Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Quảng Ngãi: Sợ lây “bệnh lạ”, người dân hoang mang, học sinh nghỉ học

Những ngày đầu năm 2012, trái với không khí xuân tưng bừng, người dân ở xã Ba Điền, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) lại hoang mang đóng chặt cửa, không dám ra đồng sản xuất và không cho con em đến lớp vì… sợ lây “bệnh lạ”.

Rất nhiều gia đình đã đóng cửa, chỉ sinh hoạt nội bộ gia đình, tránh tiếp xúc với những người đã từng nhiễm bệnh, hoặc những người có người thân nhiễm bệnh vì sợ bị lây bệnh. Có những gia đình đóng cửa cả tháng nay vì mọi người đều mắc bệnh.
Bàn tay của người bị bệnh (Ảnh: TTXVN)
Ông Phạm Văn Hiền, ở làng Rêu, xã Ba Điền chỉ tay vào nhà cho biết: Đây là nhà của con gái tôi, nhưng ngôi nhà đóng cửa cả tháng nay rồi vì hai vợ chồng nó đều đi chữa bệnh ở Bệnh viện da liễu Quy Nhơn (Bình Định). Đứa con trai duy nhất của hai vợ chồng nó là Phạm Văn Sâm vừa tròn 9 chín tuổi, học lớp 3 bỗng dưng mắc bệnh, rồi đột ngột qua đời từ tháng 11/2011. Không biết Tết này, vợ chồng nó có về quê ăn Tết được không.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, từ khi căn bệnh dày sừng lòng bàn tay, bàn chân xuất hiện, đến nay đã có 12 trẻ ở em ở xã Ba Điền tử vong, tất cả đều dưới 15 tuổi. Người dân địa phương nghi ngờ các trường hợp tử vong nói trên đều do “bệnh lạ”. Ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch xã xác nhận: Từ ngày phát hiện căn bệnh đến nay, toàn xã đã ghi nhận 99 người mắc bệnh, trong đó có 12 trẻ dưới 15 tuổi đã tử vong. Các cháu đều có chung các triệu chứng dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, phù mặt, nôn…
Trước diễn biến phức tạp của căn bệnh này, hàng loạt học sinh ở xã Ba Điền đã nghỉ học, không dám đến trường vì phụ huynh sợ con mình nhiễm bệnh. Số học nghỉ học nhiều nhất là ở bậc mầm non và tiểu học, t ỷ lệ nghỉ học chiếm 60% sĩ số học sinh toàn trường; trong đó, chỉ có một số em vì mắc bệnh phải điều trị, còn lại là là do phụ huynh lo lắng nên không cho con đến trường. Không chỉ học sinh, khi nhiều người dân bỗng dưng mắc bệnh, nhiều trẻ em tử vong và khi có thông tin bệnh này là do tiếp xúc với các hóa chất trong nông, lâm nghiệp thì họ không dám ra đồng, lên rẫy sản xuất vì sợ… tiếp xúc với hóa chất sẽ bị nhiễm bệnh.
Đó là những gia đình không có người mắc bệnh, còn những gia đình có người mắc bệnh, phải đến viện điều trị, họ vẫn chưa dám đi làm. Đặc biệt, những gia đình có bố mẹ bị bệnh thì con cái ở nhà không biết làm gì để có cái ăn, cái mặc. Cuộc sống của bà con nơi đây rồi sẽ ra sao nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.
Trong khi người dân thì trông chờ sự hỗ trợ từ chính quyền, ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch xã Ba Điền lại cho biết, hiện tại chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp gì để hỗ trợ các gia đình bị bệnh và cũng chưa nhận được sự hỗ trợ nào của cấp trên. Điều khẩn thiết hiện nay là chính quyền các cấp cần có biện pháp trấn an tinh thần cho người dân, khắc phục nhanh chóng tình trạng học sinh nghỉ học, có biện pháp giúp đỡ bà con sớm ổn định cuộc sống, trước mắt là có thể vui xuân đón Tết như bao người dân các vùng khác.
Quảng Ngãi: Bệnh "lạ" tiếp tục bùng phát trở lại
Tính đến ngày 9/12, Quảng Ngãi đã có 79 người bị tổn thương da không rõ nguyên nhân. Vết loét không chỉ ở tay, chân mà lan cả lên miệng.
Sau gần 1 tháng kể từ khi có kết quả khảo sát của Đoàn công tác Bộ Y tế về “bệnh lạ” tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, đến ngày 9/12, bệnh này tiếp tục bùng phát trở lại.

Hiện có 18 bệnh nhân đã nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi để điều trị. Theo các bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, bệnh không chỉ tái phát tại huyện Ba Tơ mà đã lan sang huyện Minh Long. Đặc biệt, bệnh không chỉ xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân mà đã lây lan sang miệng, lưng, bụng với nhiều vết loét, lở.
Bàn tay của người bị bệnh

Bệnh xảy ra ở một số xã của huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) bắt đầu từ ngày 17/4 đến ngày 6/10/2011, có 61 trường hợp mắc bệnh, chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 16-49, có 1 trường hợp tử vong.

Như vậy, tính đến ngày 9/12, đã có tới 79 người mắc căn bệnh này.

Qua xét nghiệm ở một số bệnh nhân cho thấy đường máu, canxi máu và albumin máu thấp, riêng đường men gan lại tăng cao gấp 5-10 lần bình thường.

Qua điều trị tại các bệnh viên chuyên khoa da liễu của tỉnh và Trung ương thì hầu hết các trường hợp bệnh nhân được điều trị khỏi bằng chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, dinh dưỡng, một số trượng hợp được truyền huyết thanh ngọt, truyền đạm kết hợp với các vitamin nhóm B.

Với hội chẩn và nhận định kết quả bước đầu của bệnh là viêm da bàn tay bàn bàn chân do tiếp xúc, nhưng theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện da liễu Trung ương, Trưởng đoàn khảo sát của Bộ y tế trong đợt khảo sát thực địa vào đầu tháng 10 vừa qua tại huyện Ba Tơ thì nguyên nhân rõ ràng chưa được xác định chính xác.

Hiện ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực điều trị, không để bệnh lây lan ra diện rộng.


www.dantri4.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét