Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Bà bán báo ở phố Bolsa - Sống làm việc từ thiện, chết trong cô độc


Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Tôi nhìn trân trối hình ảnh một đám tang.

Tôi nhìn trân trối hình ảnh hai người nhân viên nhà quàn lấy tấm carton đậy lên chiếc quan tài - cũng bằng giấy carton - trước khi đẩy vào lò thiêu.

James Nguyễn (tên Việt Nam là Thiện Nguyễn), người con trai duy nhất bà Hai bán báo để lại trên cuộc đời, tay bưng bát nhang, tay cầm di ảnh mẹ, bơ vơ, lạc lõng ngay trong cộng đồng Việt Nam. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Tôi chưa từng nhìn thấy một chiếc quan tài bằng giấy - chiếc quan tài đơn điệu như một chiếc thùng giấy hình chữ nhật.


Tôi chưa từng nhìn thấy, một đám tang chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 35 phút, lượt người vòng quanh viếng đếm vừa hơn một bàn tay.


Tôi chưa từng nhìn thấy, một đám tang chỉ một người duy nhất chít khăn tang, một người duy nhất vừa cầm di ảnh người quá cố, cầm luôn bát hương chỏng chơ 3 nén nhang còn dang dở cháy.



Không một ai thân thích ruột rà, ngoài năm người bạn không cùng sắc tộc của con trai người nằm xuống, và tôi, một người xa lạ đến viếng một người xa lạ...


Tôi tham dự nhiều đám tang, nhưng có lẽ, đến giờ phút này, đám tang người đàn bà tôi dự sáng nay, là một trong những đám tang buồn nhất, quạnh quẽ nhất.


Ðó là đám tang của bà Hai, Nguyễn Thị Hai, 75 tuổi, người đàn bà bán báo trước tiệm chè Cali ở khu chợ ABC gần chục năm qua.

***

Hụt hẫng và hối tiếc. Là những cảm giác đeo bám tôi từ trưa ngày Thứ Bảy.

Tôi từng nói với sếp tôi rằng tôi sẽ viết một bài về bà - bà bán báo lạ lùng - bà bán báo mà trong bao nhiêu năm qua, những ai có dịp dừng chân nơi khu vực chợ ABC đều nhìn thấy. Bà bán báo từng chắt mót, xin bánh mì cũ để cho lũ chim ăn. Bà bán báo chắt chiu từng đồng, nhưng lại hào phóng chia cho từng người khất thực, từng người ăn xin, chung quanh bà. Bà bán báo để dành thức ăn thừa cho lũ mèo hoang nơi bà sống, khiến người ta cảm thấy sợ bà, xa lánh bà...

Tôi nói tôi sẽ viết, từ khi bà bán báo còn xuất hiện mỗi ngày trước tiệm chè Cali.

Khi bà bán báo bị người ta “đuổi,” phải chạy sang bán trước tiệm Phở Quang Trung.

Khi nhìn thấy bà bán báo còng lưng già cõi, đẩy chiếc shopping cart trên chất đầy báo, và thùng giấy, chậm chậm lê bước trên hè phố Bolsa.

Tôi nói tôi sẽ viết, khi...

Nhưng tôi biết, đến hôm nay, tôi chẳng bao giờ còn có thể nói “tôi sẽ viết” nữa. Bởi bà Hai bán báo chết rồi.

Bà chết tuần trước. Lúc 3 giờ 34 phút chiều Chủ Nhật, 4 tháng 3. Ung thư gan. Bà chết chỉ ba ngày sau khi vào bệnh viện.

Những người hàng xóm tốt bụng của bà đã nói với tôi như thế, khi họ tìm đến tòa soạn báo Người Việt vào trưa Thứ Bảy, mong tìm sự giúp đỡ.

Bởi, “Bà Hai chỉ có một đứa con trai duy nhất. Hôm qua, tôi nhìn thấy thằng nhỏ, đội trên đầu cái nón lá của má nó, đẩy chiếc xe bả vẫn thường chất báo đi qua chùa Ðiều Ngự, vừa đi nó vừa khóc. Tôi hỏi, nó nói má nó mới chết... Nó không biết lấy tiền đâu ra để trả tiền thiêu mẹ, vào trưa Thứ Hai, ngày 12 tháng 3 này.” Người đàn ông già nua và cằn cõi, xưng tên là Lê Ðình Phi, hàng xóm của bà Hai bán báo, miệng móm mém cố dằn những giọt nước mắt, gắng gượng kể cho xong câu chuyện.

Gương mặt ông Phi vừa chứa đựng nét mệt mỏi, vừa đầy vẻ đau thương. Ông Phi đến cùng một người đàn ông khác, trẻ hơn, tên Hoàng Huỳnh, cũng là láng giềng của bà Hai bán báo. “Bà Hai sống biệt lập và cô độc. Nhưng giờ bả mất rồi, thằng con không biết nói tiếng Việt, không biết nó sẽ làm gì trong những ngày tới.” Ông Hoàng buồn bã.

***

Tôi tìm đến nhà bà Hai, một căn apartment trên đường Village Way, thành phố Westminster, gặp con trai bà, James Nguyễn. James có vẻ gì “hiền lành” hơn tuổi 32 của mình.

Con trai bà bán báo nhường chiếc ghế sofa duy nhất trong nhà cho tôi ngồi, còn James quỳ dưới đất, bên cạnh bàn thờ, cứ hãy gọi đó là bàn thờ, nơi James để tạm vài ba tấm hình bà Hai, một tấm hình James thời thiếu niên, vài bức tượng Phật nhỏ cùng một chén gạo, hai trái chuối. Không hoa, không đèn, không nhang. Ðó là bàn thờ của một người vừa khuất.

“Tôi không biết mặt cha tôi. Mẹ tôi nói ba tôi là người Phi, bà quen ông ngày bà ở đảo Guam. Khi biết tin mẹ tôi có bầu, ông đuổi mẹ tôi đi. Mẹ sinh tôi năm 1979. Từ nhỏ tới giờ, tôi chỉ biết có mẹ, duy nhất chỉ có mẹ, không có bà con ruột thịt nào hết. Tôi đoán mẹ tôi có người thân ở Việt Nam, nhưng tôi không hề biết họ là ai, mẹ tôi chưa từng cho tôi nói chuyện với họ, mà tôi cũng không biết tiếng Việt.”

Vừa lục lọi chiếc rổ trong đó chứa nhiều những bì thư cũ kỹ, có những bức thư được gửi tới nhưng vẫn còn chưa bóc ra, một ít giấy tờ, một tấm bằng quốc tịch của bà bán báo, những mảnh giấy ghi số điện thoại,... xem có gì có thể đưa tôi xem, James vừa kể chuyện về mẹ mình.

“Tôi biết là có nhiều người biết mẹ tôi, thương mẹ tôi, vì bà tốt. Bà chăm sóc tôi từ xưa tới giờ. Bà từng mong muốn tôi sẽ đi học làm bác sĩ, học làm luật sư, nhưng tôi không làm được. Tôi theo học college một thời gian, rồi tôi đi làm, tôi bị tai nạn xe hơi,... Mẹ luôn ở bên tôi.” James cứ đều đều kể, cố ngăn không cho nước mắt chảy xuống trước mặt một người phụ nữ.
Hình ảnh bà Hai bán báo trước tiệm chè Cali trong khu chợ ABC, từng trở nên quen thuộc với những người từng đặt chân đến nơi này, cũng là người để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng những ai biết về bà. (Hình: Quyendl.blogspot.com)


Ðiều James nói về mẹ mình, cũng là điều mà nhiều người từng đặt chân đến Bolsa, từng biết đến bà bán báo trước tiệm chè Cali, nhận xét.

Anh Khương Diệp, hiện đang sống ở Florida, chia sẻ:

“Bà bán báo cũng là một trong những kỷ niệm của vợ chồng tôi trong khoảng thời gian tôi còn lai vãng ở thủ đô tị nạn. Tôi thích mua báo nơi bà vì tôi thấy bà là một người dễ gần gũi, có nhiều điều làm cho mình kính trọng. Bà hay giới thiệu 'báo này có nhiều người mua chắc hay!', 'báo này họ cho tôi, nên tôi bán rẻ,' 'tờ đó toàn là quảng cáo hông, cậu ơi !'... Làm cho tôi quá đỗi ngạc nhiên vì hình như bà bán báo này không cần tiền hay sao ấy! Rất nhiều lần tui cố tình đưa nhiều hơn số tiền phải trả, vì ngầm muốn giúp đỡ bà. Nhưng bà đếm lại và gọi với theo để trả lại số tiền tôi đưa dư. Tôi năn nỉ bà nhận, nhưng theo bà bán buôn gì cũng vậy, cần phải thành thật, cái gì ra cái đó, ăn cho buôn so!”

Trong khi đó, ông Franklin Ðắc Nguyễn, một người đang sống tại thành phố Anaheim, thì “Cụ bà bán báo trước tiệm liquor khu Bolsa và 'mắt ngó lia'” là người mà ông có ấn tượng nhất ở vùng Little Saigon.

“Tôi thích mua báo của cụ bà đó thôi. Có lẽ một phần vì muốn giúp cụ mua mau bán đắt, và phần còn lại là cụ bà bán đầy đủ các tờ báo mà mình muốn tìm đọc. Nói chung lại mình rất thoải mái mua báo từ cái quầy báo của cụ, chỉ là chiếc xe đẩy của chợ. Cụ thì lúc nào cũng nhỏ nhẹ, giới thiệu tất cả những mặt hàng nào mà cụ có. Một đôi lần tôi cố tình giúp cụ bằng cách không nhận lại tiền còn dư, thối lại cho khách hàng, để làm món quà nhỏ biếu cụ. Nhưng với cụ thì tuyệt nhiên sòng phẳng, nghiêm túc trong vấn đề kinh doanh của cụ. Có những lúc không có tiền lẻ, cụ bà bảo 'cậu cứ mang về nhà đọc rồi hôm nào quay lại trả cho tôi cũng được. Tôi đứng ra bán báo là làm việc thiện cho chùa, cho các em trẻ mồ côi, giúp đỡ những người khốn cùng được tới đâu hay tới đó.'”
***

Theo lời người con trai, bà Hai là một người thương con nhưng cũng là một người “khá lập dị.”

Bà là người sùng đạo Phật và thích làm việc từ thiện. Có bao nhiêu tiền, bà đều mang đi làm từ thiện. Bà không bao giờ đi bác sĩ. Những khi bà bệnh, bà chỉ đến những tiệm thuốc đông y mua dược thảo và nhờ người cạo gió cho bà.

“Hơn hai tháng trước khi mẹ tôi mất, bà giống như người mất trí. Có những hôm bà cởi hết quần áo đi lang thang trong xóm. Có lúc bà sang nói với hàng xóm là tôi đánh bà. Và rồi bà không về nhà, bà ngủ ngoài xe, chiếc xe chất đầy thùng giấy và báo của bà chắc ai cũng biết. Tôi chỉ biết lái xe đi vòng vòng các chợ xem mẹ tôi đậu ở đâu, nhìn vào xem bà ở đâu. Tôi gọi bà về mà bà nhìn tôi như không hề biết tôi là ai.”

James tiếp tục câu chuyện.

“Ðến hôm gần cuối Tháng Hai đột nhiên tôi thấy mẹ tôi về trước nhà. Tôi gọi mẹ, mẹ lại nói chuyện rất bình thường. Mẹ kêu tôi đi mua cho mẹ ít rau củ, mẹ tôi ăn chay trường, vậy mà khi tôi mua luôn cả 'súp nuôi gà' về, mẹ tôi cũng ăn luôn. Nhưng đến ngày thứ hai sau khi về nhà thì mẹ tôi bắt đầu 'đi ngoài' không biết gì, rồi ói mửa. Tôi ẵm mẹ tôi lên lầu để tắm rửa cho bà. Ðến khuya đó bà run, sùi bọt mép, tôi gọi 9-1-1. Ngày đầu vào bệnh viện, mẹ vẫn còn nhìn tôi. Nhưng qua ngày hôm sau thì não bà đã chết, dù tim vẫn còn đập. Ðến ngày thứ ba ở bệnh viện, sau khi bác sĩ nói chuyện, tôi quyết định rút ống thở cho mẹ. Tôi không muốn mẹ tôi đau đớn hơn.” James chùi nước mắt.
Bà Hai mất chiều Chủ Nhật, 4 tháng 3.

“Mẹ tôi không có tiền để lại. Tôi cũng không có gì hết.” James cho biết.

Những người hàng xóm tốt bụng đã gom góp lại cho James tiền để làm lễ hỏa thiêu cho mẹ. “Thiêu và mang hài cốt về Việt Nam rải xuống biển là ước nguyện của mẹ tôi. Nhưng tôi không biết phải thực hiện điều đó như thế nào. Trước mắt, sau khi thiêu xong, tôi sẽ mang cốt mẹ tôi để vô chùa.”

***

Tôi dành một buổi chiều Chủ Nhật đọc sơ qua những lá thư của người thân bà Hai gửi cho bà. Hầu hết đều là là những lá thư thăm hỏi và cho biết đã nhận được tiền bà gửi về để cúng chùa, mỗi lần khoảng $2,000, trong nhiều năm. Lạ một điều là rất nhiều lá thư trong đó chưa hề được xé ra. Tuy nhiên, lá thư cuối cùng là từ năm 2003.

Theo lời nhờ của con trai bà Hai, tôi lần theo những số điện thoại có trong đống thư từ gọi về Việt Nam để báo tin cho thân nhân bà. Nhìn có vẻ như có rất nhiều số điện thoại ghi trên tờ giấy này, mảnh giấy nọ. Nhưng khi ráp hết lại, chỉ có 4 số, trong đó 3 số ở Việt Nam, một số ở Canada.
Tôi nói chuyện được với một người anh họ của bà bán báo ở Vũng Tàu, và một người em gái cùng mẹ khác cha với bà đã đi tu.

Mọi người ngỡ ngàng nhưng cũng không quá ngạc nhiên trước tin bà Hai mất.

“Lâu lắm rồi không thấy chỉ gọi điện thoại về, cũng nghĩ quẩn, nhưng không biết cách nào hỏi thăm.” Người đàn ông tên Phát, ở Vũng Tàu, xưng là anh em họ với bà, cho tôi biết.

Còn một người gọi bà bán báo bằng dì Hai, ở Sài Gòn, tâm sự, “Mẹ tôi là em cùng cha khác mẹ với dì Hai. Tên người ghi trên bì thư chị nhìn thấy là tên tôi. Thực ra không ai ở Việt Nam biết dì Hai làm gì, sống như thế nào. Chỉ biết dì có một người con trai tên là Thiện (tên Việt Nam của James-NV) mà gia đình cũng chưa thấy hình cũng chưa bao giờ nói chuyện. Từ hồi đó giờ dì Hai có về Việt Nam vài ba lần, nhưng dì về bất chợt mà đi cũng bất chợt. Nói tóm lại là bên này không biết chuyện gì ở bên kia hết.”

Theo lời của người cháu này, bà Hai còn một người em trai cùng mẹ khác cho sống ở Canada. Tuy nhiên, theo số điện thoại trong 1 bức thư viết năm 1993, tôi gọi đến thì không ai biết người tôi muốn hỏi là ai. Còn một số điện thoại ở Sài Gòn, tôi gọi, người bên kia trả lời, “Cô gọi lộn số.”

***

Khi tôi viết xuống những dòng này, nhiều người đã biết tin “bà bán báo mất” qua những dòng tôi viết vội trên trang blog của mình cuối tuần qua.
Chiếc quan tài bằng giấy đơn điệu của bà bán báo nơi phố Bolsa. (Ảnh: Ngọc Lan/Người Việt)
Nhiều người hàng xóm, nhiều người không quen biết từ nhiều nơi, đặc biệt trong đó có Trí Tạ, phó thị trưởng thành phố Westminster, đã kịp bày tỏ lòng mình đến với bà bán báo nơi phố Bolsa.
James Nguyễn, con trai bà bán báo, trước sau chỉ nói được, “Tôi không biết nói gì hơn là cám ơn, cám ơn tất cả những gì mà mọi người đã giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất cho tôi trong hai ngày qua. Tôi muốn cám ơn những người hàng xóm, cám ơn nhiều người tôi không hề biết mặt đã gọi điện thoại đến chia buồn với tôi, gửi tiền đến cúng mẹ tôi. Tôi nghĩ có lẽ mẹ tôi sẽ vui.”
Tôi nhìn hình ảnh người con trai duy nhất bà bán báo để lại trên cuộc đời, giữa lòng Little Saigon, nơi có đông đảo đồng hương của bà, tay bưng bát nhang, tay cầm di ảnh mẹ, bơ vơ, lạc lõng, trong ngôn ngữ của tiếng mẹ đẻ, mà nghe ra những trớ trêu của cuộc đời.
Tôi nhìn tôi, nhìn 5 người bạn con trai bà bán báo đến tiễn bà vào lò thiêu mà nghe cuộc đời vừa ấm áp vừa lạnh lẽo đến tái tê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét