Những đợt sóng ngầm dưới ngai Vladimir Putin...
Đúng một tháng nữa, mùng bốn Tháng Ba, Liên bang Nga sẽ có bầu cử Tổng thống, trong cuộc tranh cử mà một người trong cuộc gọi là "bẩn". Đó là đương kim Thủ tướng Vladimir Putin. Nếu ông không đạt đa số tuyết đối là hơn 50% số phiếu thì dân Nga phải bỏ phiếu lần thứ nhì để chọn một trong hai ứng cử viên dẫn đầu trong một cuộc tranh cử chắc chắn là tèm lem, và "nguy hiểm" – cũng theo nhận xét của Putin.
Chính Putin là người tạo ra hoàn cảnh đó.
Lên cầm quyền năm 1999 để chấn chỉnh một Liên bang Nga trên đà tan rã giữa những khủng hoảng tài chánh liên tục, Vladimir Putin ổn định được tình hình. Ông đắc cử Tổng thống, được coi như người có công đẩy lui nội loạn và đưa nước Nga trở lại vị trí cường quốc.
Ra vẻ tôn trọng hiến pháp với quy định về thời hạn lãnh đạo của mỗi tổng thống chỉ có thể là hai nhiệm kỳ, năm 2008, ông đưa Dmitri Medvedev ra tranh cử và đắc cử Tổng thống để lui về lãnh đạo đảng "Nga Thống Nhất". Putin làm Thủ tướng mà vẫn thực tế quyết định mọi vấn đề chiến lược. Mùa Thu vừa qua, Putin ra tái tranh cử, để Medvedev trở về nắm quyền trong đảng và có thể sẽ lại làm Thủ tướng. Trước sau chỉ là chuyện đổi ghế.
Nhưng thời thế đã thay đổi và chế độ toàn trị của ông bị rung chuyển từ bên trong, ngay trong hệ thống chính trị do Putin dựng lên. Các cuộc khảo sát ý kiến cử tri cho thấy tỷ lệ ủng hộ Putin sa sút gần như hàng tuần, từ cao điểm là 52% vào đầu năm, nay chỉ còn 22%....
***
Là người biến báo lạnh lùng, Putin xây dựng thế lãnh đạo tuyệt đối của mình "để củng cố uy thế của Liên bang Nga" bằng hai lực lượng thân cận trong quá trình tranh đoạt quyền lực. Đó là nét chủ yếu của "hệ thống chính trị Putin".
Thứ nhất là cánh an ninh, "siloviki", gồm các đồng nghiệp cũ của ông trong tổ chức mật vụ KGB thời Xô viết (sau đổi tên là FSB), và những người chủ trương ưu tiên bảo vệ an ninh và sức mạnh quân sự của nước Nga. Thứ hai là cánh dân sự, "civiliki", đa số là người có tư tưởng cải cách kinh tế và xã hội xuất thân từ thành phố St. Peterburg, y như Putin. Cái khéo của ông là dùng hai cánh này làm lực đối trọng lẫn nhau mà không ai có thể vượt lên thách đố quyền uy của Đại đế.
Một cách đơn giản và gần với chúng ta thì hãy tưởng tượng ra một Hoàng đế cai trị với phe "Pháp gia" kình chống phe "Nho gia" để cùng phục vụ Thiên tử Putin....
Sự hợp lý hay lôgích của tính toán này có thể giải thích ở chuyện "trường đoản luận" - trường kỳ và ngắn hạn.
Trong trường kỳ, Liên bang Nga phải canh tân để theo kịp trào lưu tiến hóa của thế giới và đó là phần vụ của cánh dân sự, với chủ trương tương đối tự do và minh bạch về quản lý kinh tế. Nhưng trước mắt thì phải bảo vệ được sự ổn định bằng một bộ máy an ninh chặt chẽ và nghiệt ngã của cánh "siloviki" - và triệt để thanh trừng mọi âm mưu đối nghịch, kể cả bịt miệng truyền thông và ám sát đối lập, hoặc cho những tài phiệt có tham vọng chính trị vào tù.
Giấc mơ của "một nhà độc tài sáng suốt" được thổi lên thành đám mây ngũ sắc nhờ một yếu tố ngoại nhập: năng lượng lên giá trên thế giới từ một chục năm qua nên kho lẫm dồi dào đã tạo ra ảo giác thịnh vượng về kinh tế.
***
Nhưng chuyện lôgích đó đã đi hết sự vận hành của nó.
Trước hết, tình trạng gọi là ổn định tương đối này khiến thần dân ở dưới suy nghĩ khác: nhiều người không còn thấy nhu cầu của một vị cứu tinh tập trung quyền lực trong tay. Họ khó chịu về trò độc đoán của Đại đế. Thứ hai, tình trạng thịnh vượng tương đối nhờ tài nguyên lên giá cũng hình thành một giới trung lưu khá giả với những khát khao tự do rất dễ hiểu. Thứ ba là cuốn lịch sang trang cả chục lần khiến cho nhiều người không còn nhớ 10 năm hỗn loạn của thời hậu Xô viết, khi Tổng thống Boris Yeltsin cầm quyền từ 1991 đến 1999. Thứ tư, trên tư thế quốc tế rất mạnh của Liên bang Nga sau những năm ê chề, chủ nghĩa dân tộc đã quật khởi và thủ đoạn cân bằng các thế lực chính trị chung quanh Putin trở thành chuyện lạc hậu không cần thiết. Và thứ năm, nói gì thì nói, người dân Nga cũng khát khao tự do và dân chủ như mọi dân tộc khác. Chúng ta sẽ còn cơ hội trở lại những đổi thay này.
Hậu quả chậm rãi của sự chuyển dịch tâm lý nói trên là ngày càng nổi lên nhiều nhóm chống Putin và quyền lực của điện Kremlin.
Biến cố báo hiệu hiện tượng ấy là cuộc bầu cử Quốc hội ngày năm Tháng 12 năm ngoái khi đảng Nga Thống Nhất mất luôn siêu đa số và đảng Cộng sản chiếm gấp đôi số ghế Dân biểu trong Hạ viện Duma. Một tuần sau, dân chúng đã biểu tình, ngày càng đông, để tố cáo nạn gian lận bầu cử. Hôm 24 Tháng 12, có tám vạn người xuống đường - chuyện chưa từng thấy trong "thập niên ổn định của Putin"! Phong trào "chống Putin" xuất phát từ rất nhiều thành phần hoặc nhóm chính trị hay xã hội khác nhau, không có cùng mục tiêu, chiến lược hay tổ chức, nhưng huy động được sự bất mãn của nhiều người.
Vì vậy, ngai vàng của Đại đế đã rung chuyển từ bên dưới.
Mà chung quanh Putin, hai thế lực chính trị "siloviki" và "cililiki" lại không thể cứu vãn được uy tín của lãnh tụ mà thực tế còn kéo dài tình trạng bất ổn chì vì hiện tượng sa đọa của quyền lực. Nói cho thi vị, hay thê thảm, hai cánh bay hai ngả để Đại đế ngồi loay hoay ở giữa.
***
Thủ đoạn xoải cánh của Putin dẫn tới sự xuất hiện của hai nhân vật có đầy tham vọng và thủ đoạn cùng tàn độc không kém. Họ cầm đầu hai phe và chỉ cùng chung một chí hướng là không chống lại Putin - nhưng chống nhau ra mặt.
Đó là lãnh tụ cánh an ninh, Phó Thủ tướng Igor Sechin, và lãnh tụ cánh dân sự là Vladislav Surkov, mới bị mất chức Đệ nhất Đổng lý Văn phòng. Mỗi người đều có thế lực riêng trong bộ máy công quyền, trong các tập đoàn kinh tế nhà nước và hệ thống an ninh quốc gia. Họ giải quyết được nhu cầu của Putin là củng cố quyền lực của lãnh đạo tối cao nhưng làm phân hóa hệ thống kinh tế và chính trị ở dưới.
Cánh an ninh triệt để bóp nghẹt quyền tự do của người dân và còn tập trung kiểm soát hệ thống kinh tế - vì mục tiêu "phải đạo" là củng cố chế độ - để phát huy sức mạnh của Liên bang Nga trên trường quốc tế. Đường tuyến biểu hiện quyền lực của cánh an ninh này là sẽ trở lại vị trí siêu cường của Liên bang Xô viết ngày xưa.
Trước sức mạnh hiển nhiên của các lãnh tụ siloviki, cánh dân sự civiliki rõ ràng là yếu thế hơn.
Mẫu số chung của họ là "không thuộc diện an ninh" và có tinh thần tương đối cởi mở của St. Petersburg. Nhưng còn lại là một tập thể của nhiều chủ trương xây dựng một hệ thống kinh tế, tài chánh và xã hội tân tiến và phức tạp hơn, với nhiều quyền tự do hơn để chọn được giải pháp tối hảo. Không đơn giản là "Tây phương hóa" xã hội, thành phần này có làm thay đổi nước Nga và cho đến mấy năm gần đây thì đã gây sức cản trước đà thắng thế của cánh an ninh. Việc Medvedev trong cánh dân sự được chọn làm Thủ tướng rồi ra tranh cử Tổng thống năm 2008 có phản ảnh chiều hướng đó.
Bây giờ, cung đình Cẩm Linh bỗng dưng nghiêng ngả vì những đợt sóng ngầm ở dưới và hai thế lực ổn định của Putin lại đang ở trong thế đảo điên.
***
Vladimir Putin muốn canh tân nước Nga, theo kiểu của ông ta – có một nền kinh tế hiện đại để bảo vệ an ninh của xứ sở bằng mọi giá - nên trong những năm cuối có thiên về giải pháp tương đối cởi mở của cánh dân sự.
Kết quả là hệ thống quyền lực của các nhóm siloviki bị va chạm và thực tế bị soi mòn, lãnh tụ của Igor Sechin có lúc lâm bệnh! Nhưng được trao nhiệm vụ cải cách kinh tế - các chương trình canh tân và tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước – cánh civiliki bị loạn chiêu và phơi bày sự rạn nứt bên trong.
Mâu thuẫn giữa lãnh tụ cánh này là Vladislav Surkov với Tổng thống Medveded được công khai hóa và cao điểm là sự bất đồng giữa Medeved với Tổng trưởng Tài chánh Alexei Kudrin khiến nhân vật nổi tiếng với quốc tế về tinh thần cải cách phải từ chức, và Kudrin đã ra mặt chống đối cuộc bầu cử có dàn dựng tại viện Duma! Tức là chống lại cả Putin.
Như mọi khi và ở nhiều nơi khác, những người chủ trương cải cách, hoặc bản thân lãnh tụ cánh dân sự là Surkov, đánh giá sai - và là nạn nhân của - những thay đổi do họ đề xướng: xã hội đã chuyển động vì sự cải cách này và thần dân ở dưới không chấp nhận được giải pháp nửa vời.
Việc "quản lý dân chủ" một cách tiệm tiến mà họ muốn tiến hành theo chỉ thị của Putin khiến dân Nga sốt ruột và bất mãn! Đó chỉ là thủ đoạn xây dựng đối lập "phải đạo" – và giả hiệu.
Nghĩa là Đại đế rơi vào cảnh ngộ lộng giả thành chân.
Vì vậy, khi cánh an ninh bị đẩy lui và cánh dân sự lại phân hóa, Vladimir Putin phản ứng khá chậm. Cũng theo kiểu vừa bổ vừa tả của Đông y: cách chức những người bị coi là có trách nhiệm và gây bất mãn trong quần chúng. Lãnh tụ đảng trong Hạ viện thuộc cánh an ninh là Boris Gryslov và cả lãnh tụ cánh dân sự là Vladislav Surkov là những con dê tế thần. Putin chấp nhận một số đề nghị cải cách chính trị và ngăn bàn tay thô bạo của cánh an ninh để tránh đàn áp những người biểu tình.
Nhưng đây chỉ là những biện pháp trì hoãn để mua thời gian tổ chức lại một hệ thống tư duy và cải cách khác. Mà thời gian lại là cái vốn có hạn vì một tháng nữa là dân Nga sẽ đi bầu.
Liên bang Nga đang trôi vào chốn cũ, giữa những khát khao ngày càng rộng lớn của người dân và tham vọng khó thoả mãn của quá nhiều thế lực chính trị. Một giải pháp khả thể là hứa hẹn đưa cựu Tổng trưởng Tài chánh Alexei Kudrin về làm Thủ tướng nếu Putin tái đắc cử ngay trong tháng tới.
Nhưng phải chăng điều ấy càng làm các đợt sóng đáy sớm tràn vào điện Cẩm Linh?
Vietbao.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét