Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Về việc Xây nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Việt Nam

Kính thưa quý vị độc giả,
Cách đây một năm, ngày 11 tháng 3 năm 2011, cả thế giới đều kinh hoàng trước tin tức, hình ảnh về vụ động đất, sóng thần và nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại Nhật Bản.
Thiên tai là điều người ta khó đóan trước được và thiên tai có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Cách đây không lâu động đất tại Nam Dương kéo theo sóng thần khủng khiếp lan tỏa khắp Ấn Độ Dương khiến nhiều trăm ngàn người thiệt mạng. Mới năm 2008, một trận động đất lớn cũng xảy ra tại Tứ Xuyên, Trung Quốc khiến rất nhiều nhà cửa và trường học bị sụp đổ và gây tang tóc cho nhiều chục ngàn người. Tại Hoa Kỳ mỗi năm có cả trăm trận gió lốc xoáy ta thường gọi là “rồng cuốn” (tornado), có khi quét sạch cả một vùng nhiều chục cây số. Rồi thì các cơn dông bão, ngập lụt, đất lở, núi lửa vẫn xảy ra hằng năm trên thế giới, ngay cả ở Việt Nam . Ông Trời mà “ra oai” thì con người khó biết trước hoặc chống lại!
Nhưng phần lớn những thiên tai ấy chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn với sự tàn phá tức thời, và con người lại bỏ công của ra sửa chữa, hàn gắn vết thương, khắc phục hậu quả để đời sống trở lại bình thường.
Nhưng trận động đất và sóng thần tháng 3 năm 2011 tại Nhật thì thật là khủng khiếp vì không những gần 30 ngàn người chết và mất tích, nhiều thành phố ven biển bị quét sạch như những que diêm, mà nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi gồm 6 lò nguyên tử lại bị hư hại tới mức có ba vụ nổ và tuôn nhiều chất phóng xạ ra ngoài, khiến người ta lo hậu quả có thể kéo dài cả chục, thậm chí hàng trăm năm. Cả thế giới rung động vì sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân trở nên không thể tin cậy như người ta vẫn thường “bảo đảm.” Tương lai của điện hạt nhân bị nghi ngờ không những tại Nhật mà còn tại khắp nơi trên thế giới.
Chưa ai chết vì phóng xạ tuôn ra khi nhà máy Fukushima Daiichi bị hư hại nặng và bị nổ, nhưng số người bị nhiễm xạ thì lên tới cả ngàn, nhất là các nhân viên lo sửa chữa nhà máy và các nhân viên cứu hỏa và cứu thương cho những người sống gần nhà máy. Ngoài ra, đất cát, mùa màng, và các nguồn nước chung quanh nhà máy cả chục cây số cũng bị nhiễm xạ, khiến không thể dùng được trong nhiều chục năm. Điều mà người dân sợ nhất là phóng xạ như ma vô hình vô vị trà trộn vào không khí, nguồn nước, gia súc và mùa màng khiến con người bị nhiễm và có thể chịu ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều chục năm, điều mà các nhà y tế gọi là “bệnh sẽ tích tụ và gây ung thư mai sau”.
Trong dịp kỷ niệm một năm tai nạn thảm khốc tại Nhật vào tháng ba này, đài truyền hình Pháp đã làm một phóng sự dài về hậu quả của vụ nổ nhà máy Chernobyl gần Kiev (Ukhraine) vào năm 1986 và những gì người dân Nga đã, đang và sẽ gánh chịu do bị nhiễm xạ. Phóng viên cũng nhắc đến các nhà máy điện nguyên tử của các nước khác trong đó có các nhà máy của Pháp. Tuy những nhà máy điện nguyên tử của Pháp chưa bị nổ lần nào, nhưng không ai chối cãi là cũng có rủi ro tai nạn như Fukushima Daiichi và Chernobyl . Trong năm 2011, chỉ có một tai nạn nhỏ tại nhà máy xử lý chất thải nguyên tử tại trung tâm Marcoule thuộc vùng Gard tại miền nam nước Pháp khiến 1 người chết và 1 người khác bị thương. Mặc dù tai nạn này không có phóng xạ tuôn ra môi trường, nó cũng đã làm người dân Pháp quan ngại về sự an toàn của các nhà máy điện nguyên tử hiện đang sản xuất 80% số điện của toàn nước Pháp.
Tại Đức, phong trào không dùng điện nguyên tử đã có từ lâu, nhưng ngay sau tai nạn xảy ra tại Fukushima thì bà thủ tướng Merkel đã tuyên bố là đến năm 2020 - 2022 nước Đức sẽ ngưng hoạt động tất cả các nhà máy điện nguyên tử. Sau tai nạn Three Mile Island tại Mỹ, dù phóng xạ rò rỉ ra môi trường rất ít, người ta cũng bỏ dở hằng trăm nhà máy điện nguyên tử đang xây. Lý do chính có thể là điện nguyên tử của các nhà máy đó không kinh tế, nhưng nhiều người vẫn cho rằng lý do là làm sao để các nhà máy đó thật an toàn là điều rất khó và rất đắt tiền.
Trong bối cảnh nghi ngờ và ngưng trệ xây dựng nhà máy điện nguyên tử như vậy tại các nước giầu, nước Việt Nam tuyên bố xây nhà máy điện nguyên tử bảo đảm “an toàn nhất thế giới” tại Ninh Thuận. Sự nghịch lý này là rất đáng để ý tại Việt Nam, nơi kinh tế của người dân thấp hơn kinh tế của Nhật và Pháp cả chục lần, nơi chưa có một đội ngũ chuyên viên nguyên tử làm điện và chưa có thể vận hành một nhà máy điện thông thường như Dung Quất.
Ông Phùng Liên Đoàn là một người có bằng tiến sĩ về nguyên tử tại trường nổi tiếng Massachusetts Institute of Technology và 40 năm kinh nghiệm hành nghề nguyên tử tại Mỹ, kể cả việc thiết kế nhà máy Brunswick cùng thế hệ với Fukushima. Mặc dầu năm nay ông không viết gì về Fukushima Daiichi vì “đã có nhiều người viết rồi”, ông đã có ý kiến về điện nguyên tử tại Việt Nam từ năm 1999 (khi ông thuyết trình về vấn đề điện nguyện tử tại Hà Nội). Chúng tôi xin đăng tải một vài bài viết của ông Đoàn trong tầm nhìn của một nhà khoa học chân chính hiểu biết về kỹ thuật và kinh tế của điện nguyên tử và rất tâm huyết với tương lại của nước Việt Nam . Ông Đoàn là chủ tịch ba hội từ thiện hướng về Việt Nam từ năm 1989. Đó là Quỹ Khuyến Học Việt Mỹ, Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lâp, và Viện Nghiên Cứu Việt Nam Tương Lai.
Ngoài TS Đoàn, cũng có rất nhiều khoa học gia Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước có ý kiến về việc “nhờ ngoại quốc” xây nhà máy điện nguyên tử tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng lại các bài viết đó để người Việt chúng ta biết ý kiến của các khoa học gia Việt Nam về việc xây nhà máy điện nguyên tử tại nước nhà. Kính mời quý vị theo dõi.

Pháp Quốc, 19.03.2012
Quản Mỹ Lan
---------------------------------------------------------------

PAI PAI CORPORATION
116 Milan Way
Oak Ridge, Tennessee 37830 Telephone: (865) 483-0666 · Fax: (865) 481-0003


Kính gửi Đại Sứ Việt Nam tại Mỹ
Đại Sứ Quán Việt Nam
1233 20th St NW, Suite 400 - Washington, DC 20036

V/v Xây nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Việt Nam

Thưa ông Đại Sứ:

Tôi là Phùng Liên Đoàn, 71 tuổi, người Mỹ gốc Việt, đã ở Việt Nam 21 năm và ở Mỹ 50 năm. Tôi chuyên môn về ngành nguyên tử, được huấn luyện tại trường Massachussetts Institute of Technology (MIT) với bằng thạc sĩ và tiến sĩ nguyên tử. Tôi đã từng làm việc với nhiều khoa học gia phát minh ra các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN), đã từng làm cố vấn cho US Nuclear Regulatory Commission và US Department of Energy. Trong 27 năm qua tôi là chủ tịch công ty tư vấn về nguyên tử PAI Corporation và đã có nhiều giao kèo kỹ thuật, khoa học, và môi trường với chính phủ Mỹ.

Năm 2009 tôi có vài bài viết đề nghị Việt Nam tìm nhiều phương pháp làm điện rẻ tiền khác trước khi quyết định xây nhà máy ĐHN. Tuy nhiên, Quốc Hội đã cho phép chính phủ thực hiện chương trình ĐHN, và tôi chắc chương trình này đang hoạt động ráo riết vì ta có rất nhiều việc phải làm để có ĐHN an toàn và giá rẻ. Việc này tôi không có tham dự và chỉ biết tin qua bạn bè và báo chí.

Tôi có một ý kiến nhờ ông Đại Sứ chuyển giao tới những người có trách nhiệm, với mục đích là giúp Việt Nam thực hiện được ĐHN nhanh chóng, an toàn, và rẻ tiền. Hơn nữa, ý kiến này lại có thể giúp Việt Nam có nền kỹ nghệ đóng tầu trù phú nhờ ĐHN. Tôi chắc ý kiến này cũng đã có người hoặc cơ quan Việt Nam nghĩ ra hoặc đang thực hiện, nhưng hiện tôi không có thông tin gì.

Ý kiến như sau:

· Các nước có ĐHN hoặc chương trình ĐHN hầu hết đều giầu hơn ta, có nhiều nhân lực tiên tiến hơn ta, và có nhiều công kỹ nghệ chất lượng cao hơn ta. Vì thế, ta không thể “nhẩy vọt” nếu ta muốn tránh những bài học đắt tiền và tốn thì giờ như đã xẩy ra trong tiến trình của nhà máy Dung Quất, công ty Vinashin, chương trình bauxite…(Xin xem ý kiến của ông Homi Kharas của Brookings Institution, dự cuộc họp tại Hanội về chiến lược phát triển Việt Nam vào tháng 8, 2010; và ý kiến của ông Đại Sứ Nhật Bản tại Việt Nam năm 2009.)
· Vì vấn đề ô nhiễm, hâm nóng khí quyển, khan hiếm xăng dầu, và giá đắt của năng lượng tái tạo, ĐHN là xu hướng tất yếu của thế kỷ 21 và các thế kỷ tiếp theo. Thế giới sẽ xây hơn 500 lò ĐHN trong vòng 50 năm tới. Hầu hết đó là các nhà máy lớn (công suất 1000 MW-1500 MW cho mỗi lò nguyên tử), kỹ thuật rất cao, giá rất đắt. Chỉ có những nước giầu và tiền tiến như Nhật, Hàn, Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc… mới có thể tham dự ngành kỹ nghệ đáng giá nhiều ngàn tỉ USD này. (Giá $4000/KW là giá năm 2010, sẽ tăng lên trong tương lai vì vật giá leo thang. Vì thế, 500,000 MW x 4,000,000 USD/MW = 2,000,000,000,000 USD.)
· Với một đội ngũ kỹ thuật còn rất yếu không những về ĐHN mà còn cả về ngoại ngữ rất cần thiết phải học hỏi cả trăm triệu trang dài liệu thế giới đã tích lũy về ĐHN, và với kinh nghiệm xây và điều hành nhà máy lọc dầu Dung Quất mà bản chất dễ dàng hơn ĐHN rất nhiều, Việt Nam nên thương lượng mua điện từ nhà máy ĐHN do các công ty ngoại quốc xây và bảo trì ven bờ biển Việt Nam. Việc này có lợi cho ta về rất nhiều phưong diện: an toàn năng lượng, không bị cháy túi vì sự cố, đào tạo có hệ thống chuyên viên khi họ làm việc hàng ngày với chuyên viên ngoại quốc, và an toàn bờ biển nếu có chiến tranh (vì đối phương không muốn gây hấn với một cường quốc khác.)
· Đứng về phương diện ĐHN, kỹ thuật Nga chưa thể bì với kỹ thuật của các nước phương Tây. Nhưng sau tai nạn Chernobyl, các nhà máy ĐHN mới của Nga nay làm theo phương Tây, cho nên cũng rất an toàn. Đặc biệt, Nga đang theo đuổi nhà máy ĐHN nổi (floating nuclear power plants) dựa trên kinh nghiệm của các tầu ngầm nguyên tử và tầu xẻ băng tại Bắc Cực. Các nhà máy ĐHN nổi có công suất khoảng 100 – 300 MW là rất hợp với các xứ đang mở mang có bờ biển như Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương, Magadasca, Liberia, Ghana, Chile, Nicagara, …, nghĩa là khoảng 50% người trên thế giới. Các nhà máy này hợp với nhu cầu địa phương vì điện không phải dẫn đi xa rất tốn kém, và trong trường hợp thành phố lớn cần nhiều điện thì xây ba bốn nhà máy nổi, tăng thêm niềm tin là khó có nạn cúp điện khi một nhà máy không chạy. Vì thế, đây là môt xu thế kinh tế quan trọng.
· Vì thành kiến và vì “không muốn bỏ kỹ thuật đã chin muồi của mình,” các nước phương Tây chưa muốn cạnh tranh với Nga về ĐHN nổi. Việt Nam đang bàn mua ĐHN của Nga, có thể vì chỉ có Nga mới nhân nhượng bán rẻ và cho ta vay tiền, nhưng đây có thể là cơ hội Việt Nam cộng tác với Nga làm nhà máy ĐHN nổi. Năm mười nhà máy như vậy đặt gần các tỉnh lớn tại miền Trung và tại đồng bằng sông Cửu Long và nối vào đường dây 500 KV Bắc Nam sẽ bảo đảm có điện cho toàn quốc vào năm 2022. Ta sẽ xây phần bè (barge) giống như kỹ nghệ đóng tầu, và Nga sẽ đảm nhiệm mọi kỹ thuật đã có chứng minh là an toàn và hoạt động tin cậy (reliable). Lúc đầu có thể là công nhân của ta sang Nga làm việc trong các xưởng đóng tầu bè, nhưng sau đó ta sẽ làm việc đóng bè tại Việt Nam cho các mối mua ĐHN nổi của Nga hoặc của các nước khác khi họ nhẩy vào cạnh tranh.
· Sự thực thì ta không thể làm giỏi và rẻ hơn các xưởng đóng tầu tại Nhật, Hàn, Trung Quốc…, nhưng nếu ta lợi dụng có nhu cầu bây giờ và giúp Nga bành trướng thị trường ĐHN, thì may ra Việt Nam có thể tranh thủ được thời gian và cơ hội để góp mặt với thế giới về ĐHN và đồng thời phát triển kinh tế Việt Nam. Phương cách trên giúp cho Việt Nam gia nhập thế giới ĐHN mau chóng, đặc thù, và tạo công ăn việc làm cho nhiều chục ngàn chuyên viên và công nhân với kỹ thuật tiên tiến.
· Có nhiều chi tiết kỹ thuật và kinh tế liên quan tới ĐHN nổi, tuy nhiên thư này không phải là nơi để bàn. Tôi sẽ có thể phản biện các ý kiến tiêu cực; ví dụ các lo ngại như tai nạn nguyên tử, tai nạn tầu bè, tai nạn khủng bố, động đất, sóng thần, bão… Chúng đều có thể dự phòng một cách khoa học và ít tốn kém hơn nhà máy ĐHN xây trên cạn.
Kính mong ông Đại Sứ chuyển thư này tới các giới hữu trách. Tùy ý kiến phản hồi, trong vòng ít lâu, có thể tôi sẽ cho đăng báo ý kiến này với nhiều chi tiết hơn.

Kính thư,


Doan L. Phung, Ph.D., P.E.
President and CEO

Đính kèm:
1. Vài tài liệu viết của Phùng Liên Đoàn
2. Ý kiến về phát triển của TS Homi Kharas, Hanoi, 8/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét