Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Từ Paris thương về Hoàng Sa

Trong chuyến ghé tới Paris mới đây, tôi đã biết thêm một số thông tin về Hoàng Sa qua trò chuyện với người đã từng quản lý trực tiếp Trạm khí tượng Hoàng Sa từ năm 1963 tới ngày Hoàng Sa của Việt Nam bị quân Trung Quốc cưỡng chiếm vào ngày 19/1/1974. Người đó là kỹ sư Đinh Trọng Châu, giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến cuối tháng 3/1975.
Kỹ sư Đinh Trọng Châu sinh năm 1933 tại Huế, trong một gia tộc có truyền thống hiếu học và thành tích khoa bảng từ nhiều thế hệ. Chàng thanh niên Đinh Trọng Châu, sau khi tốt nghiệp Kỹ sư Khí tượng (Ingénieur de la Météorologie) trường École Nationale De La Météorologie thì về Việt Nam làm việc tại Nha Khí tượng (số 8 đường Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn) vào năm 1956. Kỹ sư Châu cho biết năm 1956 người Pháp bàn giao toàn bộ việc quản lý khí tượng miền Nam Việt Nam cho Việt Nam Cộng hòa, trong đó có trạm khí tượng của Hoàng Sa. Giám đốc Nha Khí tượng VNCH lúc bấy giờ là ông Đỗ Đình Cường và về sau là ông Đặng Phúc Đỉnh.

Với khả năng chuyên môn được đào tạo chính quy tại Pháp và tại Mỹ, năm 1963, kỹ sư Đinh Trọng Châu nhậm nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng, chịu trách nhiệm từ Quảng Trị tới Quy Nhơn.

Như vậy Trạm khí tượng đảo Hoàng Sa thuộc quyền quản lý trực tiếp của ông từ năm 1963 cho đến giờ phút cuối cùng Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm vào ngày 19/1/1974. Kỹ sư Châu vẫn luôn nhớ Trạm khí tượng Hoàng Sa có mã số (Index) trong mạng khí tượng thế giới (Réseau Mondial) do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO = World Meteorological Organization, hay OMM = Organisation Mondiale de la Météorologie) quy định là 48860, trong đó hai số đầu 48 là mã số chỉ quốc gia Việt Nam; 3 số sau 860 là mã số chỉ Trạm khí tượng.

Kỹ sư Đinh Trọng Châu và phu nhân hiện nay (Ảnh do người viết chụp ngày 26/9/2011 tại nhà riêng của kỹ sư Châu ở Paris, Pháp)
Ông cho biết lúc bấy giờ cả Nha Khí tượng Sài Gòn và các Trung tâm Khí tượng khác ở miền Nam Việt Nam có khoảng 50 nhân viên sẽ lần lượt thay phiên nhau ra Trạm khí tượng Hoàng Sa làm nhiệm vụ 3 tháng một phiên, mỗi phiên có 7 người: 4 quan trắc viên khí tượng, 2 truyền tin và 1 người làm công tác tạp vụ. Trên nguyên tắc vẫn cần một kỹ sư khí tượng ra Hoàng Sa, nhưng lúc bấy giờ một phần do ít kỹ sư, một phần các kỹ sư đều sợ ra Hoàng Sa vì ngoài việc say sóng trên đường đi bằng tàu Hải quân, một phần đời sống trên đảo không dễ dàng như trên đất liền nên không mấy kỹ sư dám đi! Kỹ sư Châu là người kỹ sư duy nhất “chịu chơi” là đi Hoàng Sa 3 tháng với nhân viên thuộc cấp. Cho nên ông vẫn nhớ và thương mến những nhân viên của ông đã ra Hoàng Sa nhiều phiên như các bác Ngô Tấn Phát, Võ Như Dân, Phạm Văn Miễn…
Ông nhớ là ở Hoàng Sa, lương thực, thực phẩm chỉ được tiếp tế 3 tháng một lần nhờ tàu của Hải quân. Do đó, không thể tiếp tế được gà vì gà sẽ chết hết trước khi đến Hoàng Sa do say sóng, chỉ có thể tiếp tế được vịt. Về nước uống thì ông và các nhân viên khí tượng dùng nước mưa hứng được từ mái nhà và tích trữ trong một cái hồ. Những khi thiếu nước mà phải đào giếng thì chỉ đào khoảng một mét là có nước, nhưng là nước mặn! Theo ông, trước thì trên đảo Hoàng Sa không có chuột, nhưng sau có lẽ chuột theo tàu Hải quân lên đảo, và sinh sôi nảy nở quá nhiều! Có nhiều khi ban đêm ông và các nhân viên đi dạo trên đảo thì hàng đàn chuột chạy ngờ ngờ trước mặt.
Ông Phạm Văn Miễn (trái) và ông Võ Như Dân
Kỹ sư Châu cũng cho biết, do thiếu các điều kiện sinh hoạt cho nên trên đảo Hoàng Sa ngoài 7 nhân viên dân sự của Trạm khí tượng, chỉ có một trung đội, có khi chỉ có một tiểu đội địa phương quân với vũ khí cá nhân, không có công sự vững chắc canh giữ đảo. Đó là một trong những lý do khiến Trung Quốc dễ dàng cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974.
Trong khi Hoàng Sa do VNCH làm chủ thì Trung Quốc đã chiếm đảo Boisée với mã số của Trạm khí tượng là 59981. Đảo Boisée có tên Việt là Phú Lâm, tên này có nghĩa là “Rừng có nhiều cây”, phù hợp với cây cối rậm rạp trên đảo. Chữ Boisée của Pháp cũng cùng nghĩa này, và tên tiếng Anh là Woody Island cũng cùng nghĩa. Trung Quốc chiếm đảo và gọi tên là Vĩnh Hưng.
Ông giới thiệu cho tôi một số tài liệu viết về chủ quyền không thể phủ nhận được của Việt Nam ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa(1,2,3,4,5,6). Những tài liệu này cho biết đảo Boisée (Phú Lâm) là một trong hai đảo lớn của Hoàng Sa, còn Ba Bình (Itu Aba, mà Trung Quốc chiếm và gọi là Thái Bình) là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa mà từ năm 1932 người Pháp đã quản lý các đảo này như là những phần của lãnh thổ Việt Nam. Nhưng trong thế chiến thứ hai, Nhật chiếm các đảo này. Đến khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, thì theo hội nghị Potsdam, Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch được phân công tước khí giới Nhật tại Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra. Họ đã tới tước vũ khí của Nhật tại các đảo Boisée, Ba Bình và Hoàng Sa, rồi nhân đó họ chiếm luôn các đảo này.
Nhưng năm 1947, sau khi Pháp trở lại Đông Dương, Pháp chiếm lại Hoàng Sa từ Trung Hoa Dân Quốc, còn hai đảo Boisée và Ba Bình thì Pháp không đủ lực lượng để lấy lại vì lúc bấy giờ Pháp phải lo chiến tranh ở Đông Dương nhất là ở Việt Nam. Đến khoảng năm 1949, Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch bị quân của Mao Trạch Đông đánh bại, phải bỏ Hoa lục chạy ra Đài Loan, thì quân của Tưởng rút khỏi đảo Boisée, nhưng vẫn còn giữ Ba Bình cho tới ngày nay. Rồi khoảng năm 1956, quân của Trung Quốc tới chiếm đảo Boisée. Từ đó họ thiết lập Trạm khí tượng và có mã số 59981 cho tới nay.
Vì thế nên vào năm 1956, khi người Pháp trao quyền quản lý khí tượng lại cho VNCH thì chỉ trao lại đảo Hoàng Sa với Trạm khí tượng có mã số 48860 như ta biết hiện nay và một số đảo của quần đảo Trường Sa.
Kỹ sư Châu cũng nói rằng trong thời gian ông trực tiếp quản lý Trạm khí tượng Hoàng Sa từ 1963 tới 19/1/1974 (Trung Quốc chiếm Hoàng Sa ngày 19/1/1974) với tư cách là Giám đốc Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng (chịu trách nhiệm từ Quảng Trị tới Quy Nhơn) từ năm 1963 tới cuối tháng 3/1975, thì các nhân viên khí tượng ở Hoàng Sa cho ông biết thỉnh thoảng tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn ghé Hoàng Sa xin nước ngọt, và vào ngày Quốc khánh của Trung Quốc thì họ ăn mừng, bắn pháo bông trên đảo Boisée, và đã từng gởi lời mời hữu hảo đến anh em khí tượng Việt Nam ở Hoàng Sa qua tham dự lễ và tiệc Quốc khánh của họ trên đảo Boisée. Tất nhiên anh em khí tượng Việt Nam ở Hoàng Sa không hề qua đảo Boisée để tham dự theo lời mời của họ. Như thế anh em khí tượng Việt Nam ở Hoàng Sa, cũng như các anh em địa phương quân Việt Nam canh giữ Hoàng Sa cũng tưởng “người ta” hữu hảo, tử tế.

Trạm khí tượng Hoàng Sa ngày ấy
Có ai ngờ vào các đêm trước ngày 17/1/1974 “người ta” lợi dụng đình chiến qua Hiệp định Paris, đã âm thầm đổ bộ nhiều quân lên các hòn đảo nhỏ quanh Hoàng Sa, rồi sau đó đổ quân lên chiếm Hoàng Sa, mà nhân viên của kỹ sư Châu về sau nói là đông đen! Trong khi đó phía VNCH không đủ lực lượng chống giữ và đánh chặn và người Mỹ với Hạm đội Thái Bình Dương ở gần đó thì lại án binh bất động nên anh em binh lính VNCH và một người Mỹ cùng các nhân viên khí tượng trên đảo Hoàng Sa đã bị lực lượng của Trung Quốc bắt.
Binh lính VNCH và người Mỹ bị lính Trung Quốc bắt đem đi vào buổi sáng (hình như sáng ngày 19/1/1974). Riêng các nhân viên khí tượng của kỹ sư Châu thì quân Trung Quốc chưa bắt đi vào buổi sáng mà bắt ngồi tập trung tại cột cờ trên đảo, cho đến chiều mới bắt đem đi vào Hải Nam và sau về Trung Quốc, tách riêng khỏi anh em binh lính. Các nhân viên khí tượng bị bắt học tập chính trị trong 3-4 tháng, nhưng được đối xử tương đối tử tế. Về sau, những nhân viên này được Trung Quốc trao lại cho VNCH tại Hồng Kông.
Như vậy trận hải chiến Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974 là trận mà Hải quân VNCH khai hỏa đánh Hải quân Trung Quốc trong ý định lấy lại các đảo nhỏ gần Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm một hai hôm trước đó. Nhưng ý định lấy lại ấy đã không thành, Hải quân VNCH có 74 chiến sĩ tử vong, Trung Quốc chiếm luôn Hoàng Sa từ đó.
Điều mà người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài cần ghi nhớ là Việt Nam là một nước nhỏ ở kế cận anh khổng lồ phương Bắc. Trong hơn 2.000 năm qua, anh khổng lồ phương Bắc đã đem quân xâm lăng nước ta rất nhiều lần, nhưng sau biết bao gian khổ cha ông ta đánh bại quân xâm lược trong những chiến trận rất lẫy lừng và vẫn giữ được độc lập cho Tổ quốc Việt Nam. Năm 1974, anh phương Bắc đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH trong khi Hoa Kỳ đang là đồng minh của VNCH và Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở gần đó lại “án binh bất động” nên VNCH mất 74 chiến sĩ và mất Hoàng Sa. Rồi năm 1988, anh phương Bắc lại đánh chiếm mấy đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ta hy sinh 64 chiến sĩ và mất luôn mấy đảo ấy.
Vào cuối tháng 3 năm 1975, kỹ sư Châu đã bàn giao nguyên vẹn Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng cho cán bộ khí tượng của chính quyền mới. Ông vẫn còn ở Đà Nẵng một thời gian sau 1975, sau đó xin chuyển nhà vào TP Hồ Chí Minh. Năm 1983, ông và gia đình qua Pháp theo chương trình đoàn tụ với ông bà thân sinh và 3 người anh em đang làm việc tại Paris, Pháp. Với trình độ lý thuyết được đào tạo chính quy tại Pháp và Mỹ và với kinh nghiệm thực tế của 17 năm làm việc tại Việt Nam, kỹ sư Châu được mời giảng dạy về Khí tượng miền nhiệt đới (Tropicale Météorologie) tại trường đào tạo kỹ sư khí tượng École Nationale de la Météorologie tại Toulouse, Pháp từ năm 1983 cho đến khi về hưu cách đây vài năm.
Những năm tháng làm công tác khí tượng trực tiếp với anh em khí tượng Hoàng Sa đã để lại trong lòng kỹ sư Châu những tình cảm không thể nào quên. Giờ đây, hưu trí tại Paris, ông vẫn luôn nhớ về những con người đã từng cùng ông chịu thương chịu khó làm việc nơi biên đảo xa xôi của Tổ quốc Việt Nam.
——————————————–
(1) The Southeast Asian Sea Research Foundation, The Indisputable Sovereignty of Viet Nam over the Paracel Islands, by the National Committee for Border Affairs, Ministry of Foreign Affairs, Socialist Republic of Viet Nam, January 30th, 2011
http://www.seasfoundation.org/articles/other-sources/864-the-indisputable-sovereignty-of-viet-nam-over-the-paracel-islands
(2) Một số tư liệu lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
http://www.biengioilanhtho.gov.vn/Media/bbg/News/Archives/vie/chu quyen tren 2 quan dao Hoang Sa – Truong sa.pdf
(3) Đảo Phú Lâm, http://vi.wikipedia.org/wiki/Đảo_Phú_Lâm
(4) Ba Bình, http://vi.wikipedia.org/wiki/Ba_Bình
(5) Hải chiến Hoàng Sa 1974,

http://vi.wikipedia.org/wiki/Hải_chiến_Hoàng_Sa_1974
(6) Hải chiến Trường Sa 1988,
http://vi.wikipedia.org/wiki/Hải_chiến_Trường_Sa_1988

Theo Tạp chí Hồn Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét