Chu Thập
“Cậu
Chó” là tên tôi đặt cho con chó “mất dậy” bên nhà ông hàng xóm của tôi.
Thật ra, đây chẳng phải là một danh xưng do tôi chế ra. Tôi đã “đạo”
được từ ít nhứt một quyển tiểu thuyết và một truyện ngắn.
Trước năm 1975, trên một tờ nhựt báo mà tôi không nhớ rõ tên, mỗi ngày tôi đều đọc được một trang
của truyện dài có tựa đề “Cậu Chó” của nhà văn Trần Đức Lai. Không rõ có phải là một câu chuyện có thật không, nhưng trong những dòng mở đầu, tác giả viết rằng “cách
đây không lâu những ai đã từng ở Huế đều biết tiếng hoặc đã từng nghe
thiên hạ kể chuyện Cậu Chó của giòng dõi họ Hồ Nhứt Phẩm triều đình,
thân làm Quan Quốc Trượng (Cha vợ Vua). Giòng họ thuộc vào hàng danh giá
lênh tộc, một năm trong họ đứng đầu Triều Nguyễn...”
Theo câu chuyện, “Cụ
Hồ Đại Thần sanh được hàng chục người con, người nào cũng làm lớn. Kẻ
Tri Huyện, người Tri Phủ, kẻ Bác sĩ, người Tham Tá. Thế mà không hiểu có
phải vì Cụ Ông chơi bời mà sanh ra hay là vì nghiệp chướng mấy đời làm
Quan ác
đức, kẻ oan bị ghép tội nặng vì không có tiền hối lộ, kẻ có tội vì
nhiều tiền cho Quan nên được ung dung ngoài vòng pháp luật, tha hồ bóc
lột dân nghèo áp bức người cô thế, nên Trời giáng họa cho Cụ lớn thấy rõ
những điều nghiệp chướng mà Cụ và gia đình đã gây ra”.
Câu
chuyện kể về người con thứ bảy của Quan Hồ Nhứt Phẩm. Cậu Bảy khi vừa
sanh ra mặt mũi không những không giống anh chị trong nhà mà còn phủ đầy
lông tơ. Cậu rất khỏe mạnh, thường không khóc mà chỉ tru lên như chó
tru. Cuối cùng thì cậu chẳng khác nào một con chó Berger Đức với lông là
đầy người và di chuyển bằng bốn chân. Vì xấu hổ, ông bà cụ Hồ đành phải
xây một khu riêng để “biệt giam” cậu Bảy.
Chuyện đáng nói là
ngoài nhu cầu ăn uống, Cậu Bảy lại có những đòi hỏi sinh lý mạnh hơn
người thường. Cho nên để thỏa mãn nhu cầu này, ông bà Cụ Hồ phải rước về
không biết bao nhiêu cô gái để cho cậu thỏa mãn tình dục...
Trong lời mở đầu, tác giả Trần Đức Lai viết: “Từ
trước đến nay, trong họ nào cũng thế, có vài đời làm Quan thì họ đó thế
nào cũng nẩy sinh ra một người con hoặc cháu tật nguyền, điên khùng
hoặc dở dang mặt người tánh thú vật hay có dáng điệu thú vật”. Rồi ông khẳng định: “Đó là nghiệp chướng ác đức bị báo oán nhỡn tiền”.
Nhiều
người thường nại đến quả báo để giải thích về một số bệnh tật
hay bất hạnh trong cuộc sống. Đời cha ăn mặn đời con khát nước là
chuyện thường xảy ra. Tuy nhiên, ngày nay, khách quan hơn, khoa học gần
như không đổ lỗi cho ai cả. Có khi cha chẳng ăn mặn chút nào cả, mà con
vẫn cứ khát nước. Như trường hợp những người bẩm sinh mắc chứng mà khoa
học gọi là “hội chứng Ambras” hay bệnh “hypertrichosis”. Kể từ thời
Trung Cổ đến nay, người ta chỉ ghi nhận được 50 trường hợp như thế. Mình
mẩy của những người này mọc đầy lông lá như thú vật. Gần đây nhứt có cô
bé 11 tuổi người Thái lan tên là Supatra Sasuphan: gương mặt cô đầy
lông lá, trông chẳng khác nào một con chó Berger. Nhưng cô bé này không
những sống vui vẻ hồn nhiên, mà còn tự hào về gương mặt đặc biệt của
mình.
Đọc lại chuyện “Cậu Chó” của ông Trần Đức Lai, tôi thấy
thương hại cho Cậu Bảy. Gia đình ông bà Cụ Hồ Nhứt Phẩm thương con,
nhưng lại đối xử với cậu chẳng khác nào một con thú: một con thú được
cho thỏa mãn mọi nhu cầu, kể cả nhu cầu sinh lý mà không màng đến luân
thường đạo lý của con người. Câu chuyện gợi lên cho tôi những ngược đời
trong cuộc sống: thú vật được lên làm người, người xuống hàng thú vật!
Không
hiểu tại sao mỗi khi nhìn thấy con chó của người hàng xóm, tôi lại nghĩ
đến câu chuyện trên đây của nhà văn Trần Đức Lai. Ngoài ra, khi đặt tên
“Cậu Chó” cho con chó của người hàng xóm, tôi cũng liên tưởng đến
truyện ngắn “ Tấm Lòng Cậu Chó”
của nhà văn Tràm Cà Mau, tác giả của tập truyện “Triết Lý Củ Khoai”,
mặc dầu ông xác nhận rằng ông chưa được thưởng thức truyện “Cậu Chó” của
tác giả Trần Đức Lai.
Truyện ngắn “Tấm Lòng Cậu Chó” của Tràm
Cà Mau kể lại số phận may mắn của một con chó nhỏ có hình dáng “hệt một
con nai tý hon”, nhưng lại có khuôn mặt chồn. Không biết vì lý do nào
đó, nó bị chủ sa thải và rơi vào nhà của một người không mấy ưa chó mèo,
nhưng vì nể vợ nên cho nó tạm trú. Nhưng dần dà, từ dửng dưng đến
thương hại và sau đó là thương mến, ông chủ nhà đã giang rộng tay để
chính thức đón nhận nó làm một thành viên của gia đình. Con chó được
dành cho một chỗ đặc biệt nhứt trong gia đình. Ngoài ra, con chó
còn được dẫn sang một nhà hàng xóm Mỹ để “ở rể” một thời gian. Ban đầu
người chủ gọi con chó bằng “nó” với thái độ miệt thị, xem thường. Nhưng
khi bị nó chinh phục, thì ông lại gọi nó là “em”. Đến khi cảm tài, đức
của nó, thì ông gọi nó là “cậu chó”. Sau đó, ông thấy học được của nó
nhiều điều hay, lạ, bổ ích, hiệu nghiệm, làm cho gia đình hạnh phúc hơn,
làm cho mọi người chung quanh thương mến nhau hơn, thì bèn tôn sư, gọi
nó bằng “ông thày” và “ngài”.
Một hôm đi chợ về, người vợ thấy khói um tùm ngoài vườn, còn chồng mình thì “nhảy
nhót quanh một cái thùng sắt lửa nghi ngút, như dáng múa của người da
đỏ đang hành lễ. Theo sau là cậu chó vẫy đuôi chạy loăng
quăng.” Thỉnh thoảng ông quay lại vái cậu chó mấy cái và gọi cậu là
ngài. Người vợ nhìn vào thùng sắt đang bốc cháy và nhận ra đó là mấy
chục cuốn sách triết lý của chồng. Nào là Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử,
Trang Tử, Platon, Descartes, Hegel, Jean Paul Sartre và cả mấy chục cuốn
sách thuộc loại nhức đầu khác nữa.
Thấy người vợ thắc mắc, người chồng mới giải thích: “Mấy
chục cuốn sách triết học Đông Tây kim cổ này, chẳng ích lợi thiết thực
chi cho hạnh phúc gia đình, cho cuộc sống nhân sinh bằng cái triết lý
tình thương chân thật của ngài chó đây. Ngài là bực tuyệt khôn, đại trí.
Loài người thường kiêu hãnh tưởng mình khôn ngoan nhất, nhưng biết đâu
loài chó nó cười cho thối đầu. Khôn hơn sao
phải lao động cực khổ để cung phụng, thương yêu, phục vụ kẻ ăn rồi nằm
không? Loài chó chỉ ban cho loài người chút tình thương thôi, rồi phè ra
mà sung sướng một đời. Thế thì ai khôn hơn ai?”
Người “chồng xá thêm cậu chó mấy cái cung kính lắm. Bao nhiêu sách triết lý đều thiêu thành tro bụi, tàn bay lả tả”.
Tôi
không biết nhà văn Tràm Cà Mau có viết những dòng trên đây với giọng
điệu mỉa mai không. Riêng tôi, mỗi khi nhìn “Cậu Chó” của người hàng
xóm, tôi luôn thấy có điều gì đó “không ổn” trong cuộc sống của “cậu”.
Thực tình mà nói, tôi không “ưa” cậu. Cậu không có dáng điệu “nai tơ” và
dễ thương của “cậu chó” trong “tấm lòng cậu chó” của
nhà văn Tràm Cà Mau. Cậu cao lớn như giống Berger Đức, nhưng có cái tai
cúp xuống và cái bụng thon của giống Danois. Thấy cậu nhìn lừ lừ thì
cũng đủ sợ rồi, chớ đừng nói tới chuyện cậu nhào tới tấn công.
Tôi
vẫn chưa nguôi giận vì tội cậu xơi tái một con gà mái đẻ và một con gà
con của tôi. Ngoài ra, chuyện cậu cứ chõ mõm sang nhà tôi mà sủa bất cứ
lúc nào thì tôi không tha được. Cứ như mình là kẻ gian không bằng. Đêm
xuống, ở một nơi yên ắng đến độ có thể nghe tiếng côn trùng rù rì như
khu tôi đang sống, tiếng sủa của cậu làm cho tôi khó chịu vô cùng, bởi
vì nó cứ làm cho mình nhớ lại giai đoạn mấy ông du kích Việt cộng đêm
đêm bò về làng để sát hại dân lành và nhứt là thời kỳ vượt biên,
khi mình trốn chui trốn nhủi mà mấy cậu chó cứ sủa inh ỏi.
Giận
“cậu chó” thì giận, nhưng tôi vẫn thấy thương hại cậu. Bị giam một mình
trong cái vườn sau nhà, dù cho cái vườn có rộng thoáng đến đâu, làm sao
cậu không cảm thấy “cô đơn”. Tôi hiểu được nỗi cô đơn ấy của cậu chó.
Có lúc, tôi thấy cậu cố gắng đưa cái mõm vào kẽ hở của hàng rào, nhìn
“lén” sang chuồng gia cầm của tôi. Như người xem phim “hành động”, cậu
nhảy nhót theo những “diễn biến” của đám gà vịt. Nhứt là khi cậu “theo
dõi” chuyện cặp vịt nhà tôi đang làm nghĩa vụ truyền giống, mặt cậu
trông đờ đẫn. Thấy tôi, cậu lại sủa oang lên như để phân bua rằng cậu
đang rất cô đơn, cậu cần có đời sống “bầy
đàn”, cậu muốn sang chơi với mấy anh chị gà vịt nhà tôi.
Năm
thì mười họa, ông bà chủ, vốn là một cặp vợ chồng trẻ đi làm suốt ngày,
mới đưa cậu lên chiếc xe Ute và chở đi một vòng. Những lúc đó, tôi thấy
mặt cậu hí hửng, miệng sủa inh ỏi. Ngoài những giây phút đó ra, cậu bị
buộc phải làm một ẩn sĩ bất đắc dĩ, lủi thủi một mình, chẳng có ai để mà
trò chuyện hay than thở. So với cậu, tôi thấy mấy con chó cỏ ở nhà quê
tôi sống kiếp chó đầy đủ hơn: ban đêm lo canh giữ nhà cho chủ, ban ngày
tha hồ đi rong chơi từ đầu trên xuống xóm dưới, bè bạn không thiếu,
“quan hệ xã hội” rộng rãi và chuyện tình ái cũng rất bình thường. Dù cho
cuối cùng chẳng mấy con được hưởng cái cảnh nhắm mắt
“xuôi chân” vào lúc tuổi già, chó nhà quê có lẽ cũng mãn nguyện vì đã
vui hưởng trọn kiếp chó.
Cậu chó của ông hàng xóm của tôi
không có cái may mắn được sống trong nhà, được người chủ dắt đi dạo mỗi
ngày hay ngay cả được người chủ “hạ mình” xuống mà hốt phân cho. Nhưng
liệu những cô cậu chó có được cái may mắn ấy có thực sự “hài lòng” với
cuộc sống đó không? Hình ảnh của cái giây tròng vào cổ, đi đâu cũng
không được tự do, lúc nào cũng bị ông bà chủ lôi kéo, khiến tôi nghĩ
rằng những cô cậu chó “cưng” này cũng chẳng cảm thấy sung sướng lắm.
Trong
khi ngày xưa Cậu Bảy của Trần Đức Lai mang tiếng là con nhà quan nhưng
bị coi và phải sống như một con
thú thì ngày nay lại có nhiều con thú cưng được hưởng những đặc quyền
đặc lợi mà rất nhiều con người không dám mơ tới: từ “cơm bưng nước rót”,
xe hơi nhà lầu đến được ở nhà có máy lạnh 24/24 như một số đại gia ở
Việt Nam nhập chó Alaska về đến chuyện được mua bảo hiểm y tế, thừa
hưởng những tài sản kếch sù và khi chết thì được chôn trong một nghĩa
trang riêng. Liệu những con thú “may mắn” này có thật sự sung sướng
không? Con người hay thú vật, ai mà chẳng thích tự do, được ăn được sống
theo ý muốn. Dù được đủ thứ, nhưng từ động vật ăn “thịt sống” bị biến
thành động vật ăn “thịt hộp”, từ động vật 4 chân biến thành động vật
không “chân” trong cảnh cá chậu chim lồng như thế, thì sung sướng cái
nỗi
gì? Nhứt là khi mấy cô cậu chó lại bị giải phẫu để cướp đi cái chức
năng truyền giống và bắt phải làm “hoạn quan, hoạn bà”, thì sống như thế
không thể nào gọi là sống trọn kiếp chó được.
Ngày nay, dường
như ngày càng có nhiều người hăng hái tranh đấu cho “quyền của súc
vật”. Lại cũng là chuyện ngược đời. Trong khi những quyền căn bản nhứt
của con người tại không biết bao nhiêu nước trên thế giới vẫn còn bị
chối bỏ, chà đạp, trong khi quyền tối thượng nhứt là quyền được sống của
những người vừa bắt đầu hiện hữu trong lòng mẹ bị khước từ một cách
không xót thương thì lại có những người rỗi việc lấy việc tranh đấu cho
quyền súc vật làm ưu tiên hàng đầu cho cuộc sống.
Tựu trung,
tôi nghĩ rằng điều bị con người lạm dụng nhứt vẫn là hai chữ “yêu
thương”. “Yêu thương” súc vật mà giam giữ nó như một thứ “nô lệ” trong
nhà, không cho nó sống hết kiếp thú vật của nó theo cách thức của nó,
như thế có phải thực sự là “yêu thương” không? Tôi nghĩ chỉ có trong
những sở thú “tự do” như tại một số nước bên Phi châu thì may ra thú vật
mới thực sự hưởng đầy đủ “thú quyền” của chúng.
Nghĩ xa một
chút, trong quan hệ giữa người với người, người ta cũng thường tô điểm
cho hành động của mình bằng hai chữ “yêu thương”. Kỳ thực, nếu không
được thực thi một cách vô vị lợi, nếu không làm vì lợi ích và ý muốn của
người nhận, thì
mọi hành động bác ái cũng chỉ là những việc làm ích kỷ mà thôi. Tôi vẫn
thường lấy nhận xét mỉa mai của văn sĩ Pháp La Rochefoucauld hồi thế kỷ
17 để tâm niệm và tự vấn lương tâm: “Tất cả những dòng sông bác ái đều chảy vào biển cả của ích kỷ”.
Chu Thập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét