái mới nhất.


Bất chấp thất bại trong cuộc chiến ở Triều Tiên và Việt Nam, hơn nửa thế kỷ qua, Mỹ vẫn duy trì vai trò thống trị ở khu vực Thái Bình Dương, nơi cư ngụ của một nửa dân số thế giới.


Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi. Với sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế, giới phân tích ví von rằng Trung Quốc - “người khổng lồ ngủ say” bắt đầu thức giấc.


Điều đáng nói là, sức mạnh kinh tế đang mang lại cho Trung Quốc một nguồn sức mạnh mới: Sức mạnh quân sự khi đi kèm sự thịnh vượng là khả năng hiện đại hóa quốc phòng. Và Trung Quốc không ngần ngại phô trương các khả năng này ngay tại châu Á – Thái Bình Dương với tham vọng kiểm soát khu vực vốn từ lâu là lợi ích của người Mỹ.


Điều này vô hình chung đánh thức nỗi ám ảnh về một cuộc đối đầu giữa hai siêu cường như cuộc đối đầu Liên Xô – Mỹ trong quá khứ.



Quan sát quan hệ Trung – Mỹ thời gian qua, nhà báo kỳ cựu Max Hastings cảnh báo nếu căng thẳng giữa Washington và con rồng châu Á tiếp tục bị đẩy lên cao thì một cuộc chiến thực sự giữa hai bên ngay tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là điều khó tránh.


Đồng quan điểm, chiến lược gia kỳ cựu người Mỹ Paul Stares cũng nhấn mạnh: “Soi vào các sự kiện từng xảy ra trong quá khứ giữa hai nước, nếu những căng thẳng, bất đồng và thái độ thù địch hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington không được điều hòa hiệu quả sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong tương lai giữa hai bên”.


Quan ngại của giới phân tích phương Tây xuất phát từ sự khiêu khích, gây hấn, đối đầu mà Bắc Kinh công khai nhằm vào Washington từ đầu năm đến nay và sức mạnh đang gia tăng từng ngày của quân đội nước này. Đầu tiên là sự kiện hồi tháng giêng. Khi sắp đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang thăm, Trung Quốc "làm lễ ra mắt" mẫu chiến đấu cơ tàng hình J-20 với thiết kế vô cùng phức tạp và tinh vi. Ngay lập tức, giới phân tích phương Tây dồn dập chỉ trích động thái nhằm phô trương tiềm lực quân sự này của Trung Quốc.


Thứ hai là sự kiện Bắc Kinh từ chối cho không các tàu hải quân của Mỹ cập cảng của họ để trú bão khiến người Mỹ "tức điên". “Trung Quốc đang thách thức và hủy hoại các quy tắc và luật pháp toàn cầu bởi lối hành xử vô lý, quá quắt của họ”, ông Michael Auslin, đại diện cho quan điểm của nhiều người Mỹ mạnh mẽ lên án.


Dường như việc làm phật lòng hay chọc giận Washington trở thành thói quen khó sửa của Bắc Kinh. Việc Trung Quốc “bênh chằm chặp người anh em” Triều Tiên liên trong vụ tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc, “đồng minh ruột” của Mỹ và sau đó là vụ nã pháo vào đảo Yeonpyeong khiến Washington sôi sục.


Dù Bắc Kinh giải thích rằng họ luôn đánh giá sự việc một cách công tâm và chỉ đang cố kìm chế các bên, Mỹ vẫn đáp trả bằng việc ra lệnh cho lực lượng hải quân triển khai các tàu chiến ở biển Hoàng Hải để hỗ trợ và bảo vệ đồng mình chiến lược của họ.


Tiếp theo là, Trung Quốc do phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ dồi dào của Iran nên cùng với Nga kiên quyết giữ lập trường phản đối Mỹ và phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt Tehran liên quan đến chương trình hạt nhân, nối dài mâu thuẫn Trung – Mỹ.


Xuất phát từ động thái này của Trung Quốc, nhiều nhà phân tích phương Tây ái ngại về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh hiện nay khi cho rằng nước này đang bỏ ngoài tai yêu cầu hợp lý của phương Tây và hành động với niềm tin rằng: là một lực lương toàn cầu mới, họ phải đóng một vai trò nhất định trong việc thiết lập trật tự thế giới mới.


Chứng minh cho nhận định của mình, nhóm các nhà phân tích trên dẫn lời một lãnh đạo Trung Quốc rằng: “Trong nhiều thế kỷ qua, phương Tây đã lợi dụng trật tự thế giới để làm những gì mà họ muốn để thỏa mãn lợi ích của họ. Nay đến lượt chúng tôi để thiết lập trật tự toàn cầu mới phù hợp với những lợi ích của chúng tôi”.


Ngoài ra, Ngoại trưởng Trung Quốc trong một bài phát biểu gần đây còn công khai thể hiện tư tưởng nước lớn đối với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á khi nhấn mạnh rằng họ chỉ là những nước bé bên cạnh một Đại lục rộng lớn.


Ông Michael Auslin, chuyên gia tại viện Doanh nghiệp Mỹnkịch liệt lên án bài phát biểu trên và cáo buộc đây là chính biểu hiện của tư tưởng nước lớn ức hiếp nước nhỏ.


Không dừng lại ở đó, trong kỷ nguyên máy tính kiểm soát gần như mọi thứ, căng thẳng Trung – Mỹ còn bắt nguồn từ những vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ bởi các tin tặc người Trung Quốc. Mục tiêu “ưa thích” của giới tin tặc Trung Quốc là hệ thống máy tính của Chính phủ cũng như của giới quân sự Mỹ và thậm chí, không “tha” cho các tập đoàn hay các công ty lớn của đối thủ.


Nguyên nhân thứ 2 khiến giới phân tích phương Tây chìm trong nỗi quan ngại về một cuộc chiến tranh Trung – Mỹ còn xuất phát từ việc Mỹ vô cùng quan ngại sức mạnh ngày càng vượt trội của quân đội đối thủ nhờ chủ trương hiện đại hóa quân sự của chính phủ nước này.


Trong đó đáng chú ý nhất là việcTrung Quốc tìm mọi cách để gia tăng các khả năng cho hải quân nhằm đối trọng với Mỹ, quốc gia sở hữu sức mạnh hải quân “đỉnh” nhất thế giới nhằm đối đầu với cường quốc số 1 thế giới tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.


Được trang bị tàu sân bay và các hệ thống tên lửa tinh vi, hải quân Trung Quốc đang phát triển thần tốc, khiến Mỹ vô cùng quan ngại.


Việc Trung Quốc không tiếc tiền của để hiện đại hóa quân đội và thực tế đã thu được nhiều thành tựu đáng chú ý khiến Mỹ nhận ra nguy cơ là các căn cứ quân sự của họ ở Tây Thái Bình Dương có khả năng nằm trong tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc.


Nguy cơ này thúc đẩy Mỹ “kết đôi” với Australia nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa hai bên với một thỏa thuận lịch sử vừa đươc ký cho phép triển khai 2.500 thủy quân lục chiến tinh nhuận của Mỹ trên lãnh thổ phía Bắc nước này.


Ngoài ra, Richard Haas, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ cũng nhấn mạnh: "Chính sách của nước Mỹ phải đặt mục tiêu để tạo ra sự liên kết khu vực chặt chẽ nhằm kìm chế nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở bên trong lẫn bên ngoài khu vực Thái Bình Dương của Trung Quốc”.


Điều này phản ánh quan ngại của giới lãnh đạo Mỹ khi tưởng tượng đến viễn cảnh với đà đầu tư hiện đại hóa quân đội như hiện nay thì chỉ trong khoảng một thập kỷ nữa thôi, khi các lực lượng vũ trang của Trung Quốc lớn mạnh, họ sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực để giành lấy những gì mà họ muốn.

Dĩ nhiên, Bắc Kinh kịch liệt lên án thỏa thuận này với lời cảnh cáo rằng đây không phải là thời điểm "thích hợp để tăng cường và mở rộng liên minh quân sự và điều này có thể không mang lại bất cứ lợi ích nào cho các quốc gia trong khu vực”.

Điều đáng nói là quan điểm này của Bắc Kinh nhận được sự đồng tình của một số nhà chuyên gia Australia, trong đó có quan điểm của ông Hugh White, công tác tại ĐH Quốc gia Australia.


Ông White cho rằng thỏa thuận hợp tác quân sự Mỹ - Australia đầy rủi ro và rằng trong một thế giới mới, tốt nhất Mỹ nên từ bỏ tham vọng bá chủ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và nên chia sẻ quyền lực với Trung Quốc cũng như các quốc gia khác.


Tuy nhiên, phản ứng giận dữ từ phía Bắc Kinh hay quan ngại của một số nhà phân tích Australia không thể ngăn được chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ. Hơn thế nữa, không chỉ thiết lập liên minh với Australia, Washington còn đang tiến hành chiến thuật “ve vãn” Myanmar, đồng minh truyền thống và chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á.


Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đến Myanmar hồi đầu tháng này là minh chứng mạnh mẽ nhất cho kế hoạch của Washington để kéo nước này ra khỏi “vòng tay” của Bắc Kinh, có nguy cơ khiến đối đầu Trung – Mỹ leo thang.


Ngoài ra, “đổ thêm dầu vào lửa”, ông Michael Auslin mới đây đưa ra tuyên bố gây sốc rằng: "Vai trò lãnh đạo toàn cầu và địa vị của nền kinh tế nước Mỹ trong tương lai phụ thuộc vào việc duy trì vai trò của chúng tôi trong khu vực năng động nhất của thế giới”.


Tất nhiên, Trung Quốc không ngồi yên để Mỹ thích làm gì thì làm.


Do đó, trong những thập kỷ tới, hòa bình tại khu vực châu Á, thậm chí toàn cầu sẽ bị đe dọa bởi những động thái “không ai nhường ai” của cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Và nếu những mâu thuẫn, căng thẳng truyền thống giữa hai cường quốc không được kìm chế hiệu quả thì cuộc đụng độ Trung – Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ không chỉ là cảnh báo của giới phân tích nữa mà sẽ là thực tế khủng khiếp mà khu vực này lẫn cộng đồng thế giới phải đối mặt.


Lê Dung
(Daily mail)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét