Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Biểu tình chống Trung quốc ở Việt Nam

Biểu tình ở Hà Nội ngày 1/7/2012
Người biểu tình đi trong mưa ở Hà Nội ngày 1/7/2012
Đã diễn ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở hai thành phố lớn tại Việt Nam hôm Chủ nhật.

BBC - Trong khi đó, một blogger ở Sài Gòn nói trên 500 người đã xuống đường ở thành phố tại miền Nam.Phóng viên hãng tin AP nói khoảng 200 người cầm cờ, hô khẩu hiệu phản đối Trung Quốc ở Hà Nội.
Theo bản tin AP từ Hà Nội, chừng 200 người đã diễu hành về phía tòa đại sứ Trung Quốc.
"Công an đã ngừng giao thông và không chặn cuộc biểu tình, nhưng khu vực xung quanh tòa đại sứ bị phong tỏa," theo bản tin.
Tại Hà Nội, blogger Nguyễn Xuân Diện mô tả cuộc tuần hành bắt đầu từ 9h sáng.
Theo ông, "một số xe cảnh sát hướng dẫn bà con đi trên vỉa hè, và phân luồng giao thông để đảm bảo an toàn cho đoàn biểu tình."
Đến khoảng 10h36, blogger này nói đoàn biểu tình "tự giải tán tại khu vực Hồ Gươm".
Còn từ Sài Gòn, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói trên 500 người xuống đường, và "công an, dân phòng và trật tự đô thị xuất hiện vô cùng đông, bao vây các bạn trẻ và bắt một số lên xe".
"Nhiều người xông vào dằng co, không cho xe bắt người chạy. Ngay lúc ấy, nhóm biểu tình xuất phát từ trước nhà thờ Đức Bà do các trí thức yêu nước dẫn đầu cũng vừa kéo đến."
"Lực lượng an ninh tăng cường mỗi lúc mỗi đông cuối cùng cũng đóng được cửa xe và cho xe chạy," theo cây bút này.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu nhà báo của tờ Thanh Niên, mô tả đoàn người đi qua tòa lãnh sự mới của Trung Quốc, "nhưng bị lực lượng an ninh lập rào cản chặn lại cách đó 300 mét".
"Đoàn dừng lại đây hô vang các khẩu hiệu Việt Nam, Hoàng Sa, Trường Sa. Sau đó đoàn kéo ngược lại đường Pasteur về lại công viên 30. 4 trước dinh Thống Nhất."
"Đoàn biểu tình, giờ này, đã được bổ sung đông hơn, định kéo xuống đường Lê Lợi và sau đó tự giải tán nhưng lực lượng trật tự được kéo đến ngăn cản quyết liệt, không cho đi nữa, anh Lê Hiếu Đằng kêu gọi mọi người giải tán và ra về trong trật tự," theo blogger viết từ Sài Gòn.
Tính đến chiều giờ Việt Nam, các tờ báo lớn ở trong nước vẫn im lặng, không nói gì về cuộc biểu tình.
Một số trang blog và mạng xã hội như Facebook những ngày qua đăng tải những lời kêu gọi xuống đường để “ủng hộ Luật Biển Việt Nam” và “phản đối ý đồ xâm lược của Trung Quốc”.
Hình ảnh về các cuộc biểu tình ở Việt Nam mùa hè năm ngoái được đăng lại, trong khi các công dân mạng đồn đoán liệu chính quyền Việt Nam có ngăn chặn biểu tình hay không.
'Vận động không đi'
Trong khi đó, tổ chức nhân quyền đặt ở Mỹ, Human Rights Watch, cho rằng có đàn áp của công an ở cả Hà Nội và TP. HCM.
Thông cáo của tổ chức này nói: "Hành động của công an chống lại biểu tình hôm nay ở Hà Nội và TP. HCM một lần nữa chứng tỏ phản ứng quen thuộc của giới chức nhằm quấy rối và chặn mọi hình thức biểu tình ôn hòa."
Trước đó một ngày, từ Hà Nội, blogger Phương Bích mô tả: “Có người không đi, cũng không ủng hộ thì dọa: đi biểu tình là bị bắt đấy! Hoặc nguy cơ bị đàn áp là cao!”
Diễn ra biểu tình tại Sài Gòn ngày 1/7/2012
“Bắt đầu lẻ tẻ có người lên tiếng than phiền bị các loại đối tượng ‘quấy nhiễu’,” theo cây viết này.
Một người khác, blogger Nguyễn Tường Thụy, cho hay được chính quyền địa phương đến vận động không đi biểu tình.
“Nếu tôi vi phạm pháp luật thì tôi chịu trách nhiệm cá nhân. Tôi phản đối chính quyền và công an chà đạp lên pháp luật,” blogger này viết.
Mặc dù những người ra lời kêu gọi thận trọng nhấn mạnh đây là sự kiện ủng hộ Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, cũng xuất hiện tiếng nói từ một số nhân vật chống Đảng Cộng sản.
Hòa thượng Thích Quảng Độ, từ Sài Gòn, kêu gọi “toàn thể đồng bào Việt Nam không phân biệt chính kiến, tôn giáo, già trẻ, nam nữ, dân tộc, đảng phái, trong và ngoài nước…hãy cùng nhau xuống đường biểu tình vào ngày Chủ nhật để chống ngoại xâm, cứu nguy đất nước”.
Giới Phật tử ở bang Texas, Hoa Kỳ, cũng tuyên bố sẽ biểu tình trước Tòa Lãnh sự quán Trung Quốc.
Việc báo chí chính thống tại Việt Nam tự do đăng bài chỉ trích Trung Quốc những ngày qua đã làm rộ tin đồn rằng chính quyền sẽ “làm ngơ” cho biểu tình xảy ra.
Nhưng blogger Phương Bích lưu ý: “Nhiều người vẫn hiểu rằng thực ra chính quyền chả sợ gì biểu tình chống Trung Quốc đâu, mà chỉ lo nó biến tướng thành biểu tình lật đổ chính quyền thôi.”
Dường như đây là một nguyên do khiến chính quyền dập tắt đợt biểu tình mùa hè năm ngoái.

Người Việt Nam lại xuống đường tại Hà Nội và Sài Gòn phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông

Biểu tình tại Hà Nội ngày
 01/07/2012 chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông.
Biểu tình tại Hà Nội ngày 01/07/2012 chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông.
REUTERS/Stringer

Hưởng ứng những lời kêu gọi xuống đường tung ra trên mạng, hàng trăm người đã biểu tình tại hai thành phố lớn ở Việt Nam vào hôm nay để lên án một loạt hành động gây hấn mới đây của Trung Quốc đối với Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Theo ghi nhận ban đầu, cuộc xuống đường tại Hà Nội diễn ra một cách êm thắm, nhưng tại Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng an ninh đã tạm giữ ‘phòng ngừa’ một số nhân vật từng tích cực tham gia các cuộc xuống đường vào năm ngoái.

Tại Hà Nội, có khoảng từ 100 người (theo AFP) đến 200 người (theo AP) đã tập hợp bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc, trước khi tuần hành đến khu vực Hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm Thành phố. Ho mang theo những khẩu hiệu như “Đả đảo Trung Quốc !”, “Phản đối Trung Quốc gây hấn Việt Nam”, “Tổ quốc gọi, chúng con có mặt vì bình yên xã tắc sơn hà”… Một số biểu ngữ còn ghi những lời ủng hộ chủ trương bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chính quyền như “Ủng hộ Luật biển và hải đảo 2012”, “Hãy ‘hành động’ xứng đáng với tiền thuế của dân”.
Bên cạnh các khẩu hiệu trên còn có biểu ngữ kêu gọi chính quyền ban hành luật biểu tình : “Đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xây dựng đất nước, nhân dân Việt Nam ủng hộ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất luật biểu tình”
Theo AFP, theo những người tham gia biểu tình tại Hà Nội, lực lượng an ninh hiện diện đông đảo, phong tỏa khu vực Đại sứ quán Trung Quốc, nhưng không bắt giữ một ai. Theo nguồn tin từ các trang blog tại Việt Nam, tham gia cuộc biểu tình tại Hà Nội có nhiều gương mặt điển hình như bà Lê Hiền Đức, giáo sư Ngô Đức Thọ, tiến sĩ Nguyễn Quang A…
Trả lời hãng tin Anh Reuters, một số blogger cho biết lực lượng an ninh đã cảnh báo họ không nên tham dự cuộc biểu tình, nhưng lần này, công an để yên cho người xuống đường tuần hành. Ông Nguyễn Quang A cho biết : “Chúng tôi muốn nâng cao nhận thức của người dân về các hành động sai trái mới đây của Trung Quốc, và chúng tôi đã được dân chúng hai bên đường vỗ tay hoan nghênh”.
Một người 53 tuổi, từng bị bắt ba lần vì tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm ngoái, lần này vẫn tiếp tục xuống đường và giải thích với hãng tin Mỹ AP rằng : “Chúng tôi rất tức giận trước việc Trung Quốc cho mời thầu khai thác dầu khí bên trong lãnh thổ của Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi chính phủ phải có hành động.”
Đồng thời với Hà Nội, hàng trăm người cũng xuống đường tại thành phố Hồ Chí Minh để phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc. Những người biểu tình tập hợp ở khu vực phía sau Nhà Thờ Đức Bà, nhưng không thể tiến về Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc, được cảnh sát bảo vệ chặt chẽ. Tham gia phong trào tại Sài Gòn, có ông André Hồ Cương Quyết, luật sư Lê Hiếu Đằng, giáo sư Tương Lai, nhà thơ Đỗ Trung Quân…
Theo một số trang blog, lực lượng an ninh đã ngăn chặn trước một số người có ‘tiền án’ biểu tình, không cho họ đến nơi tập hợp. Bà Bùi Thị Minh Hằng chẳng hạn, đã bị tạm giữ ngay khi rời khách sạn ở Sài Gòn.
Hai cuộc biểu tình hôm nay đã nổ ra vài ngày sau khi Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã “ngang nhiên” mời quốc tế đấu thầu 9 lô dầu khí nằm ngay trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam, một hành động đã bị Việt Nam cực lực tố cáo.
Trước đó, Quốc hội Việt Nam đã thông qua bộ Luật Biển, chính thức xác định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Theo AFP, biểu tình là một hoạt động đầy rủi ro tại Việt Nam, nơi mà nhiều người đã bị bắt trong những năm gần đây, sau khi tham gia các cuộc xuống đường. Vào năm ngoái, sau một loạt các hành vi khiêu khích trắng trợn của Trung Quốc, chính quyền Việt Nam đã nhắm mắt cho biểu tình tại Hà Nội vào mỗi Chủ nhật trong 11 tuần liên tiếp, trước khi quyết định ngăn chặn bằng biện pháp mạnh để trấn an Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét