Công an CSVN đạp mặt người biểu tình.
Trong Thế Chiến Thứ Hai, Phát-xít Đức xâm chiếm các quốc gia Âu châu như Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Đan Mạch, Tiệp Khắc, Ba Lan, Na-Uy, v.v.... Tại các quốc gia bị chiếm đóng, các chính phủ bù nhìn hợp tác với quân đội Phát-xít Đức ở nhiều mức độ khác nhau. Sử sách gọi chung các thành phần hợp tác này là Nazi collaborators.
Để thi hành những chính sách, luật lệ do quân xâm lược Phát-xít Đức đề ra, các chính phủ bù nhìn phải nhờ đến lực lượng cảnh sát, mật vụ bản xứ. Mức độ tuân hành của các lực lượng này có khác biệt nhau tùy theo quốc gia. Ở Na-Uy, lực lượng cảnh sát chọn thái độ thụ động, hững hờ, làm chiếu lệ. Nếu có lệnh của Phát-xít Đức bắt giữ những người tình nghi có liên hệ đến lực lượng kháng cự thì cảnh sát Na-Uy sẽ gọi điện thoại trước đến nhà những người này và thông báo là có lệnh bắt họ và yêu cầu họ có mặt ở nhà ngày mai để cảnh sát đến bắt. Dĩ nhiên là khi cảnh sát đến nhà họ thì các nhân sự liên hệ đã trốn vào rừng hay đã đi biệt tích!
Ở một thái cực hoàn toàn khác với cảnh sát Na-Uy là lực lượng cảnh sát (gendarme) và mật vụ Pháp của chính phủ bù nhìn Vichy dưới thời chiếm đóng của Phát-xít Đức từ 1940-1945. Sự tuân lệnh, tận tụy, cần mẫn của lực lượng cảnh sát và mật vụ Pháp vượt quá sự mong đợi của chính các viên chức Phát-xít Đức. Cảnh sát Pháp rất sốt sắng để lùng sục, lùa bắt dân Pháp gốc Do Thái và những người dân Âu châu gốc Do Thái đang tỵ nạn tại Pháp để đưa vào các trại tập trung trước khi chuyển giao cho Phát-xít Đức. Sau đó, số mệnh những người gốc Do Thái đáng thương này ra sao thì cả thế giới đã biết. Trong thời gian chiếm đóng nước Pháp của Phát-xít Đức, có gần 100 ngàn người gốc Do Thái bị lùa vào các trại diệt chủng. Cảnh sát Pháp hưởng hoàn toàn “công trạng” này.
Tệ hơn nữa, mật vụ Pháp cũng cần mẫn không kém trong việc lùng bắt quân kháng chiến Pháp. Họ ra tay tra tấn, khảo hạch các partisan (tên gọi các thành viên lực lượng kháng chiến Pháp chống xâm lược Đức) để tìm ra manh mối các ổ kháng cự để lập công với Phát-xít Đức. Có thể nói không ngoa là tại Pháp, lực lượng cảnh sát và mật vụ Pháp đã thay mặt Phát-xít Đức để làm công việc bình định và duy trì sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã trên đất Pháp.
Cũng vì thế mà sau ngày giải phóng nước Pháp, chính người dân Pháp vì quá phẫn nộ đã ra tay trả thù thành phần collaborators này. Có gần 10 ngàn collaborators bị thủ tiêu trước khi chính phủ lâm thời của tướng De Gaulle ra lệnh chấm dứt tình trạng trả thù ngoài vòng pháp luật này.
Cho đến nay, đối với người Pháp nhắc đến chữ "collaborator" vẫn đánh thức một mối nhức nhối ở cấp quốc gia. Với truyền thống cách mạng và nền văn minh mà người Pháp luôn tự hào, lại sản sinh một thành phần "collaborator" với giặc như thế là một điều vô cùng nhục nhã.
Nhiều sử gia đánh giá rằng sự hợp tác thành khẩn của thành phần collaborators tại Pháp là một sự việc chưa từng thấy trong lịch sử....
... cho đến 70 năm sau có lẽ người ta mới thấy lại một tình trạng collaboration như thế tại Á châu.
Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc với tham vọng bành trướng tại Á châu, các quốc gia lân cận từ Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan xuống đến Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Singapore, Mã Lai, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam đều phải e dè.
Chính sách, thái độ, và phản ứng của mỗi quốc gia cũng có khác biệt nhau về mức độ. Nhưng không đâu bằng phản ứng của nhà nước Việt Nam. Đối với sự xâm lấn biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, đối với sự hiếp đáp ngư dân Việt Nam của hải quân Trung Quốc, nhà nước Việt Nam không có phản ứng cứng cỏi của một chính quyền độc lập như các quốc gia lân cận, mà ngược lại có thái độ nhu nhược và phản bội dân tộc của một chính phủ bù nhìn như chính phủ Vichy dưới thời chiếm đóng của Phát-xít Đức.
Tại Hồng Kông, nay đã thuộc chủ quyền của Trung Quốc, nhưng mỗi năm đến ngày kỷ niệm vụ thảm sát Thiên-An-Môn, dân chúng lại kéo xuống đường rất đông. Giới cầm quyền và cảnh sát Hồng Kông vẫn để yên cho dân biểu tình và chỉ đóng vai giữ trật tự. Trong khi đó tại Việt Nam, một quốc gia độc lập, những người biểu tình yêu nước chỉ muốn tuyên xưng chủ quyền đất nước cho Hoàng Sa, Trường Sa lại bị chính công an Việt Nam đàn áp thẳng tay ngay trên đường phố.
Sự tận tụy, cần mẫn của lực lượng công an, mật vụ Việt Nam ngày nay trong việc đàn áp những người yêu nước chống bá quyền Trung Quốc chắc hẳn vượt quá sự mong đợi của chính các lãnh đạo Bắc Kinh. Với đà nhu nhược và phản bội này của nhà cầm quyền Việt Nam — mà nhiều người gói gọn trong 6 chữ Hèn với giặc Ác với dân — để bóp nghẹt lòng yêu nước của dân tộc, thì khi đất nước rơi hoàn toàn vào tay bá quyền Trung Quốc, quân xâm lược Bắc Kinh đã có sẵn một thành phần cung cúc, tận tụy với chủ mới; đó chính là lực lượng công an, mật vụ Duỵn-Nàn (Việt Nam), hãnh diện đóng vai ngôi sao thứ sáu trên màu cờ đỏ rực của đế chế Trung Quốc.
Sử gia gọi thành phần hợp tác với Phát-xít Đức 70 năm về trước là Nazi collaborators. Ngày nay tên gọi thành phần collaborators với Trung Quốc ngay trên đất Việt là gì? Kính nhờ bạn đọc đặt tên tiếng Việt dùm thay cho tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét