Trở về quê cũ làng xưa sau 32 năm xa Sài Gòn và 60 năm xa Hà Nội.
Tại sao Đinh Bộ Lĩnh chọn Hoa Lư là kinh đô của Đại Cồ Việt và tại sao lại phải dời Hoa Lư về Thăng Long?
Nguyễn Trọng
Từ trước tới nay, các sử gia có uy tín của nước ta vẫn coi Tự Chủ Thời Đại hay còn được gọi là Thời Kỳ Thống Nhất bắt đầu từ nhà Ngô, mà ông vua đầu tiên là Ngô Quyền.
Nói tới Ngô Quyền, người học sử một cách sơ sài và nông cạn như người viết bài này khi đó học hành thi cử dưới thời Pháp thuộc, thì chỉ biết ông là người đã bố trí một trận địa cọc nhọn bịt sắt cắm xuống lòng sông Bạch Đằng, đợi cho nước thủy triều lên cao để nhử thuyền quân Nam Hán ngoại xâm vào bên trong hàng cọc. Đợi cho khi thủy triều xuống Ngô Quyền dốc toàn sức tiêu diệt quân Nam Hán bằng một trận quyết chiến, quyết thắng!
Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền và những chiến thắng về sau, cùng một địa danh chiến thuật và chiến lược, đã chia đôi lịch sử nước ta làm hai thời kỳ rõ rệt: Thời kỳ Bắc thuộc và Thời kỳ Độc lập.
Vậy Ngô Quyền là ai? Không như Đinh Bộ Lĩnh, người sáng lập ra Đinh triều và đặt kinh đô đầu tiên của nước ta ở Hoa Lư là người sinh quán ở Ninh Bình, Ngô Quyền sinh quán ở Đường Lâm, nay gọi là Ba Vì, thuộc tỉnh Hà Tây. Đây là mảnh đất địa linh nhân kiệt, là nơi sinh trưởng của Phùng Hưng, Nguyễn Trãi, Phan Huy Chú... và Hà Tây cũng là nơi có nhiều danh thắng gắn bó ngàn năm với phong tục tập quán của dân gian, như Chùa Hương, Chùa Thầy, Chùa Tây Phước, Đền Và, Chùa Mía v.v...
Ông còn là bộ tướng của hào kiệt Dương Diên Nghệ, vốn thông minh khác thường, lại có thân thể cường tráng, cả vùng ai cũng nghe tên tuổi con người võ nghệ tài ba xuất chúng.
Vì có tài cho nên Dương Diên Nghệ mới gả con gái cho. Trong 7 năm (931-938) Ngô Quyền cai quản đất Ái Châu (Thanh Hoá), vùng đất hùng cứ của nhạc phụ, đem yên vui thái bình cho muôn dân trên hai bờ sông Mã, nước chảy cuồn cuộn như vó ngựa.
Vào thời bấy giờ, nước ta chưa có bờ cõi phân chia rõ rệt, nước chưa có tên mà vua cũng chưa đủ mạnh để xưng vương cho nên nhạc phụ của Ngô Quyền đã bị một hào trưởng (người có tai mắt thế lực trong làng) là Kiều Công Tiễn giết hại.
Vua Nam Hán bên Tầu biết tin này, liền sai con là Hoàng tử Hoàng Thao đem quân sang đánh nước ta. Thuyền giặc từ Biển Đông tiến vào sông Bạch Đằng thì bị chiến thuật đóng cọc bịt sắt của Ngô Quyền làm vỡ tan tành. Chiến thuật kỳ lạ này có lẽ chưa từng xẩy ra ở bất cứ dòng sông nào trên thế giới, ngoài sông Bạch Đằng. Người viết mong rằng khi ăn mừng chiến thắng 800 năm Bạch Đằng vào năm 2008, Nhà Nước Việt Nam sẽ làm sống lại trận thủy chiến vô tiền khoáng hậu này bằng những trận đánh dàn dựng công phu và linh hoạt, điều mà các sử gia hay nhà văn nhà báo chỉ cầm bút viết lại cho được mà thôi, làm sao có đủ phương tiện và nhân sự dồi dào như kẻ cầm quyền.
Bị đánh bất ngờ, thuyền quân Nam Hán bị cọc nhọn đâm thủng, chìm xuống nước một cách nhanh chóng như những con thuyền giấy của trẻ con tập trận giả trên mặt ao, mặt hồ.
Hoàng Thao bị tấn công bất ngờ, thuyền bị cọc đâm thủng chao đảo trên lòng sông hỗn loạn. Vì không có quân cứu viện, Hoàng Thao bị đâm chết tại trận, xác chìm theo thuyền cho dòng nước chảy trôi ra biển. Vua Nam Hán biết tin kinh hoàng, khóc thét lên và ra lệnh rút hết tàn quân về Biển Đông, lặng lẽ hồi hương.
Sau chiến thắng vẻ vang, Ngô Quyền xưng vương, bãi bỏ chức Tiết độ sứ do nhà Nam Hán đặt ra. Tiết độ sứ là chức quan ngày xưa ở nước Tầu, cầm binh quyền trong cả nước. Riêng ở nước ta thời bấy giờ, nhà Nam Hán coi như một vùng Bắc thuộc cho nên đã đặt một chức quan võ là Tiết độ sứ, nắm trọn binh quyền trong tay để tha hồ thao túng.
Giải phóng đất nước khỏi binh quyền của nhà Nam Hán, Ngô Quyền đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội). Nhân nhắc tới địa danh Cổ Loa hay Loa Thành, người viết phải dựa vào các sử liệu khá súc tích để khẳng định rằng Cổ Loa không phải là một cố đô huyền thoại như hình ảnh con Rồng cháu Tiên, mà địa danh này ngày nay vẫn còn dấu tích, ai đến tham quan đều phải ngỡ ngàng trước một tòa thành cổ kính vào bậc nhất nước ta.
Rất tiếc người viết không có dịp đặt chân tới đây, nhưng nhiều Việt Kiều về nước đã đặt chân tới đó, đã chụp hình và quay phim rõ ràng từng chi tiết.
Theo sách “Từ Điển Du Lịch Dã Ngoại” cho biết thì dấu vết của thành Cổ Loa đã trải qua 2,300 năm nay vẫn còn, với ba vòng thành bằng đất. Các nhà khảo cổ tìm được hàng vạn mũi tên đồng, lưỡi cày, rìu sắt, xương thú vật tại một nơi cách xa thành phố Hà Nội chỉ có 18 km. Đó là Cổ Loa, thuộc huyện Đông Anh ngày nay gần Hà Nội.
Kinh thành xưa được đổi là Loa Thành vì đã xây dựng kiểu xoáy trộn ốc gồm có ba vòng: thành ngoại, thành giữa và thành trong. Dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước, thuyền ghe có thể di chuyển xuôi ngược được một cách dễ dàng.
Cổ Loa đã được dùng làm kinh đô của nhiều triều đại, bắt đầu từ nhà Thục An Dương Vương, rồi chạy dài cho mãi tới Ngô Quyền, và sau đó mấy năm, Lý Thái Tổ lại dời đô về Thăng Long. Cho mãi tới thời Nguyễn Vương lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu là Gia Long vào năm 1802 thì dời đô về Huế.
Trong lịch sử thế giới, ngoài cố đô La Mã của nước ý ngày nay, có lẽ không có cố đô nào có một chiều dài lịch sử như Loa Thành. Nói tới Loa Thành tức là nói tới vùng đất Thăng Long Hà Nội ngày nay. Như thế, khi ta nói Thăng Long là đất “ngàn năm văn vật” thì lời nói này có cơ sở vững chắc, không phải chỉ nói trên bờ môi mép lưỡi mà thôi.
Ngô Quyền lên làm vua thực ra chỉ được 5 năm, từ 939 đến 944, thọ 47 tuổi. Nhận xét về giai đoạn lịch sử quá mong manh và nhiều phức tạp này, ông Phạm Xuân Độ, trong cuốn “Việt Sử Dẫn Giải” đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc như sau:
“Dưới thời Bắc thuộc, trước Ngô Quyền, tuy đã có những vị xưng vương như Hai Bà Trưng,
Lý Bôn và Phùng Hưng, nhưng các bậc đó trị vì trong một thời gian quá ngắn ngủi, chưa kịp tổ chức việc cai trị trong nước. Cho nên ta có thể nói chế đô quân chủ ở nước ta bắt đầu từ đời nhà Ngô mới có một tính cách rõ rệt.
Chính thể ấy đã phỏng theo chế độ quân chủ của nhà Hán, và nhà Đường bên Trung Quốc. Theo quan niệm này, vua là Thiên Tử thay Trời xuống trị dân. Vua chỉ theo mệnh Trời, còn trong nước, toàn thể nhân dân đều đặt dưới quyền vua. Vua là chủ tể toàn quốc, các quan chức là những vị thay mặt vua để cai trị khắp mọi nơi.
Thực ra, vì Ngô Vương trị vì có 5 năm nên quyền hành của nhà vua chưa đủ thì giờ để lan tràn ra khắp nơi trong lãnh thổ quốc gia, và chế độ quân chủ chưa được hoàn bị. Bởi sau khi Ngô Vương mất, nền quân chủ vừa thành lập đã hầu như tan vỡ”. (Hết lời trích)
Thưa quý độc giả, người viết vẫn còn e ngại rằng nhiều người đang hỏi tại sao viết về chuyến trở lại thăm quê hương mà lại mất công tìm hiểu nguồn gốc lịch sử một cách cặn kẽ và sâu xa như vậy? Xin thưa rằng: người viết không phải là một du khách ngoại quốc trên chính quê hương của mình. Người viết là một người sinh trưởng ở quê hương nước Việt, vì hoàn cảnh chính trị mà phải rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn.
Nay có dịp được nhìn lại những địa danh cũ, những quan cảnh xưa mà thấy lòng xao xuyến bồi hồi khôn tả. Nhưng đây chỉ là những cảm xúc tự nhiên thuộc về tình cảm, thuộc về con tim. Một người ngoại quốc đã từng ở Việt Nam, nay có dịp trở về nơi cũ ngày xưa, cũng thấy lòng mình rung động như vậy. Cái rung động này chỉ phảng phất bên ngoài mà thôi.
Nhưng một người Việt Nam thuần túy như quý độc giả và tôi, chúng ta không ngừng lại ở những nỗi cảm xúc bên ngoài mà chúng ta phải tìm hiểu xem bên trong những danh thắng hay quan cảnh trước mặt, lịch sử đã diễn biến như thế nào.
Một du khách ngoại quốc chỉ biết cố đô Hoa Lư là cố đô Hoa Lư, họ không mất công tìm hiểu tại sao lại lấy tên Hoa Lư đặt cho kinh đô nước Đại Cồ Việt.
Đinh Bộ Lĩnh và Hoa Lư
Theo cuốn “Việt Sử” của soạn giả Nguyễn văn Bường thì Đinh Bộ Lĩnh là một vị tướng có công dẹp tan loạn Thập nhị Sứ quân và lập ra nhà Đinh.
Sách cũng viết rằng, lúc thiếu thời, Đinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là con Đinh Công Trứ, Thứ sử Hoan Châu về đời Dường Diên Nghệ và Ngô Quyền.
Điều thứ nhất người viết phải nhấn mạnh: Đinh Bộ Lĩnh là người sở tại, người địa phương, ông không từ nơi khác mà đem quân đến đây cướp chính quyền. Nhưng thân phụ của ông thì làm quan nơi khác. Thân phụ của ông là Thứ Sử, đồng nghĩa với Tỉnh trưởng hay Quận trưởng dưới thời VNCH. Ông nắm quyền hành chánh ở Hoan Châu, thuộc Nghệ An Hà Tĩnh bây giờ.
Thân phụ của Đinh Bộ Lĩnh mất sớm, ông theo mẹ về quê, ở với chú. Như vậy người học sử phải hiểu rằng Ninh Bình là quê ngoại của Đinh Bộ Lĩnh và người chú ruột của Đinh Bộ Lĩnh cũng ở tỉnh Ninh Bình luôn.
Còn tại sao lại gọi là Hoa Lư? Hoa Lư tức là hoa lau, lau đọc trại đi thành lư. Theo Việt Nam Từ Điển thì lau là một loại cỏ, lá như lá mía, có bông trắng. Mỗi khi có gió thổi, bông trắng ở ngọn cây lau bay phất phới, trông chẳng khác nào một ngọn cờ vậy.
Thường ngày, cậu bé họ Đinh ra đồng chăn trâu cho chú. Trong các trò chơi cùng chúng bạn, ông tỏ ra người có mưu trí. Ông thường tụ tập bọn mục đồng, chia ra từng tốp, lấy bông lau làm cờ, bầy trận đánh nhau. Lúc nào ông cũng thắng, rồi bắt chúng bạn khoanh tay lại làm kiệu rước đi. Bọn trẻ trong vùng đều tuân phục cậu mục đồng khác thường, không ai dám chọc ghẹo, coi thường.
Chúng ta cần nhờ rằng khi Ngô Quyền mất, nhà vua có để lại di chúc cho em vợ là Dương Tam Kha phải lập con mình là Ngô Xương Nhập lên ngôi vua. Dương Tam Kha bỏ lời di chúc, cướp ngôi của cháu. Đất nước bắt đầu loạn từ đó. Vua chẳng ra vua, dân chẳng ra dân, mạnh ai người nấy xưng hùng xưng bá. Hơn nữa, vùng động Hoa Lư núi non hiểm trở, đi lại rất khó khăn cho nên các hào kiệt nổi lên cai trị mỗi người một phương, tạo thành loạn Thập nhị Sứ quân mà sử sách về sau còn ghi lại.
Không những chỉ ở vùng núi non hiểm trở như vùng Hoa Lư mới có những hào kiệt nổi lên làm Sứ quân, mà ngay ở những vùng đồng bằng như Thái Bình, cảnh hỗn quân hỗn quan này cũng đã hiện ra khiến cho toàn dân điêu đứng, chẳng biết nương cậy vào ai.
Người ta thường nói: Anh hùng tạo thời thế hay thời thế tạo anh hùng? Tên tuổi của cậu bé chăn trâu động Hoa Lư lan đi rất xa, một Sứ quân ở tỉnh Thái Bình là Trần Lâm, tức Trần Minh Công nghe tiếng liền nhận câu bé làm con nuôi, và giao cho giữ binh quyền. Khi Trần Minh Công mất, Đinh Bộ Lĩnh đem quân về đóng ở Hoa Lư vì nơi đây không những là quê nhà mà địa hình địa vật ở khắp vùng gần xa cậu bé chăn trâu đều thuộc nằm lòng, như nắm trong lòng bàn tay.
Hậu duệ của Ngô Vương đem quân đến đánh, gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của Đinh Bộ Lĩnh, liền rút lui một cách thê thảm. Họ có ngờ đâu rằng Thời Thế và Địa Thế đã tạo cho cậu bé chăn trâu họ Đinh trở thành người anh hùng cứu nước, để tiếng muôn đời về sau.
Các sứ quân chung quanh đều cùng nhau kéo về Hoa Lư để thử sức, nhưng đoàn quân nào cũng gặp chiến bại ê chề cho nên các tướng tài giỏi và các vị hào kiệt biết người biết của đều tôn Đinh Bộ Lĩnh là Vạn Thắng Vương, bách chiến bách thắng.
Năm 968, sau khi thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng Đế, Đinh Bộ Lĩnh lấy hiệu là Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt và đóng đô ở Hoa Lư, nơi ông sinh trưởng.
Loạn Thập nhị Sứ quân kéo dài 22 năm, kể từ khi Ngô Quyền băng hà vào năm 944. Tình thế đất nước rối ren như vậy vào thời kỳ mới lập quốc thực ra chẳng có gì phải e ngại và ngạc nhiên: Điều đáng ngạc nhiên là xuất thân từ một cậu bé mục đồng mồ côi cha, Đinh Tiên Hoàng đã tỏ ra mình là một nhà vua có tài trí mưu lược, kiến thiết cung điện nguy nga lộng lẫy, cai trị và tổ chức pháp luật và quân sự như một quốc gia vững bền.
Hoa Lư: Một Vạn Lý Trường Thành nhỏ Việt Nam
Tần Thủy Hoàng đã dùng sức người để nối lại với nhau những đoản thành nhỏ do các đời vua trước xây để bảo vệ và đề phòng quân nước nọ đánh chiếm nước kia. Các đoản thành nối lại với nhau thành một trường thành, gọi là Vạn Lý Trường Thành.
Định Tiên Hoàng cũng xử dụng một cách thức như vậy để kiến thiết cố đô Hoa Lư.
Xem qua DVD từ trên cao chụp xuống toàn thể khu Hoa Lư, người ta thấy lô nhô nhiều ngọn núi đá cao chạy hình vòng cung, trông chẳng khác nào một trường thành thiên nhiên che chở cho một địa thế quan trọng. Chính nhờ vào vòng cung thiên nhiên này mà Đinh Bộ Lĩnh đã biến khu Hoa Lư thành kinh đô của Đại Cồ Việt. Cũng như Tần Thủy Hoàng ngày trước đã nối liền những đoản thành có trước thành một trường thành, gọi là Vạn Lý Trường Thành, thì Đinh Bộ Lĩnh cũng đã dùng gạch và đất để nối liền những ngọn núi lô nhô lại với nhau thành một vòng cung vững chắc, không có kẽ hở, những Sứ quân chung quanh không tài nào đem quân vượt thành cao xâm chiếm.
Các nhà khảo cổ cho biết chân thành có gạch bó, và tường thành thường cao 10 mét. Ngoài ra, về phía đông kinh thành kiên cố, có núi Cột Cờ, nơi có lá quốc kỳ Đại Cồ Việt bay phất phới theo gió núi, có ghềnh tháp cao nơi vua Đinh duyệt thủy quân, có hang Tiền nơi lưu giữ tài sản quốc gia và lại còn có động Thiên Tôn nơi nhốt hổ báo để xử kẻ có tội. Trải qua mưa nắng hơn 10 thế kỷ, các di tích lịch sử ở cố đô Hoa Lư bị tàn phá, đổ nát. Hiện nay chỉ còn lại đền vua Đinh và đền vua Lê được xây dựng trên nền cũ vào thế kỷ XVIII và sau đó còn được trùng tu nhiều lần.
Nguyễn Trọng
Bài 16, vua Lê Đại Hành
và Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long.
Tác giả: Nguyễn Trọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét