Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Phương pháp kết nối thâm tình giữa cha mẹ và con cái

 
Tất cả chúng ta ai cũng biết mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái là mối liên hệ quan trọng nhất trong một gia đình. Bổn phận của cha mẹ ngoài nuôi dạy con cái còn phải dạy dỗ chúng nên người. Ngày nay, thế giới toàn cầu hoá, kỹ thuật tân tiến, văn hoá Phương Tây hoà trộn vào nếp sống Phương Đông. Xã hội càng tiến bộ, con người càng phức tạp, công việc giáo dục con cái bỗng trở nên khó khăn gấp bội. Có nhiều bậc phụ huynh không thích ứng được với đà tiến hoá quá nhanh của các em. Trong khi ngược lại, họ mỗi ngày lại thụt lùi vào nếp văn hoá cũ, đã lỡ làm mất đi sự thông hiểu các em, khiến tình thân gia đình bị sứt mẻ, đổ vỡ.

Trong việc xây dựng cây cầu nối lại thâm tình, các phụ huynh cần nỗ lực nhiều hơn trong vai trò cha mẹ này. Đây là một số đề nghị đơn giản có thể thực hiện mà tôi nghĩ tất cả chúng ta ai cũng có thể làm được:

- Nói lời yêu thương với các em thường xuyên mỗi ngày bất kể các em còn nhỏ hay đã trưởng thành. Lại gần các em, nói “I love you” hay “Ba, Mẹ thương con”. Cho các em biết mình thương các em, dù các em có làm lỗi hay không. Người Việt mình ít biểu lộ tình cảm ra ngoài như người Tây Phương, nhưng nói lời yêu thương là một văn hoá đẹp, sao chúng ta không bắt chước để làm bền chắc hơn mối giao tình giữa cha mẹ và con cái.

- Nếu chúng ta có một tôn giáo, dạy các em các niềm tin tôn giáo. Dẫn các em đi sinh hoạt tôn giáo thường xuyên. Cho các em hỏi câu hỏi, cắt nghĩa và giải đáp những thắc mắc của các em tường tận.

- Hãy để các em giúp cha mẹ làm việc nhà, như việc mang các túi thực phẩm vào nhà sau khi mẹ đi chợ về chẳng hạn. Bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể làm việc này, nhỏ thì mang túi nhỏ, lớn thì mang túi nặng. Ra thời khoá biểu cho các em phụ giúp các việc như cắt cỏ, quét nhà, đổ rác, tập cho các em biết nhớ và có trách nhiệm với công việc mình làm.

- Đặt cho các em một danh hiệu đặc biệt hoặc những cái tên “cúng cơm” dí dỏm, dễ thương chỉ để dùng trong gia đình. Tỷ như “cún con”, “con chó cưng của mẹ” v…v..

Hoặc tạo ra những tiếng lóng, mật ngữ, chỉ để dùng riêng trong gia đình hay hai người hiểu với nhau thôi. Những điều này xem ra rất nhỏ nhặt nhưng lại làm tăng tình thân rất nhiều. Sau này các em sẽ mang những cái tên nghộ nghĩnh này trong ký ức suốt đời, mỗi khi nhớ tới danh hiệu lại nhớ tới hai bậc sinh thành.

- Tạo cơ hội nói chuyện với con cái vào giờ giấc thuận tiện trong ngày hay trong tuần, ghi vào thời khoá biểu họp gia đình. Tỷ như mỗi thứ tư, vào lúc 6 giờ chiều sẽ có buổi họp gia đình. Vào giờ đó sẽ là giờ dạy hay khuyên bảo các con. Chúng cũng có quyền đem những thắc mắc về cuộc sống, gia đình hay bất cứ gì cần hỏi để hỏi cha mẹ. Nếu có thể thân mật hơn thì đi dạo với từng em một, trò chuyện như hai người lớn đem những thắc mắc riêng tư thầm kín chia sẻ với nhau.

- Biết lắng nghe. Kiên nhẫn lắng nghe các em nói để có thể hiểu và thông cảm các em. Tôn trọng chọn lựa của các em. Các em có thể có những chọn lựa trái ngược với ý thích của cha mẹ. Những sở thích cá nhân, hình ảnh treo tường, màu sắc có thể phản nghệ thuật nhưng đó là ý thích của tuổi trẻ. Hãy tôn trọng các chọn lựa của các em miễn là đừng có thái quá. Xem các em như một người lớn, các bà mẹ có thể hỏi con gái trong việc chọn giày, quần áo hay màu son cho mình. Sự tương tác này khiến sợi giây tình cảm như bạn bè đằm thắm hơn. Để các em tập tự mình quyết định những việc nho nhỏ, giúp đỡ và hướng dẫn các em cách giải quyết những vấn đề khó khăn như hàn gắn liên hệ bạn bè của các em lỡ đổ vỡ. Chia sẻ những kinh nghiệm về cuộc sống nếu có thể.

- Đối với các trẻ lớn, tránh những mâu thuẫn nếu có thể giữa hai phía. Trò chuyện với các em như một đứa trẻ thông minh, một người lớn. Đừng bác bỏ tất cả những ý kiến các em nêu ra, xem thường như ý kiến trẻ con. Khi có chuyện cãi cọ xảy ra vì mâu thuẫn, một phía nên thối lui và phía kia sẽ không thể tiếp tục. Tìm lúc khác bàn lại, nếu mâu thuẫn cứ tiếp tục xảy ra, tìm một giải pháp thích nghi khác để giải quyết. Tránh dùng quyền lực, doạ nạt hay cưỡng bách.

- Tỏ cho chúng biết rằng địa vị của các em rất quan trọng trong lòng cha mẹ. Các em là ưu tiên số một, quý hơn tất cả mọi thứ trên đời. Các em có thể buồn, và cảm thấy đầy áp lực nếu bị cha mẹ bỏ bê hay không ngó ngàng tới, mà sinh ra các bệnh tự kỷ, trầm cảm hay tự rút lui vào thế giới ảo hay kết bạn với bạn bè xấu. Hãy bỏ thêm thì giờ cho các em, đừng để đến khi lỗi lầm của sự việc xảy ra nghiêm trọng, có hối hận thì cũng đã muộn.

- Chơi với con, là một việc quan trọng mà nhiều bậc cha mẹ Việt Nam thế hệ xưa ít làm. Họ nghĩ rằng làm thế sẽ mất đi sự kính trọng, bị con cái coi thường hay chúng xem cùng vai vế và sẽ khó dạy dỗ khi chúng sai lầm. Do đó các em có phụ huynh theo lối giáo dục con kiểu cổ thường sợ cha mẹ và ít lại gần. Lại thêm cha mẹ mà bận rộn ít ngó ngàng tới con cái, mối giao tình ấy sẽ không thua gì bát nước lạnh ngày càng đông đá.

Với các trẻ nhỏ chúng ta có thể chơi banh, búp bê, Ipad, những game có tính học hỏi hay ca hát chung với các em, hoặc bất cứ trò chơi nào lành mạnh và sinh động. Hãy cùng nhau tận hưởng thú vui của các em mang lại dù có lúc người lớn thấy kỳ cục khi phải chơi trò trẻ con. Có sao đâu, cứ để các em thấy sự ngây ngô của mình, khi cúi xuống thấp cho bằng các em chúng ta sẽ trẻ lại bằng cả trái tim.

Với các em lớn hơn có thể chơi video game cùng các em nhưng lựa các game lành mạnh.

Tìm hiểu những tiếng lóng thế hệ các em dùng, nói chuyện, hay tiếp xúc với bạn của các em để tìm hiểu chúng đang chơi với loại người nào. Nếu có thể nghe thử nhạc của các em đang nghe, để hiểu và tiến gần các em hơn.

Dạy và chơi những trò chơi thể thao cùng các em như vũ cầu, tennis, food ball, soft ball.

Dẫn các em đi xem phim, các buổi hoà nhạc, viện bảo tàng, du ngoạn, du lịch xa.

- Dù bận rộn thế nào cũng nên có một bữa ăn chung cùng gia đình, ít nhất là một buổi như buổi tối. Tôi thấy có những gia đình ly dị, chỉ có hai người, cha con hay mẹ con, thế là mỗi người một tô cơm miệng ăn, mắt dán vào TV hay máy điện toán, mạnh ai nấy ăn, nấy xem. Nhớ ra luật cấm dùng bất cứ sản phẩm điện tử nào trong giờ ăn, kể cả cha mẹ cũng vậy. Tìm những câu chuyện vui hay thời sự bàn bạc trò chuyện vui vẻ, tránh những chuyện buồn khiến cơm không ngon, sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hoá. Kỵ nhất là dạy con trong bữa cơm. Nhiều phụ huynh suốt ngày không gặp con, tới giờ cơm mới thấy mặt chúng và bắt đầu lên tiếng khuyên bảo, răn dạy. Bữa cơm bỗng nhiên biến thành bãi chiến trường tan hoang giữa gia đình. Có việc cần dạy, nên dằn lòng tìm một thời gian khác thích hợp hơn hãy nói.

Tình thân giữa cha mẹ và con cái là sợi dây thắt xã hội lâu bền nhất trong những mối quan hệ của con người. Sợi giây này thông thường rất thắm thiết nhưng cũng có lúc rất căng thẳng, mâu thuẫn và chịu đầy áp lực. Với những đề nghị được đưa ra trong bài này, tôi ước mong giúp được các bậc phụ huynh cải thiện và thắt chặt được mối quan hệ với con cái do sự lãnh đạm thời thế mang lại. Gia đình có hạnh phúc, cuộc sống mới tốt đẹp và tinh thần chúng ta mới an vui phải không các bạn?

Trịnh Thanh Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét