Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Phân Đoàn Nữ Quân Nhân Không Quân QLVNCH

Cựu Trung Tá NQN/KQ Nguyễn Thị Hạnh Nhơn

LTS: Ban Thực hiện Quân Sử KQ và Đặc san Lý Tưởng Úc Châu vừa nhận được một số tài liệu, hình ảnh liên quan đến lực lượng Nữ Quân Nhân trong QLVNCH và trong Quân Chủng Không Quân cũng như hai quyển Đặc san Cựu Nữ Quân Nhân 1998 và 2001, phát hành tại Hoa Kỳ do Cựu Trung Tá Nữ Quân Nhân Nguyễn Thị Hạnh Nhơn gởi về cho. Xin chân thành cám ơn NT Nguyễn Thị Hạnh Nhơn và xin mạn phép trích đăng một phần tài liệu liên quan đến NQN/KQ mà NT Nhơn đã từng giữ chức vụ Phân Đoàn Trưởng Nữ Quân Nhân Không Quân từ năm 1969 đến năm 1975. Quý chiến hữu KQ và quý độc giả có thể hiểu biết tường tận hơn về Đoàn NQN/KQ trong cuốn Quân Sử Không Quân QLVNCH.

Tôi gia nhập Quân Chủng Không Quân mộ cách rất tình cờ. Năm 1969, Bộ TTM/QLVNCH nhận được văn thư của Bộ TL/KQ yêu cầu đưa qua một sĩ quan cấp tá Nữ Quân Nhân để chỉ huy số NQN đang phục vụ tại BTL/KQ và các Sư Đoàn I, II, III, IV, V và VI Không Quân..


Số NQN này do văn phòng Đoàn NQN phân phối sau khi tuyển mộ và huấn luyện căn bản quân sự từ năm 1965 là thời điểm mà Đoàn NQN được tổ chức lại quy mô theo nhu cầu gia tăng quân số của QLVNCH. Bộ TTM chuyển văn thư đó đến văn phòng Trưởng Đoàn NQN và nơi đây gởi hồ sơ của bốn sĩ quan NQN cấp tá qua BTL/KQ tuyển chọn để giao trách nhiệm giữ chức vụ Phân Đoàn Trưởng NQN/KQ với nhiệm vụ phụ trách việc quản trị, thanh tra kỷ luật và tư cách của NQN các ngành, hợp tác với các cấp chỉ huy trực tiếp tại các đơn vị Không Quân trong việc chỉ huy quá tế nhị về phụ nữ trong Quân Đội. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi vì chưa biết ai sẽ phải thay đổi công việc đang đảm trách. Hồi đó tôi đang là Trưởng Phòng Nghiên Cứu tại văn phòng Trưởng Đoàn NQN Bộ Tổng Tham Mưu. Một thời gian sau, chị Trưởng Đoàn báo tin cho biết là BTL/KQ đã chọn tôi và tôi phải bàn giao công việc để qua Không Quân càng sớm càng tốt theo yêu cầu của BTL/KQ.

Cảm tưởng đầu tiên của tôi rất ngỡ ngàng. Tôi rất bâng khuâng vì sắp đổi đến một nơi xa lạ, một Quân Chủng mà mọi người đều ngưỡng mộ và mơ ước. Tôi sẽ tổ chức một Văn Phòng Phân Đoàn NQN/KQ, tôi sẽ tiếp xúc với các cấp bên Không Quân.
Họ sẽ đới xử với tôi ra sao? Và tại sao tôi lại được chọn lựa? Ngày đầu tiên đến trình diện, vị Tư Lệnh Không Quân đi công tác vắng nên tôi được Chuẩn Tướng Tham Mưu Trưởng đón tiếp rất lịch sự và giới thiệu tôi làm việc tại Văn Phòng Tham Mưu Phó Nhân Viên để cho tôi tùy ý tự tổ chức công việc, phối hợp với Phòng Tổng Quản Trị về quân số, thuyên chuyển, thăng thưởng, hình phạt NQN; phối hợp với Phòng Tuyển Mộ về việc tuyển mộ NQN; và với Phòng Tiếp Vận về quân trang, quân dụng NQN... Bên cạnh tôi có một sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ hợp tác với tôi trong vấn đề quân số và tuyển mộ NQN. Các sĩ quan cố vấn có thời gian phục vụ nhất định tại Việt Nam nên thay đổi luôn. Người cuối cùng tôi nhớ là Nữ Thiếu Tá Coffinder, cô ấy rất chiều tôi và đi chung với tôi trong những chuyến thanh tra NQN tại các căn cứ Không Quân: Nha Trang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Biên Hoà, Ban Mê Thuộc...cô rời Việt Nam khoảng năm 1973. Sau đó Phân Đoàn NQN/KQ dời đến một khu riêng biệt đầy đủ tiện nghi hơn do Không Quân Hoa Kỳ để lại và vẫn trực thuộc Tham Mưu Phó Nhân Viên. Buồn cười nhất là khi có tôi ở BTL/KQ quý vị chỉ huy trực tiếp NQN rất vui mừng, cảm thấy nhẹ nhõm vì ai cũng cho là chỉ huy phái nữ khó quá! Bao nhiêu là vấn đề tế nhị, mà quý vị vốn quá dễ dãi, hào hoa, không muốn khắt khe với nữ nhân viên mỗi khi có một vài cô có lỗi (nghỉ không xin phép, đi trễ về sớm, liên hệ tình cảm với vài anh em Không Quân bay bướm, sơ sót trong công tác, v..v..)

Quân số cuối cùng của Phân Đoàn NQN Không Quân đã có được trên 300 người, được chia ra các ngành sau đây:

- Tham mưu: Làm việc chuyên môn, thư ký, đánh máy chữ, tiếp liệu, kế toán, tiếp phát công văn.

- Quân Y: săn sóc thương bệnh binh tại các Trung Tâm Y Khoa Không Quân, bệnh xá KQ trong các nhiệm vụ chuyên môn: y tá, dược tá, nha tá, điều dưỡng.

- Xã hội: ủy lạo thương bệnh binh, săn sóc gia đình binh sĩ, dạy học tại các trường tiểu học dành cho con em quân nhân, giúp đỡ tài chánh cho những quân nhân gặp khó khăn (tang ma, bệnh hoạn, cưới hỏi), phát quà tặng thường xuyên cho quân nhân và gia đình, áp tải thuơng bệnh binh, lo đám tang các tử sĩ, xin tiền tử tuất cho các quả phụ v..v..

- Tuyền tin: phục vụ tại Trường Truyền Tin, các Phòng Truyền Tin tại BTL/KQ và các Sư Đoàn KQ trong các lãnh vực chuyên môn như: điện thoại viên, tổng đài viên, viễn ấn...

- Tiếp viên phi hành: phục vụ trên các phi cơ quân sự giống như các chiêu đãi viên hàng không dân sự

- Kiểm soát An Ninh: làm việc tại các cổng phi trường quân sự, trực thuộc Phòng An Ninh KQ (khám xét phái nữ khi có khả nghi về nưu toan phá hoại, gian dối, buôn lậu v..v..) để bảo đảm an ninh cho phi trường.

- Sĩ Quan Nữ Điều Dưỡng: do Không Quân tuyển mộ gửi dự khoá học căn bản sĩ quan tại Trường Nữ Quân Nhân (Phú Thọ), sau đó được du học tại Hoa Kỳ theo khoá Nữ Điều Dưỡng (Nurse) 4 năm. Khi trở về sẽ phục vụ tại Trung Tâm Y Khoa và các bệnh xá KQ, làm việc cạnh các bác sĩ, phụ trách về dinh dưỡng, cấp thuốc men, lo cho bệnh nhân những điều cần thiết trong thời gian điều trị. Khoá I Nữ Điều Dưỡng (13 người) từ Hoa Kỳ trở về nước được thăng cấp Trung Úy. Khoá II và III (27 người) đang gởi du học tại Hoa Kỳ chưa trở về thì miền Nam đã bị rơi vào tay Cộng sản.

Mỗi khoá Chỉ Huy Tham Mưu KQ đều đành cho tôi những giờ để thuyết trình về 'Đoàn Nữ Quân Nhân QLVNCH'. Khoá cuối cùng vào cuối tháng 4 năm 1975, tôi đã giã từ qúy vị sĩ quan khoá sinh cũng như tất cả qúy vị sĩ quan, hạ sĩ quan quân nhân nam nữ mà tôi đã được gặp vào những chuyến viếng thăm cuối cùng trong công tác của tôi, để rồi mỗi người đi mỗi ngả... Có nhiều người may mắn ra đi, có những người ở lại để vào tù cải tạo nhiều năm không án. Những anh chị em hạ sĩ quan không đi tù cũng sống lây lất, hiện đang kéo dài những ngày bi thảm trên quê hương mà nhóm 'Khôn g Gian Thân Tình' vẫn cố gắng gom góp tiền bạc gởi về tiếp tế, thể hiện châm ngôn 'Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè'. Tôi vẫn ghi sâu trong tâm khảm kỷ niệm những năm tôi phục vụ trong Quân Chủng Không Quân, những buổi chào cờ sáng thứ hai tại Bộ Tư Lệnh, mắt nhìn lên lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trong gió, miệng hát theo bài Quốc Ca Việt Nam, phút mặc niệm các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc. Quân nhân các cấp đứng từng dãy dài ngang hàng thẳng lối, toán NQN trong quân phục màu xanh da trời tô thêm vẻ đẹp tươi mát cho quang cảnh trang nhiêm của buổi lễ chào Quốc Kỳ.

Tôi nhớ những chuyến bay công tác, các sĩ quan phi công đã lái cho tôi trên các phi cơ trực thăng, Cessna, các anh rất hiền hòa, lễ độ và vui tính. Tôi nhớ chiếc xe Jeep màu xanh dương, nệm trắng, hàng ngày đón tôi vào Tân Sơn Nhất làm việc, với cô tài xế nữ quân nhân cứ bị tôi chỉnh hoài vì thái độ giống y như con trai. Anh chị em Không Quân đã dành cho tôi những cảm tình đặc biệt cho đến bây giờ vẫn còn đượm tình đồng đội.

Sau những năm bị tù đày ở quê nhà, và những năm sau đó chịu nhiều nỗi khó khăn, tôi đã đến Hoa Kỳ theo diện H.O/02 năm 1990. Đại diện của quý anh em ân cần đến thăm và tặng cho tôi một huy hiệu Không Quân nhỏ được làm bằng kim khí để gắn trên cổ áo, tôi vô cùng xúc động và trân quý chiếc huy hiệu đó, biểu hiện Quân Chủng cuối cùng mà tôi đã phục vụ trong QLVNCH. Tình quý mến quý vị dành cho tôi, an ủi tôi rất nhiều nơi xứ lạ quê người này. Tôi rất mong được gặp lại các Nữ Quân Nhân đang sống rải rác trên các tiểu bang Hoa Kỳ mà tôi đã mất liên lạc, cũng như tôi rất mong có đủ khả năng để giúp đỡ cho các chị em Nữ Quân Nhân còn kẹt lại trong nước được thoát cảnh cơ cực, thiếu thốn rất đáng thương.

Khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, mọi quân nhân trong QLVNCH đều phải mang một sự tủi nhục và uất hận. Nữ Quân Nhân QLVNCH nói chung, Nữ Quân Nhân Không Quân nói riêng cũng đồng chung nỗi niềm cay đắng đó. Dù quá khứ chỉ còn trong hoài niệm, chị em Nữ Quân Nhân Không Quân chúng tôi vẫn lấy làm hãnh diện vì đã được đóng góp một phần nhỏ trong Quân Chủng Không Quân và vẫn còn nuôi dưỡng tình cảm thắm thiết trong đại gia đình Không Quân QLVNCH.


Nguyễn Thị Hạnh Nhơn
Tháng 7/93

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét