Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Tết năm lên mười bảy

Theo lệ thường, người dân chỉ ăn Tết 3 ngày nhưng vẫn duy trì không khí Tết đến ngày mùng 7.
Lễ hạ Nêu thì được cử hành vào ngày khai hạ mồng 7 tháng Giêng âm lịch.
28 Tết dựng Nêu, mồng 7 hạ Nêu tiễn ông bà về Trời. Ngày nay, tục lệ Tết xưa ấy vẫn còn được lưu giữ ở vài nơi, điển hình tại chùa Diệu Đế, một trong 4 ngôi quốc tự triều Nguyễn, ở Huế. Trong 10 ngày Xuân, các thầy ngoài việc đón tiếp khách viễn cảnh chùa, mỗi tối đều hướng tâm vào cây Nêu cầu nguyện cho một năm thuận hòa, quốc thái dân an.

TẾT NĂM LÊN MƯỜI BẢY

Ở nông thôn nhiều nơi có tên Đá Bàn: đồng Đá Bàn, suối Đá Bàn, núi Đá Bàn v.v... Đá Bàn, nơi tôi đã sống là một xóm quê thuộc huyện Sơn Hòa, nằm dưới thung lũng, không kề sát nhưng gần đường quan báo xưa, nay là ĐT 648. Mỗi khi đi đâu về, đến nơi cây da lớn bên đường ấy người dân Đá Bàn nhìn xuống, trong tầm mắt ghi nhận khá đầy đủ mọi sinh hoạt của xóm nhỏ, tùy từng lúc, dưới ruộng đang cày, trên thổ đang rắc, trâu bò đang chậm rãi về chuồng, một cuộn khói đốt bờ đang oằn oại vươn cao, nắng chiều vàng đậm hoặc mưa bay trắng đất trắng trời. Trong cái vui thấp thoáng chút buồn, chan hòa lại thành ra luôn luôn ấm áp nhẹ nhàng.

Đầu năm 1954, tướng Henri Navarre cho mở chiến dịch Atlante để “bình định miền duyên hải Nam Trung Việt”. Quân Liên hiệp Pháp tấn công từ Tây Nguyên xuống Sơn Hòa, thiết lập các đồn bót, rồi chia làm hai cánh, qua Sơn Hội xuống Đồng Xuân và qua Sơn Xuân xuống Tuy An.
Đồng bào Đá Bàn tản cư vào núi. Già trẻ nhà nhà, dắt dẫn nhau, khỏi một đoan truông hẹp đến Đá Bàn ngoài, chỗ trại làm ruộng, rồi xuống Hố Cám, suối Lỗ Rong, rừng Thồ Lồ (không phải Lỗ Rong nay thuộc xã Hòa Hội, cũng không phải Thồ Lồ của huyện Đồng Xuân). Dừng lại nơi đây.
Dải suối này khá đẹp, như bao con suối khắp trong rừng núi. Nước trong leo lẻo róc rách chảy trên đá. Hai bên bờ suối đất bằng phẳng, cây thưa thớt, giao ngọn bên trên che kín. Ban ngày chia nhau tản mác ở các khe hẻm, chiều xuống họp lại lượm củi, nhen lửa nấu ăn. Lòng suối không rộng lắm, nước vo gạo từ rải rác ven bờ chảy xuống, nối đuôi nhau rồi bắt kịp nhau, tạo ra một dòng trắng đục, tương phản hẳn với nửa lòng suối bên kia nước trong veo. Cơm nấu nhiều, để dành cho cả bữa trưa mai. Sắp đến tết nên nhà nào cũng sẵn thịt heo, có điều buổi trưa không dám đun nấu nên thịt kho đông mỡ đặc lại, thêm khí lạnh của rừng núi, người lớn tuổi vừa ăn vừa run.
Những căn lều dựng san sát liền nhau trên bãi đá cuội. Những bếp lửa nổ tí tách, văng tàn lên cao như pháo hoa. Không ầm ĩ song vẫn có tiếng trẻ nô đùa. Than hồng ấm mãi suốt đêm đến sáng. Giữa khuya thường có con chim gì kêu những hồi dài đều đều lảnh lót, tôi hỏi người lớn, được trả lời là chim chuông. Tiếng chim nghe thật lạ lùng, ghi sâu vào tâm tưởng tôi. Vài lần có trận mưa đêm đổ ào xuống, người người thức dậy xếp dọn đồ đạc ngồi thu mình dưới gốc cây. May sao mưa không lớn và không lâu.
Tối giao thừa, vẫn một dãy bếp lửa hàng ngang thi nhau nhả khói vào trời đêm đen đặc. Mọi người bảo nhau là phiên chợ tết, tìm kể những chuyện vui để quên đi nỗi buồn lo. Mà thấy cũng vui thật. Trong một bài hồi ức viết năm 1959 tôi có nhắc lại chuyện này:
“Đi xa hơn nữa, họ tưởng tượng:
-Vài năm sau có ai qua đây sẽ nhớ những ngày tản cư mà tìm lại bếp tro này.
Nhưng mà không. Mấy năm đã trôi qua! Chưa ai trở lại nơi ấy để nhớ những giây phút lo âu, khơi lại bếp tro xưa. Những bếp tro ấy còn gì nữa? Năm tháng nắng mưa nhiều quá đã cuốn mất nó liền khi gót chân con người quay về xóm cũ. Nhiều đêm, tôi đã hồi tưởng lại cái quá khứ dạo nọ. Tiếng chim chuông ấy bây giờ như còn nghe lanh lảnh.
Ôi, Lỗ Rong, Hố Cám, Thồ Lồ… và những gì gì nữa, những vực thẳm rừng sâu. Thời gian đã xóa trong lòng ta bao nhiêu kỉ niệm đằm thắm, êm đềm, chua cay, nhớ tiếc.
Những con người thân quý!
Dưới cơn mưa bom gió đạn, sau bao lớp lớp tang thương, ai đã gục đi và ai còn sót lại ??”.
1954-1959, chỉ mấy năm thôi, đến nay 2012, 58 năm đã trôi qua, tôi không trở lại Lỗ Rong, Hố Cám, Thồ Lồ, chắc cũng chẳng mấy ai trở lại, có chăng là một vài người đi rừng tình cờ xẹt ngang, e rằng không hề nhớ đến! Nhưng... những dòng nước vo gạo trắng ngần cả nửa lòng suối, những bếp lửa giăng hàng và tiếng con chim chuông cứ còn ám ảnh mãi, dù năm 1962 tôi có viết truyện ngắn Tiếng chim chuông lấy khung cảnh này, đăng trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong.
Tối giao thừa, cả xóm ở giữa rừng quây quần bên nhau như thế, không biết một tin buồn đã xảy ra lúc sáng. Tháng chạp năm Quý Tỵ là tháng thiếu, sáng ngày 2/2/1954 (29 tháng chạp) một đơn vị sơn chiến Liên hiệp Pháp hành quân qua Đá Bàn. Do không nắm rõ tình hình một số cán bộ từ Đá Bàn đi Hòa Nguyên đến đoạn đường phía nam xóm sắp xuống dốc Bà Nghé và Dốc Ván, lọt vào ổ phục kích, cả ba người bị bắn chết, trong đó có cha của một người bạn thân. Mấy ngày sau trở về, đành lấp đất an táng họ ngay tại chỗ, làm lễ truy điệu. Thầy Nguyễn Luân đọc bài ai điếu, dùng lời lẽ bình dân mộc mạc nhưng thật vô cùng cảm động, ai nấy đều khóc.
Hôm chúng tôi “hồi cư”... Xin gọi như thế cho có phần “quan trọng”, vì nếu không có chuyện tang tóc trên thì lần “tản cư” duy nhất của dân xóm Đá Bàn khác nào một chuyến cắm trại mùa xuân. Suốt chín năm, Đá Bàn hoàn toàn yên tĩnh, không hề nghe tiếng đạn bom, lần này quân Liên hiệp Pháp cũng chỉ đi trên đường lớn, không xuống xóm. Nhìn từ đỉnh Giồng Dâu, nắng mới đầu tháng giêng tựa như vàng ròng. Xa cách đâu có mấy ngày mà thấy sao như lâu quá là lâu, chúng tôi kéo nhau chạy xuống chân giồng, băng qua đồng Ruộng Thùng về xóm, tưởng như vệ cỏ quấn quít nỗi mong chờ, ngọn cau, hàng tre đều vui mừng vẫy ngọn đón chào.
Một cái tết như thế, với riêng tôi cũng đáng để thương nhớ. Mà đã thương nhớ thì làm sao tránh khỏi một chút buồn! Tết, nói chuyện buồn e mất vui, nhưng suy cho cùng vui/buồn không phải là hai mặt đối lập, mà là những cung bậc trong một hệ thống âm giai, những nấc liền nhau trong chiếc thang tình cảm. Cũng như vuông và tròn, từ thủy đến chung, từ bắt đầu đến cuối cùng... là một. Vuông, mở rộng hoàn mãn sẽ đạt thành tròn và tròn thu hẹp dần rốt cuộc sẽ trở lại vuông. Thêm một chút vui sẽ giảm một chút buồn và thêm một chút buồn sẽ giảm một chút vui. Nhiều khi nó còn bổ sung cho nhau, gặp gỡ kể những điều buồn xưa cũ hóa ra là nói chuyện vui, trở thành cuộc hội ngộ kỳ thú. Kỉ niệm này xin trang trải cùng các bạn đang còn, dù sống xa quê, và tưởng niệm những niệm những bạn đã sớm ra đi, để lại biết bao niềm trống vắng lớn lao...

NNS.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét