Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Một Ngày ở Bệnh Viện

Trần Khải
Đó là lời của Bộ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Không nơi nào bệnh viện quá tải như VN...
Lời nhìn nhận này được báo Thanh Niên hôm 29-11-2011 đưa lên làm nhan đề bản tin. Thực ra, nhìn cho kỹ, không riêng gì bệnh viện, đất nước VN đã có quá nhiều lĩnh vực quá tải: từ công quyền, quá tải, vì cán bộ nhiều gấp đôi các nước khác, vì bao gồm cả 2 cơ chế công quyền và đảng quyền; học vấn, cũng quá tải vì tiến sĩ dỏm, tiến sĩ ma... và hẳn là đủ thứ lĩnh vực khác nữa.
Nơi đây, chúng ta chỉ bàn về bệnh viện, nơi có chức năng là cứu mạng cho người bệnh, và là nơi có vẻ như, cùng với giáo dục, là còn nhiều người có đạo đức, lương tâm nhất.
Bản tin báo Thanh Niên viết rằng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đi khảo sát tình hình thực tế tại một số BV ở TP. Sài Gòn đã nói: “Chưa thấy một quốc gia Đông Nam Á nào, kể cả ở châu Phi mà tình trạng các bệnh viện (BV) quá tải như tại VN.”
Bản tin nói rằng, trong hai ngày (28, 29.11), Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các quan chức trong bộ đi khảo sát thực trạng, tìm hiểu, ghi nhận những nguyên nhân quá tải tại một số BV ở TP. Sài Gòn và nơi đoàn đến đầu tiên là BV Ung bướu. Nơi này được mô tả là “người bệnh tại đây ngồi tràn ra đất chật kín hai bên lối vào BV để chờ khám.”
Bản tin ghi lời Bác sĩ (BS) Lê Hoàng Minh - Giám đốc BV Ung bướu TP báo cáo thêm: “Tại BV Ung bướu, một số khoa, người bệnh đến đây “ngồi viện” chứ không phải nằm. Vì mấy bệnh nhân (BN) chung một giường, không thể nằm được”. Sang đến BV Chấn thương chỉnh hình, tình trạng quá tải cũng không kém, chỉ trong buổi sáng hôm qua, nơi đây tiếp nhận khoảng 4.000 BN, người bệnh ken chật kín trong một không gian rất chật hẹp, nóng bức, ngột ngạt.
Bản tin viết: “Báo cáo của BV Ung bướu cho biết, BV chỉ có hơn 600 giường, nhưng lúc nào cũng có đến 1.700 - 1.800 BN nằm điều trị nội trú, do vậy một giường bệnh phải “cõng” nhiều BN là chuyện thường ngày. Đó là chưa kể mỗi ngày có từ 1.600 - 1.700 BN đến khám, điều trị ngoại trú. BS Trần Thanh Mỹ (Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình) cũng than: BV này chỉ có 500 giường, nhưng số BN nằm viện luôn gần gấp đôi; số khám ngoại trú trên dưới 2.000 lượt bệnh/ngày, ngày đầu tuần từ 3.000 - 4.000 lượt bệnh. Còn BV Nhi Đồng 1 hiện có 1.194 giường bệnh, nhưng số trẻ nằm viện luôn có từ 2.200 - 2.400. Khoa Hô hấp, khoa Tiêu hóa... luôn có 3 bệnh nhi trên một giường bệnh; số khám ngoại trú luôn hơn 4.000 lượt bệnh/ngày, có những ngày đầu tuần lên đến 7.000 lượt bệnh!”(hết trích)
Báo Dân Trí khi tường thuật đã xài chữ giang hồ để mô tả là “choáng.”
Báo Dân Trí kể: “Sáng 28/11 Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chuyến thị sát về tình trạng quá tải tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM. Dù đã “chuẩn bị tâm lý” từ trước nhưng bà bộ trưởng vẫn không khỏi “choáng” khi bệnh nhân lóp ngóp bò từ gầm giường ra chào đón mình.”
Đó là mới nói chuyện giường, chỗ nằm. Bây giờ bàn chuyện tay nghề và lương tâm bác sĩ, cũng là nhức nhối khác.
Báo Người Lao Động cũng hôm Thứ Hai 28-11-2011 có bản tin nói ngay nan đề ở nhan đề: “Bỏ quên gạc trong đầu bệnh nhân: Bệnh viện ém nhẹm 2 tháng?”
Báo Người Lao Động kể:
“Sáng 28-11, PV Báo Người Lao Động đã làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận để tìm hiểu thêm về cái chết ông Nguyễn Văn Đông (bệnh nhân tử vong sau khi các bác sĩ phát hiện bỏ quên 2 miếng gạc trong đầu)
Bệnh nhân Nguyễn Văn Đông (49 tuổi, ngụ thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc) nhập viện hôm 20-9, tử vong vào ngày 22-9 sau 3 lần phẫu thuật não.
Trao đổi với PV, bác sĩ Vũ Cao Thiện, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, xác nhận chuyện bác sĩ Lê Văn Anh - Phó Khoa Ngoại thần kinh của bệnh viện, phẫu thuật viên chính của ca mổ - bỏ quên 2 miếng gạc trong đầu bệnh nhân Đông là có thật.”(hết trích)
Đó là Bình Thuận, còn bác sĩ Bình Phước cũng không thua kém. May mắn, bệnh nhân ở Bình Phước chưa chết.
Báo Tuổi Trẻ, cũng hôm 28-11-2011, kể chuyện “Bác sĩ nhậu, bỏ mặc bệnh nhân.”
Bản tin Tuổi Trẻ viết:
“Chiều 27-11, bác sĩ Từ Phương Nam - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Phước - cho biết đang yêu cầu kíp trực tối 21-11 báo cáo về việc bỏ mặc bệnh nhân Phan Anh Quốc (57 tuổi, ngụ thị xã Đồng Xoài) để... nhậu nhẹt.
“Đây là sự việc nghiêm trọng cần xem xét, xử lý thích đáng với các cá nhân vi phạm” - bác sĩ Nam nói.
Theo phản ảnh của bà Đỗ Thị Ước (vợ bệnh nhân Phan Anh Quốc), khoảng 22g ngày 21-11 ông Quốc (đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Bình Phước) bị lên cơn đau dữ dội và ngất đi, bà Ước đến phòng trực khoa ngoại gõ cửa nhiều lần nhưng không thấy ai mở. Sốt ruột, con trai bà là anh Phan Thanh Hải đẩy cửa vào trong thấy 5-6 người đang ngồi uống bia. Anh Hải thắc mắc thì bất ngờ bị một người xưng là bảo vệ bệnh viện lao đến đánh vào mặt làm anh Hải chảy máu miệng.
Sau khi sự việc xảy ra, bà Ước chuyển chồng đến Bệnh viện tư nhân Thánh Tâm, cách Bệnh viện Đa khoa Bình Phước khoảng 10km. Tại đây, sau khi chẩn đoán, ngày 22-11 các bác sĩ tiến hành phẫu thuật thủng đại tràng cho ông Quốc. “May mắn bệnh nhân được đưa đến kịp thời, nếu không rất dễ bị sốc nhiễm trùng dẫn đến tử vong” - bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, người trực tiếp mổ cho ông Quốc, nói.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Chí Lương - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Phước, người phụ trách trực lãnh đạo đêm 21-11 - thừa nhận có chuyện khóa cửa nhậu nhẹt tại phòng trực khoa ngoại. Còn việc anh Hải bị đánh chảy máu miệng do một bạn nhậu (chưa rõ danh tánh) của bác sĩ trực Đặng Thế Cường đánh.”(hết trích)’
Đó chỉ mới là chuyện kể trong riêng ngày Thứ Hai 28-11-2011. Khi nói chuyện cả năm và chuyện cả nước thì quả nhiên là nhức nhối biết chừng nào.
Thực sự, không lẽ với lượng cán bộ quá tải mà không tìm ra cách giải quyết? Chắc chắn là có nhiều cách để giải quyết, nhưng chính phủ hẳn là thấy không an tâm, vì không muốn chia bớt quyền lợi cho các thành phần khác trong người dân.
nguon vietbao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét