Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Sự lập lại sau 17 năm

Tống Văn Công
Dư luận cả nước tỏ ý bất bình vì kết luận khuyết điểm của những người có trách nhiệm trong vụ gây ra thiệt hại cho đất nước 85.000 tỉ đồng chưa đáng bị một hình thức kỷ luật nào mà chỉ nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Vụ này khiến tôi nhớ lại chuyện đã xảy ra quá lâu, cách đây 17 năm, chắc những người lãnh đạo Đảng, Chính phủ hiện nay không nhớ (vì hồi đó họ chưa phải ở cấp lãnh đạo cao nhất) Những người đi thanh tra vừa qua có lẽ cũng không biết “lịch sử” ngành đóng tàu này, để rút ra bài học sâu sắc hơn cho tương lai. Tôi chẳng giỏi giang gì, nhưng nhờ sống lâu (vừa tròn 80 xuân) nên nhớ lại. Năm 1993, tôi đã duyệt và cho đăng tin sau đây trên Lao động ngày 27 tháng 5 năm 1993, đồng thời với tất cả các báo hằng ngày thời ấy. Tin đăng từ trang nhất sang trang 2:
BẮT GIAM TỔNG GIÁM ĐỐC LIÊN HIỆP ĐÓNG TÀU VIỆT NAM
Tại Quảng Ninh vừa bắt giam ông Ngô Đình Quý, Tổng giám đốc Liên hiệp đóng tàu Việt Nam (LH ĐT VN) về hành vi tham ô, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Trong thời gian còn giữ cương vị Giám đốc Nhà máy đóng tàu Hạ Long, ông Ngô Đình Quý đã bán con tàu mang tên Angco Vat 01, trọng tải 3.000 tấn cho khách hàng nước ngoài, trị giá 1.031.000 USD thỏa thuận thanh toán bằng 3 khoản: 95.700 USD tiền mặt; 1000 tấn sắt thép; 200 kiện đầu lọc thuốc lá. Các bước thanh toán được tiến hành từ cuối năm 1991 đến đầu năm 1992, trước khi bàn giao con tàu (tháng 4 năm 1992. Kết thúc hợp đồng Ngô Đình Quý cho bán 34 tấn sắt thép thu gần 2 tỉ đồng nhưng vào quĩ Nhà máy 1,5 tỉ.
Riêng về số ngoại tệ tiền mặt, mãi đến khi chuyển lên làm Tổng giám đốc Liên hiệp Đóng tàu Việt Nam (tháng 6 năm 1992), Ngô Đình Quý mới nhập vào công quĩ 525 triệu đồng Việt Nam (tương đương 50.000 USD. Số tiền thiếu hụt được ông giải trình với lý do đã chi cho người môi giới 40.000 USD, cùng một vài khoản chi khác trong quá trình thực hiện hợp đồng trên. Ngày 12 tháng 4 năm 1993 sau khi bị cơ quan điều tra thẩm vấn, Ngô Đình Quý mới tiếp tục nộp thêm vào công quĩ Nhà máy đóng tàu Hạ Long 15.000 USD.
Cùng bị bắt với Ngô Đình Quý còn có hai cộng sự là Nguyễn Hồng Thự đại diện Nhà máy Đóng tàu Hạ Long tại miền Nam và Phạm Văn Trung, Trưởng phòng vật tư nhà máy.
Phóng viên Ngô Mai Phong“.
Vừa qua phóng viên Ngô Mai Phong có những bài viết rất hay về Vinashin, nhưng không thấy anh liên hệ lại chuyện cũ.
Tôi có mấy nhận xét:
- Vụ án của ông Ngô Đình Quý “sư tổ” ngành đóng tàu quốc doanh hồi đó có qui mô rất nhỏ bé so với Vinashin, người cháu đích tôn của nó sau này, sự lươn lẹo, giả trá cũng đơn sơ không tinh vi bằng lớp con cháu; cũng diễn ra như không hề có sự quản lý, giám sát nào của cấp trên; cũng kéo dài; và cũng giống nhau là các vị cấp trên có trách nhiệm đâu có ai bị hình thức kỷ luật nào!
- Tôi rất lo là sự lặp lại ở cùng một địa bàn với quy mô theo cấp số nhân như thế là do “lỗi hệ thống” như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhận định và bị chụp mũ. Tôi lại lo là khi đến vòng sụp đổ kế tiếp xảy ra theo quy luật của “lỗi hệ thống” thì các vị có trách nhiệm tái cơ cấu Vinashin hiện nay đã hạ cánh an toàn từ lâu rồi! Lo xa đến như thế kể ra cũng là quá ôm đồm, lẽ ra là một người đang sống ở lưu vực sông Đồng Nai tôi chỉ nên khuôn nỗi lo của mình vào việc hồ bùn đỏ bôxit Tây Nguyên đang treo trên đầu mình và 20 triệu nhân dân mỗi ngày một tích chứa thành một bể hóa chất khổng lồ và bỗng một ngày nào đó ụp xuống! Rất có thể khi đó những vị bất chấp ý dân cứ giữ vững chủ trương lớn, họ cũng đã hạ cánh ở phương trời nào đó rồi!
Ngày 23-3 – 2011
T. V. C.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét