Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Chính sách và quy chế trung lập

Luật Sư NGUYỄN HỮU THỐNG

Đầu thập niên 1950 chúng tôi bỏ miền Bắc vào Nam để thành lập nhóm Quan Điểm nhằm đấu tranh chính trị với Cộng Sản. Lúc này theo lệnh Bắc Kinh ,Hồ Chí Minh đã phát động phong trào đấu tố cải cách ruộng đất tại Thái Nguyên và Nghệ Tĩnh. Về mặt chính trị quốc tế, sau Thế Chiến II, 50 quốc gia Đồng Minh thành lập Liên Hiệp Quốc vào Mùa Xuân 1945 tại San Francisco và đề xướng Quyền Dân Tộc Tự Quyết trong Hiến Chương LHQ. Qua năm sau, tất cả các Đế Quốc Tây Phương như Mỹ Anh Pháp và Hà Lan đã lần lượt tự giải thể để trao lại chủ quyền độc lập cho 12 thuộc địa Á Châu:
  • Phi Luật Tân thuộc Mỹ, và Syrie, Liban thuộc Pháp độc lập năm 1946.
  • Ấn Độ, Đại Hồi thuộc Anh độc lập năm 1947.
  • Miến Điện,Tích Lan và Palestine thuộc Anh độc lập năm 1948.
  • Việt Nam, Cao Miên, Ai Lao thuộc Pháp, và Nam Dương thuộc Hà Lan độc lập năm 1949.

 
Cũng trong năm này Trung Cộng cướp chính quyền tại Hoa Lục. Từ đó mục tiêu chiến lược của Quốc Tế Cộng Sản là nhuộm đỏ hai bán đảo Triều Tiên và Đông Dương. Chiến tranh quốc cộng bộc phát tại Hàn Quốc năm 1950 và tại Việt Nam năm l949. Chiến tranh Cao ly kết thúc năm 1953 với Hiệp Định Bàn Môn Điếm phân chia 2 miền Nam Bắc tại vỹ tuyến 38. Một năm sau Hiệp Định Geneve l954 cũng qua phân lãnh thổ Bắc và Nam Việt tại vỹ tuyến 17.
Từ đầu thập niên 1950 Quốc Gia Việt Nam được Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo (từ Nam Quan đến Cà Mâu) do Hiệp Định Elysée ngày 8-3-1949 ký kết giữa Tổng Thống Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Đại. Trong thời gian này, đồng thời với chiến tranh quân sự tại Việt Bắc, Cộng Sản phát động chiến tranh chính trị tại Miền Nam. Hai phong trào được công khai phổ biến tại Saigon là Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình do Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ phụ trách, và tổ chức Trung lập Chế do một bác sĩ (y dược) đề xướng. Sau Hiệp Định Geneve Nguyễn Hữu Thọ bị quản chế hành chánh tại Phú Yên. Tháng 12-1960 Thọ được Cộng Sản “giải phóng” để vào chiến khu lãnh đạo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thành lập ngày 20-12-1960. Trong khi đó Tổ chức Trung Lập Chế đã đình chỉ hoạt động từ khi Đệ Nhất Cộng Hòa khai sanh năm 1956.
Thời gian này phong trào trung lập bành trướng mạnh mẽ tại Nam Tư khi Tito tách khỏi Quốc Tế Cộng Sản để thiết lập chế độ Xã hội tự trị tại Yugoslavie. Tại miền Nam Á, Ấn Độ, Miến Điện cũng theo chính sách trung lập. Đặc biệt tại Nam Dương, dưới sự lãnh đạo của Sukarno, năm 1955, Hội Nghị Bandung thành lập Khối Phi Liên Kết gồm 29 nước Á Phi như Ấn Độ, Cao Miên tại Nam Á cùng với Iran, Irak (là 2 quốc gia thù nghịch) tại Trung Đông. Cũng trong năm này Tứ Cường Anh Mỹ Pháp Liên Sô đồng loạt rút quân chiếm đóng khỏi Áo Quốc (Autriche) để thiết lập quy chế trung lập theo hiến pháp với sự yểm trợ của LHQ.
Và sau đây là phần trình bầy tổng quát về 3 nước trung lập điển hình là Thụy Sĩ, Thái Lan và Áo Quốc.
I. CHÍNH SÁCH TRUNG LẬP THỤY SĨ
Chúng ta có thể tóm lược lịch sử Thụy Sĩ như sau:
  • Với một lãnh thổ đầy núi đồi nằm kẹt giữa 2 cường quốc Pháp và Đức, với những mâu thuẫn về tôn giáo và ngôn ngữ, Thụy Sĩ đã vượt thoát mọi khó khăn để thiết lập một quốc gia dân chủ và phồn thịnh trong các thế kỷ 19 và 20.
  • Đặc biệt với những binh sĩ đánh thuê từ thế kỷ 15 đời vua Louis XIV, và thế kỷ 19 đời vua Napoleon, binh lính Thụy Sĩ đã chiến đấu cho Pháp chống Đức, và sau này chống Liên Minh Anh Đức Áo Nga dưới thời Nã Phá Luân.
  • Từ thế kỷ 19 Thụy Sĩ theo chính sách “trung lập thường trực” và đã không tham dự vào Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến (từ 1914 đến 1945).
Điểm độc đáo là trong chiến tranh quân sự, các nhân viên y tế Thụy Sĩ thi hành nghiã vụ cứu thương cho cả 2 phe dưới lá cờ Thập Tự Đỏ là quốc kỳ của Liên Bang Thụy Sĩ.
Nằm giữa Pháp và Đức là 2 quốc gia thù nghịch, trong nhiều thế kỷ Thụy Sĩ vẫn theo chính sách mềm dẻo không đứng hẳn về bên nào để giữ chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên trong thế kỷ 19, 16 ngàn lính đánh thuê Thụy Sĩ đã bị gần như tiêu diệt toàn bộ cùng với đoàn quân viễn chinh Pháp trong Chiến Dịch Mạc Tư Khoa năm 1812. Với sự đầu hàng của Napoleon, Hiệp Ước Vienne năm 1815 nhìn nhận chủ quyền lãnh thổ của Thụy Sĩ tại những miền bị Pháp thôn tính, đồng thời thừa nhận nền độc lập và chính sách trung lập của Thụy Sĩ. Cũng trong năm này tại Hội Nghị Paris các quốc gia trong khối Liên Minh Anh, Đức, Áo, Nga, Thụy Điển và Bồ Đào Nha cùng với nước Pháp (thất trận) đã đứng ra bảo đảm nền trung lập của Thụy Sĩ tại Âu Châu. Sau Thế Chiến I, chính sách trung lập đã được Hội Quốc Liên (tổ chức tiền thân của LHQ) thừa nhận. Mặc dầu vậy về mặt ngoại giao Thụy Sĩ đã không ngần ngại công khai yểm trợ các quốc gia dân chủ Tây Âu như Anh, Pháp, Hà Lan…để phản kháng chính sách xâm lược của Phát Xít Ý và Đức Quốc Xã trong Thế Chiến II. Năm 2002, sau khi gia nhập LHQ, Thụy Sĩ vẫn là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu về Hợp Tác Kinh Tế và Thương Mại Quan Thuế. Nếu năm 1920, Geneve là trụ sở của Hội Quốc Liên thì Basel lại là trung tâm của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank).
Và ngày nay chính sách trung lập Thụy Sĩ chỉ còn là hữu danh vô thực.
II. CHÍNH SÁCH TRUNG LẬP THÁI LAN
Trong giải lục địa ven bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Thái Lan (hay nước Xiêm trước 1939) là một quốc gia hi hữu thoát khỏi vòng đô hộ của các Đế Quốc Tây Phương chạy từ Ấn Độ sang Trung Hoa. Nhờ đầu óc canh tân của các nhà lãnh đạo đã khôn ngoan theo gương Nhật Bản đời Minh Trị Thiên Hoàng trong thế kỷ 19.
Theo phương châm “ngày ngày đổi mới, càng ngày càng mới” (nhật nhật tân hựu nhật tân). Với sự du nhập các kiến thức khoa học kỹ thuật Tây Phương trong khi vẫn bảo tồn văn học và đạo học cổ truyền. Giữ vững chủ quyền độc lập, bằng chính sách ngoại giao cởi mở và mềm dẻo, không kỳ thị và cấm đoán tôn giáo, không bế quan tỏa cảng. Đối với Pháp sẵn sàng điều đình để giao hoàn một số lãnh thổ tranh chấp tại Cao Miên và Ai Lao. Đồng thời thương nghị với Anh Quốc để trả lại nhiều vùng đất cho Mã Lai. Nghênh đón các nhà truyền giáo Mỹ và các chuyên gia Anh để sáng tạo chữ viết và máy in. Cũng vì vậy mà trong thế kỷ 19 nước Xiêm vẫn giữ được độc lập để canh tân và phát triển. Vận dụng thế giằng co và kiềm chế lẫn nhau giữa 3 nước Anh Mỹ Pháp để giữ chủ quyền độc lập trong khi các Đế Quốc Tây Phương đã đặt nền thống trị từ Ấn Độ, Miến Điện đến Mã Lai, Việt Nam và Trung Hoa (bán thuộc địa). Quốc gia thân thiện nhất của Thái Lan vẫn là Nhật Bản với chế độ quân chủ lập hiến và canh tân giáo dục bằng khoa học kỹ thuật đồng thời phát huy các truyền thống, đạo lý và văn hoá cổ truyền.
Điểm son của chế độ là từ 1939, Thái Lan đã không gia nhập khối Đại Đông Á Nhật Bản nên đã tránh được đại họa trong Thế Chiến II.
Qua thập niên 1950, với sự xâm nhập của Quốc Tế Cộng Sản tại Trung Hoa, Hàn quốc và Việt Nam, Thái Lan đã từ bỏ chính sách trung lập để gia nhập và chiến đấu trong Khối Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á (SEATO) cùng với Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc, Tân Tây Lan, Nam Hàn và Phi Luật Tân. Lúc này mục tiêu chiến lược của Trung Sô là nhuộm đỏ 2 bán đảo Đông Dương và Triều Tiên. Để phản kháng, Thái Lan đã đem quân chiến đấu trong Chiến Tranh Hàn Quốc từ 1950 và Chiến Tranh Việt Nam từ 1955.Và chính sách trung lập của Thái Lan chỉ còn là vang bóng một thời.
III. QUY CHẾ TRUNG LẬP ÁO QUỐC
Tới Thế Chiến I, Áo và Hung Gia Lợi kết hợp cho đến năm 1919 mới qua phân thành hai nước. Năm 1938, Hitler sát nhập Áo Quốc vào Đức Quốc Xã. Khi Đức đầu hàng đồng minh vào tháng 5-1945, Tứ Cường Mỹ Anh Pháp và Liên Sô chia nhau chiếm đóng Áo Quốc trong 4 khu vực. Phe tây phương Mỹ Anh Pháp chiếm thế thượng phong. Và tháng 5-1955 Tứ Cường ký Hiệp Ước Vienne cùng với nước Áo. Chủ quyền lãnh thổ được thu hồi theo biên giới năm 1938 . Trong Hiến Pháp 1955, nước Áo công bố độc lập quốc gia và trung lập trường kỳ. Đây là điều kiện do Liên Sô áp đặt. Vì từ Thế Chiến I, cùng với Đảng Lao Động Anh và Đảng Xã Hội Pháp, Đảng Dân Chủ Xã Hội Áo là thành viên của Quốc Tế Xã Hội đặt tổng hành dinh tại Luân Đôn. Ngay cả trong thời Chiến Tranh Lạnh (l945-1990) Áo vẫn theo những mục tiêu dân chủ xã hội và dân chủ cơ đốc đối kháng với chủ nghĩa Mác Lê.
Theo Hiến Pháp Áo, trung lập chỉ được áp dụng về mặt quân sự mà thôi. Trung lập không ảnh hưởng đến vấn đề chủ thuyết và chế độ chính trị.
Trên thực tế, dân chúng Áo từng là nạn nhân của chế độ Sô Viết trong 10 năm chiếm đóng (1945-1955). Qua năm 1956 với việc Liên Sô đàn áp cuộc khởi nghĩa Hung Gia Lợi, dân chúng Áo công khai chống đối Cộng Sản. (By the Constitution of October 1955 neutrality could be interpreted only as a military one and never as an ideological one.And the Austrians had proved their anti-Communist attitude:Encyclopedia Britannica).
Hậu quả thực tiễn là, với chế độ trung lập thường trực, Áo quốc không được gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ Anh Pháp và đồng minh
cũng như Khối Minh Ước Warsaw của Liên Sô và các chư hầu Đông Âu.
Chính Chính Phủ Áo cũng đã nhiều lần khẳng định như vậy (trung lập chỉ áp dụng về mặt quân sự mà thôi). Tuy nhiên về mặt ý thức hệ và chủ thuyết, Áo Quốc được toàn quyền thực thi Chế Độ Dân Chủ Tự Do hay Dân Chủ Xã Hội. Cũng nên ghi nhận rằng, trong quá trình đấu tranh chính trị từ đầu thế kỷ 20, Đảng Cộng Sản vẫn coi Đảng Dân Chủ Xã Hội là kẻ thù số một. Vì Đảng Dân Chủ Xã hội cũng chủ trương giải phóng lao động đồng thời theo kinh tế thị trường, trong khi vẫn ban bố và thực thi những quyền tự do dân chủ mà các chế độ Cộng Sản thường phủ nhận.
Với sự tiêu vong của Liên Bang Sô Viết và sự giải thể Cộng Sản tại các quốc gia trong Minh Ước Varsaw, Chiến Tranh Lạnh đã kết thúc năm 1991.Theo các nhà chủ thuyết và các chính trị gia, kể từ đó qui chế trung lập tại Áo không còn lý do tồn tại. Vì trên nguyên tắc, trung lập chỉ được áp dụng về mặt quân sự chứ không có tác dụng về mặt chính trị và ý thức hệ. (With the end of the Cold War neutralism lost much of its usefulness as a guiding principle in many nations’ foreign relations).
Đối với Cộng Sản, trung lập có 3 điểm đặc biệt:
  • Cộng Sản không bao giờ trung lập
  • Cộng Sản không bao giờ tôn trọng các hiệp ước về trung lập
  • Đối với Cộng Sản, trung lập chỉ là một chiêu bài
  1. Cộng Sản không bao giờ trung lập
Về quốc ngoại, Liên Sô và Trung Cộng chỉ nhằm thôn tính các nước láng giềng tại Đông Âu và Đông Á để thiết lập những hệ thống chư hầu khiếp nhược.
Về quốc nội, Cộng Sản chỉ mưu toan sát hại những thành phần sáng giá được coi là những đối thủ nguy hiểm của Cộng Sản trên đường cướp chính quyền. Khẩu hiệu đấu tranh giai cấp của Cộng Sản là “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ!”

  1. Cộng Sản không bao giờ tôn trọng các hiệp ước về trung lập
Năm 1962, cùng với Ai Lao, 13 nước đã ký tên vào Công Ước ngày 23-7-1962 nhằm bảo đảm sự trung lập của Ai Lao: 5 cường quốc là Anh Mỹ Pháp Liên Sô và Trung Cộng; 5 quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Thái Lan, Miến Điện và Cao Miên; cùng 3 nước giám sát là Ấn Độ, Canada và Ba Lan.
Theo Tổng Thống Nixon tất cả các quốc gia kết ước đều tôn trọng Công Ước ngoại trừ Bắc Việt (No more Vietnams, 1985). Và Việt cộng vẫn tiếp tục đem quan và võ khí xâm nhập Ai Lao để làm căn cứ xuất phát tấn công Việt Nam Cộng Hòa tại Miền 3 Biên Giới và dọc theo Đường Mòn Hồ Chí Minh.
  1. Đối với Cộng Sản, trung lập chỉ là một chiêu bài
Cũng như những khẩu hiệu hòa bình, đoàn kết, hòa giải hòa hợp, đối với Cộng Sản,trung lập chỉ là một chiêu bài hay một chiến thuật nhằm đạt những mục tiêu chính trị và quân sự đặc biệt là cướp chính quyền hay thôn tính võ trang.
Trong 95 năm sinh hoạt, phe Cộng Sản không bao giờ trung lập với bất cứ quốc gia hay bất cứ đảng chính trị nào.
Kết Luận.                  
Khi thành lập Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á (SEATO) Ngọai Trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles quan niệm rằng:” Giữa Tự Do và Đàn Áp, cũng như giữa Thiện và Ác, nếu không có sự lựa chọn dứt khoát mà chỉ đứng trung lập ở giữa thì đó là một thái độ vô luân
Về Việt Nam chúng ta cũng có thể nói:”Giữa Dân Chủ và Cộng Sản, cũng như giữa Thiện và Ác phải có sự lựa chọn dứt khoát. Nếu chỉ trung lập đứng giữa thì đó là một lập trường phản dân tộc và phản nhân loại”.

Luật Sư NGUYỄN HỮU THỐNG
Tháng Tư 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét