Chúng ta có thể thấy được những hình ảnh trái nghịch ở quê nhà, trong đó quan hệ tới vận mệnh của nhiều triệu người, và cũng có thể tới cả vận mệnh đất nước. Vấn đề sẽ là nói hay đừng. Đặc biệt là vai trò trí thức, mà cổ nhân gọi là kẻ sĩ.
Nếu chúng ta không nói, thì đời sau gọi thời này toàn là ‘trí thức trùm chăn’. Nếu chúng ta nói lên, hoặc kiểu nịnh thì gọi là ‘trí thức lề phải’, hoặc theo kiểu phản biện thì bị chụp mũ là ‘trí thức lề trái’, hoặc nói nước đôi thì là trí thức kiểu ‘Vân Tiên ngồi núp bụi môn’ (nói theo nhà văn Đào Hiếu) để rình rập mà sờ soạng nàng Nguyệt Nga.
Dù nói hay không, lịch sử vẫn vận hành theo kiểu riêng của nó. Thôi thì cũng có đôi lời, dù là không biết kiểu nào, mà chỉ nói lên cảm nhận tự nhiên thôi.
Hình ảnh nổi bật đầu năm là ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự hội Tịch điền sáng 29-1-2012 trên cánh đồng Đọi Sơn, Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Sau nghi lễ dâng hương, ông Trương Tấn Sang được báo nhà nước chụp hình, cho thấy là ông đã xắn quần, đi chân đất, khai mở những sá cày đầu tiên, rắc hạt giống. Trong khi đó, tiếng vỗ tay của đông đảo người dân hay cán bộ chung quanh vang dội.
Thông tấn TTXVN còn tìm cách nối kết truyền thống bằng lược sử:
“Sáng 29/1 (tức mùng 7 Tết), Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đã tổ chức Lễ hội Tịch điền-Đọi Sơn, lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam cùng hàng nghìn người dân địa phương đã tham dự lễ hội.
Lễ hội Tịch điền-Đọi Sơn là lễ hội truyền thống đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam phục dựng và tổ chức quy mô lớn trong nhiều năm gần đây. Trong nhiều tài liệu lịch sử sách còn lưu lại, mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Kể từ đó, Lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn thực hiện một cách thành kính, trang trọng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lễ hội Tịch điền đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc.”(hết trích)
Trong khi đó, một hình ảnh cũng giống, mà cũng khác ở gần đó, tại tỉnh Hưng Yên. Báo Tiền Phong hôm 30-1-2012 cho biết rằng tỉnh Hưng Yên, Tết chưa hết mùa, nhiều nông dân trong “liên minh công nông vĩ đại của Đảng CSVN” đã ra đồng ruộng, lấy sức người kéo cày, đi bừa.
Bản tin có nhan đề: ‘'Khai ruộng', người kéo bừa thay trâu’...
Bản tin TP còn đăng một số hình ảnh kèm theo bài, cho thấy nhiều người khoác dây đai vào vai để kéo cày thay trâu.
Bản tin TP viết:
“Trong khi nhiều người vẫn còn đang ăn Tết, du xuân… thì nông dân ở nhiều nơi phải ra đồng làm việc. Không trâu, không tiền thuê máy, một số hộ nông dân ở Hưng Yên phải dùng sức người kéo bừa.
Sáng mùng 6 Tết, ông Phạm Văn Kháng, 47 tuổi (xã Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên) cùng con trai ra bừa khoảnh ruộng nhỏ ngay giáp quốc lộ 5. Sợi dây thừng được buộc vào hai đầu chiếc bừa, con trai ông Kháng vòng qua bụng, hai tay nắm chặt dây, kéo bừa đi. Đằng sau, ông Kháng lựa chiếc bừa đi theo bước chân con trai.
“Nhà tôi không có trâu. Mà trong làng cũng chẳng còn ai nuôi trâu, bò để mượn. Khoảnh ruộng thì nhỏ, thuê máy bừa vừa tốn tiền, vừa hỏng bờ, nên hai bố con làm cho tiện” – Ông Kháng cho biết.
Cách ruộng của ông Kháng vài khoảnh, dù ruộng khá rộng, nhưng cô Hòe (Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên) cùng ba con gái cũng đang bừa ruộng bằng sức người. Cô Hòe cầm bừa, trong khi ba cô con gái ra sức kéo chiếc bừa trên ruộng cạn.
Ông Kháng cho biết, với những cánh đồng lớn, cả làng thường thuê máy cày, máy bừa, nhưng với những khoảnh ruộng nhỏ, làm riêng rẽ từng hộ… do không có trâu, bò, tiết kiệm tiền thuê máy, nên thường tận dụng sức người để cuốc, bừa ruộng.”
Việt Báo khi trích dẫn đã ghi nhận: “Lẽ ra phóng viên nên hỏỉ thêm chi tiết, có thể sẽ nghe những câu trả lời cụ thể hơn. Thí dụ, hỏi rằng họ có hạnh phúc khi lấy sức người thay trâu... có thể nghe câu trả lời rằng, đúng vậy, họ rất hạnh phúc vì họ còn có một mảnh đất để thay trâu kéo cày, chưa bị chính quyền cưỡng chế đất như gia đình anh Đoàn Văn Vươn...”
Thêm một hình ảnh khác, ở nơi khác. Nhưng đây là chuyện trách nhiệm kẻ sĩ. Thông tấn Bee hôm 31-1-2012 có bài phỏng vấn GS Nguyễn Minh Thuyết bàn về “trí thức trùm chăn.” Trong đó, GS Thuyết quy trách nhiệm phần lớn trùm chăn hiện nay là vì chính phủ không muốn nghe, nói tế nhị là ‘chưa cởi mở.’
Bài phỏng vấn trích, nơi đây ghi thêm chữ Hỏi và Đáp cho rõ:
“Hỏi: Ông nhìn nhận thế nào về những ý kiến phản biện của giới trí thức trong thời gian qua?
Đáp: Thời gian qua, trước nhiều dự án, nhiều vấn đề xã hội, giới trí thức đã có những ý kiến phản biện rất sâu sắc, kiên quyết, kịp thời. Những ý kiến đó có tác động tích cực đối với nhân dân và với các cấp lãnh đạo, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, như tôi nói lúc nãy, chúng ta chưa cởi mở về tư tưởng nên chưa thật sự tạo điều kiện để trí thức tham gia phản biện.
Hỏi: Theo ông, để giới trí thức ngày càng thể hiện vai trò phản biện, cần phải làm gì?
Đáp: Tôi cho rằng mặc dù chính sách cần tiếp tục được hoàn thiện nhưng cần phải đổi mới ở khâu thực thi chứ không phải ở chính sách. Thực tế, ở nước ta, khoảng cách từ văn bản nghị quyết, pháp luật đến thực thi thường rất xa. Ví dụ, Hiến pháp xác định nhiều quyền tự do của người dân nhưng thực thi như thế nào? Hay nói một chuyện đơn giản, pháp luật về giao thông quy định rất đầy đủ, nhưng nếu nạn tham nhũng, mãi lộ không chấm dứt thì làm sao thi hành pháp luật được?”(hết trích)
Nghĩa là, vì chính phủ chưa cởi mở, và vì không thực thi quyền hiến định về tự do của người dân, ngắn gọn, người dân đang bị kềm kẹp.
Nhưng chính phủ không giấu gì chuyện kềm kẹp, thí dụ như với báo chí.
Bài viết nhan đề “Giao ban Báo chí đầu Xuân Nhâm Thìn” trên tờ Nhân Dân hôm 31-1-2012 đã kể về chỉ thị của “Đinh Thế Huynh- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Bắc Son- Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ thông tin Truyền thông; đồng chí Thuận Hữu- Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân; đồng chí Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông...” trong buổi họp giao ban cùng cùng lãnh đạo của các cơ quan báo chí trong cả nước.
Bản tin viết: “Tại Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Đinh Thế Huynh đã đánh giá hoạt động báo chí năm 2011 và cho ý kiến chỉ đạo hoạt động báo chí năm 2012.”
Ngắn gọn, đã chỉ đạo rồi, thì làm sao mà trí thức nào dám phản biện nữa. Làm trái với chỉ đạo có nghĩa là chống Đảng, minh bạch là thế.
Bởi vậy, trí thức làm theo chỉ đạọ là con cừu, mà không làm theo thì là lề trái. Lựa chọn đơn giản: hoặc là đứng xem Chủ Tịch Trương Tân Sang kéo cày trình diễn và vỗ tay hoan hô, hoặc là phải vác cày cùng các gia đình nhân dân tỉnh Hưng Yên.
Vietbao.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét