Roma, Italia – 2. Tại sao nhân quyền không được bảo đảm trong chế độ CS?
Chúng tôi đã bàn luận khá dài dòng sự khác biệt về quan niệm Luật Pháp giữa ý thức hệ dân chủ – tự do – nhân bản và ý thức hệ CS hay XHCN.
Chúng tôi cũng đã vượt quá lãnh vực chính trị, luật pháp khi mượn những trích dẫn tôn giáo để bàn luận thêm cho đề tài. Sự dài dòng trên của chúng tôi có thể được tha thứ, nếu chúng ta xét đến tầm quan trọng của câu xác định:
Nhân quyền có được bảo đảm hay không là do chính quan niệm về Luật Pháp và về nguồn gốc của nhân phẩm và các quyền căn bản bất khả xâm phạm của con người.
Như trên chúng tôi đã có dịp đề cập, nếu các Quốc Gia dân chủ và nhân bản Tây Âu quan niệm rằng:
– “Tất cả mọi người đều được dựng nên bình đẳng như nhau. Tất cả đều được ban cho một số quyền bất khả nhượng (Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776).
– Hay “Các Đại Diện đồng thanh tuyên bố rằng các quyền của con người do Thiên phú, bất khả nhượng và cao quý…” ( Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân Cách Mạng Pháp Quốc 1789),
thì thái độ tự nhiên của Quốc Gia là:
– “… nhận biết (riconosce) và bảo vệ (garantisce) các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần cộng đồng tổ chức xã hội, nơi con người phát huy nhân cách của mình” (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Hoặc “Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó ” (Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Bởi vì đó là nền tảng, trên đó
– ” …nền tảng mọi cộng đồng nhân loại, của cuộc chung sống hoà bình và công chính trên thế giới được xây dựng” (Điều 1, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Nói cách khác, nhân phẩm và các quyền và tự do căn bản bất khả xâm phạm liên hệ mật thiết với phẩm giá con người,
- không phải là sản phẩm của của một ý thức hệ, của một tổ chức xã hội,
- càng không thể là chỉ là quan niệm “thượng tầng cấu trúc” của một nền tảng vật chất kinh tế “hạ tầng“.
Con người với nhân phẩm của mình và các quyền căn bản bất khả xâm phạm liên hệ là một thực tại
– “do Thiên phú, bất khả nhượng và cao quý “
– hay ” …được dựng nên bình đẳng như nhau…, được ban cho một số quyền bất khả xâm phạm“.
Con người với nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng như vừa kể là thực thể hiện hữu có trước tổ chức Quốc Gia.
Quốc Gia chỉ là một phương thức tổ chức xã hội, để con người có được cuộc sống cộng đồng với nhau, hỗ tương nhau, hoạt động của người nầy liên hệ làm lợi ích cho chính mình và cho người khác.
Quốc Gia không tạo ra con người mà là quy tụ nhiều người để tổ chức thành cuộc sống cộng đồng.
Quốc Gia không tạo dựng ra nhân phẩm và các quyền căn bản liên hệ bất khả xâm phạm của con người. Nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của con người có trước Quốc Gia, bởi đó Quốc Gia có bổn phận phải “nhận biết và bảo vệ “:
Con người với nhân phẩm của mình do “Thiên phú” , “được dựng nên bình đẳng như nhau” đó không tùy thuộc ở Quốc Gia, không cần Quốc Gia ban cho mới có.
Quốc Gia được tổ chức để phục vụ con người,
– “Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người… ” (Điều 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
– Hay “Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó” (Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Và hậu quả đương nhiên của việc Quốc Gia nhận biết bổn phận của mình là “nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người” hay “kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó“ là Quốc Gia, để làm tròn nhiệm vụ của mình, phải đứng ra tạo các cơ chế và thể thức để
– biến các quyền bất khả xâm phạm đó thành hiện thực,
– bảo đảm chống mọi lấn áp, vi phạm bất cứ từ đâu đến
– và tạo điều kiện để con người có thể phát triển được chính mình.
– “Các bổn phận của Quốc Gia được kể đến trong các điều khoản nầy (các điều khoản về nhân quyền) sẽ được các cơ quan và tổ chức được thiết lập để chu toàn và bổ khuyết” (Điều 38, đoạn 4 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc), hoặc
– “Các quyền căn bản được kể sau đây có hiệu lực bắt buộc đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp, như là những quyền có giá trị bắt buộc trực tiếp” (Điều 1, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Đó là quan niệm về Luật Pháp và con người với nhân phẩm và các quyền căn bản của mình trong tổ chức các Quốc Gia dân chủ, tự do và nhân bản Tây Âu.
Luật Pháp của các thể chế XHCN không có cùng một ý nghĩa như chúng ta vừa kể.
Đối với Ý Thức Hệ Cộng Sản, Luật Pháp là kết quả “thượng tầng cấu trúc” của cơ cấu kinh tế ở hạ tầng.
Luật Pháp không có gì cố định, tùy thuộc vào ý muốn và nhu cầu của giới hành quyền để chiếm lấy và giữ vững mục đích quyền lực chính trị cũng như kinh tế.
Con người, nhân phẩm, các quyền và tự do bất khả xâm phạm liên hệ đến nhân phẩm không phải do “Thiên phú” , “…được dựng nên bình đẳng như nhau…”.
Những gì con người có được là do giai cấp thống trị hay đảng CS quyết định, ban cho và chưa thu hồi.
Hiến Pháp không phải là văn kiện nền tảng bảo chứng cho người dân “nhằm giới hạn mọi cách sử dụng quyền hành tự tung tự tác và bảo đảm một chính quyền có giới hạn” (Giovanni Sartori, op. cit., id.), mà là
– “Dân chúng Sô Viết (đảng Cộng Sản Sô Viết), được hướng dẫn bằng các tư tưởng cộng sản chủ nghĩa khoa học và trung thành chính với các truyền thống cách mạng… định chắc nền tảng của chế độ xã hội và chính trị của Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết, thiết định (stabilire) các quyền, tự do và bổn phận bó buộc đối với người dân, các nguyên tắc tổ chức và mục đích cho Quốc Gia XHCN của toàn dân” (Tiền Đề Hiến Pháp 1977 CHLBSV, đoạn VI)...
Trong đoạn vừa trích dẫn, chúng ta nên chú ý hai điều:
“Dân chúng Sô Viết “, thành phần có quyền lực trong tay, “được hướng dẩn bằng các tư tưởng cộng sản chủ nghĩa…, định chắc…, thiết định quyền, tự do, bổn phận… nguyên tắc… cho Quốc Gia XHCN của toàn dân…”không đồng nhất với “toàn dân“.
Văn mạch của đoạn Hiến Pháp không viết “Toàn thể dân chúng Sô Viết, được hướng dẫn…, định chắc…, thiết định…của toàn dân…”, mà là “Dân chúng Sô Viết…”, khác với tập thể của những người còn lại “… của toàn dân“.
Điều đó cho thấy rằng, mặc dầu các nước Cộng Sản vẫn tuyên bố kiểu “Dân Chủ Nhân Dân -Cộng Hoà- Xã Hội Chủ Nghĩa“, nhưng trên thực tế nhóm người có thực quyền để “…định chắc…, thiết định các quyền, tự do và bổn phận bó buộc… của toàn dân” chỉ là một nhóm người “dân chúng Sô Viết “. Và nhóm người “dân chúng sô viết” đó không ai xa lạ hơn là chính Đảng CS Sô Viết:
– “Đảng CS Sô Viết là sức mạnh hướng dẫn và định hướng xã hội Sô Viết, là nhân cội của hệ thống chính trị, của các tổ chức quốc gia và xã hội… Đảng Cộng Sản, được trang bị bằng ý thức hệ Marx-Lenin, xác định viễn ảnh tổng quát cho phát triển xã hội, đường hướng chính trị đối nội và đối ngoại của CHLBSV, lãnh đạo hoạt động sản xuất to lớn của nhân dân Sô Viết, tạo ra đặc tính chỉ huy và khoa học dựa trên nền tảng của cuộc đấu tranh để đem lại toàn thắng cho cộng sản chủ nghĩa (Tiền Đề Hiến Pháp 1977, CHLBSV, đoạn XIV) .
Đọc đoạn XIV của Tiền đề và đoạn VI Hiến Pháp 1977 CHLBSV, chúng ta thấy rằng “dân chúng Sô Viết” và “Đảng Cộng Sản” đều
– “được hướng dẫn bằng các tư tưởng cộng sản chủ nghĩa hay được trang bị bằng ý thức hệ Marx-Lenin”
– và có cùng quyền lực như nhau: “định chắc…, thiết định quyền, tự do và bổn phận bắt buộc… các nguyên tắc và tổ chức cho Quốc Gia XHCN hay xác định viễn ảnh tổng quát, đường hướng chính tri đối nội và đối ngoại, lãnh đạo các hoạt động sản xuất, tạo ra đặc tính chỉ huy…”,
trong Quốc Gia Sô Viết.
Do đó chúng ta có thể kết luận rằng hai thực thể vừa kể, có cùng ý thức hệ và quyền hành như nhau trong tổ chức Quốc Gia Sô Viết không có gì khác hơn chỉ là một thực thể duy nhất hay Đảng Cộng Sản.
Nói cách khác, từ ngữ “Dân chúng Sô Viết” được dùng để nói lên tính cách “Dân Chủ Nhân Dân” của các Quốc Gia CS chỉ là một lối nói ngụy tạo, hay ít ra không cùng một ý nghĩa dân chủ trong từ ngữ của chúng ta.
“Dân chúng Sô Viết ” hay Đảng Cộng Sản Sô viết vẫn là một.
Phần dân chúng còn lại trong tổ chức Quốc Gia được gọi là “toàn dân“, trong câu
– “Dân chúng Sô Viết… định chắc…, thiết định quyền, tự do và bổn phận bắt buộc của người dân,… các nguyên tắc và tổ chức Quốc Gia XHCN của toàn dân“.
Như vậy “Dân chúng Sô Viết” và “toàn dân” là hai thực thể khác nhau.
b – Đối với dân chúng hay “toàn dân” trong các Quốc Gia CS, “quyền và tự do cũng như bổn phận bắt buộc” phải do “Dân chúng Sô Viết” hay Đảng Cộng Sản Sô Viết “thiết định” cho mới có.
Các quyền, tự do và bổn phận bắt buộc đó không phải do “Thiên phú “.
Nhân phẩm, các quyền và tự do căn bản liên hệ để cho con người có được một cuộc sống “người cho ra người“, “xứng với nhân phẩm của mình” không phải là những gì liên hệ với con người, gắn liền mật thiết với bản tính con người, mà là những gì Đảng Cộng Sản có quyền “thiết định“, tức là xác định và ban cho mới có.
Nói cách khác, trong ý thức hệ Cộng Sản không có con người với bản tính, nhân phẩm, quyền và tự do từ lúc được sinh ra, mà chỉ có người công dân được ân huệ và có bổn phận bắt buộc do Đảng Cộng Sản ban cho bao nhiêu, lúc nào, trong trường hợp và điều kiện nào đều do Đảng.
Và nếu Đảng Cộng Sản ban cho, họ cũng có quyền cắt xén bớt hay thu hồi tùy hỷ.
Bởi lẽ Đảng không những nắm lấy trong tay uy quyền Quốc Gia, mà Đảng, theo chỉ thị của Breznev, còn là
– ” …về phương diện ý thức hệ Đảng là Bậc Thầy Không Thể Sai Lạc, về phương diện áp dụng thực hành Đảng Thể Hiện Sự Chính Xác Tuyệt Đỉnh, về phương diện trí thức Đảng là ThầnThánh” (Paolo Biscaretti Di Ruffìa, La Costituzione Sovietica, Giuffré, Milano 1990, 24).
Do đó Đảng trên hết, toàn quyền “thiết định” đời sống của người dân.
Vì Đảng “Không Thể Sai Lạc…, Chính Xác Tuyệt Đỉnh…, là Thần Thánh” nên Đảng không chấp nhận chống đối, bàn cãi, góp ý kiến của bất cứ cá nhân hay đoàn thể nào: không ai có thể hơn Đảng được, kể cả Thần Thánh, nên Đảng không chấp nhận đối lập, Đảng không có đối lập.
Ai đi ngược lại Đảng là thành phần phản động, Đảng phải tiêu diệt như đã tiêu diệt Nga Hoàng trong Cách Mạng tháng 10 và đang tìm cách tiêu diệt giai cấp tư bản.
Do đó ai yêu cầu Đảng chấp nhận đa nguyên, đa đảng chỉ là người trình độ ấu trĩ không tưởng, không biết gì về thực chất của Đảng.
Điều chúng tôi vừa kể không có gì đi ngoài quan niệm “Luật Pháp” trong ý thức hệ CS.
– “Luật Pháp” chỉ là cơ cấu “thượng tầng cấu trúc “được Đảng “thiết định” để đáp ứng lại nhu cầu nền tảng vật chất kinh tế bên dưới, là “dụng cụ” được Đảng tạo ra (Đảng là giai cấp đương quyền) để khống chế giai cấp bị trị “toàn dân“.
Hiến Pháp và Luật Pháp được Đảng sáng tạo ra để đáp ứng với nhu cầu kinh tế và quyền hành của Đảng đối với “toàn dân” bị trị, nên Đảng có thể sửa đổi, thêm bớt, loại bỏ hay sáng tạo văn bản mới tùy Đảng, để đáp ứng với đòi hỏi hiện thời. Hiến Pháp và Luật Pháp là dụng cụ để Đảng áp đặt trên giai cấp bị trị, chớ không phải là
” … văn bản luật pháp nền tảng, hay một loạt các nguyên tắc cơ bản, thể hiện một thể chế tổ chức Quốc Gia, nhằm giới hạn mọi cách sử dụng quyền hành tự tung tự tác và bảo đảm một chính quyền có giới hạn” (Giovanni Sartori, op. cit., id.).
Hiểu được như vậy, chúng ta ý thức được tại sao người dân trong các chế độ Cộng Sản không được một bảo đảm nào về nhân phẩm, quyền và tự do căn bản của mình, mặc dầu Hiến Pháp và Luật Pháp của Cộng Sản vẫn kê khai đầy đủ, nếu không muốn nói là thừa thải, bao nhiêu quyền và tự do của người dân.
Nhưng họ kê khai như thế nào và tại sao, đó là điều mà chúng tôi muốn tìm hiểu thêm dưới đây.
Nếu con người trong thể chế dân chủ – tự do – nhân bản của các Quốc Gia tiến bộ Tây Âu là một thực thể, tự bản tính của mình, được dựng nên với nhân phẩm và các quyền cũng như tự do căn bản bất khả xâm phạm, liên hệ với nhân phẩm để con người có được cuộc sống xứng với phẩm giá của mình, thì bổn phận của tổ chức Quốc Gia là
– “nhận biết và bảo đảm các quyền và tự do bất khả xâm phạm” đó (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Mục đích của tổ chức Quốc Gia được thiết lập, không phải là cho chính Quốc Gia, cho Đảng, mà là tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để con người tự do phát triển hoàn hảo chính con người của mình:
– “Bổn phận của Quốc Gia là loại bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại vật trong khi giới hạn thực sự tự do và bình đẳng của người dân, ngăn cản họ phát huy làm triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự thiết thực vào các tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở” (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Đọc đoạn trích dẫn của Hiến Pháp 1947 Ý quốc vừa rồi (và cũng là tinh thần của bất cứ Hiến Pháp Tây Âu nào khác), chúng ta thấy mục đích của Quốc Gia là tiên liệu các điều kiện vật chất (kinh tế), định chế (xã hội), để con người có môi trường thuận lợi
- “…phát huy làm triển nở hoàn hảo con người của mình,
- “… tham dự thiết thực vào đời sống cộng đồng Quốc Gia (tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của xứ sở”.
Nói tóm lại, Quốc Gia được thiết lập để hoạt động phục vụ con người, như là chủ nhân sở hữu chủ quyền tối thượng của Quốc Gia.
Con người phải được Quốc Gia đặt ở trung tâm điểm và tối thượng trong các hoạt động của mình để phục vụ, mục đích chính mà Quốc Gia được thành lập và tồn tại.
Trong tinh thần dân chủ, tự do, nhân bản của các Quốc gia Tây Âu, người ta bắt buộc Quốc Gia phải hy sinh (quyền hành bị giới hạn và luôn phải hành xử theo luật pháp xác định trước) để phục vụ con người, thay vì hy sinh con người để phục vụ Quốc Gia hay phục vụ ý thức hệ.
Các Quốc Gia theo ý thức hệ Cộng Sản cũng kê khai không thiếu các quyền và tự do của người dân, cũng như nhiều mỹ từ khác nữa. Nhưng mục đích của Quốc Gia CS không phải là con người mà là chính ý thức hệ Cộng Sản. Do đó lối liệt kê của họ không giống cách tuyên bố các quyền bất khả xâm phạm của con người trong thể chế dân chủ tự do.
“Đảng Cộng Sản, được võ trang bằng ý thức hệ Marx-Lenin, xác định viễn ảnh chung cho việc phát triển xã hội… tạo nên tính cách chỉ huy và đặt trên nền tảng khoa học cho cuộc đấu tranh đến toàn thắng của chủ nghĩa cộng sản” (Tiền Đề Hiến Pháp 1977 CHLBSV).
Mục đích của Quốc Gia Cộng Sản: ” …toàn thắng của chủ nghĩa cộng sản“.
Như vậy người cộng sản không ngần ngại hy sinh quyền và tự do của người dân, nếu cần cả mạng sống người dân, để đạt cho bằng được “… toàn thắng của chủ nghĩa cộng sản“.
Đó là lý do tại sao không có gì bảo đảm cho quyền và tự do căn bản của con người trong chế độ cộng sản.
Và với cái nhìn đó, chúng ta thử xem phương thức tuyên bố quyền con người trong Hiến Pháp CHLBSV.
Chúng ta có thể so sánh quyền tự do truyền bá tư tưởng giữa Hiến Pháp 1949 CHLBĐ và Hiến Pháp 1977 CHLBSV chẳng hạn.
“Mỗi người có quyền tự do phát biểu và phổ biến tư tuởng của mình bằng lời nói, sách báo và hình ảnh và có quyền được thông tin, không ai có quyền cấm cản, qua các nguồn truyền thông mà ai cũng có thể hội nhập được. Tự do báo chí và tự do thông tin bằng đài phát thanh và tự do điện ảnh được bảo đảm. Không ai có thể “thiết định” bất cứ một hình thức kiểm duyệt nào.
Các quyền được kể trên đây bị giới hạn bằng các điều luật tổng quát, hoặc các nghị định liên quan đến việc bảo vệ tuổi trẻ và việc bảo vệ con người trong danh dự của mình” (Điều 5, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Nói một cách tổng quát quyền tự do phát biểu và phổ biến tư tưởng không bị một giới hạn nào, không bị một quyền lực kiểm soát nào áp đặt, nếu không phải bởi những luật lệ nhằm “… bảo vệ tuổi trẻ và con người trong danh dự của mình“, tức là để bảo vệ
– ” Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm (Điều 1, đoạn 1, id.).
” Kính trọng và bảo vệ con người“(id.), nhất là đối với những con người yếu thế, và chỉ vì lý do đó, quyền và tự do của một cá nhân mới có thể bị giới hạn. Và giới hạn chưa hẳn là bị truất hữu, xâm phạm.
Và sau đây là quyền tự do phát biểu và truyền bá tư tưởng trong Hiến Pháp 1977 CHLBSV:
– “Phù hợp với lợi ích của nhân dân và với mục đích kiện toàn và bành trướng chế độ xã hội chủ nghĩa, người công dân Liên Bang Sô Viết được bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do quy tụ và biểu tình ngoài đường phố.
Quyền hành xử những quyền chính trị vừa kể được (chính quyền) bảo đảm bằng cách cung cấp cho người dân lao động và các tổ chức của họ cơ sở xã hội, đường xá, công trường, được (chính quyền) rộng rãi truyền bá tin tức và cung cấp cho họ sử dụng báo chí, truyền hình và đài phát thanh” (Điều 50 Hiến Pháp 1977 CHLBSV, đoạn 1 và 2) .
Mới đọc thoáng qua điều 50 vừa kể, nhất là đoạn 2, người đọc có cảm tưởng là người dân CHLBSV được ưu đãi hơn người dân của CHLBĐ, mặc đầu Đức là một trong những Quốc Gia giàu có nhất thế giới. Chính quyền Đức không hề hứa hẹn là sẽ cung cấp cho người dân của họ “cơ sở xã hội (nhà cửa để làm nơi hội họp), đường xá, công trường, đài truyền hình, đài phát thanh” kể cả giấy mực “báo chí“.
Nhưng chúng ta đừng quên chú ý đến những dòng đầu của đoạn 1: “phù hợp với mục đích của nhân dân (dĩ nhiên là” nhân dân sô viết” truớc khi kể đến “toàn dân“, như chúng tôi đã có dịp bàn đến ở trên) và với mục đích kiện toàn và bành trướng chế độ xã hội chủ nghĩa“.
Nói một cách nôm na, nếu người dân muốn được hưởng các quyền “tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp…”, các tự do đó phải “phù hợp với lợi ích của nhân dân”, của Đảng CS trước tiên, rồi đến lợi ích của toàn dân theo thể chế về tổ chức Quốc Gia và quyền hạn con người như Đảng muốn, bởi lẽ Đảng là
– ” …nhân cội của hệ thống chính trị, của tổ chức chính quyền và xã hội… xác định các nguyên tắc tổ chức Quốc Gia… thiết định quyền, tự do và bổn phận ràng buộc đối với dân chúng” và Đảng theo chỉ thị của Breznev “là Bậc Thầy không thể sai lạc…, là sự Chính Xác Tuyệt Đỉnh…, trí thức sáng suốt như Thần Thánh“.
Đi ra ngoài đường lối đó, tức là “không phù hợp với lợi ích của nhân dân“, cá nhân không phải là người dân được Đảng “thiết định” cho quyền, tự do và bổn phận bắt buộc, tức là cá nhân hay tập thể cá nhân đó không phải là người dân thuộc Quốc Gia, mà Đảng là “nhân cội của hệ thống chính trị, của tổ chức chính quyền và xã hội“, tức là không còn có một quyền, tự do và bổn phận nào cả.
Nói cách khác, cá nhân trong Quốc Gia CS được tự do ngôn luận, truyền bá tư tưởng, tự do hội họp, biểu tình…nếu dùng những “quyền và tự do” đó để “phục vụ Đảng”, cũng như “để kiện toàn và bành trướng xã hội chủ nghĩa“.
Nếu không làm nô lệ cho Đảng và xã hội chủ nghĩa, cá nhân đó thuộc thành phần phản động. Và vì là phản động, không “phù hợp với lợi ích của nhân dân và với mục đích kiện toàn và bành trướng xã hội chủ nghĩa”, cá nhân không được hưởng bất cứ một đặc ân nào mà Quốc Gia của Đảng tuyên hứa ở đoạn 2.
Đó là điều đã xảy ra cho những ai chống đối chế độ CS ở Liên Bang Sô Viết trước đây và hiện nay ở Việt Nam. ” …cơ sở xã hội, đường xá, công trường…, đài truyền hình và truyền thanh…giấy bút, báo chí” mà Quốc Gia hứa chỉ còn là ảo tưởng.
Có chăng “…giấy bút, báo chí…” mà họ có được là do họ xuất tiền túi ra để “mua lậu và in chui“.
Chúng ta đừng có ảo tưởng cho rằng chính quyền trong các nước CS thực thi “dân chủ thực hữu” hơn cả chính quyền của một Quốc Gia giàu có như Đức quốc. Bởi lẽ chính quyền Liên Bang Sô Viết cung cấp cả phương tiện vật chất (cơ sở xã hội, đường xá, công trường, truyền hình, truyền thanh và giấy bút, báo chí) để người dân hưởng thụ thực sự quyền tự do ngôn luận, truyền bá tư tưởng và hội họp của mình.
Suy nghĩ chín chắn hơn, chúng ta thấy điều đó không có gì lạ, bởi lẽ trong một Quốc Gia CS như CHLBSV, chính quyền đã thu tóm, quốc hữu hoá mọi phương tiện sản xuất. Nếu chính quyền không đứng ra cung cấp những phương tiện vật chất đó, thì việc Quốc Gia có liệt kê bao nhiêu quyền cũng như không. Đó là chưa kể đồng thời với việc cung cấp các phương tiện vật chất, chính quyền nắm trong tay quyền đặt điều kiện “phù hợp với lợi ích của nhân dân và với mục đích kiện toàn và bành trướng xã hội chủ nghĩa...”.
Với những điều kiện như vậy, người dân “được hoàn toàn tự do làm nô lệ” cho Đảng và mục đích của Đảng, “kiện toàn và bành trướng xã hội chủ nghĩa”.
Đọc những chỉ trích vừa qua đối với cách thức “thiết định” quyền và tự do của người dân, người cộng sản cũng như những người thân cộng sản có thể chỉ trích ngược lại chúng tôi.
Họ có thể cho rằng đặt điều kiện giới hạn đối với quyền và tự do trong cuộc sống cộng đồng Quốc Gia, thể chế nào cũng áp dụng. Bởi lẽ quyền và tự do, trong cuộc chung sống của nhiều người, không thể hiểu là muốn làm gì, làm thế nào cũng được, mà phải hưởng thụ quyền và tự do của mình trong giới mức và theo thể thức được luật pháp ấn định, mà ngôn từ luật học gọi là “dành quyền hạn chế cho luật pháp” (riserva di legge), nếu không xã hội sẽ thành loạn và cuộc sống Quốc Gia sẽ bị tan vỡ.
Đọc bất cứ văn bản Hiến Pháp nào, của các nước CS hay của các Quốc Gia dân chủ Tây Âu, chúng ta đều thấy nhan nhãn đó đây các thành ngữ như “như luật pháp quyết định, theo luật lệ hiện hành…”.
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với lý chứng biện hộ của những người cộng sản. Trong bài “CON NGƯỜI TRONG HIẾN PHÁP CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC” vừa qua, ngoài ra các trường hợp
– “dành quyền hạn chế cho luật pháp” thông thường như vừa kể, người Đức còn dùng đến thể thức
– “dành quyền hạn chế tăng cường đối với luật pháp” (riserva rinforzata di legge), khi họ đưa ra các điều luật để bảo đảm quyền và tự do bất khả xâm phạm của con người, cũng như
– “dành quyền tuyệt đối cho cơ quan tư pháp” (riserva assoluta al potere giudiziario).
Nói cách khác các vị soạn thảo Hiến Pháp 1949 CHLBĐ chưa ngủ yên với thể thức giao phó cho luật pháp quyết định việc bảo vệ quyền và tự do của con người theo các công thức thường lệ “như luật pháp quyết định, theo luật lệ hiện hành…”, mà chính các vị đúng ra giới hạn, bắt buộc luật pháp phải “quyết định,…hiện hành” như thế nào, tức là luật pháp phải
– “… có giá trị phổ quát, chớ không chỉ nhằm trường hợp riêng lẻ”
– “… phải đề cập rõ ràng đến quyền căn bản và trích dẫn điều khoản của Hiến Pháp liên hệ”
– “Không có trường hợp nào trong đó một quyền căn bản bị vi phạm đến nội dung thiết yếu của mình”
– “Ai bị cơ quan công quyền vi phạm đến các quyền của mình, có thể đệ đơn thưa cơ quan đó với cơ quan tư pháp. Bởi lẽ không cần phải có một cơ quan thẩm quyền nào khác, đó là thẩm quyền của cơ quan tư pháp thường nhiệm ...
Các vị cũng cảnh cáo các chính đảng, lợi dụng địa vị và uy thế của mình chống lại thể chế dân chủ, tự do của Quốc Gia, sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật:
– “Các chính đảng hoặc do chủ đích, hoặc do hành vi của các đảng viên thuộc hệ nhằm tấn công và tiêu diệt thể chế dân chủ tự do, hoặc đe dọa sự tồn vong của Cộng Hoà Liên Bang Đức, là những chính đảng bất hợp hiến (Điều 21, đoạn 2, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Còn nữa, các vị cũng tiên liệu các điều kiện gia trọng khó khăn, biến Hiến Pháp thành “cứng rắn” (rigide), khiến cho những ai muốn tu chính, sửa đổi thay thế các điều khoản của Hiến Pháp gặp phải những trở ngại không phải dễ vượt qua:
“Một đạo luật như vừa kể (để tu chính Hiến Pháp) phải được sự đồng thuận của 2/3 thành viên Hạ Viện và 2/3 thành viên Thượng Viện ( Điều 79, đoạn 2, id.).
Và sau cùng các vị cũng quyết định có những điều khoản “bất di dịch“, không thể sửa đổi dù đối với bất cứ hoàn cảnh và điều kiện nào:
“Không thể chấp nhận bất cứ một sự thay đổi nào đối với Hiến Pháp nầy, có liên quan đến sự tương quan giữa Cộng Hoà Liên Bang (Bund) và các Tiểu Bang (Laender), nhất là liên quan đến việc tham gia của các Tiểu bang vào quyền lập pháp hoặc liên hệ đến các nguyên tắc đã được tuyên bố nơi các điều 1 và 20″ ( Điều 79, đoạn 3, id.).
Những điều khoản vừa trích dẫn cho thấy rằng không phải các Hiến Pháp của thể chế dân chủ tự do là những Hiến Pháp mềm nhũng, không xương sống. Thể chế dân chủ cũng biết đặt điều kiện và lằn mức không thể vượt qua cho cuộc sống cộng đồng cũng như chống lại những ai muốn “tấn công và tiêu diệt” mình.
Dân chủ, bình đẳng, bao dung , khoan hồng không thể đồng nghĩa với nhu nhược.
Những điều khoản trên cho thấy hai mục đích mà các vị soạn thảo Hiến Pháp 1949 CHLBĐ (và của bất cứ Hiến Pháp nào của các Quốc Gia dân chủ Tây Âu) nhằm bảo vệ:
– “thể chế dân chủ tự do, sự tồn vong của Cộng Hoà Liên Bang Đức (điều 20)
– và nhân phẩm con người bất khả xâm phạm (điều 1).
Đó là mục đích mà các vị đã nhất quyết bảo vệ bằng bất cứ giá nào, khi viết ra điều 79 vừa kể.
Và nếu chúng ta muốn đi xa hơn nữa, ” …thể chế dân chủ tự do…cũng như sự tồn vong của Cộng Hoà Liên Bang Đức” được các vị tuyên bố bảo vệ, không có mục đích gì khác hơn là để tôn trọng nhân phẩm con người một cách hữu hiệu hơn mà Hiến Pháp tuyên bố kính trọng và bảo đảm ngay ở điều 1 của Hiến Pháp
“Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó (Điều 1, đoạn 1 Hiên Pháp 1949 CHLBD)
Nói tóm lại, việc dùng “điều kiện dành cho luật pháp“, dùng hình thức “điều kiện củng cố thêm dành cho luật pháp“, cảnh cáo các chính đảng, tiên liệu các trường hợp gia trọng để bảo vệ Hiến Pháp hay khẳng định những điều khoản bất di dịch nào đó là để quyền và tự do con người được bảo đảm.
Các phương thức đó cần nhưng chưa đủ. Điều quan trọng quyết định là thể chế Quốc Gia nhằm phục vụ con người hay phục vụ Đảng, Quốc Gia và ý thức hệ.
NGUYỄN HỌC TẬP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét