Trần Khải
Truyền thống Phật Giáo Bắc Truyền và Kim Cang Thừa (PG Tây Tạng) tin rằng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đang hóa hiện ra nhiều hóa thân để cứu độ chúng sinh. Từ chỗ niềm tin tôn giáo, ngài đã hóa thân trở thành cội nguồn cho nhiều tác phẩm văn học của nhiều dân tộc Phương Đông, trong đó có Việt Nam.
Phổ biến nhất trong văn học Việt Nam, với nhiều truyện thơ, chèo, phim và kịch, có Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Diệu Thiện. Riêng ở truyện Quan Âm Thị Kính, hai nhân vật điển hình hóa thân nổi bật là Thị Kính và Thị Mầu. Bạn chỉ cần vào Google.com hay vào YouTube.com, gõ các chữ liên hệ sẽ tìm ra nhiều phim và kịch chủ đề này. Tùy theo tác giả, có khi nội dung là bi, có khi là hài. Nhưng thường thì, dù có những tràng cười bất tận qua các nghệ sĩ hài diễn, người xem vẫn dễ dàng nhận ra hình ảnh một vị Bồ Tát Quan Thế Âm đang hiện ra giữa đời thường, cùng chia sẻ những nỗi đau nhân gian để tìm cơ duyên giúp chúng sinh tỉnh ngộ về tính vô thường hư huyễn của trần gian.
Trong kinh điển Phật Giáo Bắc Truyền và Kim Cang Thừa, có văn bản nói rằng Đức Quan Thế Âm là vị cổ Phật, và hình tượng ngài là ngàn tay, ngàn mắt (Thiên Thủ Thiên Nhãn) để kèm với câu Thần Chú Đạị Bi, với nìềm tin rằng ngài hóa thân ra cả ngàn phương tiện để cứu người đau khổ.
Hình tượng này cũng được một đoàn vũ công gồm vài chục bé gái câm và điếc Trung Hoa luyện thành một điện múa độc đáo để lưu diễn khắp thế giới.
Hình tượng này cũng được một đoàn vũ công gồm vài chục bé gái câm và điếc Trung Hoa luyện thành một điện múa độc đáo để lưu diễn khắp thế giới.
Trong nhiều kinh khác, có khi nói ngài có 14 hóa thân, có khi nói 32 hóa thân, có khi nói 33 hóa thân... nghĩa là tùy phương tiện mà tới cứu người.
Thậm chí, ngài sẵn sàng vào điạ ngục để cứu người. Trong bài viết của tác giả Trí Giải, nhan đề “Ý Nghĩa, Công Năng, Lợi Ích Hành Giả Trì Chú Đại Bi,” có đoạn viết như sau để giải thích chuyện hóa thân:
“...Hoặc như Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát hóa thân thành Tiêu Diện vào cảnh giới Ngã quỷ để độ chúng ma mà không có một chút ngần ngại nào cả, cho nên Bồ Tát có 32 ứng hóa thân là để tùy thuận chúng sinh mà hóa độ. Trái tim Bồ Tát luôn tuần hành nhịp nhàng, trong sáng, thanh tịnh không vướng vào “tự ngã,” đạt đến sự vô phân biệt, không có ranh giới, tâm từ bi ấy thể hiện tính bình đẳng giữa mọi người, như mặt trăng không phân biệt quốc gia nào. Nó luôn vận hành liên tục để tỏa sáng trong đêm trường. Đó là ý nghĩa câu Chú Đại Bi: “Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi.”...”(hết trích)
Do vậy, nếu một hôm, có một pho tượng Phật Bà bỗng nhiên hóa thân thành pho tượng cô du kích bồng súng, tuy là bất ngờ, nhưng cũng là bình thường, nếu thực sự trong cung cách này, các nghĩa của vô thường và vô ngã được hiển lộ, và giáo nghĩa của từ bi được gợi ra. Nhưng đây sẽ là cuộc tranh luận mới trong những người quan tâm: sao lại như thế được?
Báo Giác Ngộ (http://www.giacngo.vn), một trong những tiếng nói chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, có bài viết nhan đề “Chuyện không giống ai!” của Cư Sĩ Minh Mẫn, đăng hôm 21/12/2011. Tuy tạp chí này không nói minh bạch về quan điểm, nhưng có thể mặc định hiểu ngầm (?) đây cũng là ý kiến của Giáo Hội, trích như sau:
“GNO - Vừa qua, nhiều trang mạng đăng bài “DỰNG TƯỢNG PHẬT BÀ QUAN ÂM…BỒNG SÚNG” của tác giả Đoàn Nguyễn tường thuật tại xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, dẫn lại bài đăng trên báo Sài gòn Tiếp thị.
Tác giả chứng kiến cảnh tượng và phỏng vấn trực tiếp nông dân tại đây.
“… Bác nông dân này nói: “Hồi trước, bà con chúng tôi quyên góp tiền và xây ở đây một tượng Phật bà. Được sáu tháng thì chính quyền không cho để tượng nữa, đòi đập. Ông M., người phát động xây tượng, sợ đập thì uổng phí mới kêu thợ sửa tượng lại thành cô du kích”. Theo bác nông dân này, trước kia, đây là bức tượng Phật Quan Âm trắng tinh, ngự trên toà sen, với tà áo choàng trắng bay phất phơ, một tay cầm bình cam lồ, một tay cầm nhành dương. Thế nhưng, sau đó, người ta đã phải cắt áo choàng đi, đội lên đầu tượng một mũ tai bèo rộng sụp xuống tận trán, bẻ tay cầm hồ lô và tay cầm nhành dương rồi đặt vào đó một cây súng trường.”
Rồi gặp trực tiếp bác M. để nắm rõ sự tình:
Tôi đến nhà ông M., chỉ cách bức tượng vài trăm mét. Ông M. nói: “Hồ nước trước kia là đám ruộng. Tôi đề xuất ý tưởng và được huyện hưởng ứng thành lập dự án đào đám ruộng thành hồ nước để lấy nước tưới cho mấy chục hecta đất màu của thôn. Hồ nước ra đời, vì nó nằm ở đầu cái làng này, nên để cho hồ nước sạch sẽ, tôi đã vận động bà con quyên góp xây bức tượng Quan Âm ở giữa hồ. Tôi nghĩ xây bức tượng Phật lên thì cái hồ nước đó mới sạch vì sẽ không ai dám vứt rác, nuôi cá, thả vịt, cho trâu dầm dưới đó. Và đúng như vậy, suốt sáu tháng sau, hồ nước vẫn sạch tinh tươm. Tuy nhiên, đùng một cái, mấy “ổng” không cho đặt tượng nữa”.
Tác giả phỏng vấn và được ông M. tâm sự tiếp:
“Trước khi xây, anh có xin ý kiến chính quyền không?”, tôi hỏi. “Có chớ, huyện, xã gì tôi cũng nói. Lúc đó ai cũng vui vẻ, bởi vì có chi trầm trọng. Thành phố Đà Nẵng, cách đây 20km, người ta xây tượng Phật bà to gấp mấy lần, xây tượng Phật Như Lai cũng to gấp mấy chục lần, trung ương, địa phương về, trong nước, ngoài nước đến, mà có ai nói chi đâu. Còn của tôi, chỉ là tượng Phật ở làng, tôi là cán bộ (ông M., là cán bộ trung ương vừa nghỉ hưu – NV) chứ có phải ở chùa nào đến, tôn giáo nào tới đâu”.
Thì ra, bác M. từng là cán bộ, bác M. từng chứng kiến những tượng Phật khổng lồ ở Bãi Bụt và Bà Nà tại Đà Nẵng, bác muốn giữ vệ sinh môi trường khi lòng dân biết tôn kính Thánh tượng. Bác M. cũng trực tiếp trao đổi với cán bộ xã trước khi họ đồng ý cho dựng tượng Phật Quán Âm. Nhưng cán bộ xã không giải thích lý do đập tượng để thế vào cô du kích! Bác M. từng là cán bộ mà bác M. không lường được hành động bất nhất của những anh cán bộ địa phương nơi quê bác.
Hình ảnh một Bồ tát Quán Âm thể hiện lòng đại lượng trước sự đau khổ của quần sanh. Vậy hà cớ gì biến Bồ tát Quán Âm, một biểu tượng tôn kính của hàng triệu tín đồ Phật giáo trên thế giới thành một cô du kích?
Minh Mẫn”(hết trích)
Câu hỏi cuối cùng trong bài trên, phảỉ chăng Giáo Hội Phật Giáo VN muốn hỏi các quan chức trong tỉnh Quảng Nam, rằng hà cớ gì đã biến Bồ Tát Quán Âm thành một cô du kích.
Lẽ ra, đúng là không nên biến hình pho tượng như thế. Nhưng khi đã lỡ rồi, thử hỏi có nên hay không điều chỉnh pho tượng để mang ý nghĩa buông dao thành Phật và cũng tượng trưng cho thời đại hòa bình của quê nhà: hãy đặt khẩu súng AK xuống một bên tòa sen.
Như thế, có thể là sẽ biến pho tượng này trở thành một nơi du lịch tâm linh, vì cũng sẽ là một kỳ quan độc đáo của thế giới? Từ một giới chức địa phương “lập trường cực tả” đã dẫn tới một pho tượng “không giống ai” (nói theo bài trên báo Giác Ngộ), nhưng chỉ cần buông súng xuống bên tòa sen, là có thể cứu được ngành du lịch địa phương, mà các cơ quan chính phủ khỏi bị mắc lừa kiểu màn bầu chọn “7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới” do Tổ chức New7Wonders diễn xuất.
Phải chăng, đây là hóa thân thứ 1001 của Bồ Tát Quán Âm?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét