Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Tiểu thuyết gia Dương Thu Hương sẽ phải lưu vong ở Paris thêm một thời gian nữa

Graeme Mackay(Thủy Trúc dịch)
Một bài điểm sách của Jason Beerman đăng trên tờ Toronto Star số ra hôm thứ bảy, 1-9-2012 nhắc tôi nhớ tới chủ nghĩa cộng sản trên lý thuyết và trong thực tế có thể xa nhau hàng dặm. “Đỉnh cao chói lọi” giờ đã được dịch sang tiếng Anh, đó là một cuốn sách đã được tiểu thuyết hóa, mô tả cuộc đời của ông Hồ Chí Minh, do nữ nhà văn nổi tiếng Việt Nam, Dương Thu Hương viết. Nổi tiếng là ở bên ngoài Việt Nam, đất nước mà Thu Hương cùng các tác phẩm của bà không được chính quyền chấp nhận, và hiện giờ bà đang sống lưu vong ở Paris.
Sinh năm 1947 ở Thái Bình, cách Hà Nội khoảng 70 dặm (khoảng 112km – ND), nguyên là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Thu Hương tham gia đội nữ thanh niên xung phong từ năm 1967 trong “Kháng chiến Chống Mỹ”, đến năm 1975 khi Việt Nam thống nhất, và rồi lại tiếp tục với cuộc chiến ngắn ngủi chống Trung Quốc năm 1979. Bà tham gia nhiều hoạt động trên tiền tuyến, ở đó nhiệm vụ của bà là chăm sóc thương binh, chôn cất người chết, và bà bị điếc tai phải do có một lần bị bom nổ ở rất gần, trong thời gian chiến tranh đó.
Sau khi đất nước thống nhất và bà nhận ra rằng miền Nam Việt Nam hoàn toàn không hề tiêu cực như những gì hệ thống Cộng sản vẫn mô tả, hay kháng chiến đã không phải đơn thuần là chống Mỹ, mà giống một cuộc nội chiến hơn; bà càng trở thành một người phê phán các biện pháp cưỡng chế mà chính quyền mới, đang thắng lợi vẻ vang, đã tiến hành ở nơi mà bây giờ là một nước Việt Nam thống nhất.
Thu Hương bắt đầu viết sách vào năm 1985, và đó đều là những cuốn sách rất nổi tiếng, mỗi cuốn bán được hơn 100.000 bản, cho đến khi sự bất mãn rõ rệt của bà đối với các chính sách và hành động của quan chức chính phủ, được lồng vào trong truyện, cùng với những phê phán ngầm mà độc giả Việt Nam rất ưa thích, làm những nhà kiểm duyệt của chính quyền mất lòng.
Bà cũng là một người đã thẳng thắn chỉ trích chính quyền trên các tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản, tại các kỳ đại hội đảng và tại các sự kiện tương tự, nơi mà theo Trung tâm Văn bút Mỹ (PEN), Thu Hương đòi chính quyền phải có trách nhiệm đối với các vấn đề như nạn quan liêu, tham nhũng, và “sự hèn hạ của giới trí thức”. Tất nhiên, Đảng không tạo ra được cái “thiên đường nhân văn” vốn đã thúc đẩy bà và rất nhiều cán bộ trẻ tuổi, đồng chí của bà, bước chân vào cuộc nội chiến cay đắng.
Sau cuốn tiểu thuyết thứ ba của bà, Thiên đường mù (1988), cũng là tiểu thuyết tiếng Việt đầu tiên được xuất bản ở Mỹ, chính quyền thấy đã quá đủ. Cuốn sách kể lại sự khủng khiếp và những hậu quả của cuộc cải cách ruộng đất kiểu Mao-ít ở (miền Bắc) Việt Nam sau năm 1953, và những gì Dương Thu Hương chứng kiến, khi hàng nghìn thi thể của những “địa chủ” nông dân bị phơi đến thối rữa trên lề đường để làm gương cho dân chúng. Quá nhiều chi tiết tiêu cực chăng? Chính quyền quyết định cấm tiệt tất cả các tác phẩm của Thu Hương và từ khoảng thời gian đó, bà bị các quan chức cấp cao trong chính quyền gọi là “kẻ phản quốc”, “người đàn bà hư hỏng, chống phá”.
Vào năm 1990, bà bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam, và chẳng bao lâu sau thì mất việc – công việc biên kịch cho Công ty Điện ảnh Việt Nam. Tác phẩm của bà, từ lúc ấy, phải gửi ra nước ngoài xuất bản – đầu tiên là Paris – với nội dung vẫn tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền, cổ súy cho một cuộc cải cách chính trị dân chủ hơn ở Việt Nam. Năm 1991, bà bị bắt và bị biệt giam 7 tháng. Không có tòa án xét xử, và bà được trả tự do chủ yếu là nhờ có áp lực từ bên ngoài, đặc biệt là từ Pháp.
Được ca ngợi và ghi nhận rộng rãi nhờ các tác phẩm mà giờ đây đang được dịch sang một số ngôn ngữ khác, Thu Hương được chính phủ Pháp trao tặng Huy chương Văn học Nghệ thuật (Chevalier des Arts et des Lettres) vào năm 1994.
Trong bài viết trên tờ Toronto Star, Jason Beerman cho chúng ta biết rằng Thu Hương đã dành ra 15 năm nghiên cứu để viết “Đỉnh cao chói lọi”, xuất bản lần đầu ở Paris năm 2009. Cuốn sách xoay quanh cuộc đời Hồ Chí Minh giai đoạn ngay trước khi ông mất năm 1969. Ông luôn hồi tưởng về quá khứ của mình. Bao trùm trong những suy nghĩ của ông khi ấy là mối quan hệ mà người ta cho rằng ông đã có từ những năm 1950, với một phụ nữ trẻ hơn ông 40 tuổi và đã sinh cho ông hai đứa con. Khi ông muốn công khai quan hệ này, Bộ Chính trị phản đối và bố trí giết hại dã man người phụ nữ nọ.
Chuyện này sẽ không được chính quyền Việt Nam vui vẻ đón nhận, vì nó không chỉ tố cáo cả hệ thống – Việt Nam, về mặt chính thức vẫn là một nhà nước độc đảng theo chủ nghĩa Mác-Lê – mà hình ảnh của nhân vật chính còn hoàn toàn đối nghịch với chân dung khả kính của “Bác Hồ”, con người không vợ, sống như một vị thánh, và nếu có cưới thì chỉ là với Việt Nam, làm “người cha cách mạng” của đất nước. Đây là cách vẽ chân dung ông Hồ phổ biến từ sau khi ông mất, ngày 2-9-1969. (Ông mất vào ngày Quốc khánh của Việt Nam. Việt Nam giành độc lập từ Pháp vào ngày 2-9-1945). Bất kỳ cái gì đi chệch ra khỏi cách vẽ chân dung này đều gần như là điều cấm kỵ.
Hồ Chí Minh, sinh ra trong một gia đình dòng dõi, đã được giáo dục kỹ lưỡng. Ông theo học trường Pháp ở Huế, kinh đô cũ của Việt Nam. Sinh năm 1890, được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung, và lấy một loạt tên trước khi sử dụng hẳn tên Hồ Chí Minh kể từ khoảng năm 1940, ông từng sống ở Mỹ, Anh, Nga và Pháp – nơi ông trở thành thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1920 – và nhiều nước khác.
Dưới tên gọi Nguyễn Ái Quốc, trong thời gian 1925-1926, ông chịu trách nhiệm lãnh đạo một nhóm học viên Việt Nam ở Học viện Quân sự Hoàng Phố (Whampoa) của Tưởng Giới Thạch. Tại đó, tháng 10-1926, ông cưới bà Tăng Tuyết Minh (Zeng Xueming, 1905-1991). Cuộc hôn nhân này chưa bao giờ được chính quyền Việt Nam công nhận, nhưng một trong các nhân chứng về mặt pháp lý của nó là Đặng Dĩnh Siêu (Deng Yingchao), khi ấy là vợ của Chu Ân Lai, thủ tướng tương lai của Trung Quốc. Sau khi Tưởng Giới Thạch tổ chức thanh trừng cộng sản vào tháng 4-1927, Nguyễn phải bỏ trốn, đôi vợ chồng chia lìa mãi mãi.
Lần ấy chưa có vụ giết người man rợ nào. Có lẽ “Đỉnh cao chói lọi” của Thu Hương là câu chuyện có ý bóng gió đến người phụ nữ bị sát hại dã man, biểu tượng của Việt Nam chăng?
Cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Việt Nam, do các nguyên nhân trong nước sinh ra, sôi sục lên với một bài báo của Neil Gough viết trên tờ New York Times ngày 25-8-12, nói về vụ bắt giữ hai quan chức hàng đầu của Ngân hàng Thương mại châu Á (ACB) – một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, mà Standard Chartered của Anh nắm giữ 15% cổ phần trong đó. Vụ việc đã gây ra một làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng, ngay sau khi tin tức được công bố. Người gửi đã rút một lượng tiền tương đương 240 triệu USD khỏi ACB – một số tiền khổng lồ ở Việt Nam – và họ có lỗi, ít nhất một phần, về việc chỉ số chứng khoán trên Sàn giao dịch TP.HCM sụt giảm gần 8% tính đến ngày 25-8-12.
Dù vậy, câu chuyện thật sự là bị xì xào như tin đồn, và đã chiếm vị trí tin nổi bật trên cùng tờ báo đó của New York, số ra ngày 1-9: “Ở Việt Nam, thông điệp về bình đẳng bị hố ngăn cách giàu nghèo thách thức” (Thomas Fuller). Bài báo đăng tải một bức ảnh chân dung chụp hồi tháng 4-2012, của cô gái trẻ quyến rũ Tô Linh Hương, khi cô đang đi thăm một công trường xây dựng. Cô Hương, 24 tuổi, con gái của một ủy viên Bộ Chính trị, đã được chỉ định làm người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước nọ, mặc dù cô chỉ vừa mới tốt nghiệp trường… gì nhỉ? Trường Báo chí.
Tác giả Fuller viết: “… Các quan chức chính trị Việt Nam đang xoay xở để dung hòa được thông điệp của đảng về công bằng và bình đẳng xã hội với thực tế là một tầng lớp thượng lưu sống chìm ngập trong của cải và đặc quyền đặc lợi. Sự cách biệt đáng mệt mỏi giữa nông thôn nghèo đói và thành thị giàu có đã trở nên đặc biệt đối nghịch, khi mà một thập niên phát triển chóng mặt vừa kết thúc…”.
Có nhiều vụ bắt bớ, khi mà làn sóng chỉ trích chính quyền lan rộng như virus ở Việt Nam không? Không, tôi biết là cô gái trẻ kia đã từ chức hoặc đã giữ một vai trò ít nổi bật hơn nhiều, sau khi bị chụp ảnh.
Dù sao, điều tốt đẹp nhất là Dương Thu Hương sẽ phải yêu thích Kinh đô Ánh sáng thêm một thời gian nữa.
Source: IBT
(Bản tiếng Việt © Ba Sàm 9-2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét