Hình ảnh phúc
hậu của một phụ nữ 84 tuổi quên mình, miệt mài với công tác cứu trợ
thương phế binh và các gia đình quả phụ, năm này qua năm khác.
Bà là ai?
Bà Nguyễn Thị
Hạnh Nhơn là cựu nữ quân nhân Quân Lực VNCH và hiện là giám đốc hội H.O.
Cứu Trợ Thương Phế Binh và Cô Nhi Quả Phụ.
Nhập ngũ năm
1950 ngành hành chánh tài chánh, công việc bà đảm nhiệm là phát lương
cho “đệ nhị quân khu” sau gọi là Quân Ðoàn I. Kế đến, bà là thiếu úy rồi
trung úy sĩ quan tiếp liệu tại quân y viện Nguyễn Tri Phương. Sau đó bà
được thuyên chuyển về Trung tâm Huấn luyện và Trường Nữ Quân Nhân và
rồi lên lon đại úy làm việc tại văn phòng đoàn nữ quân nhân của Bộ Tổng
Tham Mưu. Năm 1969, bà là thiếu tá trưởng phòng nghiên cứu. Bà sau được
chuyển qua Không Quân và lên trung tá năm 1972.
Bà Hạnh Nhơn trong buổi Lễ Vinh Danh của TNS Lou Correa
Sau tháng 4,
1975, bà bị cộng sản bắt đi tù sáu bảy nơi khác nhau. Bà kể: “Tôi ở tù
tại Long Giao, Quang Trung, Hóc Môn, Z30D, Hàm Tân, Long Thành. Tôi nhớ
những ngày cực khổ này, phải nuôi heo, cuốc đất trồng khoai nên sau này
thương các anh em thương phế binh lắm.” Bà tâm sự: “Mình có nuôi heo,
tắm cho heo bao giờ đâu. Lúc đầu sợ gần chết!” Tại trại tù Z30D, mỗi
ngày bà chỉ được đem về trại một ít nước lạnh để dùng trong ngày, nhưng
cũng chưa khổ bằng những ngày ở Long Thành. Bà kể: “Sau một ngày bón
phân cho các cây táo, người hôi hám và dính phân heo, chỉ được đem về
một ít nước để làm vệ sinh. Ðã thế, chúng còn cấm không cho bịt mũi
trong khi làm việc!”
Năm 1990 bà
định cư theo diện HO2, được con bảo lãnh nên qua Mỹ không được hưởng trợ
cấp. Bà là phó chủ tịch Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị, phụ tá cho
ông Nguyễn Hậu là chủ tịch thời bấy giờ. Công việc của bà là làm giấy
tờ bảo lãnh cho các cựu quân nhân QLVNCH không có thân nhân bảo lãnh.
Ðược hỏi lý do
khiến bà hăng say trong công việc cứu trợ thương phế binh VNCH, bà cho
biết: “Tôi cảm thấy vui khi được cùng đồng hương Việt Nam và các hội
đoàn tổ chức Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Kỳ I và các lần sau này là vì tình
huynh đệ chi binh. Là lính, tình cảm ấy nặng lắm.”
Bà Hạnh Nhơn
không giấu được xúc động khi nhắc đến những giây phút làm hồ sơ cứu trợ,
hoặc khi đọc những lá thư hồi báo nhận được của các anh em thương phế
binh, hay từ gia đình các quả phụ: “Tôi tưởng tượng lúc họ vui khi nhận
được tiền, con cái họ có thêm miếng cơm, có thêm tấm áo, gia đình họ ấm
lòng khi đồng bào ở hải ngoại xa xôi vẫn nghĩ đến và nhớ ơn sự hy sinh
của họ.”
Bà
tâm sự rất sợ mỗi khi nghe biết là sắp được vinh danh: “Tôi già rồi, 84
tuổi rồi. Cuộc đời vô thường dù bây giờ tôi còn vui, còn khỏe. Chỉ biết
sống hỷ xả, ai nói gì thì nói. Mình làm mà lương tâm không cắn rứt là
vui rồi. Tôi cám ơn tình cảm của mọi người.”
LINH NGUYỄN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét