Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Chia sẻ cùng người dân Văn Giang mất đất


1. Vại bia Ecopark
Những người uống bia hơi ở Hà Nội thời bao cấp thiếu thốn, nghèo khổ hẳn còn nhớ: Để được mua một suất hai vại bia hơi thì phải mua kèm đĩa nộm đu đủ hoặc đĩa củ kiệu, đĩa đậu rán. Ngày hè cháy khát, người nghiền men bia hơi Hà Nội cần uống bia chứ không cần ăn nộm. Nhưng nhiều người vẫn phải mua đến hai, ba đĩa nộm để được uống bốn hoặc sáu vại bia hơi. Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng, Vihajico, hứa hẹn làm một đoạn ngắn của con đường nối Hà Nội với thành phố Hưng Yên cũng chỉ là lời hứa mua đĩa nộm để được uống những vại bia ngây ngất Ecopark.
Vại bia Ecopark không phải chỉ làm Vihajico ngây ngất mà còn làm nhiều người say sưa, mê mẩn và người ta đã vắt chân lên cổ hoàn thành thủ tục giấy tờ để có mảnh đất vàng Văn Giang dựng lên Ecopark với tốc độ thần kì:
. Ngày 28. 06. 2004 Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên kí tờ trình số 704 / TT-UB xin Chính phủ giao đất. Tờ trình xin đất làm đường nhưng trong đất được giao làm đường có đất Ecopark, và đất Ecopark mới là mục đích chính của tờ trình số 704 / TT-UB. Nói có sách, mách có chứng: Sau khi có quyết định giao đất thì chủ đầu tư hối hả triển khai thực hiện dự án Ecopark, trưng phối cảnh khu dân cư tráng lệ, lung linh, thiên đường Ecopark, rầm rộ quảng cáo rao bán căn hộ Ecopark, trang điểm lộng lẫy, cao sang cho Ecopark bằng cách đôn đáo chạy cho Ecopark cái Giải thưởng Kiến trúc Xanh. Còn đoạn đường kéo kinh kì dập dìu lại gần Phố Hiến đang thay da đổi thịt, đoạn đường đó đi qua Ecopark sẽ càng làm tăng giá trị của Ecopark nhưng nó chỉ là món nộm đu đủ đi kèm vại bia Ecopark, không phải hàng hóa kinh doanh, không có lợi nhuận thì cứ từ từ!

. Ngay hôm sau, ngày 29. 06. 2004, Bộ Tài nguyên Môi trường kí tờ trình số 99 / TTr-TNMT gửi Chính phủ đồng thuận với việc xin giao đất của Hưng Yên. Vì thế khi Hưng Yên phải cầu cứu tới hàng ngàn cảnh sát chiến đấu của Bộ Công an và huy động cả côn đồ xã hội đen tại chỗ cưỡng chế chiếm đoạt mảnh đất sống của người dân Văn Giang thì ông cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, người đã kí tờ trình số 99 / TTr-TNMT vào hùa với tỉnh Hưng Yên cướp đất của nông dân Văn Giang liền nói rằng việc cưỡng chế là đúng pháp luật! Vì vừa nhắc đến chính quyền Hưng Yên phải huy động cả côn đồ xã hội đen vào việc giành giật đất sống của dân giao cho Vihajico nên cần chỉ rõ rằng vụ hành hung man rợ hai nhà báo đến chứng kiến cuộc cưỡng chế như bầy thú hoang cắn xé một con mồi đơn độc yếu ớt thì chỉ côn đồ, xã hội đen mới hành xử như vậy.
. Chỉ một ngày sau đó, ngày 30. 06. 2004, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kí quyết định giao cho Hưng Yên đầy đủ diện tích đất mà chủ đầu tư đã chấm ở Văn Giang. Quyết định giao đất ra đời vội vã đến mức văn bản cấp Chính phủ giao quyền sử dụng hàng trăm hecta đất mà quên cả ghi hiệu lực thi hành.
Thực tế nền hành chính đại trì trệ ở nước ta, người dân đã đáp ứng mọi đòi hỏi của thủ tục giấy tờ và chỉ lên cấp quận gần gũi xin giấy chứng nhận quyền sử dụng vài chục mét vuông đất ở, nhà ở mà họ đang sử dụng và thực tế họ đã sử dụng từ lâu, cũng phải chầu trực cả ngày mới được cái hẹn rồi đi tới đi lui từ cuộc hẹn này sang cuộc hẹn khác, từ tháng này sang tháng khác vẫn chưa xong. Vậy mà công ty tư nhân Vihajico xin quyền sử dụng hàng trăm hecta đang là đất sống ổn định từ lâu đời của hàng ngàn hộ dân, thực tế là xin được quyền cướp đất của dân mà chỉ hôm trước hôm sau đã có đủ các dấu son cần có.
Hôm trước có dấu son của tỉnh. Hôm sau có dấu son của bộ chủ quản đất. Hôm sau nữa có dấu son của Chính phủ. Mỗi ngày qua nhẹ nhàng, gọn ghẽ, ngon ơ một cửa ải cấp quốc gia, sừng sững kín cổng cao tường. Chỉ ba ngày có ngay cái giấy được quyền cướp đất sống của dân. Tốc độ thần kì, không bình thường đó, chỉ một mình Vihajico không thể làm được! Chỉ nhìn vào tiến độ thời gian nhanh đến không tưởng giúp chủ đầu tư Vihajico có được mảnh đất vàng Văn Giang cũng thấy rõ những ai, những cửa quan nào có ân tình với Vihajico, có phần, có suất ở mảnh đất vàng Văn Giang, những ai được hả hê uống vại bia Ecopark.
2. Nhà giầu núp bóng nhà nước cướp đất sống của nhà nghèo Văn Giang
Vihajico là đơn vị kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Vihajico vẽ ra dự án nọ, dự án kia để được có mảnh đất vàng Văn Giang cũng chỉ để tìm kiếm lợi nhuận. Đất Văn Giang chỉ là nguyên liệu sản xuất của Vihajico. Sản phẩm Vihajico tạo ra ở Văn Giang không phải là công trình an ninh, quốc phòng, cũng không phải là công trình phúc lợi xã hội của nhà nước, của toàn dân mà chỉ là hàng hóa kinh doanh của riêng Vihajico. Hàng hóa đó là khu đô thị sinh thái Ecopark. Để có nguyên liệu sản xuất, có hàng hóa kinh doanh thì Vihajico phải trực tiếp quan hệ với những chủ nguyên liệu, những nông dân chủ đất ở Văn Giang. Đó là quan hệ dân sự, bình đẳng, quan hệ mua bán, thuận mua vừa bán.
Nhưng ở xã hội có tham nhũng còn có cả loại hình kinh doanh quyền lực, kinh doanh núp bóng quyền lực, núp bóng nhà nước, sử dụng bộ máy nhà nước, dùng quyền uy nhà nước vào kinh doanh tạo ra lợi nhuận cao nhất. Công thức của loại hình kinh doanh này là: Đồng vốn hạn chế của nhà kinh doanh + Quyền lực tối đa của nhà nước = Siêu lợi nhuận. Loại hình kinh doanh này đã biến quan hệ mua bán dân sự bình đẳng giữa người mua và người bán thành quan hệ hành chính bất bình đẳng giữa bộ máy nhà nước và người dân, biến việc thuận mua vừa bán dân sự thành quyết định hành chính, áp đặt, cưỡng chế.
Mang quyền lực nhà nước ra kinh doanh đã là tồi tệ. Những gì đã diễn ra ở Ecopark Văn Giang còn thậm tồi tệ. Biến quan hệ của hai chủ thể mua bán bình đẳng thành quan hệ hành chính bất bình đẳng: quyền lực nhà nước độc đoán quyết định và người dân phải cay đắng chấp hành sự thua thiệt mất nguồn sống của hôm nay và muôn đời mai sau. Để có đất Văn Giang làm hàng hóa của Ecopark, quyền lực nhà nước còn nhẫn tâm sử dụng bạo lực với dân. Chính quyền trung ương huy động hàng ngàn cảnh sát chiến đấu của Bộ Công an ra giành đất của dân giao cho công ty kinh doanh Vihajico. Chính quyền địa phương cho côn đồ xã hội đen vào từng nhà dân đe dọa hành hung những người không chịu giao đất cho Vihajico, viên chức thì bị đe buộc thôi việc, buộc thuyên chuyển đi nơi xa, nhiều khó khăn, phá vỡ cuộc sống đang ổn định. Đó là những việc làm bẩn thỉu, nhục nhã của một nhà nước ra đời bằng máu của dân, tồn tại bằng tiền thuế của dân, tồn tại bằng những giọt mồ hôi lương thiện của người dân.
Thực hiện cuộc cưỡng chế ngày 24 tháng Tư năm 2012, chiếm đoạt đất sống của dân Văn Giang bằng bạo lực đàn áp, chính quyền tỉnh Hưng Yên không biết nhục với dân và không biết xấu hổ với lương tâm còn huênh hoang rằng cuộc cưỡng chế đã thành công và an toàn mĩ mãn!
Cuộc cưỡng chế ầm ầm xe pháo, rầm rập quân quan, mù mịt khói lửa như cuộc càn quét vây ráp của đội quân cướp nước mấy chục năm trước, như cuộc cướp cạn “Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” thời phong kiến thối nát “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” mấy trăm năm trước mà thành công, an toàn ư?
Lực lượng cưỡng chế áp đảo, xô đẩy, chia tách người dân ra rồi xâu xúm lại vung dùi cui, gậy gộc đánh đập người già, phụ nữ, bắt bớ hàng chục người dân, đánh hội đồng hai nhà báo chứng kiến cuộc cưỡng chế rồi hung hãn đánh cả người phụ nữ tay không muốn cứu hai nhà báo mà thành công, an toàn ư?
Hàng ngàn cảnh sát cơ động chiến đấu của Bộ Công an tua tủa súng, trập trùng khiên xua đuổi dân ra khỏi mảnh đất máu thịt của người dân Văn Giang cho những chiếc máy gạt, máy xúc ủi tung mồ mả, xích sắt xe lạo xạo nghiến nát xương sọ, xương ống của ông bà tổ tiên người dân Văn Giang mà thành công, an toàn ư?
Để nhà giầu núp bóng nhà nước cướp thành công đất của người dân nghèo Văn Giang thì đó là thất bại ê chề, nhục nhã của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hàng ngàn cảnh sát vũ khí bịt bùng đối đầu với vài trăm người dân lao động lam lũ là hình ảnh tiêu biểu của nhà nước cảnh sát, nhà nước quân phiệt, là hình ảnh khẳng định chắc chắn, rõ ràng về cuộc sống thiếu vắng dân chủ lại dư thừa bạo lực. Đó là thất bại thảm hại của nhà nước đang ra rả nói về xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh!
3. Người nông dân đang bị gạt ra bên lề công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là tất yếu nhưng những gì đang diễn ra ở nước ta những năm ồn ào, rầm rộ công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa qua cho thấy người ta đang làm công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng nghị quyết hùng hồn, bằng khẩu hiệu màu mè, rổn rảng nhưng không có phương hướng, không có tư tưởng, không có triết lí, không có khoa học, không có tính toán căn cơ, gặp gì làm nấy, mạnh ai người đó làm!
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải chỉ là những khu công nghiệp mênh mông, những nhà máy san sát, những đô thị hào nhoáng đua nhau mọc lên xô bồ, lộn xộn, nhốn nháo như hiện nay. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước hết phải là một đất nước, một xã hội được tổ chức, được qui hoạch, được khai thác khoa học, hợp lí, qui củ, ngay ngắn để thế mạnh của mọi vùng đất được huy động, bản sắc của mọi nét văn hóa dân tộc được phát huy, năng lực của mọi cá nhân được thể hiện, được đóng góp, người lao động chân chính nào cũng được nhìn nhận, được tôn vinh và có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải là cuộc sống có nhịp điệu, tiết tấu công nghiệp khẩn trương và trật tự, nề nếp, một ngày hôm nay bằng chục năm, trăm năm của cuộc sống trì trệ xưa cũ, để mọi người dân có nếp sống, nếp nghĩ công nghiệp, được sống, được hưởng thành quả của xã hội công nghiệp hiện đại, để cuộc đời đẹp hơn, đáng quí hơn.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa có phương hướng thì không thể có nỗi đau: Chủ nghĩa tư bản hoang dã không còn đất sống ở các nước công nghiệp phát triển liền ồ ạt tràn vào Việt Nam mang công nghệ cũ kĩ đến bóc lột người lao động Việt Nam, coi người lao động Việt Nam như nô lệ ở thế kỉ XVII.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa có tư tưởng, có triết lí Việt Nam thì không thể có nỗi nhục: Những cánh đồng màu mỡ trở thành sân gôn, trở thành khu công nghiệp. Người dân ngàn đời lao động sáng tạo trên những cánh đồng đó đã sáng tạo ra nền văn minh nông nghiệp lúa nước, sáng tạo ra nền văn hóa Việt Nam. Những người chủ đất, những người chủ của một nền văn minh nay bỗng bơ vơ, xác làm thuê cho chủ tư bản nước ngoài, hồn không nơi nương náu. Hàng chục triệu nông dân Việt Nam từ vị thế làm chủ, làm chủ cuộc đời mình, làm chủ quê hương mình, làm chủ đất nước mình, làm chủ một nền văn hóa rực rỡ nay trở thành những kẻ lơ láo làm thuê không chốn dung thân.
Không còn đất để được trăn trở với đất, để được lao động sáng tạo với đất. Không còn đất để được làm duyên với đất: Trúc xinh trúc mọc đầu đình / Em xinh em đứng một mình cũng xinh. Cơ bắp đành thất thểu mang đi bán rẻ khắp nơi. Nhan sắc bán giá bèo sang xứ người chỉ để đổi lấy miếng cơm thừa của thiên hạ. Lịch sử Việt Nam suốt mấy ngàn năm có bao giờ tủi nhục thế này chăng?
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa có khoa học, hợp lí thì không thể có nỗi buồn: Một đất nước trải dài ôm lấy biển nhiệt đới, có hơn ba ngàn cây số bờ biển quanh năm nắng gió, cứ một trăm cây số vuông đất liền có một cây số bờ biển mà phải nhập khẩu muối!
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa có tính toán căn cơ thì không đến nỗi mất mát xót xa như ở Văn Giang. Văn Giang nằm trong vùng trung tâm châu thổ đồng bằng Bắc Bộ có lớp phù sa màu mỡ dày cả chục mét do con sông Hồng cần cù bồi đắp từ hàng triệu triệu năm tạo lên. Bề dày lớp phù sa cũng là bề dày của nền văn minh nông nghiệp, bề dày của những kiếp người gắn bó với mảnh đất cha truyền con nối, bề dày tình yêu của con người với mảnh đất sống, bề dày của kinh nghiệm lao động sáng tạo với đất đai, bề dày của những nghề tinh, của tài hoa sáng tạo từ đất đai.
Ở những vùng đất khác, người nông dân lầm lũi, nhọc nhằn, quần quật suốt năm chỉ làm ra được 50 triệu đồng trên một hecta đất. Với đất đai màu mỡ, với kinh nghiệm và tài hoa sáng tạo từ đất đai, người dân Văn Giang lao động nhẹ nhàng, ung dung mỗi năm cũng có thu nhập cả tỉ đồng trên một hecta đất. Đất phồn vinh của người dân Văn Giang nay là đất biệt thự sang trọng, đất căn hộ cao cấp của người giầu từ nơi khác đến. Không còn đất sống, người dân Văn Giang lại thất thểu mang cơ bắp đi khắp nơi bán rẻ, mang nhan sắc ra xứ người bán giá bèo kiếm miếng cơm nuôi bản thân và gia đình!
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa như đang diễn ra trên đất nước ta, như đang diễn ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ở Văn Giang, Hưng Yên, ở Vụ Bản, Nam Định chỉ là những cuộc chụp giật lợi ích của những người có tiền và có quyền. Tấc đất tấc vàng. Những tấc vàng, những hecta vàng đó lại là sở hữu toàn dân do những người có quyền quản lí! Vì thế đất vàng đang dễ chụp giật nhất, đang là những cuộc chụp giật quyết liệt, tàn bạo nhất và những cuộc chụp giật đất vàng đang diễn ra trên cả nước. Người nông dân trên cả nước đang bị gạt ra bên lề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lại trở về cuộc sống lầm than, đói nghèo và uất hận chịu đựng bất công như ngàn năm trước!
© 2012 pro&contra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét