Sáng thứ sáu 24/02/2012 vào lúc 11 giờ 30, Khối 8406 được mời ra điều trần trước Tiểu ban Nhân Quyền nhằm giúp cho Chính Phủ Úc có thể đối thọai một cách hiệu quả hơn với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Buổi điều trần đựơc Dân biểu Laurie Ferguson chủ tọa, cùng hai Dân biểu Philip Ruddock và Michael Danby. Cả ba Dân biểu đều là những chính trị gia thâm niên của lưỡng đảng có những quan hệ gắn bó gắn bó với Cộng Đồng Việt Nam. Tiểu Ban Nhân Quyền, tổ chức cuộc điều trần này, là một tiểu ban trong Ủy Ban Ngoại Giao, Quốc Phòng, và Thương Mại mà Dân biểu Danby là chủ tịch.
Về phía Khối 8406 có Tiến sỹ Lê Kim Song từ Tây Úc, ông Phạm Anh Tuấn từ NSW, cô Dáng Thơ, ông Châu Xuân Nguyễn, ông Trần Đông và ông Nguyễn Quang Duy ở Victoria.
Được biết trong cùng ngày, ngòai Khối 8406, tham dự cuộc Điều trần còn có Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu, Quỹ Tù Nhân Lương Tâm, Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao động, ông Luke Donnellan, dân biểu tiểu bang Victoria và bà Đào Quỳnh.
Trước khi vào cuộc điều trần, Khối 8406 đã đến thăm ông Luke Donnellan, dân biểu tiểu bang Victoria. Ông là một người bạn luôn gắn bó với cộng đồng và phong trào dân chủ Việt Nam và cũng sẽ điều trần vào buổi chiều cùng ngày.
Nhìn chung các dân biểu cũng như nhân viên Quốc hội Liên Bang đều tạo nên một không khí rất cởi mở, thẳng thắn và thông cảm trước, trong và sau buổi điều trần. Chúng tôi rất cám ơn các đóng góp của mọi người, nhất là ông Philip Ruddock luôn niềm nở với mọi người.
Cuộc điều trần bắt đầu vào đúng 11 giờ 30, có thể vì tin rằng Khối 8406 là một tổ chức chính trị nên buổi điều trần đã chuyển từ điều trần nhân quyền sang điều trần chính trị. Các thành viên Khối 8406 đã trả lời mọi câu hỏi để Quốc Hội Úc có thể hiểu rõ hơn về tình hình chính trị tại Việt Nam.
Ông Laurie Ferguson đã mở đầu phiên họp bằng cách giới thiệu những người phía Tiểu ban. Ông Nguyễn Quang Duy đã cám ơn được Tiểu Ban tạo cơ hội để Khối 8406 được điều trần và giới thiệu từng người trong nhóm.
Tiếp đến, cô Dáng Thơ đã đọc lời mở đầu cho thấy tình trạng nhân quyền càng ngày càng trở nên tồi tệ. Cô nhấn mạnh đến ba trường hợp cấp bách cần được lưu ý là (1) Linh mục Nguyễn Văn Lý sức khỏe đang xuống dốc mà nhà cầm quyền cộng sản lại từ chối chăm sóc y tế (2) việc cưỡng bức bắt giam bà Bùi Thị Minh Hằng và (3) việc bắt giam nhạc sỹ Việt Khang. Cô cũng đề cập đến trường hợp nhà báo Điếu Cày Nguyễn văn Hải. Cô nhắc nhở tiểu ban nhà cầm quyền cộng sản không tôn trọng nhân quyền, không tôn trọng những gì họ ký với quốc tế.
Ông Châu tiếp lời trình bày quan điểm của khối 8406 cùng đề nghị 8 điểm để giúp tăng cường hiệu quả của những cuộc đối thọai Việt Úc. Ông Châu đặc biệt nhấn mạnh đến việc thành lập ban hành động với sự đóng góp nhân lực của cộng đồng, và cần liên kết việc viện trợ cho Việt Nam với nhân quyền, không thể tiếp tục viện trợ vô điều kiện.
Ông Philip Ruddock cho biết có một điểm giống nhau của các nhóm điều trần, là đòi hỏi Tòa Đại Sứ Úc phải tích cực làm việc vậy họ phải làm gì? Ông Châu cho biết các nhân viên của Đại sứ Mỹ ở Việt Nam thường viếng thăm các tù nhân chính trị và gia đình, còn phía Úc chưa có nhân viên đi thăm. Ông Michael Danby cho biết dân biểu Luke Donnellan đã đi thăm. Ông Châu đồng ý nhưng đòi phải có nhân viên cao cấp của tòa Đại sứ Úc.
Khi ông Ruddock hỏi khối 8406 là gì? Tiến Sỹ Song nói về sự thành lập của khối vào ngày 8/4/2006, với 118 thành viên. Tiến Sỹ Song nhấn mạnh là mặc dù khối đã không phát triển thành một lực lượng lớn trong gần 6 năm qua, nhưng tinh thần của khối không bị suy suyển và thành viên của khối không bị sút giảm.
Ông Ruddock muốn biết là khối 8406 có phải là một tổ chức chính trị hay không ? Ông Duy trả lời là không và nhấn mạnh là khối 8406 là tập hợp những người yêu chuộng tự do dân chủ, và là tập hợp đầu tiên được công khai thành lập từ trong nước và phát triển ra hải ngọai.
Ông Ruddock muốn khai thác kỹ về đề tài có phải khối 8406 là một tổ chức chính trị khi hỏi cái gì đã gắn bó các thành viên của khối. Ông Châu cho biết khối 8406 là tập hợp những nhà đối kháng. Qua đó ông Duy có đề cập đến một thành viên của Ban Đại Diện Khối là ông Trần Anh Kim, một cựu chiến binh Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Ông Duy cho biết các thành viên của khối đến từ các nẽo đường đất nước, không phân biệt thành phần, tôn giáo hay xuất thân.
Ông Ruddock vẫn chưa hài lòng với chủ đề này nên có hỏi thêm là có phải bất cứ ai cất tiếng nói đối kháng với chính quyền thì bị bỏ tù không? Ông Châu nhân cơ hội đưa ra trường hợp cô Phạm Thanh Nghiên, một thành viên Khối chỉ vì trương biểu ngữ chống Trung Quốc trong nhà mà bị bỏ tù 5-6 năm. Ông Ruddock rất ngạc nhiên về trường hợp cô Nghiên bị ở tù vì biểu tình tại gia. Ông Châu nhấn mạnh ở điểm thứ hai là năm 2011 có 13 cuộc biểu tình chống Trung Quốc mà không ai bị bỏ tù, chiếu theo tiêu chuẩn của thế giới cô Nghiên phải được thả ra ngay và nhà cầm quyền cộng sản phải xin lỗi cô ấy. Ông Ruddock đồng ý.
Tiếp đến Tiến sỹ Song đề cập đến hai điều luật 88 và 79 mà nhà cầm quyền Việt Nam đã dùng để bỏ tù các nhà đối kháng. Cả ba dân biểu đều đồng ý phải vận động để xóa bỏ hai điều luật quái gỡ này.
Ông Châu nêu lên trường hợp Việt Khang và ngay tức thì ông Laurie hỏi là nếu Việt Khang viết và hát các bài hát đó 10 năm trước thì có bị bắt giam không? Ông Châu và Duy đáp là có nhưng tình trạng nhân quyền Việt Nam càng ngày càng tệ đi chứ không tiến bộ như nhà cầm quyền cộng sản vẫn báo cáo hằng năm. Ông Châu nhân cơ hội nói đến thỉnh nguyện thư ở Mỹ, chỉ chưa đến hai tuần đã thu được 62.000 chữ ký. Đích thân Tổng Thống Obama sẽ tiếp một phái đoàn vào Nhà Trắng ngày 5-3-2012 sắp tới. Ông Châu nhấn mạnh là điều này rất quan trọng vì Tổng Thống Obama sẽ hành động chứ không né tránh như các báo cáo Tòa Đại Sứ Úc cho rằng nhân quyền tại Việt Nam có tiến triển. Ông Ferguson và Ông Ruddock đồng ý, Ông Châu nhấn mạnh thêm rằng làm thơ và viết nhạc là hình thức phản khán ôn hòa nhất trong tất cả hình thức phản kháng như viết báo, viết blog, trực diện chỉ trích v.v. Ông Duy cho biết 10 năm về trước Úc chưa có đối thọai nhân quyền Úc Việt, điều này chứng tỏ các cuộc đối thọai đều đã không mang lại lợi ích gì.
Ông Laurie cho biết sáng nay ông đã tiếp 3 nhóm và cả 3 nhóm đều đề nghị giống như Khối 8406, vậy ông muốn biết là Khối 8406 còn có thêm đề nghị nào giúp tiểu ban không? Ông Tuấn nêu lên 2 đề nghị: (1) đòi hỏi cải thiện tự do ngôn luận và báo chí (2) lập một Giám sát viên Nhân quyền ở Việt Nam.
Ngay sau đó ông Duy cho rằng Việt Nam là nước nhỏ, Trung Quốc lớn, vì vậy Úc có thể qua viện trợ, quân sự và thương mãi đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải cải thiện nhân quyền, tự do và dân chủ. Trường hợp của Miến Điện là một ví dụ điển hình. Khi Việt Nam trở thành một quốc gia tự do, sẽ có rất nhiều lợi ích cho nước Úc và cho cộng đồng Việt Úc. Quan điểm của mọi người tham dự điều trần là quan điểm của người Úc gốc Việt luôn hướng về lợi ích của cả hai quốc gia.
Ông Châu đưa ra nhận xét là quan hệ Việt Trung đang tệ đi, và như Hoa Kỳ, Úc nên dùng quân sự làm điều kiện. Nếu Việt Nam đứng về phía đồng minh sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nước Úc. Các trao đổi cần gắn liền với điều kiện nhân quyền tự do dân chủ cho Việt Nam. Cả ba nghị sĩ thảo luận riêng và tỏ ra đồng ý.
Tiếp theo Tiến sĩ Song đề nghị nên để các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nhân quyền thế giới như Human Rights Watch nên được ngồi vào bàn đối thọai với Việt Nam và kêu gọi các tổ chức này giúp sức cho các cuộc đàm phán. Tiến sĩ Song cũng đề nghị là Úc nên có các bản tường trình nhân quyền hằng năm như chính phủ Mỹ để mọi người có thể xét đoán tiến trình.
Ông Ruddock cho biết giới chức cộng sản đòi hỏi những cuộc đối thọai phải được giữ bí mật, như thế có phải là “văn hóa Á Châu” hay không ? Ông Châu trả lời dưới chế độ cộng sản từ tham ô đến lạm quyền, mọi việc đều bị dấu diếm do đó phải nói rõ đó chính là “văn hóa cộng sản”.
Ông Danby hỏi câu cuối cùng về quan hệ Việt-Trung-Mỹ thế nào và có người nào trong đảng Cộng sản có thể là người như Gobarchev hay không? Ông Châu đưa ra nhận xét là quan hệ Việt Trung đang càng ngày càng tệ hơn và các phe phái trong đảng cộng sản đang đấu đá nhau kịch liệt nên không biết bên nào là bên nào và cho dầu có một phe rõ ràng, chúng ta cũng không nên tin người cộng sản.
Nhìn chung cuộc điều trần đã chuyển từ một điều trần nhân quyền thành một điều trần chính trị. Vì thời gian chỉ giới hạn trong vòng 45 phút, nên khối 8406 chưa có thể đào sâu hơn vào những điểm mà tiểu ban cần biết và hướng tới các đề tài cần quan tâm khác. Tất cả là nhờ sự sửa sọan của mỗi thành viên và nhờ sự kết hợp nhịp nhàng dầu đến từ 3 tiểu bang Tây Úc, New South Wales và Victoria.
Ngay sau buổi điều trần, tòan nhóm đã thảo luận và có những nhận xét dưới đây
(1) Tiểu ban muốn khẳng định là tình hình nhân quyền ở Việt Nam xấu đi trong 10 năm qua;
(2) Tiểu Ban không xem Tư pháp Việt Nam như một tòa án độc lập. Họ có vẻ đồng ý là nhà cầm quyền cộng sản tùy tiện sử dụng Tư pháp theo ý họ; Họ đồng tình với Khối là phải tháo gỡ hai điều luật 88 và 79;
(3) Tiểu ban muốn biết Khối 8406 là ai, làm sao không bị tiêu diệt như các tổ chức khác ở Việt Nam và Khối có đủ khả năng đứng lên làm đối lập với đảng Cộng sản hay không? Sau cuộc điều trần khi nói chuyện cùng anh chị trong Khối ông Ruddock đột nhiên cho biết ông muốn được mời để tham dự Đại Hội Đại Biểu Tòan Khối 8406 theo đúng Cương Lĩnh Khối. Ông Duy đã mau mắn trả lời Khối đang sửa sọan và một ngày không xa sẽ hân hạnh được mời ông. Điều này nói lên sự quan tâm của ông Ruddock nói riêng và Chính giới Úc nói chung với Phong Trào Dân Chủ Việt Nam.
(4) Tiểu ban muốn hiểu rõ về quan hệ hai đảng Cộng sản Việt Trung để có thể đề ra những chính sách thích hợp cho Úc Châu.
(5) Tiểu ban muốn biết có các lực lượng đối lập ở Việt Nam hay không ? và Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào ?
Sau nhiều ngày nỗ lực làm việc, cả sáu thành viên Khối đều hết sức vui vì đã giúp chuyển tiếng nói của anh chị em của đồng bào Quốc Nội đến chính giới Úc: Nhân Quyền Không Đủ - Việt Nam Cần Dân Chủ Tự Do.
Phạm Anh Tuấn
Thành Viên Khối 8406
Hình từ trái sang phải ông Trần Đông, Tiến sỹ Kiều Tiến Dũng , cô Dáng Thơ, Tiến sỹ Lê Kim Song từ Tây Úc, Dân biểu Philip Ruddock, Dân biểu Laurie Ferguson, ông Phạm Anh Tuấn từ NSW, Thượng Nghị Sỹ Michael Danby, ông Châu Xuân Nguyễn và ông Nguyễn Quang Duy.
Khối 8406 đang sửa sọan để vào cuộc Điều Trần
Hình số hai chú thích “ông Luke Donnellan, dân biểu tiểu bang Victoria cùng Khối 8406 sửa sọan cho cuộc Điều Trần”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét