Bác Sĩ Ngô Thế Vinh
Ảnh : www.ngothevinh.com
Bài viết sau đây của tác giả Ngô Thế Vinh cung cấp cho bạn đọc những thông tin không chỉ về chuỗi 14 con đập bậc thềm Vân Nam mà là một cái nhìn toàn cảnh về những bước khai thác hủy hoại trên suốt chiều dài của dòng sông kể cả khúc hạ lưu với thêm 11 con đập mới. Theo tác giả, nan đề của Việt Nam thế kỷ 21 là tham vọng bành trướng vô hạn, liên tục của Trung Quốc đang từng bước “Tây Tạng hóa” biển Đông, khống chế toàn con sông Mekong.
Gửi Nhóm bạn Cửu Long
LỜI DẪN_ Dư luận mới đây lại một thoáng xôn xao khi có phúc trình của Liên Hiệp Quốc đề cập tới con đập mẹ Xiaowan/ Tiểu Loan cao nhất thế giới vừa hoàn tất, cùng với những tác hại của chuỗi đập Vân Nam như một “mối đe dọa duy nhất-lớn nhất / the single greatest threat”đối với hệ sinh thái sông Mekong. Báo chí trong nước có vẻ đang được phép mạnh dạn lên tiếng “Hãy Cứu Sông Mekong” dĩ nhiên với rất ít đụng chạm tới nước lớn Trung Quốc mà chỉ với các nước láng giềng nhỏ như Thái Lan, Lào, Căm Bốt khi nói tới nguy cơ thêm 11 con đập thủy điện chắn ngang dòng chính sông Mekong khúc Hạ Lưu. Rất đáng lưu ý là Trung Quốc đã có liên hệ trực tiếp đầu tư tới 4 trong số 11 con đập ấy, không kể 14 con đập bậc thềm Vân Nam đã là sở hữu của riêng họ.
Nhưng không lẽ chờ tới năm 2009, sắp qua đi thập niên đầu của thế kỷ 21, đứng trước “sự đã rồi”giới khoa học trong nước mới “dè dặt” lên tiếng bày tỏ mối quan ngại về việc Trung Quốc xây đập và hồ chứa nước trên thượng nguồn sông Mekong. Đối với các nhà hoạt động môi sinh bên ngoài, trong đó có “Nhóm Bạn Cửu Long” họ đã biết rõ và liên tục lên tiếng báo động từ hơn một thập niên qua về hiểm họa các dự án xây đập của Trung Quốc và cả các con đập hạ lưu.
Với sự đồng ý của tác giả, RFI và báo Khởi Hành cùng giới thiệu bài viết mới của bác sĩ nhà văn Ngô Thế Vinh, tác giả 2 cuốn Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin không chỉ về chuỗi 14 con đập bậc thềm Vân Nam mà là một cái nhìn toàn cảnh về những bước khai thác hủy hoại trên suốt chiều dài của dòng sông kể cả khúc hạ lưu với thêm 11 con đập mới. Cũng để thấy rằng nan đề của Việt Nam thế kỷ 21 là tham vọng bành trướng vô hạn không ngưng nghỉ của nước lớn Trung Quốc đang từng bước “Tây Tạng hóa” biển Đông, khống chế toàn con sông Mekong và đã cắm được mũi dao nhọn vào cuống họng Tây Nguyên vốn là một địa bàn chiến lược sinh tử của Việt Nam.
TIN CHẤN ĐỘNG: THÊM 11 CON ĐẬP HẠ LƯU
“Cứu Lấy Sông Mekong”, đó là tiêu đề của một kiến nghị mới đây được dịch ra 7 thứ tiếng với hơn 15000 chữ ký (18-06-2009) được gửi tới thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cùng với các chánh phủ khác trong lưu vực như Lào, Căm Bốt, Việt Nam, bày tỏ mối quan ngại về dự án chuỗi 11 con đập Hạ Lưu chắn ngang dòng chính sông Mekong, nhất là với hai con đập Ban Koum 2330 MW và Pak Chom 1079 MW của Thái Lan. Kiến nghị trên đã không được gửi tới Bắc Kinh mặc dù Trung Quốc đã và đang xây những đập thủy điện Vân Nam lớn hơn các dự án vùng Hạ Lưu rất nhiều, và ngay cả trong số 11 dự án đập Hạ Lưu, đã có 4 con đập do các công ty Trung Quốc trực tiếp đầu tư vào.
“Nỗi Sợ Hãi Trung Quốc/ Sinophobia” có thể nói là mẫu số chung của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Đâu phải là bất ngờ mà nẩy ra kế hoạch 11 con đập lớn Hạ Lưu chắn ngang dòng chính sông Mekong. Đó là một tiến trình phát triển liên tục từ nhiều năm, khi nhanh khi chậm, do cấu kết của các công ty tư bản xây đập với các chánh phủ độc tài trong vùng. Phản ứng ồn ào của các nhóm cư dân liên hệ và cả những nhà hoạt động môi sinh chỉ có giá trị biểu trưng chứ không có thực lực đối trọng để có thể ngăn chặn hay thay đổi tiến trình ấy.
Cách đây hơn hai năm, theo tin báo The Nation Bangkok (04/11/2007), bộ Năng lượng Thái cho tiến hành khảo sát tính khả thi của dự án đập thủy điện khổng lồ Ban Koum công suất 2230 Megawatt chắn ngang dòng chính sông Mekong nơi tỉnh Ubon Ratchathani đông bắc Thái với dự trù kinh phí lên tới 2,5 tỉ Mỹ kim.
Theo Prakob Virojkut, viện trưởng đại học Ubon Ratchathani, dự án này sẽ bị các quốc gia láng giềng như Lào, Căm Bốt và Việt Nam chống đối. “Chẳng phải dễ dàng để thực hiện một công trình xây đập lớn như vậy do những ảnh hưởng rộng rãi trên địa phương và liên quốc gia”. Lào sẽ là quốc gia đầu tiên chống dự án này vì ảnh hưởng tới dịch vụ bán điện của Lào sang Thái Lan. Lào vẫn được coi như một “xứ Kuwait thủy điện” của Đông Nam Á.
Đa số cư dân Thái đều có thái độ chống đối dự án đập vì họ đã từng trải qua kinh nghiệm đắng cay về con đập Pak Moon 15 năm trước đây. Pak Moon là một con “đập-dòng-chảy / run-of-river” trên sông Moon, phụ lưu sông Mekong, cao 17m, hoàn tất tháng 11/1994 với công suất 136 MW là con đập đầu tiên có thang cá / fish ladder, nhưng cá đã chẳng có trí thông minh như người để biết “leo thang” về nguồn. Đập Pak Moon rõ ràng là một thất bại toàn diện về điện năng với thêm bao nhiêu tác hại cho nguồn cá và môi sinh đến mức cư dân Thái đòi hỏi phá con đập.
Không phải là mới, các dự án đập thủy điện chắn ngang sông Mekong vùng Hạ lưu đã có từ thời Ủy Ban Sông Mekong. Cũng vị trí những con đập ấy đã được các cơ quan tham vấn Canada và Pháp tái đề xuất và Ban Thư Ký Sông Mekong ấn hành năm 1994. Đây sẽ là một chuỗi “đập-dòng-chảy” cao từ 30 tới 40 mét, gồm chuỗi những hồ chứa với tổng chiều dài khoảng 60 km, và sẽ có khoảng 57000 dân phải di rời. Nhưng rồi các dự án ấy bị gác lại vì quá tốn kém và cả do mối e ngại về tác hại rộng rãi trên môi sinh.
Kể từ đầu năm 2006, các công ty Thái Lan, Mã Lai và Trung Quốc – lại vẫn Trung Quốc, lại được phép tiếp tục thực hiện những cuộc khảo sát về tính khả thi của 6 con đập, sau đó tăng lên tới 11 con đập vùng Hạ Lưu, bao gồm từ bắc xuống nam:
Bản đồ những con đập trên dòng chính sông Mekong
Nguồn: www.internationalrivers.org
1/ Đập Pak Beng, Lào 1320 MW; bảo trợ dự án: công ty “Trung Quốc” Datang International Power Generation Co. và chánh phủ Lào.
2/ Đập Luang Prabang, Lào 1410 MW; bảo trợ bởi Petrovietnam Power Co. và chánh phủ Lào.
3/ Đập Xayabouri, Lào, 1260 MW, tỉnh Xayabouri, Lào; bảo trợ bởi công ty Thái Lan Karnchang và chánh phủ Lào.
4/ Đập Pak Lay, Lào, 1320 MW tỉnh Xayaburi; bảo trợ bởi công ty “Trung Quốc” Sinohydro Co. tháng 6, 2007 để khảo sát của dự án.
5/ Đập Xanakham, Lào, 1000MW; bảo trợ bởi công ty “Trung Quốc” Datang International Power Generation Co.
6/ Đập Pak Chom, biên giới Lào Thái, 1079 MW
7/ Đập Ban Koum, biên giới Lào Thái, 2230 MW, tỉnh Ubon Ratchathani; bảo trợ bởi Italian-Thai Development Co., Ltd và Asia Corp Holdings Ltd. và chánh phủ Lào.
8/ Đập Lat Sua, Lào, 800 MW; bảo trợ bởi Charoen Energy and Water Asia Co. Ltd. /Thái Lan và chánh phủ Lào.
9/ Đập Don Sahong 360 MW, tỉnh Champasak, Lào: được bảo trợ bởi công ty Mã Lai Mega First Berhad Co.
10/ Đập Stung Treng, Cam Bốt, 980 MW; bảo trợ bởi chánh phủ Nga
11/ Đập Sambor, Cam Bốt; bảo trợ bởi công ty “Trung Quốc”/ China Southern Power Grid Co. / CSGP.
Bắc Kinh đã sở hữu 14 con đập bậc thềm Vân Nam hoàn toàn trong lãnh thổ Trung Quốc, nay lại có mặt thêm nơi 4 / 11 dự án thuộc khu vực Hạ Lưu, đó là các con đập Pak Beng, Pak Lay, Xanakham, Sambor.
Riêng Việt Nam (Petrovietnam Power Co.) thì bảo trợ cho dự án đập Luang Prabang 1410 MW. Do chỉ thấy lợi lộc ngắn hạn, với chọn lựa theo “tiêu chuẩn nước đôi / double standard”, Hà Nội sẽ chẳng thể còn kêu ca được gì trước Liên Hiệp Quốc khi nói về tác hại của chuỗi đập Mekong đối với Việt Nam.
HÃY CỨU SÔNG MEKONG
Khi mà những lượng giá chi tiết về xã hội và môi sinh của từng con đập không được công khai hoá, thì đã có nhiều tổ chức và các nhà hoạt động môi sinh nêu rõ những tác hại nghiêm trọng và lâu dài trên hàng triệu cư dân sống bằng nguồn nước nguồn cá của dòng sông Mekong.
Vào tháng 5/2007 hơn 30 nhà khoa học đã cùng một lúc gửi giác thư lên các chánh phủ thuộc lưu vực và Ủy Hội Sông Mekong lưu tâm tới những sự kiện khoa học hiển nhiên về ảnh hưởng tác hại trên ngư nghiệp của con đập Don Sahong ở tỉnh Champasak, Lào. Tương tự như vậy, con đập Sambor, Căm Bốt sẽ chặn cá từ Biển Hồ di chuyển lên thượng nguồn, tác hại nghiêm trọng tới nguồn cá của Căm Bốt, chiếm tới 12% tổng sản lượng quốc gia - GDP.
Kết quả nghiên cứu 2004 của Ủy Hội Sông Mekong đã nhận định việc xây đập cho nhu cầu thủy điện đã coi nhẹ tương lai nguồn cá và ngư nghiệp của sông Mekong. Trái với những rêu rao của các tập đoàn tư bản xây đập cho rằng nếu điều hợp tốt thì có thể giảm thiểu hậu quả tiêu cực từ những con đập nhưng đã không có một biện pháp nào có thể giảm thiểu tác hại trên nguồn cá.
Ủy Hội đã rất thụ động trước sự tái phục hoạt của các dự án đập thủy điện lớn đe dọa tới toàn hệ sinh thái. Không những thế, Ủy Hội đã không có thông báo gì cho cư dân ven sông mối hiểm nguy của những con đập lớn hạ lưu, kể cả tránh phổ biến những tin tức bất lợi với hậu quả tiêu cực của các dự án đập. Với sự bất lực ấy, người ta tự hỏi về tương lai và vai trò tổ chức này có còn hữu ích gì không trong tiến trình bảo vệ dòng Sông Mekong?
Các nhà hoạt động môi sinh kêu gọi tinh thần trách nhiệm cũng như sự trong sáng trong tổ chức liên chánh phủ này. “Ủy Hội cần chứng tỏ là một tổ chức hữu ích cho quần chúng, chứ không phải là cho các nhà đầu tư,” Surichai Wankaew, giám đốc Viện Nghiên Cứu Xã Hội, Đại học Chulalongkorn, nói tiếp, ông mong muốn nhiệm vụ Ủy Hội thay đổi, thay vì “tạo thuận / facilitation” cho việc xây đập, thì nay phải là “diễn đàn / platform” cho cư dân bị ảnh hưởng nói lên mối quan tâm của họ. Cũng trước đó một ngày, đã có hơn 200 tổ chức môi sinh từ 30 quốc gia yêu cầu Ủy Hội và các nhà tài trợ ngưng ngay các dự án xây đập.
Tuy nhiên, Suchart Sirichan Sakul, là thành viên Ủy Hội Quốc gia Mekong Thái Lan lập luận rằng Ủy Hội không có thẩm quyền để cấm hay cho phép xây các con đập. Ông nói tiếp: “Tôi sợ rằng các tổ chức phi chánh phủ đã hiểu lầm về sự kiện rằng chúng tôi chỉ là một tổ chức tham vấn nên không có quyền “nói có hay không” với bất cứ một dự án xây đập nào. Các nhà hoạt động môi sinh nên nhắm vào chánh phủ của chính quốc gia có dự án xây đập.
Thêm kháng thư gửi Ủy Hội Sông Mekong và các Cơ quan Tài trợ nhân cuộc họp tại Siem Reap vào ngày 15/11/2007: “Chúng tôi, những nhóm công dân viết lá thư này để bày tỏ mối quan tâm về sự tái phục hoạt các chương trình xây đập trong vùng Hạ lưu sông Mekong, cùng với sự bất lực của Ủy Hội thực hiện Thỏa Ước Mekong 1995 trong tình hình nghiêm trọng hiện nay. Chúng tôi được biết các chánh phủ Thái, Lào và Căm Bốt đã cho phép các công ty Thái Lan, Mã Lai và Trung Quốc – lại vẫn Trung Quốc, thực hiện các cuộc khảo sát về tính khả thi 6 con đập thủy điện lớn vùng Hạ lưu sông Mekong. Đây cũng chính là 6 địa điểm đã được các cơ quan tham vấn của Canada và Pháp đề xuất từ 1994, nhưng kế hoạch lúc đó đã không được tiến hành vì bị cho là quá tốn kém và gây hủy hoại môi sinh nghiêm trọng. Trong cuộc hội thảo kỹ thuật lần thứ 6 của Ủy Hội năm 2003 về cá trên sông Mekong, các chuyên gia đã đưa tới kết luận rằng “bất cứ con đập nào trên dòng chính sông Mekong cũng tàn hại trên nguồn cá và vị trí con đập Sambor có thể coi là tệ hại nhất.”
Lẽ ra Ủy Hội có thể lên tiếng khuyến cáo ngăn chặn các dự án xây đập của các quốc gia ven sông nhưng họ thì vẫn cứ im lặng một cách đáng ngạc nhiên. Những cuộc khảo sát của các công ty Thái Lan, Mã Lai và Trung Quốc bao giờ cũng nói tới những lợi lộc của các con đập nhưng lại rất ít quan tâm tới ảnh hưởng lâu dài trên sinh cảnh môi trường và trước mắt là hàng bao nhiêu chục ngàn cư dân ven sông sẽ phải di dời tới một nơi và một tương lai vô định.
Mekong là một con Sông Quốc Tế, với nguồn tài nguyên mà tất cả các quốc gia ven sông đều có quyền cùng chia sẻ chứ không chỉ để phục vụ cho các nhóm tài phiệt hay một quốc gia riêng lẻ nào.
Khi mà không một quốc gia nào còn có quyền phủ quyết theo điều lệ mới của Ủy Hội Sông Mekong 1995, người ta có thể thấy trước được là trong thực tế sẽ vẫn mạnh ai nấy làm và Ủy Hội Sông Mekong chưa hề là một tổ chức đoàn kết có tầm vóc để được coi là đối trọng trong các cuộc tranh chấp với các tập đoàn tư bản và nhất là với nước lớn Trung Quốc.
MỘT THOÁNG ÔN CỐ TRI TÂN
Nhìn lại hơn nửa thế kỷ từ ngày thành lập Ủy Ban Sông Mekong, cũng là thời điểm đánh dấu con sông Mekong trước dồn dập những nguy cơ. Trên trang Web WWF / World Wide Fund for Nature, đã ghi nhận: Mực nước con sông Mekong tụt thấp xuống tới mức báo động kể từ 2004 và trở thành những hàng tin trang nhất trên báo chí. “Trung Quốc làm kiệt mạch sống sông Mekong - New Scientist”; “Sông Mekong cạn dòng vì các con đập Trung Quốc - Reuters AlertNet”; “Xây đập và con sông chết dần - The Guardian”; “Sông cạn do các con đập Trung Quốc - Bangkok Post”. Hầu hết đều mạnh mẽ quy trách nhiệm cho việc xây các con đập thủy điện của Trung Quốc trên khúc sông thượng nguồn. Và cũng chính WWF đặt câu hỏi: Thế nhưng bức tranh toàn cảnh ra sao, từ ngày khai sinh ra tổ chức Ủy Ban Sông Mekong ?
ỦY BAN SÔNG MEKONG
Năm 1957, giữa thời kỳ chiến tranh lạnh, với bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, một Ủy Ban Sông Mekong (Mekong River Committee) được thành lập bao gồm 4 nước Thái, Lào, Căm Bốt và Nam Việt Nam, với kế hoạch đầy tham vọng phát triển toàn diện vùng Hạ Lưu sông Mekong nhằm cải thiện cuộc sống cho toàn thể cư dân sống trong lưu vực. Dù có một nửa chiều dài sông Mekong chảy qua Vân Nam nhưng Trung Quốc lúc đó dưới thời Mao Trạch Đông đang là một quốc gia toàn trị và hoàn toàn khép kín nên không được nhắc tới.
Trước xa Trung Quốc, Ủy Ban Sông Mekong đã có “viễn kiến” đánh giá được tiềm năng thủy điện vô cùng phong phú của con sông nên đã phác thảo kế hoạch xây những đập thủy điện lớn trên dòng chính nơi vùng hạ lưu và đã có các dự án được coi là ưu tiên lúc đó:
- Dự án Pa Mong: cách Vạn tượng 15 dặm và là đập chứa nước chính của hệ thống đập sông Mekong, sẽ kiểm soát lưu lượng toàn con sông ra tới biển Đông. Cung cấp nguồn điện khoảng 2000 MW với hồ nước có chiều dài 210 dặm sẽ dìm sâu một vùng đất đai nhà cửa của khoảng 60000 dân cư phải di rời, nhưng sẽ cải thiện thủy lộ, nâng cao mức sống và phát triển của toàn miền đông bắc Thái.
- Dự án Sambor: cách Nam Vang 140 dặm về phía bắc, trong lãnh thổ Căm Bốt. Công trình sẽ khiến mức nước dâng cao, làm ngập suốt 50 dặm ghềnh thác và mở ra triển vọng giao thông đường sông giữa hai nước Lào và Căm Bốt, công suất lên tới 1000 MW, đủ cung cấp cho nhu cầu kỹ nghệ và dân dụng, đồng thời dùng cho việc bơm tưới các vùng đất đai canh tác thuộc Căm Bốt và Nam Việt Nam.
- Dự án Tonle Sap: là một đập chắn cửa vào Biển Hồ, như một hồ chứa thiên nhiên của con sông Mekong. Cửa đập sẽ mở ra trong mùa lũ để nước chảy ngược vào Biển Hồ tới mức dự trữ cao nhất và sẽ giảm thiểu lũ lụt. Trong mùa khô, cửa đập sẽ lại được mở ra từng phần, duy trì mức sông sâu cho tàu biển vẫn có thể ra vào sông Mekong và đồng thời giảm thiểu lượng nước mặn xâm nhập vào đồng bằng sông Cửu Long, từ đó có thể khai thác thêm các vùng đất đất bỏ hoang vì muối phèn, hạn hán hay lũ lụt. Với mực nước được giữ cao hơn trong mùa nước thấp, sẽ có hiệu quả làm gia tăng lượng cá trong Biển Hồ đang bị sa sút trầm trọng mà cá là nguồn protein chính cho người dân Căm Bốt.
Còn một số địa điểm khác cũng được Ủy Ban Sông Mekong nghiên cứu cho những con đập khác như: Pak Beng, Pak Lay, Luang Prabang, Bang Kan, Thakhek, Pakse ở Nam Lào; Stung Treng ở Căm Bốt...
NHỮNG QUYỀN LỢI MÂU THUẪN
Khi mà mỗi kế hoạch đã ẩn chứa những mâu thuẫn về quyền lợi giữa các nước thành viên, nếu chỉ đứng trên quan điểm quốc gia hạn hẹp.
Một ví dụ liên quan tới dự án Pa Mong rất được Thái nhiệt tình cổ võ không chỉ do tiềm năng thủy điện lớn lao cung cấp cho kỹ nghệ và dân dụng mà còn do kế hoạch bơm tưới cho cả một vùng đông bắc Thái rộng lớn khô cằn với dân cư chiếm tới 2/5 tổng số dân Thái. Nhưng còn hậu quả môi sinh của Pa Mong đối với hai nước hạ nguồn Căm Bốt và Việt Nam ra sao thì đó lại không phải là mối quan tâm của Thái !
Ví dụ thứ hai, dự án Tonle Sap và Sambor rất được Việt Nam quan tâm, ngoài mục đích sản xuất điện, hai hồ chứa này có khả năng điều hòa mực nước hai mùa lũ lụt và khô hạn đồng thời ngăn chặn nước mặn từ biển lấn sâu vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng 2 dự án ấy đã bị Căm Bốt nghi kỵ bắt nguồn từ ám ảnh lịch sử vốn thiếu thân thiện giữa hai nước. Căm Bốt đã không coi vấn đề tăng lượng cá trong Biển Hồ và ngăn lũ là quan trọng nên đã tỏ ý không hợp tác.
Nhưng rồi từ thập niên 60 do cuộc chiến tranh Việt Nam lan ra cả 3 nước Đông Dương nên kế hoạch xây dựng các đập thủy điện lớn vùng Hạ Lưu của Ủy Ban Sông Mekong đã phải gián đoạn và con sông Mekong còn giữ được vẻ hoang dã thêm một thời gian nữa.
Trong khi đó “rất âm thầm nhưng với quyết tâm” từ phía bắc bên Trung Quốc đã mau chóng hình thành những kế hoạch “vĩ mô” khai thác nguồn thủy điện sông Mekong với dự án 7 con đập lớn sau tăng lên 14 con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam (Mekong Cascades) và đã có 4 con đập hoàn tất ngay trong thập niên đầu của thế kỷ 21, để thấy rằng “Trung Quốc tuy đi sau nhưng đã sớm tới trước”.
ỦY BAN MEKONG LÂM THỜI
Chiến Tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, nhưng vẫn còn một cuộc chiến diệt chủng của Khmer Đỏ diễn ra trên Xứ Chùa Tháp. Không có Căm Bốt, chỉ còn một Ủy Ban Mekong Lâm Thời (IMC/ Interim Mekong Committee) với hoạt động hạn chế.
Cũng trong thời gian này, Thái Lan có 2 kế hoạch táo bạo [Kong-Chi-Mun và Kok-Ing-Nan] chuyển dòng sông Mekong đưa một lượng nước lớn vào nội địa Thái không chỉ nhằm “cứu hạn” cho những cánh đồng lúa mà còn tiếp nước cho hồ chứa con đập thủy điện mang tên hoàng hậu Sirikit quanh năm thiếu nước.
Đó là các dự án của riêng Thái, không có trong kế hoạch ban đầu của Ủy Ban Sông Mekong. Khi gặp sự chống đối của Việt Nam, Thái phủ nhận tính cách pháp lý của Ủy Ban Sông Mekong, viện lý do là tổ chức này đã không còn phù hợp với những thay đổi về chánh trị, kinh tế và xã hội trong vùng. Trong điều kiện phân hóa như vậy, Ủy Ban Mekong Lâm Thời hầu như bị tê liệt.
ỦY HỘI SÔNG MEKONG NHƯ MỘT XUỐNG CẤP
Bước vào thời bình do nhu cầu phát triển, sông Mekong đã trở thành mục tiêu khai thác của 6 quốc gia trong toàn Lưu Vực Lớn Sông Mekong. Cùng là những nước ven sông nhưng mỗi quốc gia lại có những ưu tiên về phát triển khác nhau với những quyền lợi mâu thuẫn. Do đó, phục hồi một tổ chức điều hợp liên quốc gia tương tự như Ủy Ban Sông Mekong trước đây là cần thiết.
Ngày 05 tháng 04 năm 1995, 4 nước hội viên gốc của Ủy Ban Sông Mekong đã họp tại Chiang Rai, bắc Thái cùng ký kết một “Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong” và đổi sang một tên mới là Ủy Hội Sông Mekong (Mekong River Commission), với một thay đổi cơ bản trong Hiệp Ước mới này – thay vì như trước đây theo điều lệ của Ủy Ban Sông Mekong, mỗi hội viên có “Quyền Phủ Quyết/ veto power” bất cứ dự án nào bị coi là có ảnh hưởng tác hại tới dòng chính sông Mekong – thì nay, không một thành viên nào có quyền phủ quyết và trong ngôn từ để chuẩn y các dự án thì rất mơ hồ như chỉ qua thông báo và tham khảo. Đại diện Việt Nam là Ngoại Trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đã thiếu thận trọng khi đặt bút ký cho một Hiệp Ước có thể nói là “Không Bền Vững” này, để lại những di lụy cho Việt Nam vì là quốc gia cuối nguồn. Có thể nói Ủy Hội Sông Mekong là “biến thể và xuống cấp” của Ủy Ban Sông Mekong trước kia.
Mỗi quốc gia thành viên đều có một Ủy Ban Mekong Quốc Gia, và Ủy Ban Mekong Việt Nam có một địa chỉ rất nghịch lý: 23 phố Hàng Tre, Hà Nội nơi châu thổ Sông Hồng cách xa đồng bằng sông Cửu Long hơn 1600 km.
Khác với tham vọng chiến lược ban đầu của Ủy Ban Sông Mekong nay mục tiêu của Ủy Hội Sông Mekong có phần rất khiêm tốn và thu hẹp bao gồm: ba Chương Trình Nòng Cốt [Chương Trình Sử Dụng Nước, Chương Trình Phát Triển Lưu Vực; Chương Trình Môi Trường]; năm Chương Trình Khu Vực [Canh Nông, Thủy Lâm, Ngư nghiệp, Giao Thông, Du lịch]; và một Chương Trình Yểm Trợ. (1)
Ủy Hội Sông Mekong được bảo trợ bởi các tổ chức quốc tế và quốc gia, các viện nghiên cứu, và cả hội tư nhân và đón nhận được sự tài trợ lên tới 28 triệu đô la Mỹ năm 2000. Ủy Hội đã hoàn tất được vài thành quả ban đầu như đạt được thỏa thuận chia sẻ thông tin giữa 4 nước thành viên, thiết lập đưa vào sử dụng “mạng lưới internet” tiên đoán lũ lụt và theo dõi dòng chảy mùa khô và nhất là đạt được thỏa ước (04/ 2002) có thể gọi là lịch sử về trao đổi dữ kiện thủy văn [hydrological data exchange agreement] với Trung Quốc.
MỘT TRUNG QUỐC ĐI SAU NHƯNG VỀ TRƯỚC
Sau thời kỳ chiến tranh lạnh, Trung Quốc vẫn là một quốc gia toàn trị nhưng đã mở cửa ra với thế giới bên ngoài và vươn lên như một siêu cường.
Các dự án khai thác sông Mekong của Trung Quốc đã có từ thập niên 70. Mãi tới năm 1989, người ta mới được biết tới các dự án thủy điện qua một cuốn sách tiếng Hoa của nhà xuất bản Vân Nam Nhân Dân Thư Xã dày hơn 600 trang nhan đề “Lan Thương Giang: Tiểu Thái Dương / Lancang Jiang: Xiao Taiyang” gồm 45 bài viết về các đề tài khác nhau, nhưng tựu chung là chỉ đề cập tới những lợi lộc về thủy điện và nguồn nước của chuỗi những con đập trên sông Mekong tỉnh Vân Nam.
Do con sông Mekong từ Tây Tạng xuống Vân Nam chảy rất siết với rất nhiều ghềnh thác có nơi cao hơn 600 mét và được coi là lý tưởng cho việc xây cất một chuỗi những con đập khổng lồ, lại trên vùng thưa dân nên không phải tốn kém trong việc tái định cư các nạn nhân trong vùng xây đập.
Bản đồ những con đập trên dòng chính sông Mekong
Nguồn: www.internationalrivers.org
Vì thiếu ngân sách, nên mãi tới năm 1986, Trung Quốc bắt đầu xây con đập thủy điện lớn đầu tiên chắn ngang dòng chính sông Mekong: (1) Đập Mạn Loan / Manwan cao 126 m, công suất 1500 MW, hoàn tất 1993. Tiếp đến là con đập thứ hai (2) Đập Đại Chiếu Sơn / Daichaosan cao 118 m, công suất 1350 MW, hoàn tất 2003. Rồi con đập thứ ba (3)] Đập Cảnh Hồng / Jinghong cao 107 m 1350 MW, đã hoàn tất 2007. Và gây chấn động nhất mới đây là con đập thứ tư vừa hoàn tất (4): Con đập Mẹ Tiểu Loan / Xiaowan, như một tháp Eiffel 292 mét, cao nhất thế giới, với công suất 4200 MW. Từ mùa hè năm nay 2009, đập Tiểu Loan bắt đầu ào ạt lấy nước từ con sông Mekong vào hồ chứa dài 150 dặm, dự trù phát điện vào năm tới 2010. Đập Tiểu Loan có khả năng cung cấp điện cho tới các tỉnh duyên hải rất xa như Thượng Hải.
Song song với con đập Tiểu Loan, những dự án chuỗi đập lớn Vân Nam khác vẫn được mạnh mẽ triển khai. Đáng sợ nhất là con “khủng long” Nọa Trác Độ / Nuozhadu đang xây cất, dự trù hoàn tất năm 2014, với công suất 5500 MW, gấp 3 lần công suất đập Mạn Loan, với dung lượng hồ chứa 22740 Triệu mét khối / Million Cubic Meter, lớn hơn cả con đập Mẹ Tiểu Loan.
CHUỖI NHÂN TAI TỪ VÂN NAM
Theo Fred Pearce, vào đầu thập niên tới, chuỗi đập Vân Nam sẽ có khả năng giữ lại hơn nửa lưu lượng dòng chảy của con sông Mekong trước khi ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, con sông Mekong đã trở thành “Tháp Nước và Nhà Máy Điện” của riêng họ.(10)
Với hậu quả là nhịp độ “hai mùa khô lũ có từ ngàn năm” của con sông Mekong vốn dũng mãnh sẽ không còn nữa, cái quyền “hô phong hoán vũ” ấy nay đã nằm trong tay các công trình sư Đại Hán điều khiển giàn turbines của các con đập Vân Nam.
Vào tháng 05/2009, Chương Trình Môi Sinh Liên Hiệp Quốc đã phải lên tiếng cảnh báo rằng “chuỗi đập Vân Nam” là “mối đe dọa duy nhất – lớn nhất / the single greatest threat” đối với tương lai và sự phồn vinh của con sông Mekong, sẽ giết chết nhịp đập thiên nhiên của dòng sông vốn như một kỳ quan của thế giới.
Aviva Imhoff, giám đốc truyền thông Mạng Lưới Sông Quốc Tế / IRN đưa ra nhận định: Trung Quốc đang hành xử một cách hết sức vô trách nhiệm. Chuỗi đập Vân Nam sẽ gây ra những tác hại vô lường nơi hạ lưu, gây rối loạn toàn hệ sinh thái con sông Mekong xa xuống tới Biển Hồ, nó như một chuông báo tử cho ngư nghiệp và nguồn cá vốn là thực phẩm của hơn 60 triệu cư dân sống ven sông.
Để độc giả có một ý niệm về tầm vóc của chuỗi đập bậc thềm Vân Nam, ta hãy so sánh với một công trình khác được coi là “rất vĩ đại” của Mỹ: TVA (Tennessee Valley Authority) với hệ thống các đập thủy điện trên con sông Tennessee. Số con đập Vân Nam là 14 trong khi TVA chỉ có 9. Độ dốc của của chuỗi đập Vân Nam là 1500 m, 12 lần cao hơn chuỗi đập TVA; tổng công suất chuỗi đập Vân Nam gấp 13 lần tổng công suất TVA. Như vậy đối chiếu với chuỗi đập Vân Nam thì đại công trình TVA nổi tiếng là vĩ đại bấy lâu của Mỹ nay đã trở thành một bóng mờ. [H.2]
Có dịp đến thăm đập Hoover trên sông Colorado gần Las Vegas, con đập tưởng như vĩ đại cao 221 mét, công suất 2080 MW, nhưng thực ra chỉ lớn hơn con đập Mạn Loan 1500 MW và chưa bằng nửa công suất của con đập Tiểu Loan 4200 MW. Do Mỹ đã tận dụng nước khúc thượng nguồn nên con sông Colorado đã cạn dòng không còn nước để ra tới biển, gây thảm cảnh cho bao nhiêu triệu cư dân Mễ sống nơi cuối nguồn. Phải chăng, đó cũng là tương lai của đồng bằng sông Cửu Long, sông sẽ cạn dòng để thay thế bằng ngập mặn và rồi ra không có một giống lúa hay cây trái nào sống sót được trong biển nước mặn ấy.
Bác Sĩ Ngô Thế Vinh bên chân đập Mạn Loan (02/2002)
Ảnh : do tác giả cung cấp
Rõ ràng trong mấy thập niên vừa qua, Trung Quốc đã không chỉ ào ạt xây thêm và xây thêm nữa những con đập thủy điện khổng lồ chắn ngang dòng chính sông Mekong, mà còn thực hiện kế hoạch phá đá và khai thông các khúc sông ghềnh thác để mở thủy lộ cho các con tàu 700 tấn đi về phương Nam và bất chấp hậu quả dùng sông Mekong làm con đường vận chuyển dầu khí từ giang cảng Chiang Rai lên Vân Nam.(2)
Tất cả đã và đang gây ảnh hưởng tích lũy tới nguồn nước là cá, nguồn phù sa là lúa gạo và cả gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các quốc gia hạ nguồn. Đó là chưa kể tới nguy cơ vỡ đập do Vân Nam là vùng động đất.
Không chỉ đơn giản vì “thiếu mưa”, sự kiện sông Mekong cạn dòng với mực nước đột ngột tụt thấp xuống nơi vùng hạ lưu xuống xa tới tận Biển Hồ năm 1993 và 2003 mà không vào mùa khô, trùng hợp với thời điểm Trung Quốc bắt đầu lấy nước vào hồ chứa của 2 đập thủy điện Mạn Loan và Đại Chiếu Sơn trên Vân Nam.
Rồi vào nửa năm đầu 2004, mực nước đã xuống thấp hơn nữa trong toàn Vùng Hạ Lưu, không phải chỉ ở Thái Lan, Lào mà cả ở Căm Bốt và đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam.
Odd Bootha, 38 tuổi, anh lái đò bến Chiang Khong bắc Thái, đã than thở, “Nếu Trung Quốc cứ xây thêm đập thì sông Mekong chỉ còn là một con lạch.” Tình cảm bài Hoa rất mạnh ở vùng bắc Thái, chính dân làng đã công khai chống lại kế hoạch phá đá phá ghềnh thác khai thông sông Mekong của Trung Quốc.
Với Căm Bốt, ai cũng biết rằng trái tim Biển Hồ chỉ còn nhịp đập khi sông Mekong còn đủ nước chảy ngược vào Biển Hồ trong mùa lũ, như một bảo đảm cho nguồn cá và vựa lúa của người dân xứ Chùa Tháp. Và chưa hề có bảo đảm nào cho một tương lai như vậy nếu không muốn nói là đã có những dấu hiệu xấu về một Biển Hồ đang chết dần.
Cũng vẫn theo Fred Pearce, tác giả cuốn sách “Khi Những Con Sông Cạn Dòng, Nước – Khủng Hoảng của Thế Kỷ 21” xuất bản 2006, trong chương sách viết về con sông Mekong đã có ghi nhận:
“... Cuối năm 2003 và đầu năm 2004 là thời gian tuyệt vọng trên Biển Hồ. Cơn lũ mùa hè thấp hơn. Thời điểm con sông Tonle Sap chảy ngược vào Biển Hồ đến trễ hơn và cũng chấm dứt sớm hơn. Thay vì 5 tháng con sông đổi dòng nay chỉ còn có 3 tháng. Rừng lũ / flooded forest thiếu ngập lũ và cá thì không đủ thời gian để tăng trưởng... Và mùa thu hoạch cá chưa bao giờ thấp như vậy. Tại sao ? Đa số ngư dân đổ tại con sông cạn dòng. Khi con nước cạn trước hoàng cung, thì sẽ không có cá dưới sông.”(3)
Cũng dễ hiểu là để có đủ nước vận hành những turbines trong các đập thủy điện Vân Nam, Trung Quốc đã thường xuyên đóng các cửa đập khiến mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất. Phía tả ngạn bên Lào, chỉ riêng trong tháng 3/2004, tổ chức du lịch đã phải hủy bỏ 10 chuyến du ngoạn trên sông chỉ vì những khúc sông quá cạn. Chainarong Sretthachau, giám đốc Mạng Lưới Sông Đông Nam Á cho rằng “Trung Quốc đã có quyền lực để kiểm soát dòng sông Mekong.”
Sự chối từ của Trung Quốc tham gia vào Ủy Hội Sông Mekong khiến tổ chức này trở nên vô nghĩa trong nỗ lực điều hợp khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên của con sông Mekong.
CƠN KHÁT NĂNG LƯỢNG CỦA TRUNG QUỐC
Thực hiện thông điệp của Đặng Tiểu Bình “Chỉ Có Một Lựa Chọn: Sự Phát Triển”, Bắc Kinh đã chọn con đường phát triển bằng mọi giá, bất kể hậu quả môi sinh ra sao ngay cả trong đất nước Trung Quốc kể gì tới các quốc gia hạ nguồn. Do nhu cầu điện năng gia tăng 5-6% mỗi năm, để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế nhảy vọt, trước viễn tượng nguồn dầu khí ngày càng cạn kiệt, Trung Quốc ngoài việc gia tăng tốc độ xây thêm các lò điện nguyên tử, từ 1 tới 2 lò mới mỗi năm (National Geographic, Aug 2005). Đi xa hơn nữa, nếu không gặp sự chống đối mạnh mẽ từ các nhà lập pháp Mỹ, Công Ty Dầu Khí Ngoài Khơi Nhà Nước Trung Quốc CNOOC đã thành công mua đứt Unocal, công ty dầu khí lớn thứ hai của Mỹ với 18.5 tỉ Mỹ kim để sở hữu nguồn dầu khí chiến lược và cả khống chế quyền khai thác các túi dầu trên toàn Biển Đông. [NY Times, Aug 3, 2005].
Với khát vọng vô hạn về năng lượng, rõ ràng không có dấu hiệu nào và cũng là ảo tưởng nếu nghĩ rằng Trung Quốc sẽ dừng bước hay chậm lại các kế hoạch khai thác nguồn thủy điện vô cùng phong phú của con sông Mekong.
Nhận định về các kế hoạch khai thác sông Mekong của Trung Quốc, Tyson Roberts thuộc Viện Nghiên Cứu Nhiệt Đới Smithsonian [Mỹ] đã phát biểu: “Xây các đập thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng sông... Các bước khai thác của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong đang chết dần, cũng giống như con sông Dương Tử và các con sông lớn khác của Hoa Lục.”
Như một điệp khúc, chỉ có tác dụng ru ngủ, Bắc Kinh lúc nào cũng khăng khăng với lập luận là ảnh hưởng chuỗi đập Vân Nam trên sông Mekong là không đáng kể và còn có lợi nữa. Các con đập sẽ tạo thuận cho “chu kỳ lũ hạn hàng năm”, khai thông dòng sông sẽ làm gia tăng trao đổi thương mại trong vùng và giúp giảm nghèo.
Nhưng cũng công bằng mà nói, không phải tất cả suy thoái của con sông Mekong là đến từ Trung Quốc. Cũng phải kể tới phần ảnh hưởng phụ cộng thêm vào từ những con đập phụ lưu của Thái, Lào và Việt Nam, và mới đây là kế hoạch phục hoạt xây thêm 11 con đập lớn chắn ngang dòng chính sông Mekong dưới Hạ Lưu, chắc chắn sẽ càng làm suy thoái trầm trọng thêm toàn hệ sinh thái và giết chết dòng sông Mekong cũng là mạch sống của đồng bằng sông Cửu Long.
Sự thịnh vượng cho Lưu Vực là điều hứa hẹn nhưng chưa tới, và đã tới những hậu quả nhãn tiền do các bước khai thác tự hủy và thiếu trách nhiệm của Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên sông Mekong, vốn là một con sông quốc tế, gây ảnh hưởng tác hại trực tiếp tới 70 triệu dân cư sống ven sông.
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ HÂM NÓNG TOÀN CẦU
Tổ chức WWF đã đưa ra lời cảnh báo khối băng tuyết trên rặng Hy Mã Lạp Sơn, vốn là nguồn nước cho 7 con sông lớn của châu Á (sông Mekong, Salween, Dương Tử, Hoàng Hà và con sông Hằng, Indus, Brahmaputra), do hiện tượng hâm nóng toàn cầu, nay đang bị co lại với vận tốc từ 10 tới 15 mét / năm, do gia tăng tốc độ tuyết tan, với hậu quả ngắn hạn là làm tăng lưu lượng nước các dòng sông. Nhưng theo Jennifer Morgan, giám đốc Chương Trình Biến Đổi Khí Hậu Toàn Cầu (WWF for Nature’s Global Climate Change Programme), chỉ vài thập niên sau đó, tình hình sẽ đảo ngược với mực nước các con sông sẽ xuống rất thấp trong đó có con sông Mekong.(5)
WWF đã báo động tới nhóm các quốc gia kỹ nghệ G8 : “Thế giới sẽ phải đương đầu với thảm họa nếu mức độ hâm nóng toàn cầu không được giảm thiểu.” Tưởng cũng nên nhắc tới ở đây, siêu cường kỹ nghệ Hoa Kỳ dưới triều đại Bush là nước duy nhất trong số 155 quốc gia từ chối ký tên vào Nghị Định Thư Kyoto. Không phải chỉ có Trung Quốc, chính sách môi sinh thiển cận của tổng thống Bush trong một tương lai xa, cũng đã góp phần khiến những con sông thêm cạn dòng.
GIẢI PHÁP NGẮN HẠN ĐỂ SỐNG CÒN
Với Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Ánh Nguyệt / RFI [12/2004] khi được hỏi về tình trạng nhiễm mặn ngày càng trầm trọng nơi đồng bằng sông Cửu Long từ ngày Trung Quốc không ngừng tiến hành xây những con đập khổng lồ Vân Nam, giáo sư Võ Tòng Xuân, từng là trưởng Khoa Nông Học Đại Học Cần Thơ, một tên tuổi được gắn liền với giống lúa cao sản Thần Nông, nguyên viện trưởng Đại Học An Giang, đã phát biểu: “Nông dân đồng bằng sông Cửu Long thích nghi nhanh, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, bỏ hẳn giống lúa cổ truyền, chuyển sang trồng lúa cao sản, nên chủ động tránh được lũ cũng như hạn hán. Ở những vùng bị nhiễm mặn, thay vì trồng lúa thì chuyển qua những loại cây khác hay chuyển qua sản xuất nuôi tôm xú chịu được nước lợ, rồi phong trào nuôi cua biển đang phát triển mạnh, người nông dân sẽ dùng nguồn nước mặn này để nuôi thủy sản với giá thành cao hơn là trồng lúa.
Hiện nay, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đang vận dụng công nghệ sinh học, tìm những genes chịu mặn nhằm lai tạo những giống lúa cao sản tương đối chịu mặn hơn các giống lúa thường. Xa hơn nữa, Việt Nam đang cùng với nhóm MEREM / Mekong Resources Economic Management, do Nhật Bản tài trợ, nhằm nghiên cứu những thay đổi môi trường nước cũng như của đa dạng sinh học trên sông Mekong, để từ đó có thể khuyên cáo những chánh phủ liên hệ nên sử dụng nguồn nước sao cho an toàn hơn.”
THÁCH ĐỐ CỦA THẾ KỶ 21
Vẫn không có câu trả lời ai sẽ thực sự trách nhiệm “duy trì dòng chảy tối thiểu” của con sông Mekong trong mùa khô cũng như mùa lũ để có dòng chảy ngược từ con sông Mekong vào Biển Hồ, để nước mặn từ ngoài biển Đông không tiếp tục lấn vào sâu và xa hơn nữa nơi đồng bằng sông Cửu Long ?
Hình ảnh ước lệ của hơn nửa thế kỷ trước về một đồng bằng sông Cửu Long, với ruộng vườn thẳng cánh cò bay, tôm cá đầy đồng, thì nay tất cả đã đi vào quá khứ. Gần đây có dịp trở lại viếng thăm, để chỉ thấy trên toàn cảnh là một đồng bằng sông Cửu Long đang suy thoái và cứ nghèo dần đi.
Nước ngày càng khan hiếm, với kinh nghiệm của người xưa “thượng nguồn tích thủy hạ nguồn khan” tưởng như là hiển nhiên nhưng vẫn cứ bị Bắc Kinh phủ nhận và cả các chánh phủ vùng Hạ Lưu xem nhẹ.
Rồi ra thời gian sẽ cho chúng ta “một bài học” nhưng sẽ là quá trễ nếu hệ sinh thái con sông Mekong đã suy thoái tới mức không còn có thể đảo nghịch. Rồi ra các thế tương lai sẽ chẳng bao giờ được biết tới những con cá Pla Beuk, cá Dolphin là những chủng loại quan trọng / flagship species, vì đó là biểu trưng cho sự trong lành của hệ sinh thái sông Mekong đang trên đà bị tiêu diệt.
TÌM MỘT NGỌN HẢI ĐĂNG CHO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Cho dù không có phương cách nào có thể ngăn Trung Quốc không tiến hành kế hoạch điện khí hóa vĩ đại của họ nhưng ở một chừng mực nào đó thì “những khiếm khuyết và thiếu an toàn trong mỗi dự án xây đập của Trung Quốc và nay thêm 11 con đập Hạ Lưu, phải được biết tới, để theo dõi và bổ sung.”
Điều ấy đòi hỏi cho một chiến lược bảo vệ môi sinh với “tầm nhìn xa”, với một đội ngũ chuyên viên không chỉ có trình độ mà còn có lòng thiết tha với công việc chuyên môn của họ.
Cách đây 39 năm trong bài diễn văn “xuất trường” của Viện Đại Học Cần Thơ (19/12/1970), Giáo sư Đỗ Bá Khê đã có một tầm nhìn rất xa về vai trò của Viện Đại Học này đối với tương lai vùng đồng bằng sông Cửu Long : “Trong thời đại khoa học kỹ thuật, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang trông chờ nơi ánh sáng soi đường của Viện Đại Học Cần Thơ và ước mơ một chân trời mới, tô điểm bằng những cành lúa vàng nặng trĩu, những mảnh vườn hoa quả oằn cây, dân cư thơ thới, một cộng đồng trù phú trong một xã hội công bằng.”
Với con Sông Mekong đang cạn dòng, đồng bằng sông Cửu Long ngày thêm nhiễm mặn, thì vai trò “Ngọn Hải Đăng Trí Tuệ” của Đại Học Cần Thơ với Phân Khoa Sông Mekong chưa bao giờ cấp thiết đến như vậy. Đó sẽ là một “think tank”? một trung tâm nghiên cứu giảng dạy và là nguồn cung cấp chất xám không chỉ cho đồng bằng sông Cửu Long, mà cả cho toàn lưu vực sông Mekong. Với từng bước thực hiện:
- Xây dựng một thư viện chuyên ngành với tất cả sách vở tài liệu liên quan tới con sông Mekong.
- Thiết lập ban giảng huấn ngoài thành phần cơ hữu của nhà trường, sẽ bao gồm các chuyên gia của Ủy Hội Sông
Mekong, nhóm Chuyên Viên Tham Vấn Quốc Tế bên cạnh Ủy Hội. Họ sẽ được mời như những giáo sư thỉnh giảng, cho Phân Khoa Sông Mekong. Tài liệu giảng của họ sẽ là nguồn thông tin vô cùng quý giá do từ những đúc kết qua thực tiễn.
- Tuyển sinh từ thành phần ưu tú biết ngoại ngữ, nhằm hướng tới đào tạo các kỹ sư môi sinh, ngoài phần lý thuyết họ sẽ được tiếp cận với thực tế bằng những chuyến du khảo qua các trọng điểm của con sông Mekong, qua các con đập, và không thể thiếu một thời gian thực tập tại các cơ sở của Ủy Hội Sông Mekong. Họ sẽ ra trường với một tiểu luận tốt nghiệp về những đề tài khác nhau liên quan tới hệ sinh thái của con sông Mekong.
- Về phương diện chánh quyền, cần thiết lập ngay một mạng lưới “Tùy Viên Môi Sinh” (Đã có những tùy viên quân sự, văn hóa trong mỗi tòa đại sứ, tại sao không thể có tùy viên môi sinh), đặc trách sông Mekong trong các tòa đại sứ và sứ quán tại các quốc gia trong lưu vực, như tòa lãnh sự Việt Nam ở Côn Minh Vân Nam, bốn tòa đại sứ Việt Nam ở Miến Điện, Thái Lan, Lào và Căm Bốt. Họ sẽ là tai mắt, là những trạm quan sát sống cho Phân Khoa sông Mekong và bộ Bảo Vệ Môi Trường.
Trước 1975, Thái Lan đã có Viện Y Khoa Nhiệt Đới Đông Nam Á, tại sao không thể nghĩ tới một Phân Khoa Sông Mekong tại Viện Đại Học Cần Thơ cho 6 quốc gia trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong. Thành phần sinh viên không phải chỉ có Việt Nam mà có thể cả những sinh viên đến từ Thái Lan, Lào và Căm Bốt và cả từ Trung Quốc, Miến Điện.
Việc cấp học bổng cho các sinh viên đến từ các quốc gia trong lưu vực sẽ đến từ cấp Nhà Nước. Phải xem đây như một kế hoạch đầu tư dài hạn và rất ý nghĩa cho “Một Tinh Thần Sông Mekong” trong toàn bộ các kế hoạch hợp tác và phát triển vùng.
Với trình độ kiến thức và tinh thần liên đới của đám sinh viên đa quốc gia sẽ là nguồn chất xám bổ sung cho Ủy Hội Sông Mekong, cho các chánh phủ địa phương đang bị thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Lớp chuyên viên trẻ đầy năng động này cũng sẽ là mẫu số chung nối kết mở đường cho các bước hợp tác phát triển bền vững của 6 quốc gia trong toàn lưu vực sông Mekong.
Dĩ nhiên, có một cái giá phải trả để bảo vệ con Sông Mekong và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với tâm niệm rằng “nói tới nguy cơ là còn thời gian, trong khi tiêu vong là mất đi vĩnh viễn”.
Ngô Thế Vinh
California, July 2009
Tham Khảo:
1/ Agreement on the Cooperation for the Sustainable Development of The Mekong River Basin, Chiang Rai, Thailand 05 Apr 1995
2/ Sparks fly as China moves oil up Mekong, Marwaan Macan-Makar, Bangkok 01-09-2007; IPS and Asia Times Online
3/ When The Rivers Run Dry, Water – The Defining Crisis of The Twenty First Century. Fred Pearce, Beacon Press, Boston, Massachusetts 2006
4/ Hiroshi Hori. The Mekong: Environment and Development. United Nations University Press, Tokyo 2000.
5/ Global Warming is causing Hymalayan glaciers retreat, threatening to cause water water shoratges, Geneva, Mar 14, 2005, [AFP]
6/ Progress In Water Management at the Mekong River Basin, MRC Presentation at Third WWF, INBO Official Session 20 Mar 2004
7/ Plan for Massive Dam On Mekong, Project likely to draw protests from neighbours, The Nation Bangkok Thailand, November 04, 2007
8/ Construction of a Major Hydroelectric Dam on the Mekong River in Thailand Could Have Grave Implication. Fergal Quinn and Lor Chandara, The Cambodia Daily November 7, 2007
9/ Mainstream Dams: An Engineer’s Dream, A Fisher’s Curse, Gary Lee
Watershed, Vol.12 No.3 November 2008
10/ The Damming of The Mekong: Major Blow to An Epic River,
Fred Pearce, Yale Environment 360 Jun 17, 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét