Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Khẳng định niềm tự hào dân tộc từ thông điệp văn hóa cổ

Dạ Miên

Các nghiên cứu của triết gia Lương Kim Định

Tọa đàm về triết gia Lương Kim Định nhân 15 năm ngày mất của ông:Ngày 14/7, buổi tọa đàm về triết gia Kim Định, nhà nghiên cứu cổ văn hóa Sử Việt Nam, một gương mặt văn hóa lớn của đất nước, đã diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, nhân 15 năm ngày mất của ông.
Gần 30 nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đã có tham luận: GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, TS Trần Ngọc Linh, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, GS sử học Chương Thâu..vv…

Buổi tọa đàm diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

GS Lương Kim Định quê ở Nam Định, từng giảng dạy ở Việt Nam trước khi du học sáng Pháp, Mỹ. Những năm cuối đời sống ở nước ngoài, nghiên cứu cổ sử Việt vẫn là đam mê của ông và ông đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ hơn 40 đầu sách về các lĩnh vực triết học, văn hóa, cổ sử Việt Nam… Những dự đoán tài tình của ông, ngày càng được khoa học liên ngành khảo cổ, cổ thư, nhân chủng xác minh là có cơ sở, đã cho thấy đóng góp của ông trong công cuộc truy tìm cổ văn hóa sử và minh triết của Việt tộc.
Các tham luận khẳng định: với gần 50 đầu sách cùng nhiều đề tài gây tiếng vang trong các hội nghị quốc tế, ông có công lớn trong việc xây dựng nền tảng triết học Việt Nam, cũng là người đề xướng thuyết Việt triết (Việt Nho) với những trụ cột triết lý: an vi, nhân bản, thái hòa, bình sản. Cả đời chỉ dành để nghiên cứu và giải mã những thông điệp của văn hóa cổ, ông đã chứng minh với cộng đồng thế giới rằng, nền triết lý Việt đã có từ rất lâu đời, trước cả Trung Hoa và nước Việt cũng là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, còn tổ tiên người Việt chính là người Viêm Việt. Dân tộc này vốn đã làm nên văn hóa Việt Nho, một nền văn hóa đại biểu cho văn minh nông nghiệp.
Cụ Vũ Khánh Thành, Tộc trưởng làng An Việt Anh Quốc khẳng định: Sự nghiệp của Kim Định cho văn hóa Việt Nam rất lớn lao, mà GS Nguyễn Ngọc Bích, Giáo Sư Đại Học Geoge Maison Hoa Kỳ đã viết về Kim Định trong một cuộc Hội Thảo về Văn Hóa Việt Nam tại Washington năm 1989 như sau: Học thuật Việt Nam hải ngoại trong sứ mạng đi tìm con đường việt tộc, nhân chủ, tự do. Sự độc đáo ở nơi ông cũng đã là một chuyện quá rõ - dầu ta có đồng ý với ông hay không thì ta cũng không thể phủ nhận được tính cách độc đáo của tư tưởng ông. Có người đưa ra những thắc mắc như “nho học” thì rõ ràng là của Tàu, sao ông lại có thể quả quyết được là “nguyên nho” chính là “Việt Nho”? Có người lại bảo, chứng minh về triết lý Việt Nam mà sao ông lại dung toàn tiếng Hán (như quan niệm “tả nhậm”, “Lạc thư” v.v …) ?
Đối với tất cả những câu chất vấn đó, ông đều đã có câu trả lời mạch lạc và khúc triết: Tàu sang đô hộ ta và tìm cách hủy hết cả những di tích của một nền văn minh văn hóa rạng ngời (như Mã Viện đem cho thu hết trống đồng để đúc hình ngựa cho hắn, như quân Minh thu hồi hết sách vở trong nước để hoặc đem về Tàu hoặc cho đốt sách), trường hợp đó thì lấy đâu ra chứng minh cái của mình, cái của Việt tộc nếu không đi tìm ở trong sách Tàu? Thậm chí chính sự kiện Tàu tìm cách hủy diệt hết mà rồi cũng vẫn còn phải nhắc đến trống đồng, chẳng hạn, trong tiểu sử (“truyện”) của Mã Viện chính là bằng chứng hùng hồn của nền văn hóa trống đồng của ta. ...
Theo nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy, ảnh hưởng Việt Triết và Việt Nho của Kim Định đã gây ý thức cho người Việt khắp nơi nhìn lại thực tại văn hóa của mình. Các đồ đệ của ông đã đáp ứng nguyện vọng của Thầy để khai thác và phổ biến Việt Lý qua tổ chức An Việt. An Vi đã như một luồng gió mang tinh thần dân tộc bùng lên khắp nơi có người Việt định cư. Ảnh hưởng của Kim Định còn lan rộng tới các học giả, triết gia Âu Mỹ và Viễn Đông.
Ông Hà Văn Thùy cho rằng, hai cống hiến lớn nhất của triết gia Kim Định là: Từ chứng lý rất mong manh, Kim Định cho rằng, chính người Việt là chủ nhân của kinh Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc... Không những thế, tiếng Trung Hoa và cả chữ vuông Hán ngữ cũng là của người Việt! Đề xuất của Kim Định quả đã gây chấn động, như sấm giữa trời quang khiến những đầu óc yếu đuối hoảng hốt và chống trả ông quyết liệt. Nhưng nay, khoa học đã làm phát lộ một thực tế còn hơn cả dự cảm của Kim Định: Người Việt chiếm lĩnh đất Trung Hoa trước nhưng không phải từ tây bắc xuống mà lại từ chính Việt Nam lên. Và do là cái nôi của dân cư Đông Á nên Việt Nam là cội nguồn văn minh phương Đông. Bằng những chứng cứ không thể tranh cãi, chúng ta đã chứng minh được rằng, không chỉ Dịch, Thư, Thi… là sáng tạo của người Việt mà tiếng Việt là chủ thể tạo nên tiếng Trung Hoa. Không những thế, chữ Việt cũng là chủ thể tạo nên chữ Trung Hoa...
Tuy nhiên thiên tài của Kim Định là trong văn minh phương Đông vô cùng đa tạp, ông lọc ra Việt nho là nền văn hóa cội nguồn do tộc Việt sáng tạo. Sự phân định của triết gia Kim Định giúp ta nhận ra nền văn hóa cội nguồn do tổ tiên Lạc Việt sáng tạo để học hỏi và áp dụng trong công cuộc xây dựng đất nước Việt trong tương lai. Hàng nghìn năm nay, do không biết cội nguồn cùng văn hóa, lại bị cớm nắng dưới cái bóng khổng lồ Trung Hoa, nhiều người Việt đau buồn cảm thấy dân tộc như bầy trôi sông lạc chợ… Từ nửa thế kỷ trước, Kim Định như nhà tiên tri thấu thị tuyên bố: người Việt chiếm đất Trung Quốc trước người Hoa và xây dựng nền văn hóa Việt nho nhân bản, minh triết! Cùng chung số phận những nhà tiên tri, suốt năm mươi năm Kim Định bị ghẻ lạnh và ném đá! Nhưng ngày nay, thời gian và khoa học minh chứng cho Kim Định. Thuyết Việt nho và An vi của ông trở thành báu vật không chỉ giúp dân tộc Việt tìm lại bản thể của mình để xây dựng một dân tộc Việt Nam mới mà còn thắp lên ngọn lửa minh triết soi đường cho nhân loại.
Những chứng cứ mà GS Lương Kim Định dày công nghiên cứu, đã khẳng định người Việt vốn là dân tộc đã xây dựng một nền văn hóa tinh thần, lấy nhu thuận là cốt lõi, nhân bản và minh triết, mà ông gọi là Việt Nho. Những triết lý của ông trên trống đồng Đông Sơn - báu vật của người Việt - cũng đặc biệt đáng ghi nhận. Dành cả cuộc đời nghiên cứu, tìm tòi các triết lý trên trống đồng Đông Sơn, nơi dồn tụ tinh hoa văn hóa của người Việt, ông đã có những phát hiện thú vị về lịch sử Việt, văn hóa Việt, triết lý Việt trong những hình ảnh độc đáo, hiển hiện rõ ràng trên mặt trống cùng những con số mang qui luật bí ẩn của văn hóa cổ.
Bằng triết lý của mình, ông soi rọi những hình ảnh trên trống đồng là biểu thị đất trời hòa hợp, là thứ minh triết uyên bác xa xưa, là những cuộc vui bất tận, rộng khắp của người dân Việt. Đó là văn hóa của cả cộng đồng, không có sự chi phối của chiến tranh, tôn giáo hay ý thức hệ với sự đoàn kết, hòa thuận bên nhau suốt bao nhiêu ngàn năm hạnh phúc của hơn 50 sắc dân thiểu số dù có những tín ngưỡng rất khác nhau. Đó chính là nét đặc sắc của nền văn minh Lạc Việt, là bộ sử hạnh phúc loài người và là khát vọng mà người Việt hướng đến.
Nhà nghiên cứu Ngô Sỹ Thuyết nêu quan điểm: GS. Lương Kim Định sẽ có một vị trí xứng đáng trong kho tàng văn hoá dân tộc Việt Nam. Chỉ riêng tình yêu quê hương đất nước sâu nặng và trách nhiệm thực thi sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn những “gậy thần, sách ước”, “sứ điệp trống đồng”,… của ông cũng đã làm cho chúng ta phải nghiêng mình kính nể.
TS Trần Ngọc Linh cho rằng, những vấn đề mà tác giả Kim Định nêu ra trong tác phẩm là những vấn đề hết sức lớn lao, liên quan đến nguồn cội của văn hóa Việt Nam, nguồn cội của dân tộc Việt Nam: nền văn hóa Việt Nam có hai điểm khác với văn hóa Tây phương. Thứ nhất là cách diễn đạt “ý tại ngôn ngoại”. Thứ hai là nền văn hóa Việt Nam được hình thành nhờ sự đóng góp của quảng đại quần chúng nhân dân, thông qua “ca dao, thể chế, thói tục, lễ lạy, huyền thoại”. Chính vì những đặc điểm khác biệt này mà cần phải có một phương pháp nghiên cứu phù hợp, phương pháp “huyền sử”.
Ông chỉ ra phương pháp huyền sử có tính chất Việt đồng thời cũng rất hiện đại. Tính chất Việt thể hiện ở chỗ huyền sử được xây dựng nên từ nhân thoại, khác với phương Tây, được xây dựng nên từ thần thoại. Tính hiện đại của phương pháp huyền sử thể hiện ở chỗ sử dụng những phương tiện nghiên cứu của khoa học nhân văn cận đại, giúp cho phân tích, thấu hiểu các huyền thoại (nhân thoại) dưới một ánh sáng mới một cách khoa học. Nhờ có phương pháp huyền sử, các nhà nghiên cứu có thể thực hiện được việc tìm ra nguồn gốc xa xôi đích thực của nền văn hóa Việt Nam. Những kết luận của Giáo sư Lương Kim Định về cương vực của nước Việt cổ, về sự đóng góp của Việt tộc vào sự hình thành chữ Nho là những kết luận có tính chất đột phá nhưng thuyết phục chính là nhờ áp dụng phương pháp huyền sử
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh: Trong lịch sử nghiên cứu văn hóa Việt Nam, phải đến Lương Kim Định mới trở thành một hiện tượng. Lương Kim Định là người đầu tiên và cho đến nay là duy nhất viết nhiều sách nhất về văn hóa Việt Nam. Ông khẳng định rằng giống người Việt là một sắc tộc đã đến ăn ở trên khắp nước Tàu trước giống người Hoa. Người Việt từng là chủ nhân không chỉ của nước Tàu, mà còn là của phần lớn các giá trị văn hóa tinh thần quan trọng đã bị người Hán dần dần thâu tóm hết là Nho giáo và Ngũ kinh. Theo cách nói của Kim Định, tộc Việt đã xây nền văn hóa minh triết nhân bản rồi người Hoa học theo và chiếm đoạt.
Trong hơn 30 năm 1965-1997, với những sức chống đối dữ dội như thế mà khởi tạo ra được một phong trào nghiên cứu văn hóa Việt, tư tưởng Việt..., khơi gợi lên được lòng yêu nước, yêu dân tộc trong một phạm vi rộng lớn trí thức và lớp trẻ mà một trí thức - nhà giáo - nhà khoa học như Kim Định đã làm là một đóng góp vô cùng lớn lao, không mấy người làm được. Đóng góp đó rất đáng tôn vinh, ca ngợi, noi theo. Khơi gọi lên được tinh thần yêu nước ở mọi người, thì cái tinh thần ấy ở người khởi xướng lớn gấp chừng nào. Khơi gọi lên được nhiệt tâm của những người khác, thì cái nhiệt tâm ấy của Kim Định lớn biết chừng nào! Đóng góp lớn thứ hai của Kim Định, theo tôi, mới là đóng góp trong khoa học. Đó là triết gia và nhà nghiên cứu văn hóa Kim Định, với tất cả những thuận lợi và khó khăn vào thời đại của mình, đã có những nhận định khái quát rất mạnh bạo, rất tiên phong, và về cơ bản, khá chính xác. Đó là nhận xét về vai trò và đóng góp của văn hóa Bách Việt đối với Trung Hoa.

DẠ MIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét