Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Thầm lặng: 1 loại ngôn ngữ

Tống phước Hiến

Nói đến ngôn-ngữ, thông thường người ta nghĩ ngay đến chữ viết hay lời nói. Nhưng với hoàn cảnh hiện nay, những người tỵ nạn Cộng sản chân chính còn dùng thái độ, hay hành động để phát biểu quan điểm và sự quyết tâm của mình. Hình thái ngôn ngữ đó được gọi là “ngôn ngữ thầm lặng”.
Do ý thức và thái độ dấn thân của người xử dụng loại ngôn ngữ không âm thanh, không bút tự nầy mà sinh ra hai dạng thức tạm gọi là im lặng và thầm lặng. Im lặng và Thầm lặng không thể bị ngộ nhận là tương đồng. Đây là “ngôn ngữ” riêng của hai nhóm người có cùng một tổ quốc, cùng một hoàn cảnh lịch sử, xã hội, môi trường, và nhất là có cùng một trách nhiệm. Nhưng vì quan điểm, và hoài bão trong cuộc sống khác nhau nên thái độ sống và nỗi ưu tư của họ thường trái nghịch nhau. Nhìn khái quát thì hai thái độ, hai cung cách ấy có vẻ giống nhau về ngoại mạo. Nhưng sự thực lại khác xa nhau về những gì thuộc giá trị làm người. Chân dung họ xin được tạm phác họa như sau:


A-/ IM LẶNG :

Im lặng là thái độ của một loại người dửng dưng không hề quan tâm, không mảy may xúc động đến những sự kiện, những vấn đề có liên quan đến quê hương, đến cộng đồng tỵ nạn mà họ là một thành viên. Ðời sống của họ chỉ gói trọn vào tiền bạc, vật chất và hưởng thụ ! Những vấn đề như: Họ từ đâu, và tại sao đến đây ? Nghĩa vụ đối với Tổ Quốc, trách nhiệm đối với các thế hệ trước và sau họ như thế nào ? Chẳng bao giờ những điều ấy là nỗi suy tư của họ. Như cỏ đá, họ luôn đứng bên lề trách nhiệm. Loại người nầy thường có thái độ trịch thượng, khinh miệt những người chung quanh yếu kém hơn họ, họ thường dùng những lời lẽ khiếm nhã như: chuyện ruồi bu, bọn vô công rỗi nghề, hoặc họ dùng bất cứ hình dung từ vu khống, mạ lị nào đó để ám chỉ những người đang hy sinh nhập cuộc, dấn thân vận động cho lịch sử chuyển hóa hầu mang lại lẽ sống và quyền làm người cho đồng bào đang còn bị bọn Cộng sản thống trị (trong đó có thân nhân họ). Nhưng họ rất dễ dàng tay bắt mặt mừng, vui vẻ chuyện trò thân mật, đượm tình “đồng bào” khi một tổ chức hay một kẻ nào đó mà trước đây họ đã không tiếc lời miệt thị, nay tiếp cận với họ, hứa hẹn sẽ cho họ quyền lợi vật chất, hay địa vị xã hội, mà từ đó họ nghĩ rằng sẽ có thể khai thác cho những tư lợi riêng lẻ. Bạn không bao giờ thấy họ trong đám đông quần chúng, hưởng ứng đóng góp công sức, tiền bạc hầu có thêm điều kiện đẩy mạnh công cuộc đấu tranh vì lợi ích Dân tộc (trong đó có họ) nhanh chóng đến thành công. Ðây là loại người mà xã hội gọi là “phường giá áo túi cơm ”.

B-/ THẦM LẶNG:

Ðặc tính chung của quần chúng là: “thầm lặng”, không thích bon chen! Có thể vì họ không có phương tiện như truyền thông, diễn đàn để chuyển tải quan điểm, ý thức, hay có thể họ không quen nói trước quần chúng, mà cũng có thể họ không có năng khiếu diễn giải những suy tư bằng ngòi bút. Và cũng bởi vì có thể họ rất dè dặt, họ sợ... mất lòng! Họ chỉ muốn có hòa khí tốt để tạo đoàn kết, hầu liên lập thế lực, vì vậy họ xuề xòa, dễ dãi, ưa “chín bỏ làm mười”. Do đó, tâm lý chung của giới thầm lặng là tìm kiếm và hội nhập với những người thường cùng có mối quan tâm, cùng có nỗi buồn vui, vinh nhục với Quê hương. Họ tự nguyện nhập cuộc dưới nhiều hình thức và không bao giờ so đo, tính toán thiệt hơn. Việc đóng góp vào công cuộc chung là mệnh lệnh của lương tâm, của luân lý và của lý trí. Họ có mặt ở nhiều nơi, chung vai với nhiều tổ chức, chung tay với nhiều cá nhân cùng có những trăn trở, những thao thức, và cùng có ý thức chung là mong thực hiện điều ước muốn, được tích cực đóng góp phần mình vào đại cuộc. Họ đến, rồi ra đi rất bình thường và nhẹ nhàng! Họ chẳng phiền trách hay phê bình ai đã nhân danh hoặc không nhân danh họ, họ cũng không quan ngại ai đã lợi dụng hoặc không lợi dụng họ. Họ tự biết phải làm gì, phải làm với ai trong trường hợp nào. Ðiểm đặc biệt nhất của họ là “thầm lặng !”.
Vì “Thầm Lặng” là lực lượng không tên, nên ai cũng có thể nhân danh họ, ai cũng có quyền suy diễn họ là "thành phần cơ hữu" của tổ chức mình. Từ nhận định đó, những cá nhân, những tổ chức chính trị khi phác thảo kế hoạch hành động thì "Giới Thầm Lặng" luôn được dự liệu là lực lượng xung kích chủ yếu. Qua một vài sự việc thành công vì mục tiêu là công cuộc chung, họ cũng đã “thầm lặng” thông báo:
- Quý vị đáp ứng đúng nguyện vọng của chúng tôi, nên chúng tôi ủng hộ và hậu thuẫn Quý vị!.
Nhưng nếu cũng chính những tổ chức, những cá nhân ấy lợi dụng sự chân tình của họ cho mục tiêu riêng tư, phi nghĩa thì lập tức họ cũng thầm lặng gởi tín hiệu cảnh cáo những cá nhân, tổ chức nầy hiểu rằng:
-Chúng tôi đã biết, chúng tôi có khả năng nhận định, hãy trả lại cho chúng tôi những gì thuộc về chúng tôi!
Ðấy là lúc họ biểu tỏ lòng tự trọng, sự khiêm ái. Họ là vị quan tòa công minh, và tinh tế.
Lực lượng “Thầm Lặng” nầy, vì sự thành bại của đại cuộc nên rất chân tình, thiết tha đoàn kết với chiến hữu. Nhưng họ cũng rất cương quyết, dứt khoát và khi cần thiết, họ lại không thầm lặng trước các thủ đoạn độc ác, gian manh trí trá. Khi sự “thầm lặng” trở mình thành “thịnh nộ” thì chính là cuồng phong ba đào, có thể gọi đó là sóng thần kết tụ bởi nhiều, rất nhiều những dòng sóng ngầm cuồn cuộn bên dưới dòng thủy lưu. Lịch sử gọi đó là sức mạnh của hồn thiêng Dân tộc.
Hãy nhớ rằng họ chống cộng vì cộng sản là một tập đoàn sống nhờ và sống bằng gian manh, bất lương. Họ chống cộng hoàn toàn vì trách nhiệm với Tổ Quốc, vì tồn vong của Dân tộc chứ không phải vì hay cho bọn “Phiệt” bất kể là Quân phiệt, Tài phiệt, Thế phiệt hay Trí Phiệt, Quyền phiệt hay Giáo phiệt (Phiệt Duyệt 閥閱 là bản ghi công trạng, vua khen thưởng cho công thần và được treo trước cửa nhà, bên tả là Phiệt, bên hữu là Duyệt để công chúng biết mà kính nể, trọng vọng).
Từ đây suy ra, quân phiệt, học phiệt là những thành phần được xã hội trọng vọng. Về sau chính họ hay những thế hệ tập ấm thường cậy công, cậy thế hống hách, sách nhiễu dân lành gây không biết bao đau thương tang tóc. Quân phiệt thì dùng bạo lực quân sự. Thế phiệt thì dùng cường quyền do ưu thế dòng dõi quan gia vọng tộc. Tài-phiệt thì dùng tiền bạc của cải để “đa kim ngân, phá luật lệ ”. Giáo phiệt thì dùng giáo quyền tôn giáo để thực hiện những tham vọng riêng tư cho cá nhân giáo sĩ hay cho sự phát triển tôn giáo họ…). Những kẻ kiêu ngạo, nhờ tấm bảng “Phiệt – Duyệt” tự cho mình là chân lý, là tối thượng, và mọi thành phần, mọi tổ chức khác phải khâm phục, tuân thủ.
Do hoàn-cảnh xã-hội và nhu-cầu chống cộng, chống tà gian, chúng ta lại phải đối đầu một loại duyệt phiệt mới tạm gọi là: lương hảo phiệt, chống cộng phiệt nghĩa là một cá nhân hay một tổ chức nào đó nhờ vào một số thành tích chống cộng, làm bình phong, vì quá khứ đã hiển lộ được sự chân chính, đáng gọi là lương hảo. Nhưng rồi họ dùng công trạng đó như là một thứ vốn liếng để gây tạo thanh danh, thế lực, thao túng đại cuộc. Họ rình rập cơ hội để xé to, thổi phồng thêm những lầm lỗi của bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào dù chỉ ở mức vi cảnh, hay nặng lắm là án phạt tội tiểu hình trở thành tội đại hình, đáng "tru-di tam tộc”. Dù vết thương chỉ đáng băng bó, thì họ lại giải phẫu, cố tình làm cho lỡ loét, ung thối để chặt bỏ và...đem chôn! (người phạm lỗi có khi do vô tình, do hoàn cảnh và cũng do không tiên đoán sẽ bị “chiến hữu“, hay nói theo kiểu cộng sản là ” nâng lên thành quan-điểm !”. Những lương hảo phiệt hay chống cộng phiệt nầy biến lỗi lầm của chiến hữu thành cơ hội, thành điều kiện và tận tình khai thác như: Lên án, vu khống, nhục mạ, nhất quyết bao vây không cho đối phương chiến hữu có điều kiện giải trình. Họ quyết khai tử bất cứ cá nhân hay thế lực nào xét thấy nguy hiểm cho vị thế độc quyền, độc tôn chống cộng của họ. Họ làm vẩn đục, gây nhiễu nhương phân tranh, tác hại tiềm lực chống cộng, mà hậu quả là lực lượng chống cộng bị rã rời, đào sâu sự nghi ngờ, chia rẽ mà cuối đường có thể là nguy cơ niềm tin bị tàn phá. Và thế là, do kiêu căng, do ý niệm công thần, từ vị trí lương hảo họ trở thành tai họa cho dòng tiến của lịch sử.
Sự hiện diện của giới thầm lặng chính là tiếng nói rõ ràng, dứt khoát, là thái độ minh thị sự quyết tâm dấn thân cho đại cuộc. Hãy nhớ rằng giới thầm lặng rất tỉnh táo, phân biệt rất rõ ràng giữa tình cảm cá nhân và trách nhiệm người lưu vong, tỵ nạn cộng sản. Những nhà chính trị mộng du, những nhà lương hảo phiệt, chống cộng phiệt đừng nghĩ rằng lực lượng âm thầm đó không có phương tiện để biểu cảm rồi nhân danh họ mà làm những điều vô minh, bất chính. Thái độ thao túng ấy sẽ bị lực lượng thầm lặng trả lời bằng phản hồi với một thông-điệp: "Chúng tôi không thể chung đường với quý vị vì dường như quý vị cũng có những đặc tính na ná giống cộng sản, quý vị vô tình làm lợi cho cộng sản !”. Lực lượng âm thầm không có nhu cầu thay thế tập đoàn vô luân nầy bằng một tập đoàn vô luân khác.
Thầm lặng không bao giờ là im lặng. Thầm lặng cũng biết nổi giận! Như trên đã nói, Khi thầm lặng nổi giận thì tác hại kinh khiếp vô cùng. Lịch sử chính trị thế giới đã từng chứng minh các cuộc Cách Mạng long trời lở đất, làm đảo lộn các hệ thức chính trị, đánh đổ những chế độ chính trị kềm hãm quyền sống con người, khai mở những kỷ nguyên chính trị Tự Do, Dân Chủ và Nhân Bản đều vì và do đa số thầm lặng tác động.
Lực lượng thầm lặng đã từng chiến thắng quân phiệt, tài-phiệt, thế-phiệt… và chắc chắn sẽ không cho phép bọn hoạt đầu chính trị khống chế, thao túng họ dưới phấn son áo mão của những người đánh lừa nhân thế để được thế nhân gọi là lương hảo. Nhưng khi con tắc kè biến màu sang “ phiệt”, thì lực lượng thầm lặng xem bọn “lương hảo phiệt”, hay “chống cộng phiệt” cũng là bọn bất lương, cũng nham-hiểm ác độc như Cộng sản, nhưng lại có phần nguy hiểm hơn cộng sản, bởi vì chúng là những con rận trong chăn, khó phát hiện hơn và độc hại hơn. Và vì thế, dĩ nhiên, trong nhiều trường hợp lực lượng thầm lặng phải xem chúng là kẻ nội thù.
Xin hãy tỉnh thức hỡi những chính trị gia mộng du. Hãy quăng bỏ chiếc áo “lương hảo phiệt”, “chống cộng phiệt”. Hãy trở về vị trí những nhà lương hảo, những chiến sĩ chống cộng chân chính để chúng tôi vẫn được là những chiến hữu như trước kia của quí vị với tất cả niềm tôn kính và thân thiết.

Tống Phước Hiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét