Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Sóng gió Biển Đông


Biển Đông sẽ bùng nổ chiến tranh? Hay sẽ chỉ là những bước lấn chiếm từ từ, mỗi ngày mỗi chút từ phía Trung Quốc như hiện nay? Và nhà cầm quyền VN trong nỗ lực lôi kéo liên minh đa phương bênh vực, hiện đã thảm bại với ASEAN, sẽ chấp nhận dân chủ hóa nhằm liên kết với Mỹ để giữ biển? Hay là sẽ chấp nhận mất thêm một phần đất, nhiều phần biển để trọn tình “liên minh thần thánh xã hội chủ nghĩa”? Trí thức quốc nội bên lề phải suy nghĩ ra sao?

Tình hình càng lúc càng nguy, vì Bắc Kinh càng lúc càng hung hăng, “phất cao lá cờ xã hội chủ nghĩa Đại Hán.” Bản tin VOA từ Washington DC hôm 17/7/2012 cho biết về các lô dầu VN bị TQ rao thầu:

“Trước tin tức cho hay Trung Quốc đã mang ra đấu thầu quốc tế lô dầu khí của Việt Nam đang do một công ty của Ấn Độ điều hành, một giới chức cấp cao của Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng ở vùng Biển Đông.

Hãng tin IANS trích lời ông Rajiv Bhatia, tổng giám đốc Hội đồng về Các vấn đề Thế giới của Ấn Độ, cơ quan cố vấn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, phát biểu tại phiên khai mạc một hội nghị song phương mang tên “Ấn Độ - Việt Nam Đối tác Chiến lược: Hướng đi Tương lai”, nói rằng "Ấn Độ đặc biệt quan ngại về tình hình căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông.

Chúng tôi coi việc đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải cũng như trao đổi thông tin và tự do đi lại ở vùng biển này là vô cùng quan trọng. Chúng tôi ủng hộ giải pháp giải quyết mọi bất đồng và khác biệt thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình.”

Ông Bhatia cũng nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam là một trong những mối quan hệ ngoại giao quan trọng nhất và rằng hai nước cần tăng cường hợp tác trong khu vực và trên quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở Đông Á.

Hôm 23/6, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc loan báo mời các công ty nước ngoài dự thầu thăm dò-khai thác 9 lô dầu khí trải dài hơn 160 ngàn cây số vuông trên Biển Đông.

Tin tức cho hay, hành động này là để đáp trả việc Việt Nam ban hành Luật Biển Việt Nam nhằm khẳng định quyền kiểm soát của Việt Nam đối với các khu vực ngoài khơi và các hòn đảo. Trung Quốc đã lên tiếng cực lực chỉ trích và gọi Luật Biển Việt Nam là phi pháp và vô giá trị.

Công ty ONGC Videsh Ltd (OVL) của Ấn Độ đã trúng thầu hợp đồng khai thác tại lô 128, là một trong 9 lô dầu khi mà Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc đã mời thầu quốc tế hồi tháng trước.

Tuy nhiên, cách đây vài tháng công ty ONGC Videsh Ấn Độ đã thông báo với chính quyền Việt Nam rằng họ dự định chấm dứt hoạt động tại lô này vì không thể tiến hành công tác thăm dò do đáy biển cứng. Ấn Độ nói quyết định rút lui này hoàn toàn vì lý do thương mại-kỹ thuật.

Nhằm duy trì sự hiện diện của Ấn Độ tại vùng lãnh hải có tranh chấp ở Biển Đông, hôm 15/7 Việt Nam đã quyết định gia hạn hợp đồng khai thác với công ty dầu khí của Ấn Độ tại lô 128 mà Hà Nội khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Công ty ONGC của Ấn Độ đã đồng ý xem xét lại kế hoạch rút ra khỏi lô 128 nếu đối tác phía Việt Nam, tức tập đoàn dầu khí Petro Vietnam, gia hạn hợp đồng.
Báo PTI dẫn lời một quan chức hàng đầu của chính phủ Ấn cho biết Việt Nam trong nay mai sẽ có một thông cáo chính thức yêu cầu Ấn Độ tiếp tục lưu lại khu vực.”
Trong khi đó, bản tin RFI từ Paris ghi nhận nỗi lo chiến tranh từ Indonesia.
RFI viết:
“Tổng thống Indonesia Yudhoyono vào hôm nay, 17/07/2012 đã tỏ ý lo ngại rằng sẽ không thể có một giải pháp sớm sủa cho cuộc tranh chấp chủ quyền hiện nay tại vùng Biển Đông. Phát biểu tại Jakarta trước diễn đàn đầu tiên của tập san Đánh giá Chiến lược của Indonesia, lãnh đạo quốc gia then chốt của khối ASEAN đã khuyến cáo các nước có liên can là không nên để cho tình hình căng thẳng leo thang.

Trong phát biểu của mình, ông Yudhoyono thẩm định «Do tính chất cực kỳ phức tạp của các đòi hỏi chủ quyền chồng chéo, không có gì sai khi giả định rằng chúng ta sẽ không thấy một giải pháp ngoại giao cho tranh chấp Biển Đông trong ngắn hạn, thậm chí cả trong trung hạn». Vì vây, theo Tổng thống Indonesia : «Trong bối cảnh chưa thể có được một giải pháp toàn diện, các bên tranh chấp phải làm hết sức mình để quản lý và tự kềm chế sao cho tranh chấp đừng leo thang hoặc tệ hơn là bùng lên thành xung đột quân sự».

Một điểm đặc biệt, một trí thức từ VN đã nêu lên trên một báo “lề đảng” rằng VN cần dân chủ hóa để tìm hỗ trợ từ phía Mỹ nhằm có sức đương cự trước áp lực TQ.

Báo Văn Hóa Nghệ An hôm Chủ Nhật 15/7/2012 dè dặt viết lời tòa soạn trước bài “Đối diện với TQ, nước cờ nào cho VN trên bàn cờ thế giới hiện nay?” của tác giả Lê Nguyên rằng bài viết là ý riêng của tác giả, không phải của tòa soạn.

Ghi nhận, trong bài tác giả Lê Nguyên đề cập tới việc không tưởng là xin Mỹ bán vũ khí sát thương mà không đòi hỏi VN giải quyết nhân quyền, vì thực tế là Quốc Hội Mỹ sẽ ngăn cản việc này, nếu TT Obama có muốn bán vũ khí sát thương cho VN đi nữa.

Bài viết dù sao, cũng nêu được một tiếng nói từ giới trí thức quốc nội từ phía “lề đảng,” trích như sau:

“...Các cường quốc bậc trung trong vùng (Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, và Nga) ở các mức độ khác nhau đều có xung đột về lợi ích với Trung Quốc và ngày càng cảnh giác trước một Trung Quốc hung hãn. Nhật, Hàn Quốc, Australia và ở một góc độ nào đó là Ấn Độ, đều là đồng minh của Mĩ. Tuy có thể không nói ra trực tiếp, song kiềm chế một nước Trung Quốc độc đảng và tham lam đều là mục tiêu chung của các quốc gia này dưới sự dẫn dắt của Mĩ. Trường hợp của Nga có phức tạp hơn. Nga từng là siêu cường một thời, song với tình hình hiện thời, uy thế ngày xưa đã mất cũng như mối ràng buộc quyền lợi của Nga với Việt Nam và vùng Đông Nam Á không còn trực tiếp thiết thân như xưa, cho nên trong bài toán Việt – Trung hiện nay, tạm thời có thể xếp Nga vào nhóm các cường quốc bậc trung trong vùng này. Nga có quan hệ lợi ích kinh tế mật thiết với Trung Quốc và có thể liên minh tạm thời với Trung Quốc để kiềm chế Mĩ. Song về lâu dài, Nga không thể trở thành đồng minh với Trung Quốc và vẫn luôn cảnh giác với Trung Quốc, không muốn Trung Quốc vươn lên lãnh đạo thế giới. Xét về bình diện“giá trị,” dù hiện thời chính quyền Putin có là một chế độ độc tài được bọc ngoài bởi một lớp nhung dân chủ, thì về lâu dài, xã hội – văn hoá Nga vẫn gần gũi Mĩ – Âu hơn là với Trung Quốc. Chiến lược của Việt Nam do vậy phải không ngừng củng cố quan hệ kinh tế và chính trị với các cường quốc này, lôi kéo các cường quốc này can dự sâu hơn vào vấn đề biển Đông, tăng cường sự ràng buộc về mặt lợi ích với các nước, đồng thời cần cải cách chính trị, phát huy tự do dân chủ để tranh thủ sự ủng hộ của các cường quốc này trên bình diện “giá trị.”

Thực ra hai lực lượng khó giải quyết nhất chính lại là ASEAN và một phần nào đó là Mĩ. Với Asean, trước hết phải có những phương thức ngoại giao khác nhau để các nước trong khối thấy được yêu cầu đoàn kết để tiếng nói chung bởi Trung Quốc sẽ là một thế lực có tiềm năng gây nguy hại không chỉ với những nước có can hệ trực tiếp về mặt lợi ích với Trung Quốc, mà còn đối với cả khu vực và thậm chí là cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Song, đối phó với việc Trung Quốc đang dùng quyền lực của cơ bắp lẫn đồng tiền để khiến Asean phải thúc thủ, Việt Nam không thể đủ tài chính và cơ bắp để chạy đua theo cách đó với Trung Quốc. Một chiến lược thu phục lâu dài đối với các nước Asean mà Việt Nam cần tạo ra phải là sự thu phục bằng quyền lực mềm, bằng “giá trị”. Muốn làm được điều đó, bản thân Việt Nam phải chứng tỏ mình sẵn sàng tạo nên và đi theo các “giá trị” ấy, thông qua đó tác động lên những nước đang hoặc có nguy cơ rơi vào vòng tay Trung Quốc, giúp các nước cảnh giác trước những mối lợi trước mắt do Trung Quốc đem lại, và nhận ra rằng các bình diện “giá trị” như tự do, dân chủ, pháp quyền là cái đích tất yếu cần phải đi đến để đảm bảo một sự phát triển bền vững cho mỗi quốc gia, giúp mỗi quốc gia kia tự xây dựng nên “sức đề kháng” đối với một gã láng giềng khổng lồ, độc tài và tham lam.

Song những diễn biến căng thẳng của diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 19 vừa diễn ra tuần rồi với sự thất bại của cả khối không đưa ra được tuyên bố chung buộc các nhà lãnh đạo Việt Nam phải thấy rằng với toàn bộ tính chất phức tạp về lịch sử, tôn giáo, chính trị, địa dư,… giữa 10 nước, phải mất một thời gian khá dài, có thể lên tới tầm ít nhất vài thập kỉ, thậm chí là nửa thế kỉ nữa thì ASEAN mới có thể tạo ra được một sự thống nhất như của châu Âu hiện thời. Dựa vào Asean là cần thiết nhưng không đủ, đặc biệt không kịp cho diễn tiến phát triển dồn dập của bàn cờ chính trị khu vực, và cho những tình huống cấp bách có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Con bài chốt, chung quy lại, không ai khác, chính là Mĩ...

...Mĩ kêu gọi Việt Nam tham gia vào TPP và Việt Nam đã có phản hồi tích cực, sẵn sàng tham gia, đó là những bước đi rất quan trọng và hữu ích. Mĩ cũng nên có một số hành động mang tính biểu tượng, chẳng hạn huỷ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam để thứ nhất, thể hiện sự hợp tác toàn diện về mặt quân sự; thứ hai, nó như là một sự khuyến khích động viên cho Việt Nam tiếp tục cải cách; và thứ ba, rõ ràng Mĩ cũng thu được mối lợi của việc xuất khẩu vũ khí mà lâu nay, bất chấp lệnh cấm trên của Mĩ, Việt Nam vẫn có nguồn cung ứng hữu hiệu từ Nga...

...Phạm vi bài viết này không cho phép bàn quá rộng, song có thể dễ dàng đồng ý với nhau là nền kinh tế phát triển mạnh và vững chắc, bền vững chỉ khi được hỗ trợ bởi một thể chế dân chủ, và sự vững mạnh về kinh tế phải đi kèm với sự giàu có, sự tự do và các giá trị dân chủ cho mỗi người dân...

...Một điều tưởng đã nhàm, song chung quy lại, rõ ràng cái cần phải làm ngay và làm xuyên suốt, vẫn là tiếp tục dân chủ hoá đất nước, xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự với một thể chế tam quyền phân lập. Đó là điều cần thiết để xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh đặng theo đuổi triết lí tự lực tự cường đã được đúc rút qua chiều dài lịch sử chống ngoại xâm.”

Có phải thực ý của Lê Nguyễn, và của báo Văn Hóa Nghệ An (vanhoanghean.com.vn) là kêu gọi VN phảỉ dân chủ hóa, phải tam quyền phân lập, phải trao tự do và dân chủ cho mỗi người dân? Tại sao báo này, nơi quê hương ông Hồ, lại dám đăng một bài mà không báo nào khác tại VN dám đăng lại?

Hay đây chỉ là thăm dò thôi, vì quyền lợi cán bộ trong đảng vẫn là ưu tiên hơn việc giữ gìn bờ cõi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét