Tôi là người phi
công, tuổi Không Quân của tôi tròm trèm được 5 năm, cái bề
dầy thời gian này mà đem so
với đàn anh hay với các bậc cao đẳng trong Quân chủng chúng
ta, thì thật chẳng nghĩa lý gì! Nhưng quãng đời này, với
tôi quý giá vô cùng. Tôi yêu Quân chủng hơn mọi thứ tình yêu mà
tôi đã có, và có lẽ, đến cuối cuộc đời này, tôi cũng
chỉ có mối tình muôn thuở này mà thôi.
Tôi
hiện sống ở thủ phủ của tiểu bang Michigan, là thành phố
Lansing. Nơi tôi ở, cũng chẳng có mấy người Không Quân,
chúng tôi ít gặp nhau, lại chẳng mấy khi ngồi với nhau ăn uống,
tuy vậy, chúng tôi quý nhau và thật sự nghĩ đến nhau như
ngày còn chia nhau bầu trời quê nhà năm
xưa.
Tôi
tài hèn, sức mọn, chuyện văn chương thi phú, đối với tôi là một
lãnh vực khó khăn, khó khăn như những cú đáp O-1 (đừng
gọi là đầm già, cũng đừng lầm với L-19) chính xác, êm như lá
rụng của những ngày còn bay bổng. Tôi xác nhận một lần
nữa, là tôi yêu Quân chủng, vì mối tình thiên thu này mà tôi
đánh liều viết những hồi tưởng này, về những ngày hoàng kim
nhưng thật gian khổ khi trước.
Bạn đọc cũng nên vì mối tình Quân chủng mà đừng chấp trách trình độ văn chương chữ nghĩa của tôi. Còn quý vị ngoài Quân chủng, thì lại càng phải lượng thứ hơn nữa cho tôi về cái chuyện viết lách. Hãy cổ vũ cho cái mối tình mà tôi vẫn còn ôm ấp đến bây giờ.
Xin cứ
ví như câu chuyện của tôi sắp viết đây, như cái hot dog bất đắc
dĩ phải nuốt vội cho qua bữa cơm đường cháo chợ, giữa
buổi cày bừa nơi cõi người ta này.
...--o--...
Lời phi lộ như thế là dài và câu giờ lắm rồi.
Vào
khoảng năm 1973, sau những ngày chinh chiến khói lửa ở Quân Khu
2, tôi được thuyên chuyển về Quân Khu 4, nơi nước ngọt,
người thơm. Ngày tôi rời phi trường Cù Hanh để đi xuống miền
đồng bằng. Hôm ấy bầu trời mùa Hè cao và xanh ngắt, Sư
Ðoàn 6 KQ đang nỗ lực tập phi diễn để về
Sàigòn chào mừng ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1973. Tôi chuẩn
bị trèo lên chiếc C-47, chia tay với xứ sở nắng bụi mưa bùn,
chợt một hợp đoàn AD-5 của Phi Ðoàn 530 "low pass" qua
phi trường, tôi ngẩn người đứng ngắm, trong lòng đầy thán phục,
tiếp theo đó một hợp đoàn O-2, rồi một hợp đoàn U-17
(đừng gọi là máy bay bà già, nghe kém hiểu biết lắm!) thuộc Phi
Ðoàn 118 của tôi, cũng low pass qua qua phi trường. Tôi nhảy
cỡn lên, miệng hét:
- Trời ơi! Hết sảy, hết sảy ...
Rồi
sau đó là hai hợp đoàn UH-1, một của Sơn Dương 235, một của
Lạc Long 229, có cả CH-47 từ Phù Cát cũng góp gió. Tôi đứng
nhìn mãi, cho đến khi các chiếc máy bay khuất tận cuối chân
trời, tôi mới trèo lên chiếc C-47. Thằng bạn cùng khóa với
tôi bay Co-Pilot phi vụ này nhăn nhở:
- Ê Dương, U-17 tụi mày bay formation coi cũng đặng quá chớ mày ? ...
- Ðừng cười khi dễ tụi
tao. Nói cho mày biết, chưa có loại máy bay nào mà tao yêu bằng nó hết... Tôi nghiêm giọng đáp lại.
- Tại
mày điếu được đi Mẽo học bay nên mày yêu U-17 cũng đúng
thôi ! Chứ cái thứ này đáp lạng quạng sau đuôi máy bay của tao
là tiêu tùng ... Nó cũng nghiêm giọng dũa lại tôi.
- Bay
cái thứ gì cũng là Pilot, tao hơn mày ở cái chỗ tao là
Pilot chứ không có cái chữ "Co" đàng trước chữ "Pilot" nghe mày
! ... Tôi dõng dạc
trả lời nó.
Nó không đáp lại, tay với cái head set chụp vào đầu không thèm nghe hết lời tôi.
Lòng
tôi lúc đó buồn khôn xiết khi phải xa rời những đồng đội
mà suốt một mùa Hè máu lửa khắp Quân Khu 2, tôi cùng chia sẻ
niềm vui, nỗi buồn trong cuộc đời bay bổng. Tôi bùi ngùi nhìn
xuống phi đạo Cù Hanh chạy qua 2 ngọn đồi, một đầu 09,
một đầu 27, nơi tôi đã đập tàu lần đầu tiên trong nghiệp bay
bổng. Tuy không được vinh dự bay trong hợp
đoàn đầy hào hùng kia, nhưng tôi tự an ủi, ngày Quân
Lực năm nay, tôi đã góp sức không ít trong việc gìn giữ Quân Khu
2 mà VC điên cuồng đánh phá suốt cả năm 1972 vừa qua. Tôi ngậm
ngùi nhớ lại những anh hùng của chúng tôi như Ð/úy Phạm
Văn Thặng, nick name Thặng Fulro, nhớ đến một phi hành đoàn
CH-47 mà tôi không nhớ tên đã tử nạn tại phi trường Kontum,
trong cuộc di tản đồng bào Thượng ra khỏi vùng giao tranh.
Tôi cũng không quên được đỉnh Charlie, nơi anh hùng Nguyễn Ðình
Bảo lưu danh muôn đời, cả hình hài 2 Chuẩn Úy Bộ Binh
mới ra trường của Sư Ðoàn 23, nằm bình thản trong poncho ở phi
trường Cù Hanh, chờ được đưa về Ðại Ðội chung sự. Tôi
bồi hồi nghĩ đến những bữa cơm ở cư xá độc thân, với
nồi thịt kho nhạt nhẽo, nồi canh rau bắp cải mặn chát mà chúng
tôi nấu cho nhau ăn... Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1973 chói
lọi qua những chiến tích hào hùng, của không biết bao
nhiêu anh hùng vô danh, hoặc hữu danh âm thầm khác nữa. Tôi
chia tay với tất cả, để lại những gì còn ngổn ngang, thách đố
trong cuộc đời bay bổng, trong cuộc chinh chiến ngút
ngàn này, để lại tất cả cho các đồng đội Không Ðoàn Biên Trấn.
Ngày
01 tháng 7 năm ấy, tôi đã có mặt tại Phi Ðoàn 116/Không Ðoàn 74
Chiến
Thuật/Sư Ðoàn 4 Không Quân. Buổi sáng, tôi dự lễ chào cờ tại
sân Sư Ðoàn 4 Không Quân, sau bài hiệu triệu của Trung Tướng Tư
Lệnh Quân Chủng, tôi cất cánh trực chỉ phi trường Quản
Long, thị xã Cà Mau, tỉnh An Xuyên. Vì cái tính lề mề, nên tôi
không kịp mua ổ bánh mì thịt ghi sổ của Thượng sĩ Yến, chúng tôi
gọi là "chị Yến", dù chị là đàn ông đàng hoàng, chị làm
ở Ban Văn Thư Phi Ðoàn 116, chị sợ chúng tôi đem tiền cho các
bậc nhi nữ dùng hết nên chị mở một trương mục bánh mì
cá, bánh mì thịt, bánh mì xíu mại, cùng đủ mọi thứ chạp phô, tạp
lục, có cả dầu gió xanh hiệu song thập để chúng tôi cạo
gió cho nhau khi trái nắng trở trời. Tôi là
thân chủ trung thành của chị vì tôi đắt đào, toàn đào con nhà
giầu, xài tiền như nước. Hụt ăn ổ bánh mì thịt, xuống Cà Mau,
tôi chỉ kịp nhận xăng, xong cất cánh trực chỉ tiếp phi
trường Năm Căn của Vùng 5 Duyên Hải (xin đừng lầm với Vùng 5
Chiến Thuật!). Nửa tiếng đồng hồ sau, tôi đã ngồi trong
Câu Lạc Bộ của Căn Cứ Hải Quân Vùng 5 Duyên Hải, trước
bát mì gói có hành ngò, chanh ớt đủ thứ, trừ thịt hay các thứ
tương đương!! Không phải vì tôi không tiền, nhưng vì Câu Lạc
Bộ này cũng có trương mục các món ăn sáng cho các Hải Quân
chiến sĩ cùng cảnh ngộ như tôi, nên đắt hàng hết biết. Ðến
muộn mà còn mì gói cũng may mắn lắm rồi. Tôi
được đào tạo từ "Khóa Ăn Uống" tại cư xá độc thân của
Phi Ðoàn 118 ở Pleiku, nên việc đổ cái bát mì kia vào bụng không
khó khăn cho lắm, duy cái cốc cà phê, vị lờ lợ mặn thì
thật sự làm cho tôi chán ngán cái kiếp bềnh bồng, cơm đường cháo
chợ. Người Hải Quân Ð/Úy Quan sát viên sắp đi bay với tôi
trong phi vụ tuần tiễu, an ninh hải phận an ủi:
- Chúng
tôi như thế này quen rồi, đôi khi trong các buổi tiệc
tùng thịnh soạn, hay ngồi uống cà phê, nghe nhạc cổ điển ở cà
phê Hân ở Sàigòn, tôi lại chạnh lòng nhớ cái cốc cà
phê này, cùng mấy câu vọng cổ ngô nghê ở đây mới bỏ mẹ
chứ lỵ!...
- Chúng
tôi cũng vậy thôi Ð/Úy ạ. Trông quần bay áo lưới khiếp
vậy chứ, thật ra cũng trâu bò như bao Quân Binh chủng khác vậy.
Chẳng hề gì đến người trai khói lửa, chỉ e cho người
em nhỏ hậu phương thôi. Nhiều lúc quá cực, tôi cũng "măng phú"
cuộc đời, mặc nó đến đâu thì đến...
- Th/Úy trông được trai, lại ăn nói bay bướm thế
này, hẳn đào gạt ra không hết ? ...
- Cái
mục đào kép của chúng tôi lại càng tệ bạc hơn mọi người
Ð/Úy ạ. Thấy chúng tôi hào huê, đào kép vậy chứ, thật ra chẳng
xơ múi gì đâu!. Rước đèn cho vui đường phố vậy thôi
chứ có được cơm cháo gì!. Không thiếu người trong chúng tôi ..
tiền mất, cô độc vẫn cô độc nguyên si. Ðã thế lại còn
mang tiếng tùm lum là trai gái lăng nhăng, đĩ tính. Thật sự
nhiều khi không qua mặt được mấy nhân vật tốt mã, lại
hiền lành như Ð/Úy đây.
- Hà hà .. Th/Úy nói
chuyện nghe "măng phú" thật.
Ông cười khoái trá..:
- Hôm
nay, chúng mình quanh quẩn mấy cái bờ biển giới nghiêm
24/24 một lát rồi về nghỉ. Vả lại, hôm nay là ngày Không Quân
của các anh, tôi còn chai Courvoisier mới tinh, tí nữa mình ngả
nó với đồ mồi cây nhà lá vườn ở phòng tôi. Rồi tôi cho
anh nghe Lệ Thu hát Serenade de Schubert, có phần đệm dương cầm
của
Nguyễn Hậu nữa. Vậy được chưa ?.
- Ủa! Sau Ð/Úy lại biết hôm nay là ngày Không Quân chúng tôi?..
- Có
gì đâu, lúc nãy, trên tần số UHF, tôi nghe mấy vị trực
thăng ngoài Phú Quốc ca cẩm về cái nỗi phải ứng chiến ngoài ấy,
không về được Sư Ðoàn, dự cái party nhiều mục hấp dẫn
tối nay chào mừng ngày Không Quân.
Tối
ấy, tôi
cũng không về Cần Thơ để tham dự đêm liên hoan dạ vũ,
chào mừng ngày Quân chủng được! Quân Khu sợ VC biết chúng tôi
vui chơi, nên có thể chúng sẽ tập kích một số tỉnh xa xôi như
An Xuyên chẳng hạn, do vậy, tôi phải overnight ở Cà Mau
để tăng phái ứng chiến đêm cho tiểu khu An Xuyên, dù ở đấy đã có
sẵn một phi hành đoàn biệt phái dài hạn cho tiểu khu.
Tôi
chẳng tiếc cái buổi dạ vũ huy hoàng kia đâu, bởi tôi nhảy nhót
trông không giống ai, tôi chỉ tiếc cái việc "coong, xuyên,
phình đủ mủn" ở phòng giải trí của cư xá độc thân, tiếc những
khi đàn
đúm ăn tục, nói phét với các đồng đội, tiếc bữa cơm
chiều trong Câu Lạc Bộ Sư Ðoàn, quây quần chung quanh đồng đội,
tha hồ ăn nói văng mạng, đùa rỡn, chọc phá thiên hạ. ...
Có
thể vì tôi hiện diện ở tiểu khu An Xuyên tối ấy, mà VC đành án
binh bất động, không nhúc nhích di chuyển lung tung được!
Bù lại, đêm ấy, lần đầu tiên tôi nghe ông ca sĩ Chế Linh hát
bài "Ðêm buồn tỉnh lẻ" ở chợ, giữa thị xã Cà Mau, đèn
đóm tù mù mà thấm thía cho cuộc đời đi mây về gió của mình.
Tôi
vẫn như thế ở mọi nơi, mọi
lúc, trong các ngày lễ, ngày Tết, tôi vẫn âm thầm cùng không ít
các đồng đội khác nằm chờ cái bất thường để gìn giữ cái
bình thường cho mọi người. Ngày Không Quân 1973 trôi qua êm
đềm như mọi ngày êm đềm khác. Hôm sau, khi trở về Phi Ðoàn,
nghe kể lại màn phi diễn A-37, tôi ngẩn ngơ tiếc nuối. Tôi
tự an ủi, ngày Không Quân năm sau khai bệnh ở lại Phi Ðoàn khỏi
đi biệt đội, biệt phái lôi thôi, tha hồ mà ngắm phe ta
nhào lộn...
Rồi
kiếp đi mây về gió lại đưa đẩy tôi rời Phi Ðoàn 116, thuyên
chuyển ra Nha Trang. Những chiến tích mà tôi để lại
Phi Ðoàn 116 đủ để tôi rửa thù cho cái chết của Th/Úy Liêu Quang
Ðiều, Pilot trẻ, đẹp trai, vui nhộn của Phi Ðoàn 116. Ðiều
bị bắn rơi ở giữa khu tam giác 3 quận Sầm Giang, Cai Lậy và
Cái Bè thuộc tiểu khu Ðịnh Tường, bọn du kích khốn nạn bắt sống
được Ðiều, chúng đánh gãy 2 chân của Ðiều, trước khi
chặt đầu bêu lên ngọn tre ở Mỹ Phước Tây. Ngày Ðiều đền
nợ nước, tôi chưa ra trường, nhưng nghe tin này, tôi nguyền có
ngày tôi bắt được bất cứ thằng du kích nào trong cái khu oan
nghiệt kia, tôi sẽ cắt tiết nó như cắt tiết một con chó,
máu của nó, tôi sẽ tưới trên mộ anh để đền
bù cho cái xác không đầu mà gia đình anh cùng chúng tôi nhận
lại. Dù chưa thực hiện trọn lời nguyền này, nhưng trận
Long Khốt thuộc tiểu khu Kiến Tường, sát biên giới Miên mà tôi
cùng tham dự với Sư Ðoàn 7 Bộ Binh, đập tan mộng xâm lăng của
một Công trường lính chính quy VC từ bên này tỉnh Kiến
Tường, truy kích chúng sâu vào lãnh thổ của Căm Bốt. Cùng trận
đánh ở quận Ba Tri thuộc tiểu khu Kiến Hòa, mà phi hành đoàn
chúng tôi cùng với một liên đoàn Ðịa Phương Quân, đánh tan
nát cái trung đoàn Ðồng Tháp, có tiếng tập trung nhiều thành
phần trộm cắp, đâm cha giết chú ở thành phố, chạy trốn pháp
luật vào bưng. Bọn này cũng nổi danh hèn nhát hơn
chuột nhắt... Những chiến tích này, tôi âm thầm truy tặng cố
Th/Úy Liêu Quang Ðiều, Phi Ðoàn 116/ Không Ðoàn 74 Chiến Thuật/
Sư Ðoàn 4 Không Quân.
Tháng
3 năm 1974, tôi được đổi ra Phi Ðoàn 114/Không Ðoàn 62 CT/Sư
Ðoàn 2 KQ Nha Trang. Ngày 01 tháng 7 năm ấy, tôi nằm ở
Biệt đội Phù Cát. Bữa cơm chiều tuy đơn sơ mà "đạm bạc", quanh
quẩn vẫn là cơm sấy, thịt gà hộp kho với đủ thứ gia vị,
tùy hứng của người nấu. Món canh cũng vậy, lại cũng là
gà hộp nấu bắp cải! Gặp người anh em vui tính thì mặn như xào,
người khó tính thì phải bỏ muối vào cơm trước
khi chan canh!
Bạn đọc khó tính có thể thắc mắc là: "Ăn như vậy, thì tiền lương chắc để dành mua vàng?"...
Hỏi
như vậy là không biết một tí gì về đời Không Quân. Bữa chiều
phải ăn như thế, để bù cho những ngày rong chơi, đào kép,
bù cho những lúc cơm gà cá gỏi, sáng phở, trưa bia 33 cho đáng
mặt con nhà. Trừ các ông có gia đình, thì mụ vợ đã đếm
đi, đếm lại tiền lương rồi, còn gì mà hỏi.
Bữa cơm chiều trôi qua âm thầm nhưng đầm ấm. Ð/Úy An,
trưởng biệt đội vừa rửa bát vừa càu nhàu:
- Thằng
Vinh này, nói bao nhiêu lần rồi không chừa, nấu canh
cho người ăn mà nấu như nấu nước để tắm!.. Lần sau, trước khi
nấu, mày hỏi từng đứa một xem đứa nào ăn mấy bát canh
thì lấy bát mà đong. Ai đời có mấy người mà nấu canh đầy một
cái nắp chụp bom CBU thế này thì có bỏ mẹ người ta
không!...
- Tôi
có hỏi cẩn thận đấy chứ. Nhưng thằng nào cũng no bụng
đói con mắt nên mới ra nông nỗi này... Tr/Úy Vinh hùng hồn đáp
lại.
- Vâng
ạ! Ông nấu canh gì mà nhạt như nước ốc, heo nó ăn cũng
không được chứ nói gì đến tụi này!... Th/Úy Quang cay đắng
trả lời.
- Thôi
thôi, ngày mai ra mua nước lèo làm canh cho được việc,
cãi nhau chỉ tổ cho thiên hạ nó cười... Tiếng ông
Ð/Úy Dương, sĩ quan liên lạc điều không ở phi trường Phù Cát từ
tầng dưới vừa đi lên vừa nói... Hôm nay, tôi mời các
vị đi uống cà phê, nghe nhạc ở khu gia binh cho đỡ buồn được
không?
- Trời!... Nghe êm tai quá sức! Mọi người hớn hở đáp lời.
- Nhưng tao nói trước là tao chỉ mời cà phê thôi, còn thuốc lá thì thằng nào hút, thằng ấy đi mua nghe rõ chưa?
- Mày chơi vậy là coi không được rồi... Ð/Úy An vừa nói vừa kéo phẹc
mơ tuya áo bay.
- Tụi
bay thấy đó, tao mời tụi mày cà phê, thật ra thì tao
chỉ uống trà đá chanh đường, thuốc lá tao không biết hút mà phải
mua cho tụi bay hút, thì thật tụi mày là cha tao rồi!...
Tôi chặn lời của Ð/Úy Dương, nói:
- Anh
Dương à, tôi nói với anh chuyện này nghe qua rồi bỏ.
Tôi có thằng bạn cũng tên Dương, cùng khóa, ở cùng Phi Ðoàn. Nó
hay rủ tôi uống cà phê mà chẳng bao giờ mua thuốc lá cho tôi
hút. Anh biết nó mà? Nó lên bàn
thờ rồi đó!
- Mày
hù tao hở Dương?... Tao đâu có ngán mấy cái chuyện vặt
đó mày. Thôi được, tao mua thuốc cho tụi bay hút, nhưng hút một
gói thôi nghe?
Tôi thêm thuốc bồi vào câu chuyện:
- Thú
thật với anh chứ, cái tên Dương của tụi mình nghe không
hay ho gì đâu! Tháng trước, đào tôi từ Sàigòn ra thăm, không
biết thằng mất dạy nào viết thêm cái chữ "vật" vào ngay
sau tên tôi, trước cửa phòng, làm con đào khóc sướt mướt mấy
ngày!... Anh ..
chia sẻ với tôi cái bất hạnh này bằng gói ba số 5 chứ
ngượng gì nữa?!
- Hà
hà... Thằng này nói chuyện nghe tiếu lâm điếu chịu
được... Ð/Úy Dương cười khoái trá.
Ô kê, tao chi gói ba số 5... Thật ra thì hôm nay ngày Không
Quân tụi mình, thấy tụi mày nằm chèo queo nên tao mới ngu, bỏ
tiền ra làm mấy việc phước thiện. Lần sau thì không có
tao nghe tụi bay!
Ð/Úy An nghiêm giọng nói:
- Như
vậy thì lại càng không được, chẳng lẽ ngày Không Quân
mà uống cà phê, thuốc lá vặt thì coi không đẹp mặt Quân chủng tí
nào!... Mày tiếc gì với tụi tao vài chai 33 trong mấy ngày này
hở Dương?... Không biết mai mốt này, mày còn
uống được với tụi tao nữa không?
Ð/Úy Dương trợn mắt nói:
- Trời trời!!... Mày tính chuyện gì nữa đây An?
- Tao
lấy thí dụ, ngày mai đây, thằng Dương này cùng tên với
mày, nó đi đánh trận Bồng Sơn, lỡ SA 7 ăn nó thì mày còn cơ hội
để đãi 33 cho nó nữa không? Vả lại, mấy khi tụi mình
hội ngộ ngày Quân chủng này mày?
Tình
hình cứ như vậy mà phát triển, không lâu sau đó, chúng tôi
cùng nghiêng ngả trong một cái quán ở khu gia binh trong căn cứ
Không Quân Phù Cát, mọi chuyện tiền nong đã có Ð/Úy Dương,
người Không Quân hào hoa vui tính lo toan!...
Sau
ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi bị giặc đưa vào tù. Ngày tù về,
cuộc sống "hậu tù" này khiến tôi càng ngán ngẫm. Mồ mả
của đồng đội tôi bị lũ thú vật, khốn nạn đến tận cùng
của khốn nạn, chúng cày bới lên. Doanh trại ngày trước của Quân
đội chúng ta được
bọn trâu bò này tháo gỡ cẩn thận. Những thức chúng tháo
gỡ được, đem đổi thành cái xe đạp, cái máy thu thanh,hay cái
đồng hồ xanh xanh đỏ đỏ...
Ngày
Quân Lực và ngày Quân Chủng của chúng ta, phôi pha dần trong
trí nhớ của tôi, trước cơn bão của cơm áo tiền gạo, của cung
cách sống cho ra người giữa bọn thú vật. Vậy mà, quân thù
hèn mạt lại nhắc nhớ cái uy dũng của ngày Quân Lực 19 tháng 6 hộ
chúng tôi...
Khi
tòa thánh Vatican chính thức lấy ngày 19 tháng 6 làm ngày vinh
danh các thánh tử đạo của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, lũ cầm
đầu Việt cộng la toáng lên là Vatican cố tình chơi
chúng. Tại Sàigòn, chúng hốt hoảng tập trung chúng tôi, những
người tù cải tạo vừa được trả về với gia đình. Tại các
trụ sở công an Phường, chúng đọc lung tung các loại tài liệu,
văn kiện, nghị quyết của ai chẳng biết? Ðại khái là
Vatican muốn khôi phục lại Quân Lực VNCH, v..v. Nghe vậy, chúng
tôi phì cười và chợt hiểu ra rằng, lũ này chết nhát hơn mọi ..
con vật chết nhát trên đời này. Tôi nghĩ, chúng đã đào
mộ, bới mả anh em đồng đội chúng tôi, nay có lẽ vì sợ các anh em
chúng tôi hiện về, bóp cổ, cắt tiết bọn nó. Do vậy,
chúng la hoảng lên, khi Vatican chọn một ngày bình thường
nào đó để làm ngày kính nhớ các thánh tử đạo VN. Hóa ra,
Quân Lực VNCH chúng tôi tuy không còn hiện diện, nhưng cái uy
dũng hào hùng ngày trước, khi được nhắc đến, vẫn còn làm
cho bọn lãnh đạo của cả một cái đảng tối ưu việt, khi nghe đến,
hốt hoảng, sợ đến té đái, vãi phân, cuống cuồng tập
trung anh em chúng tôi lại, sau chợt nhớ là Quân Lực VNCH không
còn nữa, chúng mới trả anh em chúng tôi về lại với gia đình.
Một số người dân thành phố, trước đây bàng quang với
chúng tôi, nhờ VC mà họ chợt nhớ là ngày 19 tháng 06 là ngày
vinh danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Bao
nhiêu năm trôi qua rồi, những mảnh đời như vậy, mãi mãi sống
trong tôi, từ trong những ngày tù đầy đen tối, cho đến
bây giờ, nơi đất tha hương, hiu quạnh vắng vẻ này, tôi vẫn mộng
mị với những khoảnh khắc huy hoàng như thế. Ðồng đội
của tôi ngày xưa, và bây giờ, mãi mãi cũng như thế mà thôi. Mãi
mãi vẫn đậm đà trong trí tưởng của tôi. Có thể bây
giờ, chúng tôi xa nhau về không gian và thời gian, hoặc có thể
đã mất biệt nhau rồi! Nhưng chẳng thể nào quên được nhau, chẳng
quên được những đoạn đường đời vừa nói trên...
Dù
bây giờ, chẳng còn nữa con tàu và bầu trời quê nhà xanh ngát
thân yêu năm xưa, trong tôi, vẫn còn mãi những hình ảnh bất diệt
này. Trong quãng đời ly hương, lìa tổ quốc hôm nay,
bên những cay đắng nhọc nhằn, những hình ảnh này chưa bao giờ
ngọt ngào, yêu dấu đến như vậy. Trong bóng hoàng hôn
của cuộc đời, tôi chưa nguôi mối tình muôn thuở với Quân chủng
và đồng đội, vẫn tương tư những ngày quá khứ, những con
người yêu dấu muôn đời kia.
Chắc
chắn, khi rời bỏ cuộc
đời này, tôi chẳng mang theo được những gì hiện có, nhưng tôi
sẽ, và phải mang theo những hình ảnh, những tâm tưởng này.
Ðây sẽ là những bằng chứng để tôi xuất trình ra với các giới
chức có thẩm quyên ở bên kia thế giới, để xin được tìm
gặp lại đồng đội, tìm gặp lại mối tình với Quân chủng, vô cùng
yêu dấu nhưng dang dở ở đời này. Tôi cầu xin được như
vậy, ngay tự bây giờ, ngay trong lúc này.
Ðời
tôi chỉ có hai nghiệp duy nhất mà tôi nặng nợ, đó là bay bổng
và đánh giặc. Ngoài hai cái này ra, tôi không còn gì nữa!
Bác Ðẩu Phạm Phòng
Cựu Phi công của các Phi Ðoàn114, 116, 118.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét