Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Dấu Giọng VNI Trên Chữ Hoà Âm

Nguyễn Phước Đáng

Mặc dù trong máy đã có nhu liệu VPS để dùng đánh chữ Việt, nhưng tôi nằng nặc đòi thằng con mua cho tôi nhu liệu VNI Tân Kỳ, vì tôi nghe các báo, các nhà in đều xài VNI, vì tôi đọc thấy quảng cáo VNI sửa chánh tả giùm mình rất ngon lành. 
Sau khi rủ thêm 3 người bạn, chúng tôi hùn nhau mua bộ nhu liệu Tân Việt 2000 và nhờ cậu con install vào máy.  Quả thật đưa mũi chuột nhấp vào VNI rồi nhấp vào <Check Vietnamese Spelling> thì hiện lên một bảng cho biết bài viết có bao nhiêu chữ viết đúng bao nhiêu chữ viết sai, và lốm đốm màu vàng trên chữ viết sai với mũi tên chỉ chữ viết đúng màu đỏ.  Sau đó mình bấm chuột ở mục <Accept Spellcheck Without Prompting> thì tất cả chữ viết sai được sửa cái rụp trọn cả bài.  Công việc sửa chánh tả nầy trước kia tôi làm mất cả tiếng đồng hồ cho một bài viết, bằng cách đọc lại bài và sửa từng chữ một.  Tôi rất hài lòng chuyện tốn tiền mua nhu liệu VNI.  Nhưng khi đọc lại bài, tôi thấy những chữ hoà âm các dấu giọng bị sửa sai vị trí hầu hết. 
Tôi viết:
Hoà giải, hoá học, toà án, xoá bỏ, uỷ viên, thuỷ triều, thâm thuý, luỹ tiến, hoạ sĩ, toả sáng, sức khoẻ, thoả mãn, loã thể, khoả lấp, loà, toé lửa, thiếu ...
VNI sửa là:
Hòa giải, hóa học, tòa án, xóa bỏ, ủy viên, thủy triều, thâm thúy, lũy tiến, họa sĩ, tỏa sáng, sức khỏe, thỏa mãn, lõa thể, khỏa lấp, mù lòa, tóe lửa, thiếu úy...
Nghĩa là trên các chữ hoà âm, có 2 nguyên âm, tôi đánh dấu giọng trên nguyên âm sau thì VNI sửa lại đánh dấu giọng trên nguyên âm trước.
VNI căn cứ vào cuốn Việt Nam Tân Từ Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, nghĩa là nhóm người làm nhu liệu VNI tin hoàn toàn vào cuốn Việt Nam Tân Từ Điển, mà không xét lại kỹ càng chuyện đánh dấu giọng chỗ nào cho đúng vị trí.  Tôi xin góp ý với VNI về phần đánh dấu giọng trên chữ hoà âm:
Trong sách “Tiếng Việt & Chữ Việt” (xuất bản dịp đầu năm 2001) có bài “Cách Thành Tạo Mỗi Chữ Viết Quốc Ngữ”, trong đó tôi có kể ra 12 cách để hình thành chữ viết “quốc ngữ”, cách thứ nhì là dùng 2 chữ cái nguyên âm ráp lại với nhau để thành tạo 1 chữ ghi được 1 lời nói:
ai đó, áo ấm, ủi đất, ỉa bậy, ưu tư, ụa mửa... Các chữ ai, áo, ủi, ỉa, ưu, ụa... tôi gọi là chữ hợp âm
ô-uế, khóc , uỷ viên... Các chữ uế, oà, uỷ... tôi gọi là chữ hoà âm.
Hai từ hợp âm và hoà âm do tôi mượn chữ nghĩa của âm nhạc để phân biệt 2 cách cấu tạo chữ.  Cách đầu, hợp âm, thành tạo những chữ mà cách đọc không cần vận dụng uốn éo đôi môi, đọc lên nghe giống như 2 âm hợp lại thành 1 âm: ai, ia, ao, ui, oi... Còn cách sau, hoà âm, thành tạo những chữ mà cách đọc phải vận dụng, uốn éo đôi môi hơi khó khăn, đọc lên nghe giống như 2 âm hoà trộn vào nhau: uy, oa, oe...

Với cách thành tạo phức tạp, người ta dùng vần xuôi có o như to, lo, kho, xo, ngo, cho... hoặc vần xuôi có u như tu, thu, ngu, xu, nhu... để ráp với nguyên âm hay với vần ngược mà thành tạo những chữ hoà âm.
Thí dụ:
Toà án, loã lồ, khoá học, bôi xoá, ngo ngoe, chập choã... (To+à, lo+ã, kho+á, xo+á, ngo+e...)
Toán học, gió thoảng, điều khoản, xoàng xĩnh, ngoằn ngoèo...(To+án, tho+ảng, kho+ản, ngo+èo...)
Vĩnh Thuỵ, tuý luý, xum xuê, đề huề... (Thu+ỵ, tu+ý, lu+ý, xu+ê, hu+ề...)
Thuận thảo, tiền tuyến, tuẩn tiết, ngu xuẩn, nhuận bút... (Thu+ận, tu+yến, tu+ẫn, xu+ẩn, nhu+ận... )
Trong thí dụ trên, những chữ nghiêng là những chữ hoà âm.  Khi đọc những chữ nầy ta phải uốn éo đôi môi.  Dân quê miền Nam phần lớn không nói, không đọc đúng các chữ  hoà âm.
Đối với chữ hợp âm, dấu giọng được đánh trên nguyên âm đứng trước, như:  ái tình, ủi đất, ồn ào.  Các chữ hợp âm ái, ủi, ào có dấu giọng được đánh trên nguyên âm đứng trước.
Đối với chữ hoà âm, dấu giọng được đánh trên nguyên âm đứng sau, như:  uể oải, bông huệ, hoà điệu, xoá tan.  Các chữ hoà âm uể, huệ, hoà, xoá có dấu giọng được đánh trên nguyên âm đứng sau.

Chữ hợp âm và chữ hoà âm đều có 2 nguyên âm, nên làm nhiều người bối rối không biết đánh dấu giọng trên nguyên âm nào.  Ngay những nhà làm từ điển cũng bối rối, và đánh dấu sai những chữ đó.  VNI tin tưởng hoàn toàn vào từ điển mà gây nên một tai hại, vì lần hồi rồi mọi người sẽ làm theo cái sai đó. 
Ngay khi đọc đến đây rồi, vẫn còn có nhiều người cho rằng Nguyễn Phước Đáng sai chứ làm gì có chuyện VNI sai, Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ sai!  Chuyện dễ hiểu, vì những gì tôi nêu ra đây là những cái do tôi thấy ra theo những khảo sát hợp lý trực tiếp, chứ không tham khảo hay dựa vào những sách vở có sẵn. 
Phần đông chúng ta tin những học giả, những tiến sĩ, những sách vở của những người đó, chứ ta không tin những phát kiến của những người vô danh, thậm chí cũng không đọc xem họ viết gì nữa. 
Dưới đây, tôi xin phép luận giải tại sao phải đánh dấu giọng trên nguyên âm đứng sau đối với chữ hoà âm:
Chữ hoà âm là chữ được thành tạo bằng cách ráp o hoặc u (đứng trước) với một nguyên âm khác (đứng sau) hoặc bằng cách ráp vần xuôi có o hoặc u với 1 nguyên âm khác hay với 1 vần ngược (như định nghĩa ở phần trên).  Phân tích các chữ hoà âm để phát âm (đánh vần tập đọc) thế nầy:
Thí dụ các chữ  hoà, thuý, khoá, toàn, thuế, phân tích ra thành Ho+à, thu+ý, kho+á, to+àn, thu+ế.  Phát âm hay đánh vần các chữ nầy là đọc ráp các chữ phân tích đó lại.  Ta đọc hoà rời từng tiếng, rồi thử đọc hai tiếng đó xít gần lại, nhanh hơn, nhanh hơn cho đến mức chúng hoà lại với nhau thì đương nhiên thành ra tiếng hoà.  Ta cũng làm như vậy với chữ  thu+ý, kho+á, to+àn, thu+ế. 
Bây giờ, nếu chữ hoà được đánh dấu trên nguyên âm o thành ra hòa, phân tích ra thành hò+a.  Rồi ta làm như trên, ráp với a, tức đọc rời từng tiếng a, đọc nhanh, đọc nhanh cho chúng xít gần lại, cách nào chúng cũng không ra được tiếng hoà.
Tôi xin nhắc lại: “Với chữ hoà âm, dấu giọng được đánh trên nguyên âm đứng sau”.
Trong chữ hợp  âm, nguyên âm đứng trước là chủ âm, tức nguyên âm được nhấn mạnh.  Trái lại trong chữ hoà âm thì nguyên âm đứng sau là chủ âm.  Trong những chữ có nhiều nguyên âm thì dấu giọng được đánh trên chủ âm. 
Tiếp theo sau đây, tôi xin mạn phép dẫn chứng chỗ sai của từ điển.  Tôi gọi từ điển sai, mà không nói ông Lê Văn Đức, ông Lê Ngọc Trụ sai vì trước 2 ông, Hội Khai Trí Tiến Đức cũng sai, đồng thời với 2 ông và sau 2 ông, ông Đào Văn Tập, Ban Tu Thư Khai Trí, rồi Từ Điển Tiếng Việt của Hà Nội cũng sai chỗ đánh dấu giọng trên chữ hoà âm.  Người sau tham khảo người trước, VNI tham khảo Việt Nam Từ Điển, vân... vân... nên tuy nhiều người sai, nhưng chỉ là một (Tôi gọi là một, tức cái lỗi không xét lại, không chịu nhìn thẳng sự thật mà chỉ chịu nhìn nhãn hiệu bác học)
Tôi đánh ra một số chữ để chúng ta thử xem xét tính bất nhất trong việc đánh dấu giọng của VNI trên chữ có vần hoà âm:
Hòa thuận, hỏa châu, Thanh Thúy, tùy tiện, hoa huệ, vạn tuế...
Các chữ hoà, hoả, thuý, tuỳ bị sửa thành hòa, hỏa, thúy, tùy, còn các chữ huệtuế thì không được sửa.  Tất cả các chữ nầy đều là chữ hoà âm.  Vậy mà chữ thì được đánh dấu giọng ở nguyên âm trước, chữ lại đánh dấu giọng ở nguyên âm sau.  Tất cả tự điển, từ điển Việt Nam chúng ta đang có để xài đều như vậy cả, không cuốn nào lý giải chuyện bất nhất của mình.
Chuyện đánh dấu sai nầy xảy ra lâu rồi, cũng có nhiều người thấy rồi, nhưng mọi người coi là chuyện nhỏ.  Nhưng tôi coi đã là chuyện lớn rồi, từ lúc tôi thấy VNI đưa vào máy điện toán cái nhu liệu tân kỳ, bấm con chuột vài cái là nó sửa toàn bộ chánh tả cả một cuốn sách theo kiểu của nó mà tôi vừa biết.  Đọc những nhà văn viết đúng bây giờ cũng thành sai.  Và bây giờ, than ơi!  đọc sách báo thấy các dấu giọng được đánh lung tung, cả bài vở và sách của những nhà văn đã có chỗ đứng trên văn đàn cũng vậy.
Tôi mong những nhà văn lớn của Việt Nam lên tiếng.  Tôi mong Công Ty Nhu Liệu VNI xét lại vấn đề.  Công hay tội đang đè trên vai quí vị đó./-

                                                                                    San Jose, 18-4-2000

Viết thêm:
Tôi gởi bài viết trên đây tới VNI qua máy fax.  Hơn 1 tiếng sau, tôi nhận được cú phone do một nhân viên của VNI gọi đến.  Chúng tôi trò chuyện khoảng nửa tiếng. Tôi được VNI chỉ cách bấm phải chuột lên thanh công cụ VNI Tân Kỳ (kế bên nút V) để có bảng <VNI Tân Kỳ Options>.  Trong đó có mục <Dấu Thanh trên “oa, oe, uy”> với 2 chọn lựa phát âm  hoặc thẩm mỹ  Chọn phát âm thì dấu giọng sẽ được đánh trên nguyên âm đứng sau, còn chọn thẩm mỹ thì dấu giọng được đánh trên nguyên âm đứng trước.  Vị chuyên viên của VNI nói:             
 - Như vậy, bảo VNI sai là không đúng. VNI chỉ cung cấp phương tiện để người sử dụng tự chọn lựa. Ai thích cái nào dùng cái đó. VNI không phải là những nhà ngôn ngữ học nên không xác định cái nào đúng cái nào sai. Tuy nhiên bây giờ hơn 80% sách báo đều xài thẩm mỹ
            Tôi hỏi “Ai bày ra vụ thẩm mỹ đó?” thì VNI không trả lời được.  Tôi đâm ra nghĩ suy nhiều về vụ phát âm và thẩm mỹ  nầy.  Đặt ra 2 cách đánh dấu như vậy là ngầm thừa nhận rằng nếu đánh dấu đúng (theo phát âm) thì chữ viết trông không đẹp.  Còn đánh dấu sai (theo thẩm mỹ) thì chữ viết trông đẹp.  Đẹp ở đây là gì?  Có lẽ là chữ viết trông được cân đối (dấu được đánh ở giữa chữ – HÒA trông đẹp hơn HOÀ chăng?)  Như vậy, tại sao với các chữ tuệ, thuế ta không đặt vấn đề thẩm mỹ vào để viết thành tụê, thúê.

            Còn chuyện phán định rằng 80% nhà báo, nhà in, tức sách và báo, thích dùng thẩm mỹ hơn phát âm, gẫm ra chưa lấy gì làm chắc.  Tôi nghĩ có thể kỷ thuật viên của tờ báo, của nhà in vô tâm lấp software VNI vào, không biết chỗ chọn lựa phát âm hay thẩm mỹ gì cả, mà cứ xài cái đang có trên software là thẩm mỹ, như tôi lúc đầu vậy.  Kỷ thuật viên không có thì giờ sửa chánh tả, nên bấm chuột nhờ máy sửa cái rẹt cho mau, nên có khi nhà văn viết đúng mà bị sửa lại thành sai, nên có khi nhiều người thích đúng theo phát âm mà thành ra ưa thẩm mỹ (đến hơn 80%)

            Thôi thì, chắc nhiều người coi đây là chuyện nhỏ, tôi đề nghị với Chủ Nhiệm, Chủ Bút, Kỷ Thuật Viên các báo, các nhà in... xin quí vị chọn Phát Âm chứ đừng chọn Thẩm Mỹ. Thà nó đúng mà thiếu đẹp còn hơn là nó đẹp mà sai./-
                                   
                           San Jose, ngày 26-4-2000

                             (Trích từ sách Tiếng Việt & Chữ Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét