(5-11-2011 tại Melbourne)
Nguyễn Thế Phong
Năm 1996, tôi đuợc mời nói chuyện với tư cách diễn giả cho một phiên họp đặc biệt của Hội Đồng Các Giáo Hội tại Victoria (Council of Churches) bao gồm các vị lãnh đạo tinh thần các giáo hội Kitô giáo tại Melbourne. Cử toạ gồm có các vị Tổng Giám Mục, Giám mục, Thượng phụ, linh mục, mục sư v.v... Đề tài được trao cho tôi là: “Should the Church butt-out of politics?” Là một giáo dân bình thường được mời để nói về một đề tài hệ trọng như thế này cho một cử toạ uy quyền và quan trọng như thế quả là một điều tôi chưa từng dám nghĩ đến chớ nói chi đến việc thuyết trình!
Tôi đã khởi đầu buổi nói chuyện bằng một câu hỏi và định nghĩa về vai trò và trách vụ của hai chữ “Mục tử” (người chăn chiên, hay mục đồng). Tôi cũng dẫn chứng lời chúa Giêsu đã nói: “Người mục tử đích thật và tốt lành là người mục tử dám hy sinh mạng sống của mình vì đoàn chiên” như là một thước đo và là một tiêu chuẩn dùng để đánh giá một mục tử đích thật và chơn chánh. Ngược lại chúa Giêsu cũng đã ví những mục tử giả hiệu như những người, khi thú dữ tới thì họ bỏ mặc đoàn chiên để chạy thoát lấy thân.
Thứ đến tôi phân tách và nhấn mạnh về một câu nói khá phổ biến trong các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo rằng: “Là những người tu hành, chúng tôi không làm chánh trị” và điều này đã dẫn đến tình trạng chính phủ Úc tuyên bố rằng “Quý vị không nên can dự vào việc của chánh trị, thậm chí nên tránh xa chánh trị “You should butt-out of politics.” Ý họ muốn nói rằng vai trò của linh mục, giám mục, tu sĩ là cho cho phần hồn (spiritual matters) nên hãy để cho chính phủ lo phần xác.
Tôi đã đưa ra một tình trạng đơn giản đó là: Khi bầy cho sói tấn công để ăn thịt bầy chiên, người mục tử chẳng những không cản ngăn, không đóng cửa chuồng, không đánh đuổi hay cản ngăn bầy sói nọ mà chỉ xác định với bầy sói nọ rằng: ta chỉ là kẻ chăm sóc phần hồn, phần xác không thuộc phần trách nhiệm của ta, các ngươi cứ tự tiện, miễn là cho ta được phép xức dầu và cầu nguyện cho những con chiên này là đủ vì đó là bổn phận và vai trò của ta là linh mục.
Chữ “linh mục” chẳng có nghĩa là “mục tử của linh hồn” đó hay sao? Tôi đã thưa với các vị lãnh đạo Ki Tô giáo rằng: nếu quý vị có thể tách hồn ra khỏi xác được thì quý vị có quyền chỉ là linh mục mà thôi. Nhưng nếu không làm được điều đó thì quý vị có bổn phận phải lo cho phần xác của con người vì cả xác và hồn mới làm nên con người sống – con chiên sống. Các linh mục, vì thế, không còn có một chọn lựa nào khác hơn là phải xem việc đấu tranh chánh trị (chứ không phải là làm chánh trị gia, nắm quyền), phải xem việc đấu tranh cho môi trường và cuộc sống của tín hữu mình là một bổn phận thiêng liêng và cao cả của thiên chức linh mục. Nếu phải chết, tù đày để làm điều đó thì cũng phải làm vì tiêu chuẩn chú Giêsu đã đưa ra để đánh giá một linh mục có thật xứng đáng gọi là một linh mục hay không ở chỗ vị ấy có dám hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ đàn chiên hay không!
Vài ngày sau đó, hội đồng giám mục Úc châu đã trả lời với báo chí Úc rằng: Chính phủ và các chánh trị gia phải “butt–out” ra khỏi trách nhiệm và bổn phận của giáo hội đó là lên tiếng bênh vực và bảo vệ cho quyền lợi của các con chiên mà giáo hội đang là mục tử!
Tôi đã vô cùng sung sướng và hãnh diện khi đọc được những bài giảng của linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh trong tuyển tập 30 mươi bài giảng của ngài tại VN. Tôi vui mừng vì Ngài đã hiểu đúng và thấu đáo vai trò linh mục của mình. Sống trong một xã hội mà lúc nào cũng có người rình rập và sẳn sàng bỏ tù những linh mục dám lên tiếng nói sự thật và đòi hỏi công lý và nhân quyền, hành động và lời giảng của cha Tỉnh trở nên anh dũng và có giá trị vô biên. Gương bắt bớ, tù đày của linh mục Nguyễn Văn Lý và của người tín hữu Tin lành Lê Thị Công Nhân đã không làm cho cha chùn bước, trái lại càng làm cho Ngài mạnh dạn hơn lên, thông hiểu hơn và xác tín hơn sứ mệnh và vai trò của một linh mục và bổn phận người con dân Việt của mình nhiều hơn nữa. Như cha Nguyễn Hữu Lễ ở hải ngoại đã tuyên bố: “Trước khi là linh mục tôi là người VN” Cha Lý, Cha Lợi, Cha Lễ, Cha Khải, Cha Tỉnh, Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là những người đã hiểu đúng và chính xác vai trò của giáo hội, của giám mục, linh mục, tu sĩ và của giáo dân Công Giáo VN đối với đồng bào và đất nước.
Đối với tôi, bài giảng “Tỏa Sáng Niềm Tin” (trang 186-195) của cha Tỉnh đã nói lên được tất cả những gì cần phải được chia xẻ, xác định và xác tín cho các nhà lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ của GHCGVN và giáo dân Công Giáo VN trong cũng như ngoài nước về vai trò, bổn phận và trách nhiệm của mình đối với đồng bào và đất nước thân yêu hiện nay.
Cha Tỉnh đã giảng rằng: “Đức Giê-su không phải là một nhà hùng biện nói thật hay để ta nghe cho sướng tai, không phải là một nhà trí thức siêu đẳng với những pho sách dày cộm làm ta lác mắt, không phải là một lý thuyết gia đưa ra những tư tưởng lỗi lạc khiến chúng ta sững sờ. Không, Ngài là Thiên Chúa làm người để cứu độ con người. Và để đạt được mục tiêu đó, Ngài đã chấp nhận trả giá ‘Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình’ (John 15,13). Đây không phải là một công thức khô khan trừu tượng, nhưng là một nguyên tắc Đức Giê-su đã áp dụng cho chính mình qua cuộc thương khó và cái chết trên thập giá mà Hội Thánh tuởng niệm một cách đặc biệt long trọng mỗi năm một lần trong suốt cả Tuần Thánh” .
Cha đã dùng hai tấm gương và cuộc thương khó hy sinh của hai người Kitô hữu VN để làm ví dụ điển hình đó là: Ls Lê Thị Công Nhân, tín hữu Tin Lành và Cha Ta-đê-ô Nguyễn Văn Lý. Cả hai, thể theo ngài “thay vì đi con đường trơn tru suông sẽ mà bao người vẫn đi, đã chọn con đường gai góc, con đường đấu tranh, con đường thánh giá”. Cô Nguyễn Thị Công Nhân, tốt nghiệp cử nhân luật ở tuổi 22, hai năm sau đã là thành viên của luật sư đoàn Hà Nội và luật sư đoàn quốc tế, cô đã có nhiều điều kiện thuận lợi để thành đạt trên đường đời. Nhưng vì lợi ích dân tộc, cô chấp nhận quên mình, chấp nhận dấn thân vào con đường tranh đấu cho tự do dân chủ, chấp nhận tù đày và mất trọn tương lai và sự nghiệp. Riêng về cha Lý, cha Tỉnh viết: “nếu chấp nhận làm một ông cha xứ ngoan ngoãn: hăng hái thì tham gia sinh hoạt trong Ủy Ban Đoàn Kết để dễ bề thăng quan tiến chức, không nữa thì ít là đừng chọc phá Nhà Nước, chuyện trên trời thì tha hồ mà nói, chuyện dưới đất, chuyện xã hội thì hoặc là đừng nói, hay có nói thì nói chung chung, vô thuởng vô phạt. Nếu thế thì giờ này, ít ra Cha cũng được một chân hạt trưởng. Nhưng tội của Cha là đã sớm nhận ra khuôn mặt thật của chế độ, rồi công khai bày tỏ ý kiến, lập trường của mình.” Cha Tỉnh tuyên bố ngài hoàn toàn đồng ý với biểu ngữ cha Lý đã dăng ra “Tự do tôn giáo hay là chết” vì theo Ngài, tự do tôn giáo không có nghĩa là tự do xây nhà thờ, xây trung tâm mục vụ hay xây trung tâm hành hương, không phải là tự do truyền chức linh mục, tự do tổ chức lễ (PHẦN HỒN) hay tự do đi ra nước ngoài mà tự do tôn giáo đích thực phải là tự do PHỤC VỤ CON NGƯỜI (PHẦN XÁC) tự do tham gia vào các công tác giáo dục, y tế, xã hội, bênh vực cho người dân nghèo không có ruộng cày, không còn đất sống, cho phụ nữ và trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục, cho hằng triệu thai nhi bị giết mỗi năm, cho xã hội ngày càng mục nát, băng hoại, cho những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ nối tiếp nhau vào tù, cho đất đai và biển đảo của tổ quốc cứ từ từ lọt vào tay Trung Quốc để một lần nữa dân tộc trở thành nô lệ.
Tôi vô cùng tâm đắc với lời tuyên bố sau đây của cha Tỉnh: “Thế thì cái tự do tí tẹo còn lại mà tôn giáo được hưởng kia chỉ biến tôn giáo thành một thứ đồ trang trí cho chế độ, thành cái xác không hồn, và cuối cùng thứ tự do đó dẫn tôn giáo đích thực đến chổ chết”. Cha nói, chính xác tín này đã dẫn cha Lý từ chỗ tranh đấu cho tự do tôn giáo đến việc tranh đấu cho tự do dân sự và tự do cho mọi người. Là vì cuối cùng, cha Tỉnh kết luận “tôn giáo chỉ có thể thực sự tự do khi dân tộc được hoàn toàn tự do”.
Cha Tỉnh cũng khẳng định rằng tại VN ngày nay, đối với độc tài CSVN chỉ có một con đường duy nhất đó là tranh đấu trực diện chứ đừng mong thành công trong việc đối thoại và hợp tác với chế độ này. Ngài nói: “Nếu chỉ nói chuyện trời nắng trời mưa thì không bõ, còn muốn nói những điều nên nói, những điều cần nói, những điều phải nói bằng bất cứ giá nào, thì chỉ cần nhớ lại cảnh cha Lý bị bịt miệng là ta hiểu ngay mình có được để cho nói hay không”.
Cha Tỉnh kết thúc bài giảng của ngài bằng lời của đức giáo hoàng Phao-lô VI: “CON NGƯỜI THỜI ĐẠI NGÀY NAY KHÔNG CẦN NHỮNG THẦY GIẢNG, MÀ CẦN NHỮNG CHỨNG NHÂN ĐÍCH THỰC CỦA TIN MỪNG”. Chí lý thay!
Mong sao các giám mục, linh mục, các tu sĩ nam nữ và mọi tín hữu của giáo hội Công giáo nhận chân ra được rằng “con đường của tranh đấu chính là con đường của Thập giá”, không còn con đường nào khác để họ chọn lựa vì chính Chúa Giêsu cũng đã phải chọn con đường ấy để cứu vớt nhơn loại.
“Áo mặc không qua khỏi đầu - Tớ không thể hơn chủ”.
Cầu mong sao các giám mục,linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân còn lại của GHCG-VN cũng sẽ dấn thân làm trọn vai trò và bổn phận thiêng liêng và bất khả phân ly HỒN-XÁC của mình đối với đồng bào và Tổ Quốc VN thân yêu dù phải hy sinh sự an nguy cũng như mạng sống của mình để xứng đáng là những người Kitô hữu đích thực. Nếu được như thế thì quả thật Giáo Hội Công Giáo VN mới thật sự trở thành TIN MỪNG cho dân tộc và đồng bào thay vì trở thành một loại TIN MỪNG...HỤT cho số phận vốn đã quá hẩm hiu và đau khồ của giáo dân Công Giáo VN và gần 90 triệu người dân nghèo trong nước, chưa kể đến hiểm hoạ MẤT NƯỚC đang xảy ra, vì Nước đã mất thì Đạo cũng chẳng còn.
Xin mọi người VN, đặc biệt là hàng giáo phẩm, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và người Công Giáo VN hãy xem qua và nghiền ngẫm những bài giảng vô cùng chính xác và thiết tha này của Lm. Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, không phải chỉ để khen hay suy nghĩ mà là để LÀM và SỐNG một điều gì đó CỤ THỂ cho đồng bào và dân tộc và để CỨU NGUY TỔ QUỐC. Trân trọng kính chào toàn thể quý vị.
Nguyễn Thế Phong
Anh Nguyễn Thế Phong, cựu thuyền nhân Galang, học trường dòng, ra làm thầy, nhưng vì còn nặng nợ đời nên bỏ áo tu “nhập thế” lập gia đình, làm chuyện xã hội. Anh là cựu Chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng đồng Người Việt Tự do tiểu bang Victoria (Úc châu), hiện là đương kim Chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng đồng Người Việt Tự do Liên bang Úc Châu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét