Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Xây dựng một cộng đồng vững mạnh

Huỳnh Quốc Bình

LTG: Bài viết này gồm những ý tình mà người viết được hân hạnh trình bày ở một số cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, khi được mời thuyết tình về vấn đề "xây dựng cộng đồng". Đây không phải là một bài nghiên cứu mà là suy tư của tác giả và xin viết ra với hy vọng có thể góp phần xây dựng cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại, là một cộng đồng đã từng quan tâm và có nhiều nỗ lực đấu tranh cho tự do dân chủ tại quê nhà. Dĩ nhiên bài này không thể bao gồm hết tất cả mọi vấn đề. Bài viết này KHÔNG dành cho những ai xem vấn đề sinh hoạt cộng đồng là "dính dấp đến chính trị". Bài viết này cũng KHÔNG dành cho những thành phần miệng thì nói thiêng liêng, nhưng bất chấp nỗi khổ đau của đồng bào Việt Nam tại quê nhà. Bài viết này cũng KHÔNG dành cho những ai ra vào Việt Nam như người ta "đi chợ", để xum xoe, bợ đỡ và móc ngoặc làm ăn với VC. (HQB)
***

I. Nhập đề:

Viết về một cộng đồng vững mạnh bằng cách đào sâu từng góc độ để phân tích những ưu, khuyết điểm, không phải là việc khó làm. Dù vậy, ít ai muốn viết, bởi sự tế nhị của vấn đề. Trong 37 năm qua sau khi rời Việt Nam lánh nạn VC, không ít người từng đưa ra những hình ảnh, mô thức "lý tưởng" về một cộng đồng vững mạnh tại hải ngoại, nhưng một kết quả không ngờ là khi nhìn vào thực tế thì lại quá xa vời với hình ảnh cộng đồng tốt đẹp mà nhiều người mơ tưởng. Và phản ứng thường gặp là: Thay vì cố gắng xây đắp cái hiện tại sao cho giống như hình ảnh mong ước thì người ta thường thất vọng và quay ra phiền trách, xa lánh cái cộng đồng "chưa đẹp" mà người ta vẫn thường gặp trong đời sống hàng ngày. Đó là lý do khiến tôi mạo muội trình bày công khai những nhận xét có tính cách chủ quan và đề nghị của mình. Đây là nhận xét được tích lũy từ nhiều năm tháng mà tôi có dịp rút tỉa từ nhiều thành phần đáng trọng trong cộng đồng suốt hơn ba Thập Niên qua. Đặc biệt là trong thời gian ba nhiệm kỳ, gồm tất cả sáu năm tôi được đồng hương Việt Nam tại Oregon, Hoa Kỳ, tín nhiệm trách vụ điều hợp các công tác trong cộng đồng, tôi đã được trải qua bằng những kinh nghiệm thực tiễn, vui buồn lẫn lộn. Nay tôi viết ra để hy vọng đóng góp chút ý kiến thô thiển với hoài bảo cùng nhau xây dựng một cộng đồng Việt Nam vững mạnh tại hải ngoại.

II. Đặc tính của cộng đồng:

1. Nếu muốn nói đến những hình ảnh hay những đặc tính của một cộng đồng vững mạnh, tôi xin nói ngay; đây chỉ là một loại cộng đồng tốt mà chúng ta có thể gặp được trong đời sống hôm nay, mà không cần mơ tưởng hay phải đợi tới "kiếp nào". Đối với tôi, nếu hình ảnh tích cực của một "cộng đồng vững mạnh" chưa có tại địa phương mình đi nữa, nhưng nếu mọi người cùng cố gắng xây dựng thì chắc chắn sẽ có được.

2. Vì cộng đồng Việt Nam là một cộng đồng tỵ nạn chính trị. Các thành viên trong cộng đồng hầu hết là những người bỏ nước ra đi vì không thể sống dưới sự cai trị độc tài, tàn bạo và vô nhận đạo của đảng VC. Cho nên mọi người phải ý thức rằng: trong sinh hoạt đấu tranh chính trị tại hải ngoại, không thiếu những thành phần luôn vổ ngực nhận mình là người "quốc gia", ban ngày hô hào chống cộng nhưng tối về lại "chăn gối với kẻ thù". Nếu có ai phản đối thì họ cho rằng người ta chống cộng quá khích, còn họ thì chống cộng theo kiểu văn minh, đúng theo "xu hướng thời đại".

3. Vì cộng đồng Việt Nam là một cộng đồng từng là nạn nhân của VC cho nên phải ý thức rằng: Bọn VC có dốt nhưng chúng không ngu. VC sẽ không bao giờ mang dép râu, đội nón cối, mang súng AK để tiếp xúc hay "tiếp cận" người Quốc Gia, mà chúng sẽ sử dụng các vỏ bọc "từ thiện", "văn hoá", "tôn giáo" v.v… Là những thứ được xem như "bất khả xâm phạm". Vì thế, ai mơ hồ về VC là lập tức trở thành nạn nhân của cái đám đảng cướp VC ngay.

4. Cộng đồng người Việt Quốc Gia muốn ngăn chận sự xâm nhập, phá hoại của VC, thì không thể "gian manh" như VC, nhưng dứt khoát phải khôn ngoan hơn cái gian manh của chúng nó.

5. Muốn xây dựng cộng đồng thì người người, nhà nhà, phải cùng đóng góp công sức chứ không thể ngồi một chỗ phê bình, lên án vu vơ mà việc xây dựng có thể thành công. Người ta lại càng không thể muốn người khác dấn thân xây dựng cộng đồng nhưng mình lại vô trách nhiệm, xem cộng đồng của mình tệ hơn anh hàng xóm người bản xứ, hoặc sử dụng cộng đồng của mình như cái "thùng rác" để mình có thể đổ những thứ không ra chi vào đó. Xa hơn nữa, người ta không thể mong đợi các bạn trẻ, con cái người khác phải dấn thân còn con mình chỉ chú tâm lo chuyện riêng, phải làm sao học cho nhanh, ra trường cho sớm với các mảnh bằng thật cao, kiếm công việc thật nhiều tiền, mua nhà thật lớn, chạy xe cho thật sang… rồi sau khi ăn nên làm ra, quay lại chê bay cộng đồng "nghèo khổ" của mình, để chứng tỏ mình là người có "văn hoá" hơn người.

6. Khi nói đến một cộng đồng vững mạnh, người ta thường nghĩ đến một cộng đồng có đông đảo thành viên, gồm nhiều thành phần khoa bảng, và nhiều giới thương gia giàu có, giống như cộng đồng Do Thái, Nhật Bản tại Hoa Kỳ v.v… Nhận xét nầy không sai, nhưng chưa hoàn toàn đúng. Vì nếu cộng đồng đó chưa khai thác được những ưu điểm, và mạnh dạn nhận ra những khuyết điểm để loại trừ khỏi môi trường sinh hoạt hằng ngày, thì cũng chưa phải là một cộng đồng vững mạnh. Đây không phải là lý thuyết, nhưng là một vấn đề thực tế mà chúng ta có thể thấy được. Thí dụ: Một cộng đồng có nhiều thành phần khoa bảng, nhưng lại không sử dụng kiến thức của mình để góp phần phục vụ cộng đồng, giúp nâng cao kiến thức tổng quát cho mọi người, thì đó mới chỉ là một cộng đồng có đông đảo những người có học vị cao, chứ không phải một cộng đồng có trình độ dân trí trội hơn cộng đồng bạn. Một cộng đồng có nhiều thương gia giàu có, nhưng chỉ chăm về quyền lợi riêng mình, mà không quan tâm đến việc đóng góp cho các công tác chung, thì cộng đồng đó chỉ là một cộng đồng có nhiều người có tài sản, chứ không phải là một cộng đồng có sức mạnh tài chánh. Trong những trường hợp này chúng ta có thể ví những nhân tố có thế giá trong cộng đồng giống như những viên kim cương nằm trong tủ sắt được khoá kín.

7. Một cộng đồng có nguồn tài chánh do mọi người đóng góp vào các sinh hoạt chung là điều đáng quý. Nhưng cá nhân nào có trách nhiệm chi thu tiền bạc phải luôn luôn minh bạch vấn đề tài chánh. Người trách nhiệm tài chánh phải luôn bị chi phối bởi một nhóm hay một ban khác được giao trách nhiệm soát sổ hằng năm và thông qua Ban Giám Sát hay Ban Chấp Hành cộng đồng. Người trách nhiệm tài chánh không thể "dỗi hờn" khi có ai thắc mắc về vấn đề tài chánh. Lại càng không thể bưng bít những khuyết điểm qua câu nói "chó sủa mặc chó, đường ta, ta cứ đi", hoặc "cây ngay không sợ chết đứng" v.v. và v.v….

8. Ngoài khối tài nguyên về nhân sự và vật chất, cũng như khả năng huy động những tài nguyên của mọi người để phục vụ cho cộng đồng, nó còn một số yếu tố khác như: tư thế đối với chính quyền địa phương, sự quan tâm mà chính quyền dành cho người Việt liên quan đến các quyền lợi mà mọi người được hưởng, hoặc được các cộng đồng bạn nể phục và có những trao đổi, hợp tác.

9. Cộng đồng cần có một Ban Đại Diện thật sự đủ tư cách và đạo đức. Không ai đòi hỏi những người tình nguyện phục vụ bất vụ lợi phải giống như hình ảnh các tu sĩ chân chính, phải có tài năng vượt bực hay thuộc loại "ba đầu, sáu tay" để có thể cáng đáng hết mọi việc, nhưng đứt khoát phải có tư cách và đạo đức thật. Người ta không thể phân biệt và nhân danh "trẻ" hay "già" để bịt tai không nghe ý kiến của nhau. Người trẻ giỏi về khoa học kỹ thuật, nhưng chắc chắn ông thể kinh nghiệm những thủ đoạn gian manh của VC giống như những cao niên. Các bậc cao niên kinh nghiệm đấu tranh với VC, nhưng không thể lấy kinh nghiệm đó mà "xoa đầu, đá đít" giới trẻ và xem thường khả năng hiểu biết của họ về luật lệ tại địa phương. Để đối dầu với VC, thành viên trong cộng đồng không thể chỉ dựa vào các bằng cấp cao mà phải bằng những kinh nghiệm xương máu. Chính vì đó, người ta cũng không thể vì nhân danh "tình nguyện làm công tác bất vụ lợi" rồi có thể ngang nhiên san bằng những điều lệ, tôn chỉ, hoặc nội quy… mà những sáng lập viên hay người đi trước bỏ công sức biên soạn, vun bồi và bảo vệ.

10. Một cộng đồng có những hoạt động hữu hiệu phải là một cộng đồng bắt buộc có các bộ phận hay cơ chế cần thiết để chi phối lẫn nhau. Các cơ chế này không thể tách rời nhau, đó là "Ban Tham Vấn" "Ban Chấp Hành",và "Ban Giám Sát". Cách vận hành của ba cơ chế này không khác chi ngành "lập pháp", "hành pháp" và "tư pháp" của các nước tự do dân chủ, điển hình là tại Hoa Kỳ. Ý niệm "checks and balances" trong sinh hoạt của một nước tự do dân chủ không phải để gây khó khăn nhau mà để bảo đảm không một bên nào có thể lộng quyền hoặc hành xử độc tài trong cách vận hành guồng máy quốc gia.

11. Vai trò tổng quát của từng ban (cơ chế) trong một tổ chức cộng đồng: Ban Tham Vấn (BTV) có trách nhiệm cố vấn và khích lệ Ban Chấp Hành thi hành các công tác chung một cách hiệu quả. BTV gồm những vị lãnh đạo các tôn giáo, các cựu chủ tịch, các nhân sĩ… do đương kim chủ tịch BCH mời làm cố vấn cho mình và BCH. Ban Chấp Hành (BCH), thi hành nội quy và điều hướng các công tác của cộng đồng bên cạnh sự cố vấn của BTV. Ban Chấp Hành chỉ đóng vai điều hợp chứ không phải một loại "ông trùm", hoặc chủ trương "bao thầu" hết tất cả công tác mà các tổ chức tôn giáo, hoặc hội ái hữu trong cộng đồng có thể làm được. Vì là một cộng đồng tỵ nạn chính trị, nên Ban Chấp Hành phải có đủ bản lĩnh để giữ vững ngọn cờ chống cộng tại địa phương. Ban Giám Sát (BGS) do cộng đồng đề cử và tuyển chọn chứ không phải do BCH chỉ định hay tự động lập ra. BGS có trách nhiệm quan sát, nhắc nhở BCH thi hành đúng nội quy và đường lối chung của cộng đồng. BGS không phải là cơ chế dành để gây khó khăn cho BCH. Trái lại BGS là bộ phận "lá chắn" để BCH an tâm thi hành công tác, mà không sợ phải làm sai đường lối hay nội quy của cộng đồng. Cộng đồng nào chưa có, hoặc có rồi mà dẹp bỏ thì nên thiết lập lại cơ chế quan trọng này. Có người ví von rằng Ban Giám Sát là ‘thần hộ mạng" của Ban Chấp Hành chứ không phải là "hung thần" khiến BCH phải e dè hoặc tìm cách loại trừ.

12. Ban đại diện cộng đồng là "mặt mũi" của các thành viên trong cộng đồng. Cho nên những hành động và lời nói của Ban Đại Diện, hoặc của vị Chủ Tịch luôn luôn phản ảnh trung thực tiếng nói và nguyện vọng của cộng đồng mình. Ban Đại Diện là của cộng đồng chứ không phải "tay sai" của bất cứ thế lực nào, đảng phái nào, tôn giáo nào, hoặc tổ chức nào trong cộng đồng. Ban Đại Diện chỉ hỗ trợ hoặc tham gia những công tác nào mang lại ích lợi chung cho cộng đồng mà thôi.

III. Sự đóng góp của các thành viên trong cộng đồng:

1. Để vun đắp những ưu điểm và cách vận hành nêu trên, một cộng đồng vững mạnh đầu tiên phải là một cộng đồng có được một số người thật sự quan tâm đến phúc lợi chung. Quan tâm đến phúc lợi chung, có nghĩa là không lợi dụng danh nghĩa cộng đồng cho mục đích cá nhân hay phe nhóm. Trong các sinh hoạt, mọi người cần có tinh thần hài hòa, luôn đãi nhau bằng sự tương kính. Ngoài ra, những nhân sự này cũng cần phải chấp nhận học hỏi văn minh của người bản xứ nhưng vẫn bảo tồn văn hoá của của dân tộc Việt, bảo vệ thanh danh của người Việt Nam và số người đó mỗi ngày phải một nhiều thêm lên.

2. Quan tâm đến phúc lợi chung chỉ mới là bước đầu và chúng ta cần biến những quan tâm thành những hành động cụ thể. Tuy nhiên không phải những ai có điều kiện đóng góp một cách cụ thể rồi tỏ ra quá khích, bắt mọi người phải bỏ công sức sinh hoạt xã hội giống như mình, hay phải chống cộng như cách của mình và nếu có ai không làm giống mình thì vội chụp mũ người ta là việt cộng, việt gian. Cũng không phải là cứ ồn ào trong hết cả mọi việc bằng những hành động có tính cách hình thức bên ngoài, bất chấp luật lệ, không để ý đến quyền lợi lâu dài, hành động như những thành phần "hiếu động xã hội" mà cứ tưởng là mình đang đóng góp công sức xây dựng một cộng đồng vững mạnh… cũng là điều nên tránh.

3. Bên cạnh những việc làm cụ thể và sinh hoạt hài hòa tương kính, chúng ta còn phải sẵn sàng bênh vực cho lẽ phải, tôn trọng công lý, và không lên án người khác một cách vu vơ hay loan truyền những lời đồn đãi tiêu cực, vô trách nhiệm . Phải dứt khoát hay loại bỏ lối nhìn chân chất thời xa xưa "không có lửa sao có khói" để không là công cụ cho những thủ đoạn xuyên tạc ma mãnh nhằm làm băng hoại xã hội, mà bọn VC hay những phần tử bất hảo của thời đại ngày nay thường áp dụng để làm nhụt chí những người có lòng với đồng bào, đất nước và dân tộc Việt Nam.

4. Dạy dỗ con cái nên người, làm gương cho con cái biết tôn trọng luật pháp quốc gia sở tại, cũng là việc làm góp phần xây dựng cộng đồng một cách tích cực và hữu hiệu. Bởi một cộng đồng được người dân bản xứ và các cộng đồng bạn tôn trọng phải là một cộng đồng có trình độ dân trí cao, biết tuân thủ luật pháp chứ không phải một tập thể "trí thức" giỏi "lách luật pháp", đến khi không còn "lách" nỗi thì vào tù hàng loạt. Hình ảnh giới khoa bảng người Việt phải đi tù và bị phạt vạ vì gian lận hằng trăm triệu Mỹ kim về "quyền lợi y tế công cộng" (public medical benefits) tại Hoa Kỳ; đặc biệt là Tiểu Bang California vào Thập Niên 80 và những năm gần đây mới thật sự đã làm xấu cộng đồng Việt Nam chứ không phải do giới trẻ vì thiếu sư dạy dỗ của cha mẹ nên đi ăn cắp vặt, mà ra.

5. Một cộng đồng có đông đảo thành viên nhiều tiền lắm bạc, nhưng trình độ hiểu biết hay cung cách giao tiếp với mọi người lại thiếu lịch thiệp cũng không làm cho người khác tôn trọng. Một cộng đồng có nhiều người làm giàu dễ dàng, nhanh chóng mà không đòi hỏi phải mất nhiều năm tháng học trong trường; và tuy là do tiền "mồ hôi nước mắt" và công sức của mình tạo ra; tuy nhiên, nếu không khéo sử dụng tiền bạc bằng cách chạy xe thật sang, nhà cửa thật nguy nga, nhưng tiền đóng thuế cho chính phủ không tương xứng với tài sản mình "phô trương" thì cũng nên xem lại. Vì sở thuế của chính quyền bản xứ chắc chắn họ không "ngu" mà do chưa đúng lúc họ ra tay mà thôi.

IV. Thế nào là vững mạnh?:

1. Muốn có một cộng đồng vững mạnh thì cũng cần khuyến khích mọi người sẵn sàng tiếp tay vào công việc chung trong tinh thần "không chê việc nhỏ, không bỏ việc lớn"… Và cũng phải ý thức rằng "vác ngà voi" là một việc làm không có thù lao, nhưng vẫn phải sẵn sàng đưa vai ra vác, vì "ngà voi" đó là tài sản chung của chúng ta. Không những thế, còn cần phải thản nhiên trước những xuyên tạc của một vài phần tử kém cỏi trong xã hội mà cha ông chúng ta đã có kinh nghiệm qua câu nói: "Làm được việc thì gièm pha nổi lên, đức cao thì chê bai kéo đến ". Chúng ta chỉ lên tiếng cáo trách một cách công khai và quyết liệt khi nào kẻ gian biến những người tử tế, từng có công với cộng đồng trỡ thành nạn nhân của chúng, chứ không cần phải đôi co với chúng theo kiểu "ăn miếng trả miếng" làm xáo trộn các sinh hoạt chung.

2. Để có một cộng đồng vững mạnh, phải làm sao có được nhiều người ý thức rằng mình đang được sống trong một xã hội công bằng và tự do, nên khi nghe nói về nỗi bất hạnh của người Việt hoặc nghe ai xúc phạm tới người Việt, phải biết xót xa hay tự thấy chính mình bị xúc phạm; và thái độ này phải trở thành một phản ứng chung của hết mọi người, kể cả những người luôn nói là "không muốn dính dấp đến chính trị". Chúng ta có thể chọn lựa "không làm chính trị" nhưng một người có lương tri không thể có thái độ "vô cảm" trước những điều quấy. Người ta đã nói: "Vận nước với con dân, hoặc Tổ Quốc với con dân cũng như cha mẹ và con cái, nên không thể từ bỏ được nhau". Do đó, ngoài vấn đề sinh hoạt tôn giáo, xã hội và văn hóa… một cộng đồng vững mạnh phải có nhiều người tích cực tham gia tranh đấu cho đến khi Việt Nam thật sự có Tự Do Dân Chủ.

3. Nếu có một ai đang sống đời sung túc, tự do tại hải ngoại và thử đặt mình trong hoàn cảnh của những nạn nhân đang sống đời nghèo đói và mất tự do tại Việt Nam ngày nay, thì mới nhận ra rằng tham gia tranh đấu là bổn phận của mọi người trong cộng đồng chứ không phải chỉ vì thù ghét VC rồi mới chống cộng. Bằng chứng là có những người rất thù ghét VC nhưng không tích cực chống cộng, trong khi có những bạn trẻ được sanh ra hoặc lớn lên tại hải ngoại nhưng lại rất tích cực chống cộng. Họ chống những bất công do chế độ VC tạo nên tại Việt Nam ngày nay, dù họ không hề có ân oán với chế độ VC hay từng thù ghét VC.

4. Khởi đầu bằng một lối nhìn thực tế như vậy, chúng ta sẽ thấy, để cộng đồng chúng ta trở thành vững mạnh, chỉ cần tìm ra những điều phúc lợi chung là những gì, và cố làm sao để con số những người quan tâm ngày một nhiều thêm. Nói đến đây, ngẫu nhiên chúng ta tìm ra một tiêu chuẩn khác của một cộng đồng vững mạnh. Đó là, vì muốn số người quan tâm ngày một nhiều thêm, chúng ta chẳng nên đòi hỏi người ta phải lập tức quan tâm tới đủ mọi vấn đề. Điều đó có nghĩa là cộng đồng chúng ta sẽ không đòi hỏi mọi người phải đóng góp, phải hy sinh bằng nhau, ngang nhau, mà chỉ cần quan tâm và dành ít nhiều công sức cho bất cứ một vấn đề nào có ích lợi chung cũng đã là đáng quý. Thí dụ: Chúng ta muốn nhìn thấy các bạn trẻ Việt Nam đọc được, viết khá và nói thông suốt tiếng Việt thì chúng ta phải tích cực hỗ trợ cho các Trung Tâm Việt Ngữ. Khả năng yếu kém tiếng Việt của giới trẻ tại hải ngoại là do hoàn cảnh chung, đó còn là trách nhiệm của các phụ huynh và những ai có lòng quan tâm đến việc duy trì tiếng Việt tại hải ngoại. Cho nên giới "am tường tiếng Việt" cần phải nghiêm chỉnh trong cách sửa chữa, xây dựng, để giúp cho các bạn trẻ tiến bộ về tiếng Việt, chứ không thể cợt đùa khi thấy những bạn trẻ ấy không sử dụng tiếng Mẹ đẻ rành rẽ như chúng ta mong muốn.

5. Trên một bình diện khác, có người lúc nào cũng thắc mắc là tại sao chính quyền địa phương không quan tâm đến quyền lợi của cộng đồng Việt Nam, nhưng chính họ không bao giờ tỏ ra quan tâm đến việc ghi danh tham gia các cuộc bầu cử, dù rằng chính người đó cũng biết chính giới ngoại quốc chỉ quan tâm đến quyền lợi của cộng đồng nào khi họ thấy được sức mạnh của cộng đồng đó được căn cứ vào số cử tri tham gia trong các mùa bầu cử . Cho nên người Việt Nam chúng ta phải triệt để khai thác sức mạnh này. Đồng thời khuyến khích, ủng hộ giới trẻ hoặc những nhân sĩ người Việt có khả năng ra tranh cử các chức vụ trong chính quyền, hầu trực tiếp tranh đấu cho quyền lợi của mọi người, để cộng đồng Việt Nam ngày thêm vững mạnh.

6. Trên đây chỉ là vài thí dụ cụ thể trong số rất nhiều vấn đề của cộng đồng chúng ta. Chìa khóa của sự đoàn kết giữa chúng ta là hãy cùng tìm ra đâu là những điều phúc lợi chung, hay đơn giản hơn, đâu là những điều chung mà chúng ta sẽ cố gắng xây đắp cho tốt hơn. Vì đơn giản như vậy, chúng ta đều nhìn ra là mình có chung một cội nguồn, chung một lịch sử, chung một nền văn hóa, chung một hoàn cảnh lưu lạc tới xứ này, chung một khung cảnh xã hội ngày hôm nay, và chung một nỗi ước mơ cho tương lai của con em chúng ta và chính chúng ta… Với chừng ấy điều chung đó, là những sợi dây kết chặt hay kết hợp khắng khít cộng đồng chúng ta; và vì quan tâm tới các khía cạnh chung đó, chúng ta dễ dàng tha thứ những gì lầm lỡ của nhau… Và dĩ nhiên, chúng ta chỉ tha thứ và bỏ qua những sai trái hay lầm lỡ cho những ai biết phục thiện hay ăn năn qua các hành động sám hối, chứ không phải cải chài cải cối hay đánh phủ đầu người hát hầu có thể chạy tội.

7. Sau khi đã tìm ra được những cái chung được nêu ở trên, việc còn lại là làm thế nào để phát huy những cái chung đó… May mắn là đã có nhiều người tiên phong, chúng ta chỉ cần chi tiết thêm, phong phú thêm từng vấn đề, thường xuyên đóng góp những ý kiến xây dựng trong tinh thần trong sáng, và nhất là làm sao thêm được nhiều cánh tay, khối óc.

V. Kết luận:

Nếu có ai đó trong chúng ta từng ca ngợi cộng đồng người Do Thái là đoàn kết; hoặc khen cộng đồng Nhật Bản, Trung Hoa, Đại Hàn, Cam-Bốt và Lào… là khắng khít, nhưng lại không tiếc lời chê bai chính cộng đồng của mình bằng những nhận xét khắc nghiệt thì cũng nên suy nghĩ lại. Thay vì chê bai, chúng ta nên tìm cách góp phần xây dựng cho tốt đẹp hơn, như ý mình mong muốn. Trong phạm vi bài này, người viết chỉ mong là khi nghĩ về một cộng đồng vững mạnh, người ta sẽ không đi tìm những điều tốt đẹp thái quá như đã được viết, hay nói, hay phóng đại về cộng đồng của một vài sắc dân nào đó, để rồi thất vọng, để rồi quay lại chê bai cộng đồng của mình. Nói tóm lại, một cộng đồng vững mạnh không phải tự nhiên mà có, mà cũng chẳng có thể đạt được bằng những lời chê bai hay thống trách. Vì một cộng đồng vững mạnh chỉ đạt được bằng những đóng góp nho nhỏ của mỗi cá nhân, trong bất kỳ lãnh vực nào để phát huy những cái chung của tập thể người Việt chúng ta. Một cộng đồng vững mạnh không phải là hình ảnh "thần tiên" cho nên không thể đòi hỏi cái gì cũng hoàn hảo, cái gì cũng thánh thiện. Tuy nhiên, nếu muốn có một cộng đồng vững mạnh thì yếu tố đoàn kết bằng những việc làm cụ thể vẫn là quan trọng để tất cả mọi người cùng quyết tâm đóng góp công sức cho các công tác chung, hầu cho hình ảnh "cộng đồng vững mạnh" không còn là một cái gì đó xa vời.

Huỳnh Quốc Bình
Viết xong lúc 3 giờ sáng ngày 18 tháng 7 năm 2012
P.O. Box 20361
Salem, OR 97307, USA

(503) 949-8752
huynhquocbinh
Ghi chú: Chúng tôi xin nhờ các cơ quan truyền thông của người Việt Tự Do tiếp tay quảng bá bài viết này và xin vui lòng giữ chi tiết liên lạc của tác giả để quý độc giả có thể phê bình, góp ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét