Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Montreal sôi động

Phùng Thượng
 
Không phải tình cờ  mà tối Thứ Năm 30-8-2012, tại Trung tâm Salle de réception Renaissance, 7550 Henri Bourassa Est, thành phố Montreal, diễn ra hai cuộc sinh hoạt gần giờ nhau.  Thứ nhất là buổi nói chuyện về “Cao trào dân chủ và Phong trào đấu tranh về Nhân quyền cho Việt Nam” (từ 7 PM đến 11 PM) do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia (CĐNVQG) vùng Montréal tổ chức.  Thứ hai là “Live show Mr. Đàm, one night in Montreal” do một nhóm người tổ chức (từ 9 PM đến 2 AM). Salle de réception Renaissance không phải là một khách sạn, mà là một trung tâm tư nhân, chuyên cho thuê phòng để tổ chức những buổi hội thảo, những cuộc nói chuyện, những show ca nhạc…
 
Theo quảng cáo trên tuần báo Việt Báo Quebec số 401 ngày 15-6-2012, thì Live show nầy do những Sponsors là Regal Nails, Phở Ngon, Minh Chính Hoàng Remax, Lê Quang Vinh Thuy Remax, Nguyễn Thành Duẫn, và vé vào cửa bán tại Chị Tami, Anh Lượng và Vy Express.  Trên trang quảng cáo nầy, người ta còn đọc được câu sau đây: “Anh Nguyễn Như Thành không nằm trong BTC của chương trình nầy”.  Nghe nói rằng lúc đầu, ông NNT đứng tên trong BTC, nhưng do lời kêu gọi của CĐNVQG, ông Thành đã rút lui.  Dân chúng rất hoan nghênh quyết định sáng suốt của ông Thành.
 
CĐNVQG tổ chức hội thảo ngày 30-8-2012 có hai mục đích chính:  1) Thứ nhứt truy điệu nhân tròn 30 ngày từ trần của bà Đặng Thị Kim Liêng (30/7 – 30/8) 2) Thứ hai, phản đối nghị quyết 36 của CS là nghị quyết chuyên thọc gậy bánh xe, đánh phá, gây chia rẽ người Việt ở hải ngoại bằng nhiều cách, trong đó có việc gởi các đoàn văn công ra nước ngoài biểu diễn, tuyên truyền cho CS trong nước.  Bằng chứng là tên Đàm Vĩnh Hưng, một văn công CS, đang ra hải ngoại trình diễn trong một đoàn 10 người (5 ca sĩ, 5 nhạc công) và có mặt tại Montreal trong show ca nhạc tối 30-8 tại trung tâm Salle de reception Renaissance. 
 
Khi biết được show ca nhạc có văn công CS sẽ trình diễn tại trung tâm Salle de reception Renaissance, thực hiện nghị quyết 36 của Cộng sản Việt Nam (CSVN), Ban Chấp hành CĐNVQG Montreal và các hội đoàn liền vận động những nhà tổ chức, những nơi bán vé và những cá nhân liên hệ đến show ca nhạc nầy để yêu cầu họ hủy bỏ show ca nhạc, nhưng những người nầy vẫn vô cảm làm ngơ.  Lợi nhuận, tiền bạc chẳng những làm mờ mắt mà làm tê liệt cả con tim.
 
Ban Chấp hành CĐNVQG liền quay qua một biện pháp khác, đến thuê phòng Da Vinci của Trung tâm nầy ở tầng trệt, ngay cửa ra vào của trung tâm để tổ chức hội thảo.  Bác sĩ Đào Bá Ngọc, chủ tịch CĐNVQG Montréal trong một cuộc phỏng vấn đã phát biểu: “Lựa chọn tổ chức cùng ngày và cùng một chỗ đối đầu với đoàn văn nghệ do Cộng sản đưa ra ngoại quốc, chúng tôi chủ trương chống đối bất kỳ hoạt động nào trong chính sách thâm độc của nhà cầm quyền Việt Nam, vì những buổi ra ngoại quốc trình diễn nằm trong chính sách của Cộng sản, chứ không phải thuần túy văn nghệ…”
 
Nghe nói rằng khi biết được CĐNVQG Montréal thuê Phòng Da Vinci của cùng một trung tâm để tổ chức hội thảo, nhóm tổ chức show ca nhạc liền vận động với ban Giám đốc Trung tâm Salle de réception Renaissance là hãy hủy bỏ hợp đồng với CĐNVQG, rồi nhóm tổ chức show ca nhạc sẽ trả tiền luôn chi phí thuê bao phòng hội thảo đó.  Cũng theo nguồn dư luận trên đây, Ban giám đốc trung tâm liền đề nghị với CĐNVQG chuyển qua một địa điểm khác rộng rãi hơn cũng thuộc quyền của ban Giám đốc Salle de reception Renaissance, nhưng CĐNVQG không chấp nhận.  Cuộc nói chuyện khá căng thẳng.  Trước sự cương quyết của CĐNVQG, đòi đưa luật sư tới nói chuyện, thì phía chủ nhà đành ngừng đòi hỏi.
 
Khi CĐNVQG bắt đầu đến nhận phòng và trang trí hội trường khoảng 5 giờ chiều 30-8-2012, thì chủ nhân Salle Renaissance đưa ra một dàn Sécurité nặng ký, khoảng 20 người cao lớn, có vẻ thiếu thiện cảm và đầy đe dọa đối với người Việt Quốc gia.  Các nhân viên Sécurité chia ra nhiều toán, có mặt nhiều nơi, trong phòng Da Vinci, khu vực tiếp tân, cầu thang lên lầu show ca nhạc, ở ngoài sân và parking.
 
Các nhân viên Sécurité ngăn cản CĐNVQG nhiều việc, kể cả việc cấm treo cờ lớn lên tường bên trong hội trường dù CĐNVQG đã thuê phòng hội nầy, cấm đưa biểu ngữ và cờ Vàng ra khỏi phòng hội trường, trước cửa cũng không được.  Ban Tổ chức CĐ tỏ ra rất mềm mỏng, nhã nhặn, không được treo cờ lớn lên tường, thì gắn cờ dài theo bàn hội thảo, còn mỗi người tham dự hội thảo cầm trên tay một lá cờ nhỏ đi lui đi tới, có người cầm cả cờ lớn cán dài.  Ngoài sân, nhiều người cầm cờ, cả cờ lớn lẫn cờ nhỏ, phất lên tung bay trong một buổi chiều nắng ấm và lộng gió thật đẹp mắt.  Các xe của những người tham dự hội thảo đều cắm cờ Vàng phất phới trong parking.
 
Lạ lùng nhất là khi ông Victor Charbonneau đưa bộ sưu tập của ông về hình ảnh vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như hình LM Lý bị bịt miệng, hình hòa thượng Thích Quảng Độ, hình luật sư Cù Huy Hà Vũ, hình các anh chị đi biểu tình bị CS đánh trào máu miệng… thì tình hình có vẻ khác.  Ông Charbonneau là thành viên Uỷ ban Yểm trợ Dân chủ và Tư do Tôn giáo cho Việt Nam (Comité de Support à là Démocratie et la Liberté Religieuse au Vietnam), do luật sư Alain Ouellet lãnh đạo.  Chiều hôm 30-8, luật sư Alain Ouellet nằm bệnh viện, không đến tham dự được, nên cử ông Victor Charbonneau đến thay. 
 
Khi ông Charbonneau đem những tấm hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trưng bày bên ngoài hội trường, rải khắp khu vực tiếp tân của trung tâm, thì lạ thay, các đấng Sécurité cao lớn dềnh dàng gần như bất động, không phản ứng gì.  Hỏi ra thì được biết ở vùng tỉnh bang Québec, từ thành phố Québec đến Montréal, Ottawa, giới cảnh sát và Sécurité không lạ gì với các thành viên của luật sư Ouellet và thường tránh né không gây khó khăn với nhóm nầy, vì “vô phúc đáo tụng đình”.
 
Theo chương trình, cuộc thuyết trình và hội thảo bắt đầu lúc 7 giờ, nhưng chưa đến giờ thì số người tham dự đã đến chật cả phòng.  Người ta nhận thấy đủ các thành phần trong cộng đồng, giới trẻ cũng như giới trung niên, cao niên đều có mặt.  Cần lưu ý đây là một buổi chiều ngày thường chứ không phải là ngày cuối tuần, mà đồng bào các giới đến đông như thế nầy là một điều đặc biệt.  Đặc biệt hơn nữa có cả những người Canadiens địa phương.  Phòng hội trường đầy ắp người, không còn ghế ngồi, nhiều người phải đứng phía sau. 
 
Tuy nhiên, vì vừa lo bên trong, vừa lo bên ngoài hội trường, nên ban Tổ chức bắt đầu cuộc hội thảo trễ.  Khoảng hơn 7:30 tối, buổi hội thảo mới bắt đầu.  Sau phần nghi thức, bác sĩ Đào Bá Ngọc, chủ tịch CĐNVQG Montréal, tuyên bố khai mạc.  Ông cho biết lý do rằng ngoài ý nghĩa là truy điệu bà Đặng Thị Kim Liêng, từ trần vừa tròn một tháng, buổi hội thảo còn nhằm lên án những cuộc đàn áp hiện nay ở trong nước, đồng thời vạch trần chính sách phá hoại thâm độc của CSVN qua nghị quyết 36 ngày 26-3-2004.  Bác sĩ Ngọc nhấn mạnh những cá nhân như Đàm Vĩnh Hưng không đáng kể, nhưng Đàm Vĩnh Hưng là một văn công do CS gởi ra nước ngoài theo đoàn văn công để truyên truyền cho CS, phá rối cộng đồng.  Chúng ta cần phải chống chính sách thâm độc nầy của CS.
 
Người thuyết trình đầu tiên là ông Trần Gia Phụng đến từ Toronto.  Đề tài nói chuyện của ông hơi lạ là “Xin đừng vi xi với đất nước”.  Theo ông Phụng, trong khi thế giới đang dân chủ hóa thì tại Việt Nam, điều 4 hiến pháp 1992 vẫn còn.  Điều 4 nầy giao cho CS đặc quyền lãnh đạo đất nước, trong khi CS làm cho đất nước suy đồi và CS làm tay sai cho Trung Cộng, nhượng đất nhượng biển cho Trung Cộng.  Ông đặt câu hỏi là ai đã cho đảng CS đặc quyền nầy?  Ông kêu gọi hãy yểm trợ tối đa cho Phong trào tranh đấu đòi hỏi dân chủ trong nước, lật đổ chế độ Hà Nội mới có thể đoàn kết toàn dân chống Trung Cộng.
 
Ông kết luận: “Trước năm 1975, Việt Cộng hay Vi Xi là những tên phá hoại nền tự do dân chủ của miền Nam Việt Nam.   Ngày nay, những tên Vi Xi ở Hà Nội đang gieo rắc đau thương cho toàn dân Việt Nam.  Ở Hải ngoại ngày nay rất tiếc lại xuất hiện một loại Vi Xi mới, đó là loại người vô cảm, dửng dưng với những biến chuyển của đất nước.  Vô cảm như thế là tiếp tay với CS.  Vô cảm như thế có hại không kém Vi Xi Hà Nội.  Xin người Việt ở Hải ngoại đừng vô cảm với Việt Nam.  Xin đừng vi xi với đất nước thân yêu.” 
 
Diễn giả thứ hai là linh mục Phêrô Lê An Khang.  Khác với lối nói chuyện của ông Phụng, linh mục Khang kể lại những những kinh nghiệm cá nhân mà ông đã trải qua, đã thấy được, và đã nghe kể ở trong và ngoài nước Việt Nam.  Kết luận của ông cũng giống như kết luận của người nói chuyện trước là chế độ CSVN hiện nay chỉ làm hại cho đất nước và muốn chống Trung Cộng thì dứt khoát phải loại bỏ chế độ CSVN.
 
Sau hai diễn giả nói chuyện, Ban Tổ chức tuyên bố tạm nghỉ giải lao.  Lúc đó khoảng gần 9 giờ tối là giờ bắt đầu trình diễn show ca nhạc của VC trên lầu.  Nhân cơ hội giải lao, những người hội thảo ra bên ngoài theo dõi và nhận diện những người đi xem show ca nhạc của văn công trong nước.
 
Phải nói là Ban Tổ chức cuộc hội thảo Montréal đã nhìn xa trông rộng khi chọn địa điểm nầy để tổ chức hội thảo, vì phòng Hội thảo Da Vinci ở tầng trệt, còn phòng show ca nhạc ở trên lầu.  Khách cả hai bên cùng đi vào một cửa chính phía trước.  Vì vậy, người Việt Quốc gia đến dự hội thảo và những kẻ đến xem show ca nhạc có văn công CS trình diễn, cùng vào một cửa, trực tiếp mặt đối mặt đúng theo nghĩa đen, chứ không phải như những lần trước, người Việt QG chỉ biểu tình ở ngoài xa, trong khi văn công CS trình diễn bên trong hội trường.  Hôm nay, nhờ mặt đối mặt, hai bên nhận diện và điểm danh rõ ràng đầy đủ từng người một để xác định chỗ đứng của mỗi người, ai đứng bên nào trên lằn ranh quốc cộng.  
 
Cửa chính của trung tâm có hai cánh cửa.  Từ ngoài nhìn vào, những người tham dự hội thảo sắp hàng dài phất cờ vàng ở cánh cửa bên phải.  Cánh cửa bên trái dành cho những khán giả xem show.  Trước rừng cờ vàng, các khán giả xem show có vẻ rụt rè, cúi đầu che mặt bước vào, trong lúc đó vang lên từng hồi những câu “Đả đảo CS”, “Đả đảo CS nằm vùng”, “Đả đảo Việt gian CS”...  Những người đi xem ca nhạc không phải chỉ bị đồng hương phản đối, mà còn bị nhân viên Sécurité của các bầu show xét hỏi thật kỹ lưỡng, chẳng những xét vé vào cửa cẩn thận, mà còn phải trải qua những thủ tục như ở phi trường.  Đàn ông thì bị rờ xét thân thể, túi áo, túi quần; đàn bà thì bị khám xét xách tay, những dụng cụ mang theo, như máy chụp hình, máy nghe nhạc, nước uống…
 
Có một số người dự định đến xem show, xe vừa chạy đến chỗ parking, thấy rừng cờ vàng sặc sỡ, liền chạy xe bỏ ra về ngay tức khắc.  Những người nầy có thể là những người trong cộng đồng, được giấy mời đến xem, nhưng sợ lộ diện nên bỏ chạy.  Có một số người vừa vào đến cửa building, gặp người quen đang đứng về phía những người hội thảo, liền bỏ xem show, gia nhập vào khối người hội thảo…
 
Có nguồn tin cho rằng trong phòng ca nhạc chỉ sắp ra khoảng 300 ghế, nghĩa là các bầu show ca nhạc bán được dưới 300 vé.  Tuy nhiên, số người vào xem lác đác đi vào trước sau khoảng chừng dưới 150 người. Những người quyết chí vào xem show ca nhạc có thể nói không sai chính là tay sai CS. 
 
Sở dĩ có thể nói thẳng như vậy vì rất dễ nhận ra những người nầy do nhiều yếu tố:  Thứ nhất đại đa số những người xem show rất lạ mặt với Cộng đồng người Việt Montréal.  Họ không phải là cư dân Montréal, mà có thể là cán bộ hay du học sinh đến từ các thành phố lân cận như Toronto, Ottawa và từ một số thành phố khác, nhờ nghe họ nói chuyện với nhau.  Thứ hai, đa số họ là thanh niên choai choai, nói năng lấc cấc.  Thứ ba là cách ăn bận lố lăng của họ, nhất là phụ nữ ăn bận loại y phục thiếu vải, phì phèo thuốc lá trên môi.  Thứ tư là giọng nói và cách dùng chữ đặc biệt CS.  Thứ năm một điều rất lạ là có nhiều người trong nhóm nầy chụp hình những ai cầm cờ vàng, lại còn hỏi nhau “chụp hình chưa?”.  Chúng chụp hình để làm gì nếu không phải do lịnh của tòa đại sứ Việt Cộng, hoặc chụp hình để báo cáo với Tòa đại sứ Việt Cộng ở Ottawa.  Chúng tưởng chụp hình như thế làm cho người ta sợ, vì có thể bị cấm về Việt Nam, không ngờ xảy ra một chuyện lý thú như sau.
 
Khi nghe chúng hỏi nhau chụp hình chưa, một phụ nữ lớn tuổi liền đứng lại trước mặt chúng, nói lớn: "Đây, các cháu muốn chụp hình thì hãy chụp đi”.  Bà đứng nhìn trừng trừng vào đám chụp hình bà.  Bà nhìn không chớp mắt rất lâu.  Chúng sợ quá, bèn nói với bà: “Sao bà nhìn trừng trừng như thế?”.  Bà chậm rãi trả lời: ”Tôi nhìn như thế để cho các cậu biết rằng cha mẹ các cậu chết không nhắm mắt là thế nào.  Cha mẹ các cậu sinh ra những đứa con bất hiếu, theo CS phá hoại gia đình, phá hoại đất nước, phản dân tộc làm buồn lòng tổ tiên, nên cha mẹ các cậu chết không nhắm mắt được.”  Bà tiếp tục trừng mắt nhìn chúng.  Chúng sợ quá bỏ đi thật mau.
 
Đi vào từng người bị đả đảo, những kẻ đi xem show thay đổi chiến thuật.  Họ không vào lẻ tẻ từng người, mà tập trung thành từng nhóm từ năm đến mười người để đi vào một lần.  Tuy có nhiều người cùng đi vào, nhưng tất cả đều cúi mặt, không dám nhìn thẳng mà chỉ len lén liếc trộm để tránh né mà thôi. 
 
Trong lúc đồng bào đang bày tỏ sự phản đối show ca nhạc và phản đối những khán giả show ca nhạc thì xảy ra ba việc đáng chú ý.  1) Vì nhân viên an ninh cố tình ép phía CĐNVQG nên CĐNVQG đã nhờ vị luật sư trẻ Trần Đức Anh Thư, cố vấn pháp luật của Ban Điều hành CĐNVQG, vào nói chuyện với chủ nhân trung tâm và trưởng nhóm Sécurité.  Khi có sự hiện diện của luật sư Trần Đức Anh Thư, chủ nhân Salle de réception Renaissance và cả trưởng toán Sécurité đều dịu giọng, làm đúng theo hợp đồng quy định, không còn hống hách như trước nữa.  2)  Ở bên ngoài, trong lúc lời qua tiếng lại, một nhân viên Sécurité xô ngã bác sĩ Trần Văn Dũng, MC của cuộc hội thảo.  Hai bên lớn tiếng qua lại.  Trong khi đang còn tranh luận, xe Cảnh sát xuất hiện.  3) Nguyên khi thấy sức phản đối của CĐNVQG quá mạnh, chủ nhân Trung tâm Salle de Réception Renaissance gọi cảnh sát đến tiếp viện.  Khoảng 4 xe cảnh sát liền chạy đến.  Khi thấy xe cảnh sát xuất hiện, bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc nói với nhân viên Sécurité là sẽ kiện cảnh sát về tội xô ngã bác sĩ Dũng, nếu nhóm Sécurité không xin lỗi.  Tên xô Ngã BS Dũng liền bỏ trốn.  Viên trưởng toán Sécurité phải thay mặt, xin lỗi BSDũng và xin lỗi CĐNVQG. 
 
Sự xuất hiện của cảnh sát làm cho không khí thêm căng thẳng ngột ngạt.  Một viên cảnh sát, có lẽ là trưởng toán, đến hỏi chuyện với chủ nhân trung tâm Salle de réception Renaissance.  Sau đó, với nét mặt hình sự rất ngầu của cảnh sát, viên cảnh sát nầy quay qua tìm hiểu phía Cộng đồng, thì gặp ngay bác sĩ Đào Bá Ngọc, bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc, bác sĩ Trần Văn Dũng.
 
Nói chuyện và tìm hiểu nội vụ với ban tổ chức Hội thảo, phía cảnh sát bắt đầu biểu biết câu chuyện, tỏ ra biết điều.  Cảnh sát nói với chủ nhân trung tâm và nhóm Sécurité rằng CĐNVQG có quyền mang cờ  bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa và không bạo động.  Chủ nhân trung tâm đành phải ngưng phản đối. 
 
Có cảnh sát hiện diện, Ban tổ chức CĐNVQG yên tâm, tin rằng an ninh bảo đảm hơn, nên Ban tổ chức mời đồng bào vào phòng tiếp tục cuộc thuyết trình.  Chỉ còn một số ít ở ngoài.  Sau khi ông Vũ Văn Thái, đại diện Phật giáo, trình bày về việc CS đàn áp Phật giáo, đáng lẽ đến phần thuyết trình của bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc, nhưng vì bác sĩ nầy đang bận tranh đấu bên ngoài nên không vào nói chuyện được.  (Một chuyện vui nhỏ là khi ra về, có người tiếc giùm cho cô Bích Ngọc là không trình bày bài nói chuyện rất hay mà Bích Ngọc đã gởi cho Ban Tổ chức, thì BS Bích Ngọc nói đùa rằng: "Mình không nói trong hội trường, thì mình thuyết trình giải thích cho cảnh sát hiểu.”  Thế là có nguồn tin trên NET là BS Bích Ngọc thuyết trình trước quần chúng tập họp ở ngoài sân.)
 
Thời giờ có hạn, Ban Tổ chức đành phải bỏ qua phần thảo luận để làm Lễ Truy điệu bà Đặng Thị Kim Liêng.  Đại diện CĐNVQG là bác sĩ Đào Bá Ngọc, đại diện các tôn giáo là linh mục Phêrô Lê An Khang.  Bà Đặng Thị Kim Liêng là Phật tử nhưng con bà là chị Tạ Phong Tần là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, nên LM Khang thay mặt chung cho tất cả mọi người cầu xin Trời Phật (sic) phù hộ cho bà Liêng được sớm về cõi vĩnh hằng.
 
Trong khi bên trong làm lễ, bên ngoài tiếp tục sóng gió.  Khi CĐNVQG vào hội trường, chỉ còn một ít ở ngoài, thì các thanh niên cộng sản liền lợi dụng cơ hội, giả vờ xin một lá cờ vàng, đưa cho một cô gái xé đi.  Phía Người Việt Quốc gia phản ứng, thì Cảnh sát thấy, liền chận lại, cô gái bỏ trốn lên lầu.    Cảnh sát cho rằng hành động gây hấn nầy là một hành động thiếu văn hóa, thiếu giáo dục.  Hành động của các thanh niên CS càng làm nổi bật thái độ lịch sự tự chế của CĐNVQG.
 
Sau lễ tưởng niệm bà Đặng Thị Kim Liêng, đặc biệt Ban Tổ chức đã phát thanh lời cảm ơn của bà Tạ Minh Tú, con bà Liêng và em bà Tạ Phong Tần.  Bà Tú thay mặt gia đình, cảm ơn CĐNVQG Montréal đã tổ chức truy điệu bà Đặng Thị Kim Liêng và cầu mong hương linh mẹ bà độ trì cho quê hương.
 
Sau khi buổi lễ kết thúc, mọi người ra bên ngoài.  Thấy đông, các thanh niên cộng sản liền chạy hết lên lầu.  Hợp đồng của CĐNVQG đến 11 giờ tối là chấm dứt.  Đồng bào lần lượt ra về.  Cho đến lúc đó, khoảng hơn 11 giờ tối, khi những người hội thảo rời trung tâm Salle de réception Renaissance, người ta đồn với nhau rằng không thấy mặt tên Đàm Vĩnh Hưng mà chỉ thấy mặt hai MC đã được quảng cáo trên báo.  Có thể tên Hưng tới thật sớm, hoặc tới thật trễ sau khi CĐNVQG ra về, hoặc có thể tên Hưng đi vào bằng cửa sau để tránh mặt CĐNVQG.  Hát hò mà bị xỉ vả đến nỗi phải trốn tránh như chuột rúc ống cống, thì vui vẻ gì mà hát.  Còn gì là tinh thần văn nghệ.  Chỉ có những tên tay sai văn nghệ mới đành phải chịu nhục, phải chui trốn để thi hành nhiệm vụ do chủ nhân là đảng CS giao phó, giống như các quan chức CS ra nước ngoài bị phản đối, chuyên đi cửa hậu.
 
Cảm giác chung của những người tham dự cảm thấy buồn vui lẫn lộn.  Buồn vì quê hương đang còn bị CS đàn áp; ở hải ngoại nầy lại có một nhóm người hám lợi, tiếp tay cho chế độ bất lương trong nước.  Vui vì ở Montréal cũng như khắp nơi trên thế giới, vẫn còn có nhiều người quan tâm đến đất nước, cố gắng góp tay với những nhà tranh đấu trong nước để đòi hỏi dân chủ, dân quyền cho đồng bào chúng ta.
 
Riêng buổi tối sôi động 30-8-2012 tại Montréal, có thể nói đây là một cuộc hội thảo đặc biệt, vì những người tham dự vừa nghe thuyết trình, vừa trực tiếp đối đầu với CS và những kẻ thân cộng.  Một điểm son cho CĐNVQG Montréal là chọn đúng địa điểm và thời điểm hội thảo, rất hăng hái tranh đấu chống nghị quyết 36 của CSVN, mà vẫn duy trì trật tự, thể hiện tinh thần bất bạo động, khiến cho cuộc tranh đấu tối hôm đó thành công tốt đẹp và được sự nễ trọng của cảnh sát và dân chúng địa phương. 
 
PHÙNG THƯỢNG
(01-09-2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét