Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Bộ trưởng Panetta thăm cảng Cam Ranh: Biểu tượng hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (P) tới sân bay quốc tế Cam Ranh, Việt Nam, 03/06/2012
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (P) tới sân bay quốc tế Cam Ranh, Việt Nam, 03/06/2012
REUTERS


Vừa sang Việt Nam ngày hôm nay, 03/06/2012 và trước khi có các cuộc hội đàm với các quan chức của chính quyền Hà Nội, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đi thăm cảng Cam Ranh, trong bối cảnh hai nước, vốn là cựu thù, đang tìm cách tăng cường hợp tác nhằm đối phó với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng, gây lo ngại cho nhiều quốc gia trong khu vực.
Đây là lần đầu tiên, kể từ khi cuộc xung đột quân sự ở Việt Nam kết thúc, năm 1975 một bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới cảng Cam Ranh. Chuyến thăm này, đương nhiên có sự chấp thuận và sắp xếp của phía Việt Nam, là một động thái mang tính biểu tượng rất cao, cho thấy rõ là quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước đang được cải thiện.

Cảng Cam Ranh nằm giữa dãy núi tây Việt Nam và Biển Đông, được đánh giá là cảng nước sâu tự nhiên tốt nhất khu vực Đông Nam Á.
Người Pháp đã xây cảng Cam Ranh từ thế kỷ 19 thành nơi đóng tàu. Sau khi được mở rộng, cảng này trở thành căn cứ quân sự.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, từ năm 1965, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã giao cảng Cam Ranh cho phía Mỹ quản lý. Đây là một trong ba quân cảng chủ chốt của quân đội Hoa Kỳ, nơi đồn trú của các phi đội tiêm kích và máy bay vận tải, cũng như của binh sĩ Mỹ.

Sau năm 1975, hải quân Liên Xô đã hiện diện tại cảng Cam Ranh. Năm 1979, Việt Nam cho hải quân Liên Xô thuê trong vòng 25 năm. Sau khi Liên Xô tan rã, hải quân Liên bang Nga, vào năm 2002, đã trả lại cảng này cho Việt Nam.

Từ đó, để tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh, chính quyền Hà Nội cho khai thác cảng Cam Ranh với mục đích thương mại. Tuy nhiên, trước việc Trung Quốc phát triển hải quân, tỏ thái độ hung hăng trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, vào cuối năm 2010, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến việc mở cửa, phát triển cảng Cam Ranh để đón tiếp tàu bè nước ngoài. Tất nhiên, về mặt chính thức, phía Việt Nam chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh thương mại của dự án này.

Do có vị trí địa lý quan trọng, cảng Cam Ranh đã lọt vào tầm ngắm của nhiều quốc gia có lợi ích thiết thân trong việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, khống chế toàn khu vực.

Theo thời báo Financial Times, ngoài Hoa Kỳ, hải quân của một số quốc gia khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và kể cả Nga đều quan tâm đến Cam Ranh.

Giới phân tích cho rằng, trước việc chính quyền Bắc Kinh hung hăng tuyên bố có chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, nhiều quốc gia trong vùng, tuy có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc về kinh tế, đã từng bước nhích lại gần Hoa Kỳ, trong số này có cả Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer cho biết, Hà Nội và Washington có thỏa thuận, theo đó, Việt Nam đồng ý đón nhận và tiến hành các sửa chữa nhỏ đối với các tàu phi tác chiến của Mỹ. Đa số các sửa chữa gần đây được thực hiện ở cảng Cam Ranh. Trong chuyến công du Việt Nam lần này, có thể bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Panetta sẽ thúc giục Việt Nam nên linh hoạt hơn trong việc áp dụng thỏa thuân nói trên.

Vào lúc Mỹ chuyển hướng chú ý sang châu Á và đặc biệt có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của hải quân ở trong vùng châu Á -Thái Bình Dương, thì cảng Cam Ranh là nơi lý tưởng đối với Washington.

Theo thẩm định của Trung tâm nghiên cứu chiến lược an ninh mới của Mỹ, một tổ chức được đánh giá là thân cận với tổng thống Barack Obama, được AFP trích dẫn, thì « Việt Nam là nước nắm giữ chiếc chìa khóa tạo thế cân bằng lực lượng trong khu vực Biển Đông. Nếu Việt Nam không kháng cự nổi trước đà gia tăng sức mạnh của Trung Quốc thì các quốc gia yếu hơn, ít cương quyết hơn như Philippines, có ít khả năng ngăn chặn được sự bành trước của Trung Quốc ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét