Lê Minh Thịnh
Ngày 16 tháng 12 năm 2011 vừa qua, Cộng đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montréal, Canada đã tổ chức buổi Thảo luận về bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Thắp Nến Hiệp thông với giáo xứ Thái Hà.
Sự đồng ý hỗ trợ Cộng đồng cử hành buổi thắp nến hiệp thông với giáo xứ Thái Hà của Linh mục Phêrô Lê An Khang đã làm chúng tôi thật ngạc nhiên và vô cùng cảm kích. Cho đến khi hình ảnh và tin tức Hòa thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý bị tù đày, được truyền bá khắp nơi vào những năm cuối thiên niên kỷ trước và đến chừng 5 năm trở lại đây, bức màn “tôn giáo không làm chính trị” vẫn còn bao phủ cộng đồng người Việt tại hải ngoại.
* * *
Buổi tối Thảo luận và Thắp Nến Hiệp thông với giáo xứ Thái Hà có hơn 100 người tham dự. Trong số đó, có khoảng hơn 20 người Quebeçois thuộc Ủy ban Yểm trợ Dân chủ và Tự do Tôn giáo cho Việt Nam (Comité de Support à la Democratie et la Liberté Religieuse au Vietnam) do Luật sư Alain Ouellet lãnh đạo.
Về phía cộng đồng Việt Nam, chúng tôi thấy có các thành viên Ban Giám Sát và Bs. Đào Bá Ngọc Chủ tịch Ban Chấp Hành CĐNVQG vùng Montréal, đại diện các hội đoàn, và các nhân sĩ Cộng đồng. Về phía các cơ quan truyền thông có sự hiện diện của phóng viên Thời Báo và phái viên mạng Đàn Chim Việt online Lã Mạnh Hùng.
Về phía cộng đồng Việt Nam, chúng tôi thấy có các thành viên Ban Giám Sát và Bs. Đào Bá Ngọc Chủ tịch Ban Chấp Hành CĐNVQG vùng Montréal, đại diện các hội đoàn, và các nhân sĩ Cộng đồng. Về phía các cơ quan truyền thông có sự hiện diện của phóng viên Thời Báo và phái viên mạng Đàn Chim Việt online Lã Mạnh Hùng.
Mở đầu phần Thảo luận là phần thuyết trình của Bs. Phạm Hữu Trác - Chủ nhiệm Cơ sở Truyền thông - Communications - với đề tài, Lịch sử Nhân quyền và Tình hình Quốc nội. Bs. Trác đã hướng dẫn cử tọa quá trình hình thành bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948. Theo Bs. Trác [1], (trích) “Nội dung bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền có 30 điều, bao gồm:
· Những nguyên tắc căn bản về nhân phẩm,
· Tự do, bình đẳng là hai điều đầu tiên,
· Quyền căn bản của cá nhân,
· Quyền của mỗi người tương quan với người khác, với nhóm khác hay tổ chức khác,
· Quyền tín ngưỡng, tôn giáo, quyền công dân, quyền chính trị,
· Quyền kinh tế, xã hội, văn hóa,
· Ba điều cuối cùng nói đến giới hạn, bổn phận và trật tự xã hội và chính trị.
Năm 1966, LHQ còn chấp thuận hai công ước quốc tế nữa, đó là Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị [2], và Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội, và Văn hóa [3].
Tại Canada bản Canadian Charter of Rights and Freedoms [4] năm 1982 có 34 điều. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền đã thành luật Hiến pháp, do đó việc bảo vệ nhân quyền mang hiến tính. Tại Québec, Charte québécoise des droits et libertés de la personne [5] năm 1975 có 56 điều. Đặc biệt có thành lập 2 cơ chế: Commission des droits de la personne et des droits de la jeunesse và Tribunal des Droits de la Personne. (hết trích)
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng chính quyền CSVN luôn dựng bình phong nhân quyền giả tạo trong chính Hiến pháp của họ. Cụ thể, theo Bs. Trác, “Chương V của Hiến pháp Việt Nam quy định QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN có 34 điều, từ điều 49 đến điều 83, có 6 điều nói về nhân quyền (điều 68 về đi lại, di trú, 69 về ngôn luận, 70 về tín ngưỡng, 71 về xâm phạm thân thể, 73 về chỗ ở, 74 về khiếu nại), phần còn lại là nguyên tắc tổng quát (5), dân quyền (13) chính trị (1) và nghĩa vụ (9).” Tuy nhiên, việc thực hiện những điều khoản này còn tùy tiện và rất nhiều trường hợp vi hiến.
Bs. Cấn Thị Bích Ngọc – Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Quốc tế Y sĩ Việt Nam Tự do và cũng là Đại diện của Ủy ban Bảo vệ Nhân phẩm Phụ nữ và Trẻ em Việt Nam do Linh mục Nguyễn Văn Hùng khởi xướng năm – qua phần thuyết trình Nhân phẩm Phụ nữ Việt Nam truyền cảm và nhiều thống kê xác đáng đã đưa cử tọa từ ngạc nhiên đến thương cảm cho phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Theo Bs. Bích Ngọc, “Theo ước tính của Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội, trong khoảng thời gian 2006-2010, có khoảng 31 ngàn người bán dâm và các lứa tuổi càng ngày càng trẻ”. Hơn nữa, “Ở Cam-bốt, trong các động ấu dâm, trẻ em VN chiếm 2/3 nạn nhân”. Thực trạng đau lòng này đòi hỏi Cộng đồng người Việt ở hải ngoại phải đoàn kết hơn để chung tay cứu giúp đồng bào bị nạn. Nhưng theo Bs. Bích Ngọc, chỉ có việc giải thể chính quyền CSVN trên quê hương mới là giải pháp tận gốc rễ của tệ nạn buôn người.
Linh mục Phêro Lê An Khang – thuộc Giáo-Hội Québec và Canada - qua phần thuyết trình “Tôn giáo và Nhân quyền” thật lôi cuốn và hùng hồn, và những kinh nghiệm trở lại Việt Nam hành đạo của ông, đã nhấn mạnh, “Không phải không được làm chính trị là chúng tôi không được nói lên tiếng nói tự do, công lý, và hòa bình.” Thật vậy, Linh mục Nguyễn Văn Lý – có thể nói là người tiên phong, đức cựu Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, những linh mục giáo xứ Thái Hà là những người đã không cần làm chính trị nhưng vẫn phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo, quyền phản ảnh những thực trạng tài sản của giáo hội bị chính quyền CSVN tịch thu, giáo dân bị đàn áp và bắt bớ.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, cuối tháng 9 năm 2011 tại Sài Gòn trong một buổi thánh lễ, trong bài giảng, cha Yuse Nguyễn Thể Hiện đã dùng Tông huấn Tông đồ giáo dân của chân phước Yoan Phaolô II, ấn hành năm 1988 và số 75 của Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, Cộng đồng Vatican II để khẳng định việc tham gia chính trị là một trách nhiệm và cũng là một đòi buộc của giáo dân [6].
Khi nhân phẩm con người bị chà đạp, đạo đức xã hội bị băng hoại, không còn quyền căn bản của con người để cử hành nghi lễ, không còn chỗ để hành đạo, và ngay cả khi quê hương mình rơi vào tay giặc ngoại xâm, liệu quan niệm “tôn giáo không làm chính trị” còn đứng vững?
Buổi thảo luận sôi nổi đã được hưởng ứng mạnh mẽ qua những đoạn âm thanh ủng hộ chân tình nhưng rất cương quyết của Luật sư Nguyễn Văn Đài, Hòa thượng Thích Không Tánh, và Linh mục Phan Văn Lợi gửi từ trong nước. Chúng tôi cũng nhận được thông điệp ủng hộ tinh thần từ cựu Giám mục giáo phận Melbourne Nguyễn Văn Long. Ngoài ra, cử tọa cũng được hướng dẫn cùng hát hòa nhịp Hùng Ca Sử Việt với các nghệ sĩ của Trung tâm Asia trên màn hình với những bài hát Đừng im tiếng, mà phải lên tiếng - Ns. Anh Bằng, và Đáp lời sông núi - Ns. Trúc Hồ.
Sau phần thảo luận, Ban tổ chức đã đúc kết những vi phạm nhân quyền tại VN thành một bản Thỉnh nguyện thư [7-8] để gửi đến chính phủ Canada và chính phủ Tỉnh bang Québec. Cụ thể là “Các quyền và tự do căn bản ghi trong các Điều 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 17, 18, 19, 20, 21, 25, 26, và 30, đều luôn luôn bị vi phạm nghiêm trọng”. Bs. Đào Bá Ngọc đã long trọng đọc bản Thỉnh nguyện thư bằng Pháp ngữ và Ts. Lê Minh Thịnh đã đọc lại bằng Việt ngữ. Chúng tôi xin được trích lại nguyên văn phần Tuyên cáo như sau:
(Trích) Chúng tôi: Cộng đồng Người Việt Quốc gia vùng Montréal, Cộng đồng Công giáo Montréal, Ủy ban Yểm trợ Dân chủ và Tự do Tôn giáo cho Việt Nam, và các hội đoàn tại Montréal, đồng thanh:
1. Bày tỏ tình đoàn kết liên đới mạnh mẽ với các linh mục và giáo dân Thái Hà, nói riêng và các tôn giáo bị đàn áp khác nói chung. Chúng tôi chia sẻ những đau thương với họ cũng như với các tín đồ thuộc các tôn giáo khác;
2. Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng quyền tư hữu và tài sản của mọi công dân và các cộng đoàn, trả lại các bất động sản bị tịch thu bất hợp pháp cho các tôn giáo;
3. Yêu cầu chính quyền CSVN phải tôn trọng các quyền làm người và tự do căn bản ấn định trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Phải thả tự do ngay và vô điều kiện, các nhân vật cổ võ cho tự do ngôn luận, tranh đấu cho tự do, cho sự toàn vẹn lãnh thổ, và cho tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo;
4. Kết án nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại: Không xứng đáng nắm giữ địa vị lãnh đạo và cần hủy ngay bản Hiến pháp lỗi thời năm 1992, phải trả lại quyền lập hiến cho nhân dân để thành lập một chính thể do dân bầu và thực sự do dân và vì dân;
5. Thỉnh cầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc can thiệp để các điều khoản ấn định trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ban bố ngày 10-12-1948 phải được chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nghiêm chỉnh thi hành;
6. Thỉnh cầu chính phủ Canada làm bất cứ điều gì có thể để tăng cường thêm việc đòi hỏi tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam. Mặc dù Canada luôn luôn qua các lời tuyên bố và hành động đã đòi hỏi nhiều lần nhưng kết quả chưa được ghi nhận. Những viện trợ của cơ quan CIDA (ACDI) cho Việt Nam phải được giám sát thường xuyên, và tài trợ không những chuyển cho chính quyền CSVN (nếu có) mà còn phải được giao cho những NGO có mặt tại Việt Nam. Nếu cần thiết, chấm dứt ngay viện trợ cho chính quyền CSVN nếu chính họ tiếp tục vi phạm nhân quyền. (hết trích)
Cho đến nay, chúng tôi đã nhận được trên 100 người ghi tên ủng hộ, trong đó có trên 20 người ngoại quốc. Ngoài quý đồng hương ghi tên vào thỉnh nguyện thư từ Montréal, chúng tôi nhận thấy có cả quý đồng hương, Luật sư, Bác sĩ, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư từ Ottawa và Toronto - Canada, Houston và California - Hoa Kỳ, Đức quốc, và Bỉ quốc.
Trong thời gian chờ đợi buổi tiếp kiến với Bộ trưởng Ngoại giao Canada ông John Baird, quý vị có thể ghi danh ủng hộ bằng cách gửi điện thư theo địa chỉ communaute.viet.montreal@ gmail.com đến chúng tôi:
1. Họ và tên;
2. Địa chỉ;
3. Số điện thoại; và
4. Địa chỉ điện thư (nếu có)
Hoặc viếng thăm trang mạng dưới đây:
Mỗi chữ ký của quý vị sẽ là một tiếng nói hộ cho đồng bào trong nước, đòi hỏi quyền làm người và tự do mà mỗi một con người trên thế giới này phải được hưởng.
* * *
Khi nhân quyền và nhân phẩm con người bị chà đạp đến tận cùng thì tất cả mọi người phải cùng nhau cầu nguyện và quyết tâm giải trừ quốc nạn. Buổi thảo luận được kết thúc bằng sự thắp nến hiệp thông với giáo xứ Thái Hà do Linh mục Phêrô Lê An Khang hướng dẫn. Những ngọn nến lung linh hòa theo dòng nhạc Kinh Hòa Bình đã đưa người tham dự vào không khí trang nghiêm của sự cảm thông, chia xẻ nỗi mất mát, đau xót với đồng bào quốc nội, và đồng tâm làm những điều gì có thể trong khả năng hạn hẹp của cuộc sống bận rộn tại hải ngoại nhằm mang lại quyền làm người và tự do căn bản đến với đồng bào quốc nội.
Lê Minh Thịnh tường trình từ Montréal
Ngày 6/1/2012
Tài liệu tham khảo:
[1] Nhân Quyền, thực tế Việt Nam
[2] International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR)
[3] International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights (ICESCR)
[4] Canadian Charter of Rights and Freedoms
[5] Charte québécoise des droits et libertés de la personne
[6] Dấn thân vào chính trị là một đòi buộc của giáo dân
http://vietnam.ca/vi/tai-lieu/ thong-cao/118-thinh-nguyen- thu-gui-toi-chinh-phu-lien- bang-canada.html
[8] Pétition
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét