Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Chính trị của Giáo hội công giáo Việt Nam

Trần Công

Trên nguyên tắc Giáo Hội Công Giáo không làm chính trị. Nhưng thực tế Giáo Hội vẫn bị phê phán là có dính dáng vào chính trị. Dính dáng vào chính trị thực ra khác với làm chính trị. Làm chính trị là chính thức dấn thân vào sinh hoạt chính trị với mục đích nắm chính quyền, dù là đảng phái hay là cho chính giáo hội của mình. Còn nói lên tiếng nói của lương tâm, của đạo lý, của sự thiện, của những gì cao quí của con người như nhân phẩm, tự do, dân chủ, nhân quyền, dân quyền…chắc chắn không phải là làm chính trị. Đó là ý kiến về chính trị, lẽ tự nhiên của con người, hoặc nói một cách văn vẻ là “sống chính trị”. Như vậy thì bất cứ ai là công dân của bất cứ một quốc gia nào cũng có quyền lên tiếng phê phán hay góp ý vào những sinh hoạt của quốc gia mình về bất cứ phương diện nào có tính cách công. Những ai đứng ở cương vị lãnh đạo dù lớn hay nhỏ thì không những có quyền mà còn có bổn phận phải lên tiếng phê phán và góp ý, góp phần ảnh hưởng vào sinh hoạt của cộng đồng, nhỏ hay lớn tuỳ phạm vị sinh hoạt của đương sự.

Đức Giáo Hoàng thì nói lên những gì có tính thế giới, Hồng Y, Giám mục thì có tính cách quốc gia hay thành phố. Linh mục thì ở một phạm vi nhỏ hơn….Nói chung, đã là công dân của một nước thì đều có quyền và bổn phận góp phần vào những sinh hoạt của quốc gia mình. Nói cho cùng, chính trị hiểu như vậy thì ai mà không làm chính trị, không dính vào chính trị, dù là vô thần hay hữu thần tin vào bất cứ tôn giáo nào. Vậy phải hành sử như thế nào để khỏi mang tiếng là “làm chính trị”?.

LÀM CHÍNH TRỊ

Đức chân phước Gioan Phaolo II, khi còn là Giáo Hoàng, trong một cuôc phỏng vấn do một nhà báo nổi tiếng ở Y, đã xác nhận là Ngài làm chính trị.

- Thưa Ngài, Ngài có làm chính trị không?
- Đừng hiểu chính trị theo nghĩa hẹp. Giáo Hoàng có bổn phận rao giảng Phúc Âm, mà trong phúc âm có con người, tức có nhân quyền, tự do, nhân phẩm và lương tâm cùng tất cả những gì thuộc về con người. Nếu tất cả những cái đó có một giá trị chính trị thì tôi làm chính trị. Vì tôi bênh vực con người. (Ezio Mauro e Paolo Mieli.G.P.II, La stampa 04.03.91,2).

Câu trả lời này của Đức Gioan Phaolo II đã trở thành nổi danh và đánh tan tất cả những đồn thổi phê phán là Giáo Hôi Công Giáo “làm Chinh trị.” Câu trả lời của Đức Gioan Phaolo II cũng đưa ra một nguyên tắc cho tất cả mọi người Công Giáo, kể cả Hồng Y, Giám mục, tu sĩ…để sống và hành động trong cuộc sống của mình trong xã hội. Nói cách khác, là người Công Giáo, chúng ta có bổn phận rao truyền Lời Chúa / Phúc Âm là những lời vàng ngọc giúp con người thăng tiến cả tâm hồn lẫn thể xác. (Mth.9: 35-36; 10:1-16; Mc.6:7; Luc.9:1). Bổn phận đó, dĩ nhiên không chỉ là nói xuông, giảng xuông, mà cần phải thực hành lời mình nói.(Math.7: 24-27; Lc 6: 47), đồng thời phải nói lên tiếng nói lương tâm của mình chống lại những bất công, thất đức, những cái đi ngược lại với Tin Mừng, với đạo giáo, những gì là trà đạp mạng sống, nhân phẩm con người như chinh Chúa Giêsu đã lên tiếng phản đối. (Mth.21: 12-16, 19; Mc11: 15-17). Xã hội Việt Nam đầy dẫy những bất công, tha hoá. Người ta vẫn hô hào “Tốt đời đẹp đạo”, nhưng có những cái tốt đời XHCN lại không thể đẹp đạo được, chẳng hạn nhà nước chiếm đoạt nhà thờ, bệnh viện, trường học, cô nhi viện, chiếm đoạt đất đai của dân làm của riêng cho những viên chức có quyền thế hiển nhiên là lỗi luật công bằng và lỗi cả luật nhà nước, tạo chết người, khiến dân phải đau khổ, mất cơ nghiệp, trở thành nghèo đói thê lương thì hiển nhiên không thể đẹp đạo được. Ngược lại có những việc đẹp đạo như việc thăm con chiên bổn đạo, cử hành thánh lễ, làm mục vụ v.v.. của giám mục, linh mục, tu sĩ thì lại bị cấm, không được tự do làm, phải xin phép, có khi phép lại không được nhà nước cho, vì nhà nước cho là không đẹp đời? Một đất nước không có tự do, dân chủ và nhân quyền, tự do tôn giáo. Một xã hội đầy dẫy tha hóa bất công, tham nhũng hối lộ tràn lan trên mọi bình diện, phá thai công khai, nạn buôn người, tình trạng đĩ điếm hoành hành cả thế giới ai cũng biết; công an ngang nhiên đánh chết người chì vì họ đứng ra bảo vệ tài sản mồ hôi nước mắt của họ, hoặc với cái cớ chỉ vì đi xe không đội nón an toàn….Tình trạng khiếu kiện của dân oan từ Nam ra Bắc với muôn vàn nạn nhân đủ loại cả hàng chục năm nay, niềm u uất than van của dân đã cao ngất trời mà nhà nước không hề lằng nghe, xét sử. Dối trá, bịp bợm, gian manh, tàn ác hầu như là chính sách của nhà nước từ trung ương tới địa phương. Một đất nước, một xã hội đầy dẫy bất công và bất mãn như vậy chắc chắn không phải là một xã hội lý tưởng phù hợp với 10 điều răn Chúa dạy. Ngưới Công Giáo, các đấng các bậc không thể bình thản ngồi yên nhìn cánh đồng lúa bị tha hóa, bệ rạc, xơ xác như vậy được. A tòng hay chiều theo ước muốn của họ chắc hẳn Chúa không vừa lòng đâu. Chỉ dùng đền thờ làm nơi buôn bán, đổi tiền…mà đã bị Chúa Giêsu xô bàn, đạp ghế đuổi hết mọi người ra ngoài và quở trách nặng lời (Math 21:12-13), nói chi toàn thể cánh đồng lúa bị ung thối vì tội ác. Môn đệ của Chúa Giêsu không thể làm khác Chúa được, không thể thấy tội ác tràn lan mà ngậm miệng không lên tiếng. Chiều theo tội ác, cố gắng làm đẹp lòng kẻ dữ thì lại càng đắc tội hơn nữa.

TRI HÀNH HIỆP NHẤT

Thuyết Tri Hành Hiệp Nhất của Vương Dương Minh chủ trương hành động theo lương tri của mình, lấy cái lương tri mà làm việc, có nghĩa là lý trí/lương tâm mình thấy đúng hoặc sai thì phải nói lên và theo đó mà hành động. Biết thì phải Làm. Ông nói” Vị hữu tri nhi bất hành giả. Tri nhi bất hành, chỉ thị vị tri. Biết thì phải làm. Biết mà không làm là chưa biết. Chúa Giêsu cũng đã từng nói “Chúng chỉ tôn thờ ta bằng môi bằng miệng” hoặc “Đức Tin không có hành động là đức tin chết” (Math.15: 8; Isaiah29:13). Điều đó không có nghĩa là chỉ áp dụng cho phạm vi đạo đức có tính cá nhân, mà còn áp dụng cả trong phạm vi xã hội chinh trị, về những vấn đề liên quan đến luân lý đạo đức, pháp luật, công bằng xã hội, tự do, nhân quyền, nhân bản, tự do tôn giáo, mà những ai đứng ở địa vị lãnh đạo một cộng đoàn, cộng đồng xã hội hay tôn giáo hay một tập thể nào đó đều có trách nhiệm lên tiếng phê phán hay bênh vực. Mới đây nhất, chuyện xẩy ra ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, Việt Nam, trường hợp gia đình ông Đoàn văn Vượn bị chính quyền địa phương cướp đất cướp nhà một cách trắng trợn đã gây giao động cả nước. Đức giám mục Hải Phòng đã chinh thức lên tiếng bênh vực ông Đoàn văn Vượn là một hành động rất hợp lý. Ngài đã hành xử đúng tư cách một vị lãnh đạo tôn giáo, vì công bằng, công lý mà bênh vực kẻ yếu thế bị oan ức. Cường quyền dùng công an, quân đội, bọn du côn cướp đất, cướp tài sản giáo hội, đập phá thánh giá, tượng Chúa mà cơ quan trách nhiệm không lên tiếng phản đối, lấy cớ này nọ để né tránh là không áp dụng tiếng gọi, cái hiểu biết của lương tri/lương tâm mình. Chuyện xúc phạm ngay tôn giáo mình mà không dám lên tiếng thì những dân oan đi khiếu kiện chinh quyền đối xử bất công, họ nói là họ không biết thì cũng chẳng có chi là ngạc nhiên cả. Ủy ban Công Lý Hòa Bình mà không lên tiếng về những vấn đề thuộc phạm trù Công Lý và Hòa Bình thì không hiểu ủy ban đó lập ra để làm gì? Bàn về vấn đề sắc dục, Sex?

YÊN LẶNG LÀ ĐỒNG LÕA, LÀ CHẤP NHẬN?

Trở lại vấn đề làm sao để tránh tiếng là mình làm chính trị. Như đã nói, là công dân một nước, nhất là thủ lãnh một hội đoàn, một tổ chức hay cộng đồng đều có quyền lên tiếng góp ý về những vấn đề chinh trị, kinh tế, giáo dục, văn hoá hoặc những vấn đề công ích thuộc phạm vi xã hội, tôn giáo liên quan đến con người. Ngược lại yên lặng trước những bất công trà đạp công bằng công lý và đạo đức là đồng lõa. Trong một đất nước, xã hội đầy dẫy bất công, tha hóa, tự do nhân quyền, tự do tôn giáo bị trà đạp, cấm đoán lúc công khai lúc âm thầm hiểm độc, đạo đức suy đồi mà những vị cầm đâu tôn giáo không lên tiếng phản đối để sửa đổi thì chỉ có thể cắt nghĩa là hèn nhát, sợ chết, sợ khó hoặc a tòng để được an thân bổng lộc chức quyền. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã lên tiếng ngày 19-1-2012 cảnh giác một chinh quyền coi rẻ lương tâm, coi mạng người chỉ là phương tiện, buộc các bảo hiểm sức khỏe phải chấp nhận phá thai. HĐGM-HK đã lên tiếng phản đối TT Obama và kêu gọi mọi người, nhất là giáo dân đoàn kết lại để tranh đấu chống lại sắc lệnh phá thai của Obama. Ước mong ĐTC cũng lên tiếng bênh vực dân tộc Việt Nam, Giáo Hội VN, những linh mục tu sĩ đã dám đứng lên chống lại bất công và cường quyền, người dân cô đơn cô thế chỉ biết vác đơn đi khiếu kiện hết năm này tháng nọ mà chẳng được giải quyết, để khuyến khích HĐGM-VN cũng lên tiếng khuyến cáo nhà cầm quyền VN bớt đàn áp dân lành, trả lại tự do, công bằng cho người dân và giáo hội. Giáo dân VN đôi lúc có cảm tưởng mình bị bỏ rơi vì quá nhỏ bé, hèn mọn, không được văn minh hùng cường như Hoa Kỳ. Kẻ nghèo hèn khốn khổ, lại bị ức hiếp trà đạp bất công thì cần được che chở giúp đỡ hơn là những dân tộc có sẵn tự do lại giàu có, có đủ mọi quyền hạn để tranh đấu. Đã không lên tiếng giúp đỡ mà nhiều lúc hành động như thể muốn chiều lòng nhà cầm quyền, như trong vụ trannh đấu đòi lại Tòa khâm sứ ở Hanội đặt để các giám mục vào những vị thế theo yêu cầu của nhà nước, không theo sự mong chờ, thỉnh nguyện của giáo dân v.v…đã khiến không những giáo dân mà cả những người không phải là công giáo cảm thấy bất nhẫn, mất hết tin tưởng vào lương tâm và lẽ phải. Có người nói là tòa thánh đi với chinh quyền, làm chinh trị? Làm sao cấm được họ nói như vậy nhỉ.

VATICAN / HĐGM-VN LÀM CHÍNH TRỊ?

Giáo dân chỉ biết nghe lời các đấng các bậc dạy là phải giữ đạo và truyền đạo. Giữ đạo cho cá nhân mình thì cứ theo luật Chúa và Giáo Hội mà làm. Ăn ngay ở lành và giữ luật đạo. Còn truyền đạo là truyền bá Tin Mừng Phúc Âm Chúa, trong đó có con người, tức có nhân quyền, tự do, nhân phẩm và lương tâm cùng tất cả những gì thuộc về con người…Vì tôi bênh vực con người (Lời Đức Gioan Phaolo II), thì hiển nhiên ta không thể chấp nhận hoặc làm ngơ trước bất cứ cái gì đi ngược lại “con người”. Yêu Chúa thì phải yêu người (Math.22: 37-40; Rm13: 8-10; Gal 5:14). Trà đạp, ước hiếp con người thì ta phải lên tiếng phản đối để bênh vực con người. Xã hội/đất nước Việt Nam hiện nay rõ ràng là đầy dẫy bất công, con người bị ức hiếp, nhân phẩm, tự do bị trà đạp thì người công giáo phải lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền ngưng ngay những hành động bất nhân, vô đạo đức ấy. Dĩ nhiên các giám mục, linh mục là người lãnh đạo lại càng phải làm gương lên tiếng bênh vực con người chứ không thể làm ngơ trước tội ác hoặc hùa theo tội ác để được an thân, bổng lộc, chức quyền.

Cộng sản quá tinh khôn ma quỉ, bề ngoài thì tuyên bố tự do tôn giáo, nhưng bên trong chèn ép, trà đạp, ngăn cấm tôn giáo. Chúng dùng tôn giáo giệt tôn giáo, dùng giám mục, linh mục, giáo dân quốc doanh phá công giáo. Kẻ nội thù là khí giới rất độc hại của công sản. Huỳnh công Minh là tên cộng sản, một chính ủy nằm ngay tại tòa TGM Saigon điều khiển và huấn giảng lý thuyết chủ trương của đảng csVN. Cs VN đã thuần hóa được công giáo miền Nam qua các chủ chăn. Bản nhạc “Đoàn Hồng Quân” đã được trổi lên mở đầu buổi lễ truyền chức linh mục tại Saigon, ca tụng chủ thuyết Marx hết lời của Gm phụ tá Nguyễn văn Khảm ngay tại nhà thờ Chinh tòa Saigon ngày lễ Chúa Kitô Vua thì hiển nhiên coi như Tòa TGM Saigon chính thức gia nhập và công nhận đảng csVN rồi còn gì nữa. Chỉ còn công giáo miền Bắc và các chủ chăn vẫn còn kiên cường chống lại tà quyền, thì từ ngày TGm Ngô Quang Kiệt bị cho nghỉ non, Gm nguyễn văn Nhơn lên thay, thì các linh mục của giáo phân Hanội có tinh thần tranh đấu cho tự do tôn giáo, công lý và công bằng bị thuyên chuyển đi những nơi xa xôi hẻo lánh cách biệt với Hanoi. Thế là tinh thần chống bất công của nhà nước bị ngăn cản, kìm kẹp.

Nay nghe tin Tòa Thánh/HĐGMVN lại sắp sửa hoán chuyển Gm Nguyễn văn Khảm ra Hanội, TGm Nguyễn văn Nhơn trở vô Saigon. Chuyện hoán chuyển các chức sắc của Giáo Hội ở trong nước thì tự nó chẳng có gì phải thắc mắc, miễn là việc Chúa được tốt đẹp. Nhưng trong trường hợp đất nước VN, tình trạng giáo hội công giáo VN, nhất là hoàn cảnh của giáo phận Hanội hiện giờ bắt buộc người ta phải đặt nghi vấn. Tin đồn rằng Gm Nhơn vì bị giáo dân Hanoi tẩy chay nên khó làm việc, thành thử phải vô Saigon, đưa Gm Khảm ra Hanoi vì ông là người Hà Đông, gốc Hanội sẽ dễ làm việc hơn. Nghe vậy mà không phải vậy đâu. Có người nói rằng giáo hội miền Nam tương đối đã được chính quyền cs kiểm soát chặt chẽ vì có Huỳnh công Minh sát bên cạnh, nay có thêm Gm Nhơn nữa thì lại càng an toàn hơn. Đưa Gm Khảm ra Hanội để người địa phương dễ nói chuyện với dân địa phương hơn. Gm Khảm dễ chinh phục hay đúng hơn dễ chèn ép ngăn cản sức chống đối cs của giáo sĩ và giáo dân miền Bắc hơn. Chính sách của cs là cào bằng Nam Bắc. Một khi giáo hội cả Nam lẫn Bắc cùng một lòng cung phụng tuân theo cs thì mối lo của đảng cs VN được nhẹ hẳn đi nhiều. Nếu Gm Khảm ra Hanội thì chinh sách dùng kẻ nội thù giết kẻ thù, dùng giáo sĩ, giáo dân giệt công giáo quả là hữu hiệu. Bây giờ người ta mới hiểu rõ hơn là tại sao bài giảng ca tụng Marx của linh mục Nguyễn văn Khảm năm 1999 lại được tung lên mạng của tổng giáo phận Saigòn vào cuối năm 2011 dưới tên tác giả là giám mục phụ tá Nguyễn văn Khảm. Sau bài giảng của năm 1999 linh mục Khảm được lên làm giám mục. Sau cũng bài giảng ấy được tung lên công chúng thì giám mục Khảm được nâng lên làm Tổng Giám mục thì chuyện quả là dễ hiểu. Có ra Hanoi thì phải nhớ thi đua hăng hái hơn, làm sao biến cái Thái Hà cho thuần, thành con chiên ngoan ngoãn “tốt đời”không cần đẹp đạo, cào bằng giáo hội miền Bắc giống như giáo hội miền Nam.

HĐGM-VN / Vatican làm theo cách sắp đặt đó thì không biết vô tình hay hữu ý đã thi hành đúng sách lược của csVN. Người ta sẽ nói Giáo Hội làm chinh trị, đi theo chính quyền cs, chiều theo ý của kẻ có quyền, không màng đến công ích, ý nguyện của giáo dân. Người ta nói rằng vào trung tuần tháng 3/4 này thì phái đoàn toà thánh sẽ qua Việt Nam, bề ngoài là để lo chuyện phong thánh cho HY Nguyễn văn Thuận, nhưng bên trong là để dàn xếp việc hoán chuyển TGM Nhơn và Gm Khảm. Tại sao lại phải dấu diếm, pha trộn việc phong thánh với việc hoán chuyển vị trí của 2 giám mục? Nếu 2 việc đó là tốt cho giáo hội công giáo thì đâu cần phải úp mở như vậy. Hay là sợ giáo dân lại phản đối như đã phản đối Gm Nhơn khi ông ra Hanội thay thế Tgm Kiệt. HY Thuận, nếu xứng đáng và có phép lạ thì cứ phong thánh tự nhiên. Nhưng ngại một nỗi là thiếu gì giáo si, tu sĩ, giáo dân đã trung thành với giáo hôi, đã chịu biết bao đau khổ, gian nan cùng cực, chết tử vì đạo trong chế độ cs ở miền Bắc, trong các trại tù cộng sản VN, điển hình là cha chính Nguyễn văn Vinh của Hanội, người luôn luôn kiên cường trước mọi bạo lực bất chính, dù là quốc gia hay cộng sản, ngài đã chết tại trại Cổng Trời đã để lại nhiều gương hy sinh phi thường, hài cốt ngài đã được cung nghinh về quê ngài để cho giáo dân tôn kính, đã được Hội Thừa Sai Paris (MEP) đề nghị phong thánh, nhưng rồi chỉ vì 2 chữ “tế nhị” mà bỏ qua, cho đi vào quên lãng. Té ra là việc đạo, việc thánh cũng bị thế quyền ảnh hưởng bóp méo? Giáo Hội Việt Nam, giáo dân Việt Nam, cũng chỉ vì 2 chữ “tế nhị” mà phải chịu biết bao tang thương khốn khổ.

ĐÔI LỜI KẾT:

Chính trị là luồn lách, đôi khi đã làm cho Chúa, Đức Mẹ và các thánh Tử Đạo Việt Nam phải rơi lệ. Phải chăng lương tri con người cho phép HĐGM-VN được làm như vậy sao?

Ngày đầu năm NHÂM THÌN 2012
January 23, 2012
TC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét