Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Lòng Mẹ

Truyện Ngắn Lễ Vu Lan

Bút Xuân Trần Đình Ngọc

         Hoàng thẫn thờ lấy cơm ra ăn một mình. Ăn cho xong bữa thôi chứ Hoàng không cảm thấy đói. Cái thai trong bụng cọ quậy khiến Hoàng lấy tay vỗ vỗ vào bụng mình. Hoàng nhỏ con đối với cái bầu quá lớn nên những tháng sau cùng nó làm Hoàng nặng nhọc kinh khủng, nhất là những ngày nhiệt độ lên tới hơn trăm độ, áp - pác - mân của Hoàng không có máy lạnh làm Hoàng muốn điên lên. Những lúc đó, giá có Lực ở bên cạnh...Lực mở quạt máy, Lực lấy khăn lạnh đắp vào mặt, vào cổ, vào tay Hoàng thì Hoàng lại cảm thấy dễ chịu ngay.
       
  Nhưng Lực đi đã hơn hai tuần khiến Hoàng ngày nào cũng đợi dài cả cổ. Hôm đi, Lực nói chỉ ở vài ngày tại San Jose, vài ngày tại San Francisco là lại về với Hoàng liền.
  Nhưng càng trông càng mất. Hoàng cũng không biết địa chỉ và số điện thoại của người bạn Lực đến thăm ở San Jose. Ngoài ra, Lực tới Mỹ chỉ có một mình. Lực không có cha mẹ, anh em hoặc bà con thân thuộc tại Mỹ ngoài một vài người bạn tại quận Orange, vì vậy kiếm ra Lực là cả một điều khó khăn.
  Hoàng yêu Lực và Hoàng cần Lực, nhất là trong lúc này vì Hoàng sắp sinh - đứa con của tình yêu - đứa con của Hoàng và Lực. Hoàng muốn khi đứa bé ra đời nó có cả cha và mẹ mặc dù cha mẹ nó chưa cưới hỏi, hôn thơ hôn thú gì nhưng trên thực tế, hai người đã yêu nhau và sống với nhau.
          
  Hoàng rời Sàigòn khoảng giữa năm 1981 trên một chiếc tầu đánh cá nhỏ cùng với hơn ba chục người xa lạ Hoàng chưa từng gặp bao giờ. Sau mười ngày lênh đênh, Hoàng tới Songkhla, ở đó ít tháng rồi được đưa qua Galang.
         Chính tại Galang, Hoàng quen Lực. Lúc đầu, Hoàng không chú ý mấy tới Lực vì đang buồn vì cảnh xa nhà, xa cha mẹ, anh chị em, nhưng lâu dần, vì Lực khéo biết tâm lý săn sóc Hoàng và Hoàng cũng cần có người bầu bạn tâm sự nên chẳng mấy lúc Hoàng trở nên thân thiết với Lực và yêu Lực hồi nào không hay.
       
   Người con gái sống bơ vơ trong một cái trại tị nạn thiếu thốn như những trại tại Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan... là cả một điều bi đát. Con trai có thể dễ sống vì con trai xông pha, tối đâu là nhà, ngả đâu là giường.
 
  Nhưng con gái khác. Con gái cần có một nếp sống ổn định hơn, cần có phòng ốc, nơi ăn chốn ở đàng hoàng hơn. Nếu không thì con gái khó sống hơn con trai. Hoàng ở trong hoàn cảnh đó. Như ở Galang, muốn có nước uống, người ta phải trèo dốc đến cả dặm. Sức con gái chân yếu tay mềm làm sao đương nổi? Đi lĩnh thực phẩm lại càng xa hơn. Rồi lúc khỏe đã vậy lúc ốm, hàng ngày nấu nướng giặt giũ, đi học, đi chợ v.v...nhất nhất người ta cần bạn bè chứ không thể sống cô độc một mình.
  Cô độc thì rất khổ, khổ cả tinh thần lẫn thể xác. Chính lúc đó là lúc Lực đến với Hoàng.    
       
   Lực nói rằng trước khi vượt biên, anh ta là thợ máy xe hơi ở Cần Thơ. Sang tới Mỹ, anh ta sẽ trở lại nghề thợ máy và sẽ có tiền lo cho Hoàng và cưới Hoàng. Lực còn vẽ ra những hình ảnh đẹp đẽ về một mái gia đình êm ấm có anh ta và Hoàng với vài đứa con bụ bẫm, xinh xắn.  Anh ta sẽ mua xe chở Hoàng và con đi chơi, sẽ để dành tiền trong nhà băng, sẽ sắm quần áo đẹp cho Hoàng, sẽ lo cho Hoàng tất cả mọi thứ cần thiết của đời sống. Nghe anh ta nói, Hoàng tin ngay vì

  Hoàng nghĩ anh ta thương Hoàng thực tình, vả lại con người bặt thiệp như thế, khéo léo và tháo vát như thế chắc chắn sẽ thành công tại xứ sở mới. Và Hoàng không ngần ngại trao thân cho anh ta mà không một chút tiếc nuối và nghi ngờ.
        
  Do hội LIRS bảo trợ với một gia đình người Mỹ đỡ đầu, Hoàng và Lực đã tới tiểu bang Washington tháng 8-82. Đây là một thành phố nhỏ - Colville - ở phía Bắc thành phố Spokane, cách biên giới Canada quãng 6 giờ lái. Tỉnh lẻ này dân số thưa thớt, sống bằng lâm và nông nghiệp.

  Người Việt Nam chỉ có ba gia đình kể cả gia đình Hoàng và Lực nhưng khi Hoàng và Lực tới mới được vài ngày thì một gia đình di chuyển đi. Hỏi đi đâu thì được trả lời: xuống Cali kẻo mấy ông già bà già sợ không qua được mùa lạnh này.
      
   Hoàng chán nản quá nhưng chẳng biết tính sao. Sự cô đơn và buồn vắng nơi tỉnh lẻ càng làm Hoàng thấy cần có Lực bên cạnh hơn.
        Hoàng muốn học Anh văn nhưng không có trường học. Hoàng chỉ học với ông bà bảo trợ và mấy người con của ông bà ta được chút nào thì được. Hoàng không nói được mà hễ mở miệng ra nói là mắc cở. Hoàng chỉ nghe được chút chút vài câu nói thông thường. Hoàng hi vọng Lực khá Anh văn hơn nàng nhưng rốt cuộc anh ta cũng như nàng mà thôi.
      
   Ban ngày, Lực theo mấy người con ông bảo trợ đi làm tại những cánh đồng trồng đậu, bắp, lúa mì v.v...Có khi phải dùng xe ủi phát quang cả một cánh rừng lớn. Còn Hoàng ở nhà làm việc với bà bảo trợ. Bà dạy Hoàng vắt sữa bò, lượm trứng gà để chờ người tới mua và vài công việc lặt vặt trong nhà. Mỗi khi Hoàng nói đúng một câu Anh văn, bà khen lấy khen để. Miệng bà lúc nào hình như cũng sẵn sàng để nói tiếng: "Good, good" làm Hoàng có cảm tưởng người Mỹ hay dở gì cũng khen. Mỗi sáng chủ nhật vào lúc 9 giờ, cả gia đình ông bà bảo trợ đi nhà thờ. Lẽ dĩ nhiên ông bà cũng mang Hoàng và Lực đi theo.
    
   Ngôi nhà thờ Tin lành nhỏ nhưng xinh xắn nằm trong một khu đất rộng cây cối xum xuê. Hoàng không biết tất cả trong "xứ đạo" này có bao nhiêu gia đình, nhưng một buổi "worship" như thế, Hoàng thấy chỉ có khoảng vài trăm người. Người nào cũng ăn mặc đẹp đẽ, sang trọng và cử chỉ lịch sự.     
      Hôm đầu Hoàng và Lực tới, hầu như cả nhà thờ chú ý tới Hoàng và Lực và lúc "worship" xong, họ tới hỏi han nàng rối rít.
      
       Sau buổi lễ nào cũng có cà phê, đâu - nất và chuyện vãn. Trong cái tỉnh lẻ buồn bã này - Hoàng nghĩ - họ có còn cái gì để "en - doi" hơn nữa đâu? Nhưng khổ một nỗi, lần nào Hoàng cũng gặp những khuôn mặt đó, những gia đình đó, mới gặp họ ít lần mà Hoàng đã thấy nhàm chán đến nỗi nhiều lần vì nể ông bà bảo trợ mà đi chứ thực tình, Hoàng không muốn đi nhà thờ nữa. Có lẽ không phải vì Hoàng không muốn gặp những gia đình Mỹ này. Họ tử tế và rất dễ thương với Hoàng. Nhưng tâm trạng chán nản chính là vì cái không khí u tịch quá, buồn vắng quá, xa xôi quá với con người Việt Nam của Hoàng.
     
        Nhiều đêm, khi Lực đã lăn quay ra ngủ một cách ngon lành thì Hoàng vẫn còn thao thức. Hoàng nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ các chị các em, nhớ con đường Cao Thắng với rạp xi nê Đại Đồng ở gần nhà Hoàng, nhớ trường tiểu học Bàn Cờ, trường trung học Hậu Giang mà Hoàng đã học cho đến hết lớp 12. Hoàng nhớ những lần đi chợ Bến Thành với mẹ được mẹ đưa vào mấy quán nem nướng, chả giò gọi cho ăn. Hoàng nhớ Sàigòn. Nhớ Thông, một người bạn trai cùng lớp với Hoàng ở Hậu Giang. Thông đã viết thư bỏ vào cặp Hoàng với những gói ô - mai lúc đó Hoàng rất thích. Thông đã rủ Hoàng đi chơi, đi xi nê Đại Đồng nhưng Hoàng chưa một lần nhận lời và chỉ mới đứng nói chuyện với Thông vài lần trong sân chơi. Tình cảm với Thông chưa có gì sâu đậm mặc dầu Hoàng công nhận rằng Thông có nhiều điểm đáng để Hoàng lưu ý.
     
  Mối buồn phiền của Hoàng là không biết bây giờ ba má và các em ra sao, có được khỏe mạnh không. Nghĩ đến ba Hoàng hàng ngày phải vật lộn quần quật với chiếc xe ba bánh và mẹ Hoàng thì buôn thúng bán mẹt ở chợ để đắp đổi qua ngày nuôi các em, nước mắt Hoàng tự nhiên ứa ra. Dù làm ăn cực nhọc và kiếm tiền khó khăn như thế , ba má vẫn lo cho Hoàng đi với sở phí là hai cây vàng, số tiền góp nhóp đã từ lâu cộng với vài ba nơi mẹ Hoàng hỏi vay vỏ. Sở dĩ ba má Hoàng lo cho Hoàng đi trước các anh chị em khác vì ông bà cho rằng Hoàng học giỏi, thông minh, có chí và ngoan ngoãn. Hoàng đi được tất nhiên sau này Hoàng sẽ gởi tiền về lo cho các anh chị và em của Hoàng đi.    Vậy mà giờ này, Hoàng nằm đây, trong một gia đình người Mỹ xa lạ, bên cạnh một anh con trai không thấy có một chút tương lai gì. Mà chính Hoàng, Hoàng cũng không thấy có tia sáng nào trong cái tương lai tối đen của Hoàng.
      
   Hoàng nấc lên. Nàng phải nắm chặt hai tay để chặn tiếng khóc chực òa ra. Lực thấy động đậy chợt thức giấc. Anh ta ôm lấy Hoàng và hỏi Hoàng trong cơn ngái ngủ:"Cái gì Hoàng? Ngủ đi, ngủ đi" Hoàng giấu mặt mình vào gối. Chiếc gối đã ướt đẫm. Rồi Hoàng mệt quá, thiếp đi.
        Chỉ một tháng sau, người ta thấy Hoàng và Lực đã ở Cali. Buồn và lạnh quá, sống mãi như thế làm sao được?
    
     Lúc Hoàng ăn cơm xong thì mặt trời gần lặn. Những người đi làm đã về nhà. Bãi đậu của cư xá không còn một chỗ trống. Tiếng nhạc ồn ào từ một căn phòng người Mễ phát ra nghe điếc tai. Vài đứa trẻ con Việt Nam giỡn chơi trên sân cỏ với mấy đứa trẻ Mỹ. Trời cuối tháng tám nóng gay gắt. Trông ngọn cây cũng thấy có gió thổi nhưng gió chỉ càng đưa thêm cái nóng tới.
       
    Bà cụ Viên và hai đứa cháu "se" phòng với Hoàng chưa thấy về. Có lẽ bà còn ghé vào nhà bà cụ Tâm chơi. Hoàng mở nhạc nghe, bật cái quạt máy cho chạy nhỏ đi rồi đứng trong bếp rửa bát.
     
    Lúc Hoàng rửa gần xong đống bát bỗng Hoàng cảm thấy đau nhói lên trong bụng. Mồ hôi Hoàng vã ra. Hoàng phải bỏ đống chén rửa dở đó lại sofa ngồi. Hoàng ôm bụng, rên khe khẽ. Rồi Hoàng nằm vật ra sofa, tay ôm bụng, thở dốc.
    
    Có lẻ mình sanh ngay chăng - Hoàng sợ hãi nghĩ thầm. Sanh bây giờ chẳng có ai lo cho Hoàng, ngay cái chuyện dễ dàng là chở vào nhà thương. Hoàng không có bạn bè thân thuộc ở đây. Tất cả mọi chuyện, nhất là vấn đề di chuyển, Hoàng hoàn toàn trông vào Lực. Mà Lực giờ này vẫn chưa về. Con người thật tệ. Từ ngày biết Hoàng đã có thai, Lực có vẻ đổi khác. Hắn không săn sóc nàng như trước mà còn thờ ơ với nàng. Mỗi lần đi bác sĩ khám, hắn chỉ lấy cớ để khỏi chở Hoàng đi. Nhưng Hoàng biết đi bằng cái gì? Bụng to quá, Hoàng sợ phải đi xe bus. Dừng lại nhiều chỗ và chờ đợi làm Hoàng mệt muốn ngất xỉu. Vậy mà hắn vẫn không muốn chở nàng dù hắn có cái xe cũ nhà thờ Colvilla cho hắn và Hoàng.
     
    Nhớ tháng đầu tiên khi Hoàng báo tin cho hắn là Hoàng đã có thai, hắn trợn mắt nắm lấy vai nàng lắc lắc:
       " Làm sao em lại có bầu? Thật không? Thật không?"
       Hoàng bảo hắn:
       "Thế anh không muốn em có con sao?"    Hắn trả lời:
       "Con với cái gì, ăn welfare khổ quá, công ăn việc làm chưa có, sanh ra rồi chết cả lũ với nhau sao?"
       Hoàng hơi giận, bảo hắn:
       " Thì tự anh chứ tự em à? em có nói với anh khéo kẻo em có bầu đấy nhưng anh không nghe. Giờ anh còn trách em!"
       Hắn gắt với Hoàng:
       " Là đàn bà em phải biết giữ gìn mấy chuyện đó chứ. Đàn ông anh hứng bất tử anh biết đâu. Thôi câm cái miệng lại."
     
    Hoàng chỉ còn cách nằm vật ra giường và khóc.
 Cửa chợt mở. Bà cụ Viên đã về. Bà sà vào bên Hoàng để tay lên bụng Hoàng:
    “Nếu đau nhiều từng cơn là sắp sanh. Phải đi nhà thương đấy.”
      Hoàng nhăn nhó:
       “Nó đau từng cơn cụ ạ. Con nghi chắc con sanh. Cụ làm cách gì cho con đi nhà thương được không?”
       “ Để tôi kêu bác Tiện bác đưa xe sang đây.  Nhà bác cũng ở trong cư xá này.”
      
   Rồi bà cụ lại điện thoại lần mò quay số. Chỉ mấy phút sau Hoàng được vực lên xe và chở ngay vào nhà thương. Hoàng sinh con gái, đứa bé lớn đến gần bảy pao. Sau ba ngày, Hoàng được về nhà. Không ai đến săn sóc và thăm nom Hoàng ngoài bà cụ Viên và hai đứa cháu.

* * *
       
   Bé Hạnh đã được ba tháng, Hoàng cũng khỏe mạnh lại nhưng Lực thì bặt tăm.
         Lúc ở với Hoàng, Lực vẫn lãnh trợ cấp xã hội vì vậy Hoàng đã nhờ người hỏi worker của Lực xem anh ta di chuyển đi đâu. Người worker trả lời anh ta tự ý xin cắt trợ cấp, không nói còn ở lại đây hay sẽ đi đâu. Dò la trong đám bạn bè của Lực, không một ai cho Hoàng biết Lực đi đâu. Tuy nhiên, có người lại nói anh ta vẫn còn lẩn quẩn ở vùng này vì chính mắt họ có nhìn thấy anh ta mới đây trong một ngôi chợ. Hoàng đành chịu thua.
       
    Hoàng càng nghĩ càng giận con người phụ bạc. Sao trước kia anh ta nói ngon nói ngọt với Hoàng mà bây giờ anh ta là con người đểu cáng và nhẫn tâm đến như thế? Bé Hạnh là giọt máu của anh ta, anh ta cũng không thèm nhìn. Lúc Hoàng đi sanh thập tử nhất sinh, anh ta cũng không thèm ngó. Mà bảo rằng sinh bé Hạnh ra là một gánh nặng cho anh ta nên anh ta trốn thì đã đành. Đàng này, nếu hai vợ chồng có con nhỏ chưa đi làm được thì vẫn có trợ cấp xã hội cơ mà.        Vậy ra anh ta chỉ có mục đích là lừa gạt Hoàng, coi Hoàng như món đồ giải trí mà thôi.
     
     Hoàng uất lên đến tận cổ. Công ơn dưỡng dục của cha mẹ chưa một ngày đền đáp, hi vọng của cha mẹ lúc gởi Hoàng ra đi giờ cũng tiêu tan, đám anh chị em Hoàng giờ này chắc đang rủa thầm Hoàng, sang đến đây được sung sướng quên hết cha mẹ anh chị em. Lại còn món nợ mẹ vay cho Hoàng đi. Chắc gì giờ này bà đã có để trả cho người ta. Hoàng thấy lòng mình tan nát, nhiều lúc chỉ muốn chết cho rảnh.
     
    Ý nghĩ lấy cái chết để rửa sạch uất hận càng ngày càng rõ rệt trong đầu óc Hoàng. Hoàng thấy mình chán sống, sống vô dụng, vô vị. Hoàng tự cho mình có tội với gia đình vì đã phụ lòng cha mẹ, anh chị em. Hoàng nghĩ mình cũng có lỗi với bản thân vì đã buông thả, đã quá tin người. Hoàng khóc hoài, khóc đến sưng cả mắt. Một bưã, cụ Viên chợt nhìn thấy mắt Hoàng sưng húp lên và đỏ hoe, cụ hỏi:
        “Mắt cô Hoàng làm sao sưng lên vậy, mà lại đỏ nữa?”
        Hoàng phải nói dối:
        “ Con bị cái bụi nó vào mắt sáng nay. Dụi tay nó đỏ lên đấy cụ.”
        Bà cụ Viên vẫn nghi ngờ:
        “ Không, nó không có đỏ không mà nó còn sưng lắm. Cô đừng có khóc nữa. Con người tệ bạc bất nhân như thế thì nó đi là phải rồi. Cô đừng thương tiếc nó nữa.”
        Hoàng vội nói:
        “ Không, con nghe lời bà. . Con có thương tiếc cái con người sở khanh đó đâu.”
        Rồi Hoàng nói lảng sang chuyện khác.
    
     Một lần, Hoàng hỏi cụ Viên:
       “Cụ ơi, thí dụ như con có làm sao mà chết thì Chính phủ người ta có nuôi con con không?”
        Bà cụ Viên nhìn Hoàng:
        “ Cô chỉ nói dại dột. Làm sao mà cô chết? Chắc rằng mẹ chết thì Chính phủ người ta phải lo cho đứa con chứ.”
        Nghe bà cụ nói, Hoàng càng vững dạ. Người ta ai cũng một lần chết. Chết trước khỏi chết sau. Chết như một giấc ngủ thì nhẹ nhàng sung sướng biết bao. Trút hết được mọi phiền não, tức giận, đau buồn. Trút hết được mọi day dứt, đớn đau. Còn bé Hạnh, chắc chắn sẽ có Chánh phủ nuôi nó. Lớn lên, nó sẽ ở với một bà Mỹ giàu lòng bác ái. Nó sẽ được đi học và nên người hữu dụng cho xã hội sau này. Có thể nó sẽ không biết mẹ nó là ai hoặc lầm tưởng bà Mỹ là mẹ nó. Thế cũng được. Vì nó càng biết mẹ ruột nó trốn trách nhiệm với nó, nó sẽ oán hận Hoàng.
    
    Điều cần thiết là Hoàng phải viết thư cho ba má Hoàng kể rõ tự sự và xin ba má tha cho tội bất hiếu. Và một lá thư khác để lại cho bà cụ Viên nhờ cụ gởi giùm bé Hạnh vào viện mồ côi sau khi Hoàng chết. Về phương tiện để chết, Hoàng đã nhờ một người quen mua dùm từ bên Mễ một tuýp thuốc ngủ loại mạnh. Với hai chục viên này, Hoàng nghĩ chắc sẽ được toại nguyện.
     
    Một buổi chiều, cụ Viên và hai đứa cháu vắng nhà. Hoàng nghĩ đã đến lúc viết thư, nàng lấy giấy bút ra bàn ngồi. Nàng bắt đầu viết cho cha mẹ. Lá thư như sau:

Orange, ngày tháng năm
 Kính thưa Ba Má,
 Con viết thư này để tạ tội với ba má vì từ ngày con được ba má cho đi ra nước ngoài, con đã làm nhiều điều đau lòng ba má cũng như phụ lòng mong mỏi của gia đình.
 Con đã ăn ở với một người có một đứa con nay đã được hơn ba tháng nhưng anh ta đã bỏ con ra đi từ ngày con sanh cháu. Con buồn khổ lắm nhưng vì không làm hôn thơ hôn thú gì nên con chẳng biết phải làm sao.   Hoàn cảnh con từ ngày ra đi thật bi đát, ba má ạ. Chính trong thời gian con bơ vơ đơn chiếc, lạ lùng bỡ ngỡ mà anh ta đã mê hoặc được con.
        Bây giờ con biết ra thì mọi chuyện đã rồi, con buồn khổ vì bị phụ bạc, con con không có cha. Con cũng buồn khổ vì từ ngày đi đã hơn 2 năm, con chưa giúp đỡ ba má và gia đình được chút gì, con cũng chưa học hành được gì cho bản thân con.
        Con biết ba má vất vả vì con nhiều, con chưa đền đáp được chút gì. Lòng con đau đớn và ân hận lắm. Xin ba má đừng buồn vì con mà hãy tha tội bất hiếu cho con.
        Sau lá thư này, chẳng bao giờ ba má còn nhận được thư con nữa vì con đã nhất định lấy cái chết để rửa sạch những ân hận, dày vò, đau đớn, nhục nhã. Con của con - bé Hạnh - sẽ được Chánh phủ nuôi dưỡng tử tế, sau này ắt nó sẽ nên người hữu dụng hơn con.
        Xin ba má và các anh, các chị, các em đừng nhắc đến tên con nữa. Cả nhà cứ coi như con chưa từng bao giờ ra đời. Con xin vĩnh biệt ba má và cả nhà. Cho con hôn bé Vân một ngàn cái.
        Đứa con khốn khổ của ba má.
              
                VŨ THỊ HOÀNG
       
    Hoàng vừa viết vừa khóc ngất. Nước mắt Hoàng rơi lã chã xuống mặt giấy làm lá thư nhòe nhoẹt, ướt sũng.
       Bé Hạnh bỗng nhiên giật mình khóc thét lên. Hoàng vội chạy lại bế nó lên và ôm lấy nó:
       “ Mẹ đây, mẹ đây Hạnh. Không có gì phải sợ. Có mẹ đây...”
        Con bé hình như đang mơ cái gì. Mặc dầu Hoàng đã bế và nựng nó, nó vẫn tấm tức khóc, mặt nhăn lại. Hoàng phải dỗ thêm một lúc nữa, nó mới ngủ yên. Hoàng ôm con ra bàn, lại tiếp tục viết lá thư cho cụ Viên.

Orange, ngày tháng năm
 Kính gởi cụ Viên,
        Như cụ rõ, con đã bị đau khổ dày vò từ bao lâu nay. Nghe lời cụ khuyên bảo, con không còn tiếc nuối gì con người tệ bạc và nhẫn tâm nhưng con buồn quá cụ ạ. Con phụ công ơn cha mẹ con, phụ lòng mong mỏi các anh chị em con. Và cũng vì sự ngu dại của con, con đã cho ra đời một đứa con chẳng biết cha nó là ai.
        Cuộc đời con chẳng còn gì, con nghĩ chỉ có cái chết mới giải thoát cho con mà thôi. Sau khi con chết rồi, xin cụ vui lòng nhờ ai gọi cho "uốc-cơ" của con để họ gởi bé Hạnh vào Cô nhi viện. Con nghĩ bé Hạnh sẽ được nuôi nấng tử tế và nên người sau này.
        Từ ngày đến đây ở với cụ, con được cụ thương săn sóc giúp đỡ con như con ruột của cụ. Con chẳng biết lấy gì trả ơn cụ, chỉ xin Trời Phật độ trì cụ được mọi điều lành. Con xin gởi bé Hạnh lại cho cụ.
        Vĩnh biệt cụ và hai em Trân, Bảo.
                    
                   VŨ THỊ HOÀNG
       
   Hoàng đặt con lại nôi rồi lấy hai cái bì thư bỏ từng lá vào. Một lá Hoàng đề gởi cho ba Hoàng và một lá đề tên cụ Viên. Hoàng không quên dán hai con tem trên lá thư gởi về Việt Nam đồng thời viết thêm vào bên dưới lá thư của cụ Viên: "Tái bút. Xin cụ vui lòng bỏ dùm lá thư con gởi cho ba má con đây vào thùng thư. Cám ơn cụ ".
       
   Xong Hoàng đặt cả hai lá thư trên bàn,lấy cái bình hoa chận lên rồi lại tủ lạnh rót một ly nước lạnh thật đầy.
     
    Hoàng đến ngăn kéo đựng thuốc lấy ra tuýp thuốc ngủ. Tuýp thuốc sơn mầu trắng, chữ xanh lá cây thẫm trông rất đẹp, Hoàng ngắm nghía tuýp thuốc nghĩ thầm, với những viên thuốc này, chỉ nửa giờ nữa mình sẽ không còn biết gì, cảm thấy gì.
    
     Hoàng nhìn lại bé Hạnh. Con bé vẫn ngủ yên trong nôi.
       "Thôi nhé, mẹ vĩnh biệt Hạnh của mẹ. Mẹ không thể sống đau đớn dày vò như thế này mãi được. Bé Hạnh hiểu cho mẹ".
        Nghĩ đến phải xa con, không bao giờ còn được nhìn lại con, Hoàng đứt từng khúc ruột. Hoàng mím môi lại, nước mắt trào ra. Sự buồn khổ đau đớn vì xa con tuy to lớn nhưng vẫn không thắng được nỗi chán sống, sự uất hận và nhục nhã gây nên ý tưởng quyên sinh.
        "Con mình sẽ có Chánh phủ nuôi. Mình chết đi cho nhẹ nhõm mát mẻ", Hoàng lẩm bẩm một mình.
     
     Chợt có tiếng gõ cửa. Hoàng sợ hãi giấu ống thuốc đi rồi vạch màn gió xem có phải cụ Viên về không . Nhưng không phải. Đó chỉ là vài đứa trẻ Mễ hàng xóm nghịch bậy bạ rồi chạy đi.
         Hoàng khép kín màn cửa trở lại bàn ngồi, ly nước và ống thuốc để trước mặt. Hoàng bỗng cảm thấy cổ họng khô và đắng nghét. Mấy hôm nay lo nghĩ nhiều, ăn uống không ra sao, Hoàng muốn bệnh. Đưa ly nước lên môi uống một ngụm nhỏ, nước mát lạnh trong cổ làm Hoàng dễ chịu và tỉnh táo.  Rồi Hoàng mở nắp tuýp thuốc ra. Những viên thuốc tròn mầu xanh trứng sáo xinh xinh. Hoàng nghĩ sẽ nuốt từng viên một, chiêu với nước, cho đến viên thứ hai mươi, nghĩa là hết cả tuýp thì Hoàng lại nằm ôm bé Hạnh để chờ chết. Chết trong khi đang ôm con cũng sung sướng chứ, có gì khổ đâu, Hoàng nghĩ.
     
     Một tay cầm ly nước, tay kia nhón lấy một viên. Hoàng đang sắp bỏ viên thuốc vào miệng thì bỗng có tiếng còi xe hơi thật lớn ở dưới sân cư xá. Tiếng còi làm bé Hạnh giật mình thức dậy. Nó khóc thét lên, tay chân quờ quạng trong nôi. Hoàng vội bỏ viên thuốc và ly nước xuống mặt bàn, chạy lại với con. Hoàng tính để bé Hạnh nằm nguyên trong nôi, chỉ lấy tay vỗ nhẹ vào mông cho nó ngủ tiếp nhưng nó vẫn khóc, không chịu ngủ. Hoàng đành phải bế bé Hạnh lên, đưa nó lại giường. Nàng nằm xuống giường ôm lấy con, miệng ru tay vỗ một lúc bé Hạnh mới ngủ lại.
     
     Hoàng nhìn con. Con bé mới mũm mĩm dễ thương làm sao! Da nó trắng như trứng gà bóc. Khuôn mặt nó y như khuôn mặt Hoàng và mỗi khi nó thức, đôi mắt to đen của nó mở ra nhìn Hoàng không chớp trong khi cái miệng tươi hồng toét ra cười với Hoàng. Mới bốn tháng nó đã khôn đáo để, Hoàng nghĩ.   Vậy mà bây giờ Hoàng sắp bỏ nó, Hoàng để nó chơ vơ một mình trên cái cõi đời nhiều đau khổ, gian nan này.
        Rồi ai lo cho nó, săn sóc nó? Viện mồ côi không phải là chỗ cho bé Hạnh vào. Ai cho bé Hạnh ăn? Ai cho bé Hạnh uống? Ai dắt nó đi chơi? Ai đưa nó đi học, ai lo cho suốt cuộc đời của nó?
     
     Không ai hết, ngoại trừ mình vì mình là mẹ nó. Nếu không có mình, nó sẽ khổ. Nó sẽ khổ suốt đời. Sẽ như những đứa trẻ mồ côi, sẽ như những đứa trẻ sống ngoài lề xã hội.
       
     Hoàng rùng mình khi nghĩ bé Hạnh sẽ khổ, sẽ bơ vơ, thiếu thốn, sẽ bị hất hủi, bạc đãi, đói lạnh.
         Hoàng nhìn chằm chằm vào mặt con thật lâu rồi bật lên khóc. Không lẽ đời mình đã khổ sở, mình lại để cho con khổ nữa sao. "Không thể được, không thể được"
      
    Hoàng nói như quát khiến bé Hạnh lại giật mình. Nó quơ chân quơ tay rúc đầu vào ngực Hoàng. Hoàng ôm nó thật chặt, giọng nghẹn ngào:
      “ Con của mẹ, bé Hạnh của mẹ! Mẹ thương con nhiều. Mẹ không bỏ con mẹ đi nữa đâu. Mẹ sẽ ở với con suốt đời, dù đời mẹ có trăm ngàn cay đắng.”
         Hoàng khóc lớn. Bé Hạnh cũng khóc. Nó bị quấy rầy giấc ngủ nên khó chịu. Rồi Hoàng hôn tới tấp vào mặt nó, vào tay, vào chân, vào ngực, vào vai nó. Nước mắt Hoàng làm ướt đẫm mặt con bé khiến nó càng khóc. Hoàng vạch áo nhét vú vào miệng nó. Con bé ngậm chặt lấy vú mẹ nút từng hơi dài. Hoàng nằm yên cho con bú, tay vỗ nhè nhẹ lên mông cho nó ngủ tiếp.
        "Thôi , tôi không thể chết. Tôi không thể bỏ con tôi dù cuộc đời khốn nạn, đau khổ đến thế nào. Tôi phải vì con mà sống. Tôi không thể để nó khổ, tôi không thể để nó bơ vơ. Tội nghiệp nó lắm".
       
    Ý tưởng quyên sinh đến với Hoàng lúc trước mạnh bao nhiêu thì bây giờ tiêu tan đi cũng dễ dàng bấy nhiêu như lớp sương mù dưới ánh mặt trời.
      
    Mãi đến sẩm tối cụ Viên mới về. Cụ thấy hai mẹ con Hoàng ôm nhau nằm ngủ mà mặt bàn hai, ba lá thư với giấy trắng, thuốc viên tùm lum. Cụ lẩm bẩm:
 - Lại viết thư cho cái thằng chết tiệt đó hẳn thôi. Mà thuốc men gì vung vãi cả ra đây vậy?

                      
             Bút Xuân TRẦN ÐÌNH NGỌC
   (Trích  «Những Con Dốc Đứng» xuất bản Đông A, 16 truyện,  1999)
Sách Mới : « Tình Mẹ Con » 17 truyện, 360 trang, Tập Thơ « Sau Giờ Kinh Chiều » thơ PhụngVụ,liên lạc : Julie.nb.tran@gmail.com  hoặc 714-362-6037

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét