Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Từ câu chuyện “Cậu bé yêu nước thành Padua”

Nguyễn Mỹ Linh

Chuyện kể rằng:

Một chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước vừa rời bến cảng Barcelona, một thành phố ở Tây Ban Nha, để đi đến hải cảng Genoa (thuộc Ý Đại Lợi). Trên tàu có đủ loại hành khách bao gồm người Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Trong đám đó có một cậu bé đơn độc khoảng 11 tuổi, phục sức nghèo nàn. Biết phận mình, cậu bé luôn tách biệt khỏi đám đông. Như một con thú hoang, cậu đăm đăm nhìn mọi người với ánh mắt u sầu. Cậu có lý do chính đáng để biện minh cho lối nhìn mọi người đầy nghiêm khắc đó. Cách đây hai năm, cha mẹ cậu, hai người nông dân ở vùng lân cận thành Padua của nước Ý, vì quá nghèo nên đã vô tình bán cậu cho một bọn người lừa bịp. Sau khi bỏ đói và thực hiện những màn đấm đá dã man, bọn này đã dạy và buộc cậu làm trò để kiếm tiền. Rồi họ mang cậu đi khắp nước Pháp và Tây Ban Nha để biểu diễn. Cậu luôn bị bọn chúng đánh đập và không cho ăn uống đầy đủ. Khi bọn họ đưa cậu đến Barcelona, cậu đã bỏ trốn vì không thể tiếp tục chịu đựng thêm nữa sự hành hạ nhẫn tâm và những cơn đói triền miên đã làm cậu vô cùng khốn khổ.



Cậu đã tìm đến lãnh sự quán Ý để xin được bảo vệ. Với lòng từ tâm, viên Lãnh Sự đã mua vé cho cậu đi trên chiếc tàu thủy này để đến Genoa. Ông không quên kèm theo một lá thư giới thiệu cậu với ngài thủ quỹ thành phố Genoa để xin giúp đỡ đưa cậu về lại với cha mẹ ở Padua, hai người đã nhẫn tâm bán cậu như bán một con thú. Với vết thương lòng đau như cắt, cậu bé khốn khổ và yếu đuối ngồi lặng yên trong buồng tàu hạng hai. Nhiều người cũng đăm đăm nhìn cậu. Cũng có kẻ lên tiếng dò hỏi thân thế cậu nhưng cậu không trả lời. Nỗi thống khổ và túng quẫn dường như đã làm cậu căm giận và oán ghét tất cả mọi người.

Tuy vậy nhưng vẫn có được ba người hành khách do kiên nhẫn hỏi chuyện với cậu nên đã thành công trong việc làm cho cậu mở miệng. Bằng những lời nói vụng về pha trộn vừa tiếng Pháp, vừa tiếng Tây Ban Nha và thổ ngữ thành Venice, cậu bắt đầu kể chuyện về mình. Ba người hành khách kia tuy không phải là người Ý nhưng cũng tỏ ra thông cảm với cậu, phần vì lòng từ tâm, phần vì đang ngà ngà say rượu. Họ cho cậu những đồng tiền vàng trong lúc bông đùa và khuyến khích cậu kể thêm nhiều chuyện khác nữa. Nhân lúc đó có nhiều người đàn bà ngó vào bàn chỗ họ đang nghe cậu kể chuyện, ba người hành khách kia muốn “lấy điểm” với quý bà nên càng mạnh tay tặng thêm cho cậu những đồng tiền vàng sáng nhóa rổn rảng thảy lên trên bàn và nói to với cậu : “Này lấy thêm, cứ lấy thêm nữa này”.

Cậu bé bỏ tất cả những đồng tiền vào túi. Vẫn trong dáng điệu khó thân thiện được với ai, cậu lí nhí cảm ơn ba người khách. Tuy vậy lần đầu tiên ánh mắt của cậu đã lộ lên tia nhìn reo vui và thân ái.

Thế rồi cậu leo vào chỗ giường ngủ của mình, kín đáo hạ xuống tấm rèm che, và nhẹ nhàng nằm xuống lặng yên suy nghĩ về những chuyện cậu sẽ làm sắp tới. Với số tiền vừa kiếm được này, cậu có thể mua thức ăn ngon trên tàu, cho bõ những ngày tháng đau khổ vì thiếu ăn suốt hai năm qua. Cậu có thể mua một chiếc áo khoác tốt khi tàu cập bến Genoa, cho bõ những ngày tháng dài lang thang trong những bộ cánh giẻ rách mà cậu đang mặc. Số tiền còn lại sẽ giúp cho cậu có được một sự tiếp đón nồng hậu khi về đến nhà cha mẹ, ắt hẵn phải tốt nhiều hơn là về nhà với hai túi áo trống rỗng, cậu tự nhủ. Số tiền này thật là một gia tài đối với cậu. Điều này làm cậu cảm thấy thật dễ chịu và sung sướng biết bao đang khi vẫn nằm dài trên giường, khuất sau tấm rèm.

Ngoài kia, ba vị khách đã cho cậu tiền lúc ban nãy vẫn còn ngồi quanh chiếc bàn ăn tối hăng hái bàn cãi những chuyện chẳng đâu vào đâu. Họ uống rượu và kể cho nhau nghe những chuyện mắt thấy tai nghe trong các chuyến du lịch đó đây của mình và về những đất nước mà họ đã đặt chân tới. Thế rồi câu chuyện của họ chuyển qua đề tài về nước Ý. Một người trong bọn ba người bắt đầu than phiền về những quán trọ ở Ý. Người khác phàn nàn về đường xe lửa. Trong lúc bốc đồng đó, cả bọn nhao nhao tranh nhau nói xấu hết tất cả về nước Ý. Người thì bảo anh thà đi du lịch đến xứ Lapland còn hơn là đến Ý. Kẻ khác hùng hổ tuyên bố anh chẳng gặp ai hơn là một bọn lừa đảo và đầu trộm đuôi cướp ở Ý. Người còn lại lớn tiếng kêu ca là những nhân viên nhà nước của Ý hoàn toàn mù chữ, không biết đọc. Họ cao giọng bình phẩm:

- “Đó là một dân tộc ngu dốt !”, người thứ nhất bảo.

- “Một đất nước thật bẩn thỉu tồi tệ !”, kẻ thứ hai chen vào.

- “……..một bọn cứ.... !”, người thứ ba chưa kịp dứt lời chữ “cướp” vì bị ngắt lời bởi một trận mưa tiền cắc đang được ném xối xả vào đầu và vai của cả bọn. Những đồng tiền vàng rơi loảng xoảng đầy trên bàn rồi bắn lên rớt xuống sàn tàu.

Cả bọn ba người đều bật đứng lên giận dữ ngó quanh. Nhưng chưa hết, họ tiếp tục nhận thêm một nắm tiền cắc khác chọi vào mặt họ.

- “Hãy nhận lại tiền của các người !”, cậu bé Ý nghèo khổ của thành Padua đang thò đầu ra khỏi màn ngủ và tiếp tục quát lớn với giọng đầy khinh bỉ: “Tôi không nhận của bố thí từ những người nhục mạ đất nước của tôi”.

*

Bạn thân mến,

Tôi đã đọc câu chuyện vừa kể trên trong sách Quốc Văn lớp ba ở Sàigòn năm tôi vừa mới lên 8 tuổi. Câu chuyện được trích lại từ trong cuốn truyện “Tâm Hồn Cao Thượng” do cụ Hà Mai Anh dịch ra từ Pháp ngữ, nhưng nguyên bản được viết bằng tiếng Ý. Tôi còn nhớ cuốn Quốc Văn lớp ba đó bao gồm khá nhiều những mẫu chuyện nhỏ khác cũng được chọn lọc trích ra từ cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” mà sau đó một người bạn của ba tôi, cô Dung, đã ưu ái mua tặng cho tôi. Tôi nhớ mình đã say mê đọc hết cuốn sách từ đầu tới cuối chỉ trong vòng vài ba đêm. Trái tim non nớt của một đứa bé lên tám đã xao xuyến rung động khi đọc lại câu chuyện của cậu bé yêu nước người Ý ở thành Padua. Mối thương tâm và lòng quả cảm thật đơn sơ của cậu bé khốn khổ đã để lại những dấu ấn thật tốt đẹp về lòng yêu nước trong tâm hồn rất non trẻ của tôi từ dạo đó. Tương tự như vậy, rất nhiều câu chuyện nhỏ khác trong cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” đã gieo vào hồn tôi những bài học đức dục thật cơ bản mà vô hình chung, những câu chuyện ngắn và đơn sơ đó đã trở thành kim chỉ nam cho một đời người. Cuốn sách đã bị bọn Việt Cộng ngu xuẩn tịch thu trong các đợt “kiểm tra văn hóa đồi trụy” sau năm 1975.

Bao năm nay ở hải ngoại thỉnh thoảng tôi vẫn để mắt tìm kiếm cuốn sách này khi có dịp vào tiệm sách Việt Nam. Nếu kiếm được tôi sẽ không ngần ngại mua ngay làm quà cho các con của tôi. Nhưng tôi đã không kiếm ra.

Tôi lại loay hoay lật tìm trong những cuốn sách dạy tiếng Việt cho các con tôi ở các trường Việt Ngữ, nhưng cũng không kiếm ra dẫu chỉ một chuyện ngắn như câu chuyện của cậu bé yêu nước thành Padua. Hình như những câu chuyện đức dục thật đơn giản và ý nhị đó không được chú trọng tới. Trong các buổi thi “Đố Vui Để Học” tôi nghe các em được hỏi về các thành phần nguyên liệu để làm bánh này bánh kia, và tôi thở dài. Ở trong nước các em bị “nhồi sọ” học những bài thơ đai loại “đêm qua em mơ gặp bác Hồ” và những bài toán cộng xem anh “giải phóng” đã bắn được bao nhiêu “tên giặc lái Mỹ”. Khi các em theo gia đình sang đây trong các chương trình bảo trợ thân nhân hoặc đoàn tụ gia đình, chúng ta gộp chung các em lại với những em khác sinh ra ở hải ngoại và lo sợ chúng sẽ mất gốc, thích ăn hamburger hơn bánh chưng, bánh tét nên cần phải biết các nguyên liệu làm bánh này bánh kia chăng ?

Chúng ta than phiền rằng nền giáo dục và đạo đức trong nước đang suy đồi trầm trọng chỉ mới sau nửa thế kỷ (chưa tới một trăm năm) “trồng người” của Việt Cộng. Thế nhưng chúng ta có để ý gì tới những bài đức dục thật căn bản về tinh thần quốc gia và lòng tự trọng dân tộc của con em chúng ta ở hải ngoại không ?

Tệ hơn nữa, tôi “khám phá” ra rằng ngay cả người lớn và các bậc trưởng thượng cũng đang cần phải được “nhắc” lại câu chuyện “Cậu bé yêu nước thành Padua”. Dường như những năm tháng sống chung với Việt Cộng trong tinh thần “hữu nghị anh em”, “quốc tế cộng sản”, “thế giới đại đồng” và “môi hở răng lạnh” đã làm cho chúng ta “nhụt” đi phần nào tinh thần quốc gia, lòng ái quốc và tự trọng dân tộc, cho nên dẫu bị “răng bập xuống cắn dập nát môi” (như Trung Cộng đã đối xử với Việt Cộng) chúng ta vẫn không nhận ra được những hành động cần phải làm, dù đơn sơ và thẳng thắn như hành động quăng trả lại tiền vào mặt kẻ đã sĩ nhục dân tộc mình như cậu bé nghèo khổ thành Padua đã làm?

Tôi nói thế vì trong cuộc sống hằng ngày tôi vẫn bắt gặp những mẫu chuyện đại loại như:

- Sao không mua vé China Airlines cho nó rẻ?

- Ăn “dim sum” ở cái nhà hàng Tàu đó ngon lắm!

- Chị mới đi du lịch Trung Quốc về. Ăn uống và đồ mua bên đó rẻ lắm !

Một cụ còn “tỏ lòng ước ao” được đi thăm “Vạn Lý Trường Thành” trước khi chết, cứ như thể cụ không thể nhắm mắt an nghĩ và linh hồn cụ sẽ không được siêu thoát nếu như cụ không đến được Vạn Lý Trường Thành cho “thỏa chí tang bồng”. Hoàng Sa, Trường Sa ư ? Xa xôi quá, hai cái quần đảo nhỏ xíu đó có gì mà phải nghĩ tới ? Ải Nam Quan ư ? Cũng xa quá, đó chỉ là một địa danh thỉnh thoảng đọc thấy trong sử & địa lý Việt Nam, có gì là đặc biệt đâu ? Bauxite Việt Nam ư ? Ừ thì có vào tay Trung Cộng hay ở lại với Việt Cộng cũng đâu có khác bao nhiêu ? Đằng nào thì cũng đã mất rồi ! Suy nghĩ thật an nhiên và tự tại …

Mới đây một chị bạn kể lại cho tôi nghe chuyện chị đi tham dự biểu tình chống Trung Cộng. Ban tổ chức phát cờ vàng của VNCH cho tất cả mọi người tham dự. Ai cũng hăng hái phất cờ vàng trong lúc biểu tình. Lúc về nhà chị mới khám phá ra là trên cán cờ có khắc hàng chữ “Made in China” làm chị tức lộn ruột ! Ban tổ chức vô tình không để ý đến khía cạnh tế nhị này, hay vì tài chánh eo hẹp nên phải bấm bụng “ủng hộ” kinh tế cho China một chút ?


Đã từ lâu, tôi có thói quen khi đi mua sắm là nhìn cho rõ trên nhãn hiệu xem có “Made in China” không. Nếu có, tôi sẽ không ngần ngại bỏ ngay không chọn. Tôi thà mua đồ “Made in Thailand” hay “Made in Phillippines” (dĩ nhiên tốt nhất vẫn là “Made in USA” nhưng thực tế cho thấy điều này không dễ kiếm). Tôi xem đó là một hành động rất bình thường và đơn giản mà tôi đã bắt chước cậu bé yêu nước thành Padua. Tôi nhớ có lần tôi đã đi dọc suốt hàng bún khô trong siêu thị Việt Nam, cầm hết hiệu này đến hiệu kia mà hiệu nào cũng “Made in China” cả. Hôm đó gia đình tôi ăn bánh mì với cà-ri gà, thay vì ăn bún gà cà-ri. Vẫn ngon chán ! Tôi định bụng sẽ viết thơ than phiền với ban giám đốc siêu thị về điều này. Cũng may về sau tôi tìm được một siêu thị khác có bán bún khô “Made in Thailand” và “Made in Vietnam”, nên tôi chưa phải thực hiện ý định viết lá thư đó.

Nghĩ lại tôi thấy mình chỉ “bắt chước” được một chút thôi chứ vẫn còn thua cậu bé khốn khổ thành Padua xa lắc xa lơ. Vì sao? Cậu bé can đảm ấy đã quẳng trả lại cả một gia tài có khả năng làm thay đổi cuộc đời mình. Còn tôi, khi tôi không chọn đồ “Made in China”, không đi China Airlines hoặc không đi du lịch China thì cũng chỉ là một sự giảm đi tiện nghi trong cái xứ sở thừa mứa vật chất này. Ngoài China Airlines, có bao nhiêu hãng hàng không khác cho tôi lựa chọn ? Có thiếu gì kỳ quan trên thế giới tôi có thể nhìn thấy ? Không đi Vạn Lý Trường Thành thì đi xem Kim Tự Tháp Ai Cập. Không ăn bún thì ăn phở, ăn bánh mì. Đó là chưa kể không thiếu gì các món ăn ngon khác. Nếu có phải không ăn bún cả phần đời còn lại thì cũng chỉ là một sự chia sẻ nhỏ nhoi so với nỗi thống khổ của những gia đình ngư phủ bị Trung Cộng giết hại ngay trong lãnh hải Việt Nam. Đó là chia sẻ nỗi đau thương của dân tộc.

Tại sao chúng ta lại dùng đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt của chính mình để đi làm giàu cho kẻ đã nhục mạ quê hương, dân tộc mình qua những hành vi xâm lược và đánh giết người trắng trợn ? Tại sao chúng ta không biết “quăng” vào mặt họ một bài học đanh thép như cậu bé thành Padua đã làm đối với những kẻ đã sĩ nhục đất nước cậu?

“Của Ceasar. Hãy trả lại cho Ceasar”. Chúng ta hãy quăng trả lại cho China tất cả những hàng hóa và dịch vụ “Made in China” cũng giống như cậu bé thành Padua đã kiêu hãnh quăng trả lại những đồng tiền của kẻ đã nhục mạ quê hương cậu. Và ngược lại, chúng ta đòi China hãy trả lại cho Việt Nam những gì thuộc về Việt Nam !

Rất có thể gã khổng lồ Trung Cộng chẳng bị thiệt hại kinh tế là bao nhiêu (cũng như ba ông khách kia chẳng bị thiệt hại là bao trong câu chuyện Cậu Bé Yêu Nước thành Padua. Nhưng đó vẫn là một điều quan trọng cần phải làm để cho họ biết là chúng ta có sĩ diện, có tinh thần quốc gia và lòng tự trọng của một dân tộc, chứ không phải là một bọn “man” (di) như tổ tiên của họ đã gán ghép gọi dân tộc Việt Nam, lại càng không phải là thứ “đồng chí, đồng rận” trong cái gọi là “tình hữu nghị” năm sáu chữ vàng gì đó mà bọn nịnh thần Việt Cộng bán nước vẫn trơ tráo tâng bốc kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta. Bạn đồng ý với tôi chứ ?

Nếu thế thì phải tập “bắt chước” cậu bé thành Padua ngay từ ngày hôm nay, bạn nhé ! Hy vọng bạn sẽ không quên mang câu chuyện “Cậu bé yêu nước thành Padua” kể lại cho con cháu cùng nghe. Mong rằng các thày cô trong các lớp Việt Ngữ cũng sẽ không quên kể lại cho học trò mình. Dẫu muộn còn hơn không bao giờ !

Viết tại Orange County, ngày 20 tháng 7, 2010.
Nguyễn Mỹ Linh

T.B. Vì không tìm được cuốn sách “Tâm Hồn Cao Thượng” của dịch giả Hà Mai Anh, tôi đã mạn phép dịch lại câu chuyện “Cậu bé yêu nước thành Padua” từ bản tiếng Anh sang tiếng Việt. Nếu bản dịch của tôi không được hay và hoàn hảo như bản dịch của cụ Hà Mai Anh, xin vui lòng lượng thứ.

Nguyễn Mỹ Linh

drawings to draw

Image by plagiats
http://www.iberianature.com/material/photos/old_barcelona5.jpg
The Palacio Nacional in Montjuich.
Barcelona, Cathedral

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét