TRƯƠNG PHÚ THỨ
Cuốn sách được gọi là tiểu thuyết có tên Xóm Đạo
lấy bối cảnh của một trại di cư mà đại đa số là tín hữu công giáo từ
miền bắc vừa mới chân ướt chân ráo chạy vào nam lánh nạn cộng sản. Hình bìa cuốn sách dầy hơn sáu trăm trang của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp đã thể hiện một cách chính xác nội dung của cả cuốn sách. Bức tranh vẽ một người đàn ông ngồi tư lự bên cạnh một người đàn bà nẳm trên giường suy nghĩ mông lung. Phía sâu xa xa của bức tranh là ngôi nhà thờ im bóng dưới ánh trăng. Ngôi nhà thờ chỉ là một cái bóng mờ sau hai thân hình với những tư lự và nhiều khúc mắc. Nhìn
vào bức
tranh ngay trên mặt bìa trước độc giả chắc hẳn sẽ không kỳ vọng vào
những kỷ niệm xa xưa dưới bóng của ngôi thánh đường và những sinh thái
cá biệt của một cộng đồng những người “có đạo” quây quần nhau dưới cây
thánh giá. Cuộc sống vui buồn và những tất bật của giáo
dân có rất nhiều chuyện, nhiều hình ảnh phải được nói đến và trình bầy
đến từng khía cạnh của một tập thể rất phức tạp của những người từ nhiều
địa phương khác nhau ở miền bắc vừa đặt chân đến miền đất mới mưa nắng
hai mùa. Sinh thái của một xóm đạo bao bọc bởi lũy tre
xanh với những con chiên ngoan đạo ở một làng quê miền bắc và những khác
biệt nhiều khi chống đối lẫn nhau của nhiều nhóm người
từ nhiều địa phương với cuộc sống mới ở miền nam lại càng lắm chuyện, nhiều vấn đề cần được nói đến.
Tựa đề của cuốn sách tưởng như sẽ nói
lên được cuộc sống cũng như những sinh thái đặc thù của một xóm đạo với
đàn con chiên ngoan đạo quây quần quanh ngôi nhà thờ là địa chỉ thứ hai
của người “có đạo” bỏ lại sau lưng nhà cửa ruộng vườn, mồ mả tổ tiên sau
cuộc chạy trốn chế độ cộng sản. Nhưng độc giả đã hòan
tòan thất vọng vì cả cuốn sách chỉ nhai đi nhai lại mấy cái chuyện tình
giả tưởng ở trong và ngòai xóm đạo với những tình tiết bịa đặt rẻ tiền.
Bài Đọc Sách này có bốn phần chính:
1- Những cuộc tình
2- Hận thù gian dối
3- Tri thức nông cạn
4- Văn chương chữ nghĩa
1- Những cuộc tình
Tác giả Nguyễn Ngọc Ngạn viết Xóm Đạo đăng nhiều kỳ trên tờ Thời Báo ở Toronto, Canada. Để “câu” độc giả, người viết đã hòan tòan không có lấy một chữ mô tả làng
xóm của những người “có đạo” với tiếng cầu kinh rầm rì gần như suốt
ngày đêm và ngay cả những tiếng chửi mất gà vào những buổi chiều tà. Người
đọc không được nghe những hồi chuông rộn rã mừng đôi lứa tân hôn trong
ngày cưới và cũng không được nghe những tiếng chuông chậm rãi trầm buồn
đưa tiễn con chiên trở về nuớc Chúa. Cả
quyển sách hơn sáu trăm trang chỉ viết về những cuộc tình ở trong và ngòai Xóm Đạo.
Ngay ở trang ba mươi của cuốn sách dầy
hơn sáu trăm trang, người đọc đã được thưởng thức món khai vị bằng một
hình ảnh rất dâm ô tục tĩu chẳng kém gì những họat cảnh của phim con heo:
“Trên chiêc giường nhỏ kê sát vách, thầy Phán ngồi dựa lưng vào tường, duỗi thẳng hai chân. Mai ngồi trên lòng thầy, dạng hai chân ra, đưa lưng lại phía Thông. Hai cánh tay cô vòng qua ôm lấy cổ thầy Phán. Chiếc quần đen của cô máng trên nóc mùng, thòng hai ống xuống một khoảng dài cỡ hơn gang tay. Thầy Phán cúi xuống, úp mặt vào ngực Mai, hai bàn tay bấu lấy mông cô. Mai hơi ngửa cổ, nhắm mắt lại và rên lên nho nhỏ.” (Tr. 30)
Cảnh dâm ô này được tác gỉa giao cho
nhân vật chính là thầy Phán, một tu sĩ đã lên tới chức thầy bốn, có
nghĩa là sau khi đậu tú tài tòan phần rồi thì đã học ở đại chủng viện
được bốn năm, chưa kể nhiều năm miệt mài ở tiểu chủng viện. Người
nữ diễn viên là Mai, một cô bé chưa được mười sáu tuổi học lớp nhất bậc
tiểu học, trong một gia đình quê mùa chỉ biết cầy cấy lam lũ và sống
đạo. Người đọc chắc phải phì cười vì tác giả Xóm Đạo cho Thông nhìn Mai từ đằng sau lưng mà vẫn thấy cô bé này “nhắm mắt”! Đạo diễn Nguyễn Ngọc Ngạn hẳn là có óc khôi hài đen khá sắc bén. Chữ
nghĩa của “nhà văn” Nguyễn Ngọc Ngạn chắc hẳn chỉ hạn chế ở mức độ này mà thôi.
Đời sống tu trì của những người tu hành không nói thì ai cũng biết là rất nghiêm nhặt. Tư tưởng, lời nói và việc làm nhất nhất đều phải rập theo một khuôn mẫu trong kỷ luật rất khắt khe. Các tu sĩ đều là những người trí thức được học tập rèn luyện trong một môi trường thánh thiện. Nói như vậy không nhất định là tất cả các tu sĩ đều là những người lành thánh, cũng có nhiều trường hợp sa ngã. Nếu
có một chuyện tình vụng trộm giữa một ông thầy tu và một đứa bé trong
đòan Thiếu Nhi thì cũng chỉ đến những cái liếc mắt đưa đẩy, nhiều
lắm thì cũng đến một cái nắm tay rụt rè vội vàng. Chỉ vì “câu” độc giả mà cho hai người này đóng môt cảnh phim ba chữ XXX thì lương tâm của người viết ở chỗ nào?
Tác giả Xóm Đạo diễn tả
cảnh thầy Phán làm tình với một đứa trẻ con chưa đến mười sáu tuổi đầu
ngay trong nhà xứ là nơi ăn ở của các linh mục cũng được coi là nơi chốn
nghiêm trang . Cảnh làm tình của thầy Phán và Mai được
tác giả diễn tả rất kiểu cách và điệu nghệ trong lúc bên ngòai khuôn
viên nhà xứ là đám đông cả ngàn người đang cười nói theo dõi tình tiết của cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống. Tiếng
loa phóng thanh, tiếng hò hét của lũ trẻ con và những đối thoại đến đứt
hơi của đám đông ồn ào và hỗn lọan hơn dám cháy. Thế mà những tiếng thì
thầm của hai đứa gian dâm cũng lọt được vào tai tác giả! Những
hành động dâm lọan được ông Ngạn diễn tả thật chi tiết và người đọc
không ai có thể nghĩ rằng một tu sĩ và một đứa con gái trong hội Thiếu
Nhi lại có thể có những động tác dâm dật rất nhuần nhuyễn của những
người đã trầy trụa chai đá với đời. Để thêm mắm thêm muối kích thích người đọc với họat cảnh dâm đãng trên, tác giả Xóm Đạo còn cẩn thận phụ đề:
“ Tiếng Mai tiếp tục vọng ra:
- Ai biết thì chết! Tắt đèn đi!
Thầy Phán dịu dàng bảo:
- Anh thích để đèn. Anh muốn nhìn em mà! Đẹp như thế này mà không cho người ta nhìn à? Tắt đèn thì rõ là áo gấm đi đêm!
Mai nũng nịu nói:
- Không tắt đèn thì ít ra cũng phải buông mùng xuống chứ. Em ngượng lắm!” ( Tr. 30)
Mẩu đối thọai trên là kiểu cách ăn nói của một thằng đĩ bợm và của một đứa con gái đã dầy dạn với giường chiếu. Đây
không phải là ngôn ngữ của một mối tình tội lỗi và vụng trộm giữa một
ông thầy tu và một đứa con gái quê mùa lúc nào cũng tâm niệm thà chết
chứ không dám phạm tội mất lòng Chúa. Một ông thầy tu nhìn thấy gái đã đỏ mặt, một đứa con gái chỉ biết chuyện đồng áng sau giờ học đã được tác giả Xóm Đạo dàn dựng cho đóng một pha làm tình mùi mẫn kiểu cách chẳng thua gì phim ba chữ XXX. Đầu óc bệnh họan của tác giả Xóm Đạo có thể hạn hẹp ở những lãnh vực khác nhưng cái bài bản kích thích
dâm đãng thì xem ra có vẻ cũng phong phú. Kết cuộc của mối tình vụng trộm, tác giả Xóm Đạo đã cho các bà hội Con Đức Mẹ đánh đập lột trần truồng con bé mười sáu tuổi ngay trước cửa nhà thờ, sau khi lễ tan với bao nhiêu người chứng kiến:
“Chiếc áo dài trắng, cái quần đen,
cái áo lót, trong nháy mắt biến thành những mảnh vụn quăng đầy chung
quanh! Thông đứng lặng trên thềm, không biết phản ứng thế nào. Mai thì
ngồi thụp xuống, hai tay che ngực, tòan thân chỉ còn cái quần lót nhỏ
xíu. Một bà giơ chân đạp mạnh vào lưng, khiến cô ngã lăn ra. Các bà khác xúm lại, người thì chửi, người thì nắm tóc, rít lên đay nghiến.” (Tr. 43)
Lối viết điêu ngoa này đã mang đến cho người đọc một câu hỏi về đạo của tình thương, của tha thứ và của an bình. Nếu
thực sự chuyện tình cảm giữa một ông thầy tu và một đứa con gái trong
hội Thiếu Nhi có xẩy ra thì những người lớn tuổi trong giáo xứ sẽ tìm
những phương cách khuyên răn dậy bảo và tích cực giúp cho cả đôi đàng
chứ không bao giờ có những hành động của phường vô lại. Các bà trong hội
Con Đức Mẹ là những người hơn ai hết có bổn phận và biết cách khuyên
bảo dậy dỗ chứ đâu có phải là bọn dao búa đâm chém mà lại có những hành
động dã man côn đồ làm ô uế nhà Chúa.
Sang đến truyện tình thứ hai, nhân vật chính trong Xóm Đạo là Thông, một thanh niên độc thân trẻ tuổi và có bằng tú tài tòan phần chương trình Pháp. Vào năm 1954, với học lực và bằng cấp của Thông tuy không quá hiếm nhưng cũng khó tìm. Chương
trình trung học chương trình Pháp vào thời đó rất nặng nề. Với sở học
như vậy Thông dễ dàng tìm được một công việc trong chính quyền và ngay
cả một chức giáo sư trong các trường trung học công hay tư ở Sài Gòn.
Tác giả Xóm Đạo đã làm ngừơi đọc ngạc nhiên khi để Thông an phận ở
một giáo xứ gồm những người công giáo di cư từ miền bắc và đại đa số
chỉ biết làm bạn với con trâu cái
cầy. Ở trong một căn nhà lá chia đôi với Quyên, một người đàn bà có chồng kẹt lại ở miền bắc. Quyên
chỉ là một người làm ruộng quê mùa có chồng là một anh lính trơn bị kẹt
lại ở ngòai bắc. Tất nhiên đối với Quyên,Thông là người học thức và văn
minh. Trong bất cứ hòan cảnh nào Quyên chẳng bao giờ với tới Thông vì hố ngăn cách qúa cách biệt về đủ mọi phương diện. Người
phụ nữ chỉ biết cầy cấy đã có một đời chồng và một thanh niên trẻ tuổi
có bằng tú tài tòan phần chương trình Pháp tiêm nhiễm và hấp thụ cách cư
xử và lời ăn tiếng nói của những ông tây bà đầm là một khỏang cách xa
xôi diệu vợi. Tác giả Xóm Đạo đã gượng
ép cho hai người yêu nhau. Thông và Quyên ở chung nhà ngăn đôi bằng một tấm phên tre cứ tối đến lại mò sang nằm ôm nhau nhưng “nằm suông thôi chứ không làm gì cả”. (Tr. 127). Thật là một lọai sáo ngữ không thể nào thuyết phục được người đọc, dù rất dễ tính. Ở một trang sách khác, tác giả viết : “Mọi niềm kính trọng đối với Thông đều tan biến hết trong lòng bà khi bà biết chắc Thông đã ngủ với Quyên.” (Tr.93) Theo lối nói và suy diễn thông thường của người Việt Nam thì động từ ngủ này có nghĩa là làm tình. Hành động giao hoan
với người khác phái không phải vợ chồng chính thức qua phép hôn phối là phạm tội. Nhưng ngay sau đó,Thông đã vội vàng thức dậy đi nhà thờ và tham dự tất cả các lễ nghi. Đây
là một kiểu cách bôi bác giáo luật đạo công giáo chứ không phải là
“chuyện nghe qua rồi bỏ” như nhiều người không quan tâm đến.
Để kết thúc chuyện tình quá sức thần
thọai này, tác giả đã bắt Quyên nằm xuống để cho linh mục chánh xứ đánh
năm roi vì tội đã tư tình với Thông. Lại một cường điệu chữ nghĩa rất ư là nhảm nhí. Vị linh mục chánh xứ có thể cầm cái roi đanh mấy đứa trẻ con nghịch ngợm phá phách trong nhà thờ. Bắt một người phụ nữ đã có chồng nằm xuống để cho linh mục chánh xứ đánh “những vết roi nhỏ nổi hằn lên như sắp bật máu” (Tr. 96) là một tưởng tượng hết sức bậm trợn. Đánh đến nỗi bị thương da sắp bật máu là một thứ đòn thù hoặc một hình thức tra tấn dã man. Tác giả Xóm Đạo đã cẩn thận nhấn
mạnh đến trận “đòn thù” đó thật là khủng khiếp đến nỗi Quyên phải nói : “Chờ vài hôm nữa vết thương lành hẳn, em sẽ đi.” (Tr. 97) Không có một linh mục nào hung dữ đối với phụ nữ đến như vậy. Lại một tưởng tượng điêu ngoa rất bệnh họan của Nguyễn Ngọc Ngạn. Tác giả Xóm Đạo cũng không quên vẽ lên một hình ảnh dâm dật vào nỗi đau khổ của một người đàn bà:
“Anh trở vào, lưỡng lự một chút rồi kéo hẳn quần Quyên xuống đến tận đầu gối rồi đặt cái khăn ướt lên ngang mông nàng. Quyên làm bộ nhăn mặt , xuýt xoa rên lên khe khẽ, nhưng thật ra nàng không còn thấy đau chút nào cả. Nàng úp mặt xuống gối mỉm cười. Nàng thầm cám ơn cha Xuân đã đánh nàng để tạo cơ hội cho nàng gắn bó với Thông. Nếu không có những ngọn roi này thì biết đời nào Thông mới dám cởi quần nàng.”(Tr. 96)
Kết cục của mối tình giữa một thanh
niên có bằng tú tài tòan phần chương trình Pháp và một phụ nữ chỉ biết
làm ruộng và đã có một đời chồng cũng làm người đọc ngẩn ngơ: Quyên lẳng
lặng bỏ xứ đạo ra đi và sau đó cũng không còn liên lạc với Thông nữa. Đọc
chuyện tình của hai người đứng ở hai bờ của một xã hội, độc giả cũng
phải sững sờ vì một người đàn bà sống ở vùng quê chỉ biết cầy cấy chưa
chắc đã biết đọc biết viết, có chồng là một anh lính trơn nhưng nhiều
khi lại lý sự, lý luận nghe cũng đâu ra đó . Tác giả Xóm Đạo đã cương ẩu khi cho Quyên dẫn giải lịch sử cuộc Nam tiến của cha ông ta ngày xưa cũng như lý luận về các luật lệ của giáo hội công giáo.
Sau khi Quyên bỏ xóm đạo ra đi thì Thông lại có một cuộc tình mới. Người yêu của Thông là Trâm, một thiếu nữ “ngọai đạo” và cũng chỉ biết cầy cấy. Một người có học tạm coi là trí thức như Thông lại lậm vào mối tình với một thôn nữ. Nghe thì cũng có vẻ thơ mộng nhưng vẫn là một chuyện khó có thể xẩy ra. Thông
là một con chiên rất ngoan đạo, đi nhà thờ mỗi ngày, vừa ngủ dậy đã đọc
kinh cầu nguyện mà lại vướng vào cuộc tình với Trâm, một cô gái “ngọai
đạo” có ông bố suốt ngày khích bác đay đả đạo công giáo.
“Cơm trưa xong, Thông nằm trên võng. Trâm tự tiện leo lên nằm bên cạnh. Nằm xuông thôi chứ không làm gì cả!” (Tr. 359)
Tác giả Xóm Đạo đã thần thánh hóa nhân vật Thông một cách quá mức. Ăn nằm với Quyên một thời gian dài cũng chỉ “nằm suông” và bây giờ ôm ấp Trâm cũng chỉ “nằm xuông” mà thôi!
“Thông xoa nhẹ bàn tay trên lưng Trâm, bên ngoài lớp vải lụa dịu mát. Bàn tay anh vô tình đưa dần xuống và đặt trên mông Trâm. Cô vội vòng tay ra phía sau, lôi bàn tay Thông lên, bắt trở lại vị trí cũ. Một lúc sau, Thông lùa bàn tay vào trong áo Trâm, cô cũng lại kéo bàn tay anh ra, làm Thông chợt mỉm cười trong bóng tối.” (tr.444)
Một cường điệu khác,
Thông nằm ngủ chung một giường với Mai, cô bé mười sáu tuổi đã được tác
giả cho đóng phim con heo với thầy Phán, nhưng cũng chẳng làm gì! Người
thanh niên trẻ tuổi tên Thông này ắt hẳn phải có “vấn đề”!
“Sáng hôm sau chuông nhà thờ đánh thức. Thông dậy như thường lệ. Anh
mở mắt, giật mình thấy mình nằm ngay dưới chân Mai và một bàn tay đặt trên đùi Mai.” (Tr.497)
Một chuyện tình cuối lại xẩy ra ở ngòai xóm đạo, giữa thành phố Sài Gòn. Gia đình Trâm dọn lên một vùng ngọai ô Sài Gòn và Trâm phải đi làm công việc nhặt rau chẻ củi cho một tiệm ăn ở đường Trần Hưng Đạo. Tất nhiên là một cô gái quê mùa ở giữa đô thị phồn hoa thì đó là một công việc thích hợp. Tác giả Xóm Đạo lại cho người con lớn của ông bà chủ tên Long, một thanh niên mới mười chín tuổi vừa đậu tú tài tòan phần, tằng tịu với Trâm. Một
thanh niên mới lớn với những đòi hỏi thể xác mà có liên hệ tình dục với
kẻ ăn người ở trong nhà là chuyện rất thường xẩy ra. Người đọc có thể
hình dung được một
cảnh mùi mẫn giữa một công tử con nhà giầu và một cô người làm quê
kệch:
“Rồi chỉ trong khoảnh khắc, cô thấy Long quàng cánh tay qua, đặt nhẹ trên vai Trâm và kéo cô áp sát vào nguời Long. Trâm nhắm mắt lại, toàn thân đê mê lịm dần trong hạnh phúc. Và để đáp lại tấm thịnh tình ngàn năm một thưở. Trâm
cũng nghiêng đầu tựa hẳn vào ngực Long, bàn tay cô tìm bàn tay Long,
đan vào nhau và xiết chặt. Long quay sang, hôn trên trán Trâm rồi
nghiêng đầu, áp má mình trên mái tóc còn thơm mùi nước hoa của Trâm. Bàn
tay phải Long từ trên vai trâm đưa dần xuống , luồn trong vạt áo dài và
đặt trên đùi Trâm, bấu mạnh để tỏ nỗi khát khao trong lòng. Trâm cũng lùa bàn tay vào trong áo Long, xoa nhẹ
trên ngực. Long dáo dác nhìn quanh, rồi bạo dạn ôm lấy mặt Trâm, hôn ghì trên môi nàng.” (Tr. 566)
Nhưng chuyện Long mời
Trâm đi dự “bum” của các con nhà quyền thế giầu có ở Sài Gòn để đưa tiễn
vài người bạn sang Pháp du học là một tưởng tượng rất nghèo nàn của tác
giả Xóm Đạo. Người thôn nữ tay chân còn lấm bùn
đất chắc hẳn không biết nhẩy nhót là gì mà lại được đưa đến cái thế giới
của những cô chiêu cậu ấm và bọn Tây con tụ tập ăn uống nhẩy nhót thì thật là một tưởng tượng diễu cợt rất rẻ tiền.
Vì tác giả viết đăng báo nhều kỳ nên
tình tiết của những cuộc tình cũng thỉnh thỏang phải có một hình ảnh gợi
dâm để thỏa mãn và “câu” độc giả. Thế là em Trâm đi làm việc giúp một gia đình địa phương người Nam nhưng cũng lọt vào mắt xanh cô chủ:
“Hai người cứ quấn lấy nhau, lật qua lật lại, quên cả ngưá ngáy vì những cọng rơm đâm vào da thịt. Mãi đến lúc xế chiều, nghe tiếng người nói chuyện mỗi lúc một gần, cô Bông mới đẩy Thế ra, cài vội nút áo và ngồi lên.” (Tr. 436)
Kiểu cách “câu” độc giả bằng cách thỉnh thỏang xen vào một pha mùi mẫn để khêu gợi tính tò mò và đưa người đọc ra khỏi một tình trạng nhàm chán coi bộ cũng ăn khách!
2- Hận thù gian dối
Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị người
đồng đạo, “người công giáo Bắc kỳ di cư” Nguyễn Ngọc Ngạn quật mồ lên
đâm cho một nhát dao trí mạng bằng cái luận điệu của mấy đứa khố xanh
khố đỏ và bọn Giao Điểm. Tác giả Xóm Đạo viết :
“Cũng như nhiều vị công chức cao
cấp khác, ông quận trưởng tự cảm thấy rằng, thời này là thời của đạo
Thiên Chúa, bởi gia đình Ngô tổng thống rất sùng đạo. Cái
ghế của ông có vững hay không, tương lai của ông có leo lên được nữa hay
không, đều tùy thuộc cách xử sự khéo léo của ông, chứ không phải nhờ
tài năng hay đức độ. Nhà ông đời đời theo Phật giáo. Nhưng
người khôn ngoan lúc này phải biết thức thời, bỏ đạo Phật để rửa tội
theo Công giáo thì mới được Ngô tổng thống tín nhiệm!” (Tr. 153)
“Nhà văn”, “nhà thuyết minh” Nguyễn
Ngọc Ngạn chắc hẳn đã được hưởng những ơn huệ cứu giúp do chính quyền Đệ
Nhất Cộng Hòa Việt Nam mà người đối mắt với cơn giông bão lịch sử đó là
Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người đã đưa cả gia đình nhà ông Nguyễn Ngọc
Ngạn đến bến bờ tự do và đã tạo những điều kiện và cơ hội cho gia đình
và bản thân ông xây dựng một cuộc đời mới. Bản tính dân Việt luôn luôn ghi tâm tạc dạ những người làm ơn làm phúc cho mình. Một bát nước lã lúc khát, một nắm cơm nguội lúc đói là những kỷ niệm nhớ đời. Cái thái độ ăn cháo đá bát, cái mưu đồ theo voi hít bã mía để mưu cầu tư lợi chẳng những
đã đánh mất bản chất của người Việt Nam mà còn đốt cháy cả nhân tính của một con người. Tổng
Thống Ngô Đình Diệm đã chỉ vì quyền lợi của tổ quốc và danh dự dân tộc
mà hy sinh ngay cả tính mạng mình,thà chết chứ không nhục nhã khiếp sợ
bất cứ thế lực ngọai bang nào. Tại sao Nguyễn Ngọc Ngạn
lại nhắm mắt hùa theo một đám vô lại để bịa đặt vu khống rồi ném đá vào
thanh danh của một người đã làm ơn làm phúc cho ông Ngạn và cả gia đình
ông. Câu trả lời dễ dãi là tác giả đã chiều theo thị hiếu
của một thiểu số rất ít người đọc để bán sách và để nổi tiếng có thể
được nói tới. Đạp lên một xác
người đã chết mà người đó lại là ân nhân, là cứu tinh của chính mình
chỉ với mục đích làm giầu và nổi tiếng là một hành động đê hèn nhất của
một con người. Đỗ Mậu và bọn Giao Điểm đã có dư thừa những câu chửi rủa tục tằn. Nguyễn Ngọc Ngạn lại tích cực vun sới vào cái đống rác nhơ nhớp đầy ruồi nhặng đó thêm bẩn thỉu độc địa hơn. Tác giả Xóm Đạo
chắc hẳn phải có một sự hiểu biết tối thiểu rằng đại đa số những nhân
vật nắm giữ các chức vụ then chốt thời đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam đều là
những tín đồ Phật giáo hoặc chỉ thờ cúng ông bà. Lịch sử đã minh chứng
rằng những bịa đặt vu khống cho cá nhân Tổng Thống Ngô Đình Diệm và
chính quyền đệ nhất
Cộng Hòa Việt Nam chỉ là những gian giảo cực kỳ bẩn thỉu của bọn suốt
đời hận thù bất mãn hoặc bọn cộng sản luôn tìm mọi cách đánh phà hàng
ngũ người Việt yêu chuộng dân chủ tự do. Diễn tả một ông
thầy bốn dâm dật, một ông linh mục hung ác và một ông tổng thống chỉ
thiên vị bênh đỡ những người đồng đạo, thế mà rải rác trong cuốn sách,
tác gỉa Xóm Đạo mấy lần hô to khẩu hiệu “Nhất Chúa nhì cha thứ ba Ngô tổng thống” thì ắt hẳn cái khẩu hiệu này chỉ mang một tính chất xỏ xiên chất chứa đầy rẫy những gian giảo.
3- Tri thức nông cạn
Tác giả Xóm Đạo viết : “
Trong hệ thống gíao hội, các đòan thể lập ra rất nhiều: Đòan Thiếu Nhi
Thánh Thể, Hội Nghĩa Binh, Hội Con Đức Mẹ, Công Giáo Tiến Hành, Đạo Binh
Xanhv.v…thực chất chỉ nhằm đòan ngũ hóa giáo dân, cùng nhắc nhở nhau,
giúp nhau về mặt tín nưỡng mà thôi. Lối tổ chức này rất
hữu hiệu, cho nên rút kinh nghiệm ấy, hệ thống Cộng sản trên tòan cầu về
sau cũng bắt chước đòan ngũ hóa đảng viên và nhân dân,y như hệ thống tổ
chức của đạo Công giáo.” ( Tr. 203) Đây là một so sánh rất nông cạn chứng tỏ tri thức hạn chế của người viết nếu không nói là có ác ý.
Giáo hội công giáo có rất nhiều tổ chức và đòan thể. Nhiều tổ chức chỉ chuyên trách về những công tác xã hội, các tổ chức khác lại lo về vấn đề giáo dục và nhiều chủ trương hay mục đích khác. Tín hữu công giáo không hề bị đòi hỏi hay bắt buộc gia nhập bất cứ một tổ chức hay đòan thể nào. Mỗi
người tự nguyện với một ý chí hòan tòan độc lập và tự do gia nhập một
hay nhiều đòan thể để sinh họat hay đeo đuổi một mục đích hay lý tưởng
phù hợp với nguyện vọng cá nhân. Hội thánh
công giáo cũng không hề có mục đích xử dụng các đòan thể để kiểm sóat và
khống chế các sinh họat và tư tưởng của các tín hữu. Tác gỉa
Xóm Đạo viết về nhân vật Quỳnh là trưởng ấp, trưởng Hội Thánh Giuse Lao Công hãm hiếp Phượng trong một thời gian dài. Phượng
mười sáu tuổi, là con riêng của vợ Quỳnh với đời chồng trước nhưng cả
linh mục chánh xứ đến đòan thể của Quỳnh và đòan Thiếu Nhi của Phượng
chẳng ai hay biết. Như vậy mục đích “đòan ngũ hóa giáo dân” như tác giả Xóm Đạo so sánh với các tổ chức của cộng sản không hề có một căn bản dù rất nhỏ.
Những đòan thể sinh họat ở các xóm đạo
tự phát sinh vì nhu cầu tâm linh, giáo dục và công tác chí nguyện theo
sự đòi hỏi của từng địa phương hay hòan cảnh xã hội. Những
người là thành viên của nhiều đòan thể hay những người không gia nhập
bất cứ đòan thể nào cũng được đối xử và có trách vụ cũng như bổn phận
như nhau trước lề luật của Chúa và giáo hội. Người gia
nhập một đòan thể trong rất nhiều trường hợp còn phải hy sinh thời giờ
và tiền bạc để đóng góp cho sinh họat của đòan thể mà chắc chắn sẽ không
mang lợi lộc gì ngòai những an ủi và tưởng thưởng tâm linh. Ngược lại chủ nghĩa cộng sản “đòan ngũ
hóa nhân dân” với mục đích khống chế và kiểm sóat. Người
dân bị ép buộc và cưỡng bách gia nhập những tổ chức do nhà cầm quyền
cộng sản tổ chức để dễ bề cai trị và ngăn ngừa cũng như triệt hạ các mầm
mống chống đối. Ở trong rất nhiều trường hợp, người dân không còn chọn lựa nào khác hơn là phải gia nhập và sinh họat một cách tích cực trong một tổ chức để sinh tồn. Phương
cách tổ chức, sinh họat cũng như điều hành các hội đòan trong giáo hội
công giáo và các đòan thể của nhà cầm quyền cộng sản hòan tòan khác
nhau. Như vậy thì chẳng có
bằng cớ gì nói rằng chủ nghĩa cộng sản đã tổ chức “đòan ngũ hóa nhân
dân” rập theo cách tổ chức hội đòan của giáo hội công giáo. Trên
nguyên tắc thì giáo hội công giáo coi chủ thuyết cộng sản là một hình
phạt, một ngọn roi của Thiên Chúa trừng phạt nhân lọai và công khai lên
án những người cộng tác hay chỉ có cảm tình với chủ nghĩa vô thần sắt
máu cộng sản. Tác gỉa Xóm Đạo lại một lần nữa bôi bác đạo công giáo bằng một so sánh rất nông cạn.
4- Văn chương chữ nghĩa
Một điểm cần được xác định rõ ràng là
tác giả Xóm Đạo đã không cấu trúc được một một cái sườn hay nói rõ hơn
là một chủ đề mạch lạc cho cả cuốn sách dầy hơn sáu trăm trang. Những
diễn tiến luộm thuộm của những trang giấy với những cuộc tình và họat
cảnh được bầy vẽ bởi trí tưởng tượng rất hạn chế của tác giả đã biểu
hiện một cách rõ ràng tầm cỡ của người viết, mặc dầu đây là một công
trình được viết để đăng báo nhiều kỳ. Tác giả đã không thực hiện được sự liên tục của những sinh họat hay diễn biến trong một xóm đạo. Chuyện này nhẩy sang chuyện khác một cách rất vô trật tự và chẳng có
tình tiết hay diễn biến nào liên hợp với nhau để tạo ra được một cái khung sườn cho cả cuốn sách.
Bất cứ một trang nào trong cuốn sách
dầy hơn sáu trăm trang, độc giả cũng dễ dàng nhận thấy lối viết cẩu thả,
sai văn phạm và cách xử dụng từ ngữ bừa bãi của tác giả. Tác
giả tự xưng mình là nhà văn có gần ba mươi tác phẩm đã phát hành mà
cũng không biết cái quy tắc căn bản của lối hành văn khi nào con số phải
viết bằng chữ và khi nào con số có thể viết bằng số. Lối
viết chú trọng về lượng có nghĩa là lấp trống những trang giấy trắng mà
không cần đến phẩm chất của văn phong, cách xếp đặt dấu chấm phẩy cũng
như các từ ngữ đã cho người đọc có một cái nhìn nghiêm chỉnh về khả năng
văn chương của tác giả. Diễn tả một cảnh sờ
sọang trong rạp chiếu bóng tối lờ mờ, tác giả viết : “ Cô thấy bàn tay Long lại đặt lên đùi cô và xoa nhè nhẹ trên lớp vải satin trơn mát. Nói chung, từ lúc vào rạp, Long không lúc nào ngừng tay đưa lên đưa xuống. (Tr.568) Một
người viết có chút khả năng sẽ bỏ những chữ “cô thấy” và “nói chung”
đồng thời thay đổi vị trí của những dấu chấm phẩm thì câu văn sẽ trở nên
dễ đọc và xuôi tai hơn.
Trong lời mở đầu của ông Đỗ Thông Minh thì Xóm Đạo “là một truyện dài sáng giá nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.” và “chắc anh Nguyễn Ngọc Ngạn không ngờ là một số tác phẩm của anh được dùng làm tài liệu học tiếng Việt” Chẳng biết ông Đỗ Thông Minh dùng tác phẩm nào của Nguyễn Ngọc Ngạn để dậy học chứ nếu dùng Xóm Đạo làm tài liệu thì thật là một chọn lựa thiếu thông minh. Nếu Xóm Đạo được coi là sáng giá nhất thì những tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Ngạn phải được đánh giá như thế nào. Những người học tiếng Việt cần phải được đọc những tác phẩm có bút pháp mạch lạc, nghệ thuật xử
dụng từ ngữ chính xác và cách cấu trúc văn từ trong sáng. Tác phẩm Xóm Đạo hòan tòan không có một tiêu chuẩn tối thiểu nào để được trân trọng như vậy. Còn nếu như đây là một họat cảnh mặc áo thụng vái nhau thì tôi xin hết ý kiến. Ngày xưa cụ Tú Vị Xuyên đã ngán ngẩm than rằng : “ Văn chương nào phải là đơn thuốc. Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu.”
Người đọc Xóm Đạo rút tỉa dược những
gì ngòai ba cái chuyện tình vớ vẩn hòan tòan không thực tế và do trí
tưởng tượng rất hạn chế và nhơ nhớp của người viết. Văn hóa Việt Nam ở hải ngọai có những nét đặc thù rất dị hợm nhưng mà hình như lại được số đông chấp nhận. Một cô ca sĩ hát như heo bị chọc tiết nhưng nếu có một thân hình coi được lại chịu khoe hàng họ ra thì vẫn được vỗ tay ủng hộ. Váy mặc chỉ cao đến háng, áo phải ít nhất hở nửa ngực. Thế là ăn khách. Còn giọng hát hay thể cách trình bầy chỉ là những tiêu chuẩn phụ
thuộc. Một người viết vớ vẩn không thành câu cú, chữ
nghĩa hạn hẹp nhưng cứ đưa mấy cái hình ảnh dâm dật vào thì cũng ăn
khách như thường. Cũng vậy, một đứa dẫn chương trình nói
năng ngọng nghẹo mà tri thức lại chỉ là con số không nhưng nhố nhăng
đang đi vào buổi hòang hôn cũng được vỗ tay.
Tập giấy hơn sáu trăm trang được đặt tên là tiểu thuyết Xóm Đạo chỉ là một mớ rác rưởi khiêu dâm rẻ tiền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét