Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Tổng thống Obama đề cử đại sứ Mỹ tại Miến Điện


Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi và đặc sứ Mỹ Derek Mitchell tại Rangun ngày 12/9/2011


Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi và đặc sứ Mỹ Derek Mitchell tại Rangun ngày 12/9/2011
Reuters

Vào hôm qua 17/05/2012, nhà ngoại giao Mỹ Derek Mitchell đã chính thức được tổng thống Barack Obama cử làm đại sứ Mỹ tại Miến Điện. Cho đến nay, Mitchell chỉ có chức vụ đặc sứ chuyên trách hồ sơ Miến Điện. Trong một thông cáo đưa ra sau khi thông báo bổ nhiệm đại sứ, tổng thống Mỹ khẳng định rằng sự kiện đó « đánh dấu bước đầu của một chương mới trong quan hệ Hoa Kỳ-Miến Điện ».

Nếu quyết định bổ nhiêm được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, ông Derek Mitchell sẽ là đại sứ Mỹ đầu tiên tại Mién Điện từ hơn 20 năm nay. Sau vụ tập đoàn quân sự Miến Điện đàn áp đẫm máu phong trào đòi dân chủ vào năm 1988, Washington đã triệu hồi đại sứ về nước.

Song song với việc bổ nhiệm đại sứ, Hoa Kỳ vào hôm qua cũng đã quyết định bãi bỏ một số hạn chế trong đầu tư đối với Miến Điện để khuyến khích công cuộc cải tổ. Một viên chức Mỹ xin giấu tên đã giải thích với hãng tin AFP :
« Chúng tôi cho phép một số đầu tư trong các dịch vụ tài chính để các công ty có thể hoạt động kinh doanh ở Miến Điện. Đây là sự thừa nhận những tiến bộ đạt được ở Miến Điện, cũng như là sự công nhận rằng việc mở cửa rộng hơn cho trao đổi kinh tế giữa hai nước rất quan trọng nhằm hỗ trợ cho những người thực hiện cải tổ ở đấy ».

Tuy vậy, Washington vẫn thận trọng. Vào hôm qua, tổng thống Obama thông báo gia hạn thêm một năm khuôn khổ pháp lý chi phối các biện pháp trừng phạt Miến Điện, vì theo ông cải tổ ở Miến Điện vẫn còn ở trong thời kỳ « phôi thai ».
Chính quyền Miến Điện, theo ông Obama, đã có tiến bộ trong nhiều lãnh vực : Trả tự do cho hàng trăm tù chính trị, thảo luận ngưng bắn với nhiều nhóm sắc tộc vũ trang, cũng như với nhóm đối lập chủ chốt. Thế nhưng việc mở cửa chính trị mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, và Hoa Kỳ vẫn rất lo ngại, đặc biệt là trên vấn đề tù chính trị, xung đột sắc tộc, và nhiều vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Trong cuộc họp báo hôm qua tại Washington với đồng nhiệm Miến Điện Wunna Maung Lwin, đang viếng thăm Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định là Hoa Kỳ mong muốn Miến Điện trả tự do cho toàn bộ các tù nhân chính trị.
Theo viên chức xin giấu tên kể trên, thì Hoa Kỳ muốn duy trì khung trừng phạt Miến Điện để có thể phản ứng nhanh chóng trong trường hợp cải tổ bị thụt lùi. Bà Aung San Suu Kyi, trong tuần này, cũng cảnh báo là tiến trình cải tổ và mở cửa hiện nay ở Miến Điện chưa đạt mức không thể bị đảo ngược.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét