Thái Văn Cầu gửi cho BBC từ California, Hoa Kỳ
Quần đảo Hoàng Sa đã hoàn toàn nằm trong tay Trung Quốc
Gần 40 năm sau khi một phần lãnh thổ Việt Nam bị ngoại bang chiếm đoạt, lãnh đạo Nhà nước tuần qua lần đầu tiên lên tiếng trước Quốc hội về hành động dùng vũ lực của Trung Quốc ở Hoàng Sa.[1]
Sự kiện Hoàng Sa được những người quan tâm đến chủ quyền và quyền lợi đất nước nhiều lần nhắc đến trong gần bốn thập niên qua, mới đây nhất là trong “Thư Ngỏ” gửi lãnh đạo Việt Nam ngày 21/8/2011 của một số trí thức ở nước ngoài.[2]
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói “Việt Nam khẳng định có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự, ít nhất là từ thế kỷ 17, chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa có bất kỳ một quốc gia nào.”
Tuyên bố trên thể hiện phần lớn sự thật về chủ quyền. Tuy nhiên, để giải quyết hữu hiệu tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam cần có những bước cụ thể hơn ngoài “khẳng định” chủ quyền như từng làm trong nhiều năm.[3]
Căn cứ giải quyết tranh chấp:
Sau khi dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974, khiến 74 chiến sĩ Quân đội Việt Nam Cộng hoà hy sinh, Trung Quốc nỗ lực chứng minh “chủ quyền” của họ đối với Hoàng Sa, Trường Sa trong các lãnh vực nghiên cứu khác nhau.[4]
Dựa vào kho cổ sử tuy lớn về số lượng nhưng có không ít vấn đề về chất lượng, giới nghiên cứu Trung Quốc, dưới sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc, tranh thủ biến không thành có về chứng cứ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Trung Quốc, ở một mức độ nhất định, thành công trong việc tạo hỏa mù, đánh lừa dư luận Trung Quốc và dư luận quốc tế.
Đã có trường hợp học giả phương Tây đưa nhận định về chủ quyền biển đảo xa rời cơ sở lịch sử hay pháp lý, gây bất lợi cho Việt Nam.[5]
Ngược lại, trong một thời gian dài, Việt Nam hầu như bị động trong công việc nghiên cứu chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa một cách khoa học và nghiêm túc.
Mối quan tâm về chủ quyền gia tăng khi Trung Quốc trở nên hung hãn trên Biển Đông: cấm biển, bắn đạn thật, đâm chìm tàu cá, đánh đập, giết hại ngư dân Việt Nam, v.v.
Đồng thời, sự lớn mạnh của mạng lưới internet trong nước giúp truyền thông tin đa chiều rộng rãi hơn trước.[6]
Kết hợp hai yếu tố trên dẫn đến sự hình thành giới nghiên cứu độc lập và những bài viết có giá trị, dù bị giới hạn về phương tiện.
Để khắc phục thiếu sót trong quá khứ, và để loại bỏ lỗ hổng trong lập luận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà nước Việt Nam nên khẩn trương hỗ trợ giới nghiên cứu (độc lập cũng như trực thuộc bộ máy chính quyền), thúc đẩy tham khảo tư liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia và từ các nguồn khác (kể cả ngoài nước), chuyển dịch những nghiên cứu đúng đắn từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài (cụ thể như tiếng Anh, tiếng Hoa), tư vấn chuyên gia ở ngoài nước về giải quyết tranh chấp lãnh thổ, đào tạo lớp người trẻ với chuyên môn nghiệp vụ cao, v.v.
Chỉ tiêu giải quyết tranh chấp:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói “… chúng ta chủ trương đàm phán, giải quyết, đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này của chúng ta phù hợp Hiến chương LHQ, Công ước luật biển, Tuyên bố DOC.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên đã công khai nói về vấn đề Hoàng Sa 'bị Trung Quốc chiếm'
Quan điểm của Trung Quốc đối với Hoàng Sa hiện nay rất rõ ràng: “Không có gì để đàm phán cả… Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc chưa bao giờ là đề tài tranh chấp và Việt Nam đã thừa nhận điều này trong quá khứ. Thảo luận về nỗ lực hợp tác bảo vệ tài nguyên, tìm kiếm cứu nạn và các việc khác là một chuyện, chủ quyền của Trung Quốc là một chuyện khác”.[7]
Khi Trung Quốc công khai cho biết vị thế của họ trong tranh chấp biển đảo, đặc biệt là đối với Hoàng Sa, dù không từ bỏ chủ trương đàm phán với Trung Quốc, Việt Nam, ngay lập tức, cần thực hiện những phương án song song:
- Tranh thủ các nước ASEAN để hoàn thành trong vòng 6 tháng tới bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông, nêu rõ Hoàng Sa, Trường Sa là khu vực tranh chấp, phải được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS.
- Hoàn tất hồ sơ cần thiết để đưa tranh chấp Hoàng Sa ra cơ quan tài phán quốc tế trong vòng 9 tháng tới.
- Tranh thủ sự ủng hộ của Philippines, Malaysia, Indonesia, v.v., cho bước 2.
Thời điểm nêu lên trong bước 1-2 phản ánh yếu tố khách quan và thuận lợi từ tình hình khu vực và thế giới.[8]
Hơn 4 tháng trước, Philippines yêu cầu Trung Quốc cùng đưa tranh chấp Trường Sa ra Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS); Trung Quốc từ chối.[9]
Việt Nam nên tích cực ủng hộ và vận động để các nước khác ủng hộ yêu cầu trên của Philippines, cùng Philippines và Việt Nam đưa tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa ra ITLOS hay Toà án Quốc tế (ICJ).
Ngoài ICJ và ITLOS, vì UNCLOS cung cấp cơ chế trọng tài đặc biệt và hội đồng trọng tài đặc biệt thuộc Phụ lục VII và Phụ lục VIII để tài phán các trường hợp tranh chấp không giải quyết được thông qua ICJ hay ITLOS, Việt Nam nên khẩn trương và nghiêm túc nghiên cứu khả năng sử dụng hai cơ chế này, cũng cho bước 2 ở trên.[10]
Trong vòng 2 năm gần đây, lãnh đạo Việt Nam mạnh dạn lên tiếng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, khởi đầu với Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang và hôm nay là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.[11]
Do Hiến pháp Việt Nam quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, sau khi chứng kiến Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ dõng dạc tuyên bố về sự toàn vẹn lãnh thổ, nhiều người không thể không tự hỏi:
Trước quan tâm sâu sắc của nhân dân Việt Nam và trước thái độ cứng rắn của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế khi khẳng định “không có gì để đàm phán cả”, quan điểm và quyết tâm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là như thế nào ?
Đáp ứng mong đợi của người dân bằng những hành động kế tiếp của lãnh đạo Việt Nam sẽ góp phần xác định vị trí của Đảng đối với dân tộc, đối với lịch sử.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một chuyên gia khoa học không gian hiện sinh sống ở Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét