Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Tâm tình với các đồng đội A-20 Xuân Phước

Kính thưa quý chiến hữu và bạn đọc,
 Để Quý vị hiểu thêm về chúng tôi, những A20 trại trừng giới, chúng tôi kính gởi đến một sinh hoạt mang tính ch6a1t "gia đình", một sinh hoạt đặc thù và rất thực của chúng tôi. Kính mong rằng sau bài nầy, chúng tôi sẽ không trở lại chuyện tại sao chúng tôi không gọi là Hội Đoàn..., mà gọi là "Gia Đình A20" . Chúng tôi là anh em gia đình nên chúng tôi đối xử với nhau như thế, tuổi tác, tư cách là hai yếu tố hàng đầu của chúng tôi. Kỳ tới. chúng tôi giới thiệu khuôn mặt "rất lính" trong gia đình chúng tôi. sau đó là sinh hoạt rắt đặc biệt trong trại giam . qua sinh hoạt nầy, quý vị có thể hiểu tại sao cộng sản "gom" chúng tôi về giam tại thung lũng tử thần Kỳ Lộ.
 Trân trọng kính mời quý vị bước vào câu chuyện.
             ***********************************

                    Tâm tình với các đồng đội A-20 Xuân Phước                                                                                                                         Vũ Ánh

Tôi không phải là người đầu tiên được Hải bầu báo tin cho biết người bạn đời của anh đã ra người thiên cổ ở tuổi 60. Cái tật ít nghe lời nhắn trên cell khiến tôi chùng xuống vì ân hận khi vào sáng tinh mơ, Phạm Đức Nhì ở Galveston gọi cho tôi báo hung tin. Tôi không gọi cho Hải bầu, vì tôi biết trong giờ phút ấy, những lời an ủi chẳng có tác dụng gì giữa cái mất mát to lớn của người bạn tù thân thiết của mình. Hải làm ở gần tòa soạn tôi, thỉnh thoảng anh em gặp nhau để bàn về chuyện tổ chức gặp mặt vào Tháng Bẩy này. Tôi biết hoàn cảnh của Hải bầu rất khó khăn, tôi lại không giầu có gì, nhưng không hiểu sao vào giây phút khẩn cấp ấy tôi nghĩ  những anh em nào đã chia nhau từng miếng khoai hà, từng chén canh đại dương, canh giây thép gai, mắm đã có giòi trong những bữa cơm tù, từng nhìn thấy cảnh một bi thuốc lào mà bốn năm đứa chuyền tay nhau kéo, từng vá cho nhau những miếng vá trên các bộ quân phục đã bắt đầu mục rách… có thể giúp tìm ra một giải pháp.


Đọc thư của Út Khiết viết từ Việt Nam mà nước mắt tôi cứ tuôn ra. Anh em ngày xưa đói khổ như thế, một viên thuốc kiết lỵ là một thỏi vàng mà chúng ta còn dám cho những đồng đội không may của mình trong tù, chúng ta dù thân thể như những cái xác ve biết đi thời người Do Thái bị Đức Quốc Xã lưu đày trước khi vào lò thiêu xác, mà mắt chúng ta còn rực lửa, tay còn nắm chặt những cán quốc và nói thẳng với mấy tên súng dài súng ngắn khi quản giáo nhất định đòi “Quách” Tĩnh (Đại úy Tĩnh) phải quì xuống để chúng đánh: “Cán bộ đánh bạn tôi, chúng tôi sẽ bổ những cái cuốc này lên đầu cán bộ cho dù chúng tôi phải hy sinh”. Chính những đôi mắt rực lửa đó đã làm cho tên quản giáo chùn bước thì lẽ nào ngày nay chúng ta lại lặng lẽ đứng nhìn bạn mình, đồng đội mình chìm đắm trong những khó khăn để đến nỗi không thể cử hành tang lễ cho người bạn đời của anh một cách đàng hoàng?  Chị là người đã dám “lãnh” Hải bầu trong giai đoạn Bầu khốn cùng nhất, chịu đựng cái tính “xe tăng” của Hải một thời gian dài sau lần bị bắt thứ hai ở Saigon năm 1987. Vâng “cậu” chơi bạo nhưng vợ lại phải khăn gói đi thăm tù cải tạo. Sau khi định cư muộn màng ở Hoa Kỳ, chị lại chịu đựng, chia sẻ cuộc sống vất vả khó khăn của chồng trong khi mầm bệnh đang tàn phá dần cơ thể của mình.

Tôi thảo thư gởi các đồng đội từng chia sẻ với tôi trong bao gian lao ở trại trừng giới A-20 Xuân Phước về chuyện giúp Hải “bầu”. Tội nghiệp Út Khiết, cậu em nhỏ tuổi nhất trong số chúng tôi còn sinh sống ở Việt Nam cứ bấn loạn lên. Khiết gởi thư kêu gào đi khắp nơi từ Úc Châu, Pháp cho đến các ông anh, bạn bè với Khiết từng qua cổng trại A-20 đang ở Hoa Kỳ. Nó gõ kẻng, báo động, bấm chuông. Nhờ Út Khiết, dù chúng tôi chưa hề  bao giờ tập họp thành một hội đoàn tương trợ, Phạm Kim Minh ở San Jose cũng đã trở thành chính tinh thần tương trợ của tất cả những anh em nào ở A-20 còn giữ lại tấm lòng với nhau, còn nghĩ tới những năm tháng đen tối ở cái thung lũng của thần chết cách biệt hẳn với xã hội chung quanh và bên ngoài. Phạm Kim Minh trở thành “văn phòng trung ương” cho chiến dịch tương trợ Hải “bầu”. Hải bị kiệt quệ hoàn toàn về tài chánh sau thời gian dài vợ bị bệnh nên cần huy động tiền bằng phương tiện nhanh nhất để chi phí cho tang lễ, Minh đã là “ngân hàng ứng trước” cho những bạn chưa kịp gởi. Từ Úc châu, Khải đứng ra làm đầu tầu và chỉ trong chưa đầy 2 ngày, tương trợ đã đến tay Hải bầu.

Dù vậy, mãi cho đến khi Tám “chùa” đại diện anh em Bắc California mang cái bị từ San Jose xuống gặp nhau ở Chùa Bát Nhã, anh em mới hết căng thẳng. Chùa Bát Nhã đã mở rộng cánh cửa đối với gia đình Hải bầu, vị trụ trì, các ni, sư , anh em Gia Đình Phật Tử trong chùa đều hết sức tận tình. Rồi những đồng nghiệp của Hải, chủ nhân và nhân viên cơ sở nơi Hải bầu làm việc cũng hết sức chia sẻ với anh những khó khăn. A-20 Nguyễn Đại Thuật mãi bên Tây cũng đã  bảo cậu con nuôi của anh, cháu Hải đến giúp đỡ Hải “bầu”. Cháu đã tận tình túc trực ngày đêm để Hải bầu nhờ công việc.

Còn về phần các bạn A-20 Xuân Phước, thực tình tôi không còn tìm nổi một chữ nào nữa để mô tả cảm hứng, niềm tin của tôi vào tình đồng đội trong chốn lao tù Cộng Sản mà chúng ta đã từng biểu lộ cách đây gần 40 năm rồi mà vẫn còn giữ được. Nó vẫn như thế, keo sơn, nhân ái, dựa lưng vào nhau mà chiến đấu trong một cuộc chiến khác. Tôi cho rằng anh em chúng ta chắc không ai quên được Bùi Đạt Trung cựu sĩ quan Biệt Động Quân, cái anh chàng vào những lúc đói khổ nhất trong A-20 vẫn điển trai, nghênh ngang, đối đáp “chỉa” mấy chèo vàng tỉnh bơ, nhiều lúc tưởng chúng nó bắn “chàng” rồi. Trung “điên” hả? Đúng. Nhiều lúc tưởng nó điên thật nhưng anh em hãnh diện vì cái điên của hắn, cái điên bảo toàn được nhân cách. Tôi cho rằng, trong hoàn ảnh đặc biệt của A-20 giữ được nhân cách là chiến thắng, phải không các bạn? Nhưng các bạn không thể ngờ được, nếu bạn nào từng đọc những e-mail “cần phải đề phòng người khác coi mình” và những e-mail tếu của Trung sẽ thấy lần này Trung “điên” không “điên”. Trung viết một bài rất hay, cảm động và đầy ý nghĩa đã được post lên trại trừng giới. Các bạn cần phải coi. Trung “điên” đã cho mọi người chúng ta thấy một cái mẫu mực về tinh thần tương trợ mà các cựu tù cải tạo A-20 nêu cao trong suốt thời gian lưu đầy. Tôi nghĩ bài viết của Trung “điên” là một thông điệp đầy đủ mà anh em chúng ta muốn gởi cho nhau và mỗi người cũng cần đọc.

Lễ hỏa táng vợ Hải bầu như thế là được coi như tốt đẹp. Các anh em ở Nam Cali như Tám chùa, Hai néo, Giang Văn Hai, Đại “gấu”, Trình “mễ”, Vũ Lộ, Hải “cà”, Tống Phước Hiến+ vợ, Nguyễn Văn Học+vợ, Vũ Ánh+vợ, anh cả Nhan Hữu Hậu…đã mạn phép đại diện cho các anh em cựu tù cải tạo A-20 ở Úc, Pháp, Việt Nam, “4 Vùng Chiến Thuật” (các tiểu bang) ở Hoa Kỳ viếng thăm và tiễn đưa vợ Hải “bầu”. Trước đó một ngày, vào buổi chiều chị Bình có chở Đoàn Bá Phụ đến chùa Bát Nhã để viếng linh cữu vợ Hải bầu, nhưng Phụ đi đứng khó khăn lắm rồi nên chỉ có chị Bình vào. Hải bầu ra xe chào Đoàn Bá Phụ và nói chuyện ở ngoài xe. Theo như lời Hải “bầu”, sức khỏe Đoàn Bá Phụ xuống thấp lắm.

Thật ra, đám tang nào cũng là một điều buồn cho tang chủ, nhưng anh em A-20 đã được một “benefit” từ chị Phú. Chị nằm xuống rồi mà vẫn còn giúp cho anh em chúng tôi gặp lại nhau trong tang lễ, gặp lại nhau trong chiến dịch tương trợ, nhắc nhở nhau duy trì tinh thần đồng đội bất diệt của 40 năm trước. Riêng Nam Cali được thêm một benefit khác, đó là sau tang lễ, vợ chồng Vũ Lộ mời tất cả mọi người đến nhà anh vào buổi tối thưởng thức món giả cầy chính hiệu kiểu Bắc Kỳ do vợ anh chế biến. Ngoài ra còn gà đi bộ luộc, nghêu xào xúc bánh tráng và cháo gà.

Trong bữa ăn, Đại “gấu đã “than phiền” Trung “điên” đã viết Đại “gấu” có khuôn mặt “ngầu” nhưng là “ngầu pín”. Anh cười và nói: “Nó viết ngầu là được rồi, lại còn thêm chữ pín vô làm gì”. Mọi người cười rộ lên. (VA)
  
BÔNG HỒNG TRÊN VẾT DẦU LOANG
                                                                                 Bùi Đạt Trung
Ngày buồn rồi sẽ qua đi, sinh hoạt Quán Lá cũng sẽ trở lại bình thường, nhưng dư âm vẫn còn đọng lại trong chúng ta với quá nhiều cảm xúc, tự hào và hãnh diện vì mình là “A.20”
Khi biến cố xảy đến cho gia đình Hải Bầu, một số A.20 xa gần thường liên lạc với “Bầu” rất lo lắng, quan tâm và chia xẻ…., lên net thông báo cho Quán lá, nhưng chỉ có lẻ tẻ hồi đáp, hầu như gặp “bức tường im lặng” vì đa số không có xử dụng computer và không có theo dõi sinh hoạt Quán Lá qua email.
Lúc đầu Quán có vẻ thất vọng và muốn bỏ cuộc, sợ rằng sự tồn tại sẽ không còn bao lâu nữa, nhưng bây giờ mới thấy ý nghĩ đó hoàn toàn sai lầm.
Sau khi chị Hải nằm xuống, thời gian cấp bách không còn nhiều, mọi người đã săn tay áo, vận dụng tất cả những gì có trong tay, computer, điện thoại. Moi trí nhớ, gọi đến các A.20 trên toàn thế giới, thông báo hoàn cảnh của bạn mình và kêu gọi mọi người móc nối, liên lạc tới những hang cùng ngõ hẻm…
Không ngờ hành động này đã đi vào huyền sử của Quán Lá A.20, chỉ trong thời gian ngắn 1, 2 ngày…, công việc “tìm trẻ lạc” đã lan đi một cách nhanh chóng và vũ bão… như “vết dầu loang”, hơn hẳn biến cố “vịnh Mexico”.
Tác dụng rất hiệu quả, tình thần, nhiệt huyết, hào khí của A.20 vẫn chưa chết mà chỉ hơi đông lạnh và ngủ gục vì hoàn cảnh, cuộc sống…. Nhưng khi một tim đèn đưa vết dầu loang đến đâu là đông lạnh tan đến đấy…
 - Một Úc Châu, vừa “loang” ra là các “down under” đã dính lại ngay tức khắc thành “up over” với Khải, Thủy, Đạo, Trình, Pha, Phố, Rạng, Ninh.
-         - Một Pháp Quốc với Robinson Nguyễn Đại Thuật lẻ loi trên ốc đảo, chỉ rình có giọt dầu nào lan tới là chộp ngay.
- Một “Suối Máu” hùng hậu với khí thế “Đêm Noel” năm nào chưa hề tàn lụi…. Quả thật “người lính già không bao giờ chết mà chỉ tàn phai với thời gian” (MacArthur) .
- Một Seattle “xứ lạnh tình nồng” forever với Thận, Nghị, Chuyên, Trai, Giàu.
- Một Oregon với Hạnh, Đủ, Liên, Tường tuy bận nhưng không thờ ơ.
- Một Utah không ù lì với Nghĩa, Ân….
- Một Colorado với Tiến “Dế” cũng lắt chắt chui từ lỗ ra gáy ầm lên, tiếng siêu âm vang vòng vòng xung quanh cũng làm “nhột nhột” đến cả chục lỗ tai, lại còn vang cả tới Florida, móc được 6 “Dzảnh”, chưa kể ở đó còn có đại ca Phan Thành Lương ân oán phân minh…
 - Một Canada với Hồ Hoàng Khánh tuy bận hành hiệp nhưng vẫn sẵn sàng phóng phi tiêu tới bất cứ giọt dầu nào đang lao tới và hạm đội của Đô đốc Victor luôn sẵn sàng vớt dầu…
- Một Texas với những tay cowboy bách phát bách trúng mà Phạm Đức Nhì chỉ cần cất tiếng “hét” lên là
đã “bừng sáng” hết vùng sa mạc, làm cho Cái Trọng Ty tuy trầm lặng nhưng lúc nào cũng nồng nàn phải “lâng lâng” và Lê Hoàng Ân tuy trịnh trọng nhưng cũng…. ngó trước ngó sau rồi “tủm tỉm” gật gù. Một Hải Angola tuy bận lo phần an ninh nhưng cũng lo cả cho thằng bạn mình ở xa. Một Nguyễn Chí Thiệp có tên Hải Bầu trong “Trại Kiên Giam” chả lẽ lại quên nó, nào Khuất Duy Trác, nào Long Sữa, Quang Lê, Lê Trung Phương.. v..v…
- Một Oakland với Ngô Quốc Việt “lụy vì bạn”, mê bạn hơn mê gái “but no gay”. Một Đỗ Văn Thái sẵn sàng “dzúi” anytime, cộng với Nha Kỹ Thuật Nguyễn Quốc Anh Tuấn bận nhảy toán triền miên trên rừng Concorde, lại bị sốt rét nó hành cũng ráng chui ra để chia xẻ vài viên “ký ninh”
- Một Nam Cali kề cận và hùng hậu với “Thần Bút Đại Hiệp” Vũ Văn Ánh, bút lông chỉ cần “Ngoáy” một cái là “đạn dược” bay tới ào ào, cùng với tàng cây cổ thụ phủ bóng mát lên Quán Lá mà cái … “tên” định mệnh của mình đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho các anh em với câu nói thường trực đã đi vào huyền thoại: “Có chuyện gì cứ gọi cho anh Hậu…”. Thật là một điểm son cho cánh Nam Hà.
Một “Cu Bi” lăng xăng thật dễ thương cùng với Đỗ Văn Trình đi đòi những tên nào đã lỡ dại nghe truyện “phong thần” của hắn phải đóng lệ phí kèm theo gương mặt “ngầu pín” của Đại “Gấu” đi bên cạnh thì bố ai mà né cho được, ấy là chưa kể quán quân “húc cơ” Tống Phước Hiến thì quần thần chỉ có nước “nhừ tử”, đó là chưa nói tới tư lệnh BĐQ Nguyễn Văn Học vừa mới xuất hiện.
- Nam Cali mà không nói tới Bắc Cali thì còn ra cái thể thống gì nữa, một Phạm Kim Minh với tấm lòng nhân hậu, nhiệt tình khiến chúng ta phải ngưỡng mộ, một “pho” tự điển Tôn Lò thì không sẩy một ai cả. “Ngọng” như Tám Chùa mà cũng ép phê ra phết, cộng với thuốc bồi của Ngọc đen thảy qua từ Virginia dưới sự chỉ đạo của Hà Mạnh Phan thì kho đạn Long Bình nổ đâu có thấm thía gì, khiến cho Duyên Voi phải thốt lên: “tụi mày đâu thì anh đó”, đồng thời làm cho Phùng Văn Triển lé mắt, mặc dù gánh nặng gia đình nhưng điểm danh chưa bao giờ vắng, trong khi anh Hoàng tuy “si cà que” nhưng dầu loang tới là “cổ” và “tay” vẫn “nhuần nhuyễn” như thường.
Một Tư “Rè” tuy rất bận bịu với sinh hoạt cộng đồng nhưng tinh thần Suối Máu và A.20 vẫn luôn ngời sáng.
Còn đang hưởng trợ cấp mà cũng gom “bi” để bắn như Long “sụn” (New Hamshire) và Khôi “Điếc”… thì thật là cảm động. Với Đoàn Ngọc Thụy, tuy cuộc sống thật là bình dị và đơn giản nhưng anh rất hãnh diện và hạnh phúc với một nửa còn lại thật tuyệt vời và nhân hậu của mình, sau khi đọc những lời tâm tình của Vũ Văn Ánh, một nửa đã phán một câu “xanh rờn” với phu quân của mình: “Go ahead, you một trăm. Me một trăm”.
Nhưng đó không phải là “duy nhất”, mà chúng ta phải “trân trọng” với những nửa của mỗi người, không có những “nửa” đó thì chưa chắc Quán Lá đã tồn tại lâu.
*Quán Lá mà không có người “giữ cửa” Út Khiết thì đã “banh sa rông Nông Pênh” rồi, có Út thì ngọn hải đăng mới soi chiếu được tới những nơi mà “vết dầu loang” lan tới.
*Cám ơn chị Phú, cám ơn Hải Bầu, nhờ dịp này chúng ta mới gần nhau và hiểu nhau hơn, cho nên hình ảnh chị Phú được mệnh danh là:
"BÔNG HỒNG TRÊN VẾT DẦU LOANG"
Từ tiêu đề này, chúng ta thấy vấn đề “lập quỹ” không còn cần thiết nữa, vì nó rất “nhạy cảm” và “phức tạp” dễ mang tiếng, các anh đã từng sinh hoạt cộng đồng nên hiểu điều đó hơn ai hết…., ta cứ “ngẫu hứng” mà lại đạt kết quả “trên cả tuyệt vời”… sau này mỗi lần nghe bất cứ nơi nào xướng lên “vết dầu loang” là chúng ta hiểu đó là “mật hiệu” của chiến dịch “Hoa tình thương A.20” xuất hiện và chúng ta đã biết mình sẽ phải làm gì.
*Xin hương hồn chị Phú luôn phù trợ cho tình thần Quán Lá A.20 luôn bền vững và “vết dầu loang” này sẽ nguồn nhiên liệu phong phú giúp cho “con cua sắt” Hải Bầu tiếp tục vững mạnh và lăn bánh với quý tử yêu quý của mình
Chào thân ái
Bùi Đạt Trung (tự Trung Điên)
*******************************************************
Năm qua nhìn lại.
                                              
                                A.20 Trần Hướng Đạo
Trong năm 2011 cái vui tràn ngập trong tôi chẳng phải vì tôi trúng số cũng chẳng phải tôi giàu có vì đang làm ăn phát đạt tại một đất nước tự do Hoa kỳ cũng chẳng vì con cái học hành giỏi giang, công thành danh toại. Những lý do đó hoàn toàn không có trong đời tôi. Tôi không trúng số cũng chẳng có một đứa con để mà trông dòng nối dõi nhưng niềm vui trong tôi là tôi đã tìm được bạn bè, anh em đã một thời cùng chung một hoàn cảnh, cùng chia sẻ những đớn đau cả về tinh thần lẫn thể xác trong những trại tù cộng sản đặc biệt ở trại A.20 Xuân Phước tại mật khu Suối Cối, Kỳ Lộ cuả Cộng Sản, một vùng đất với núi rừng rậm rạp, khắc nghiệt, khô cằn với nắng mưa thất thường cùng gió Lào nóng rát từ phía tây thổi tới
Tôi vui mừng vì đã nhận được tin tức các anh em mà đã hơn 1/4 thế kỷ tôi không biết một chút nào về họ. Tôi đã nhìn được họ qua những tấm hình được post trên trang web của trại A.20. Họ vẫn còn đây cho dù họ đã trãi qua bao nhiêu nghiệt ngã của thế sự. Tôi cũng đã đau buồn khi nhớ tới những người bạn đã giã từ thế giới trong cô đơn khi họ nhắm mắt lià đời mà không có một người thân bên cạnh ngay cả những người bạn cùng tù tội cái tội bảo vệ quê hương, bảo vệ tự do cho một nửa đất nước.
Sau khi biết được các bạn và anh em A.20 đang qui tụ không phải ngoài đời mà chỉ trong Website và hộp thư chung. Tôi lại còn vui hơn khi anh em tổ chức một cuộc họp mặt tại Nam Cali với ngày tháng được qui định rõ ràng ngày 3 tháng 7 năm 2011. Đây mới là cuộc họp mặt thật sự để nhìn thấy những bạn bẻ bằng xương bằng thịt, để được ôm ôm nhau trong vòng tay thân ái, để được nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ nhưng trong những thân hình đã già nua vì sự khắc nghiệt của năm tháng. Cái khó khăn cho tôi tham dự cuộc họp này là chúng tôi rất neo đơn, hai vợ chồng già trong một căn nhà nhỏ bé ở một tiểu bang xa xôi thuộc vùng đông bắc Hoa kỳ nhưng Mỹ lại gọi là vùng Trung Tây Hoa kỳ (Midwest). Muốn đến Cali tôi không thể dùng xe mà đi được, tuổi già sức yếu lại bệnh hoạn tùm lum, đường xá xa xôi 3, 4 ngày đêm lái xe chắc là tôi sẽ gục ngã giữa đường. Vì vậy, muốn gặp anh em tôi phải để bà vợ già ở nhà và quyết định đi bằng máy bay. Đi máy bay cũng phải trải qua 2 chuyến bay. Tôi tự than thầm: Sao cái đất nước này rộng lớn quá.
Thế rồi sự mong muốn của tôi, tôi đã thực hiện được qua sự khuyến khích, giúp đỡ của bạn bè, anh em. Vui biết bao khi tôi được dịp đến thăm bạn bè cả Bắc lẫn Nam Cali trước ngày Họp Mặt. Gặp ai tôi cũng có những kỷ niệm của ngày xưa mặc dù chỉ là những kỷ niệm của khổ đau. Tôi đã cố gắng chụp hình từng người để giữ lại hình ảnh của họ nhưng cũng chỉ được một số người mà thôi. Trong Họp Mặt vui quá tôi không có thời gian để thực hiện ý muốn vì kẻ vỗ vai người hỏi han chuyện nọ, chuyện nọ , chuyện kia. Vui quá, cảm động quá nhiều khi dòng lệ muốn tuôn tràn mà cái yếu đuối này tôi chưa bao giờ có khi còn cầm súng chiến đấu chống cộng sản. Thế rồi những giờ phút gặp mặt vui mừng cảm động này cũng qua đi. Trở về với cuộc sống thường nhật tôi vẫn nhớ cái ngày Họp Mặt vừa qua. Bậy giờ nhìn lại năm ấy, năm 2011 tôi lại thấy buồn vì trong năm này tôi đã vĩnh viễn mất đi mấy người bạn, người anh và cả người tôi gọi là Cha. Một Đoàn Bá Phụ, một lại Tình Xuyên và người Cha đáng kính, gương mẫu của trại tù năm xưa Linh Mục Nguyễn Văn Thông. Năm nay 2012 anh em trại A 20 lại tổ chức gặp nhau tại San Jose, California tôi buồn quá vì không đến để gặp mặt anh em. Biết đâu năm tới cũng có cuộc gặp mặt nhưng tôi đã ra người thiên cổ. 100 năm cuộc sống con người nhưng mấy ai đạt được tuổi thọ này nếu như còn sống chắc là cũng chẳng còn biết cái đúng, cái sai vì thời gian đã bào mòn trí óc của chúng ta.
Với tuổi trời đã về chiếu, còn sức, còn khả năng còn điều kiện, còn cơ hội chúng ta nên thực hiện. Thờ gian không ngừng lại để đợi chờ chúng ta.
Chúc tất cả A.20 và gia quyến an bình và Cuộc Họp Mặt Kỳ 2 thành công.
A.20 Trần Hướng Đạo
Columbus, Ohio
------------------------------------------------------------------------------
TINH THẦN A-20 CÒN ĐÓ
                                                                                                                            A-20 Lê Hoàng Ân
                                     
Con người từ lúc sinh ra cho đến lúc bỏ cuộc chơi như bạn Đoàn Bá Phụ hay bạn Lại Tình Xuyên chẳng hạn và rồi sẽ lần hồi đến lượt chúng ta, trải qua bao nhiêu giai đoạn, từ lúc còn tuổi ngây thơ, trong trắng, chỉ biết đi học, cho đến lúc có được mảnh bằng, thì có người có phương tiện học đại học này, học đại học kia, có người có được vợ đẹp con khôn, còn có người thì theo tiếng gọi của non sông mà nhập ngũ, với ý định là bảo vệ Tổ Quốc thân yêu chống sự xâm lăng của bọn việt cộng khát máu.
Tuổi trẻ của chúng ta đã bị xáo trộn, chung quy chỉ là do bọn vô đạo cộng sản gây hấn. Hầu như đa số chúng ta đã bỏ cả học hành, bỏ cả gia đình, cha mẹ, vợ con, anh chị em để dấn thân vào công cuộc bảo vệ đất nước, với sự hy sinh vô bờ bến của từng cá nhân. Ở miền Nam, khi cuộc chiến bước lần tới giai đoạn của những trận đánh khốc liệt, với nhu cầu gia tăng quân số, khiến đa số thanh niên phải tòng quân thì chúng ta đã phải có mặt trong quân ngũ để đáp ứng với lời kêu gọi bảo vệ non sông.
Để rồi, đến ngày 30 tháng Tư 1975, chúng ta bị mệnh lệnh quái ác của Tổng Thống bất hợp hiến Dương Văn Minh là phải buông súng, đi tù, người vài năm, người mười mấy năm, và những người nào chống đối chúng trong những trại tù khác đều bị tập trung tại nhà tù A-20 Xuân Phước, nơi được mệnh danh là Thung Lũng Tử Thần. Ngoài những người đã bỏ mạng tại Xuân Phước, vì tuổi già, vì bệnh hoạn, vì không chấp nhận chế độ cộng sản nên đã chống đối tới cùng để phải bỏ mạng trong xà lim, từ người có chức phận cao nhất như cụ Võ Văn Hải, Chánh Văn Phòng Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cho đến em bé chăn châu chống Cộng để mang tội danh chính trị, rồi chết trong ngục tối mà gia đình không được biết ngày chết để làm giỗ, còn có bẩy vị anh hùng vượt ngục. Sáu anh bị chúng bắn chết, còn anh thứ bẩy bị kết án chung thân, cũng may được chúng thả ra và bây giờ đã có mặt tại quê hương thứ hai này. Tôi không dùng chữ tha, vì có tội mới được tha, còn đây không có tội mà bị bỏ tù thì dùng chữ thả đúng hơn.
Tại sao dùng “Tinh Thần A-20” để nói lên cái tinh thần của các anh em trại trừng giới Xuân Phước? Tôi cho rằng cái tinh thần của anh em A-20 được nung đúc bởi sự căm thù Việt cộng đã khống chế và đối xử tàn tệ với anh em, những chiến sĩ Quốc Gia. Những anh em chúng ta không được coi như những con người nữa, mà chỉ được coi như những con vật, không hơn không kém. Chúng muốn để cho sống thì sống, chúng muốn giết thì chúng giết không nương tay. Vài mẩu khoai mì H.34, ít nước muối hay nước mắm ròi. Có nhà tù nào trên thế giới đối sử với tù nhân như vậy không? Vì thế, ngay trong những giờ phút khó khăn nhất, thê thảm nhất, đã có những cuộc nổi dậy từ nhỏ bé như chửi cẩu tặc Hồ Chí Minh trong cầu tiêu viết bằng dép râu hay than, cho đến đại quy mô, như tờ báo chui “Hợp Đoàn”, cho đến ngày tuyệt thực của các SQ/QLVNCH khi hai anh SQ là Cái Trọng Ty và Phùng Văn Triển bị VC đánh trong lúc đi lao động vì chúng cho là cố tình làm rớt luá trên đường đi, làm rúng động cả trại A-20 Xuân Phước, cho đến ngày trình hát những bản ngục tù ca, huấn ca, chống cộng ca (theo bài viết của Phạm Đức Nhì) Sau khi ở tù về, lần lượt các anh em đã ra đi qua chương trình H.O. hay vượt biên vì không chấp nhận cuộc sống trong nhà tù lớn CS dù vẫn còn một số anh em bị kẹt ở lại Việt Nam, và đa số những ai đi được đều đã định cư tại Hoa Kỳ. Mỗi người ở một nơi, xa cách nhau từ vài dặm cho đến cả mấy chục ngàn dặm. Ai nấy đều lo cho cuộc sống của cá nhân, của gia đình mình. Đột nhiên, trên website có xuất hiện một trang điện tử Trại Trừng Giới A-20 Xuân Phước. Rồi một đồn muời, muời đồn trăm, ai nấy đều nhanh chóng gia nhập trại A-20 Xuân Phước, không phải để đi tù lại, mà là thường xuyên liên lạc với nhau, và danh sách được cập nhật hoá hàng ngày, từ con số vài chục lên đến vài trăm rồi bây giờ lên đến cả trên ngàn người. Đùng một cái, ngày họp mặt 03 tháng 07 năm 2011 được tổ chức. Cả trên một trăm anh em và thân nhân từ mọi phương trời đã gặp nhau và chia sẻ những nỗi buồn vui trong bao nhiêu năm qua, và cùng hẹn sẽ gặp lại nhau trong mùa này năm tới, dự trù vào ngày 01 tháng Bảy năm 2012 tại Bắc Cali ở San José. Ngàn năm một thuở mà.
Cái tinh thần A-20 này hiếm có ở những quân binh chủng khác, vì họ là những quân binh chủng, và họ có tổ chức họp mặt từ quân binh chủng của họ, còn A-20 đây chỉ là những tù nhân của một trại trừng giới khủng khiếp nhất quy tụ lại, không có chủ tịch, không có tổng thư ký, không có nội quy, mà mọi người không cùng chung một đơn vị, thậm chí có người không ở trong quân ngũ nữa, v.v…, mà ai mà còn sống sót được thì phải cúng con heo quay ngoại trừ Thày Thích Thiện Minh. Cá nhân tôi đã không đủ tiền mua con heo quay nên khi được thả về gia đình tôi chỉ mua nổi nửa ký heo quay ở đường Tôn Thọ Tường về cúng và rồi tự chiêu đãi với nửa lít rượu đế. Vậy mà cái tinh thần A-20 này coi bộ còn ngon hơn là những đơn vị khác nữa cơ, bởi vì đây là tinh thần tự nguyện.
Anh Nguyễn Văn Đèn là anh kết nghĩa của tôi đã có câu nói bất hủ: “Các anh có thể giết tôi, nhưng tôi là một chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, tôi không chấp nhận chế độ Cộng Sản.” Vậy mà chúng không làm gì được đấy. Đó là tinh thần A-20. Cho đến năm 1995, anh đang làm bảo vệ cho một công ty ở Vũng Tầu thì một buổi sáng chúng thông báo là anh đã chết vì trúng gió vào ban đêm. Chỉ có Trời biết.
Tinh thần A-20 được tiếp nối với chuyện của Hải Bầu, chuyện của Đoàn Bá Phụ, chuyện của Lại Tình Xuyên, và chuyện của những người anh em khác nữa. Nhưng anh em A-20 đều có mặt, dù chỉ là một nghĩa cử muộn màng.
Bây giờ Nguyễn Quang Trình, một người em kết nghĩa khác của tôi, đang đau nặng. Không biết sống chết ra sao. Sẽ phải mổ ở đầu và ở túi mật. Nhưng Trình mới nói với tôi: “Anh Ân ơi, em sẽ sang với anh và chúng ta sẽ cùng đi San José dự buổi họp mặt và em sẽ hát bài Heart Of Gold và anh sẽ thổi kèn Harmonica là sở trường của anh, dù anh đã trên 70 tuổi!!!”
Đó là tinh thần A-20.
Vậy thì thế nào là tinh thần A-20? Tinh thần A-20 là không mời mà cứ nhẩy vào để giúp, để thăm hỏi, để đem sức lực của mình mà tham gia sinh hoạt vào những hoạt động của anh em A-20 Xuân Phước mà không hề thắc mắc, không hề than vãn. Tinh thần A-20 là sự đoàn kết của hàng trăm anh em đã từng cùng nằm tù tại A-20 Xuân Phước bây giờ đã được trổ hoa để cùng nhau hoà nhịp trong những ngày cuối của cuộc đời. Đó là tinh thần A-20. Đó là tình người. Đó là tình anh em của những chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà nói riêng và là của những công dân Việt Nam Cộng Hoà nói chung. Đó là tinh thần bất khuất của anh em chúng ta, những người tuy thua trận nhưng thắng về tình cảm. Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau một cách vô vụ lợi, là tinh thần A-20 vậy đó. Khó thấy ở trên thế giới này.
Mình có thể tha thứ những gì xẩy ra cho chúng ta tại A-20 vì thời gian và không gian nhưng chúng ta không thể quên được hiện trạng là kẻ thù chung của chúng ta vẫn là Cộng Sản. Bản thân tôi có thể tha thứ, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên những gì cộng sản Việt Nam đã làm cho gia đình tôi, cho đồng ngũ của tôi, cho quê hương tôi, cho Tổ Quốc tôi.
Tôi đề nghị lấy ngày 03 tháng Bảy làm “ngày tinh thần A-20”. Đó là ngày mà anh em A-20 đã chọn làm ngày họp mặt đầu tiên sau mấy chục năm xa cách.
Tôi cũng đề nghị là chúng ta áp dụng tinh thần A-20 này toả rộng ra để giúp những cộng đồng khác, nhất là về tinh thần, như hiệp thông với giáo xứ Thái Hà, vì họ cũng chống Cộng như chúng ta vậy, hay thấy chỗ nào treo cờ máu thì sẽ đến hạ nó xuống và thay vào bằng lá cờ VNCH nền vàng ba sọc đỏ như  tại siêu thị Groger, Gallant, Dallas, TX mới đây mặc dù chúng ta nói là chúng ta không làm chính trị hay không muốn tranh luận về tôn giáo. Chúng ta không làm chính trị nhưng phải có thái độ chính trị. Chúng ta không đề cập đến tôn giáo nhưng chúng ta phải chứng tỏ là chúng ta có tôn giáo, đó là điểm khác biệt giữa chúng ta là những người có tôn giáo với bọn cộng sản vô tôn giáo.
Tinh thần A-20 muôn năm. Tất cả các bạn A-20 muôn năm
A-20 Lê Hoàng Ân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét