Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Việc sử dụng triện son - Kỳ 4

(Kỳ 4)

Đối với Đơn khoản là Song khoản.
Cũng như Đơn khoản, Song khoản cũng khắc Danh Tánh, Tự, Hiệu của người chế tác Ấn, nhưng bên cạnh đó còn khắc cả Danh Tánh, Tự Hiệu của người đặt làm Ấn kèm theo những sáo ngữ có  tính cách xã giao.
Ngoài ra, cũng khắc vài giòng ngắn gọn ghi năm tháng chế tác, lý do, mục đích chế tác Ấn. 
Trong lãnh vực Thư, Họa, phần đề danh tánh, Tự Hiệu tác giả, và năm tháng sáng tác, cũng như đề thi văn.... được gọi là Khoản, hoặc Chí. Khoản và Chí đồng nghĩa, dùng chữ này thay thế cho chữ kia được, nói khác đi, ở đây không có sự phân biệt giữa 2 chữ này.
Trong khi đó, trong lãnh vực Triện khắc, Chí và Khoản có khác.  
Ấn khoản văn, thời cổ đa số theo kĩ thuật Âm văn, hay Bạch văn, tức chữ khắc Chìm đã đề cập ở 1 đoạn trước đây. Tuy nhiên, cũng có Ấn khoản được khắc Dương văn; thể thức khác, danh xưng do đó cũng khác đi.
Ấn khoản khắc Âm văn được gọi là Khoản, và Ấn khoản khắc Dương văn được gọi là Chí.
Không như Ấn khoản khắc Âm văn, đã có từ các thời Tùy, Đường, Ấn khoản khắc Dương văn chỉ mới có đây độ hơn một trăm năm vào khoảng cuối Thanh triều (1644 - 1911), khởi sáng từ Triệu Chi Khiêm (1829 - 1884). Ông tên Tự là Ích Phủ, tên Hiệu là Huy Thúc.
Không gian Thư, Họa là không gian 2 chiều, trong khi không gian Triện khắc là một không gian 3 chiều - có lẽ từ điểm khác biệt này mà người ta đã đưa ra sự phân biệt giữa Chí / Khoản trong Triện khắc. Nếu đúng vậy thì, theo í tôi, sự phân biệt này phần nào có tính cách thêm thắt không cần thiết. Nhìn lại sẽ thấy Khoản còn được gọi là Âm văn khoản và Chí là Dương văn khoản, tức Âm văn là Khoản, mà Dương văn cũng là Khoản, sự phân biệt ở đây rồi ở đâu?Phân biệt, vì vậy  những định nghĩa khác nhau cũng từ đó mà nảy sinh, và ở đây, có vẻ như người ta đã chẻ sợi tóc làm năm làm bảy.
Khoản nghĩa đen là 'khắc', Chí nghĩa là 'ghi chép', từ ngữ 'Khoản chi chỉ những chữ khắc trên chuông, đỉnh cũng như những khí dụng tế tự thời cổ.
Sử gia Tư Mã Thiên (145 - 86 ? tr. Cn.) chép trong 'Sử Ky:
- 'Kỳ Hạ lục nguyệt trung Phần Âm vu Cẩm vị dân từ Ngụy Thùy Hậu thổ doanh bàng, kiến địa như câu trạng, phẫu thị đắc đỉnh. Đỉnh đại dị ư chúng đỉnh, văn lũ, vô khoản chị
                                                                       /  Sử Kí. Qu. XII. Hiếu Vũ bản kỉ  /.
- 'Mùa Hạ, giữa tháng 6, đất Phần Âm có thầy cúng tên Cẩm, lập miếu Hậu thổ cho dân làng ở  bên cạnh gò Ngụy Thùy, thấy đất tại đây vồng cao, dạng (cong) như cái móc câu, đào bới lên thì được một cái đỉnh. Đỉnh này có cỡ lớn khác hẳn những cái đỉnh thường thấy, (trên thân đỉnh) có khắc hình mà không khắc chứ. 

Về hàm nghĩa của 2 chữ 'Khoản' và 'Chi có 3 thuyết:
1/. Chữ khắc chìm gọi là Khoản, khắc nổi gọi là Chí.
2/. Khoản là chữ khắc ở mặt ngoài khí dụng, còn Chí là chữ khắc ở mặt trong.
3/. Hình khắc trên khí dụng gọi là Khoản, chữ khắc trên khí dụng gọi là Chí.
Lưu Hiến Đình (1648 - 1695) viết trong 'Quảng Dương Tạp Ki như sau:
- 'Án 'Bác Cổ Đố: Cổ khí câu hữu Khoản, Chí. Khoản vi. Âm tự, thị ao nhập giả, Chí vi. Dương tự, thị đột xuất giả ? Khoản tại ngoại, Chí tại nội. Hạ khí hữu Khoản, hữu Chí; Thương khí vô Khoản, hữu Chí. Thức, âm Chí, kim nhân độc Khoản Chí như 'Kiến Thức' chi Thức, dĩ mậu. Nhi hữu dĩ khí vật hình tượng vi Khoản chế giả, vưu mậu chi mậu dã!'.
                                                         /  Quảng Dương Tạp Kí. Qu. V. 102  /.
- 'Theo sách 'Bác Cổ Đố: - Khí dụng thời cổ đều có Khoản, Chí. Khoản chỉ chữ Âm, chữ khắc lõm xuống, Chí là chữ Dương, chữ khắc nổi lên - Khoản khắc ở mặt ngoài khí dụng, Chí khắc ở mặt trong khí dụng. Khí dụng đời Hạ có cả Khoản lẫn Chí, (trong khi đó) khí dụng đời Thương   không có Khoản, nhưng có Chí. Chữ 'Thức' (ở đây) đọc âm Chí, người thời nay đọc chữ 'Thức' trong 2 tiếng Khoản Chí như chữ 'thức' trong từ ngữ 'kiến thức' là sai! Và có người lại cho rằng hình khắc trên khí vật gọi là Khoản, điều này quá sức là sai lầm!'.
Chú thích:
Sách 'Bác Cổ Đố Lưu Hiến Đình dẫn ởđoạn trên tức 'Tuyên Hòa Bác Cổ Đố gọi giản lược.
Sách này từ trước vẫn được ghi là do Vương Phật (? - ?) triều Triệu Tống biên soạn, nhưng cũng có thuyết nói là Vương Sở (? - ?) soạn, gồm 30 Quyển, hoàn tất khoảng sau năm thứ 5 Niên hiệu Tuyên Hòa (1119 - 1125) đời Tống Huy tông (1082 - 1135, tại vị:1100 - 1125).
Nội dung tác phẩm ghi lại những khí dụng thanh đồng từ thời Cổ cho đến thời Đường, tàng trữ ở Tuyên Hòa Điện, cộng tất cả 20 loại, 839 món (trong đó có 40 món lặt vặt, 113 tấm gương).
Mỗi loại đều có phần tổng luận, mỗi món đều có hình vẽ, và có khoản chí ghi kích thước lớn nhỏ cũng như dung lượng, trọng lượng, đồng thời phụ theo phần khảo chứng.
Hình vẽ các khí dụng tương đối tinh xảo, lại ghi chú cả tỉ lệ (Bản in thu nhỏ đời Minh đã bỏ mục ghi chú tỉ lệ này), phần khảo chứng rất tinh thẩm và thường căn cứ vật thực để đính chính những lầm lẫn của bộ 'Tam Lễ Đố, những danh xưng khí dụng ấn định trong tác phẩm đa số vẫn được các thời sau dùng theo, cho đến ngày nay.
                                                                           *
Đến đây, đại khái những kiến thức căn bản về Ấn tín, về Dấu triện về cả 2 phương diện nội dung và hình thức đã được tự thuật tạm đủ, ít nhất là đủ để bước vào Ngõ thưởng thức.
Có điều, đây chỉ là bước đầu, chỉ mới vào trong Sân, chưa bước vào Nhà; muốn vào nhà thì còn phải qua sự ngưỡng cửa Văn tự học, cũng như Thư thể và Thư pháp.   
                                                                           &
Sau cùng, đại khái có thể lấy một số nhận định của Đào Tông Nghi (? - 1396 ?) ở đầu thời Minh để tổng kết về 1 số qui định liên quan nội dung cũng như hình thức của Ấn chương thời cổ.
(1). Chất liệu chế Ấn.
Từ thời Tần trở về trước người ta vẫn thích dùng ngọc để chế Ấn, trên Núm ấn thường được khắc những hình rồng, hình cọp. Từ Tần triều trở về sau thì chỉ có vua mới được dùng Ấn ngọc.
Đến đời Hán thì chất liệu của Ấn chương được qui định tùy địa vị:
+ Chư hầu và tước Vương thì Ấn vàng, Núm ấn hình Lạc đà, Ấn văn khắc tước hiệu, cuối cùng là 2 chữ 'chi Tí (nghĩa là 'Ấn củá).
+ Các tước Hầu chế Ấn hoàng kim, Núm ấn hình con Rùa, Ấn văn khắc tước vị, hai chữ tận cùng là 'chi Chương' (= 'Ấn củá)  
+ Thừa tướng, Thái úy, Tam công, Tiền, Hậu, Tả, Hữu Tướng quân thì cũng Ấn vàng, và Núm ấn cũng là Con Rùa. Ấn văn cũng khắc chữ 'Chương'.
+ Chức quan bổng lộc 2000 Thạch thì dùng Ấn bạc, Núm ấn là con Rùa, phần Ấn văn cũng khắc chữ 'Chương'.
+ Chức quan lương 1,000 Thạch trở xuống, và 600, 400, 200 Thạch trở lên thì dùng Ấn đồng, và Núm ấn dạng như cái Mũi (Tị nữu), cuối Ấn văn khắc 2 chữ 'chi Ấn'.
Qui chế thời Trần (557 - 589), Nam Bắc triều (420 - 589), nếu là Ấn vàng, Núm ấn, hoặc là hình con rùa, hoặc con beo. Còn Ấn bạc thì Núm ấn có thể là con rùa, con gấu, con dê non, hay là có hình con nai, con thỏ. Đồng Ấn thì Núm ấn là 1 cái vòng.         
Trong khoảng Niên hiệu Kiến Vũ (25 - 56) đời Hán Quang Vũ đế (06 tr. Cn. - 57; tại vị: 25 - 57) triều đình ra chiếu chỉ qui định về chất liệu, và màu sắc dây đeo Ấn của các quan như sau:
- Chư hầu và tước Vương dùng Ấn vàng, sợi dây xo? Ấn có sắc vàng đen, ngả màu lục. Tiếp đó là các bậc Công, Hầu cũng Ấn vàng, nhưng dây Ấn thì màu tím. Quan vị từ 2000 Thạch trở lên chế Ấn bạc, dây Ấn màu xanh, quan từ 1,000 Thạch trở xuống thì Ấn đồng, dây đen hoặc vàng.
(2). Ấn Âm văn, Ấn Dương văn và Thư thể khắc trên Ấn.
Ấn chương các triều Hán, Tấn đều dùng Bạch văn (Âm văn), chữ khắc chìm, và về kích thước Ấn thì mỗi cạnh không quá 1 tấc (3.2 cm). Ấn của quan chức đều là Ấn đúc.
Tới thời Đường thì Chu văn (Dương văn), tức Ấn văn khắc Nổi, thịnh hành, để từ đây thể thức cổ rồi ít ai noi theo, và tới đời Nam Tống (1127 - 1279) thì thể thức cổ không còn ai biết nữa, do đó Ấn văn vào thời kỳ này đều sai lầm.
Ấn Dương văn nếu khắc Tạp thể Triện thì tránh sắc thái quá quái lạ, sao cho cận nhân tình - để khỏi mất công giải thích.   
Ấn khắc Âm văn đều khắc Hán triện, là Thư thể mà đặc tính tự dạng là thẳng thắn và vuông vắn không có nét đưa ra ngoài. Chữ khắc do đó không được có dạng tròn, như có nét nào nghiêng ló ra ngoài thì khéo léo tìm cách sửa cho thẳng.
Ấn Âm văn phỏng theo thể Tiểu triện của Thôi Viện (77 - 142) khắc trên 'Trương Bình Tử Bí ở thời Đông Hán, cũng như chữ khắc trên vật dụng thời Hán nói chung, là đệ nhất.
Ấn Âm văn thì chữ khắc phải cận mép ấn, không được chừa khoảng trống, chừa khoảng trống là không cổ kính - trong khi Ấn Dương văn, ngược lại, không được khắc sát mép Ấn.
(3). Bố cục của Ấn văn.
Ấn 3 chữ thì bên phải là 1 chữ, bên trái 2 chữ và khoảng chiếm hữu của bên 2 chữ phải bằng với bên 1 chữ, và 2 chữ bên trái này phải tương tiếp, không được có một sự gián đoạn nào, nhưng sự liền nhau này cũng không được quá khít khao.
Ấn 4 chữ, nếu giao giới của 2 chữ trước (tức 2 chữ bên phải) có một khoảng trống, trong khi chỗ giao giới của 2 chữ sau không có khoảng trống thì cần để chừa một đường gián cách, nếu không  1 bên phân, 1 bên không phân, không đúng qui cách.
Nếu ấn văn có 1, 2 chữ có một vài khoảng trống tự nhiên nào đó làm cho giữa các chữ không có 1 sự mạch lạc thì cứ để tự nhiên, các Ấn cổ đa số đều như vậy.
Có những Ấn ở mé dưới có khoảng trống, có khi cứ để vậy mà lại cực hay, không nên loạn tưởng để kéo dài chữ ra với những đường cong, nét vòng, với dụng ý lấp đầy khoảng trống! Nếu bố cục Ấn văn theo một trật tự luận lý nào đó thì tự nhiên rồi sẽ làm cho người ta không có cảm nhận là có khoảng trống trải ra đó.        
(4). Nội dung Ấn văn và Thư thể tương ứng.
Trong loại Ấn khắc danh tánh thì tuyệt đối không được khắc thêm một chữ 'Thí (tên Họ), đây là điều cần để ý.
Ấn khắc tên Tự thì chỉ dùng 2 chữ (tức tên Tự, vì tên Tự hồ hết đều chỉ 2 Chữ), và đây là thể thức chính thức trong lãnh vực khắc Ấn. Gần đây, có người muốn ghép chữ 'thí đặt trước Tên (danh) và khắc: 'Trần thị + (Danh)'. Cách xưng hô này thời cổ tuy có nhưng đây là người khác dùng để khen tặng mình, lối này không thể đưa vào Ấn, trong khi đó Ấn khắc tên Tự thì có thể ghép thêm chữ 'thí, cần chú ý điều này. Thị ở đây nghĩa là tên Họ.
Ngoài ra, Ấn khắc tên Tự thì tuyệt không được khắc thêm chữ 'Ấn' đi kèm sau Tên họ, như trong trường hợp của loại Ấn khắc Tên (danh). 
Thời Hán có Trương An, tên Tự là Ấu Quân, ông có Ấn khắc 3 chữ 'Trương Ấu Quân'.
Đường triều có Lữ Ôn, tên Tự là Hóa Quang, ông có Ấn khắc 3 chữ 'Lữ Hóa Quang'.
2 thí dụ trên đây là lệ chính thức về việc khắc tên Tự trên Ấn.
2 trường hợp trên đây, nếu thêm chữ 'Ấn' để khắc:
- 'Trương ấn Ấu Quân', hoặc 'Lữ ấn Hóa Quang' - như trong trường hợp của loại Ấn khắc Tên chẳng hạn, là sai thể thức, là loạn Danh.
(Trường hợp ghép thêm chữ 'Ấn' liền sau tên Họ của loại Ấn khắc Tên (danh ấn) thì ở một đoạn trước đây tôi đã đưa ra thí dụ 1 cái Ấn khắc tên Cao Minh Viễn:
Bên phải, từ trên xuống, là 2 chữ 'Cao ấn'.
Bên trái, từ trên xuống, là 2 chữ 'Minh Viễn'.
Coi lại Phần [III]. Bố cục. (2). Thể thức. + Hồi văn Ấn). 
Ngoài ra, trong loại Ấn khắc Danh tánh, cũng như tên Tự thì không được dùng thể Tạp Triện, và cũng không được khắc Dương văn.
Còn về Đạo hiệu thì vào thời Đường tuy có nhưng chưa từng thấy có Ấn khắc Đạo hiệu. Cho nên không thể khắc Đạo hiệu trên Ấn để dùng.
(Tham khảo, Đào Tông Nghi, Nam Thôn Triệt Canh Lục. Qu. XXX. Ấn chương chế độ). 
Đào Tông Nghi là một học giả trong khoảng cuối thời Nguyên đầu triều Minh, là người biên tập sao lục những tiểu thuyết (tức như Tư sử), Sử chí từ Minh triều trở về trước trong một Tập tựa đề là 'Thuyết Phú. Có những tác phẩm nguyên bản đã mất đi 1 số thiên, 1 số chương được dẫn lại trong các Loại thư, đã được ông gom góp lại, tái lập tương đối như nguyên mạo, cho nên, những cổ tịch không được truyền lại nhờ đó mà được tồn tại.
Sở dĩ tôi nhắc đến bộ 'Thuyết Phú này là vì trong đó có Tập 'Nam Ông Mộng Lục' mà tác giả là Hồ Nguyên Trừng, con của Hồ Quí Li, viết lúc ở Trung Hoa. Vào khoảng 1970 hoặc 1971, tôi đã thấy Bộ 'Thuyết Phú ở một tiệm Sách ở Chợ Lớn, có điều là bấy giờ tôi không mấy hứng thú với lãnh vực Sử học cho nên đã không mua. 
                                                                           *
Đào Tông Nghi là người cách đây hơn 600 năm, trải từ đó đến nay, thẩm mĩ quan của con người đã thay đổi, không ít thì nhiều, vì vậy cũng chẳng lạ có những điều rồi người đời nay không theo người thời xưa. Chỉ có những thể thức về Ấn văn như cách khắc danh, tự là không đổi. 
                                                                           &
[IV]. Văn tự. Thư thể. Thư pháp. Triện khắc.
Triện khắc là 1 Nghệ thuật, và là nghệ thuật cao nhã, đồng thời qui tụ phối hợp được 1 số ngành nghệ thuật như Thi văn, Thư pháp, Hội họa và Điêu khắc.
Tuy nhiên, nói Ấn chương, nói Triện khắc là nói Thư thể, Thư pháp, đều là những khoa thuộc về nội dung Văn tự học. Một vài giòng sơ lược về Văn tư. Trung Quốc, do đó, là điều cần thiết để có được những khái niệm căn bản cho sự thưởng ngoạn nghệ thuật Triện khắc.  
(1). Khởi nguyên của Văn Tự.
Hứa Thận (30 - 124) viết trong bài đề tựa cho bộ 'Thuyết Văn Giải Tứ:
- 'Hoàng Đế chi sử Thương Hiệt kiến điểu thú đề khanh chi tích, tri phân lí chi khả tương biệt dị dã, sơ tạo thư khế... Thương Hiệt chi sơ tác thư, cái i loại tượng hình, cố vị chi Văn. Kì hậu hình, thanh tương ích tức vị chi Tự. Văn giả, vật tượng chi bản, Tự giả, ngôn tư nhũ nhi tẩm đa dá.
                                      /  Thuyết Văn Giải Tự. Tự  /.
- 'Sử quan của Hoàng Đế là Thương Hiệt nhìn dấu chân của loài chim, loài thú mà thấy được những dấu vết này có cấu tạo khác nhau, (để rồi) từ đó đặt ra chữ viết.... Lúc mới đặt ra chữ viết thì nói chung Thương Hiệt theo loại mà phác lại hình thể sự vật, do đó gọi là Văn. Về sau những chữ được sáng tạo từ sự phối hợp hình thể, thanh âm ngày càng gia tăng, những chữ loại này tức gọi là Tự. Văn là gốc của hình thể sự vật, Tự là có ý nói qua phối hợp (phong phú) giữa hình thể và thanh âm mà chữ ngày càng hóa nhiềú.

Tuy nhiên, trước Hứa Thận, Tuân Tử (340 - 245 tr. Cn.) đã nhận định rằng Thương Hiệt chỉ là 1 trong nhiều người (vô danh) sáng tạo chữ viết:
- 'Hiếu thư giả chúng hĩ, nhi Thương Hiệt độc truyền giả, nhất dá.
                                       /  Tuân Tử Tập Giải. Qu. XV. Giải Tế  /.
- 'Người chế Văn Tự thì nhiều nhưng mỗi công trình của Thương Hiệt là được lưu truyền, đây là do Thương Hiệt có sự chuyên tâm'.

Nhìn chung, có 2 thuyết chính về khởi nguyên của Văn Tự.
Thuyết của Hứa Thận dẫn trên đây vốn y cứ thuyết đề cập trong một số thư tịch thời Chiến Quốc trước đó, như 'Hàn Phi Tứ (thiên Ngũ đố), 'Lữ Thị Xuân Thú (thiên Quân thủ)......... .Có điều phải nói thuyết của Tuân Tử đưa ra hợp lí hơn, vì lẽ Ngôn ngữ, Văn tự căn bản là công trình của nhiều người, lực một người không thể làm nổi. Lại nữa, ngôn ngữ về mặt thực tế là ngôn ngữ của đám đông, nhờ đám đông mà Ngôn ngữ, văn tự mới được phổ biến! - Từ nào, ngữ nào đám đông không dùng rồi sẽ bị đào thái.
Ngoài ra còn một số thuyết bên lề như thuyết nói Phục Hi nhân thành lập Bát quái để rồi tiếp đó sáng tạo chữ viết. 
Dịch Kinh thì nói:
- 'Thượng cổ kết thằng nhi trị, hậu thế Thánh nhân dịch chi dĩ thư khệ
                                                     /  Dịch. Hệ Từ Hạ. II  /.
- 'Thời thượng cổ (các bậc đế vương) thắt gút dây để cai trị, thánh nhân các đời sau đã thay thế bằng chữ viết'.
Ở đây, tác giả thiên 'Hệ Từ Há đã không nêu lên danh tính một người nào, mà chỉ nói một cách chung chung là 'thánh nhân các đời saú. Và như vậy, í kiến đại khái tương đồng với Tuân Tử là việc sáng tạo chữ viết không phải là việc làm của 1 người.
Tác giả của thiên Hệ Từ Hạ tuy không rõ đích xác là ai, nhưng đại khái thiên này được soạn vào khoảng thời Chiến Quốc, tức cùng trong 1 thời kì với Tuân Tử.  

(2). Lục Thự
Sau Thương Hiệt còn có công trình đóng góp của nhiều người nữa để cuối cùng hệ thống Văn tự mới hoàn chỉnh. Văn tư. Trung Quốc có tất cả 6 nguyên tắc chế Văn tự, gọi là 'Lục Thứ:
1). Tượng Hình.
Căn cứ hình thể của sự vật mà 'vé lại thành chữ viết, chẳng hạn:
Các chữ 'Nhật', 'Nguyệt', 'Sơn', 'Xuyên'......
2). Chỉ sự.
Chữ trong nhóm này là những chữ chỉ vị trí của sự vật, chẳng hạn:
Các chữ 'Thượng' (trên), 'Há (dưới).
Chỉ Sự, Sử học gia Ban Cố (32 - 92) gọi là Tượng sự.
(Tham khảo Hán Thự Qu. XXX. Nghệ Văn chí 10. Tiểu học. Tổng luận)
3). Hội ý.
Hợp ý nghĩa của 2 chữ để diễn tả ý nghĩa của 1 chữ.
Như 'Nhân Ngôn vi Tín' và 'Chỉ Qua vi Vú:
Chữ Nhân và chữ Ngôn hợp thành chữ Tín (tin).
Chữ Chỉ và chữ Qua hợp thành chữ Vũ (võ).
Hội ý, Ban Cố gọi là Tượng ý. (Hán Thư, Quyển và Mục đã dẫn trên).
4). Hình Thanh.
Hợp 2 chữ lại, 1 bên phải 1 bên trái, 1 chữ biểu thị ý nghĩa, 1 chữ biểu thị âm đọc.
Nguyên tắc này làm cho việc sáng chế Văn tự trở nên dễ dàng hơn nhiều! Nói chung, chữ vốn có 2 phần âm đọc và ý nghĩa, bởi vậy chỉ cần lấy ý nghĩa của một chữ, âm đọc của một chữ khác để ghép lại với nhau là được 1 chữ khác. Với nguyên tắc Hình Thanh, lượng Chữ mới được sáng tạo rồi vô cùng, và hơn nữa, ý nghĩa so với 2 nguyên tắc Chỉ sự và Hội ý  tương đối xác thực hơn.
Hình Thanh, Ban Cố gọi là Tượng Thanh (Hán Thư, Quyển và Mục đã dẫn trên)
5). Chuyển Chú.
Chẳng hạn các chữ: Khảo, Lão (già), Hỏa, Đa (nhiều)......
Thanh âm tương cận thì ý nghĩa cũng tương cận. Căn nguyên vốn chỉ 1 chữ mà sau rồi phân hóa thành 2 chữ. Ngữ ngôn đã tùy sự kiện này mà gia tăng cực nhiều! Văn tự là để biểu thị Ngữ ngôn cho nên văn tự cũng tùy thuộc sự phân hóa của ngữ ngôn mà phân hóa. Đây chính là nguyên tắc gọi là Chuyển Chú.
6). Giả Tá.
Ngữ ngôn vốn lấy thanh âm làm chủ, Văn tự để biểu thị Ngữ ngôn, do đó, hợp lí mà nói, thì cũng phải lấy thanh âm là chủ. Một khi Ngữ ngôn, Văn tự đã hợp nhất thì Văn tự không cần dùng đến mắt để coi cho rõ, mà chỉ cần tai nghe thanh âm phát ra là rõ ngay ý nghĩa của chữ. Và như vậy thì chữ viết có ý nghĩa khác nhau chỉ cần âm đọc tương đồng là có thể lấy chữ tương đồng để mà biểu thị. Nói rõ hơn, 2 chữ có Âm đọc tương cận thì có thể lấy chữ này dùng thay chữ kia, thí dụ:
- Mượn chữ Quang (sáng) thay chữ Quảng (rộng), mượn chữ Hữu (có) thay chữ Hựu (lại), mượn chữ Y (áo) thế chữ Y (nương theo), mượn chữ Duyệt (coi) thế chữ Duyệt (vui)....
Trên đây là Giả Tá, hay còn gọi Thông Tá, Thông Giả.
Do đó, theo nguyên tắc Giả Tá thì:
(a). Có những chữ vốn không cần phải đặt thêm.
(b). Có những chữ tuy đã đặt ra rồi nhưng bỏ đi không dùng để thay thế với những chữ đồng âm.
Và như vậy, trái với nguyên tắc Hình Thanh, nguyên tắc Giả Tá giảm thiểu việc chế thêm một số những chữ mới.
Kinh điển cổ sử dụng phép Giả Tá rất thường, không cẩn thận rất dễ đọc sai Tự âm - từ đó hiểu sai ý nghĩa Kinh.
(3). Thư Thể.
Văn Tự thì có hình thể, có âm đọc, có ý nghĩa, tất cả những đặc tính vừa kể đều có thể biến thiên tùy xã hội, tùy thời đại. Âm đọc, ý nghĩa của văn tự tùy phong tục, tập quán mà thay đổi, bởi vậy mà trong Ngữ học có Âm cổ, Nghĩa cổ, và có rất nhiều chữ trong Kinh điển cổ mà âm, mà nghĩa không giống âm, nghĩa người thời nay đọc và hiểu.
Cũng vậy, hình thức Văn tự đã biến thiên trải nhiều thời trước khi đạt đến một sự ổn định nào đó về phương diện hình thức. Biến thiên của hình thức Văn tự được thấy qua 2 điểm:
1/. Cấu tạo của Văn tự.
2/. Hình dạng của Nét chữ.
Từ những biến thiên nói trên mà văn tư. Trung Quốc đã phân thành những Thư thể khác nhau, và có tất cả 5 Thư thể: Triện. Lệ. Chân. Hành. Thảo.
1). Triện thự
Triện thư lại phân:
+ Cổ văn.
Là thứ Chữ lưu truyền vào những thời tối cổ, vào những buổi đầu, lúc mới có văn tự, trong đó có Giáp cốt văn, là thứ chữ khắc trên mai rùa, xương thú...... Giáp cốt văn phần lớn gồm những câu bói toán, bởi vậy, còn được gọi là 'Trinh bốc văn tứ. Vì những mảnh Giáp cốt văn này được đào thấy tại khu Kinh đô cũ Ân triều (ngày nay thuộc huyện An Dương, tỉnh Hà Nam) nên cũng được gọi là 'Ân khư văn' (khư là cái gò đất lớn).
Cho đến hiện nay lượng Giáp cốt văn tìm thấy được là vào khoảng 4,500 chữ, trong đó chưa đến 1 / 3 là nhận ra được, còn lại là những chữ rất hiếm dùng. Hơn nữa, trong số những chữ đã được xác định cũng không ít chữ 1 số nhà nghiên cứu đã hiểu sai ý nghĩa. 
+ Kỳ tự.
Là 1 bộ phận của Cổ văn, chỉ khác có 1 điều là, Cổ văn thì còn có thể phân tích, giải thích được do lai cấu tạo của Tự hình, trong khi Kỳ tự thì không.
Kỳ tự là 1 hình thức chữ Triện khắc trên chung, đỉnh và các khí dụng Tế tự (gọi chung là Di khí) vào thời Tam đại, tức Hạ, Thương, Chu, trước đây vào khoảng từ 3 đến 4 ngàn năm.
+ Đại triện.
Cũng gọi 'Trứu văn', hay 'Trứu thứ, phổ biến từ khoảng cuối triều Tây Chu (1121 - 770 tr. Cn.) trở về sau. Gọi là Trứu thư vì đã do Thái sử Trứu đời Chu Tuyên vương (tại vị: 828 - 782 tr. Cn.) sáng tạo. Đến thời Tần thì đổi gọi là Đại triện. Nét của Triện thư tròn trịa.
+ Tiểu triện.
Lí Tư (? - 208 tr. Cn.) thời Tần (221 - 206) đã gia giảm 1 vài chi tiết của Đại triện để biến thành thể Tiểu triện, Vì phát sinh dưới thời Tần cho nên Tiểu triện còn được gọi là 'Tần triện'.

Minh Di

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét