Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Tiểu thuyết "Gối lụa" (tiếp theo)

Chương 4

Người đi tìm quá khứ


Mới đó mà đã 33 năm mình xa nhà rồi sao ? Thời gian qua nhanh như vó câu cửa sổ. Mới đó mà mình đã xa nhau 33 năm rồi Quá Khứ nhỉ ( 1978 - 2011 ). Chợt Tình thấy giọt nước mắt rớt xuống bàn phím, mới hay mình đang khóc. Vị mằn mặn của nước mắt giống như vị mằn mặn của mồ hôi của mẹ, của cha, của biển Đông trên đường tìm tự do, khiến Tình nhớ lại thời loạn lạc nhất của quê hương.

Ngày đó, Tình nằm võng bên cạnh cái võng của mẹ, hai mẹ con nhìn nhau, không ai nói lời nào, hình như bà đọc được tư tưởng con gái, ánh mắt bà như van nài:
- Ở nhà với mẹ đi con, đừng đi, vượt Biển Đông nguy hiểm lắm, nhỡ gặp hải tặc nữa thì...
Tình thì nén tiếng khóc, mặc dù muốn xà tới ôm mẹ vào lòng, khóc, và sẽ nói:
- Mẹ ơi, con thương mẹ lắm, con không muốn đi đâu hết, nếu không có mẹ.
Nhưng nước mắt bị nuốt ngược vào trong, không khí thật nặng nề. Vậy mà đã 33 năm rồi đó. Mẹ cha cũng không còn trên cõi đời này nữa. Quá Khứ ơi, 33 năm trôi qua, bao nhiêu thay đổi, nay anh có còn là anh, em có còn là em của ngày xưa?

Trên đồi gió mùa Thu bắt đầu lạnh. Bên trong khung cửa sổ, Tình dường như không nghe bất kỳ tiếng động nào, ngoại trừ sự di động của đôi bàn tay mình và nàng nghe tiếng gõ lóc cóc trên bàn phím. Nàng biết, anh bên kia đời cũng đang gõ gõ những dòng chữ nhớ thương gửi cho người yêu. Cuộc sống ở đây tĩnh lặng quá, có tĩnh lặng thật không hay là cảm xúc ngày xưa sẽ như cơn sóng thần dồn dập mạnh mẽ xua đến tràn ngập bến bờ bình yên của lòng mình? Từ cú phôn của anh khiến Tình trở thành người-đi-tìm-quá-khứ, quay ngược dòng thời gian, để hội ngộ mẹ cha và người xưa, bạn cũ. Trong chuỗi quá khứ đời người ấy sân ga chiếm một vị trí khó quên trong tâm khảm. Khi xưa còn sống trên Bắc Âu năm 1978, cô đã từng đi lầm lũi ở nhà ga Copenhagen từ nhà tới trường, và lần cuối cùng dọn nhà theo chồng rời Copenhagen về Tây Đức năm 1981. Từ đó sân ga đối với nàng là hình ảnh biệt ly. Cô Tình thì rất sợ biệt ly.

Ngày ấy còn đi trọ học ở Mỹ Tho, cô Tình sợ nhất là đêm về, tối về nàng thường co ro trong căn nhà trọ nhỏ không đầy mười hai mét vuông - hai phòng - phía trước dành cho cô bạn nhỏ tuổi hơn mình, tên Vũ, hai đứa chia nhau trả tiền nhà, phòng phía sau chỉ có một chiếc giường đơn nhỏ xíu, đó là giang sơn bé tí của Tình khi đi trọ học. Căn nhà trọ này gần trường, chỉ cần đi bộ ra đầu hẽm rồi băng qua con lộ cái là tới cổng trường sư phạm. Đi bộ vài phút là đến trường.

Có những đêm cô Vũ vắng nhà, đang ngủ nàng nghe tiếng loạt xoạt trên mái tôn, như có tiếng chân ai đang đi trên ấy. Sợ trộm cướp, nàng trùm chăn kín mít nhắm mắt cố dỗ giấc ngủ. Khi có người yêu rồi, Quá Khứ hay đến nhà trọ thăm, có khi Tình năn nỉ anh ở lại, dù anh còn phải học bài thi, chiều người yêu, Quá Khứ thỉnh thoảng ngủ lại canh trộm cho người yêu đỡ sợ. Có đêm, nghe tiếng lộp cộp trên mái tôn, chàng đứng dậy chống nạnh hét lớn:
- Thằng mất dạy nào đi trên đấy đấy, coi chừng " ông " lấy cây đập cho chết m...bây chừ !
Tình rất an tâm khi có anh cạnh bên lo lắng. Mấy đứa bạn gái hay nói bóng nói gió:
- Trời ơi thấy anh Quá Khứ thương và lo lắng cho con Tình mà bắt ham, ước gì tui kiếm được người yêu như vậy.
Quanh xóm mấy đứa giáo sinh sư phạm chưa kịp làm quen ai - vì sáng trưa chiều đều tới trường, trưa về nghỉ trưa nấu cơm và tối về, hâm cơm lại ăn, rồi học bài và đi ngủ. Thường khi tối đến, Tình hay theo bạn bè vào lớp có đèn điện để ôn bài thi, có hôm về đến nhà trọ thì mới tá hỏa, quần sa teng đen và áo dài trắng đi học đã bị trộm lẻn vào lấy cắp mất rồi - vải vóc sa teng đen và áo dài soa trắng sau cuộc đổi đời thì mắc như vàng. Những cái áo dài tha thướt đó, quần sa teng bóng mượt đó là thứ hàng xa xí phẩm còn sót lại của thời trước năm 75, giờ làm sao sắm nổi chứ! Thế là mất toi quần áo cô nữ sinh để dành diện khi đi học, từ đó nàng chỉ vận đồ Tây đi học, nghĩa là quần và áo sơ mi, hay áo kiểu, hoặc áo bà ba mà thôi. Tà áo dài với chiếc nón bài thơ e ấp mái tóc che nghiêng đã biến mất trên hè phố sau biến cố 75.

Trong đám bạn bè thời ấy có Dung, Thuyết, Lệ Hoa, Trang, Tuyết, Đông, còn anh lớp trưởng tên Thượng, và nhiều nữa, nay nàng đã quên gần hết. Lại có ông thầy chủ nhiệm tên Cao Phú An, đẹp trai trắng trẻo, khoảng chừng chưa ngoài hai mươi bốn tuổi, chưa vợ, dân Nghệ Tỉnh. Cán bộ ngành Giáo dục miền Bắc vào Nam công tác - sau khi miền Nam bị chiếm đóng, những kiểu áo quần nón cối bộ đội làm cho dân miền Nam nhìn thấy có vẻ gì mới mẻ, pha lẫn sợ hãi, dọa nạt.

Nhớ năm ấy trường tổ chức đi thủy lợi, sau một ngày trời công tác hăng say dưới nắng, lội sình quần áo lếch thếch, mặt mũi tóc tai lem luốc, ông thầy chủ nhiệm Phú An theo dõi Tình tự khi nào, ông buộc miệng nói:
- Trông em thấy tội nghiệp, giống như là con nhà tư bản mại sản đang bị trừng phạt vậy.
Đêm về, cả nhóm ngồi quây quần dưới ánh trăng, đốt lửa trại gần giòng sông quê êm đềm. Thầy Phú An có giọng hát cao vút, ngọt ngào " Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở ....", lát sau cả nhóm yêu cầu cô Tình hát giúp vui, nàng hưởng ứng với bài " Cô Lái Đò ". ( Thơ Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Đình Phúc ), lời như sau:

Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi.
Cô đành lỡ ước với tình quân.
Bỏ thuyền.
Bỏ bến.
Bỏ giòng sông.
Cô lái ngày xưa đi lấy chồng.
Vắng bóng cô em từ dạo ấy.
Để buồn cho những khách sang sông.

Lời thơ Nguyễn Bính như nức nở, về khuya trăng càng lên cao vời vợi, gió đưa đọt lúa vi vu, dưới mé ruộng thầy trò tụm năm tụm bảy say sưa văn nghệ, sương khuya thấm ướt tóc, mọi người lục đục đứng lên dẹp lửa trại, chuẩn bị về nhà trọ ngủ để sáng mai làm thủy lợi tiếp. Thầy tiến tới gần cô nữ sinh của mình tặng nụ cười đầy thiện cảm. Có thầy đứng gần, Tình cúi đầu xuống đất lúng túng, chẳng biết nên nói gì, cô tức mình sao mình không tự nhiên trò chuyện với thầy như tụi con Dung, con Trang. Dần dà thầy chủ nhiệm thấy mình yêu cô nữ sinh lớp mình hướng dẫn mất rồi, thầy tỏ tình, trong khi chờ đợi nàng lên tiếng, thầy vui vẻ về Bắc nghỉ hè thăm gia đình ngoài ấy - Không biết tính sao, nàng bèn đem chuyện tỏ tình của thầy cán bộ miền Bắc về hỏi ý kiến gia đình, cả nhà đều phản đối cấm không cho con gái lấy chồng cán bộ Bắc kỳ, lý do sợ con mình sẽ theo chồng về ngoài Bắc cực khổ gian truân, nhất là dưới chế độ XHCN còn quá mới tại miền Nam. Mà thật ra tình cảm giữa thầy trò cũng chưa có gì gọi là yêu thương cả.

Cô Tình là con gái ở tỉnh nhỏ hiền lành, mới lớn, ngoan, hay nghe lời cha mẹ. Dưới tỉnh ấy, cũng có vài chàng đeo đuổi là chuyện bình thường, trong đó có cả anh Năm (Mắt Lòi ) nữa chứ. Anh Năm là anh chàng phó ty Kinh tế tài chính, đảng viên, có quyền hạn, chức vị và tiền bạc. Anh Năm hay biếu ba mẹ nàng sữa Ông Thọ, đường cát trắng, thịt heo và vải vóc, mỗi dịp Tết hay nhà có giỗ anh thường vào xăn tay áo lăng xăng giúp tỏ vẻ thân thiện. Gái mới lớn vào tuổi cập kê, có vài mối tới hỏi, nhưng nàng chưa biết chọn lựa ai, vì Tình chưa yêu ai hết, khi lớn lên thâm tâm nàng hay ghi nhớ câu người xưa nói rằng: Làm thân con gái như mười hai bến nước, trong nhờ, đục chịu. Đứng trước ngưỡng cửa tình ái, hôn nhân càng làm cho nàng hoang mang hơn. Thời gian mới vào trường sư phạm, thì cũng là lứa tuổi bước vào tình yêu đã chín mùi, được thầy giáo tỏ tình, trong khi Tình và anh Quá Khứ chưa quen nhau, cho đến một ngày định mệnh réo gọi...


(còn tiếp)

Võ thị Trúc Giang Lúa9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét