Sau khi bài viết của tôi “”Không được đùa với cách mạng và nổi dậy” được đăng lên các báo mạng, tôi nhận được rất nhiều ý kiến biểu lộ sự đồng tình. Đồng thời, đúng như dự đoán, tôi cũng “được” một số ít người đọc cho “đội nón cối” đủ loại, nào là “hèn”, “nhụt chí”, “phá hoại phong trào”, v.v... Bị “chụp mũ” oan, không phải là điều đáng quan tâm lắm, nên câu chuyện tôi muốn đề cập đến hôm nay, thuộc về một đề tài khác.
Qua các ý kiến phản đối cũng như tán đồng, tôi thấy có một vài hiểu lầm về cuộc cách mạng ở Tunisia và Egypt cần giải tỏa. Một số không ít người, có thể là do thiếu thông tin, do cảm tính, tưởng rằng phong trào nổi dậy ở Tunisia và Egypt là hoàn toàn tự phát. “Họ cứ rủ nhau ào ạt nổi dậy thế là độc tài phải đổ”, “chẳng cần tổ chức tổ chiếc, chờ đợi gì, cứ nhất tâm đồng loạt vùng lên, hàng nghìn, hàng chục nghìn người là thắng”, “đứng lên đòi công bằng xã hội thì không bao giờ là muộn. Nếu người dân Tunisia có những tư tưởng chờ đợi, nhụt chí như thế thì còn lâu họ mới thoát khỏi gọng kềm độc tài”, v.v...
Ý nghĩ cho rằng cuộc cách mạng dân chủ là một phong trào tự phát của quần chúng, không cần tổ chức, không cần chuẩn bị mà cứ “ào ạt nổi dậy” “đồng loạt vùng lên” là có thể giành được thắng lợi, là một ngộ nhận ngây thơ. Ngộ nhận này tạo ra một ảo tưởng có thể dẫn đến những hành động nóng vội, xốc nổi, phiêu lưu, chắc chắn sẽ gây ra những nguy hại cho cuộc cách mạng dân chủ.
Thực tế hai cuộc cách mạng dân chủ ở Tunisia và Egypt vừa qua, cũng như các cuộc cách mạng dân chủ ở Đông Âu và Liên Xô hồi cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tuy rất bất ngờ ngay cả đối với những người hướng dẫn phong trào, nhưng đều có sự tổ chức và chuẩn bị rất chu đáo. Để không phải kể lại dài dòng, xin các bạn xem ba video clips trên YouTube tựa đề Sức Mạnh Nhân Dân (People Power) nói về phong trào giới trẻ “6 tháng 4” trong cuộc cách mạng dân chủ ở Egypt :
- phần 1 : http://www.youtube.com/ watch?v=VEy8voAt7nA
- phần 2 : http://www.youtube.com/ watch?v=1kvznEEVj2M
- phần 3 : http://www.youtube.com/ watch?v=zXCNlpGhJ6Q
Thực tế cho thấy rõ cả ở Tunisia cũng như ở Egypt đã có những tổ chức của giới trẻ có lý tưởng tự do, dân chủ, đồng thời có kiến thức vững vàng, họ đã xây dựng một mạng lưới liên kết những người cùng chung lý tưởng tự do, dân chủ, cùng chung mục đích đánh đổ bọn độc tài và chế độ toàn trị. Và những nhà cách mạng trẻ tuổi trong và ngoài hai nước này đã âm thầm làm việc chuẩn bị trong nhiều năm, khi thấy thời cơ đến bất ngờ (đời sống của đa số dân chúng bị sút kém đột ngột do giá cả leo thang, nạn thất nghiêp trầm trọng, nạn tham nhũng tràn lan cộng thêm vụ tự thiêu rất đau thương của anh Mohamed Bouazizi) thì họ đã dấy lên một cao trào quần chúng mãnh liệt lúc đầu đánh đổ được tên độc tài Ben Ali ở Tunisia, rồi lan sang Egypt đánh đổ tiếp tên độc tài Hosni Mubarak, và cứ theo vết dầu loang phong trào lan rộng đến Libya, Yemen, Jordan, Bahrain, Algeria, Iran, A Rập Saudi, Oman, v.v.... Cái giỏi của giới trẻ hai nước này là họ đã khéo léo tận dụng sức mạnh của các phương tiện thông tin hiện đại nhất, của Internet để hoạt động đầy mưu trí và hữu hiệu.
Muốn huy động đươc một khối lượng 200 ngàn, thậm chí có khi lến đến một - hai triệu người, già, trẻ, gái, trai, thậm chí cả trẻ nhỏ, thuộc các tầng lớp, các tôn giáo... xuống đường đấu tranh tay không chống lại cảnh sát vũ trang, quân đội (trừ Egypt quân đội án binh bất động) thì không thể không có tổ chức, không có chuẩn bị. Làm sao giúp cho quần chúng vượt qua được nỗi sợ hãi bọn độc tài và chế độ toàn trị để mạnh dạn vùng lên tranh đấu, nếu không có chuẩn bị và tổ chức? Làm sao cố kết được dân chúng thuộc đủ các thành phần giai cấp, các tôn giáo, các lứa tuổi... thành một khối rắn chắc để đối chọi được với sự đàn áp sắt máu mà kẻ cầm quyền hung bạo, tàn ác đã tung ra hòng đè bẹp ý chí đấu tranh của dân chúng, nếu không có chuẩn bị và tổ chức? Ngay cả những việc cụ thể, như làm thế nào chống được hơi cay, làm thế nào giải quyết vấn đề vệ sinh cho quần chúng trên quảng trường, việc ăn uống, cứu thương, v.v... đều đòi hỏi một kế hoạch tổ chức chu đáo.
Bản thân người viết những dòng này đã ở Liên Xô trong nhiều năm. Khi Liên Xô còn trong thời kỳ cực kỳ tăm tối, qua những chuyện trò thầm kín của một vài bạn thân của nhà tôi, chính tôi cũng ngầm đoán biết là trong các giáo sư, sinh viên Nga ở các trường đại học hồi đó đã có những mối liên kết bí mật nào đấy với những dissidents (những người bất đồng chính kiến). Còn đến khi Liên Xô làm perestroika (cải tổ) thì bắt đầu có Phong trào Nước Nga Dân chủ - đó chính là tổ chức rộng lớn đã động viên, hướng dẫn, hoạch định sách lược cho những hoạt động tuyên truyền, tranh cử hồi đó. Chính các thành viên của Phong trào này đã tổ chức những cuộc vận động cho các ứng viên dân chủ ra tranh cử, tổ chức những cuộc biểu tình hàng chục ngàn, trăm ngàn, có một lần lên đến gần một triệu người... Những hoạt động như vậy mà không có chuẩn bị, không có tổ chức thì làm sao thực hiện nổi?!
Có một điều này rất hay của các chiến sĩ dân chủ Nga mà tôi coi đó là một bài học tốt là: trong thời kỳ ngặt nghèo, khi sự kiểm soát của KGB quá chặt chẽ và rộng khắp thì các chiến sĩ dân chủ thường dùng lối “tổ chức mà không có hình thức tổ chức rõ rệt”, tức là những liên kết quần chúng nhẹ nhàng, không chặt chẽ, không định hình, nhằm những mục tiêu tranh đấu chung. Còn khi tình hình bắt đầu hơi “thoáng”, nghĩa là sự kềm kẹp của KGB hơi lơ là (dưới thời perestroika) thì họ biết lấn dần để lập ra rất nhiều tổ chức văn hóa, xã hội, thể thao... có tính vô thưởng vô phạt nhưng hợp với sở thích của các tầng lớp quần chúng, rồi từ đó tiến lên lập các tổ chức ilegal, nghĩa là không hợp pháp (hồi đó về mặt chính thức chính phủ chưa cho phép lập ra các tổ chức). Thanh niên, trí thức Nga thành lập vô số tổ chức ilegal, chính quyền không thể nào theo dõi hết. Rồi từ các tổ chức ilegal, người ta lại tiếp tục lấn tới, ra những tờ báo ilegal, nghĩa là báo không cần xin giấy phép, tự do viết, tự do in, tự do phát hành, rồi tiến lên tự in ấn những sách trước đây bị cấm (gọi là những samoizdat, ấn phẩm tự xuất bản)... Cứ thế, tiến lên họp mit tinh, biểu tình chẳng cần xin phép. Cái chiến thuật “lấn dần từng bước” như vậy vừa đánh tan nỗi sợ hãi của quần chúng, vừa tập dượt cho quần chúng và cốt cán, vừa phát triển được ảnh hưởng của phong trào, vừa đào tạo được những cán bộ từ quần chúng làm chỗ dựa cho phong trào. Hồi đó, trong tay dân chúng chưa hề có các máy móc hiện đại như ngày nay, nhất là những phương tiện thông tin điện tử, Internet... cho nên phải dùng lối làm việc chậm rãi, từng bước như vậy.
Tôi còn nhớ rõ, hồi đó, có một tổ chức tên là “Memorial” (Đài tưởng niệm) do Viện sĩ Andrei Sakharov sáng lập và điều hành. Tổ chức này lập ra vì dựa vào nghị quyết của đại hội 20 ĐCSLX (1956) chủ trương xây dựng một tượng đài để tưởng niệm những người cộng sản và nhân dân Liên Xô bị giết oan dưới thời Stalin. Dĩ nhiên, sau khi Brezhnev lên ngôi tổng bí thư (1964) thì ban lãnh đạo ĐCS đã lờ tịt nghị quyết đó. Nhưng Viện sĩ Sakharov cứ nộp đơn xin lập tổ chức “Memorial” để vận động cho việc dựng Đài tưởng niệm. Nhiều lần người ta đã bác đơn xin, ông cứ đòi, người bắt ông, sách nhiễu ông, cuối cùng giam ông trong một ngôi nhà ở một thành phố xa thủ đô, buộc cho ông tội hoạt động chống chế độ... Họ không tuyên bố chính thức bỏ tù ông, nhưng nhốt ông trong nhà, ngày đêm canh giữ chặt chẽ, không cho ông ra khỏi cổng mà cũng không cho ai được đến nhà ông, trừ vợ của ông, bà cũng là một dissident nổi tiếng. Đến khi, tổng bí thư Gorbachev, do sức ép của dư luận quốc tế, buộc lòng phải trả tự do cho Andrei Sakharov thì việc đầu tiên ông làm là bắt tay thành lập tổ chức “Memorial” quy tụ được nhiều trí thức lớn, nhiều nhân sĩ nổi tiếng, nhiều nhà hoạt động tích cực của nước Nga thời đó, bất chấp sự ngăn cản, sách nhiễu, phá phách của công an, mật vụ. Muốn vận động làm Đài tưởng niệm thì phải có tiền, muốn có tiền thì phải tuyên truyền, cổ động, phải giải thích cho dân chúng vì sao đã có hàng triệu đảng viên cộng sản và thường dân phải chết oan mà nay phải xây Đài tưởng niệm. Thế là hàng trăm, hàng nghìn cuộc mit tinh, cuộc triển lãm nói về những tội ác dưới thời Stalin - dù muốn dù không thì đó cũng là vạch trần những tội ác.của ĐCS và chính quyền xô-viết. Ở một đất nước rộng lớn như Liên Xô, số tù nhân của chế độ lên đến hàng chục triệu người, rất nhiều gia đình có người thân đã bị tù tội, bị giết, cho nên những cuộc mit tinh, những cuộc triển lãm đó thu hút rất đông đảo người đến xem, và đó là cơ hội rất tốt để nâng cao ý thức quần chúng và thúc đẩy người dân càng tích cực tham gia phong trào đấu tranh.
Tôi chỉ nhắc lại vài việc như vậy thôi để thấy rằng cuộc cách mạng dân chủ ở Liên Xô hồi đó đã có sự chuẩn bị cẩn thận và tổ chức chu đáo, Chỉ có một điều này – theo tôi - là không có chuẩn bị trước: kế hoạch phải làm gì khi chính quyền xô-viết sụp đổ và dự kiến sơ bộ cho tương lai một nước Nga dân chủ, cả về hiến pháp, cả về đường lối đối nội, đối ngoại.... Vì chẳng một ai ngờ được là cuộc đảo chính của bọn bảo thủ nhất trong Bộ chính trị ĐCSLX sẽ gây ra, và đó lại là thời cơ làm bùng lên một cao trào cách mạng cực mạnh đến nỗi chỉ trong ba ngày tranh đấu cực kỳ căng thẳng, cách mạng dân chủ đã quật đổ cái chế độ tàn bạo thống trị nhân dân trong 73 năm trời mà chỉ có ba chàng thanh niên gan dạ phải hy sinh ! (Thực ra, nếu tính cả một quá trình đấu tranh nhiều năm trước nữa thì số người đã ngã xuống hoặc chết rục trong ngục tù thì phải tính hàng trăm). Thật khó có thể trách cứ những người đứng đầu phong trào hồi đó, vì Lịch sử đã chơi một “cú” quá bất ngờ cả cho họ, cả cho nhân dân Liên Xô, cả cho ĐCSLX lẫn tập đoàn độc tài toàn trị, cả cho toàn thế giới. Nhưng, chính vì không chuẩn bị những điều nói trên, nên những người lãnh đạo phong trào dân chủ hồi đó rất lúng túng, vấp váp, không nhất trí với nhau, rồi phạm phải những sai lầm nghiêm trọng gây hậu quả to lớn về sau ! Viết đến đây, tôi nhớ lại một bài báo tôi đọc đã lâu của một nhà báo Việt Nam ở tận Paris đã khẳng định rằng cuộc cách mạng dân chủ ở Liên Xô không có chuẩn bị, nó là tự phát !
Ở các nước Đông Âu cũng vậy thôi! Không có chuẩn bị, không có vận động, không có tổ chức thì làm sao có thể huy động hàng triệu quần chúng đấu tranh kiên cường trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm? Ở Tiệp Khắc, phong trào Hiến chương 77 và ở Ba Lan phong trào Công đoàn Solidarnos (Đoàn kết) cũng phải phấn đấu gian khổ trên mười năm mới giành được thắng lợi.
Trong việc chuẩn bị cho cao trào đấu tranh thì cái khâu vận động quần chúng là quan trọng nhất và khó khăn nhất. Quan trọng nhất thì rõ rồi, còn khó khăn nhất là vì đại đa số dân chúng sống nhiều thập niên dưới nền chuyên chính cực kỳ khắc nghiệt, chính mình đã từng bị hoặc đã từng chứng kiến sự đàn áp vô cùng độc ác của kẻ cầm quyền, nên nỗi sợ hãi đã ăn sâu vào tiềm thức họ, từ đó họ tự tạo cho mình thái độ “mũ ni che tai”, hoàn toàn thờ ơ, vô cảm trước mọi cảnh bất công. Ở nước ta, tình trạng đó càng trầm trọng đến nỗi có người đã từng ví khối đại chúng nước ta là một “đám bùn nhão”. Trong tình hình đó việc vận động và tổ chức dân chúng dĩ nhiên là cực kỳ khó khăn. Nhưng không nên vì thế mà đánh giá quá thấp quần chúng, mất lòng tin vào họ. Tôi nghiệm thấy đại chúng của nước Nga và nhiều nước khác dưới chế độ độc tài ở đâu cũng thế thôi, không khác gì ở nước ta cả: nỗi sợ hãi, tính vô cảm thường xuyên trói buộc, chế ngự họ. Đồng thời tôi cũng nghiệm thấy rằng khi cũng cái khối quần chúng đó đã quá tức giận cảnh bất công, nạn tham nhũng, đã quá căm ghét bọn chức sắc, quan lại, bọn đặc quyền đặc lợi của chế độ rồi thì họ “quên” hết sợ hãi, vùng lên và tỏ ra rất hăng hái, thậm chí sẵn sàng hy sinh thân mạng của mình. Nhưng nếu vì lý do nào đó, những người dân chủ không đáp ứng được nguyện vọng, ước mơ của họ thì họ lại xìu đi, trở lại trạng thái vô cảm, theo chủ nghĩa mackeno như trước. Quần chúng thường là như vậy. Cho nên, những nét tiêu cực của quần chúng mà ta thường cho là “dân trí”, “dân khí”, “phẩm chất”, “nhân cách” thấp không phải là bất biến, cố định. Chân lý muôn đời là có áp bức, bóc lột thì có đấu tranh. Có đấu tranh thì “dân trí”, “dân khí” sẽ biến đổi, “phẩm chất” của nhân dân, “nhân cách” của quần chúng sẽ đổi thay. Vấn đề quan trọng là các chiến sĩ dân chủ có gần gũi được nhân dân hay không, có hướng dẫn nhân dân đấu tranh cho quyền lợi của mình hay không để tập luyện dần cho quần chúng, rồi khéo léo liên kết, tổ chức họ lại, nâng cao trình độ cho họ, và điều quan trọng là luôn luôn giữ “ngọn lửa” nhiệt tình trong lòng họ... Đó chính là sự chuẩn bị thiết thực nhất cho đại cuộc khi thời cơ đến.
Khi nghe nói đến thời cơ, có người bực bội phản ứng mạnh mẽ: “Không có chuyện phải thời cơ. Ai cũng có cái dũng của người đó”; hoặc: “Chúng ta còn muốn chờ “đủ điều kiện chủ quan và khách quan” như các cụ muốn chờ 66 năm từ 1945-2011 không? Không! dứt khoát không, không chần chờ, phân vân, lưỡng lự như các cụ chờ 66 năm qua nữa, phải bắt tay nhau vào làm việc ngay!!!”; hoặc: “Đối với những chế độ độ tài toàn trị như của ĐCSVN và ĐCSTQ, dùng bạo lực làm cứu cánh; lập pháp, tư pháp, hành pháp, công an, quân đội tất cả đều là Đảng, còn Đảng... thì KHÔNG BAO GIỜ thời cơ chín mùi cả” (tất cả đều là nguyên văn hồi âm từ người đọc). Còn nhiều nữa, tôi chỉ ghi một số thôi. Tôi hiểu rõ tâm trạng của nhiều người nóng lòng chờ đợi ngày được giải thoát khỏi gông cùm của một chế độ độc tài hoặc sốt ruột sốt gan mong sớm được trở về lại quê hương đất tổ nên thường dễ nảy sinh những ý nghĩ như vậy. Điều này rất đáng cảm thông, và tôi tin rằng với thời gian những ý nghĩ xốc nổi đó sẽ lắng dịu và sự bình tâm sẽ giúp những người này nhận thức được vấn đề.
Xin nhắc lại, trong thư viết cho các bạn thân trong nước, tôi có nói rõ: «Phân tích tình hình của VN ta HIỆN NAY thì chưa có điều kiện chủ quan và khách quan đủ mức độ chín muồi cho một chủ trương như vậy (ý nói «một cuộc vùng dậy» như lá thư thúc giục của một số người... ». Nên hiểu từ «vùng dậy» ở đây tương đương với từ «nổi dậy» hay «khởi nghĩa», nó khác với từ «xuống đường» ý nghĩa nhẹ hơn. Phải nói cho rõ về từ ngữ như vậy để có một thái độ rất thận trọng đối với «một cuộc vùng dậy», vì đây là sinh mạng của hàng chục, hàng trăm con người, đây là tiền đồ dân chủ của Đất nước, của Dân tộc, chứ không là chuyện đùa mà ta có thể nhẹ dạ kêu gọi! Cũng xin chú ý rằng «HIỆN NAY thì chưa có điều kiện chủ quan và khách quan đủ mức độ chín muồi cho một cuộc vùng dậy» thì câu đó đã hàm ý ta đã có những điều kiện chủ quan và khách quan, đã bắt đầu chín, nhưng chưa đủ mức độ chín muồi cho «một cuộc vùng dậy». Thế thì trước hết, ta hãy bắt tay làm việc cho điều kiện chủ quan được đầy đủ hơn, chín muồi hơn. Chẳng hạn, tranh thủ sự đồng tình của một bộ phận lớn dân chúng để họ thực sự mong muốn dân chủ hóa, mong muốn thoát khỏi chế độ toàn trị; phát triển và củng cố vững chắc hơn các tổ chức đấu tranh cho dân chủ, v.v...Thiết nghĩ đây là khâu chính quan trọng nhất, tức là tạo được thực lực cho một cuộc vùng dậy đích thực. Tôi nhấn mạnh chữ «đích thực» để phân biệt với «cuộc vùng dậy» bằng miệng hô vang từ xa. Còn điều kiện khách quan, ta cũng có thể tác động để chúng chóng chín muồi hơn, chẳng hạn, vận động những người trong hàng ngũ bộ máy thống trị, công an, quân đội để ít nhất là họ biết thương dân, không mù quáng hành hung, đánh đâp, bắn giết người dân theo lệnh cấp trên. Có những điều kiện khách quan khác ta không thể tác động được thì phải chờ đợi cho những điều kiện bắt đầu chín sẽ dần dần đến độ chín muồi. Chẳng hạn, qua cuộc đại hội 11 của ĐCSVN vừa rồi, ai cũng thấy rõ những tín hiệu về sự thay đổi tâm tư và thái độ trong cán bộ, đảng viên, đáng kể là các chuyên viên hàng đầu và cán bộ cao cấp. Với thời gian, tình hình «lên men» đó sẽ nghiêm trọng hơn và «độ chín muồi» sẽ rõ rệt hơn vì đó là một quá trình mà đảng cầm quyền không thể nào cưỡng lại được. Vì sao ? Vì ĐCS đã lâm vào một cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng về tư tưởng, về đường lối đã hai mươi năm rồi mà không có lối thoát. Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ việc đảng lấy chủ nghĩa Marx-Lenin là thứ chủ nghĩa không còn sức sống làm tư tưởng chỉ đạo cho mình, lấy thứ chủ nghĩa xã hội ảo tưởng, lầm lạc làm «định hướng» cho Đất nước. Nhiều chuyên gia ưu tú nhất của Đất nước, một số cán bộ cao cấp đã tỉnh thức, nhiều trí thức trung thực, nhiều người trong giới trẻ có tư duy độc lập thấy rõ tình trạng này, do đó thấy rõ sự dối trá, ngụy biện của lãnh đạo. Còn người dân bình thường cũng bắt đầu thấy, nhưng chưa dám nói ra. Còn nhiều điều kiện khách quan khác cũng đang chín dần: hố ngăn cách giàu nghèo càng ngày càng sâu, càng rộng, đời sống người dân càng ngày càng xuống cấp do giá cả leo thang, do đồng tiền mất giá, nạn thất nghiệp trầm trọng hơn, cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn hơn, v.v... Những người dân chủ không thể tác động gì được vào những điều kiện khách quan này, mà chỉ có thể vận dụng nó vào công việc vận động quần chúng và chờ đợi mức độ chín muồi của chúng. Ý nghĩa của sự chờ đợi là như thế, khác hẳn với «khoanh tay ngồi chờ» !
Còn một điểm này cần nói thêm: những người dân chủ không bao giờ được quên vị trí địa lý chính trị của Đất nước ta, nó có ảnh hưởng rất lớn đối với sự nghiệp dân chủ hóa của nước ta. Số phận bắt nước ta phải sống cạnh một nước láng giềng cộng sản to lớn, có cùng một chế độ độc tài toàn trị như nước ta. Cho nên làm việc gì, ta không thể không nhìn sang «ông bạn» láng giềng. «Ông bạn» đang tăng cường sức mạnh kinh tế, quân sự..., nhưng đồng thời dưới gầm giường của ông ta cũng đang chất đầy những kho thuốc súng chưa biết khi nào sẽ bùng nổ: nạn tham nhũng trầm trọng, hố ngăn cách giàu nghèo sâu rộng, lạm phát và giá nhà cửa tăng cao, sự tước đoạt đất đai trắng trợn và tàn bạo.... tất cả những điều đó đang gây sự bất mãn, thậm chí phẫn nộ lớn trong dân chúng, nhiều nơi đã bùng lên những cuộc nổi dậy và bị đàn áp dã man... Chính vì thế Thủ tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) khi báo cáo trước Quốc hội Trung Quốc (hôm 05.03.2011) đã đưa ra những biện pháp cốt để tháo «ngòi nổ» và để đối phó với phong trào xã hội đang dâng lên, Theo tin tức nhận được, đã có trên 200 chiến sĩ dân chủ và luật sư về nhân quyền đã bị bắt, hàng chục nhà báo bị gọi lên công an «làm việc» và đặc biệt nghiêm trọng là một nhà báo của Bloomberg bị đánh phải đưa vào bệnh viện nhân buổi tập hợp «hoa lài» gần đây. Tôi kể lại những điều trên để thấy rõ một điều kiện khách quan nữa đang chín dần, và nó sẽ có ảnh hưởng lớn đến phong trào dân chủ nước ta.
Mong rằng các chiến sĩ dân chủ nước ta sẽ có sự kiên nhẫn, bình tĩnh của một bác sĩ hộ sinh, khi bà mẹ chưa «chuyển bụng» thì phải biết chờ đợi và chuẩn bị sẵn sàng để đón đứa trẻ sơ sinh. Nhất định nó sẽ ra đời !
Xin mọi người nhớ rằng: Thời cơ chỉ đến với những ai chờ đợi sẵn !
Moskva ngày 06,03.2011
Nguyễn Minh Cần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét